MỘT SỰ NGỘ NHẬN LỊCH SỬ CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN NGUYỄN PHÚC TỘC !

 Ngôi Triệu Tổ Miếu (Triệu Miếu) hiện nay tại Đại Nội Huế 

Câu chuyện được bắt đầu từ  một số bức ảnh do một số nhà báo và khách du lịch chụp tại buổi lễ giỗ lần thứ 294 của chúa Nguyễn Phúc Chu (1725-2019) vị chúa thứ 6  thời các chúa Nguyễn cai trị vùng đất phía Nam
Lễ giỗ được tổ chức vào ngày 21-4 năm Kỷ Hợi, (tức ngày 25.5.2019) tại Triệu Tổ Miếu , trong Đại Nội, Kinh Thành Huế .
Về dự có đại diện của Hội Đồng Trị Sự  Họ Nguyễn Phúc tại Huế; đại diện một số Hệ, Phủ - Phòng của họ Nguyễn Phúc tại Huế và nhiều tỉnh thành trong nước về dự.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước có Giám đốc Trung Tâm Bảo Tồn Di tích Cố Đô Huế - ông Võ Lê Nhật.
Buổi lễ húy kỵ đơn giản nhưng khá trang trọng mọi người cùng bái lạy và thắp lên một nén tâm nhang để tưởng nhớ về một vị Chúa có công với nước.



Tấm hình gây nhiều tranh cãi hiện nay

Tuy nhiên có một hình ảnh khá lạ đập vào mắt du khách và người tham dự buổi lễ - đó là một tấm băng rôn màu vàng được treo ngay cổng vào Triệu Tổ Miếu (Triệu Miếu), đây một ngôi miếu thờ Nguyễn Kim, thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nguyễn Kim đã được triều Nguyễn truy tôn miếu hiệu cho ông là Triệu Tổ (Thủy tổ của dòng họ Nguyễn Phúc). Nội dung tấm băng rôn ghi rõ dòng chữ “ Lễ Húy Kỵ đức Hiển tông Hiếu Minh Hòang đế (Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu) lần thứ 294 (1725-2019)”.
 - Nội dung viết trên tấm băng rôn đã gây nên một sự tò mò và thắc mắc lớn cho du khách và một số nhà báo; tại sao lại có một người lại vừa là Hoàng đế lại vừa Quốc chúa . Và theo họ thì trong những bộ sách giáo khoa phổ thông và các bộ chính sử quốc gia ghi chép thì chúa Nguyễn Phúc Chu, chỉ là một trọng thần của Nhà Lê (Trung hưng) được vua Lê giao trấn thủ vùng đất phương Nam, chứ ông chưa bao giờ là một Hoàng Đế cả. Theo họ được biết, cái danh xưng Chúa cũng do dân gian đặt ra, chứ trong các chức tước thời Lê (Trung hưng) cũng hoàn toàn không có. Nay tại sao Trung Tâm BTDTCĐ Huế lại treo một cái băng rôn ở nơi công cộng với nội dung quái lạ như vậy ? 
- Một số nhà báo và những người có trách nhiệm đã chụp lại tấm băng rôn và đã gửi cho tôi (xin đính kèm theo sau đây!) yêu cầu giải thích. Chỉ cần đọc lướt qua, tôi đã nhận ra là đã có một sự nhầm lẫn khá nghiêm trọng ở nội dung viết trên tấm băng gôn này. Do không có thời gian tôi đã giải thích vắn tắt cho họ rằng :
 - "Ở đây đã có một sự nhầm lẫn, cũng có thể là một sự ngộ nhận lịch sử khá thô thiển, hoặc người viết không có chuyên môn sử học, hay có một ý gì khác mà chúng ta khó nhận ra ?"
Nay cũng theo yêu cầu, tôi sẽ trả lời thật cụ thể nội dung các vị đã hỏi và cũng để cho tất cả những ai quan tâm chủ đề này tham khảo thêm.

Theo tôi, nếu hiểu thuần về chuyên môn thì sở dĩ có chuyện này là do những người viết, những người quản lý không có kiến thức sử học, nên đã không phân biệt được sự khác nhau của miếu hiệu được truy tôn, thụy hiệu được truy tặng với đế hiệu thật của một vị vua đương triều. Để rồi viết lên một câu danh xưng miêu tả một người vừa là Quốc Chúa vừa là Hoàng Đế, khá là ngộ nghĩnh như vậy?





Di tích Triệu Tổ Miếu trước và sau khi được trung tu (2015 - 2016)

Trước hết hãy cùng tìm hiểu về nhân vật chính – Chúa Nguyễn Phúc Chu !

Nguyễn Phúc Chu sinh năm Ất mão (1675), lên ngôi chúa năm 17 tuổi , thời gian ở ngôi là 34 năm (1691-1725). Ông là con cả của Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái. Mẹ ông là Tống Thị Lĩnh ở Tống Sơn, Thanh Hoá (con của Thiếu phó Quận công Tống Phúc Vinh). Thuở nhỏ, ông rất chăm học văn hay, võ giỏi. Ông được phong là Tả binh đinh Phó Tướng Tộ Trường Hầu.
Năm 1691, Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái qua đời. Quân thần vâng di mệnh, tôn ông là Tiết Chế Thủy Bộ chư Dinh Kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự Thái Bảo Tộ Quốc Công.
Ông lấy hiệu là Thiên túng đạo nhân, cho giảm một nửa thuế ruộng trong năm đó. Trong dân gian thời bấy giờ gọi ông là Quốc Chúa.
Đây là vị Chúa có thời gian trị vì khá dài (34 năm), thời gian trị vì đạt được một số thành công trong việc mở cõi về phương Nam, lập thêm được phủ Bình thuận (1697), bắt đầu đặt phủ Gia định. lập dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài gòn làm huyện Tân Bình, dựng đinh Phiên Trấn, lập xã Minh hương …. Nhiều người Hoa do những biến động chính trị của xã hội Trung Hoa vào cuối thời nhà Minh đã di cư sang khu vực này sinh sống, buôn bán làm ăn đã biến khu vực Sài gòn – Đồng Nai thành nơi có kinh tế phát triển nhất của khu vực Nam bộ thời ấy. 
Năm Mậu Tý (1708), nhân lúc nội bộ nước Chân Lạp rối ren, vùng duyên hải phía Nam của nước này thường xuyên bị người Xiêm tấn công cướp phá; trong đó vùng đất Rạch giá – Hà tiên – Phú quốc (lúc này vẫn đang còn thuộc về Chân Lạp) là nơi có đông đảo người Hoa di cư sang sinh sống buôn bán, kinh tế phát triển, bị người Xiêm tàn phá nặng nề nhất. Mạc Cửu là một người Hoa, vốn là một cựu thần nhà Minh đang được triều đình Chân Lạp giao cai quản vùng đất này bèn xin được theo về với Chúa Nguyễn; xin chúa Nguyễn bảo vệ bằng cách là dâng vùng đất này cho Chúa. Chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp nhận, cử binh vào đánh dẹp người Xiêm và bảo vệ vùng đất mới. Sau khi đánh thắng người Xiêm, Chúa dùng Mạc Cửu làm tổng binh trấn Hà Tiên. Lãnh thổ VN có được hình hài như ngày nay là từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).
Như vậy đây là vị chúa có công nhất trong việc mở rộng bờ cõi về phương Nam.

Sừ cũ cũng cho biết, khi phía Nam đất đai đã được khẩn hoang đến tận biên giới Chân Lạp. Trong nước việc nội trị, võ bị, giáo dục phát triển quy củ, kinh tế được phát triển có quy mô. Bắc Hà tuy có vua Lê nhưng quyền bính ở trong tay Chúa Trịnh. Chúa Nguyễn Phúc Chu muốn tách riêng miền Nam thành một nước độc lập. Chúa sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa cầu phong nhà Thanh. Vua Thanh cũng có ý muốn phong vương cho chúa Nguyễn nhưng triều thần can rằng:
“ Nước Quảng Nam hùng trị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn. Tuy nhiên nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được!”
Nên việc yêu cầu nhà Thanh phong Vương cho Chúa không có kết quả.
Chúa Nguyễn Phúc Chu mất năm Ất tỵ (1725) ở ngôi được 34 năm, thọ 51 tuổi. Đây là vị Chúa Nguyễn có số lượng con đông nhất: 146 người, trong đó con trai là 38 người.
Lăng mộ táng tại Kim Ngọc, Hương Trà, Thừa Thiên. Tên lăng được gọi là Trường Thanh
Sau khi nhà Nguyễn được khôi phục (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi Vua lập ra triều Nguyễn. Triều đình nhà Nguyễn đã ban cho Chúa Nguyễn Phúc Chu:
Miếu Hiệu  : Hiển Tông(chữ Hán: 顯宗),
Thụy hiệu : Anh Mô hùng lược Thánh Minh Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu Minh Hoàng Đế. (Chữ Hán: 英謨雄略聖文宣達寬慈仁恕孝明皇帝),
Viết tắt là : Hiếu Minh hoàng đế (chữ Hán: 孝明皇帝)

Ở đây chúng ta cùng nhau khẳng định rằng Nguyễn Phúc Chu không phải là một vị vua nước Đại Việt, mà chỉ là một trọng thần nhà Lê thay vua Lê cai quản vùng đất phương Nam theo lệ tập ấm cha truyền con nối. 
Đây là một hình thái phân - phong có nguồn gốc từ thời Nhà Chu của nước Trung Hoa cổ đại bên Trung Hoa mà các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đều áp dụng. Đó là hình thức Phong tước- Kiến địa, mà ngày nay các nhà sử học Mác - Xít gọi tắt là Phong Kiến, là hình thức phong vương cho các hoàng thân quốc thích và các trọng thần sau đó giao cho họ cai quản một vùng đất xa xôi nào đó. Trên vùng đất được cấp đó họ được toàn quyền sinh sát và định đoạt tất cả như một vị vua theo hình thức cha truyền con nối. Họ chỉ phải triều cống và đóng thuế hàng năm cho triều đình. Vì lý do này chúa Nguyễn Phúc Chu không có niên hiệu riêng mà vẫn phải dùng niên hiệu của nhà Lê (Trung hưng) trong các văn bản nhà nước. Trong tất cả các bộ chính sử cũng hoàn toàn không ghi chép việc Chúa Nguyễn Phúc Chu là một vị vua nước Nam. Sau khi ông mất con cháu đã căn cứ theo điển lệ của triều đình thời ấy (nhất là sau khi triều Nguyễn hình thành) đã truy tôn và phong tặng Thụy hiệu và Miếu hiệu cho ông nhằm thuận tiện cho việc thờ tự cúng kính.

Về vấn đề niên hiệu, thụy hiệumiếu hiệu là gì ? Xin được diễn giải như sau:

Niên hiệu: (Chữ Hán: 年号) là tên của một triều vua, nó đánh dấu thời kỳ bắt đầu và kết thúc thời gian trị vì của một vị vua. Niên hiệu chỉ hiện hữu trong một giai đoạn nhất định gồm các năm nhất định được các hoàng đế Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như Việt NamTriều Tiên & Nhật Bản sử dụng. Mỗi ông vua thường có một hoặc nhiều niên hiệu riêng. Sau niên hiệu là số năm trị vì. 
Ví dụ: Vua Nguyễn Thế Tổ, có niên hiệu là Gia Long, thời gian trị vì là 1802-1819; nhưng vua Mạc Mậu Hợp có tới 6 niên hiệu, thời gian trị vì tới 39 năm (1554-1592); hoặc vua Lê Anh Tông (Trung hưng) thời gian trị vì chỉ có 17 năm (1556-1573) nhưng có tới 3 niên hiệu là Thiên Hựu, Chính Trị, Hồng Phúc.

Thuỵ hiệu  (chữ Hán: 諡號), còn gọi là hiệu bụt. Trong văn hóa Đông Á đây là một dạng tên được đặt sau khi một người nào đó qua đời. Người được đặt có thể vị vua của một triều đại, những người có công trạng quốc gia, những danh nhân văn hóa.... Trong văn hóa Phật giáo thuỵ hiệu cũng được sử dụng, được dùng để ban tặng cho các vị Cao tăng, Đại sư, Bồ Tát, Quốc sư, Thiền sư, Hoà thượng, Pháp sư, Thượng nhân…
Thụy hiệu cùng với miếu hiệu thường gắn liền nhau vì cùng chung một tính chất là chỉ được đặt ra cho người đã qua đời và mang tính lễ nghi cúng bái.
Việc đặt thụy hiệu đã có từ lâu, khởi nguồn từ nền văn minh Trung Hoa, và dần dần trở thành một tục lệ hiển nhiên trong văn hóa các nước khác trong khu vực. Ngoài các quân vương, thụy hiệu còn dùng cho các quan lại đại thần, quý tộc thậm chí là Hoàng hậu và phi tần .
Theo giải thích của nhà nghiên cứu Thiền Chửu (Nguyễn Hữu Kha) thì chữ Thụy cũng có nghĩa như sau:
"Tên hèm, lúc người sắp chết người khác đem tính hạnh của người sắp chết ấy so sánh rồi đặt cho một tên khác để khi cúng giỗ khấn đến gọi là thụy. Ta gọi là tên cúng cơm."

Miếu hiệu (Chữ Hán: 廟號) là tên hiệu dùng trong tông miếu dành cho các vị vua sau khi họ đã qua đời, đây là một dạng kính hiệu khá đặc trưng của nền quân chủ Đông Á.
Miếu hiệu có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa, sau khi vị vua tiền triều qua đời, vị quân vương nối ngôi và đình thần cùng thảo luận để tôn viết trên bài vị, hay trên các bài văn tế đọc trong các dịp giỗ chạp. Đặc điểm cơ bản của miếu hiệu là nó thường có một trong hai chữ: Tổ () hoặc Tông (), đi trước thường là một tính từ mang tính miêu tả.
Miếu hiệu thường ngắn, chỉ có 1 tính từ đi với Tổ hoặc Tông, trong khi Thụy hiệu có  thể rất dài, có khi lên hàng chục chữ.
Trường hợp của Chúa Nguyễn Phúc Chu trên đây, miếu hiệu của ông được con cháu truy tặng là : Hiển Tông (chữ Hán: 顯宗),Hiển chỉ là một tính từ có nghĩa là người chết, đã mất(một mặt nào đó nó còn có nghĩa là vinh dự, vinh danh); Tông có nghĩa là giống nòi, là tổ tiên. Hiển tông có nghĩa là tổ tiên đã mất, chỉ đơn giản vậy thôi !

Tóm lại, hai danh xưng này Thụy hiệu, Miếu hiệu thường gắn liền nhau, vì cùng chung một tính chất là “chỉ được đặt ra cho người đã qua đời và chỉ mang tính lễ nghi cúng bái. Chỉ được dùng trong các bài văn tế và sử dụng trong các tông miếu”.
Hay nói cách khác, để tiện cho việc viết và đọc văn tế sau khi một ai đó đã chết, con cháu họ tìm cách nói tránh tên húy của người chết bằng cách là đặt cho họ một cái tên mới theo đức hạnh và công trạng của họ lúc còn sống để tiện cho việc khi cúng giỗ khấn đến, gọi là thụy. Nếu hiểu đơn giản hơn thì đây chỉ là “tên cúng cơm” !  

Mặt khác, hai danh xưng này chỉ có danh nghĩa tượng trưng, chỉ  một hình thức truy tôn (hay ban tặng) cho một người có danh phận đã chết (như giải thích trên đây) trong lịch sử các nền văn hóa Đông Á (Việt Nam, Nhật bản, Trung Hoa  Triều Tiên), không phải là niên hiệu (hay đế hiệu). Tại khu vực Đông Á chỉ có duy nhất nước Nhật - niên hiệu (đế hiệu) của một vị Thiên Hoàng Nhật Bản; sau khi qua đời niên hiệu  trở thành thụy hiệu của họ. Chẳng hạn như vua Mutsuhito , đặt niên hiệu là Minh Trị, sau khi qua đời năm 1912 ông được tôn thụy hiệu là Minh Trị Thiên hoàng.





Thành viên họ Nguyễn Phúc và quan khách tham gia buổi lễ giỗ

Xin trở lại câu chuyện, tại sao người ta lại cố tình tự phong cho một nhận vật lịch sử có thật vừa là Quốc Chúa  vừa là Hoàng đế , trong khi thực tế lịch sử lại không phải như vậy. Như nói trên đây, nếu những người làm việc này không có ý đồ gì khác, thì chỉ có một lý do duy nhất là do họ không có kiến thức sử học ?

Lịch sử hình thành và phát triển các đời chúa Nguyễn và triều Nguyễn kéo dài gân 400 năm được bắt đầu từ một nhân vật có cái tên là - Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nhân vật khai sinh ra các đời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn này vốn chỉ là một tôi thần phục vụ triều đình nhà Lê (Trung Hưng). Do có hiềm khích với người anh rể là Trịnh Kiểm ông đã xin vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (năm 1558); sau đó được vua Lê gọi ra Bắc nhiều lần để giúp vua Lê chống tàn dư nhà Mạc. Do lập được công lớn, năm Quý Tỵ (1593) được Vua Lê Thế Tôn (niên hiệu Quang Hưng) tấn phong tước Trung Quân đô đốc thủ phủ tả đô đốc chưởng phủ sư thái úy Đoan quốc công (Cái danh hiệu Đoan Quốc Công bắt đầu có từ đó).
Con cháu Nguyễn Hoàng được phong tập ấm (tức là nếu chết con cháu được giữ chức vụ và tước hiệu của họ)

Năm 1600 nhằm thoát ra khỏi sự kềm tỏa của Trịnh Tùng, nhân dịp được vua Lê sai đi đánh dẹp nội loạn ở vùng ven biển Bắc bộ, Nguyễn Hoàng đã dẫn quân bản bộ ra biển dong thẳng vào Thuận Hóa, để lại một người con trai làm con tin. Trước sự đã rồi, vua Lê  và Trinh Tùng sau đó đã sai sứ giả vào Thuận Hóa phủ dụ, vẫn thuận cho Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa, chỉ nhắc nhở việc phải đóng góp thuế cống đầy đủ cho triều đình (nhà Lê).
Từ đó Nguyễn Hoàng và con cháu của ông được giao trấn giữ phương Nam và hưởng bổng bộc của nhà Lê như những tôi thần.
Nhưng sau khi Nguyễn Hoàng mất (1613) đã xảy ra cuộc phân tranh Trịnh –Nguyễn, đã có tới 9 cuộc chiến lớn nhỏ kéo dài trong hơn 50 năm khiến cho đất nước kiệt quệ nhân dân đói khổ, nhất là vùng Thuận Hóa, chiến trường chính của cuộc chiến này.
Thật tế đây chỉ là một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn, nhưng trong các cuộc chiến này hai bên đều lấy danh nghĩa vua Lê để tiêu diệt bên kia. Chúa Trịnh thì cho rằng chúa Nguyễn là thành phần cát cứ, là giặc nổi loạn ở phương Nam; không nộp thuế cho triều đình, chiếm đoạt giang san của vua Lê cần phải đánh dẹp. Các Chúa Nguyễn  thì cho rằng Chúa Trịnh là những quyền thần lộng quyền lấn át quyền lực vua Lê cần phải loại ra khỏi triều đình. Nhưng sau hơn 50 đánh nhau do thấy khó bề tiêu diệt đối thủ, hai thế lực Trịnh – Nguyễn bắt tay hòa hoãn, lấy sông Gianh làm giới tuyến, giang san ai nấy ở, khiến cho đất nước bị chia đôi trong hơn 150 năm.

Tuy nhiên trong suốt thời gian ấy để thu phục nhân tâm và giành chính nghĩa về phía mình, hai thế lực Trịnh – Nguyễn vẫn khép mình lại làm một trung thần phò Vua giữ nước, chống lại quyền thần và nạn các cứ. Họ tuyệt đối không bao giờ xưng vương hay xưng đế, các chúa Nguyễn vẫn dùng niên hiệu nhà Lê trong các văn bản giấy tờ của nhà nước, thậm chí họ vẫn gửi sứ giả ra Thăng Long chúc thọ vua hay tham gia các lễ trọng của triều đình nhà Lê – Trịnh.
Nói tóm lại chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) - chỉ là một vị chúa bình thường như 05 vị chúa trước đó, là một trọng thần của nhà Lê Trung Hưng được vua Lê sai trấn thủ phương Nam. Hòan toàn không có việc xưng vương hay xưng đế tại Phú Xuân hay vùng đất phía Nam dưới thời gian trị vì của vị chúa Nguyễn này.

Mãi cho tới 13 năm sau, năm Giáp Tý (1744), dưới thờì chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765); Chúa Nguyễn Phúc Khoát mới quyết định đoạn tuyệt với nhà Lê bằng cách xưng vương. Chúa đã cho đúc ấn Quốc Vương, lên ngôi vương ở phù Phú xuân và ban chiếu bố cáo thiên hạ; sau đó là chế triều nghi, phân cấp ngôi thứ, ban tước cho hoàng tộc và các trung thần; thay đổi cách xưng hô trong hoàng tộc …. Tuy nhiên do không được nhà Thanh thừa nhận và phong vương nên triều đình nhà vua mới này vẫn phải dùng niên hiệu của nhà Lê (Trung hưng), trong tất cả công văn giấy tờ và văn bản nhà nước.
Để Phú Xuân xứng đáng là một kinh đô; từ năm Giấp Tuất (1754) nhà vua mới đã cho xây dựng thêm hàng loạt các cung điện, đền đài mới theo quy mô đế vương, cho cải tạo và xây dựng hàng loạt các công trình công cộng và dân sinh khác, biến Phú Xuân thành một khu thị tứ lớn nhất Đàng Trong lúc ấy !
Sử cũ cho biết, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), kinh đô Phú Xuân trở thành một nơi đô hội lớn, văn vật thanh dung lừng lẫy, mà các đời Chúa trước chưa từng có. Nhà vua mới cũng bắt đầu tổ chức đón tiếp các đoàn sứ giả, các quốc vương của các vương quốc láng giềng sang thăm viếng và lập quan hệ ngoại giao.

Đây mới là sự thật lịch sử, lịch sử  nó khác với truyền thuyết vì truyền thuyết là những điều không có thật. Truyền thuyết là do một vài cá nhân tạo nên và người ta đang cố công tìm một tấm giấy khai sinh cho những điều mà họ tự vẽ ra. Đó là điều không nên đối với những người thật sự muốn học hỏi !




Những kiến thức tối thiểu này cũng đã được ghi chép khá đầy đủ trong những cuốn sách như thế này.

Tiếc rằng một số người hiện đang làm công tác quản lý văn hóa, thậm chí là rất nhiều người trong dòng họ Nguyễn Phúc cũng không biết được những điều tối thiểu này. Họ đã không phân biệt được, như thế nào là niên hiệu (đế hiệu), như thế nào là thụy hiệu, như thế nào là miếu hiệu. Để rồi dẫn tới cách hiểu một sự thật lịch sử khá là mơ hồ, làm lẫn lộn những danh phận của chính tổ tiên họ. Thậm chí khi bị chất vấn vụ việc trên đây, một thành viên của BTS họ Nguyễn Phúc đã trả lời cho chúng tôi rằng:

Ngài Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế húy là NGUYỄN PHÚC CHU QUỐC CHÚA hay CHÚA MINH còn gọi là MINH VƯƠNG (1675-1725). Ngài mất, lăng táng tại Kim Ngọc (Hương Trà, Thừa Thiên). Tên lăng là Trường Thanh. Đến đời vua Gia Long, ngài được thờ tại Thái Miếu, án thứ ba bên tả.
Thế tử lên ngôi, dâng thụy hiệu là: Đô Nguyên Súy Tổng Quốc Chính Khoan Từ Nhân Thứ Tộ Minh Vương. Đến đời Vũ Vương, ngài được truy tôn : Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu Minh Vương.
Vua Gia Long truy tôn: Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu Minh Hoàng Đế

Miếu hiệu là Hiển Tông ....”
Danh xưng trên được Hoàng Đế Gia Long ban tặng, theo bạn là "không hợp lẽ cho lắm" kể cũng lạ!
Kể cả các con trai ( gọi là Hoàng Nam) con gái (gọi là Hoàng Nữ) của các vị Tiên Chúa, khi Phụ Hoàng của họ đều được Truy tôn là Hoàng Đế, thì nghiễm nhiên họ được sử dụng với chức danh tước vị cao nhất là những Hoàng Tử hay Công Chúa cũng không có gì là "không hợp lẽ"
( họ cho là đã trích từ cuốn Nguyễn Phước Tộc Thế Phả trang 138 sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Quyển VIII)


Phải chăng sau khi triều Nguyễn sụp đổ, thì kiến thức về dòng họ Nguyễn Phúc cũng dần biến mất theo thời gian ?

LỜI KẾT:
Sau khi đọc những dòng hồi âm này của một số thành viên Nguyễn Phúc gửi cho, chúng tôi  - những người đã nhiều năm học hỏi và nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử các chúa Nguyễn và triều Nguyễn xét thấy không cần trao đổi gì thêm nữa. Họ không phải là những đối tượng để chúng tôi trao đổi học hỏi. Vì không phải cứ là thành viên của họ Nguyễn Phúc là biết tất cả về lịch sử dòng họ mình. Đó không chỉ đơn giản là lịch sử của một dòng họ mà còn là lịch sử của một triều đại, một thể chế chính trị kéo dài gần 400 năm. Việc tìm hiểu sự thật về một thời kỳ lịch sử đầy biến động và đau thương nhất này của nước Việt không phải là câu chuyện mà ai cũng hiểu được và làm được !
Việc con cháu họ Nguyễn Phúc hiện nay tự hiểu, tự tôn và tự xưng các danh xưng của tổ tiên họ như thế nào là việc của họ, không còn ảnh hưởng gì đến văn hóa và tinh thần của người dân VN nữa. Vì vị vua cuối cùng là Bảo Đại đã thoái vị, triều Nguyễn đã không còn; tông thất nhà Nguyễn và giới quý tộc nhà Nguyễn cũng đã bị chính phủ Ngô Đình Diệm giải tán năm 1956. Cung vàng điện ngọc, lầu đài thành quách và tài sản của hoàng tộc triều Nguyễn ở tại Huế và phía Nam đã bị chính phủ Ngô Đình Diệm tịch thu, sung vào công quỹ và trở thành tài sản quốc gia.
Sau năm 1975 đã trở thành tài sản của toàn dân do nhà nước quản lý, việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo tất cả các di tích triều Nguyễn tại Huế đều do Trung Tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đảm trách, kinh phí hoạt động đều do ngân sách tỉnh cấp.
Vào năm 2016 di tích Triệu Tổ Miếu (Triệu Miếu), sau hơn 200 năm xây dựng đã xuống cấp, tỉnh đã quyết định cấp kinh phí cho Trung tâm BTDTCĐ Huế để trùng tu lại toàn bộ di tích này với số tiền là 35,6 tỷ đồng, trong đó có đóng góp của các tổ chức văn hóa – xã hội của nước Mỹ cho việc xây dựng là 7000.000 USD (khoảng 15 tỷ), đóng góp phục hồi các án thờ tại Triệu Tổ Miếu 613 triệu VND (trên tổng số là 643 triệu VND, tức là hơn 90%)./.

Đà Nẵng, ngày 28.5.2019
ĐKT

Ghi chú
Bài viết có sử dụng một số hình ảnh về buổi lễ giỗ do ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh đăng trên FB cá nhân. Một số ảnh chụp tư liệu khác do tác giả sưu tầm trên mạng thì không tìm thấy tên tác giả; vì những người sử dụng trước đó tuy không phải là tác giả nhưng họ không trích dẫn nguồn. Nên không cần thiết phải hỏi ý kiến, hay xin phép họ./.

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...