Lệ “tứ bất” dưới triều Nguyễn.

Ngọ Môn Huế

Nhà Nguyễn là vương triều cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Có nhiều ý kiến cho rằng dưới triều Nguyễn - để đảm bảo quyền lực tối thượng của Hoàng đế, để bảo đãm cho sự thống nhất của đất nước và duy trì sự ổn định của vương triều lâu dài. Các vua nhà Nguyễn đã đề ra lệ “tứ bất”. Nhưng trong tất cả các văn bản mà quốc sử quán triều Nguyễn lưu lại thì hoàn toàn không có bất cứ một văn bản nào nhắc tới cái lệ này. Trong tất cả các bộ Luật dưới triều Nguyễn cũng không thấy nhắc tới cái thành ngữ này ? Vậy có cơ sở nào khẳng định cho sự tồn tại của “tứ bất” dưới triều Nguyễn – hay nó chỉ là một thứ “Lệ” bất thành văn ở chốn cung đình ? Vậy “tứ bất” là gì ?

“Tứ bất” có nghĩa là bốn không – bốn điều cấm kị trong triều đình nhà Nguyễn. Tuy nhiên có nhiều ý kiến khác nhau trong khi diễn giải cái lệ tứ bất này, nhưng cách diễn giải mà chúng ta thường gặp nhất đó là:
Bất thiết Tể tướng
Bất cử Trạng nguyên
Bất lập Đông cung (Bất lập vương tước).
Bất phong Hoàng Hậu.
Dịch nghĩa:
Không đặt chức tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không lập hoàng hậu và không phong Đông cung Thái tử.
Tuy nhiên có ý kiến là thay không lập Thái tử bằng - Không phong vương cho người ngoại tộc (hoặc không ban tước Vương cho người trong hoàng tộc đang còn sống).

Theo bộ Lịch sử Việt Nam của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1971, tập 1 – trang 370 có viết chính Gia Long – vị vua khởi thủy của triều Nguyễn là người đề ra Tứ bất. Tuy nhiên, căn cứ vào các điển chế các văn bản của Quốc sử quán triều Nguyễn thì hoàn toàn không hề thấy nhắc đến lệ này. Theo nghiên cứu của tôi thì thật ra cái lệ này có từ thời Lê Trung Hưng (hay Lê – Trịnh) khi triều Lê bỏ ngôi Tể tướng. Dưới triều Gia Long, để tránh lộng quyền ngay từ đầu nhà Vua đã bãi bỏ chức Tể tướng, còn những điển lệ khác vẫn duy trì như các triều đại trước vì trong bộ “Quốc triều hình luật” gồm 22 quyển với 398 điều được ban hành năm Ất Hợi (1815) đã cho thấy điều này. Có nghĩa là mọi luật lệ của vương triều đã được vị vua sáng lập vương triều quy định thành luật (từ năm 1815), các vua kế tiếp (tức là con cháu của ông) không được làm trái.
Nhưng cũng chỉ tới triều vua con là hoàng đế Minh Mệnh (1820-1840) là đã có nhiều thay đổi khá rõ nét. Đây là vị vua lên ngôi không được chính danh, ông chỉ là người con thứ tư của Vua Gia Long. Đây là vị vua khá thông minh và được học hành đàng hoàng; khác với vua cha võ biền suốt đời chinh chiến. Ông tìm cách thay đổi luật lệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước và duy trì sự thống trị của Vương triều nhưng không xúc phạm tới những quy định của tiền triều do người cha suốt một đời chinh chiến dựng nên. Nên ông đã đặt ra những thứ lệ bất thành văn, trong việc vận hành bộ máy nhà nước của mình; mà đã là lệ thì mỗi người hiểu một cách khác nhau là điều đương nhiên thôi. Chỉ những người dân xứ Thuận Hóa trong cuộc sống thường nhật phải tiếp xúc với các thứ lệ này, chỉ những những gia đình hoàng tộc và quan viên ở đây với những văn bản và cứ liệu xưa vẫn còn lưu giữ trong các gia đình họ mới biết những lệ này.
Đối với giới nghiên cứu văn hóa Huế và người dân xứ Huế thì điều này là có thật và không có gì phải bàn cãi cả. Theo đó lệ “tứ bất” thực tế chỉ có từ năm 1822 dưới triều vua Minh Mệnh (1820-1840). Nó được duy trì xuyên suốt như một thứ luật bất thành văn trong các triều vua sau đó. Chỉ tới triều vua Bảo đại, vị vua Tây học này đã phá lệ khi phong Hoàng Hậu cho bà Nguyễn Hữu Thị Lan, sau khi cưới (trước đó bà vợ chính của vua chỉ được phong Hoàng Hậu sau khi mất) và phong cho con trai là hoàng tử Bảo Long làm Đông cung thái tử.

Vua Bảo Đại

Do “tứ bất”chỉ là một thứ lệ bất thành văn, nhưng cái lệ này nó có nhiều tác động lớn đến đại cuộc của đất nước trong một thời gian dài, nên vô tình đã tạo nên một mảnh đất màu mỡ cho những nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa tha hồ cày xới. Theo đó, một số sách sử và sách nghiên cứu mới, cũng đặt nghi vấn là liệu lệ “tứ bất” có thực sự tồn tại hay không ?

Chúng ta hãy cùng xem họ nói gì ?
Trước hết cách diễn giải “tứ bất là gì” cũng đã có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo bộ sách Lịch sử Việt Nam của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1971, tập 1 – trang 370, thì  “tứ bất” là: Không đặt tể tướng; không lấy đổ trạng nguyên; không lập hoàng hậu; không phong vương cho người ngoại tộc. Nhưng theo giáo sư sử học Nguyễn Phan Quang - NXB tp Hồ chí Minh, năm 1999; trang 14, thì “tứ bất" là: không đặt chức tể tướng; thi đình không lấy trạng nguyên; trong cung không lập hoàng hậu; không phong vương cho ngoại tộc.
Một tác giả khác thì cho rằng: Không đặt tể tướng; không lấy trạng nguyên; không lập hoàng hậu; không phong vương tước (Nguyễn Ngọc Quang chủ biên, NXB giáo dục-2004, trang 190).
Trong bộ sách giáo khoa phổ thông Lịch sử Việt Nam cũng đã nêu ra câu chuyện “ tứ bất”, rằng: “Để đảm bảo uy quyền tuyệt đối cho nhà vua và dòng họ cai trị, Gia Long cho đặt lệ tứ bất” và sách này diễn giải “tứ bất” là: Không đặt tể tướng; không lập hoàng hậu; không lấy trạng nguyên, không phong vương cho người ngoài hoàng tộc (TS. Sử học Huỳnh Công Bá, giảng viên khoa lịch sử trường Đại học sư phạm Huế - NXB Thuận Hóa, 2004, trang 228)

Theo nghiên cứu của tôi thì hơi khác một tí. Tuy nhiên tôi sẽ không tham gia bình luận hay phản bác những ý kiến khác ý mình là đúng hay sai. Vì mỗi người có một cái sự học khác nhau, một kiến thức, một sự hiểu biết khác nhau. Cái gì hay và đúng thì ta tiếp thu học hỏi nếu những gì mình không thích thì thôi vậy !

Với những tư liệu đã đọc, đã nghiên cứu và qua thực tế tại Huế thì thực sự “Tứ bất” chỉ có :
"Bất thiết Tể tướng.
Bất phong Hoàng Hậu.
Bất lập Đông cung
Bất phong vương tước"
Được diễn giải chính xác là: Không lập ngôi Tể tướng – Không phong Thái tử cho con trai – Không lập ngôi hoàng hậu trong hậu cung – Không phong vương cho người ngoại tộc.

Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này xem nó như thế nào và nên hiểu sao cho đúng:

Bất thiết Tể tướng (Không thiết lập chức vị tể tướng),
Hiện có nhiều ý kiến là điển lệ này do Vua Gia Long đặt ra đầu tiên và bắt đầu có từ thời vị vua này, nhưng thực ra không phải như vậy. Việc bãi bỏ chức Tể tướng (tương đương chức thủ tường ngày nay) khá quan trọng này là đã có tiền lệ từ thời Lê Trung hưng (1533-1593), khi bên cạnh vua Lê đã có ngôi Chúa (chúa Trịnh) quyền uy tối thượng có phần lấn át cả nhà vua, nên ngôi Tể tướng bị dẹp bỏ từ đấy. Tới thời Vua Gia Long nhằm để tránh lộng quyền, để bảo đảm sự thống nhất và tập trung quyền lực nhà nước về trung ương (trong tay nhà Vua) ngay từ đầu khi vương triều được tái lập tại Phú xuân (1802) vị vua này đã bãi bỏ chức tể tướng. Ở bộ máy trung ương, triều đình chỉ đặt ra 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Hộ do các vị Thương thư đứng đầu và Tả hữu tham tri, Tả hữu thị lang giúp việc.

Bất Lập Đông cung (không lập ngôi thái tử cho con trai)
Điển lệ này phải được giải thích thật đầy đủ là “không phong ngôi thái tử cho những người con trai của vua đương triều”. Chứ không đơn giản là “không phong ngôi thái tử cho người con trai đầu”, vì theo tiền lệ các vị vua đã từng phong ngôi thái tử cho những người con trai thứ, ngay khi vua còn sống với ngụ ý là sẽ chọn vị đó nối ngôi.

Hoàng thái tử Bảo long

Tới thời vua Minh Mệnh lấy bài học máu xương từ chính bản thân ông. Tuy ông là người thông minh nhất trong các hoàng tử con Vua Gia Long, xứng đáng làm vua nhất trong các hoàng tử; nhưng ông không phải là con trai trưởng (ông là con trai thứ tư). Thậm chí ông cũng không có công trạng gì trong thời lập quốc của vua cha như người anh trai Đông cung Thế tử Nguyễn Phúc Cảnh (tục gọi là Hoàng tử Cảnh - mất năm 1801, con của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu). Vì tc lệ này nên khi ông được vua cha di chúc truyền ngôi nhưng đã bị các cận thần trong triều đình phản đối, họ yêu cầu là phải giữ yên vương pháp là truyền ngôi cho Hoàng tử kế tiếp sau khi hoàng tử Cảnh mất vì bệnh đậu mùa. Thậm chí những vị khai quốc công thần như Lê Văn Duyệt đã phản đối kịch liệt dẫn tới cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi chiếm thành Gia định. Phải có một cuộc chính biến ông mới giành được vương quyền cho mình.
Cho nên nhằm bảo vệ vương quyền và kéo dài sự nghiệp của gia đình mình tới 500 năm như ước muốn của ông; vị vua này đã đặt ra cái lệ là không phong ngôi thái tử cho bất cứ người con trai nào khi vua còn tại vị. Chỉ khi vua sắp mất thì vua mới chọn một người con thông minh nhất trong đám con của mình mà vua ưng ý nhất sau đó truyền ngôi cho người đó; bất kể đó là con thứ mấy. 

Điển lệ này có nhiều cái hay: Thứ nhất là khuyến khích các hoàng tử cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, tìm cách lập công sẽ được vua cha chú ý. Thứ hai là tránh được chuyện người con trưởng khi đương nhiên sẽ là vị vua kế vị sẽ không chịu học tập phấn đấu, hoặc họ là người bị tật nguyền hay thiểu năng trí tuệ. Nhưng cuối cùng là tránh được thảm cảnh nồi da xáo thịt anh em giết nhau vì ngôi thái tử. Trong lịch sử cũng đã có khá nhiều điển tích đẫm máu trong các hoàng tộc khi các hoàng tử tìm cách ám hại người con trưởng (hoặc người đã được chọn làm thái tử) để được thế chỗ làm thái tử. Nên những người nghiên cứu sử và viết sử phải có cái nhìn rộng mở trên tầm đại cuộc, mới hiểu được mặt tích cực của vấn đề này !
Lệ này cũng bị ông vua Tây học - Bảo Đại phá lệ, khi phong con trai trưởng là Hoàng tử Bảo long làm Đông cung Hoàng Thái tử.

Bà Nam Phương Hoàng Hậu

Bất phong Hoàng Hậu (không phong Hoàng hậu trong hậu cung)
Đây là một sự thật mà chỉ dưới triều Nguyễn mới có, bắt đầu từ thời Minh Mệnh (1820), theo lệ hoàng tộc quy định – vua không được lập Hoàng hậu khi vua còn tại vị (hoặc bà phi đó còn sống). Các bà vợ vua chỉ được gọi là các bà phi, và chỉ được phong làm Hoàng hậu sau khi đã mất.
Các bà vợ vua Nguyễn được chia là chín bậc gọi là “Cửu giai” và theo thứ tự các bà vợ từ đầu đến cuối như sau:

Nhất giai phi (一階妃).
Nhị giai phi (二階妃).
Tam giai tần (三階嬪).
Tứ giai tần (四階嬪
Ngũ giai tần (五階嬪).
Lục giai Tiệp dư (六階婕妤).
Thất giai Quý nhân (七階貴人).
Bát giai Mỹ nhân (八階美人).
Cửu giai Tài nhân (九階才人).
Tài nhân vị nhập giai (才人未入階).
Cung nga (宮娥), Thể nữ (婇女), gọi chung là Cung nhân (宮人).  

Bà nào đứng đầu trong “Cửu giai” thì được gọi là Đệ nhất giai phi hay Hoàng quý phi. Lệ này được duy trì tới 12 đời vua nguyễn, và tới đời vua Bảo Đại là vị vua thứ 13 mới cho lập lại chức Hoàng Hậu.
Cũng vì Phi tần, Cung nữ trong Hoàng cung quá đông nên các vị vua đã cho lệnh xây cất “Tam Cung” và “Lục Viện” làm nơi ở cho các bà. Các bà được bố trí một người một phòng rộng rãi có người hầu kẻ hạ đầy đủ.
- Tam cung (tức là 3 cung) gồm:
Cung Diên Thọ: Là nơi dành cho các bà Hoàng Thái hậu, Thái Thái hậu (là vợ của các vua đã tạ thế), có các viên Thái giám hầu hạ.
Cung Khôn Thái: Được lập ở gần điện Cần Thánh chỗ vua ở. Cung này dành riêng cho các bà Hoàng Quý Phi. Trong cung này có một điện tên là Cao Minh Trung Chính lập vào năm Gia Long thứ ba làm nơi thờ tự và hành lễ các thứ tín ngưỡng của bà Hoàng Quý Phi.
Cung Trường Sanh: Dành cho các bà vợ được sủng ái của vị vua đang trị vì ở, như các bà Lệ Thiên vợ vua Tự đức, bà Từ Minh vợ vua Dục Đức cũng từng ở nơi này.
- Lục viện (tức là 6 viện), là nơi ở của các Phi tần và cung nữ trong hậu cung, gồm:
Viện Thuận Huy,
Viện Đoan Thuận,
Viện Đoan Hòa,
Viện Đoan Huy,
Viện Đoan Trường,
Viện Đoan Trang.

 Ngoài Cung Diên Thọ ra, những cung và viện kể trên là chỗ dành cho các cung phi, mỹ nữ vợ của những vua đang trị vì, và đều nằm ở cả trong Tử Cấm thành. Nơi này ngoài vua ra, chỉ có các Thái giám được lui tới thôi, các đàn ông khác không được phép bén mảng tới nơi này.

TheoĐại Nam thực lục và  “Đại Nam chính biên liệt truyện” do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép, cho biết: Dưới triều Nguyễn chỉ có hai người được phong Hoàng Hậu khi còn sống:
- Người thứ nhất là bà Tống Thị Lan, tự là Liên, người quê Tống Sơn (Thanh Hoá) được Gia Long lập làm vương hậu năm 1796, đến năm 1806 thì được phong Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.
- Người thứ hai chính là bà Nguyễn Hữu Thị Lan tức hoàng hậu Nam Phương, ngay sau ngày cưới 20/3/1934, bà được phong Hoàng Hậu là một sự phá lệ của triều đình nhà Nguyễn (chủ yếu là ý thích của ông vua Tây học – Bảo Đại) .
Ngay cả mẹ đẻ của vua Minh Mệnh là bà Trần Thị Đang, tên huý là Kính, quê ở Văn Xá, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên; cũng chỉ được phong làm Thuận Thiên Cao Hoàng hậu sau khi mất.

Bất phong vương tước (không phong vương cho người ngoài họ Nguyễn Phước)
Đây lại là một sự thật nữa dưới triều Nguyễn, nhưng đây là một cái lệ khá tế nhị nên không được ghi chép trong sử sách của triều Nguyễn hay một điển lệ trong bất cứ một văn bản nào cả. Dưới triều Nguyễn việc phong vương cho người ngoại tộc bị hạn chế tối đa. Thời Gia long (1802-1820) nhà vua có phong vương cho một số rất ít cận thần cùng vào sinh ra tử thời lập quốc với ông, nhưng từ khi Minh Mệnh lên ngôi (1820) việc này bị bãi bỏ. Và hoàn toàn không có chuyện những người có công với vua được đổi họ sang họ Vua (tức họ Nguyễn Phước). Dù đó là những trung thần hay những bậc khai quốc công thần của chế độ cũng không có tiền lệ. 

Một sự kiện khác mà những ai khi muốn tìm hiểu về câu chuyện bảo vệ tính chính thống của ngôi vua dưới triều Nguyễn cần phải biết ?

Nhà Nguyễn tôn xưng Nguyễn Kim là ông tổ của họ, nhưng để bảo vệ vương quyền luôn luôn phải thuộc về những hậu duệ của Nguyễn Hoàng. Triều đình đã tìm cách ngăn chặn từ xa một số ảnh hưởng nhất định nào đó của những lớp con cháu khác của Nguyễn Kim. Triều Nguyễn đã buộc những người họ Nguyễn tuy vốn là con cháu của Nguyễn Kim nhưng nếu họ là hậu duệ của Nguyễn Uông và những người con khác của Nguyễn Kim phải đổi họ thành họ Nguyễn Hữu. Chỉ những ai là hậu duệ của Nguyễn Hoàng mới được mang họ Nguyễn Phúc (hay Phước).
Tới thời Vua Minh Mệnh thì sự phân biệt này càng thêm lớn khi vị vua này lập ra cái Bảng “Đế Hệ thi” gồm 20 chữ:

MIÊN HƯỜNG (HỒNG)ƯNG BỬU VĨNH
BẢO QUÝ ĐỊNH LONG TRƯỜNG
HIỀN NĂNG KHAM KẾ THUẬT
THẾ THOẠI QUỐC GIA XƯƠNG

Bảng này quy định là kể từ con của vua Minh Mệnh sau khi sinh ra sẽ được đặt một cái tên trong bảng này trước tên tục của mình - bắt đầu từ chữ MIÊN, cháu là HƯỜNG (hay HỒNG).... cứ tuần tự như vậy cho tới chữ XƯƠNG. Và quy định chỉ những người có chữ lót trước tên mình như trong cái bảng này mới được làm vua hoặc được phong Vương. Thực tế sau đó, những vị vua nối tiếp kế vị nhau đều là những người có chữ lót trước tên mình như cái bảng này quy định và họ đều là con cháu của vua Minh Mạng.
Cụ thể là ở thế hệ thứ 1 có vị vua thứ 3 - Thiệu Trị  ( Nguyễn Phúc MIÊN Tông). Thế hệ thứ 2 có Vị vua thứ 4 -Tự Đức (HỒNG Nhậm). Vị vua thứ 6 - Hiệp Hòa (HỒNG Dật). Thế hệ thứ 3 gồm 4 vua: vua thứ 5 - Dục Đức (ƯNG Chân); vua thứ 7 - Kiến Phúc (ƯNG Đăng); vua thứ 8 - Hàm Nghi (ƯNG Lịch) và vua thứ 9 - Đồng Khánh (ƯNG Kỷ). Thế hệ thứ 4 có vua thứ 10 - Thành Thái (BỬU Lân) và vua thứ 12 - Khải Định 9 (BỬU Đảo). Hai vua thuộc thế hệ thứ 5 là vua thứ 11 - Duy Tân - (VĨNH San) và vua thứ 13 - Bảo Đại (VĨNH Thụy).

- Như vậy, chỉ những người có tên lót trước tên của mình có trong cái bảng này mới được công nhận là người trong Hoàng tộc (người Huế gọi là dân Mệ). Vua Minh Mạng mong muốn sau mình, vương triều Nguyễn sẽ truyền nối tới 20 đời, 500 năm. Nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ Vĩnh - đời thứ 5, với vị vua cuối cùng là Bảo Đại.

Để độc chiếm ngôi vua cho con cháu mình, và nhằm hạn chế tối đa sự tranh giành ngôi báu sau này của các dòng con cháu của anh và em ruột mình. Vua Minh Mệnh còn tìm cách sắp đặt để những người là con cháu của những người anh hoặc em ruột của mình (cũng là những hậu duệ của vua Gia Long) sẽ không còn cơ hội tiếp cận được ngôi Vua bằng cách biến họ thành những người khác Họ (ngoại tộc). Ông vua này đã rất thông minh khi tìm cách đẩy những hậu duệ của anh và em mình ra khỏi hoàng tộc một cách khá là nhẹ nhàng bằng cách phong cho họ một cái danh trước tên tục của mình. Và buộc họ phải mang suốt đời như một cái "Họ" thực thụ; phái nam thì được gọi là Tôn Thất (ví dụ: Tôn thất Hân) phái nữ thì gọi là Tôn Nữ (ví dụ: Tôn nữ Quỳnh Trâm).
Một cái danh vị nghe thì thật là khá mỹ miều, người không biết thì cứ nghĩ những ai mang cái họ này là người của Hoàng Tộc - nhưng thực ra họ đã bị cho là người ngoại tộc kể từ khi mang cái họ mới này (từ thời Minh Mệnh). Họ không còn được mang cái Họ Nguyễn Phúc (Phước) nữa mà phải mang cái họ Tôn Thất (hay tôn nữ) này suốt đời như là cái họ chính thức của mình và con cháu mình. Tức nhiên họ sẽ hoàn toàn không còn dám bén mãng tới câu chuyện tranh giành ngôi báu nữa (Ở đây còn có câu chuyện của Phiên hệ thi, nhưng đó không phải là chủ đề của bài viết này.) !

LỜI KẾT:
Như trên tôi đã nói, là tôi sẽ không tham gia bình luận về những ý kiến khác nhau và cách diễn giải khác nhau của những nhà nghiên cứu khác khi họ diễn giải cái lệ “tứ bất” này. Nhưng để mở rộng vấn đề, chúng ta thử cùng xem xét một định lệ đã gây ra nhiều tranh cãi trong “tứ bất”, đó là : Tại sao dưới triều Nguyễn triều đình không lấy đỗ Trạng nguyên ?

Trường thi tại Phú Xuân

Việc tìm ra hiền tài có học vấn uyên thâm, để đủ sức gánh vác trọng trách quốc gia qua con đường thi cử rất được coi trọng dưới thời quân chủ. Qua văn học qua thơ ca hò vè trong chúng ta ai cũng biết câu chuyện ông Trạng vinh quy bái tổ về làng được trọng vọng và vinh danh như thế nào, cái cụm từ “vinh quy bái tổ” cũng từ câu chuyện này mà ra. Nhưng tại sao dưới triều Nguyễn không lấy ngôi Trạng Nguyên thậm chí cả Bảng Nhãn, Thám Hoa cũng không lấy, đây là nhận định chung của khá nhiều người nghiên cứu văn hóa triều Nguyễn nhiều nơi.

Nhưng theo tôi thì không phải như vậy, hoàn toàn không hề có câu chuyện triều Nguyễn định lệ không lấy đỗ Trạng Nguyên – mà thực ra nhà Nguyễn khát khao tìm kiếm người đủ khả năng đỗ Trạng Nguyên nhưng không có. Vì thực ra cái gì nó cũng có cái nguyên do của nó !

Trường thi Nam Định năm 1912

Năm 1829, vua Minh Mệnh cho định lại phép thi Điện. Bộ Lễ tâu rằng các khoa trước (năm 1822 và năm 1826) duyệt quyển, phân ra các hạng ưu, bình, thứ. Các quan đề nghị theo phép thi Hội mới định, quy sang phân số, “duy văn đình đối sự lý quan trọng hơn, nên cho phân số nghiệt hơn một bực” (Nếu văn lý thi Hội được hai phân (điểm) thì Điện thí cho một phân).
Từ đó quy định lại: phàm ai được mười phân sẽ đạt Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ Nhất danh (Trạng nguyên); chín phân tương ứng với Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ Nhị danh (Bảng nhãn); tám phân được phong Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Tam Danh (Thám hoa); lần lượt bảy phân, sáu phân thì lấy đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) còn nhỏ hơn hoặc ở mức năm phân thì đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ). Riêng trường hợp vua đặc cách cho đỗ là ngoại lệ. Thay vì bảng vàng đóng ấn “Hoàng đế chi bảo”, đổi thành đóng ấn “Khâm văn chi tỷ”.
Trước kia, các quan làm việc ở trường thi từ đầu là do Bộ Lại sao chép lời chỉ, đến thời Minh Mệnh phê duyệt cấp “Chiếu văn” để ứng dụng.
Năm 1829, vào Khoa thi Điện, vua Minh Mệnh cử Nguyễn Văn Trọng vào vị trí Giám thị đại thần; 4 người Lê Đăng Doanh, Phạm Huy Thực, Lê Văn Đức, và Hà Quyền đảm nhiệm khâu đọc quyển; còn là Ngụy Khắc Tuần cùng Vũ Phan có nhiệm vụ nhận quyển và duyệt quyển.

Nhưng có một thực tế mà không phải ai cũng biết là - ngay chính trong kỳ thi đại khoa năm 1829, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, nơi mà anh tài cả nước tập trung về ứng thí đã không có ai đỗ Tam khôi. 
Ngược lại, số người đạt phân điểm sát nút bậc Tiến sĩ lại khá đông, nên vua đã đưa ra quy định mỗi khoa thi lấy thêm những người có phân điểm gần sát với Đệ Tam giáp, trong một bảng phụ (Phó bảng). Những người này tuy được chọn luôn trong kỳ thi đại khoa, nhưng không được đãi ngộ bằng như người đỗ Chính bảng.
Chính sau hôm cuộc thi đại khoa này, khi thượng triều vua Minh Mệnh đã buồn bã nói với các quan: “Chính quyền mới được khôi phục, xây dựng trường học, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng, chú trọng thi cử, tuyển sinh. Ông đã theo chỉ của vua cha (Gia Long), đẩy mạnh tuyển dụng nhân tài. Hiềm nỗi “gần đây người học sâu rộng, im lặng không nghe thấy ai”, phải chăng “dưới hang núi người hiền đi không trở lại”, và ngờ rằng đó là nguyên nhân khiến người tài hao hụt”.

Tức là đất nước vừa trãi qua hơn 200 năm nội chiến, với những cuộc chiến đẫm máu tan thương, nền văn hóa của dân tộc vừa bị các cuộc chiến tranh giành quyền lực này tàn phá đến tận cùng. Trong khi cái sự học không phải là một sớm một chiều mà nên được. Hiền tài không phải là từ trên trời rơi xuống, mà phải được học hành đào luyện từ hàng vài chục năm trước mới ra được một con người xứng đáng gọi là hiền tài của đất nước .
Sau đó trải qua 39 khoa thi Hội (kể cả Ân khoa), dưới vương triều nhà Nguyễn, về văn lý chưa có thí sinh nào được vẹn mười phân điểm để vinh danh Trạng nguyên. Trong khi đó, Đệ Nhị danh và Đệ Tam danh cũng có một số người ghi tên bảng vàng, như Bảng nhãn Phạm Thanh, Thám hoa Nguyễn Văn Giao …  

Từ đây ta có thể khẳng định các vua Nguyễn mong muốn cầu hiền, tìm ra được vị trạng nguyên nhưng không thành.
Đây mới là sự thật, chứ không phải là triều Nguyễn cố tình không lấy người đỗ Trạng Nguyên như một số lời bình luận khá hẹp hòi và phiến diện của một số “nhà” viết sử hay bình luận lịch sử thời nay./.

ĐKT
26.07.2015

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...