BỘ GIA PHẢ CỦA TỘC HỌ ĐINH KHẮC ĐƯỢC LẬP RA NĂM NÀO !

Bản gốc chữ Hán của Bộ Gia Phả


     Dòng họ Đinh Khắc của chúng tôi mới có thời gian tồn tại ở xứ Thuận Hóa này chưa tròn 400 năm, mọi người sẽ cho rằng sẽ dễ dàng tìm kiến tư liệu về nguồn gốc hoặc các vấn đề về thế thứ của dòng tộc – nhưng xin thưa rằng không hề dễ chút nào cả.
Vì đây là khoảng thời gian đất nước bị chia hai gần 200 năm (1623 – 1802). Cuộc tranh giành quyền lực giữa nhà Trịnh với nhà Mạc, sau đó là phân tranh Trịnh - Nguyễn, chiến tranh giữa chúa Nguyễn với nhà Tây Sơn khiến cho đất nước lâm vào cảnh chiến tranh loạn lạc triền miên trong suốt gần 200 năm nên việc liên lạc giao thương cũng như việc ghi chép sử sách bị gián đoạn. Vùng Thuận Hóa lại là trung tâm của mọi cuộc chiến trong thời gian này. Từ đầu thế kỷ 17 cho đến đầu thế kỷ 19 vùng đất Thuận Hóa thời gian yên ổn không được bao nhiêu. Chỉ sau khi nhà Nguyễn được tái lập năm 1802 thì việc học hành và việc ghi chép sử sách mới được khởi động lại.
     Như trong một số bài viết gần đây tôi đã đề cập đến câu chuyện này, đó là khi các vị tiên tổ của các dòng Họ từ phía Bắc mới vào khai cơ định cư lập nghiệp tại xứ Thuận Hóa thì gặp thời loạn lạc, tới lúc thanh bình thì các vị đã thành người thiên cổ. Tổ tiên chúng tôi tất yếu cũng lâm vào hoàn cảnh chung; lúc mới vào các ngài phải lo cái ăn, cái ở, cái mặc, lo chiến tranh liên miên đã khó rồi, nên chưa thể quan tâm đến việc chữ nghĩa. Cho tới khi xóm làng đã yên ổn, lớp hậu thế mới có thể tính chuyện học hành và ghi chép lại việc quá khứ, nhưng đời xa, người khuất việc ghi chép chỉ nhờ vào hồi ức và khẩu truyền của các đời trước, không thể tránh được sai sót.
     Đã dẫn đến việc ghi chép nguồn gốc của các dòng Họ trong những bản gia phả không rỏ ràng, các đời đầu đều rất sơ sài; chi tiết sự kiện niên điểm không được chính xác, văn phong dân gian đơn giản, các sự kiện trình bày theo cảm quan, mơ hồ, lẫn lộn về thời gian việc ghi chép lại cội nguồn hay quá khứ vị lai chỉ còn là những câu chuyện kể. Cho nên giới nghiên cứu lịch sử cũng cảm thông được câu chuyện này. Chúng tôi phải dựa vào những bộ chính sử đương thời mà chỉnh lý lại những câu chuyện kể khá dài dòng nhưng cũng khá lung tung trong những bộ gia phả. Phải hình dung và sắp xếp lại trình tự câu chuyện, sắp xếp lại thời gian cho nó đúng với các sự kiện chung của lịch sử từng vùng, từng khu vực .
     Tuy nhiên có một vấn đề khá phức tạp là đa số các dòng Họ tại Huế lại tự cho rằng các bộ gia phả của họ đều có tuổi thọ trên 300 năm. Nhưng theo kết luận chính thức của các nhà nghiên cứu Khoa học lịch sử tại Phân Viện nghiên cứu lịch sử miền Trung, Hội khoa học lịch sử tỉnh TT – Huế và khoa sử trường Đại học sư phạm Huế - sau rất nhiều cuộc nghiên cứu điền dã, đã nghiên cứu hàng trăm bộ gia phả cổ nhất tại tỉnh TT – Huế đã cho thấy hầu hết các bộ gia phả tại đây đều mới lập từ sau năm 1802 tức là sau khi triều Nguyễn thành lập. Chủ yếu là vào thời vua Tự Đức (1848-1883) – khi vị vua này có chỉ dụ khuyến khích các tộc họ lập gia phả và đăng ký gia phả các dòng họ với nhà nước. Những bản Sắc Phong được ban cho các dòng Họ ở vùng Thuận Hóa được lưu lại cho đến ngày nay cũng chỉ có được sau mốc thời gian này.
    Theo các tư liệu điền dã cho biết thì bản Gia Phả được cho là cổ nhất hiện nay tại tỉnh Thừa thiên – Huế được tìm thấy cho tới nay hiện đang được lưu giữ  Lê tộc thế phả của Họ Lê ở làng La Khê, huyện Hương Trà, lập năm Cảnh Hưng thứ hai (1741) – tuy nhiên có nội dung rất sơ sài đơn giản. Tại thôn 5 làng Mỹ Lợi – xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc có bản Phan thị gia phả lập năm Gia Long thứ 2 (1803). Đây là hai bản Gia Phả cổ nhất được các nhà nghiên cứu tìm thấy cho tới nay tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, còn lại đa số các bản Gia Phả đều mới được lập từ thời Tự Đức (1848-1883) trở về sau.
     Chúng tôi cũng đã tính tới khả năng là có thể các bản Gia phả mới được chép lại và bản cũ không còn - nhưng căn cứ vào nội dung, các điển tích, sự kiện được ghi chép và văn phong của các bản Gia Phả - chúng ta cũng có thể xác định được phần nào việc có bản gốc của các bản Gia phả này có hay không và bản gốc lập năm nào !

Bản Việt ngữ của bộ Gia phả

     Dòng họ Đinh Khắc của chúng tôi nổi tiếng là dòng họ có vấn cao, có nhiều vị chức sắc cao cấp dưới triều Nguyễn nhưng cũng không thể nằm ngoài tình hình chung này được. Thậm chí theo đa số các bản gia phả tại tỉnh Thừa Thiên hiện nay thì đều có tên tác giả (tức là người chấp bút) nhưng gia phả của tộc họ Đinh Khắc chúng tôi cũng không có tên người chấp bút.
     Cho nên khi bắt tay vào nghiên cứu lịch sử dòng họ mình, đã có hàng loạt câu hỏi được đặt ra cho tôi cần được giải đáp. Tôi đã tìm đến các vị cao niên trong tộc Họ mình và một số vị cao niên trong làng, nhưng câu trả lời thường là không đâu vào đâu hoặc những cái lắc đầu buồn bã … tôi cũng thông cảm chuyện này vì các vị chỉ là những người biết chữ Nho, những ông đồ làng được sinh ra trong trong thời loạn lạc đôi điều các vị học được và nhớ được về lịch sử ngôi làng, về dòng họ tuy chỉ là những điều đơn giản nhưng cũng đã là quý hóa; nên không thể đòi hỏi gì hơn ở các vị được.
     Cho nên tôi lại phải bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất, ví dụ chỉ với một chi tiết rất nhỏ được ghi chép trong gia phả cho biết “tổ tiên chúng ta từ tỉnh Thanh Hóa vào định cư tại Thuận Hóa cuối thế kỷ 17” – nhưng đã đặt ra cho tôi khá nhiều câu hỏi phải tìm lời giải:    
     1/. Cuối thế kỷ 17 tức là những năm từ 1675 trở về sau, nhưng đất nước đã bị chia cắt từ năm 1623, – lấy sông Gianh làm giới tuyến. Chúa Nguyễn cai quản Đàng Trong, chúa Trịnh cai quản Đàng ngoài, như hai nước riêng biệt, coi nhau như kẻ thù và đánh nhau liên tục trong gần 60 năm, mọi sư liên lạc lạc và giao thương giữa hai miền bị gián đoạn gần 200 năm; cho tới năm 1786 khi Quang Trung – Nguyễn Huệ kéo đại quân từ thành Phú Xuân ra Bắc lật đổ nhà Trịnh thì đất nước mới thống nhất. Tức là phải tới năm 1786 mới có thể có những cuộc di dân từ Bắc vào Nam – vậy thì làm sao có câu chuyện tổ tiên chúng tôi từ trấn Thanh Hoa vào định cư tại Thuận Hóa vào những năm cuối thế kỷ 17 được ?
 - Đây là câu hỏi khó nhất, phải trong nhiều năm tôi mới tìm ra câu trả lời. Và tôi đã tìm thấy.
    2/. Thông thường khi lập gia phả, khi nêu mốc thời gian lúc lập gia phả người ta thường ghi chép lại niên hiệu của triều vua đương thời. Nhưng trong gia phả của dòng Họ chúng tôi cũng không thấy ghi chép điều này ?
      Nhưng cuối cùng tôi cũng đã có câu trả lời, theo đó: Thời điểm tổ tiên chúng tôi từ phía Bắc vào định cư tại Thuận Hóa là trong khỏang  thời gian 1655 – 1672 ; lúc này hai miền Nam – Bắc đã bị chia đôi, nhưng do hai phe Trịnh – Nguyễn đánh nhau đều lấy danh nghĩa vua Lê để giành quyền lực. Nên cả hai phe đều dùng niên hiệu của nhà Hậu Lê (Lê Trung hưng) trong mọi văn bản giấy tờ nhà nước và sử sách. Theo đó, trong giai đoạn này vị vua tại vị là Lê Thần Tông, (vị Vua này là vị vua có tới hai lần làm vua - lần đầu từ năm 1619- 1643, sau đó truyền ngôi cho con là Lê Chân Tông 1643 – 1649, nhưng ở ngôi được 7 năm lại chết không có con nối dõi, nên Vua Lê Thần Tông phải lên ngôi lần thứ hai 1649 – 1662, tính thời gian trị vì 2 lần tới 38 năm, là vị vua có thời gian trị vì lâu thứ hai thời Hậu Lê sau vua Lê Thánh Tông )và Vua Lê Huyền Tông (1663 – 1671). Chúa tại vị ở phía Bắc là Chúa Trịnh Tạc (1653–1682). Chúa tại vị tại phía Nam là Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687).
     3/. Thời gian này cái tên tỉnh Thanh Hóa chưa có?
     Vào năm Thuận thiên thứ nhất (năm 1428), Vua Lê Thái Tổ chia nước thành 5 Đạo. Vùng đất gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay thuộc Hải Tây Đạo. Đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông chia nước thành 13 Đạo Thừa Tuyên, vùng đất này thuộc Thừa Tuyên Thanh Hóa, nhưng đến năm Quang Thuận thứ 10 (năm 1469), tức là chỉ 3 năm sau lại đổi thành Thừa Tuyên Thanh Hoa. Tóm lại dưới  thời Hậu Lê - nhà Mạc, vùng đất này luôn luôn mang cái tên là Thanh Hoa (chỉ có 3 năm từ 1466 – 1469 là mang tên Thanh Hóa). Vùng đất là tỉnh Ninh Bình ngày nay lúc này thuộc Phủ Trường Yên và Phủ Thiên Quang (Nho quang), trực thuộc Thừa Tuyên Thanh Hoa . Tới năm 1802, sau khi Gia Long lên ngôi đã đổi Thừa Tuyên thành Trấn và gọi là Trấn Thanh Hoa, đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), đổi trấn thành tỉnh và chia tỉnh Thanh Hoa thành 2 tỉnh là Thanh Hoa và Ninh Bình. Đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) mới được đổi thành tỉnh Thanh Hóa, vì kỵ húy bà Hoàng Thái Hậu Hồ Thị Hoa (người Gia Định), mẹ Vua Thiệu Trị. Cũng vì kỵ tên húy này mà đã có hàng loạt địa danh trên cả nước phải đổi tên, như: Chợ Đông Hoa ở Huế đổi thành chợ Đông Ba, cầu Hoa ở Sài gòn thành cầu Bông…
     Qua phân tích trên có thể khẳng định cái tên Thanh Hóa vào thời điểm năm 1655 - 1672 khi tổ tiên chúng tôi vào định cư tại Thuận Hóa là chưa có .
     4/. Vậy tại sao trong gia phả lại ghi chép như vậy ?
     Vấn đề tại sao trong Gia Phả lại viết là dòng Họ chúng tôi có nguồn gốc từ  tỉnh Thanh Hóa khi thời gian khoảng năm 1655 – 1672 cái địa danh này chưa có ?
   -  Vậy các cụ viết Gia Phả khi địa danh này đã có – có nghĩa rằng Gia phả của dòng Họ chỉ mới được lập sau năm 1841.
     Từ kết luận này, khiến cho việc tìm kiếm của tôi khá dễ dàng hơn. Vì năm 1821 Quốc sử quán triều Nguyễn được thành lập, triều đình nhà Nguyễn bắt đầu cho ghi chép lại những công việc quốc gia đại sự và những việc hành chánh hàng ngày chi tiết tới tất cả từng cấp hành chánh làng (xã), huyện, tổng, Phủ (Dinh, trấn) khá rõ ràng. 
Với lẽ thông thường thời nào cũng có tờ giấy khai sanh, những tờ giấy chủ quyền đất đai, những tờ khai về dòng họ có liên quan đến nhà thờ Họ, về việc thờ tự và sắc phong … được các cấp chính quyền cấp hay xác nhận. Khi cấp hay xác nhận thì chính quyền đều lưu lại một bản và ghi chép vào sổ bộ. Nên khi những người được cấp hay xác nhận những tờ giấy đó vô tình bị mất hay bị hư hại vì thiên tai hay do chiến tranh thì khi có nhu cầu họ chỉ việc tìm đến những cơ quan đã cấp xin cấp lại những giấy tờ đó. Cơ quan chức năng chỉ việc lật sổ bộ ra chép lại những chi tiết đã lưu và xác nhận hay cấp giấy mới cho họ. Đây là con đường tôi đã đi và việc tôi đã làm khi đi tìm và nghiên cứu về dòng họ của mình. Rất may mắn cho tôi là Quốc sử quán triều Nguyễn đã có những ghi chép này, nhất là trong bộ sách Châu bản triều Nguyễn.
     Qua nghiên cứu cho thấy những ghi chép về mảng “địa bạ” khá là đầy đủ, vấn đề ruộng đất được thống kê và quản lý một cách chặt chẽ. Theo đó vào thời các Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn nhà nước (triều đình) có lệ cấp cho mỗi tộc Họ vài sào ruộng để làm “ruộng Họ” nhằm thu hoa lợi phục vụ cho việc cúng tế giỗ chạp – có ghi chép Họ đấy bao nhiêu khẩu, định cư lập nghiệp năm nào, ai là người đứng đầu. Về số liệu nhân khẩu và thống kê các tộc họ của từng làng cũng khá cụ thể; việc này do các viên chức làng kê khai theo lệnh và đúng mẫu của triều đình, lập thành 02 bản giáp bản và ất bản nộp lên cho các bộ, ty chủ quản xác nhận, thu giữ lại giáp bản và tống đạt lại cho làng ất bản để thi hành. Những văn bản, những số liệu của các làng - xã còn lưu lại được cho đến ngày nay tại Quốc Sử quán là do chính các viên chức làng viết . 
   Và trong quá trình tìm kiếm trong bộ Châu Bản triều Nguyễn tôi đã tình cờ khám phá ra người lập ra Gia phả cho dòng Họ Đinh Khắc chúng tôi lại chính là một vị cao tổ trực hệ mà tôi là cháu đời thứ 6 của ngài. Đây lại chính là một vị quan Tri huyện tham chính tại huyện Hoằng Hóa, trấn Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Ngài làm quan dưới triều Vua Tự Đức (1848-1883), ngài đã đứng tên trong sổ bộ là người chấp bút viết Gia phả cho dòng họ Đinh Khắc. Thật tình là khi khám phá ra chi tiết này tôi đã run cả người và xúc động tự hào về tổ tiên mình.
     Qua bài viết này xin công bố chi tiết này cho bà con tộc họ Đinh Khắc biết; tôi sẽ công bố chính thức tại nhà Từ Đường trong một ngày gần đây ./.

ĐKT
27.7.2017

Phần mộ của ngài Tiên Tổ khảo đời thứ 7 - người đã lập ra bộ Gia Phả cho tộc họ Đinh Khắc. Ngôi lăng mộ này đã hơn 150 năm tuổi nhưng vẫn được chăm sóc và trùng tu thường xuyên.









 * Tư Liệu tham kho:
1. Châu bản triều Nguyễn
2. Tư liệu điền dã của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu và khoa Sử trường Đại Học Sư phạm Huế .
3. Tư liệu điền dã vùng Huế về thời kỳ Tây Sơn (Nhà Xuất bản Thuận Hóa, Huế , 1999)
4. Phần lớn còn lại là tư liệu của tôi.

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...