BÁO CHÍ PHỤC VỤ AI !

Đây là một tờ báo Đoàn - nhưng nay nó không còn phục vụ cho thanh niên nữa

Tại VN Hiến pháp viết rằng mọi công dân đều có quyền tự do báo chí nhưng tất cả các tờ báo tại VN hiện nay đều là báo nhà nước mà không thể có bất cứ tờ báo nào của cá nhân được phép tồn tại. Cho nên tất cả những tờ báo chính thống đều là báo Đảng do các Đảng viên quản lý và điều hành.
Vì lý do này mà những người làm báo chính thống hiện nay cũng chẳng mấy ai nhớ rằng : Một trong các chức năng nguyên thủy của báo chí là giám sát, phản biện chính quyền. Trong trường hợp phải lựa chọn giữa bảo vệ nhân quyền và bảo vệ chế độ, báo chí phải đứng về phía dân, đặc biệt là về phía người yếu thế. 
Có thể họ đã quên hoặc thậm chí họ đã không được học điều này ?

Khi mà tính chất giám sát và phản biện chính quyền không còn, một số cơ quan truyền thông và báo chí nhà nước đã cố tình gán ghép hướng suy nghĩ của người đọc vào một sự mâu thuẫn duy nhất đó là mâu thuẫn giữa chính quyền - nhân dân. Nhưng qua thật tế cho thấy đây chỉ là sự xung đột lợi ích giữa đông đảo người dân và một số nhóm đặc quyền đặc lợi. Đây chính là mãnh đất màu mỡ để các nhóm lợi ích lợi dụng báo chí nhằm phục vụ riêng cho quyền lợi của họ. Nó bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết sự nghi ngờ, mất niềm tin của người dân vào báo chí chính thống; đã dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc giữa báo chí chính thống – báo chí công dân.
Cách đây gần 10 năm, khi mà mạng xã hội được phép ra đời và tồn tại hợp pháp tại VN đã tạo ra một kênh phản biện chính thức cho người dân. Mỗi người dân đều có thể trở thành một ông chủ bút, một tay facebooker – nhà báo công dân chính hiệu. Và qua một số sự kiện xã hội gần đây đã lần đầu tiên chính thức đánh dấu sự chia rẽ âm ĩ bấy lâu nay giữa giới báo chí chính thống và các facebooker – nhà báo công dân; với những thông tin hoàn toàn trái chiều nhau.
Với cái cách thông tin một chiều của các tờ báo chính thống, đã khiến cho các facebooker phải vào cuộc đưa tin, đã vô tình gây ra một sự nhiễu loạn thông tin. Bản thân làng báo chính thống ở Việt Nam không phải lúc nào cũng thể hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật”, nhưng trái lại tất cả đều chỉ đòi hỏi điều ấy ở các facebooker mà thôi. Thậm chí những thông tin mà sau này được cho là chính xác được dùng để giải quyết hậu quả là do các facebooker cung cấp.
Cũng đơn giản thôi, nếu không bị mạng xã hội biết đến và tố cáo sai phạm, nếu không phải chịu hình thức xử lý nào từ cấp trên và dư luận, khi cái ác chưa được vạch mặt, ngăn chặn ; thì một người bình thường cũng có thể làm những điều tàn ác khi họ biết rõ họ sẽ không phải chịu trách nhiệm cá nhân, thì chẳng có lý do gì để những người nhân danh “nhà báo” kia không viết bậy !
Người viết bài này hiện đang sống tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột nơi mà người ta gọi là thủ phủ của Tây Nguyên, không biết cái danh xưng này từ đâu mà có và người ta xếp hạng nó dựa theo cái tiêu chí gì – nhưng về mặt kinh tế thì cái thủ phủ Tây Nguyên này đã bị hai tỉnh Gia Lai và Lâm đồng qua mặt ít nhất là về tổng thu ngân sách (năm 2016) .
Tuy nhiên do đó nó lại là nơi được các tờ báo trung ương chọn đặt văn phòng đại diện cho toàn khu vực Tây Nguyên. Hầu như các tờ báo nổi tiếng đại diện cho các tổ chức, ngành và đoàn thể đều có văn phòng tại đây. Các tờ báo Đoàn như Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên đều đặt văn phòng đại diện tại thành phố này. Trong đó đáng chú ý nhất là báo Tiền Phong với những bài viết có tính phản biện xã hội rất cao như loạt bài về ông Viện Trưởng viện Kiểm sát nọ chưa tốt nghiệp cấp 3, sự can thiệp thành công bằng loạt bài viết về việc Tòa án TP Buôn Ma Thuột xử oan một học sinh của Trường PTTH Buôn Ma Thuột đã đem lại tự do và tiếp tục con đường học vấn cho em học sinh này; các bài viết chống tiêu cực tham nhũng trong một số cơ quan nhà nước tại địa phương được dư luận khá đồng tình. Nhưng hình như gần đây tờ báo này cũng không thể thoát được cái mà người ta gọi là “quy luật của nền kinh tế thị trường”, nó đã sa đà vào vòng quay khắc nghiệt của đồng tiền và gần như đánh mất cái cái danh xưng mà nó đang mang – là cơ quan ngôn luận của tuổi trẻ VN.
Trong loạt bài gần 40 bài viết gần đây về việc chống tiêu cực tại Sở Y tế Đắk Lắk, tờ báo đã dần lệch hướng. Biến tờ báo Đoàn này thành một công cụ đắc lực cho các trò đấu đá nội bộ và tranh giành chức quyền của những người có chức có quyền trong một số cơ quan tỉnh và nhất là tại Sở Y tế.
Khi mà những bài viết này được lãnh đạo tỉnh trả lời là không có cơ sở, người bị tố cáo là ông Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk vẫn được cơ quan Đảng cấp trên xác nhận là không có điều tiếng gì và được bình bầu là Đảng viên xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau sự việc này đúng ra Báo Tiền Phong nên chấm dứt loạt bài viết của mình tại Sở Y tế Đắk Lắk là vừa, vì họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Vì với chức năng chỉ là thành viên của một tổ chức Đảng, làm nhiệm vụ Đảng giao, họ không được phép làm những gì vượt quá nhiệm vụ được giao – nhưng ở tờ báo này Ban Biên Tập đã làm ngược lại !
Khi những hành vi được cho là tiêu cực tham nhũng tại Sở Y tế Đắk Lắk đã được lãnh đạo tỉnh tổ chức hẳn một cuộc họp báo công bố cho báo chí biết là không có và cá nhân Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk không có vi phạm như báo Tiền Phong tố cáo. Thì báo Tiền Phong đã chuyển hướng đánh vào cá nhân ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk bằng cách moi móc đời tư của ông giám đốc này. Phóng viên viết loạt bài trước đó nay không dùng tên thật của mình mà chuyển qua danh xưng “ Nhóm Phóng viên” tức là dùng tập thể để đánh cá nhân.
Sự việc đã bị ông giám đốc này khởi kiện ra tòa, tính đúng sai của hành vi này sẽ do pháp luật quyết định trong một phiên tòa gần đây; nhưng việc lợi dụng báo chí (nhất là báo Đảng) để tung hê những gì xấu trong đời tư của đối thủ ra trên mặt báo là một hành vi không thể chấp nhận được. Các vị lãnh đạo các tờ báo chính thống nên nhớ rằng, người dân trả tiền nuôi các vị là để các vị lo cho họ, chứ không phải để các vị đấu nhau vì lợi ích nào đó, thử hỏi người dân làm sao còn có niềm tin vào báo chí .
Chúng ta ủng hộ việc đấu tranh chống tham nhũng của mọi cơ quan báo chí, mọi nhà báo. Nhưng hãy là đấu tranh một cách trong sáng, khoa học và hợp pháp, chứ đừng nhân danh "đấu tranh chống tham nhũng" vì tư thù cá nhân nào nếu có. Nhà báo cũng là một công dân, hãy thượng tôn pháp luật. Việc phóng viên tác nghiệp theo kiểu bôi nhọ danh dự của người khác là một việc khó có thể chấp nhận được ở một người cầm bút, sai về cả nguyên tắc nghề nghiệp lẫn nhân cách con người.
Tôi đã đọc khá kỹ 02 bài viết gần đây nhất của nhóm phóng viên báo Tiền Phong viết về chủ đề này, cũng giật mình khi với một chủ đề khá nhạy cảm viết về chuyện riêng tư của một cá nhân và cá nhân này lại là một con người đang đương chức đương quyền, là tỉnh ủy viên và giám đốc một sở của một tỉnh lớn như Đắk Lắk mà lại được viết một cách khá cẩu thả. Nguồn tin thiếu xác tín, không có cơ sở và chưa qua một quá trình điều tra hay kiểm tra đúng pháp luật. 
Bởi theo nguyên tắc, khi một chuyện có liên quan đến một người có sức ảnh hưởng dư luận, nhất định phải xác minh qua chính người đó bằng cách phỏng vấn, hoặc qua tổ chức kiểm tra Đảng, thanh tra cấp cao hơn của người đó, nếu người đó trong bộ máy nhà nước. Cái này bất cứ một phóng viên chuyên nghiệp nào cũng phải biết. Đây rõ ràng là một hành vi vi phạm pháp luật.
Lâu nay báo Tiền Phong dùng đến những nhà báo được cho là khá kiên trì trong việc đấu tranh với Sở Y tế Đăk Lăk trong vụ đấu thầu thuốc. Nhưng "kiên trì" đến mức lôi chuyện riêng tư của người ta ra để viết thì rõ là không ổn. Và càng cho thấy rõ hành vi này chỉ là phục vụ cho cái tư thù cá nhân. Hoặc gần đây trên mạng xã hội đã rò rỉ những tin nhắn được cho là của nhà báo Hoàng Thiên Nga về vụ đối thủ của ông Long ra giá "5 tỷ", thuê nhà báo này viết bài hạ bệ ông Long ; nếu đây là sự thật tôi đề nghị các cơ quan điều tra nên làm rõ vụ việc này.
Qua hai bài báo vừa rồi của báo Tiên Phong, kể từ khi tờ báo này vào cuộc với loạt bài chống tiêu cực tại Sở Y Tế Đắk Lắk - cho đến nay thì đã dần lộ ra khá rõ, vụ việc tại Sở Y Tế Đắk Lăk thực chất chỉ là một cuộc đấu đá và hạ bệ người khác có chủ đích và có kế hoạch. Và người ta đã làm đủ mọi cách để đạt được điều đó. Kể cả việc dùng báo chí (báo Đảng) để tung hê những gì xấu của đối thủ ra trên mặt báo. Chứ chẳng có cái gọi là đấu tranh chống tiêu cực nào cả.
Đây cũng là một trong những lý do khiến cho người dân không còn có niềm tin vào báo chí nhà nước./.

ĐKT
17/4/2017







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...