Vì sao Hoa Kỳ có một chiến hạm mang tên Thành Phố Huế ?

Tuần dương hạm USS Hue City trên đường làm nhiệm vụ 
(ảnh của Navaltoday)

Nước Mỹ hiện nay không còn bị gọi là kẻ thù nữa. Trái lại nước Mỹ hiện nay còn được xem như là một chốn thiên đường, là điểm đến mơ ước của rất nhiều người Việt, thậm chí là nơi hạ cánh an toàn cho những kẻ lắm của nhiều tiền. Theo thống kê của báo chí Mỹ thì hàng năm người VN đã bỏ ra tới hơn 3 tỉ USD (năm 2016) để mua nhà tại Mỹ. Với số du học sinh người VN đang du học tại Mỹ (năm 2016) là 41 ngàn người – đứng đầu khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á, hàng năm người Việt của chúng ta đã đóng góp thêm cho ngân sách của nước Mỹ 1,7 tỉ USD. Vậy thì ai dám nói người Việt chúng ta nghèo. 
Những tầng lớp người Việt nào mới đủ tiền mua nhà tại Mỹ hay cho con du học tại Mỹ thì lại là một câu chuyện khác.

Với bài viết này tác giả chỉ xin kể về một câu chuyện khá kỳ lạ, đó là: Hiện nay trong lực lượng hải quân Hoa Kỳ có một chiến hạm mang tên thành phố Huế của chúng ta.
Mời mọi người cùng tìm hiểu về chiến hạm duy nhất mang tên một trận đánh và địa danh thành phố Huế - Việt Nam, hiện vẫn đang hoạt động trong Hải quân Hoa Kỳ.

Đó là chiếc tuần dương hạm USS Hué City (CG-66) thuộc lớp Ticonderoga, mang tên lửa dẫn đường. Tàu được đặt tên theo một trận đánh ở thành phố Huế (Battle of Hue) năm 1968, nơi mà quân đội Mỹ đối đầu với lực lượng quân giải phóng VN  trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Tàu hiện thuộc biên chế của hạm đội 6, đã tham gia nhiều chiến dịch tại Trung Đông, tuần tra ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và đến cả vùng Biển Baltic.

USS Hué City được khởi đóng vào ngày 16/4/1987, hạ thủy ngày 20/2/1989 tại xưởng đóng tàu của công ty Ingalls Shipbuilding tại bang Florida và chính thức vào biên chế hải quân Mỹ từ ngày 14/9/1991, dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Thomas Irvin Eubanks.
Tuần dương hạm USS Hué City có chiều dài là 173m, rộng 16,8m và lượng giãn nước lên tới 9.800 tấn. Tàu trang bị hệ thống động cơ tuốc bin khí cực khỏe cho phép nó đạt tốc độ tối đa 60km/h.
Ticonderoga hiện là lớp tàu mặt nước được trang bị vũ khí mạnh nhất của hải quân Mỹ. Tàu được vũ trang 2 cụm 61 ống phóng thẳng đứng Mk 41, mang theo hỗn hợp tên lửa phòng không SM-2/3, tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk và tên lửa chống ngầm RUM-139A VL-ASROC.
Ngoài ra tàu còn được trang bị 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon; 2 pháo hạng nhẹ Mk 45 Mod 2; 2 súng Mk 38; 2-4 súng 12,7 mm; 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx Block 1B và 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi hạng nhẹ 324 mm Mk 32. Tàu lớp Ticonderoga còn có sonar SQS-53C và bộ xử lý dữ liệu SQR-17.
Ngoài hoạt động quân sự, chiếc tàu cũng tham gia hoạt động cứu trợ ở vùng biển Caribbean, Trung Đông và có mặt trong các hải đội công kích để hỗ trợ cho hàng không mẫu hạm.

Cách đặt tên tàu chiến của Mỹ

Cách đặt tên cho các tàu chiến của Hoa Kỳ không theo một bộ luật cụ thể nào cả mà chỉ căn cứ vào truyền thống của hải quân nước này từ thời giành độc lập khỏi nước Anh cho đến nay.
Quy ước chung từ đầu Thế kỷ 20 là đa số các chiến hạm lớn được đặt tên theo các bang của Hoa Kỳ, như USS Missisippi, USS Colorado, USS Hawaii…
Tàu nhỏ hơn có thể mang tên một quận (USS Essex) hoặc thành phố (USS San Diego)…
Tàu tuần dương (cruiser) thường mang tên các đô thị, còn khu trục hạm – tàu nổi có hỏa lực lớn nhất và vận hành trong mọi thời tiết – mang tên tướng lĩnh hải quân và anh hùng quân đội.

Đặc biệt có chiếc khu trục hạm USS John S. McCain lấy tên của hai thế hệ nhà McCain: đô đốc John S. McCain I, và đô đốc John S. McCain II.
Họ là ông và bố của phi công hải quân John S. McCain III, người bị bắn rơi xuống Hồ Trúc Bạch, Hà Nội khi tham gia một đợt bắn phá Bắc Việt Nam năm 1967.
Bị tù ở Hỏa Lò, ông sau làm Thượng nghị sỹ và ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ và có nhiều cử chỉ hòa giải với nước cựu thù.

Từ sau Thế chiến 2, một số khu trục hạm bị đánh đắm trong giao tranh với quân địch ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương được lấy tên đặt lại cho các tàu thế hệ sau.
Tàu nhỏ chống ngầm, hộ tống hạm có thể lấy tên các liệt sỹ của hải quân Mỹ.
Riêng hàng không mẫu hạm thường lấy tên của các tổng tư lệnh tức tổng thống hoặc các chính trị gia cao cấp.
Các chiếc USS John F. Kennedy, USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt… đều là hàng không mẫu hạm thuộc hàng lớn nhất thế giới, có thể đi biển hàng chục năm không vào bờ nhờ có động cơ nguyên tử.
Chiếc USS John Stennis là hàng không mẫu hạm mang tên Thượng nghị sỹ John Cornelius Stennis (1901 – 1995), nguyên Chủ tịch Thượng viện và nhiều năm làm Chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện Liên bang.

Việc chọn một địa danh nước ngoài và là tên một trận đánh như tại Huế cho tàu chiến Mỹ không phải là điều thường xảy ra. Mà trận đánh đó phải để lại một dấu ấn cực lớn, thậm chí là một sự thay đổi chiến lược chính trị của chính nước Mỹ.
Trang web của Hải quân Hoa Kỳ nói khá chi tiết về lý do chiếc tuần dương hạm này mang tên USS Hue City (CG-66). Đó là tên một trận đánh của Trung đoàn 1, lính Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ vào dịp Tết Mậu Thân 1968 ở khu vực Đại nội, Huế. Đây là trận đánh để lại nhiều dấu ấn cho các bên.

Một sĩ quan Mỹ, đại uý Thủy quân Lục chiến Myron Harrington, mà ý kiến của anh này được trích dẫn nhiều lần trong một số bài viết trên trang web về trận đánh này, nói: “Để cứu một thành phố phải chăng chúng ta phải phá tan nó đã?”
Câu nói phản ánh trong thực tế tại các đợt giao tranh ở Huế năm 1968, với hỏa lực áp đảo của người Mỹ thì thành phố Huế sau cuộc chiến thật sự chỉ còn là “một đống hoang tàn” như sử sách đã nói nhiều. Về phía người Mỹ họ cũng luôn nhắc tới trận chiến này và cho rằng đó là trận chiến “tàn khốc nhất trong cuộc chiến Việt Nam”.
Trận Huế được đưa vào bộ phim nổi tiếng Full Metal Jacket (Áo giáp sắt, 1987), dựa trên tự truyện của Gustav Hasford.

Trận chiến tại Huế năm 1968 người Mỹ thắng hay thua ?

Khi lực lượng Mỹ được điều từ Đà Nẵng ra tăng cường cho Huế đã đẩy được các đơn vị quân Giải phóng ra khỏi khu nội đô của thành phố và sau đó là toàn thành phố Huế. Tức là người Mỹ đã thắng trận. Nhưng cho tới nay quan điểm nổi trội trong giới sử gia phương Tây đều cho rằng Hoa Kỳ đã thua về chiến lược trong trận chiến này.
Trận Huế - 1968, được coi là “mở màn cho sự kết thúc” ý chí quân sự của Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Bởi sau sau trận chiến Mậu Thân - 1968, người Mỹ đã đánh giá lại toàn bộ sự can thiệp về quân sự, chính trị tại VN, với những sách lược hoàn toàn mới.
Giới bình luận quân sự vẫn tiếp tục so sánh Huế với Beirut và Fallujah sau này để nói cách đánh của Hoa Kỳ đôi khi thắng về chiến thuật nhưng lại bị “thất bại về chiến lược” (strategic defeat).
Có vẻ như chỉ những trận đánh rất khốc liệt, khiến cho chính giới Hoa Kỳ sau đó phải thay đổi ý chí chính trị, mới “được” đem ra đặt cho các tàu chiến.

Một câu chuyện tương tự, đó là câu chuyện đặt tên một trận đánh giữa hải quân Mỹ với bộ binh Nhật năm 1944, tại một hòn đảo nhỏ có cái tên Saipan trên biển Thái Bình Dương cho một tàu sân bay hạng nhẹ của hải quân Mỹ đó là tàu USS Saipan.
Sau khi tàu Saipan số một này hết hạn sử dụng, cái tên đó vẫn được đặt lại cho một tàu USS Saipan khác, mới hạ thủy năm 2007 thuộc loại tàu đổ bộ.
Ngoài ra, một cái tên khác nói về trận đánh này là Iwo Jima (tên một thị trấn nhỏ là thủ phủ của hòn đảo này) cũng được đặt cho hai chiến hạm khác là USS Iwo Jima LPH-2 và LHD-7.

Trận Iwo Jima là trận đánh đầu tiên trên lãnh thổ Nhật mà mức độ tàn khốc vượt qua mọi cuộc chiến của quân đội Mỹ tại châu Âu cho đến cùng thời điểm.
Tại hòn đảo nhỏ cách đất liền Nhật Bản hơn 750 km này, năm 1944 hơn 70 nghìn quân Mỹ đã đổ bộ vào để chiếm đảo, nơi có 22 nghìn quân Nhật do Tướng Tadamichi Kuribayashi chỉ huy đang cố thủ. Với lực lượng và hỏa lực áp đảo, quân Mỹ đã phong tỏa hoàn toàn hòn đảo cả đường không lẫn đường biển. Sau khi đã bắn phá tan tành hòn đảo nhỏ này, trước khi đổ bộ phía Mỹ kêu gọi quân Nhật đầu hàng. Trong hoàn cảnh bị bao vây hoàn toàn như vậy, nhưng quân Nhật còn lại vẫn quyết tử, thà chết không đầu hàng.
Hòn đảo nhỏ Saipan, trong đó có cái địa danh Iwo Jima sau đó bị biến thành một cỗ “máy nghiền thịt” (meat grinder). Cuối cùng người Mỹ đã thắng và chiếm được hòn đảo, nhưng con số thương vong thật khủng khiếp – 7.000 quân Mỹ và 21 nghìn quân Nhật bị giết sau 5 tuần giao tranh.

Sau trận chiến này toàn bộ kế hoạch nhằm đánh bại đế quốc Nhật trên khắp châu Á và Thái bỉnh Dương; cũng như kế hoạch đổ bộ vào đất liền Nhật Bản vạch ra trước đó đã được người Mỹ tính toán lại.
Điều này có hệ lụy chính trị sâu rộng cho Nhật Bản và cục diện châu Á sau 1945.

Trở lại câu chuyện về con tàu USS Hue City, có một chi tiết báo chí tiếng Anh nhắc đến là quân nhân Lê Bá Hùng, một người gốc Huế (a Hue native), cũng đã từng làm sỹ quan trên tàu này trước khi được thăng Hạm trưởng tàu USS Lassen
Hiện ông Lê Bá Hùng mang hàm đại tá cao cấp (Commodore) và phụ trách một hải đội của Hoa Kỳ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương./.

ĐKT
05.5.2017

Nguồn: BBC, trang navysite và trang web của hải quân Hoa Kỳ ngày 28/04/2017.
--------------------------------------
Một số hình ảnh do các phóng viên chiến trường người Mỹ chụp tại Huế năm 1968





























Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...