Tỷ phú đô la tại VN họ là ai ?



Báo chí thế giới gần đây đang tìm kiếm lời đáp cho câu hỏi, tại sao số lượng người giàu tầm cỡ thế giới (tức là những người có tài sản từ 36 triệu USD trở lên – theo chuẩn thế giới) tại một đất nước còn nghèo như Việt Nam lại ngày càng tăng. Trong khi tỷ lệ tăng trưởng và quy mô nền kinh tế của VN ngày càng giảm; nợ công đã vượt tổng sản phẩm quốc gia (GDP). Ở một đất nước chỉ có diện tích 332.000km2 (lấy số tròn), dân số lên tới hơn 90 triệu người; nhưng quy mô nền kinh tế mới chỉ hơn 200 tỷ USD (còn thua xa thu nhập của tập đoàn Sam Sung); thu nhập đầu người mới hơn 2.000 USD một tí (tức là khoảng 45 triệu VNĐ), mà có vài tỷ phú đô la có tài sản vài tỷ USD và hàng trăm triệu phú có tài sản từ 100 triệu USD trở lên là một điều khá bất thường ở một đất nước được mệnh danh là XHCN và mới bước ra từ nghèo đói, chiến tranh tàn phá nặng nề như nước ta ?

Vậy các tỷ phú VN họ là ai ?
Phải chăng tiền bạc tài sản của họ là do cha mẹ họ để lại ? Hay họ là thành viên của một tập đoàn kinh tế lớn của thế giới nào đó chăng ? Hoặc họ là thần đồng có một phát minh nào đó về khoa học kỹ thuật chấn động thế giới chăng?
Tất cả đều không phải, vì qua nghiên cứu lý lịch của 10 người giàu nhất VN hiện nay cho thấy họ toàn xuất thân từ những gia đình bình thường (tức là chỉ đủ ăn) thậm chí là gia đình lao động nghèo. Khi ra đời làm ăn họ cũng chỉ là những anh làm thuê, không có một chút vốn liếng. Đặt biệt là khi trở thành tỉ phú họ đều mới dưới 50 tuổi, tức là khi đất nước thống nhất và hết chiến tranh vào năm 1975 thì người lớn nhất trong số họ chỉ mới là chú bé vài ba tuổi. Và cũng qua tìm hiểu cho thấy họ cũng chỉ mới bắt đầu làm giàu từ 15 năm trở lại đây.

Lý do nào khiến họ làm giàu nhanh chóng như vậy ?
Khi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này, tôi có một khám phá khá lạ là các tỷ phú ở Việt Nam đa số đều nằm ở các lĩnh vực bất động sản, khai thác tài nguyên, tài chính - ngân hàng? Trong khi thế giới người ta thường có các tỷ phú ở lĩnh vực công nghệ thông tin, phát minh khoa học hay chế tạo các sản phẩm điện tử này kia.
Tức là các tỷ phú Việt Nam làm giàu nhờ vào quyền lực chính trị, mua bán đất đai, khai thác (ăn cắp) tài nguyên quốc gia; kinh doanh và môi giới ngân hàng. Chứ thực ra họ không làm ra được bất cứ sản phẩm nào có giá trị gia tăng cho xã hội cả. Còn thế giới người ta làm giàu thường dựa vào chất xám với những phát minh khoa học và làm ra sản phẩm cho xã hội.

Để trở thành tỷ phú ở Việt Nam có dễ không ? 
Quá dễ, chỉ cần bạn có quyền lực trong tay hoặc bạn làm sân sau cho các quan chức, bạn sẽ thành tỷ phú. Vì cách làm giàu chủ yếu của các tỷ phú Việt Nam hiện nay là biến tài sản chung của quốc gia, biến tiền thuế của người dân thành của riêng.

Ở đây có một câu chuyện khá phổ biến hiện nay mà ai cũng biết, đó là biến tài sản chung của quốc gia thành tài sản riêng, nhất là ở lĩnh vực đất đai. Ví như khi nhận thấy một khu đất nào đấy nằm ở vị trí đắc địa, muốn mua khu đất đó, anh tỷ phú tương lai sẽ tìm cách móc nối hay liên kết với các quan chức chính quyền của địa phương ở khu vực đấy hình thành nên một nhóm lợi ích. Sau khi móc nối thỏa thuận ăn chia nhóm lợi ích sẽ tìm cách hạ giá thực của khu đất xuống. Giá thị trường có thể lên tới hàng nghìn tỷ, nhưng vì đất đai là tài sản toàn dân do nhà nước quản lý nên quyền định đoạt tức nhiên là thuộc về nhà nước. Nhưng nhà nước đâu không thấy mà quyền định đoạt lại nằm trong tay ông chủ tịch hay ông bí thư địa phương (chỉ cần cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh) nơi có khu đất, nên họ sẽ hoá giá nó lại tầm vài chục tỷ. Thế là sau khi mua xong, họ thành tỷ phú ngay.

Nếu khu đất bị vướng vào chuyện giải tỏa đền bù, thì cũng chỉ là chuyện nhỏ. Luật quy định là nếu thu hồi đất cho các dự án kinh doanh, thì nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với chủ đất; nhưng khi đã liên kết với nhau rồi thì chính quyền địa phương sẽ đứng ra đền bù giải tỏa dưới cái mác là lấy đất để xây dựng một công trình văn hóa nào đấy (có trời mới biết là công trình gì ?). Và áp giá đền bù như thế nào là do nhà nước quyết định theo giá nhà nước. Nhà người ta đang ở có thể bị cho là đất nông nghiệp và bị áp giá đền bù rẻ mạt khoảng vài chục ngàn một mét vuông. Khi đã liên kết nhau cướp đất của dân xong thì họ kêu lên rằng do nhu cầu thay đổi, cái công trình văn hóa đó không cần nữa mà cần một khu đô thị mới (hay một khác sạn 5 sao mới). Sau khi đã đổi trắng thay đen xong họ làm vài con đường nội bộ, đổ vài xe đất cho có dấu vết đất mới rồi chia lô ra bán nền với giá một mét vuông gấp vài chục lần giá họ đền bù cho người dân. Người dân vừa mất đất muốn có đất làm nhà ngay chính trên khu đất mình vừa bị cướp thì phải xùy tiền ra mua theo giá họ quy định. Và thường là số tiền được đền bù không bao giờ mua lại được một cái nền nhà trên chính khu đất đó. Thấy oan ức muốn kiện ư ? Thì cứ đi tìm ông trời mà kiện. Còn họ, họ lại thành tỷ phú.

Về tài nguyên, họ lấy danh nghĩa nhà nước để khai thác, khai thác được 10 phần thì 3 phần họ bán ra thị trường để thu ngoại tệ về cho quốc gia, 7 phần còn lại họ bán lậu với giá thấp hơn để bỏ túi riêng. Và rồi họ thành tỷ phú !

Dầu mỏ, than đá, gỗ là các ví dụ xác thực nhất cho việc đó, tỷ phú Việt Nam ở các lĩnh vực này cũng không thiếu.
Phải khẳng định rằng, cụm từ "đất đai - tài nguyên quốc gia thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý" là phát minh vĩ đại nhất của loài người ở thế kỷ 21. Vì chính phát minh này đã biến các kẻ cắp thành những tỷ phú đô la.

BOT – một cái lò ấp tỷ phú đôla mới xuất hiện ?
Mới đây tại đất nước Việt Nam XHCN của chúng ta lại xuất hiện một hình thức kinh doanh giao thông khá lạ mắt, đó là hình thức BOT. Nhưng theo tìm hiểu thì hình thức này đã có từ lâu và khá thông dụng tại các nước tư bản có nền kinh tế thị trường, tức là anh nhà giàu có tiền bỏ tiền ra làm đường riêng, ai đi vào đó phải trả tiền cho anh ta. 
Đây là một hình thức bóc lột đáng lên án của chế độ tư bản thối nát, là cách thức bòn rút tận xương tủy tới tận cùng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân của giai cấp tư sản. Mà để đánh đổ được tụi nó, đã có biết bao thế hệ cha ông đã tốn biết bao máu xương mới giành được quyền tự quyết về cho nhân dân lao động. Nhưng không biết cái “thằng” nào lại đem cái hình thức bóc lột trắng trợn này của tụi tư bản về áp dụng trên đất nước XHCN này của chúng ta ?
Vì xứ ta là đất nước theo chế độ XHCN - tất cả là “của dân, do dân và vì dân”. Nhà nước và chế độ phải có trách nhiệm lo tất cả cho người dân.
Tuy biết đất nước còn khó khăn, người dân phải có trách nhiệm cùng gánh vác với chính phủ; nhưng những cái tối thiểu như bệnh viện, trường học, con đường đi … thì tuyệt đối không được thu tiền của dân dưới bất cứ hình thức nào ( sách viết về CNXH cũng viết như vậy !). Vì đây chính là bộ mặt của chế độ XHCN, là những cái chính thức để phân biệt sự khác nhau của chế độ "xã hội chủ nghĩa tươi đẹp" và "chủ nghĩa tư bản thối nát". Đây mới là cái để chứng minh và phân biệt tính ưu việt của một thể chế chính trị chứ không phải chỉ là ở những câu khẩu hiệu hay ở những bài diễn văn. Nhưng không biết vì lý do gì mà cái "thằng BOT" này lại xuất hiện tại đất nước này được nhỉ ? Công luận cho rằng đây sẽ là một cái lò ấp tỉ phú đô la mới.

Nói về lý do tại sao các tỷ phú Việt Nam mọc lên như nấm sau mưa, thậm chí là tỷ phú đô la thì có nói cả ngày cũng không hết chuyện.

Tiền ở đâu ra ?
Để có tiền xây dựng các khu nghỉ dưỡng, các sân gôn, các khách sạn 5 sao, các khu đô thị mới, thực hiện các dự án BOT. Các nhóm lợi ích đã tạo ra hàng loạt các ngân hàng lớn bé khắp nơi, lập ra các công ty đầu tư con để huy động tiền của dân, sau đó đổ tiền vào các dự án đó. Nhưng đa phần các dự án này đều làm ăn thua lỗ (vì thực ra họ làm gì có kinh nghiệm kinh doanh, mục đích chính của họ là chiếm đoạt tiền ngân hàng – tức tiền của dân), không có tiền trả nợ cho ngân hàng, khiến ngân hàng mất khả năng chi trả hàng chục nghìn tỷ đồng. Thì lập tức nó được “ông” nhà nước “mua lại với giá o đồng”, tức là nhà nước sẽ gánh phần trả nợ cho họ (thực ra là các ngân hàng này chỉ còn cái vỏ không). Sau đó “nhà nước” sẽ giao nhiệm vụ trả nợ lại cho “thằng” toàn dân, còn bọn họ thì sẽ rút kinh nghiệm. Và họ thành tỷ phú.

Lời Kết
Với những kẻ làm giàu bằng cách tham nhũng, bằng bán tài nguyên quốc gia, bằng các hoạt động phi pháp thì dân tình không ai ưa họ cả. Đã đẫn tới tình trạng là họ căm ghét người giàu, họ reo mừng khi thấy người giàu gặp nạn hay xộ khám cũng đúng thôi, trách gì họ.
Nhưng trái lại, họ tổ chức những cuộc chào đón, ngồi nghe như nuốt từng lời của chú nhóc Mark - ông chủ facebook, hay ông Bill Gates của Microsoft để học để nghe cách làm giàu của các ông tỷ phú Mỹ này. Cái này cũng là đương nhiên thôi, bao giờ họ ghét thằng Mark - ông chủ facebook, hay ông Bill Gates của Microsoft thì quý vị cứ chửi họ là những kẻ thiểu năng cũng không ai trách quý vị./.

ĐKT
14.6.2017

Lãnh thổ Việt Nam thời nhà Nguyễn !

Trên cầu Trung Đạo - Ngọ Môn (kinh thành Huế)


Diện tích lãnh thổ Việt Nam hiện nay là 331.698 km2, (theo cổng thông tin điện tử chính phủ), được cho là rộng lớn nhất trong tất cả các nhà nước của VN từ xưa tới nay. Nhưng thật tế không phải như vậy.
Hiện có 02 ý kiến khác nhau cho rằng lãnh thổ nước Việt lớn nhất là vào thời Triệu Đà (năm 207 – TCN) sau khi Triệu Đà đánh chiếm nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương và nhập nước Âu Lạc vào lãnh thổ của mình lập ra nước Nam Việt gồm vùng Bắc bộ và bắc Trung bộ của Việt Nam, tỉnh Quảng Đông, tỉnh Quảng Tây, tỉnh Phúc Kiến và đảo Hải Nam của nước Trung Hoa ngày nay. Họ cho rằng đó là lãnh thổ của dân tộc Việt với diện tích khoảng 1,5 triệu km2 . Nhưng theo tôi, ý kiến này xem ra khá hàm hồ vì đó chỉ là những câu chuyện thần thoại, không có bất cứ cơ sở nào cả nhất là về mặt khoa học lịch sử.
Ý kiến thứ hai là vào thời nhà Nguyễn dưới triều Vua Minh Mạng (1820-1840) vào năm 1835 lãnh thổ Việt Nam đã được mở rộng tới 575.000 km2, gấp 1,7 lần so với diện tích ngày nay.
 - Ý kiến này xem ra là có cơ sở khoa học và có thể được mọi người quan tâm !

Sau khi vua Gia Long lên ngôi (1802), lập ra nhà Nguyễn, đặt tên nước là Việt Nam; đất nước bắt đầu thời kỳ phát triển rực rỡ kéo dài gần 100 năm, nhất là dưới triều Vua Minh Mạng. Thời kỳ đầu các vua Nguyễn tập trung phát triển kinh tế, văn hóa và tiềm lực quốc phòng rất mạnh mẽ. Đây là nhà nước phong kiến tập quyền mạnh nhất vùng Đông Nam Á ở thế kỷ 19 và nữa đầu thế kỷ 20. Trong khi đó các nước trong vùng, nhất là các nước ven biển Đông hiện nay, thời gian này bị phân chia thành hàng trăm Vương quốc nhỏ, họ luôn luôn đánh nhau để tranh giành quyền lợi. Khiến cho tiềm lực quốc gia bị phân tán, nên lãnh thổ của họ rất dễ bị các thế lực bên ngoài xâm chiếm. Vào thời vua Minh Mạng sau khi quân đội nhà Nguyễn đánh thắng quân Xiêm và chiếm vương quốc Campuchia thì trong khu vực Đông Nam Á không còn ai dám xâm lấn nước Đại Nam của ông vua này nữa.
Bản đồ 03 nước thuộc bán đảo Đông Dương ngày nay

Theo thống kê, vào thời Vua Minh Mạng đã có lúc có tới 17 vương quốc trong vùng đã tới kinh thành Phú Xuân (Huế) xin triều cống nhà Nguyễn và xin được Vua Nguyễn bảo hộ. Hai nước lân bang phía tây là Chân Lạp và Ai Lao thì bị nhập hẳn vào lảnh thổ nước Việt Nam. Trước sự lớn mạnh của mình, năm 1839 vua Minh Mạng cho đổi tên nước từ Việt Nam thời Vua Gia Long thành Đại Nam, tức quốc gia rộng lớn hùng mạnh ở phương Nam. Đây chính là nguyên nhân và ý nghĩa của quốc hiệu này.

Trước năm 1802 do phía các vương triều của VN bận nội chiến; nên các vương quốc ở phía tây như Campuchia, Chămpaxắc, Viêng Chăn, Luôngphabang đều bị vương quốc Xiêm La chiếm đóng hay bị buộc lệ thuộc người Xiêm. Lãnh thổ của đế quốc Khmer hùng mạnh, rộng lớn và vang bóng một thời nay đã bị người Xiêm và người Miến Điện xâu xé và nhập vào lãnh thổ của họ gần hết; chỉ còn lại một vùng đất rất nhỏ bao quanh kinh thành Oudong do hoàng tộc người Khmer cai quản. Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, các vị vua Nguyễn bắt đầu tìm cách tăng cường ảnh hưởng lên các vương quốc phía tây nhằm mở rộng lãnh thổ về phía tây.
Bản đồ lãnh thổ VN năm 1832 lúc này lãnh thổ nước Campuchia (màu tím nhạt) chỉ còn lại rất nhỏ.

S thần phục và sáp nhập của người Lào

Theo chính sử của nước Lào ngày nay và các bộ sử uy tín của các nước phát triển cho biết, cho tới thế kỷ thứ 10 người Lào vẫn chưa có bất cứ hình thức nhà nước nào. Người dân các bộ tộc Lào vẫn sống trong hình thức các bộ lạc trong những ngôi làng lớn, với tên gọi là  Mueang(mường) do một dòng họ có uy lực nào đấy cai quản. Với một số sử sách thì các tác giả cho rằng đấy là những nhà nước sơ khai; nhưng với tôi thì không phải. Vì họ chưa có chữ viết, xã hội chỉ có hai giai cấp chính là các vị tù trưởng và con cháu trong dòng họ của họ. Họ đang có cuộc sống sơ khai, sống khép kín và tự cung tự cấp trong những ngôi làng thì đó không thể gọi là một thứ nhà nước được !
Cho tới thế kỷ thứ  9 khi đế quốc Khmer ra đời thì giới hoàng tộc người Khmer mới bắt đầu áp đặt ảnh hưởng của mình lên vùng đất là nước Lào ngày nay. Nhưng hình thức sinh hoạt kinh tế xã hội của người Lào cũng không có gì khác trước vì các vị vua người Khmer vẫn giao quyền cai quản những Mueang này cho các vị tù trưởng địa phương tự do cai quản trên đất của mình.
Mãi cho tới năm 1354, lợi dụng tình hình đế quốc Khmer đang suy yếu, Chậu Phà Ngừm là một vị tướng lừng danh của đế quốc Khmer lúc ấy, đã ly khai khỏi đế quốc Khmer và thành lập Vương quốc Lan xang ở vùng đất phía Đông - Bắc của đế quốc Khmer và là vị Vua đầu tiên của vương quốc này. Vương quốc Lan Xang đã tồn tại độc lập trong hơn 350 năm. Năm 1707, vị vua trị vì chết nhưng không có con nối dõi, đất nước bị chia ba vùng giao cho 03 vị hoàng thân trong dòng họ cai quả. Vương quốc Lan Xang tan rã và bị phân chia làm 03 tiểu vương quốc riêng biệt, gồm: tiểu vương quốc Luang Phrabang (Nam Chưởng) ở phía bắc, tiểu vương quốc Viêng Chăn ở miền Trung và tiểu vương quốc Champasak ở phía nam ( với thủ đô là thành phố Pắc Xế, tỉnh Champasak của nước Lào hiện nay).

Như nói trên đây, trong một thời gian dài từ thế kỷ 17 cho tới đầu thế kỷ 19, các thể chế nhà nước nắm quyền tại VN lúc ấy không mấy ngó ngàng tới việc mở rộng lãnh thổ về phía tây. Lý do lớn nhất là việc mở rộng lãnh thổ vế phía Nam bằng đường thủy gặp nhiều thuận lợi hơn và với lý do sinh tồn nên được gấp rút tiến hành. Nhưng công cuộc tiến về phía tây trái lại khá chậm chạp và luôn gặp nhiều khó khăn, lý do lớn nhất là về địa hình núi non hiểm trở, lý do thứ hai là khu vực này dân cư thưa thớt, lúc này các bộ tộc sống tại đây đang sống cuộc sống sơ khai, khá lạc hậu. Kinh tế xã lội chưa phát triển, không có bất cứ một khu thị tứ, hay một thành lũy nào đủ lớn để tiến đánh, để làm mục tiêu cho những kẻ mạnh tiến chiếm cả.

Sau năm 1707, Vương quốc Lan Xang tan rã và bị phân chia làm 03 tiểu vương quốc, nhưng 3 tiểu quốc này luôn nằm dưới sự khống chế của người Xiêm (siam) và sự cai trị của người Thái là khá tàn bạo. Người Thái luôn xem người dân các bộ tộc nơi đây như là nguồn cung cấp nô lệ chính cho họ. Quân đội của người Thái thỉnh thoảng mở những cuộc tấn công lớn vào những ngôi làng của các bộ tộc người Lào nhằm săn bắt nô lệ nhất là các bộ tộc người Lào vùng cao.  Khiến cho các bộ tộc nơi đây căm hận người Xiêm họ luôn muốn tìm cách muốn thoát khỏi sự lệ thuộc bạo tàn này.

Sau khi nhà Nguyễn thành lập, họ đã lập tức cho người sang xin thần phục nhà Nguyễn và xin được sự bảo hộ của triều Nguyễn. Việc này đã khiến cho đa số các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới sau này khá ngạc nhiên, họ đã có nhiều thắc mắc nên đã cố công nghiên cứu tìm hiểu lý do của hành động này của người dân các bộ tộc Lào. Tuy đã có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo một nhà nghiên cứu người Pháp của "Viện Viễn Đông Bác cổ" thì có thể là do người Việt không có tục lệ săn bắt và mua bán nô lệ nên người Lào cảm thấy an toàn hơn khi buộc phải nhờ bảo hộ; ý kiến này đã được đa số các nhà sử học đồng tình.
Các vị vua Nguyễn nhân cơ hội này cũng muốn áp đặt ảnh hưởng của mình lên vùng đất này nên chấp thuận. Nhiều xứ ở Ai Lao xin được đặt dưới quyền bảo hộ của Việt Nam, các vùng ngày nay gọi là Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn và Savannakhet giáp với Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đều xin trở thành nội thuộc. Nhà Nguyễn cho sáp nhập các vùng này vào lãnh thổ, phân thành các châu, phủ thuộc Việt Nam. Việc này khiến cho người Thái lúc ấy khá bực tức; thậm chí có một số Mueang (Mường) tuy đã xin thần phục và chịu sự bào hộ của người Thái; nhưng nay họ xin thần phục thêm cả triều đình nhà Nguyễn, nhưng do triều Nguyễn lúc ấy quá mạnh nên người Xiêm không dám gây hấn mà phải chấp thuận phân chia ảnh hưởng.

Cho tới năm 1835 thì phần lớn lãnh thổ của nước Lào ngày nay đều thuộc về nước Đại Nam của triều Nguyễn (trừ một phần rất nhỏ thuộc tiểu vương quốc Champasak ở phía nam là thuộc về người Xiêm và cũng một phần rất nhỏ ở phía Bắc thuộc tiểu quốc Luang Phrabang – khi thì của người Xiêm, lúc thì bị nhà Thanh chiếm).

 Bản đồ Đông Nam Á năm 900 (màu đỏ là lãnh thổ của đế quốc Khmer )


Sự cầu xin thần phục của người Khmer

Vào đầu thế kỷ thứ 9 (năm 802), Vua Jayavarman II của người Chân Lạp lập nên đế quốc Khmer hùng mạnh, chiếm cứ phần lớn bán đảo Trung - Ấn kéo dài tới gần hết bán đảo Mã Lai. Đế chế này tồn tại gần 5 thế kỷ (802 – 1431). Với những thành tựu văn hóa nghệ thuật rực rỡ, những công trình xây dựng lớn, khoa học kỹ thuật phát triển ; đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của lịch sử đất nước Campuchia 
Nhưng bắt đầu từ nữa cuối thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 15, trong lịch sử Campuchia là thời kỳ của các cuộc chiến tranh giành quyền lực tàn bạo ngay trong hoàng tộc. Giới hoàng tộc chia ra nhiều phe phái đánh nhau nhằm tranh giành quyền lực với những cuộc chiến xảy ra liên miên đã khiến cho đế quốc này bắt đầu suy yếu dần. Sức chi phối của Đế quốc Khmer đối với các vùng đất xa xôi bắt đầu giảm đi. Các vùng đất trước đây thần phục đế quốc này đã lợi dụng tình hình này bắt đầu phân liệt. Kết quả, người Chăm Pa đã giành lại độc lập, vương quốc Lan Xang của người Lào ra đời, Vương quốc Sukhothai của người Thái hình thành.
Sự kiện đánh dấu cho sự lụi tàn nhanh chóng của người Khmer đó là sự ra đời của một vương quốc mới của người Thái vào năm 1238,  tên Sukhothai (ở miền bắc Thái Lan ngày nay). Từ đó người Thái bắt đầu đẩy lùi người Khmer đi dần về phía Nam.

Sau đó người Thái mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, lúc này sử sách gọi người Thái bằng tên mới là người Xiêm (Siam) hay Xiêm La. Năm 1350, người Xiêm chuyển kinh đô xuống Ayuthaya (phía bắc Bangkok 70 km); từ đó vương quốc này có tên mới là Ayutthaya. Năm 1431, quân Xiêm tấn công chiếm được kinh thành Angkor; đế quốc Khmer tan rã. 

Với người Khmer, giai đoạn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 được xem là thời kỳ tăm tối nhất của đất nước Cambodia và dân tộc Khmer.

Trái lại, cuộc suy tàn của đế quốc Khmer và người Khmer gắn liền với sự bành trướng và lớn mạnh không ngừng của người Thái, vì toàn bộ lãnh thổ của nước Thái Lan ngày nay vốn là lãnh thổ của đế quốc Khmer xưa kia; mới bị người Thái xâm chiếm bắt đầu từ thế kỷ 13 và hoàn thành việc xâm chiếm vào cuối thế kỷ 19. 

Tổ tiên người Thái vốn là những bộ tộc sống tại  khu vực mà ngày nay là tỉnh Vân Nam, Quý Châu và tây nam tỉnh Tứ Xuyên của nước Trung Hoa, và một phần phía tây của vùng Bắc bộ Việt Nam. Từ năm 937 cho đến năm 1253, cùng với người Bạch họ đã thành lập nên Vương quốc Đại Lý ( tiếng Hán:大理) tại vùng Vân Nam (Trung Hoa). Mãi cho tới thế kỷ thứ 10, trong vùng lãnh thổ khu vực phía Bắc của đế quốc Khmer (ngày nay là phía bắc của nước Thái Lan) cũng chỉ có một số rất ít người Thái di cư từ phía Bắc xuống sinh sống. Nhưng tới thời gian sau năm 1253, khi vương quốc Đại Lý của người Thái ở Vân Nam (Trung Hoa) bị người Hán xâm chiếm; thì người Thái đã di cư ồn ạt xuống vùng này sinh sống. Lúc đầu họ chỉ là những bộ tộc di cư nhỏ, sinh sống trên đất của người Khmer như những người dân tộc thiểu số, vì vùng này vốn đất rộng người thưa. Dần dà họ xây dựng được những công quốc nhỏ có quyền tự trị; nhưng vẫn nằm dưới sự  thống trị toàn diện của hoàng tộc người Khmer.

Nhưng như nói trên đây, tới đầu thế kỷ 13 khi đế quốc Khmer bắt đầu suy yếu, với những cuộc nội chiến giữa các phe phái trong hoàng tộc; sức mạnh của một quốc gia bị phân tán, việc kiểm soát lãnh thổ và cai trị người dân của nhà nước tại các vùng xa xôi ở phía Bắc không còn được chú ý như trước. Nên người Xiêm đã lợi dụng dịp này bắt đầu nổi dậy tự thành lập các vương quốc độc lập ở phía Bắc nước Thái Lan ngày nay, thoát khỏi sự cai trị của người Khmer.
Tới đầu thế kỷ 14, khi đế chế Khmer bắt đầu suy yếu hẳn;  người Xiêm bắt đầu tấn công xuống phía Nam để chiếm đất của chính người Khmer. Cuộc kháng cự của hoàng tộc Khmer không còn, nên các cuộc tiến công của người Thái về phía Nam luôn giành thắng lợi và liên tục thành công. Năm 1431 người Thái chiếm được kinh thành Angkor, cướp phá và tàn phá hoàn toàn kinh đô của người Khmer. Tới đây thì đế quốc Khmer hùng mạnh một thời hoàn toàn tan rã và người Khmer bị chính người Thái (Xiêm) – một dân tộc ngụ cư cai trị, ngay trên chính đất nước của mình !

Sau khi kinh đô Angkor bị chiếm và nhập vào lãnh thổ Ayuthaya của người Xiêm năm 1431. Người Khmer lùi đần vế phía biên giới Việt Nam của người Việt, vùng đất còn lại của người Khmer qúa nhỏ bé nằm ở phía Đông Nam của hồ Tonle Sap với thủ đô mới là Longvek . Nhưng tới năm 1594, người Thái một lần nữa lại tấn công vương quốc Chân Lạp nhỏ bé, tàn phá kinh thành Longvek. Hoàng tộc và Vua Satha I của Campuchia phải chạy trốn. Từ đó người Campuchia không bao giờ gượng lại được nữa.
Sang đầu thế kỷ 17, Campuchia có sự gắng gượng ổn định đôi chút, năm 1618 thủ đô mới được lập tại Oudong (vùng phía Tây của Nông pênh này nay). Từ sau thời kỳ này, khi người Việt đã định cư  châu thổ sông Cửu Long; các vị Vua người Khmer đã nhiều lần cầu cứu sự giúp đỡ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong chống lại sự chiếm đóng của người Xiêm, các chúa Nguyễn đã nhiều lần cử quan quân sang trợ giúp nhằm bảo vệ vương quyền cho hoàng tộc người Khmer. Nhưng chính vì hành động này họ phải đánh đổi bằng chính lãnh thổ của họ, họ phải nhường một trong những vùng lãnh thổ trù phú nhất của họ ở phía đông cho chúa Nguyễn. Cuối thế kỷ 17 nhà Nguyễn lập ra phủ Gia Định kiểm soát cả vùng Tây Nam Bộ.

Ở phía Tây người Thái tiếp tục xâm lấn phần lãnh thổ nhỏ bé còn lại của người Khmer. Năm 1771, Xiêm La cho quân tiến đánh Campuchia, họ chiếm và sát nhập các tỉnh Battambang, Siem Reap vào lãnh thổ của họ. Ở phía Đông, nhằm ngăn ngừa quân đội chúa Nguyễn tiến chiếm Campuchia; người Thái đã tiến đánh Hà Tiên (lúc này vẫn thuộc của người Cambodia) bằng đường thủy. Chúa Nguyễn phải cho quân sang cứu Campuchia và đánh tan thủy binh quân Xiêm La ở Hà Tiên. Cuộc chiến kết thúc bằng việc Xiêm La và Việt Nam cùng rút khỏi Campuchia. Nhưng người Xiêm La vẫn giữ quyền chi phối hoàng tộc Campuchia, còn Việt Nam chiếm giữ được vùng Hà Tiên.
Năm 1833 diễn ra cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi ở thành Gia Định, vua Minh Mạng cử Trương Minh Giảng đến dẹp loạn, Lê Văn Khôi thua chạy đến cầu xin Xiêm La trợ giúp. Quân Xiêm La nhân cơ hội này cử nhiều cánh quân từ đất Campuchia tiến đánh vùng Tây Nam bộ của Việt Nam, thế nhưng bị quân của nhà Nguyễn đánh bại. Trên đà chiến thắng, năm 1835, quân nhà Nguyễn truy đuổi quân Xiêm La sang tận Campuchia, chiếm giữ kinh đô Oudong và đuổi người Thái ra khỏi lãnh thổ Campuchia tuyên bố bảo hộ đất nước này, loại bỏ ảnh hưởng của nước Xiêm La. Nhà Nguyễn sau đó sáp nhập Campuchia vào lãnh thổ Đại Nam, đặt tên là Trấn Tây Thành, chia ra thành nhiều phủ, huyện, sắp đặt các quan lại người Việt đến cai trị.

Bản đồ lãnh thổ Việt Nam năm 1835 (phần màu vàng)

Lời kết

Như vậy vào năm 1835, diện tích Việt Nam là bao gồm phần lớn vùng đất là nước Lào ngày nay, hầu hết phần đất là lãnh thổ của Campuchia ngày nay, với tổng diện tích là 575.000 km2, tức là gấp 1,7 lần so với diện tích lãnh thổ nước Việt Nam bây giờ./.

ĐKT

24.6.2017

HUẾ - THỜI NỘI CHIẾN.

Một người con gái Huế (năm 1967)

Người Pháp đến rồi người Pháp đi, người Nhật đến rồi người Nhật lại đi, người Mỹ đến rồi người Mỹ cũng lại đi. Người Nga hay người Tàu tuy chỉ là những kẻ ném đá giấu tay, nhưng rồi họ cũng chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho đất nước này cả. 

Chỉ còn lại người Việt chém giết lẫn nhau và hận thù nối tiếp hận thù mãi không thôi ! 

Dù có nấp dưới bất cứ mĩ từ đẹp đẽ nào, dưới bất cứ học thuyết cao siêu nào đi nữa thì đó đơn giản chỉ là một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. 

Khi cuộc chiến tàn thì mọi khổ đau trong cuộc chiến này đã đổ lên đầu những người dân nghèo khổ quê tôi. Quê hương tôi đã bị tàn phá nặng nề. 

Tổ tiên người Việt phải mất hơn 300 năm mới xây dựng nên được kinh thành này; nhưng lớp hậu sinh của họ đã tàn phá nó chỉ trong vài năm. Huế - chốn kinh thành hoa lệ, trung tâm văn hóa nghệ thuật của nước Việt suốt 3 thế kỷ trước đó đã không còn trước sức tàn phá của chính con người. Sau cuộc chiến, cái còn lại chỉ là một chốn hoang tàn.

Là một người đã sống giữa cuộc chiến này và đã trãi qua hai thể chế chính trị - cho tới gần đây tôi đã nhận ra đâu là sự thật của cuộc chiến này !

Sau đây là những hình ảnh do một người bạn - một nhà báo vừa gửi tặng tôi. Tuy tôi không phải là tác giả bộ ảnh, nhưng đây là những nơi tôi đã sống, những sự kiện tôi đã trãi qua, những con người tôi đã gặp .... vì đó là quê hương tôi.

Để nhớ về một thời loạn lạc !

Toàn cảnh bộ ảnh

Là một kẻ sống xa quê, nhưng mỗi khi nghe tiếng trống kèn của những ban nhạc lễ này; khiến cho những kẻ tha phương cầu thực như tôi chợt nhớ về nơi mình sinh ra.



Con sông Hương thơ mộng một thời của xứ Huế, thời kỳ này bị biến thành nơi cư ngụ của những người dân chạy loạn. Họ phải từ bỏ làng xóm, từ bỏ nếp nhà ông cha, từ bỏ ruộng đồng kéo nhau về cái thành phố nhỏ bé này nhằm tránh làn đạn của hai bên và kiếm sống bằng đủ thứ nghề nhằm kiếm cái ăn. Để rồi họ phải sống vật vạ trên những con đò nhỏ đậu chen chúc trên sông Hương, và họ đã vô tình biến dòng sông thơ mộng này thành một cái túi rác khổng lồ !











Lại một chùm ảnh về cầu Trường Tiền - biểu tựơng của xứ Huế (năm 1966 - 1967) trước khi bị đánh sập (Mậu Thân - 1968)







Và một vài cảnh tiêu biểu của Huế thời kỳ 1966 - 1970:

 Kỳ đài năm 1972



 Bia Quốc Học năm 1967


 Tòa nhà Viện đại học Huế năm 1970


 Trung tâm thông tin tỉnh (1970)


 Nhà thờ dòng chúa cứu thế (1970)

Sau cuộc chiến Mậu Thân (1968), chợ Đông Ba cổ kính được xây dựng từ thời nhà Nguyễn đã bị tàn phá hoàn toàn. Năn 1969 chính quyền VNCH đã tổ chức xây dựng lại chợ mới trên nền khu chợ cũ. Chùm ảnh dưới đây là lễ đặt đá xây dựng chợ năm 1969 và sau khi xây dựng khoảng 02 năm.








Cửa Hiển Nhơn và khu vực đại nội Huế thời kỳ năm 1967 - 1968, trước khi bị tàn phá trong cuộc chiến năm Mậu Thân.








Những người lính, luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi và mất mát nhất.




Phi trường Phú Bài, trước năm 1975 chỉ là một sân bay quân sự của vùng  I chiến thuật dưới thời chính phủ VNCH. Thời kỳ này khi phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác người dân thường đi máy bay; vì đi máy bay là chuyện khá dễ dàng và giá vé cũng khá rẻ.









Một vài hình ảnh sinh hoạt của người dân xứ Huế thời kỳ 1967-1970, nó cũng rất thanh bình và tỉnh lặng như nó vốn có:








Cám ơn nhà báo Nguyễn Tiến Trung đã gửi tặng bộ ảnh này./.


ĐKT
20.09.2017








Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...