TỰ SỰ !

Chiều trên phá Tam Giang



"Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang".

Xưa kia ở quê tôi hầu như ai cũng biết hai câu đồng dao này. Nhưng truông nhà Hồ - phá Tam Giang không phải ai cũng biết chính xác nó ở đâu. Và tại sao phải sợ truông nhà Hồ, sợ Phá Tam giang, thì không phải ai cũng biết.

Khu vực là truông nhà Hồ xưa (nay thuộc huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị)

 Mấy hôm nay bầu trời Đăk Lăk mù mịt mưa, vì đang là mùa mưa nên chuyện mưa dầm chẳng có gì là lạ cả. Chỉ tội cho những ai xa nhà vì công việc như tôi, cả tuần nay chôn chân tại nơi trú ngụ. Trong văn phòng ngoài lúc tiếp khách, giải quyết công việc thời gian còn lại chỉ biết làm bạn với cái máy vi tính rồi lại thơ thẩn. Và nhớ quê….

Nhớ, quê tôi trước rào sau biển, nhớ cánh đồng lúa chín vàng, nhớ những độn cát trắng … nhớ câu thơ “quê tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu cơm !”.

Những người dân quê tôi phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn và mồ mã ông bà tổ tiên ra đi tìm đất sống mới. Nhưng oái ăm là chúng tôi phải ra đi không phải là không thể sống ở quê mình vì đất chật người đông hay thiên nhiên không ưu đãi. Mà chúng tôi phải ra đi vì những hành vi của chính con người !

Chuyện cũng đã qua lâu, nhưng tới cái tuổi này tự nhiên lúc vắng vẻ thì nó trở lại như mới hôm qua !

Vì là những kẻ tha phương, nên khi có dịp hội tụ là chúng tôi luôn nói chuyện về quê hương về làng xóm về dòng họ và những người thân. Để bù đắp khoảng trống tình cảm của kẻ xa nhà, nên tất cả những hội đoàn … về dòng họ, về quê hương xứ Huế tại đây (Đăk Lăk) tôi đều tham gia và tham gia một cách năng nổ và nhiệt tình nhất có thể; là một trong những người xây dựng phong trào ở đây.

Vui thì vui thật, nhưng ôi thôi khá là rắc rối … và khá là “hao”, đó là việc của những kẻ “ăn com nhà vác tù và hàng tổng” mà ai cũng biết. Nào là bất cứ cúng giỗ, việc cưới xin, tang gia đều phải có mặt. Riêng câu chuyện đám cưới … cũng khá bi hài. Vì người ta chỉ việc đợi tới giờ thì tới cho cháu mấy trăm ăn vài miếng rồi về; riêng tôi phải mất ít nhất là 02 ngày.

Câu chuyện đám tang thì mới thật sự là rắc rối, vì nghề nghiệp là phải xa nhà. Bà con, bạn bè và những người mình có liên quan thì ở phân tán trong cả một cái thành phố lớn. Nhưng cứ hể có một người nào đó vừa qua đời nhưng khoảng dưới 05 tiếng đồng hồ sau mà không có mặt … thì ôi thôi hàng loạt cuộc gọi và trách móc. Thậm chí đi công cán tận Cambodia nhưng vẫn nhận lời trách “… răng giờ ni không thấy ông Thiện hè ?”… thì thật sự bó tay luôn !

Những dịp hội họp, tự nhiên tôi lại là trung tâm giải quyết mọi sự rắc rối … nhất là những chuyện vui, buồn.

Mới đây, khi tham dự một cái đám cưới của một anh bạn đồng hương trong xã, anh ta làm nghề giáo viên (dạy cấp 3), nên người dự đám cưới con anh ta cũng rất nhiều người là giáo viên (tức là trí thức – theo cách hiểu thông thường). Khi ngồi vào bàn, chỉ mới uống được mấy ly chúc nhau trong bàn … tự nhiên tôi bị một người lớn tuổi tới lôi tới một bàn khác yêu cầu giải quyết một vụ tranh cãi; thậm chí là cá cược một cái độ khá lớn (nếu ai thua phải trả toàn bộ kinh phí tăng 2, tăng 3 gì đó cho 10 người và vài vị trọng tài).
Tôi cũng vui vẻ tới tham gia, khi được yêu cầu làm trọng tài và trực tiếp giải quyết câu chuyện tôi cũng gật. 
Nhưng khi nhìn nét mặt rất căng thẳng của một trong hai vị, tôi chợt giật mình trấn tỉnh lại. Câu chuyện  họ đang tranh cãi có liên quan về hai câu ca dao:

"Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang".

Vị trí thức (là một ông thầy dạy toán cấp 3), cho rằng xã mình (tức xã Vinh Xuân – Phú Vang) là nằm trên bờ phá Tam giang, cái sông Rào mà anh ta thường xuống tắm hay bắt cua, ghẹ từ thuở nhỏ chính là phá Tam giang.
Vị kia chỉ là anh thợ mộc ít học hơn, nhưng nay vì lao động giỏi nên đã phất lên thành một anh đại gia nho nhỏ. Nhưng anh đi đây đi đó nhiều, trường lớp thì ít nhưng trường đời thì nhiều. Anh khẳng định phá Tam Giang là khu vực từ cửa Thuận An trở ra phía Bắc, nay thuộc 03 huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền. Còn khu vực từ Thuận An trở về phía Nam, thuộc huyện Phú Vang và Phú Lộc chỉ được gọi là đầm.
 Và anh ta cũng khá rành rẽ khi cho rằng khu vực sông Rào thuộc xã Vinh Xuân là thuộc đầm Hà Trung, chứ không phải là phá Tam giang. Tất nhiên khi anh thợ mộc này trình bày thì nó hơi lôi thôi và dài dòng một tí, nhưng tôi tóm lược lại như trên.
Anh ta khá ức chế khi ông thầy giáo kia coi thường anh ta ít học khi cho rằng “ chuyện thợ mộc thì tau thua mi, nhưng chuyện ni mi không thể hơn tau được …” và “… cá chi tau cũng cá hết…”.
Chắc là đã tranh cãi âm ĩ khá lâu trước đó, nên khi tôi tới (tới trễ) thì đã thấy anh giáo viên này có nét mặt tái ngắt.

Thật là khó cho tôi vì anh thợ mộc kia nói đúng và vị trí thức kia là sai bét nhè !

Đây mới chính là vị trí Phá Tam Giang

Nhưng giải quyết không khéo thì sinh ra tranh cãi kéo dài; mất tình cảm và tính hơn thua của con người không biết đâu mà lường. Bằng hết khả năng kinh nghiệm và uy tín của mình tôi đã biến cuộc tranh cãi và thách đấu này thành một cuộc vui, một trò đùa nhỏ; hai bên đã vui vẻ bắt tay nhau bỏ qua. Sau khi ra về tôi đã nói nhỏ vào tai anh trí thức kia là “anh đã sai”, và yêu cầu anh ta nên về mở máy tính tìm hiểu lại. Sáng hôm sau anh ta gọi điện cho tôi sớm, cám ơn tôi và nhận mình đã sai.

Nay nhắc lại câu chuyện này, không nhằm bất cứ mục đích gì khác mà chỉ là một câu chuyện kể về những nổi vui - buồn của những người đồng hương xứ Huế sống xa quê. Vì lý do tế nhị nên các nhân vật chính đã được giấu tên, nên những anh bạn cùng quê của tôi nếu tình cờ đọc được những dòng này cũng đừng cho rằng tôi là kẻ nhiều chuyện. 
Tôi chỉ muốn nói một ý là tôi rất yêu quê tôi, tôi hiểu về vùng đất này thấu đáo tới tận cùng mọi ngõ ngách. Mọi câu chuyện về nó từ xưa tới nay tôi cũng biết khá tường tận. 

Rất đơn giản vì đó là nhà tôi - chốn đi về của tôi !

Ở nơi này tuổi thơ tôi đã sống,
Tôi yêu thương với tất cả tấm lòng.
Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể,
Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương ! 
Thơ - Nguyễn Huy Hoàng

Tây Nguyên một chiều mưa !

ĐKT
13.7.2017
Một số hình ảnh về phá Tam giang





Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...