VĂN HÓA CỘI NGUỒN TRONG LỄ CHẠP HẰNG NĂM Ở LÀNG KẾ VÕ

      Lễ Chạp hàng năm


     Hằng năm vào trung tuần tháng 8 âm lịch, từ ngày 15 đến ngày 25, bà con các Tộc Họ ở Làng Kế Võ tổ chức lễ chạp để tảo mộ ông bà tổ tiên, đây là một truyền thống văn hóa được gìn giữ lâu đời của nhân dân làng Kế Võ. 
    Dù đi đâu, về đâu mọi con dân của làng đều lục đục kéo nhau về làng về Họ của mình để trước hết thắp nén nhang cho người thân đã mất, sau đó đi thăm viếng bà con nội ngoại hai bên và bà con láng giềng. Tới sáng sớm ngày 20 tháng 8 âm lịch, theo tiếng kẻng ba hồi của làng, toàn thể nam giới tập trung ra nghĩa trang làng, với cuốc xẻng, cào, chổi, trang trong tay họ bắt đầu Chạp mộ - quét dọn, nhổ cỏ, sửa sang phần mộ của các vị Khai Canh và Khai Khẩn của tất cả các Tộc Họ được vinh danh là các Thần Hoàng Làng sau đó thắp nhang cho phần mộ của các vị và tạm chia tay trở về nhà mình. Tới buổi trưa cùng ngày, tất cả dân làng tự động kéo tới Đình Làng để dự lễ Chạp làng, lễ Chạp được tổ chức rất trang trọng gồm nhiều cuộc lễ : Trước hết là lễ Cung Nghinh, ban lễ và các vị chức sắc của làng, các Tộc Trưởng các Tộc Họ cùng toàn thể dân làng, có chiêng, trống, ban nhạc, cờ, phướng đầy đủ cử hành nghi lễ Cung Nghinh – đi đến các đền, miếu, am khắp trong làng rước các vị thần, các chư vị Bổn Thổ Thần Hoàng … về đình để dự lễ Chạp với con dân của làng. Khi đã an vị, thì lễ cúng Cô Hồn được bắt đầu, cũng với nghi thức trang trọng như chính lễ, nhưng khác nhau ở đây là lễ cô hồn được thiết cúng ở sân đình – Đây là lễ cúng cho các Cô Hồn vô danh, các nạn nhân chiến cuộc, hoặc những anh hùng liệt sĩ vì nước quên thân – vì một lí do nào đó mà phần hồn không thể trở về quê hương bản quán được. 
      Vật cúng gồm tất cả những gì dân làng làm ra được kể cả khoai, sắn, đậu, bắp, mía các loại hoa quả ..., trong lễ cúng này, bài văn tế cúng Cô Hồn được đọc lên nghe rất ai oán nhưng trang trọng với sự thành kính của toàn thể dân làng. Sau lễ cúng Cô Hồn là tới Lễ Chạp – Chính lễ của làng Kế Võ xưa kia với nhiều nghi thức rất phức tạp và phân biệt đẳng cấp, thế thứ của các dòng Họ trong làng. Nhưng từ năm 1975 tới nay đã được đơn giản hóa, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa cội nguồn truyền thống. Trước đây chỉ có ba Họ Đinh, Hoàng, Nguyễn Viết được gọi là Tam Tôn Khai Canh lập làng mới được thay nhau đứng làm chủ tế, nay thì các Họ còn lại vẫn được luân phiên làm chủ tế. Vào chính lễ, Tộc Trưởng của ba Họ được luân phiên làm chủ tế hằng năm vào hầu ở ba gian và cũng với nghi thức trang trọng, chính lễ được tiến hành trong sự thành kính của dân làng. Sau cuộc lễ, tiệc cúng được hạ xuống và sắp đặt vào tiền đường, hoặc rạp trước sân đình, toàn thể dân làng được mời dự tiệc, trong buổi tiệc sẽ có những lời phát biểu chào mừng của đại diện làng, thông báo tin tức của làng, trao giải khuyến học cho các cháu nhà nghèo học giỏi và ôn lại một vài nét truyền thống văn hóa văn hiến của làng.
    Cái giá trị nhất ở đây, trong cuộc lẽ này là cuộc sum họp, gặp gỡ với những cái bắt tay, những câu chào, câu đùa dí dỏm …của mọi con dân của làng đang li hương trên khắp mọi miền của đất nước – tề tựu về đây, mừng mừng tủi tủi hỏi thăm nhau về con cái, về công việc làm ăn, về công danh sự nghiệp. Chia buồn với nhau về những tai ương ở đời nếu một ai đó vấp phải. Chúng tôi cũng đã từng chứng kiến những cuộc tìm về cội nguồn của thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của một số thành viên là con dân của làng diễn ra rất cảm động …
    Sau cuộc tiệc, toàn thể dân làng vội chia tay nhau về lo phận sự ở từng Họ Tộc riêng của mình. Ba Họ lập làng là Đinh, Hoàng, Nguyễn Viết được ưu tiên làm lễ Chạp trước vào ngày 21 tháng 8 âm lịch, các Họ Trần, Nguyễn Đình và Họ Phạm – được phép tiến hành lễ Chạp vào ngày 22 tháng 8, các Họ còn lại gồm Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đăng và Họ Ngô tiến hành lễ chạp vào ngày 23 tháng 8 – tức là ngày cuối cùng. Lễ Chạp ở các Họ được tiến hành gồm hai ngày – với hai cuộc lễ riêng biệt. Như ở Họ Đinh của chúng tôi là vào buổi chiều của ngày 20 tháng 8 là lễ Tiên Thường - tức là rước ông bà tổ tiên về dự lễ Chạp ngày mai, cuộc lễ này được tổ chức đơn giản gồm chiêng, trống, nhạc lễ và tiệc cúng được tiến hành với ba tuần rượu, không có văn tế. Sau cuộc lễ là bữa tiệc cúng nhỏ gồm các vật cúng được hạ xuống, toàn thể bà con trong Bổn Tộc được mời tham dự. Việc ngồi cho đúng chỗ trong những dịp như thế này rất được coi trọng; được sắp xếp theo thế thứ - từ ông cha chú bác xuống tới con cháu, các địa vị chức phận ngoài xã hội không được áp dụng ở đây. Thế thứ này được hình thành từ xa xưa, được tất cả thành viên trong dòng họ chúng tôi tự giác thực hiện, vì chúng tôi đã có lệ  bất thành văn “ ăn xem nồi, ngồi xem hướng”. Trong bữa cơm thân mật này, ban điều hành của dòng họ sẽ phân công cụ thể công việc cho ngày mai của từng thành viên, đồng thời tổng kết các công việc trong một năm giữa hai kì Chạp – về tiền bạc về các kế hoạch sắp tới, về các ý kiến cần giải đáp…Ngày xưa, buổi tối này tất cả các con cháu nam đều được yêu cầu ngủ lại Từ Đường để phụ làm heo, bò và nấu nướng với các bậc cha mẹ, để cùng hàn huyên tâm sự vui đùa với nhau …Tới khuya, sẽ được các cụ thưởng cho một nồi cháo nấu với ruột già của heo cực kì ngon, sau đó cùng ôm nhau nằm chen chúc trên các chiếc chiếu trải trong nền của nhà thờ Họ ngủ ngon lành (ngày nay với nhiều lí do khác nhau việc này đã không còn).
   Vào sáng sớm của ngày 21, từ rạng sáng các chị em phụ nữ đã được phân công trước, tập trung tại nhà Tăng của Từ Đường để nấu nướng. Khi trời rạng sáng, sau một hồi trống dài toàn thể Nam giới của tộc Họ đều tập trung ở nghĩa trang của làng để tiến hành Chạp Mộ Họ - Mộ Họ là mộ của các vị từ đời thứ nhất đến đời thứ năm (như Họ Đinh Khắc của chúng tôi gồm 52 ngôi ), công việc là sửa sang chăm sóc phần mộ một cách kỉ lưỡng. Sau khi xong việc, mọi người cùng tập trung về lại Từ Đường để tiến hành lễ Chạp chính thức, lễ Chạp được tiến hành sớm hay muộn là do việc nấu nướng của chị em phụ nữ, sau khi các mâm cỗ được bưng lên đầy đủ, buổi lễ được bắt đầu. Xưa kia, vì chiến tranh nên quê tôi là một trong những vùng nghèo khó nhất của tỉnh Thừa Thiên, ở các dịp cúng tế thì mâm cỗ là phần đáng lo nhất. Phải làm sao lo cho được mâm cỗ đàng hoàng kẻo mang tội với ông bà tổ tiên, với ý thức đó mâm cỗ cúng ở quê tôi lúc nào cũng tươm tất đầy đủ.
    Sau những nghi thức tế tự trang trọng trong lễ Chạp, được gìn giữ như hàng trăm năm trước, là buổi tiệc của sự đoàn viên, sum họp toàn thể quan khách và con cháu đều dự tiệc cỗ cúng nà. Đây là dịp mọi người được ngồi lại với nhau sau một năm xa cách, sau những ngày lưu lạc ly hương được trở về ngồi với nhau trước bàn thờ tổ tiên, uống với nhau một ly rượu đoàn viên. Cuộc vui này diễn ra trong trật tự, không bao giờ có chuyện say sưa hay quá chén. Dòng Họ Đinh Khắc của tôi có quy định – nghiêm cấm các thành viên trong Tộc Họ, trong các tiệc cúng của dòng Họ không được đi lại cụng ly chúc tụng nhau hoặc chúc rượu với khách mà phải ngồi nguyên tại chỗ ăn uống trong trật tự. Xưa kia, nếu vi phạm điều này sẽ bị trói vào gốc bàng (trong khuôn viên Từ Đường có hai cây bàng cổ thụ) đánh mấy chục roi.
     Trong bữa tiệc này, vị Tộc Trưởng sẽ có đôi lời với toàn thể mọi người, ôn lại một vài nét truyền thống của dòng Họ và chào mừng con cháu về dự lễ Chạp đông đủ…Sau cuộc tiệc, các thành viên của Ban điều hành sẽ công bố thu chi và thông báo  các kế hoạch cho năm tới, sau đó mọi người chia tay nhau để làm nghĩa vụ ở các chi phái của mình. Buổi chiều cùng ngày, tất cả các thành viên Tộc Họ đều tập trung ở chi phái riêng của mình – Tộc Họ Đinh Khắc có ba phái chính (nhánh), có nơi thờ tự riêng. Con cháu các phái bắt đầu tảo mộ của phái mình, việc Chạp mộ lúc này được chú ý nhiều hơn, mọi người được các cụ nhắc nhở tránh bỏ sót, vì nếu một ngôi mộ nào đó bị vô tình không được chăm sóc thì sẽ là một lỗi lớn – ý thức này đã được mọi người nhắc nhở nhau từ bao đời nay. Ngày hôm sau, lễ Chạp được tiến hành ở các nhà Phái của các Phái, cũng với các nghi thức trang trọng như ở chính lễ của Từ Đường dòng Họ, nhưng đơn giản hơn và cuối cùng cũng là bữa tiệc đoàn viên, nhưng đặc biệt là lúc này có sự tham dự đầy đủ của các chàng rể và con cháu ngoại. Cuối cùng sẽ có những lễ Chạp Lại ở từng gia đình và đó thật sự là những cuộc đoàn viên. Ngoài ra chúng tôi là những con dân của làng nếu gặp trường hợp vợ, mẹ, bà nội, bà ngoại là người làng thì chúng tôi phải có nghĩa vụ tham gia lễ Chạp ở các Họ này như của Họ cha mình.
   Cuối cùng vào ngày 25 tháng 8, khi các dòng Họ đã tiến hành lễ Chạp xong thì lễ Chạp của các xóm được tiến hành – lễ Chạp của xóm là để tưởng nhớ và cúng - cấp cho những kẻ Cô hồn không ai thờ tự và phần mộ của những kẻ không còn người thân thích, hoặc những phần mộ bị vô tình bỏ sót. Làng Kế Võ của tôi được chia thành ba xóm chính với địa giới rõ ràng của người sống cũng như người chết và cả ba xóm đều phải tiến hành nghi lễ này. Tất cả các thành viên của mỗi xóm được xếp hàng ngang đi dọc theo chiều dài theo địa giới quy định của xóm trong nghĩa trang làng và tìm những ngôi mộ còn sót lại để Chạp – sửa sang phần mộ, thắp nén nhang và chăm sóc như phần mộ của người thân mình. Có thể nói những người đã mất ở quê tôi, không bao giờ bị bỏ quên, phần mộ của Họ được chăm sóc tới bốn lần trong toàn cuộc lễ Chạp của dân làng. Sau đó lễ Chạp được tiến hành ở Am xóm (gọi là Am nhưng thực tế là một cụm các miếu thờ trong đó có một ngôi nhà ba gian khá lớn, có ba gian thờ và sân rộng rãi), với các nghi thức trang trọng như ở các lễ Chạp khác và cũng có bữa tiệc. Đây là cuộc lễ cuối cùng trong hơn một tuần, các con dân chúng tôi làm nghĩa vụ làm người - với làng, với tổ tiên ông bà, với các vị tiền hiền và các bậc sinh thành. Sau đó là cảnh kẻ ở người đi, lưu luyến bịn rịn chia tay nhau hẹn gặp lại năm sau.
   Có ai đó gọi “Quê hương là chốn đi về”, với chúng tôi còn hơn thế nữa – với những truyền thống lễ nghi, truyền thống văn hóa, văn hiến, tình thương yêu đùm bọc nhau được gìn giữ hơn 300 năm nay của dân làng chúng tôi, cũng như sự kết gắn máu mủ của các thành viên trong mỗi Tộc Họ - với chúng tôi quê hương như là một cõi tâm linh. Chúng tôi đã gìn giữ được những gì đẹp nhất, hay nhất của nét văn hóa phi vật thể trong các miền quê của đất Thần Kinh.
   Bài viết này chỉ xin nói về nét văn hóa và ý nghĩa tâm linh trong lễ Chạp tại một ngôi làng nhỏ bé của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cái khác của quê tôi so với các vùng quê khác là quê tôi quá nghèo, làng xóm vào những năm của hai cuộc kháng chiến, xơ xác tiêu điều – “Quê hương” là hai chữ đau đáu trong lòng mỗi chúng tôi, nhưng không thể sống được ở quê hương vì đất đai thì ít mà người thì đông. Mùa thu – đông thì mưa gió bão bùng, hằng năm đón nhận trung bình năm cơn bão lớn nhỏ, mùa hè thì “ đồng khô cỏ cháy, chó chạy phỏng chân”. Nên con dân của làng Kế Võ chúng tôi đã lần lượt kẻ trước người sau ra đi tìm đất sống, tìm nghề nghiệp, công ăn việc làm, sự học hành và tương lai sáng lạn hơn ở các vùng đất mới. Những ai bám trụ được ở làng thì  cũng với lí do chẳng đặng đừng hoặc tuổi tác đã lớn. Cũng vì với xuất thân như vậy, nên các thành viên của làng ra đi định cư lập nghiệp ở các nơi đều tương đối thành đạt. Khi đã có dư dã chút đỉnh họ đều tưởng nhớ đến quê hương, thường xuyên về tham dự các cuộc lễ của làng, của Họ Tộc tham gia đóng góp vật chất xây dựng làng xóm. Họ cũng về xây dựng các phần mộ của tổ tiên, ông bà cha mẹ mình rất đầy đủ và quy mô, họ sửa sang lại nhà cửa cho cha mẹ, cho ông bà tốt hơn. Các ngôi Từ Đường, đình làng, chùa làng, đường làng nhờ sự đóng góp của những người con ly hương đã được xây dựng phải nói là rất quy mô và hoành tráng, đèn điện đầy đủ, làng quê của chúng tôi hiện nay rất yên vui. Ngoài ra nghĩa trang của làng Kế Võ hiện nay có quy mô như là một khu lâm viên, với diện tích khoảng 4 km2 là nơi được tôn trọng nhất ở làng. Nghĩa trang làng tôi không có cái không khí u tịch lạnh lẽo thường thấy như các nghĩa trang ở các nơi, mà nó có cái không gian của một công viên. Dưới các gốc Tầm Bù, Cà Ổi cổ thụ là các ngôi lăng mộ được xây dựng rất đẹp khá quy mô, được chăm sóc kỹ lưỡng, luôn luôn có khói hương ấm áp, nơi chúng tôi thường lui tới. Nơi đây, tổ tiên ông bà và những người thân yêu nhất của chúng tôi đang yên giấc ngàn thu.
     Xin được mượn bốn câu thơ của Nguyễn Huy Hoàng để kết thúc bài viết này :
“ Ở nơi ấy, tuổi thơ tôi đã sống
Tôi yêu thương bằng tất cả tâm hồn
Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể
Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương”


  Xin kính tặng Quê Hương 
 Đinh Khắc Thiện



Một số hình ảnh về việc chạp mộ hàng năm.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...