VIỆT NAM CÓ BỘ SỬ MỚI & CÁCH NHÌN NHẬN LỊCH SỬ MỚI.

Bộ sách Lịch sử mới gồm 15 tập - có giá 5 gần triệu đồng


Ngày 18/8, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giới thiệu, phát hành bộ Lịch sử Việt Nam bao quát lịch sử nước ta từ khởi thuỷ đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn, gồm 15 tập. Bộ sách được hoàn thành trên cơ sở chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ (cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), do Viện Sử học là cơ quan chủ trì.

Bộ sách được tập thể các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học biên soạn. Hơn 30 nhà nghiên cứu sử học mất 9 năm để biên soạn bộ sử 15 tập, dày gần 10.000 trang này. PGS TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, là tổng chủ biên bộ sách. Ông cho biết:
“Khi thành lập Ủy ban khoa học xã hội VN, bây giờ là Viện Hàn lâm Khoa học & Xã hội VN thì GS. VS Nguyễn Khánh Toàn đã đưa ra kế hoạch nghiên cứu và biên soạn các bộ sách là lịch sử VN, lịch sử văn hoá VN, lịch sử văn học VN, lịch sử tư tưởng VN. Đấy cũng là tâm huyết của rất nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu sử học thuộc Viện khoa học xã hội VN. Sau đó, Viện đã chấp thuận cho chúng tôi biên soạn bộ thông sử VN với 15 tập.”

Hơn 30 nhà nghiên cứu sử học đã bỏ thời gian khoảng 9 năm để hoàn thành bộ sử này với hơn 10.000 trang. Đây là bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở VN, bộ sử ghi chép lại toàn bộ lịch sử VN - từ thời khởi thủy cho đến những năm 2000.”. Đây là bộ Thông sử Việt Nam lớn nhất, đồ sộ nhất từ trước đến nay. Bộ sách có giá trị lớn về lý luận, thực tiễn và xã hội. Với nội dung phong phú, toàn diện, nhiều tư liệu mới, có giá trị, bố cục chặt chẽ, được trình bày có hệ thống, Bộ sách Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000 đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập và hiểu biết về lịch sử Việt Nam.

PGS TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng chủ biên bộ sách.


PGS TS Trần Đức Cường cho biết "Đây là bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam", ông Cường khẳng định và cho biết “ bộ sách tiếp cận đa diện hơn các nhân vật, đưa vào nhiều nội dung mới như đánh giá khách quan công trạng của nhà Mạc, nhà Nguyễn, nói về chiến tranh biên giới Việt - Trung, có cách nhìn nhận mới về các chính thể tại miền Nam trước năm 1975… Tuy nhiên phần nói về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc được dư luận quan tâm nhất – với tên gọi mới là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Trung Quốc phát động.”.

Bộ sách đã có một cách nhìn nhận lịch sử khá mới. Một số sự thật lịch sử lần đầu được thừa nhận; một số vấn đề khá tế nhị cũng lần đầu được đưa vào sách. Nhưng quan trọng nhất là cách đánh giá và nhìn nhận lịch sử trong lần tái bản này được cho là khá cởi mở; không còn chủ quan và phiến diện như các bộ sử xuất bản từ sau năm 1954 cho tới nay.
Tuy nhiên để có được cách nhìn nhận mới này không phải là vấn đề một sớm một chiều; hoặc của riêng giới sử học như một số dư luận và một số báo giới trong mấy ngày nay đã nhìn nhận một cách thiếu suy xét. Mà đó là cả một quá trình, cả một sự chuẩn bị trong một thời gian dài từ cấp cao nhất cho tới các cơ quan chuyên môn mới có được quan điểm mới này. Đây là cả một quá trình đúc kết, so sánh, đánh giá ở cấp cao nhất; sau đó mới cho phép cơ quan chuyên môn công bố cách nhìn nhận lịch sử mới này. 
Đây không phải là quan điểm, hay cách nhìn nhận lịch sử mới của giới sử học, hay của một vị giáo sư, tiến sĩ hay của một nhà nghiên cứu lịch sử nào đó; mà là quan điểm mới của nhà nước. Việc công bố bộ sách lịch sử mới, với cách nhìn nhận lịch sử mới; và việc nó được công bố trong thời điểm nào là cả một sự tính toán vì lợi ích chung. 

  - Phần nội dung thu hút được sự quan tâm và chú ý của dư luận trong mấy ngày qua được viết trong tập 14, từ trang 351 đến 359; về "quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc”. Đây là lần đầu tiên một bộ sách giáo khoa (SGK) đề cập chi tiết về chiến tranh biên giới năm 1979, trong đó nêu rõ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Trung Quốc phát động.
Nội dung tóm lược từ mối quan hệ Việt - Trung sau năm 1975, những căng thẳng dẫn đến cuộc chiến nổ ra sáng 17/2/1979. Bộ sử đã gọi đích danh đó là "một cuộc chiến tranh xâm lược" trên toàn tuyến biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Bộ sử đã nêu rõ lý do, nguyên nhân tại sao giới lãnh đạo Bắc Kinh phát động cuộc xâm lược này. Công bố rõ ràng đầy đủ những số liệu về quy mô cuộc chiến cả hai phía. Thống kê những thiệt hại của quân xâm lược, gồm số quân Trung Quốc, số xe tăng, đại bác bị dân quân Việt Nam tiêu diệt. Những thiệt hại từ phía quân dân ta, các thành phố, thị xã, thị trấn bị quân Trung quốc tàn phá, người dân bị giết...

Tổng chủ biên PGS TS Trần Đức Cường, phát biểu với báo giới tại buổi công bố sách: "Chúng tôi gọi rõ đó là một cuộc chiến tranh xâm lược, cho quân tiến vào sâu trong lãnh thổ nước khác 30 km, 50 km đánh phá, không phải xâm lược thì gọi là gì?", ông nói.
Có một điều nữa, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không chỉ gói gọn trong khoảng tháng 2/1979 mà còn kéo dài. Cán bộ chiến sĩ của chúng ta còn phải hy sinh rất nhiều xương máu để đến khoảng năm 1988 thì mới có hòa bình tương đối ở biên giới phía Bắc.” ; cũng được đề cập rõ trong bộ sử ở lần xuất bản này !


Ông Dương Trung Quốc - Tổng thư ký hội khoa học lịch sử VN

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết đây là một "nội dung quan trọng và cần thiết" và "đã có sự chuẩn bị kĩ từ lâu".
 Ông nhận xét: Các nhà sử học đều cho rằng, né tránh về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc trong SGK là một sai lầm lớn và 'có tội' với lịch sử dân tộc, việc chỉ thẳng Trung Quốc xâm lược Việt Nam là rất cần thiết.

Đề cập đến vấn đề này, ngay trong buổi giới thiệu bộ sách lịch sử này, nhà sử học Bùi Thiết, Thư ký Hội Sử học, nguyên Thư ký Viện Văn hóa thuộc Bộ VH-TT&DL khi được giới báo chí hỏi về quan điểm của mình, ông cho rằng đây là "điều đáng tiếc", và đã thẳng thắn cho biết quan điểm của mình về vấn đề mà một thời được cho là nhạy cảm này:
   ''Làm như thế là không phải với lịch sử. Tôi nói thẳng cái này là âm mưu thâm độc của Trung Quốc từ lâu. Họ muốn Việt Nam không dạy sử, không học sử nữa, hoặc làm lệch lạc nội dung lịch sử đi vì họ sợ sẽ ảnh hướng đến quan hệ với họ. Họ muốn xóa cái đó để ta hòa đồng với Trung Quốc. Gần 30 năm nay họ vẫn âm mưu làm điều đó", nhà sử học Bùi Thiết nhìn nhận.
   Ông cho biết: "Quan điểm của tôi là tất cả lịch sử phải viết lại hết chứ không phải chỉ là lịch sử cuộc chiến xâm lược do Trung Quốc phát động năm 1979 thôi đâu. Bởi vì sao? Bởi vì lịch sử chúng ta thường viết về chính trị, quá nặng nề về chính trị.
Chúng tôi là người viết sử, bản thân tôi cũng đang viết lại lịch sử cả bậc tiểu học, trung học cơ sở. Viết sử như hiện nay là rất không ổn. Không thể để dạy như thế được, dạy như thế là không phù hợp. Bây giờ bộ sách sử mới in ra thì mới "thòi" một ít tư liệu ra thôi, chứ chưa đầy đủ lắm đâu".
Về nguyên nhân chậm trễ khi đưa nội dung này vào sách giáo khoa lịch sử để giảng dạy trong nhà trường, nhà sử học Bùi Thiết cho giải thích: "Có nhiều nguyên nhân lắm. Tôi nói thẳng trong đó có cả nguyên nhân có thể một số người đang muốn giấu cuộc kháng chiến này của dân tộc. Bởi thế mà cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc này của chúng ta chỉ nằm ở phần dạy thêm. Nhưng làm như thế là không phải với lịch sử".
PGS. TS Trần Đức Cường khẳng định, "những người Việt Nam đương nhiên cần biết về sử Việt Nam, nhưng chúng ta cũng cần và muốn thế giới biết về sử của chúng ta. Chúng ta muốn cả thế giới biết và hiểu rõ bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc".
Cũng đồng với quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng "Nói thẳng, nói thật là cần thiết. Bởi nếu càng né tránh thì sẽ càng dẫn đến những nhận thức khác biệt nhau, dẫn đến những sai lầm. Và có người sẽ lợi dụng điều này để xuyên tạc thì còn nguy hiểm hơn nhiều lần….Vấn đề là viết như thế nào để cho bạn đọc xem, tôi cho là vẫn cứ phản ánh trung thực thì tốt hơn. Khi nói đúng sự thực thì là chuyện bình thường. Còn trước kia chúng ta không nói đến hoặc né tránh thì đó mới là điều không bình thường.”

Biết rằng lịch sử thì rất dễ bị chi phối bởi không khí chính trị, ngoại giao, nhất là lịch sử đương đại. Vì thế mà lâu nay chúng ta cũng không lạ việc né tránh sự̣ kiện Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhưng việc né tránh nói về vấn đề này trong dư luận xã hội, trong tuyên truyền và thậm chí cả trong dạy sử, viết sử, là một vấn đề gây nhiều bức xúc cho dư luận. Nhưng giờ thì trong bộ sử mới đã viết rõ về vấn đề này, chỉ thẳng là Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Tôi nghĩ rằng điều này là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Cũng bởi việc không né tránh mà đề cập đến một cách công khai những vấn đề được cho là tế nhị trong lịch sử sẽ giúp cho những người có trách niệm cao nhất của đất nước có được những nhận định đúng, sẽ đưa ra được những đối sách đúng đắn trong hiện tại và tương lai.

  - Trong lần tái bản này một vấn đề khá tế nhị nhưng cũng khá nhức nhối trong thời hậu chiến của lịch sử Việt Nam đương đại, đã được giải quyết. Đó là lần đầu tiên thừa nhận sự tồn tại một cách hợp pháp của chính thể Việt Nam Cộng Hoà, và những con người từng phục vụ cho chính thể đó !

Theo đó, đây là một thực thể đã từng tồn tại hợp pháp ở miền Nam Việt Nam gần 21 năm, Việt Nam Cộng Hoà là nối tiếp của Quốc gia VN. Đây là một thực thể quốc gia đã được 87 nước trên thế giới công nhận, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực kể cả các tổ chức của Liên Hợp quốc và cũng từng đại diện cho miền Nam trên nhiều diễn dàn quốc tế. Chính thể này là đại diện cho một chính phủ trong hội nghị Giơ - ne - vơ, là một bên trong hòa đàm Pa- ri năm 1973. Thực thể này đã tồn tại có tính liên tục từ trước năm 1954 (từ ngày 7/12/1947) với danh xưng đầu tiên là Nhà nước Quốc gia Việt Nam do quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu và chính phủ do ông Trần Trọng Kim điều hành. Sau khi người Pháp rút khỏi miền Nam năm 1954, đã bàn giao miền Nam VN lại cho nhà nước Quốc gia Việt Nam. 
Đến ngày 26/10/ 1955, Ngô Đình Diệm đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, nền đệ nhất cộng hòa ra đời. Sau đó tổ chức bầu cử tổng thống, mà Ngô Đình Diệm chính là tổng thống đầu tiên, ... sau nhiều biến động chính trị lần lượt rồi đệ nhị Cộng Hòa ra đời và tồn tại cho tới năm 1975.

Theo tôi, việc công nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa cũng không có gì là bất ngờ cả, thực ra đây chỉ là một việc làm chẳng đặng đừng trong tình hình hiện nay. Hay nói đúng hơn đây chỉ là một sự ngộ ra một cách khá muộn màng mà thôi. Vì có thừa nhận nó tồn tại mới có quyền kế thừa những gì nó có, kể cả biển đảo !

Thời gian từ năm 1975 tới nay, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, nhiều người vẫn quen gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền. Nhưng trong bộ sách mới này, một cách gọi mới, một danh xưng mới được nêu ra trung tính hơn là "quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn". Tức là khi phải thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa là hợp pháp thì cũng phải công nhận những con người từng phục vụ cho chính thể đấy. Và việc gọi họ là "ngụy quân, ngụy quyền" bị bãi bỏ là đương nhiên. Theo ông Tổng chủ biên là "lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận mới là quan trọng".

 - Một điểm mới rất được công luận chú ý và  khá đồng tình là bộ sử đã đánh giá đầy đủ, khách quan trung thực hơn một số triều đại phong kiến Việt Nam, nhìn nhận đúng công lao của nhà Mạc, chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn.

Thực tế lịch sử cho thấy dù tồn tại không dài nhưng nhà Mạc là một trong những vương triều có đóng góp cho lịch sử Việt Nam. Khi Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê thì triều đại này đã không còn trong thời kỳ hưng thịnh như buổi ban đầu nữa. Khủng hoảng kinh tế xã hội rất rõ ràng, để giải quyết vấn đề đó thì Mạc Đăng Dung đã làm cuộc chính biến giành ngôi. Sự thật là các triều đại ra đời, phát triển rồi suy tàn là quy luật lịch sử. Từ thời Đinh, Lý, Trần đã vậy. Ngoài ổn định kinh tế, nhà Mạc còn phát triển về văn hóa, giáo dục, mở nhiều khoa thi, tìm nhân tài cho đất nước.

Câu chuyện của chúa Nguyễn, nhà Nguyễn cũng đã được nhìn nhận khách quan hơn. Các vị vua nhà Nguyễn đã không còn bị lớp hậu sinh gọi là thằng nọ - đứa kia nữa mà công lao của họ đã được ghi nhận một cách chính thức, trên các khía cạnh:
  - Các vị chúa Nguyễn và vua Nguyễn chính là những con người và triều đại có công nhất trong việc mở rộng bờ cõi về phía Nam. Cho người Việt khai phá vùng đất Nam Bộ; hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước mà anh em nhà Tây Sơn đã mở ra nhưng chưa hoàn thiện được; củng cố bộ máy chính quyền từ Bắc đến Nam; đặc biệt là xác định chủ quyền đất nước với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời đó, mỗi năm triều đình đều cử đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải đi tuần thú ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bây giờ.
Dưới thời Nguyễn, văn hoá Việt Nam phát triển, nhiều công trình nay được thế giới công nhận di sản UNESCO như cung đình Huế. Trong khu vực Đông Nam Á bấy giờ thì Việt Nam là vương quốc hùng mạnh nhất.
Bên cạnh đó, triều đại này cũng có những sai lầm mà lịch sử lên án. Như việc Nguyễn Ánh cầu cứu 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Hay ký với Pháp những hiệp ước bất lợi, dựa dẫm vào Pháp, không chịu canh tân dù thời bấy giờ có nhiều nhân sĩ, trí thức có tư tưởng đổi mới như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện… khiến đất nước bị lạc hậu đi, để rồi rơi vào tay ngoại bang gần một thế kỷ.

PGS TS Trần Đức Cường cũng đã thẳng thắn nhìn nhận là trong lần tái bản này; ban biên soạn đã có một số điều chưa thực hiện được, có thể gây ra nhiều thiệt thòi cho người đọc, gây khó khăn cho những người nghiên cứu sử và dạy sử sau này, đó là :
   - "Chúng tôi chưa có điều kiện tập hợp tất cả giới sử học trong cả nước.
   - Có rất nhiều các tư liệu của lịch sử VN ở Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật và nhiều nước khác nữa, vì điều kiện chúng tôi cũng chưa tiếp cận được
   - Hiện có rất nhiều tài liệu lịch sử quý giá hiện do các cơ quan an ninh, quân sự, cơ quan Đảng lưu giữ nhưng cho tới nay chưa được giải mật, để công bố cho nhân dân và các nhà nghiên cứu biết. Trong khi, các nước có quy định loại tư liệu nào trong 20 năm, 30 năm, 50 năm thì được bạch hoá, nhưng ở ta thì chưa có luật này.
  - Ngoài ra cũng có khá nhiều các tư liệu quý giá hiện còn nằm rải rác trên khắp cả nước mà những người biên soạn không có điều kiện tiếp xúc được.

 LỜI KẾT:

Lịch sử là khách quan. Sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau"  (Hà Văn Tấn).
 Câu chuyện độc quyền chân lý, tạo ra nhận thức hay quản lý nhận thức thì thời nào cũng có. Và đối với giới sử học thì điều này chẳng có gì là mới mẽ cả. Cho nên trước yêu cầu của sử học là phải ghi chép lại đúng thực tế lịch sử, phản ánh một cách khách quan với quá khứ, nhận định đúng hiện tại và tương lai là cả một câu chuyện dài !

Hiện nay chúng ta đang có những khó khăn về việc nhận ra đâu là chân giá trị thực của văn hóa, xã hội VN; về hệ giá trị trong mỗi người Việt Nam cần phải hướng tới. Nhưng có một điều mà không phải ai cũng chú ý, đó là không một lĩnh vực xã hội, văn hóa nào có tác động trực tiếp tới công dân ngay từ lúc còn bé nhiều như sử học. Vì chính những bài học từ lịch sử mới có giá trị định hướng nhiều nhất cho mỗi con người trước khi bước vào đời. Những bài học lịch sử học được từ sử sách, qua lời giảng của thầy cô; qua những câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ về những tấm gương trung liệt trong bảo vệ tổ quốc, những anh hùng dân tộc, những bậc danh nhân, những gương người tốt việc tốt … trong xã hội, trong gia đình, trong dòng họ với những người thật việc thật mới chính là những bài học có giá trị nhất.

Cho nên khi nói tới sử học là nói về những câu chuyện đã qua một cách chân thật nhất. Những giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc được chép một cách đầy đủ nhất, nhưng những đau thương mất mát lớn trong lịch sử dân tộc cũng không được phép chép sơ sài. Những anh hùng lịch sử, những con người tốt việc tốt phải được nêu danh lên đầy đủ và chính xác; nhưng cũng không được bỏ qua những con người xấu việc xấu hoặc những sai lầm trong lịch sử.

Trách nhiệm của giới sử học là tổng kết lại, đánh giá những cái gì là giá trị, những gì là ưu điểm thì phát triển nó thành những bài học lịch sử, cho mọi người học hỏi noi theo. Với những con người xấu, những tai họa trong lịch sử, những khiếm khuyết mà những thế hệ trước mắc phải thì sử học cũng phải nói lên để mọi người biết để né tránh, hoặc lấy đó làm bài học để đi tới cái đúng hơn, tốt hơn.
Giáo dục lòng yêu nước thì có điều gì bằng việc lấy truyền thống yêu nước của tổ tiên trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để chống quân xâm lược, chống các thế lực tàn bạo để có được đất nước ngày hôm nay.

Nhìn chung, trong lần tái bản này giới sử học đã đánh giá lịch sử một cách khách quan hơn, không còn phiến diện như trước đây, nhưng để nhận thức được đầy đủ và sâu sắc thì cả giới sử học nước nhà sẽ còn phải tiếp tục nghiên cứu. Hy vọng sẽ tiếp tục đi sâu hơn, toàn diện hơn về lịch sử Việt Nam.

Bộ sách ra đời còn là cơ hội giúp cho người đọc biết đâu là sự thật lịch sử dân tộc; đâu chỉ là truyền thuyết dân gian. Vì hiện nay có một hiện tượng là có một số người tuy mang danh là đang viết về lịch sử nhưng họ đã không phân biệt được sự thật lịch sử và huyền thoại. Hoặc họ đã cố tình đánh lận khái niệm khi cho rằng truyền thuyết là lịch sử. Thậm chí họ đã lấy những tư liệu dân gian, huyền thoại làm tư liệu lịch sử.
Hy vọng rằng sau khi bộ sách Lịch sử này ra đời, giúp cho người đọc có cơ sở so sánh, đối chiếu để biết đâu là sự thật lịch sử đâu chỉ là truyền thuyết dân gian ./.

ĐKT
19.8.2017

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...