Tác phẩm “Châu ô cận lục” và sự ngộ nhận lịch sử !

Tác phẩm Ô Châu Cận Lục - bản dịch của Trấn Đại Vinh.


    Sau khi Nhà Hậu Lê – Hán tự  家後黎・後黎朝 , (1427-1789) được thành lập, đã mở ra một thời đại tự chủ mới cho dân tộc, cùng với việc an dân đã có những công trình học thuật lớn ra đời như: Dư địa chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản thảo thực vật toàn yếu, Đại thành toán pháp, Hí thường phả lục, Lĩnh nam chích quái, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng đức bản đồ.    
    Giữa những thành tựu học thuật của thời kỳ phục hưng văn hóa ấy, không thể không nhắc đến "Ô châu cận lục" của Dương Văn An. Đây là cuốn địa phương chí quan trọng đầu tiên viết về vùng đất Thuận Hóa của nước Việt chúng ta ở thế kỷ XVI. Đây là một tác phẩm khoa học có giá trị văn học lớn. Tuy biết rằng trước đó Nguyễn Trãi đã viết cuốn cuốn Dư địa chí – Hán tự  輿地誌 (1435) , đây chính là tác phẩm "điạ lý học lịch sử đầu tiên của Việt Nam. Nhưng xét về mặt địa phương chí và lịch sử vùng Thuận Hóa thì đây là cuốn sách quý giá có giá trị cực kỳ lớn lao với mọi từng lớp cư dân xứ Thuận Hóa từ xưa đến nay.
     - Châu ô cận lục (Hán tự: 烏州近, có nghĩa  "ghi chép về Ô Châu gần đây") do Dương Văn An (楊文安) (1514 1591) viết từ năm 1553, sửa chữa và ấn hành vào năm 1555, dưới triều vua Mạc Tuyên Tông. Là một cuốn sách Địa lý (chí) viết về một dãi đất từ Quãng Bình đến Bắc Quãng Nam vào nửa đầu thế kỷ XVI dưới thời Lê – Mạc.
    - Dương Văn An sinh năm 1513 người làng Tuy Lộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Nhưng ông cư trú ở làng Phù Diễn huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 34 tuổi (1547) đời vua Mạc Phúc Nguyên đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547), làm quan đến phó đô (ngự sử), hàm Thượng thư, tước Sùng nham hầu, được phong tặng tước Tuấn quận công
    Theo tự sự của chính tác giả trong lời bạt của cuốn sách thì ông viết hoàn chỉnh cuốn sách Châu ô cận lục vào niên hiệu Cảnh Lịch thời nhà Mạc - ngày rằm tháng sáu năm Ất Mão (1555). Khi đang giữ chức Đô cấp sự Trung lại Khoa, tước Sùng Nham Bá, trong lúc đang về cư tang ở quê nhà. Nhưng theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (ông là tác giả của bản dịch cuốn sách do nhà xuất bản Thuận hóa – Huế xuất bản năm 2009) , thì đúng ra niên hiệu khi tác giả hoàn thiện cuốn sách là Quang Bảo vì Mạc Phúc Nguyên năm 1554 đã không còn giữ niên hiệu Cảnh Lịch, theo dịch giả thì có lẽ Dương Văn An lúc này đang về cư tang ở quê nhà đã không biết sự thay đổi niên hiệu này của Vua nhà Mạc. Theo tôi hiệu đính này của học giả Trần Đại Vinh là hoàn toàn chuẩn xác vì vua Mạc Phúc Nguyên (1546 – 1561) có tới 3 niên hiệu như sau : Niên hiệu Vĩnh Định (1547), niên hiệu Cảnh Lịch (1548 – 1553), niên hiệu Quang Bảo (1554 – 1561); thời gian ông về cư tang là năm 1553 và ông ở quê nhà cư tang ba năm .
   Theo tác giả thì nhân dịp về cư tang ở quê nhà lúc ông 40 tuổi (năm 1553), trong ba năm rảnh rỗi ấy đã được dùng vào việc "đọc khắp các loại sách", ông đã gặp được hai bản chép tay của hai nho sinh đồng hương viết về hình thế sông núi , sản vật , phong tục tập quán và các nhân vật nổi tiếng ở vùng này. Ông liền khảo cứu thêm và bổ sung cũng như lược bớt những chổ rườm rà và đặt tên mới là Ô Châu Cận Lục, cũng chỉ cốt là để dùng tham khảo cho mình
   Công trình của ông hoàn tất vào năm 1555, tuy nhiên có ý kiến cho rằng do bộ sách này ra đời trong giai đoạn đất nước đang lâm vào chiến tranh loạn lạc nên chưa hề được khắc in một cách chính thức. Tuy thế sách vẫn được lưu hành qua những bản chép tay và giá trị lịch sử của nó vẫn được khẳng định qua hàng trăm sau .
    Như vậy là Dương Văn An, nhân đọc bản thảo sách chép về hai phủ Tân Bình và Triệu Phong có một tầm nhìn xa rộng, toàn diện hơn về toàn bộ vùng đất Thuận Hóa, đã tham khảo thêm các nguồn tài liệu viết, đồng thời lại khai thác nguồn tài liệu văn hóa dân gian truyền miệng để viết Ô châu cận lục thành một tác phẩm địa phương chí hoàn chỉnh. Nhiều học giả nổi tiếng sau này như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú khi soạn các bộ sách có giá trị lịch sử cao vẫn cũng lấy cuốn Ô Châu Cận Lục làm tài liệu quan trọng.
     Công trình địa phương chí nầy gồm sáu quyển :
     - Quyển một giới thiệu mô tả núi sông xứ Thuận Hóa
    - Quyển hai nói về sản vật xứ Thuận Hóa: thổ sản, lâm sản, hải sản, hoa trái chim muông, cầm thú.
     - Quyển ba có tên là : Bản đồ , liệt kê danh mục các phủ huyện, châu, xã , làng  xứ Thuận hóa, và bàn về phong hóa xứ Thuận Hóa. Đây là quyển quan trọng nhất.
    - Quyển IV nói về thành thị xứ Thuận Hóa, liệt kê, mô tả thành, chợ, trạm, bến bờ.
    - Quyển V giới thiệu, mô tả các thắng cảnh, chùa tháp, đền miếu xứ Thuận Hóa.
    - Quyển VI bàn về chế độ quan chức xứ Thuận Hóa và ghi chép tiểu sử của 102 nhân vật quê ở Thuận hóa từ đầu thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI : những người đỗ đạt cao, quan văn, quan võ, những người trung nghĩa, tiết hạnh.
     Nguyên do của bài viết này là vừa qua nhân dịp về quê tham dự lễ Chạp mộ thường niên của dòng Họ (tháng 9/ 1014), theo sự giới thiệu của của một vài vị trong giới nghiên cứu sử có một số sinh viên khoa Lịch sử của Trường Đại học Sư Phạm Huế đến tìm tôi, xin tôi giải thích và hiệu đính cho các em một số địa danh làng xã trong cuốn sách Ô châu cận lục. Đồng thời giúp các em lý giải về khởi thủy một số làng (xã) trong tỉnh Thừa Thiên – Huế; cùng một số vấn đề trong các luận văn tốt nghiệp của các em. Vì không có thời gian nên tôi chỉ dành cho các em một thời gian ngắn, sau đó có thể các em đã hiểu lầm là tôi khó khăn nên đã nhờ các thầy của các em là giảng viên khoa sử của trường nói chuyện với tôi qua điện thoại. Tôi đã giải thích với các thầy và hứa sẽ giúp đỡ các em .
     Nay cũng vì không có thời gian nên qua bài viết ngắn này tôi có một vài ý với các em như sau:
   1 . Như tôi đã giải thích cho các em, trong các bản dịch của cuốn Ô Châu Cận Lục của tất cả các học giả từ trước năm 1975 cho đến nay, theo tôi thì bản dịch của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh và nhóm cộng tác, do nhà xuất bản Thuận Hóa Huế phát hành năm 2009 - là có giá trị thực tiễn nhất. Vì tác giả là người Huế - đang sống tại tp Huế, là một cán bộ giảng dạy văn hóa Hán – Nôm tại nhiều trường Đại học. Đồng thời ông cũng là một nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Hán – Nôm có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cao. Cái giá trị nhất trong bản dịch này là dịch giả đã có rất nhiều cuộc điền giã, ông và các cộng sự đã đi và nghiên cứu ghi chép từ thực địa để chú giải và hiệu đính cho bản dịch của mình chứ không phải từ bàn giấy, như những người khác. Từ thật tế đó ông có thể biết một ngôi làng to nhỏ lớn bé thế nào, đổi tên mấy lần và hiện nó nằm ở đâu ? Còn hay bị biến mất do thời gian, do chiến tranh ?
      2 . Vấn đề thứ hai là sự ngộ nhận về lịch sử vùng miền : Trong một số dịp gần đây khi tôi được mời tham dự một số cuộc lễ của các dòng Họ tại khu vực huyện Phú Vang, và một số các cuộc gặp gỡ của các Ban Liên Lạc của một số Tộc Họ tại thành phố Huế. Chúng tôi có nghe một vài vị diễn giả đại diện cho dòng họ mình phát biểu trên diễn đàn rằng dòng Họ mình vào lập nghiệp và định cư tại vùng đất Thuận Hóa từ những ngày đầu vùng đất này được trở về nước Đại Việt (năm 1307).  Nhưng khi được hỏi, chúng tôi sau khi xâu chuỗi lại các sự kiện và hệ thống hóa lại tiến trình hình thành và phát triển của địa phương đó qua chính sử và khẳng định lại với họ rằng thời điểm đó các vị Thủy Tổ của dòng Họ quý vị chưa có ở đấy - thì họ im lặng ?
    Một số vị lại cho rằng họ đã căn cứ vào Gia Phả, nhưng chúng tôi cũng chứng minh được rằng Gia phả không thể khẳng định được điều này, vì đa phần các Gia phả ở Thừa Thiên – Huế hiện nay đều mới lập khoảng 200 năm trở lại. Phần lớn các bộ Gia phả, nhất là trong phần giới thiệu nguồn gốc tộc Họ, được ghi lại theo trí nhớ của nhiều đời sau, theo khẩu truyền, các sự kiện trình bày theo cảm quan, mơ hồ, lẩn lộn về thời gian. Một thực tế là nguồn gốc của các dòng Họ nhập cư vào Thuận Hóa vào giai đoạn này (1307-1446) hiện rất mờ nhạt. Cả một thời gian dài sau năm 1307, kể từ khi người Việt ta vào định cư ở vùng đất này với thời gian gần 200 năm sau đó đã không có một văn bản hoặc tư liệu nào của các dòng Họ được ghi chép vào thời gian này được lưu lại cho tới ngày nay. Vì qua nhiều cuộc điền dã của các nhà khoa học lịch sử, của các nhà nghiên cứu lịch sử Huế…, chúng ta đã không tìm thấy bất cứ một tư liệu nào được ghi chép vào thời gian này đang còn lưu giữ ở các dòng Họ trên toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế cả !
   Tức là con người tạo ra lịch sử, chứ lịch sử không thể tạo ra những con người, dòng họ ... được.  Nếu hiểu như các vị thì đấy là cái mà hiện nay người ta gọi là dã sử, là truyền thuyết đấy mọi người ạ !
   Theo đó, năm 1306, vua Champa là Chế Mân khi cưới công chúa Huyền Trân đã dâng hai châu Ô, châu Lý làm quà sính lễ. Vua Trần Anh Tông tiếp thu hai châu vào Đại Việt, đổi tên là châu Thuận và châu Hóa. Sau khi trở về Đại Việt, triều đình đã tổ chức di dân vào vùng đất mới, nhưng một thời gian dài sau đó những cư dân đầu tiên vẫn chỉ là những người lính vào tiếp quản vùng đất vừa được Nhà Trần tiếp nhận và những người đi theo đoàn quân làm công tác an dân, chủ yếu là quan lại, cùng một số rất ít cư dân vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã dám mạo hiểm vào lập nghiệp ở vùng đất mới. Vì như chính sử ghi lại – nhiều năm sau, khi có các cuộc nổi loạn của cư dân bản địa chống lại chính quyền mới, Nhà Trần đã cử quan Hành Khiển Đoàn Nhữ Hài vào chấn chỉnh lại việc “ an dân ”, thì cư dân người Việt lúc này mới chỉ có“ ba thôn” (là thôn La Thủy, thôn Tác Hồng và thôn Đa Bồng) như sử chép .   
   Mãi tới cuối thế kỷ 14 cư dân mới bắt đầu đông dần lên, Nhà Trần đã lập tại vùng đất Hóa Châu 7 huyện mới : Trà Kệ, Lợi Bồng, Sa lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinh với khoảng 40 làng, ấp, thôn, trại, sách. Nhưng chính sử hoàn toàn không có ghi chép tên hoặc địa danh một vùng, một làng, thôn, ấp nào cụ thể cả ?
   Hơn nữa, sau khi Vua Chế Mân chết (1307), Công Chúa Huyền Trân trở về Đại Việt (1308), quân Chiêm Thành lấy cớ này đã liên tục tấn công Châu Thuận, Châu Hóa , chiến tranh xảy ra liên miên . Đỉnh điểm là năm 1377, Vua Trần Duệ Tông vì mắc mưu trá hàng của địch đã tử trận tại kinh đô Đồ Bàn ( Bình Định ngày nay) khi đánh Chiêm Thành, quân Đại Việt đại bại rút chạy về Thăng Long, bỏ lại các vùng đất vừa chiếm được. Quân Chiêm thành đã chiếm lại Châu Thuận, Châu Hóa chiếm luôn Châu Tân Bình (Hà Tỉnh và Nghệ An ngày nay) suốt 12 năm, quân Chiêm Thành đã tàn sát và xua đuổi hầu hết người Việt khỏi vùng Thuận Hóa. Mãi cho tới tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390) trong khi đang tấn công thành Thăng Long,Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga bị quân Đại Việt bắn chết. Quân Chiêm Thành thua trận rút khỏi thành Thăng Long và rút khỏi vùng đất hai châu Hoan - Ái và vùng Thuận Hóa. Quan quân Đại Việt và người dân mới trở về tái chiếm lại vùng Thuận Hóa và mới bắt tay xây dựng lại các làng xóm mới trên vùng đất này. Với tư liệu lịch sử này thì các làng xóm được cho là đã thành lập trước mốc thời gian này liệu có tồn tại hay không, hay chỉ là những câu chuyện truyền thuyết. 
   Sau mốc thời gian này cũng trùng với thời điểm lụi tàn của Triều đại Nhà Trần, Nhà Hồ lên kế nghiệp trong một thời gian ngắn (1400 – 1407); sau đó đất nước bị Nhà Minh đô hộ hơn 20 năm (1407 – 1428). Thì đó là cả một câu chuyện dài trong một giai đoạn đau thương và đầy biến động nhất của lịch sử vùng đất này; mà câu chuyện để hình thành nên được những điểm dân cư, những làng xóm không phải là câu chuyện dễ dàng - nếu không muốn nói là không thể ?
     Lợi dụng sau khi nhà Hồ thua trận và mất nước, năm 1408 người Chiêm Thành đã vượt đèo Hải Vân tái chiếm lại Thuận Hóa. Họ lại với sách lượt cũ là xua đuổi người Việt ra khỏi vùng Thuận Hóa, áp dụng trở lại những chính sách cai trị và an dân của người Champa. Mãi cho tới năm 1428, Lê Lợi sau khi đánh thắng quân Minh đã lên ngôi Hoàng Đế gọi là Lê Thái Tổ, hiệu Thuận Thiên - đất nước trở lại thời thịnh trị. Cuối năm 1428, vua Lê Thái Tổ mới cử quan quân vào Thuận Hóa đánh bại người Chiêm Thành lấy lại Thuận Hóa - một lần nữa người Việt ta lại bắt tay xây dựng lại Thuận Hóa từ con số không. Công cuộc Nam tiến được Nhà Hậu Lê tiếp tục, Vua Lê Thái Tổ đã sai các trung thần vào ổn định xứ Thuận Hóa và bắt đầu trở lại các cuộc di dân vào Thuận hóa. Đây lại cũng là một mốc thời gian quan trọng mà những người viết lịch sử các dòng Họ tại Huế phải biết và đừng nên nhầm lẫn !
    Nhưng lịch sử vùng đất này lại một lần nữa không phải đã là bình yên. Lợi dụng triều nhà Hậu Lê mới thành lập chưa ổn định, quân Chiêm Thành đã nhiều lần vượt đèo Hải Vân tấn công châu Hóa. Họ luôn luôn đánh phá và quấy nhiễu vùng này làm cho cư dân không thể an cư lạc nghiệp được và người Chiêm cũng đã từng chiếm lại được Thuận Hóa vài lần từ tay quan quân nhà Hậu Lê. Năm Quý Sửu (1433) lợi dụng dịp vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) băng hà triều đình đang lo tang vua; quân Chiêm thành đã tấn công chiếm lại được Châu Hóa. Mãi tới năm 1446 dưới thời vua Lê Nhân Tông, nhà vua đã cử đại quân chủ động tấn công quân Chiêm Thành (trong một trận chiến đã giết được vua Chiêm là Bí Cai), đẩy lui quân Chiêm ra khỏi xứ Thuận Hóa. Đây mới là mốc thời gian quan trọng nhất và chính thức của lịch sử các vùng đất tại châu Hóa xưa và tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay. Vì chỉ sau mốc thời gian này, các điểm dân cư, các ngôi làng, sau đó là các dòng họ mới có thể hình thành được một cách chính thức trên vùng đất này ! 
   Nhưng tới năm 1469 người Chiêm lại tấn công Châu Hóa. Nhưng tình hình Đại Việt lúc này đã ổn định; vị vua trị vì nhà Hậu Lê (Lê sơ) lúc này là Lê Thánh Tông (146-1497) một người khá uyên bác; đã tổ chức binh lực đưa vào Thuận Hóa, vua cũng trực tiếp cầm quân chống lại cuộc tấn công của quân Chiêm. Binh lực nhà Hậu Lê lúc này khá mạnh, sau vài trận chiến quân Chiêm tan vỡ và tháo chạy. Nhân cơ hội này quân Đại Việt đã tổ chức truy kích vào tận kinh đô Chiêm Thành; trong trận chiến cuối cùng năm 1471- quân Đại Việt đã chiếm được kinh thành Đồ Bàn của người Chiêm, bắt vua Chiêm là Bàn Trà Toàn đem về Thăng Long. Quân Đại Việt đã phá hủy và đốt phá hoàn toàn thành Đồ Bàn của người Chiêm, tấn công và đuổi người Chiêm tới đèo Cù Mông (thuộc phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay) mới dừng lại. Sau chiến thắng này cương thổ nước Đại Việt đã kéo dài tới phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay; vùng đất Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa. 
    Nhân dân vùng Châu Hóa hoàn toàn thoát khỏi nạn chiến tranh đã dần đi đến ổn định và bắt đầu giai đoạn phát triển, công cuộc di dân từ phía Bắc vào Thuận Hóa được tiếp tục đẩy mạnh. Hàng loạt các ngôi làng mới được thành lập trong dịp này, như : Duy sơn, Tân chu, Nghi giang, Diêm trường, Phụng chánh, Cự lại, Kế chủng (Kế sung), Thái dương, Hòa duân , Hà cùng (An dương), Triều sơn, Thanh cần, La Khê, Bao vinh, Đức bưu, Dương Xuân, Phổ Lại, Đại Lộc, Kế Môn, Phò Trạch, Hương Triền (Thanh Hương), Đàm bổng (Ưu Điềm ) ....(theo Hồng Đức bản đồ, lập năm Hồng Đức thứ 2 (1490 ) đã có tên các làng xã này). Đây cũng là các ngôi làng cổ nhất của xứ Thuận Hóa và tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay và phần lớn các ngôi làng này vẫn tồn tại và phát triển thành những ngôi làng lớn hoặc thành một xã của nhiều vùng trong tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay.
    Năm Bính Tuất (1466) Vua Lê Thánh Tông tổ chức cải cách hành chánh, đặt 13 đạo Thừa Tuyên trong cả nước, xứ Thuận Hóa được gọi là Thừa Tuyên Thuận Hóa, gồm có hai phủ là Phủ Tân Bình và Phủ Triệu Phong, ba huyện Kim trà, Đan Điền và Tư Vinh nằm trong phủ Triệu Phong là toàn bộ diện tích tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay. Các vị khai canh làng xã, các vị khai canh – khai khẩn của các Họ Tộc được ghi nhận rất đầy đủ trong giai đoạn này. Phần lớn họ là quân lính hoặc tướng lĩnh trong các đội quân, khi yên việc quân đã tự nguyện xin ở lại khai thác vùng này, hoặc có một số là chức sắc phụng chỉ triều đình ở lại trấn giữ vùng biên cương - đa phần họ đều xuất thân từ vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng duyên hải Bắc bộ và Bắc Trung bộ như vùng trấn Sơn Nam, hai châu Hoan - Ái .    
   3 . Một sự ngộ nhận thứ hai là sự ngộ nhận một sự kiện lịch sử hoặc một nhân vật lịch sử; điều này cũng thường gặp trong một số Gia phả của các dòng Họ :
    Như chúng ta đã biết, nhà Nguyễn bắt đầu dựng nghiệp ở đất phương Nam từ vị Chúa đầu tiên là Chúa Tiên – tức Nguyễn Hoàng. Sau khi cha ông là Nguyễn Kim mất, ông từ bỏ trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay), xin vua Lê vào trấn thủ vùng Thuận Hóa lần đầu - chỉ với mục đích duy nhất là tránh sự truy sát của người anh rể Trịnh Kiểm - năm 1558, khi ông chỉ mới 34 tuổi. Khi mới vào ông có đem theo một số trung thần là người cùng quê Thanh Hóa, sau đó nhằm kế lâu dài ông đã âm thầm khuyến khích và bảo trợ cho các cuộc di dân từ đồng bằng sông Hồng, sông Mã vào Thuận Hóa. Các đợt nhập cư đều được sử ghi chép lại, nên nguồn gốc các dòng họ tương đối rỏ ràng, năm tháng lập làng phần lớn được lưu lại. Nhưng chính xác tuyệt đối thì cần phải xem lại, vì theo tư liệu điền dã của chúng tôi, ngay bài Tựa mở đầu của phần lớn các Gia phả của các dòng Họ di cư vào Thuận hóa đợt này đã có sai sót, nhiều bản Gia phả đã có một vài sự ngộ nhận một cách rất mơ hồ.
    Các Bài Tựa này thường có câu mở đầu  Ngài khai canh họ ta theo Chúa Tiên vào Nam”. Chúa Tiên – tức Nguyễn Hoàng, nhưng Nguyễn Hoàng vào Nam tới ba lần, lần đầu và lần cuối cách nhau 42 năm. Không có bài Tựa nào nói rỏ được là Ngài Khai Canh của dòng Họ mình theo Chúa Tiên vào Nam lần nào, năm nào ? Họ đi theo Chúa với danh phận gì ?
     Nguyễn Hoàng đã làm cho Đàng Trong hưng thịnh và chính sự hưng thịnh này đã góp phần tạo nên trọn vẹn dáng hình của Tổ quốc Việt Nam như ngày nay. Đồng thời ông cũng là người đã đặt nền móng cho sự hình thành kinh đô Phú Xuân sau này và cũng chính ông là người có công mở đầu cho công cuộc Nam tiến thành công của dân tộc ta mấy trăm năm sau đó. Cũng chính vì ông là một nhân vật lịch sử quan trọng và nổi tiếng như vậy nên đã có nhiều sự ngộ nhận và ăn theo nhân vật lịch sử này được ghi chép trong một số bản Hương Phả, Tộc phả, Gia phả, một số bản ghi chép và điển tích đang được lưu giữ trong một số làng và dòng Họ ở khu vực tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay .
    Theo chính sử, lần đầu năm 1558 Chúa Tiên vào Nam là đi lánh nạn tránh sự truy sát của Trịnh Kiểm, lần thứ hai năm 1570 sau khi ra thăm quê và bái yết Vua Lê, lần thứ ba là năm 1600 – sau khi ra mừng Chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc khôi phục Thăng Long, bị Vua Lê giữ lại tới 7 năm để đi dẹp loạn cát cứ - là một cuộc chạy trốn thực sự của Chúa Tiên nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Trịnh Tùng, lúc này ông đã 76 tuổi. Nguyễn Hoàng ở Ngôi Chúa thêm 13 năm và mất năm 1613, thọ 89 tuổi .
    Nhưng cái gốc, điểm tựa và bệ phóng cho sự phát triển và hưng thịnh đó, chính là mảnh đất Quảng Trị chứ không phải là xứ Thừa Thiên. Trong tác phẩm Những người bạn cố đô Huế, (tập VIII, NXB Thuận Hoá, Huế, 2001, tr. 185, 188) các học giả cũng nhắc đến bài viết của một kẻ thực dân nhưng chúng ta cũng nên biết kẻ bên kia nói gì về vị Chúa Tiên – người lập ra một triều đại mới của Việt Nam chúng ta, đó là câu nói của  A.Laborde, Công sứ Pháp tại An nam trước đây qua bài viết "Tỉnh Quảng Trị", rằng:
  - “ Nếu dòng họ nhà Nguyễn không xuất phát tại Quảng Trị, thì ít nhất sự nghiệp lịch sử của họ phải xem là có gốc từ mảnh đất này,
  Con người của triều đại này sinh ra từ đất Thanh Hoá, nhưng sự nghiệp của triều đại Nguyễn thì sinh ra từ đất Quảng Trị”
   Ông là người lập nên xứ Đàng Trong, lúc mới vào tháng 1 năm 1570, Nguyễn Hoàng lập dinh  làng Trà Bát, nằm gần Ái Tử, chếch về phía đông bắc (nay là hai làng Trà Liên Đông, Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong). Gọi là Dinh Trà Bát.
    Năm 1600, sau khi từ Bắc trở về, ông dời dinh sang phía đông của dinh Ái Tử, gọi là Dinh Cát.
    Ông mất năm 1613, ban đầu mộ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng táng ở vùng núi Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong (nay thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị), về sau được cải táng lăng mộ chuyển về Núi La Khê tức Khải Vận Sơn (nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). 
   Qua phân tích trên chúng ta phải biết là Nguyễn Hoàng khi vào Nam xây dựng cơ đồ - ông hoàn toàn không sống ở khu vực là tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay, khi mất ông cũng mất ở đất Quãng Trị và cũng được chôn cất ở Quãng Trị.
    Hơn nữa thời kỳ của Nguyễn Hoàng thì Dinh (hoặc Phủ) Chúa Nguyễn đều đóng ở Quãng Trị chứ không phải Thừa Thiên. Mãi cho tới năm 1636, khi Chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ về Kim Long (ngoại ô Huế), năm 1687 Chúa Nguyễn Phúc Thái dời phủ từ Kim Long về làng Phú Xuân (thành phố Huế ngày nay), thì Huế mới trở thành mãnh đất kinh kỳ.
    Cho nên theo tôi, khi người ta muốn ăn theo một sự kiện lịch sử hay một nhân vật lịch sử nào đó thì phải biết rõ sự hình thành sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử đó. Đây cũng có thể là bài học đầu đời của những ai học sử, viết sử; để có thể con người ta trở thành những người chép sử chứ không phải là những người làm sử .
    Trên đây là vài dòng phân tích ngắn ngủi xin gởi đến các bạn sinh viên của khoa sử trường Đại học Sư Phạm Huế, cũng chỉ là vài góp ý thô thiển với các bạn trẻ và quý bạn đọc quan tâm về chủ đề này.
     Chúc mọi người luôn thành công trong cuộc sống./.
ĐKT
12.10.2014

LÀNG KẾ VÕ - TẠI TP. BUÔN MA THUỘT

Lễ Chạp hàng năm của cư dân Kế Võ tại TP. Buôn Ma Thuột


Quê tôi – thôn Kế Võ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế vốn là một làng quê thanh bình, nép mình bên bờ đầm Hà Trung mênh mông sóng nước; sau làng là biển Đông lộng gió. Từ gần 400 năm trước, khi tổ tiên chúng tôi là những người nông dân chân đất của trấn Thanh Hoa ngoại (tỉnh Ninh Bình ngày nay) di cư vào vùng đất này lập nghiệp, trong đó có gia đình của ngài Thuỷ tổ Tộc họ Đinh Khắc chúng tôi là người định cư đầu tiên - nên ngài được triều Nguyễn ban Sắc Phong làm Thần Hoàng làng. 
Đây là vùng đất hiền hoà với địa thế trước rào sau biển, có rừng cây chắn gió biển sau lưng, trước làng có cánh đồng lúa xanh tươi, và đầm Hà Trung thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á thuộc tỉnh TT - Huế. Đây là một vùng nước lợ rộng mênh mông một vựa tôm cá khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng tôi.
Tự bao đời chúng tôi vẫn sống ổn định trên vùng đất này, với mùa nào thức ấy chúng tôi vẫn sống no đủ. Đây đồng thời cũng là vùng đất học, làng tôi vốn nổi tiếng là nơi hình thành nhân cách cho biết bao con người nổi tiếng về văn chương. Thời nào cũng có những con người có chức phận ngoài xã hội, những doanh nhân thành đạt, những nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học và nhà giáo nổi tiếng luôn tự hào mình là người dân làng Kế Võ. 
Nhưng khi người Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, sau đó là công cuộc đấu tranh giành độc lập; liên tiếp sau đó là những cuộc chiến nhằm tranh giành quyền lực do một số người Việt khởi xướng, đã gây ra những cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài. Và những cuộc chiến tranh đó đã tàn phá và cướp đi cuộc sống thanh bình của người dân quê hương tôi. Người dân quê tôi vốn chân chất hiền hoà đã không thể sống nổi dưới nhiều tầng áp bức đã phải từ bỏ quê hương, từ bỏ quê cha đất tổ và mồ mả tổ tiên ông bà ra đi tìm vùng đất mới – để mà tồn tại. Những ai còn sức lao động đều ra đi, làng xóm chỉ còn lại những người già, những người tàn tật ở để trông coi nhà cửa, chăm sóc mồ mả tổ tiên để tránh cho khỏi hương tàn khói lạnh!
Những nơi mà người dân làng tôi định cư nhiều nhất là các tỉnh Tây Nguyên gồm Kom Tum, Lâm đồng, Gia Lai nhưng đông nhất là tỉnh Đăk Lăk mà nhất là tại thành phố Buôn Ma Thuột. Theo thống kê sơ bộ của tôi thì tại đây có ít nhất là hơn 350 hộ gia đình người làng Kế Võ sinh sống, với bình quân mỗi gia đình 5 người thì đã có gần 2000 nhân khẩu. Ở đây là chỉ tính những người có gia đình + có nhà cửa riêng tư không tính người độc thân. Sở dĩ tôi nắm được khá rõ việc này vì tôi cũng là một thành viên của Ban Tổ chức cộng đồng làng tại đây.
Tại đây chúng tôi đã hình thành một tổ chức cộng đồng người dân làng Kế Võ từ năm 1990 cho tới nay, Ban điều hàng cộng đồng làng là đại diện của tất cả các tộc họ, sau đó bầu ra một vị trưởng làng và hai vị phó, cùng tất cả các ban bệ như tại quê hương chúng tôi. Tổ chức này có ngân quỹ riêng, có nơi cúng tế, có ban nghi lễ, có ban nghi thức lo tang ma, có đồ đưa đám, có chiêng trống. Hằng năm vào ngày 10 tháng 9 âm lịch hằng năm chúng tôi tổ chức lễ tế + chạp làng rất lớn với đầy đủ các nghi thức tế tự như tại quê hương chúng tôi. Cuộc lễ hàng năm lúc nào cũng có ít nhất là 40 mân cỗ, mỗi gia đình thường có từ 1-2 người trưởng thành tham dự.
Đây là cuộc hội tụ đông nhất của những người gốc Huế tha phương cầu thực tại vùng đất đỏ này, cũng là dịp để những người anh, người chị, người em và những người bà con cùng làng chúng tôi gặp gỡ chào hỏi thăm viếng nhau. Cũng nhằm giữ gìn được một cái gì đó tình yêu quê hương, giữ gìn được một phần nào đó phong tục tập quán của quê cha đất tổ./.
ĐKT
12.06.2015
Lễ chạp hàng năm của những người cư dân làng Kế Võ tại TP. Buôn Ma Thuột.









THIÊN TAI HAY NHÂN TAI !

Những người có trách nhiệm nghĩ gì khi xem tấm hình này ?


Trời ơi! Gieo chi nhiều cay nghiệt
Cho con xin tha thiết khẩn cầu
Cầu mong nước rút thật mau
Miền Trung rũ hết nỗi đau đớn nầy .
Nước lũ về cuốn trôi tất cả
Bao mái nhà đổ ngã nằm nghiêng
Người dân tôi quá ưu phiền
Của cải mất hết xóm giềng tan hoang…..”


Đây là mấy câu thơ của anh bạn đồng hương Thien Nguyen vừa đăng trên trang của “Hội người yêu Huế,” mà tôi là một thành viên. Khi đọc trọn vẹn bài thơ của anh với tình cảm của một người con của khúc ruột miền Trung tôi cảm thấy khá xót xa trước đại họa bão lũ mà người dân tỉnh Quảng Bình hiện đang gánh chịu. Tôi là người từng lội bì bõm trong trong nước lụt từ thuở ấu thơ, đã biết như thế nào là bão lụt hơn bất cứ ai ? Tuy đồng cảm với nỗi niềm của tác giả, nhưng tôi không đồng ý với anh khi anh cho rằng tất cả tai họa này là tại trời, theo tôi trong tai họa này còn có trách nhiệm của con người !

Trong mấy năm gần đây lũ thường xuất hiện đe dọa các tỉnh miền Trung, một thuật ngữ mà người dân miền Trung trước đây chỉ nghe nhưng chưa bao giờ thấy. Theo phương ngữ của người dân miền Trung (nhất là khu vực Bình - Trị - Thiên) thì lụt (nước dâng) và lũ (nước dâng và chảy xiết) là hoàn toàn khác nhau. Trước đây chúng tôi thường có lụt và người dân thường biết sống chung với mưa bão và lụt. Qua hàng trăm năm sống chung với bão lụt, người dân miền Trung đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá. Họ điều chỉnh mùa vụ và vật nuôi theo từng mùa nhằm tránh bão lụt, thậm chí việc cúng tế và Chạp giỗ cũng được tính toán nhằm sống chung với bão lụt. Cho nên những thiệt hại do bão lụt gây ra là không đáng kể.

Nhưng tại sao mấy năm gần đây lũ thường xảy ra ở khắp các tỉnh miền Trung và gây ra những thiệt hại khủng khiếp cho bà con miền Trung vốn đang khốn khó. Thậm chí một thành phố nằm giữa một đồng bằng lớn nhất miền Trung là thành phố Tuy Hòa vốn không bao giờ biết lũ là gì thì bây giờ người dân ở đây đã biết mùi tang tóc của lũ. 

Nhưng rồi khi người dân hỏi những công bộc của mình - tức là những người được người dân trả lương nhằm phục vụ cho chính quyền lợi của mình. Thì người ta vẫn lấp liếm, đổ thừa cho thiên tai, cho biến đổi khí hậu, v.v và v.v. Xin thưa rằng - đó chẳng qua là một hành vi lấp liếm nhằm bảo vệ cái sai của mình và nhằm bảo vệ lợi ích cho nhóm quyền lợi của mình.  Nhưng liệu có qua mắt được người dân không ?
Trong câu chuyện thành phố Tuy Hòa nằm giữa một cánh đồng rộng lớn lại lại bị ngập; trong khi tự bao đời nay thì không bao giờ có chuyện này. Hỏi cơ quan chức năng thì "các nhà khoa học của nhà nước" cho rằng do biến đổi khí hậu. Nhưng biến đổi khi hậu lại không thể sinh ra một lượng nước khổng lồ trong một thời gian ngắn như vậy được. Và rồi người dân cũng đã rất dễ dàng tìm ra thủ phạm - đó là khi có mưa lớn, hàng chục cái nhà máy thủy điện trên con sông Đà Rằng đã xả lũ, nước dồn về hạ lưu một cách đột ngột đã khiến cái đồng bằng Phú Yên ngập trong một biển nước, nhấn chìm thành phố Tuy Hòa. Và người dân Tuy Hòa lần đầu tiên đã được biết mùi tang tóc của lũ. 

Cho thấy tác nhân chính gây ra đại họa này chính là cái phong trào “nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện” đang nở rộ khắp khu vực miền Trung. Khi làm thủy điện là một ngành siêu lợi nhuận hiện nay, nên người ta đã bất chấp tất cả để lao vào kinh doanh. Khi mà đồng tiền thống trị lương tâm con người thì người ta sẽ bằng mọi cách chạy chọt để làm cho bằng được, miễn sao sinh lợi cho mình và nhóm quyền lợi của mình. Và những người có trách nhiệm không biết vì một lý do nào đó đã nhắm mắt ký bừa – vì sao ư, xin tự hiểu ?

Đọc tới đây có thể có ai đó cho rằng tác giả suy nghĩ cực đoan, chứ đâu nên nỗi. Xin kể lại một câu chuyện khá nhỏ, tại chính nơi tôi đang sống và tôi là người có tham gia sự kiện này !
Tỉnh Đăk Lăk tuy mang danh nghĩa là xứ rừng Tây Nguyên, nhưng thật tế ở đây chỉ còn một khu rừng duy nhất đúng nghĩa “rừng” là khu rừng cấm Buôn Đôn, đây là lá phổi xanh còn lại duy nhất của tỉnh Đăk Lăk và khu vực Nam Tây Nguyên, ở đây còn lại một con sông nhỏ chảy qua. Nhưng mới đây một vài vị đại gia ở nơi khác, đã mang một cái lệnh từ trung ương đến trình báo cho lãnh đạo tỉnh, với nội dung đại khái là : “ ở “Trên” đã cho phép họ xây dựng một nhà máy thủy điện tại vùng lõi của khu rừng cấm này ?”. Và một điều khá lạ là theo thiết kế thì công suất của cái nhà máy này chỉ có vài KVA ?

Khi biết tin, nhân dân Đăk Lăk đã phản đối, báo chí vào cuộc yêu cầu chính quyền địa phương hủy bỏ cái dự án này. Lãnh đạo tỉnh tức nhiên biết là khi làm nhà máy ở trung tâm của khu rừng này, thì hàng ngàn ha rừng sẽ bị phá sạch. Nhưng khi lãnh đạo tỉnh hỏi xin ý kiến từ Trung ương thì cơ quan chức năng trả lời là cái dự án này lập “đúng quy trình”, nên cho phép tiến hành. Giữa lệnh trên và sự phản đối gay gắt của nhân dân quả là khó cho địa phương, nên lãnh đạo tỉnh đã họp đi họp lại nhiều lần, và đã qua mấy đời chủ tịch tỉnh vẫn không dám quyết. Nghe đâu nó chỉ bị tạm đình chỉ chờ thời cơ …. ?

Như chúng ta đều biết, mỗi một công trình thủy điện nó thường có 02 hai chức năng chính là thủy lợi và phát điện. Ngoài công năng chính là phát điện, các nhà máy thủy điện thường phải tham gia điều tiết nước theo nhu cầu của địa phương. Trong các nhà máy thủy điện lớn của VN hiện nay, chúng ta thấy trường hợp nhà máy thủy điện Hòa Bình là một ví dụ điển hình nhất. Đây là nhà máy đáp ứng đầy đủ 02 công năng này nhất, vừa cắt lũ cho Hà Nội vào mùa mưa, vừa xả nước chống hạn cho đồng bằng Bắc Bộ vào mùa hạn .

Nhưng khu vực miền Trung thì hoàn toàn khác, các con sông ở đây đều ngắn và nước chảy xiết, nên hầu hết các nhà máy thủy điện tại khu vực miền Trung đều là thủy điện nhỏ, các hồ chứa đều có dung tích nhỏ. Do dung tích hồ chứa rất nhỏ, nên các hồ chứa thường không có nước để tham gia chống hạn cho địa phương. Khi mùa mưa đến các hồ này thường không thể có đủ dung tích để chứa được một lượng nước quá lớn dồn về nhằm cắt lũ giảm áp lực cho hạ lưu. Cho nên công năng chính của các nhà máy thủy điện tại đây chủ yếu là phát điện !

Do các dòng sông ở đây ngắn, lưu lượng nước về hồ thấp nên bình thường các nhà máy này thường luôn luôn phải trữ nước đầy hồ để phát điện bảo đảm cho việc kinh doanh của họ. Nhưng họ không thể dự báo được là sẽ có lũ về - để trước khi lũ về thì phải xả bớt nước trong hồ nhằm đón lượng nước mới do lũ dồn về hồ nhằm cắt lũ cho hạ nguồn như chức năng đặt ra ban đầu. Vì nếu họ xả hết nước trong hồ, nhưng lũ không về thì ai bảo đảm nguồn thu cho họ - vì mục đích của họ chủ yếu là kinh doanh, tức là sinh lời ?

Cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi mưa bão bắt đầu, nhưng các hồ chứa vẫn luôn luôn chứa đầy nhóc nước – như một trái bom nước đặt trên đầu người dân hạ nguồn. Khi mưa bão đến tức lũ về, với lượng mưa lớn nước dâng lên – lập tức các ông chủ của các hồ chứa thủy điện này phải cứu chính họ, họ phải xả nước trong hồ, nhằm tránh nguy cơ vỡ đập. Lượng nước trong hồ được xả ra cộng với nước lũ, tất nhiên sẽ nhấn chìm người dân và làng xóm phía dưới các con đập thủy điện này là đương nhiên thôi.

Đây là bài học máu xương của các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế khi cách đây vài năm họ đã cho phép làm thủy điện tại thượng nguồn sông Hương - mặc cho có sự ngăn cản của các nhà khoa học. Và thành phố Huế thơ mộng của chúng ta hiện cũng đang nằm dưới hàng loạt trái bom nước như vậy .
Đây cũng là nguyên nhân chính của nạn lũ vừa qua ở Quảng bình và hầu hết tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua. Nạn lũ này là do con người gây ra chứ không phải do ông trời, là do con người xung đột quyền lợi với nhau mà thôi ./.

ĐKT
20.10.2016

Họp mặt Ban liên lạc Họ Đinh Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 (khóa 2)

Toàn cảnh cuộc họp


     Sáng ngày 28 tháng 5 năm 2017, tại Hà Nội - Ban liên lạc Họ Đinh Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 (Khóa II) đã tổ chức cuộc họp lần đầu tiên để bàn về phương hướng hoạt động và phân công nhiệm vụ trong Ban liên lạc.
   Đến dự cuộc họp, có GS.TS. Đinh Xuân Dũng, Trưởng Ban liên lạc Họ Đinh Việt Nam và 38 đại biểu đại diện cho các Ban liên lạc họ Đinh từ các tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Quảng Bình, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định,Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, các ông bà Ban Liên lạc Họ Đinh Việt Nam tại Hà Nội và Ban thư ký đã về dự họp.

   Mở đầu cuộc họp, GS.TS. Đinh Xuân Dũng đã thay mặt Ban Liên lạc Họ Đinh Việt Nam cám ơn anh Đinh Út (Đinh Ngọc Hệ), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thái Sơn, Ủy viên Ban Liên lạc họ Đinh Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng và ủng hộ cuộc Họp Ban Liên lạc họ Đinh Việt Nam 20 triệu đồng.
Tiếp đó GS.TS.Đinh Xuân Dũng và các đại biểu đã bàn, thảo luận về bản Dự thảo phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2017-2021).
    Cuộc thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi khi nhận được rất nhiều những ý kiến, góp ý của các đại biểu… Đặc biệt trong lúc thảo luận, chia sẻ, PGS.TS. Đinh Ngọc Hiện đã hứa sẽ cùng BLL về cung tiến đình, đền Doãn Thượng (đang được dân làng xây dựng lại) thờ 3 cha con tướng quân Đinh Công Bách (con trai Đinh Linh Quang, con gái Đinh Bảo Ngọc), tướng đánh giặc thời Vua Hùng thứ 18 Hùng Duệ Vương (408 – 258 TCN), ở làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh,1 tượng đồng và 1 bình phong.
   GS.TS. Đinh Xuân Dũng đã chăm chú lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, bổ sung và cuối cùng Giáo sư đã đưa ra 13 đầu công việc mà Ban Liên lạc họ Đinh Việt Nam sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Trưởng ban liên lạc khẳng định, những năm tiếp theo chúng ta sẽ thực hiện những công việc sau đây:
   - Các Ban Liên lạc cố gắng thông tin cho nhau, gắn kết cùng nhau, giữ gìn đoàn kết.
   - Cố gắng tổ chức một Hội thảo rộng rãi trước ngày Lễ Kỷ niệm Đinh Tiên Hoàng Đế lên ngôi (10/3 Mậu Tuất 2018) để tạo lên tiếng vang và khẳng định vai trò, vị thế Nhà Đinh trong tiến trình lịch sử của dân tộc.
   - Trong quá trình hoạt động các Ban Liên lạc cũ, thành lập các Ban Liên lạc mới cần quan hệ, kết hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, giữa Họ Đinh và các dòng tộc khác.
   - Xúc tiến sưu tập, lên khuôn và xuất bản Kỷ yếu các nhà khoa học Họ Đinh.
   - Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ các nhà giáo Họ Đinh và các người bạn.
  - Chấn chỉnh, tham gia Ban quản trị các trang website Họ Đinh Việt Nam hodinhvn.com hodinhvietnam.com
   - Tiếp tục xây dựng Ban Liên lạc Họ Đinh các tỉnh, thành phố. Chú ý các đặc thù Họ Đinh ở vùng Nam Bộ.
   - Các Ban Liên lạc các tỉnh, thành phố có các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1050 năm ngày Đinh Tiên Hoàng Đế lên ngôi (10/3 Mậu Tuất 2018).
   - Lên kế hoạch xây dựng Thái Miếu Nhà Đinh, nhà thờ chung cho Họ Đinh.
Phát huy các hoạt động từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Phát huy các hoạt động của Câu lạc bộ Bác sỹ Họ Đinh và các người bạn và các hoạt động khác.
   - Việc thành lập các Ban Liên lạc có thể theo vị trí địa lý, hoặc theo dòng họ. Các Ban Liên lạc đã thành lập hàng năm thông báo kết quả hoạt động về cho Ban thường trực, Ban thư ký Ban Liên lạc Họ Đinh Việt Nam để tổng hợp, chia xẻ kinh nghiệm giữa các địa phương.
   - Ban Liên lạc Họ Đinh Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Lịch sử Họ Đinh đặt hàng các Trưởng ban Liên lạc các địa phương viết Lịch sử Họ Đinh và các nhân vật Họ Đinh địa phương mình.
   Để giúp thực hiện những nhiệm vụ rất lớn và kịp thời, Trưởng ban Liên lạc Họ Đinh Việt Nam đề nghị cần phải thành lập bộ phận thường trực và phải có phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân một cách cụ thể. Trưởng ban liên lạc khẳng định, ngoài các vị trí mà ông trình hội nghị thì ông luôn khẳng định chủ trương Ban Liên lạc Họ Đinh Việt Nam là danh sách mở, các Trưởng ban liên lạc các tỉnh thành phố mới thành lập sẽ được bổ sung vào Ban liên lạc Họ Đinh Việt Nam.
    Các vị trí trong Bộ phận Thường trực Ban liên lạc họ Đinh Việt Nam mà GS.TS. Đinh Xuân Dũng đề xuất như sau:
Trưởng ban: GS.TS. Đinh Xuân Dũng
Các Phó Trưởng ban: PGS.TS. Đinh Ngọc Hiện, PGS.TS. Đinh Quang Hải, Ông Đinh Xuân Vinh, Ông Đinh Mạnh Hùng, Ông Đinh Thành Trung, GS.TS. Đinh Văn Hiến, Ông Đinh Xuân Sàm.
    Đặc biệt, trưởng ban liên lạc Họ Đinh Việt Nam đề nghị những thành viên trong Ban liên lạc Họ Đinh Việt Nam đang sinh sống ở Hà Nội vào Bộ phận thường trực Ban Liên lạc Họ Đinh Việt Nam nhằm nhanh chóng thực hiện những công việc cấp bách.
   Cuộc họp cũng thông qua danh sách các thành viên trong Ban liên lạc Họ Đinh Việt Nam phụ trách các mảng công việc mà Ban liên lạc đã đề ra. Trong đó:
    - Phó Trưởng Ban thường trực: PGS.TS. Đinh Ngọc Hiện
    - Phó Trưởng Ban phụ trách kết nối dòng họ, vận động thành lập các Ban liên lạc địa phương và trực tiếp phụ trách kết nối dòng họ các tỉnh phía Bắc: Ông Đinh Xuân Vinh
   - Phó trưởng Ban phụ trách Nghiên cứu Lịch sử: PGS.TS. Đinh Quang Hải
    - Phó trưởng Ban phụ trách Ban thư ký, các hoạt động cụ thể: Ông Đinh Mạnh Hùng
   - Phó trưởng Ban phụ trách Khu vực Miền Nam: Ông Đinh Thành Trung
   - Phó trưởng Ban phụ trách khu vực Miền Trung: Ông Đinh Xuân Sàm
   - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân và Trí thức: GS.TS. Đinh Văn Nhã
   - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bác sỹ: TS. Đinh Ngọc Sơn
   - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà giáo: GS.TS. Đinh Ngọc Bảo
   - Bộ phận Tài chính và Hậu cần Ban Liên lạc: Ông Đinh Nho Bảng, GS.TS. Đinh Văn Hiến, Chị Đinh Thị Thu Hoài, Chị Đinh Thúy Hằng.
   - Cố vấn về nội dung các trang web ông Đinh Phạm Thái.
   Cuối cùng, Hội nghị cũng đã thông qua danh sách 16 thành viên trong Ban thư ký nhằm giúp Ban Liên lạc triển khai các hoạt động cụ thể.
      STT/ Họ và tên 
1 Đinh Mạnh Hùng (Trưởng ban) 
2 Đinh Thị Thu Hoài
3 Đinh Mạnh Hùng 
4 Đinh Nguyễn Việt Hưng 
5 Đinh Thu Hằng 
6 TS. Đinh Văn Lượng 
7 TS. Đinh Ngọc Sơn
8 TS. Đinh Việt Hòa 
9 TS. Đinh Minh
10 Đinh Ngọc Sơn
11 Đinh Ngọc Ngoạn
12 TS. Đinh Công Tuấn
13 Đinh Trà My
14 Đinh Văn Nhân
15 Đinh Tiến Sỹ
16 Đinh Nho Công
    Cuộc họp đã diễn ra rất tốt đẹp trong tâm tình anh em và ấm tình dòng tộc. Sau cuộc họp lần thứ nhất Ban Liên lạc Họ Đinh Việt Nam nhiệm kỳ II các đại biểu đã dự bữa cơm thân mật ở Khách sạn Bảo Sơn.

Người đưa tin
Đinh Mạnh Hùng – Đinh Việt Hòa


Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...