AI LÀ NGƯỜI ĐẮP THÀNH DIÊN KHÁNH !

Cổng chính thành Diên Khánh hiện nay


Thành cổ Diên Khánh là khu di tích lịch sử cấp quốc gia của tỉnh Khánh Hòa đang được bảo tồn, đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Nha Trang bởi bề dày lịch sử và vẻ đẹp cổ kính của nó.

Ngôi thành cổ Diên Khánh nằm cách thành phố Nha Trang về phía Tây chừng 10 km, cạnh phía bên phải của quốc lộ 1A chỉ vài km, ngay trung tâm thị trấn Diên Khánh của huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là 01 trong 02 ngôi thành cổ duy nhất của Việt Nam hiện nay còn tương đối nguyên vẹn (ngôi thành cổ khác chính là thành cổ Huế). Tuy nhiên khác với thành cổ Huế được xây dựng kiên cố bằng gạch vồ; ngôi thành cổ Diên Khánh được đắp bằng đất trộn rơm, chỉ duy nhất 06 cổng thành là được xây dựng bằng gạch vồ. Thành Diên Khánh được xây dựng vào năm Quý Sửu (1793) dưới thời chúa Nguyễn Ánh. Thành được đắp bằng đất, ngôi thành cổ này đã qua nhiều lần trùng tu; năm 1988 thành cổ Diên Khánh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là một trong những di tích cổ hiếm hoi và nổi tiếng nhất của Khánh Hòa.


Thành cổ Diên Khánh là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ 17 – thế kỷ 18 ở Tây Âu. Với tổng diện tích khoảng 36.000 m².
Tường thành Diên Khánh hình lục giác nhưng không đều nhau, có chu vi 2.693 m được đắp bằng đất trộn rơm, cao khoảng 3,5 m. Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia thành nhiều đoạn nhỏ uốn lượn, nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn đảm bảo quan sát được hai bên. Mặt ngoài tường thành gần như dựng đứng, mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành.
Ban đầu thành có 6 cửa (cổng thành), nhưng hiện nay chỉ còn 4 cửa Ðông – Tây – Tiền (phía Nam) – Hậu (phía Bắc). Theo các tư liệu cũ, bên trong thành có nhiều kiến trúc độc đáo như hoàng cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh án sát, nhà kho.
Mỗi cổng thành rộng khoảng 17m, cao 4.5m gồm 2 tầng với lối xây dựng hình vòng cung. Phía ngoài thành có hào sâu từ 3 đến 5 m, rộng từ 20 đến 30 m bao quanh thông ra sông Cái. Bề rộng mặt hào cũng không đều nhau, tại các góc thành thường hẹp hơn (chừng 15m) và rộng nhất là trước các cổng thành, chừng 40m, lòng hào thường xuyên đầy nước từ sông Cái dẫn vào. Bên ngoài hào nước đắp một đường đi để tuần tra, vận chuyển, nhân dân gọi là đường quan phòng. Chung quanh hào lại có luỹ tre bao bọc dầy đặc, rất kiên cố.
Nếu đi từ hướng quốc lộ 1 vào thành chỉ có một con đường độc đạo nối với cửa Đông và cửa Tây của thành.


Bản vẽ thành Diên Khánh

Lợi dụng dịp anh em nhà Tây Sơn  liên tục đánh nhau nhằm tranh quyền đoạt vị, tiềm lực nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu. Năm 1790 Nguyễn Ánh đã sai danh tướng Võ Tánh từ thành Gia Định theo đường thủy kéo binh ra tiến đánh thành Diên Khánh, đánh bại tướng Tây Sơn là Đào Văn Hồ chiếm được phủ thành. Sau khi chiếm được thành Võ Tánh được giao trấn thủ thành Diên Khánh, tại đây Võ Tánh đã dùng mưu đuổi được quân Tây Sơn đến vây thành vào năm 1794. Sau đó ông được phong tước Quận Công kiêm lãnh chức Đại tướng Quân.


Bản đồ hành chánh huyện Diên Khánh

Tuy nhiên theo chính sử cho biết, lúc này thành Diên Khánh chỉ là một đồn binh nhỏ bé của quân Tây Sơn. Sau khi chiếm được vùng đất Khánh Hòa từ quân Tây Sơn, thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng ở Nam trung bộ, Nguyễn Ánh đã cho xây dựng ngôi thành tại Diên Khánh thành một căn cứ quân sự lớn nhằm tính kế lâu dài cho công cuộc giành lại vương quyền. Khi xây xong, ông đã giao cho người con trai trưởng của mình là hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc trực tiếp chỉ huy trấn giữ. Thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn thành Diên Khánh là thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa (cho tới năm 1945); từng có một vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Trung bộ, nơi lưu lại nhiều dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử của vùng đất này,
Thành Diên Khánh được khánh thành vào năm 1793, là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến ở Tây Âu vào thế kỷ 17, 18. Diên Khánh là ngôi thành thứ hai sau thành Gia Định được xây dựng theo kiểu Vauban ở nước ta.
Nhiều công trình từng được xây dựng ở nội thành Diên Khánh. Khi bước qua khỏi cửa Tiền (cửa chính ở hướng Nam), dành riêng cho nhà vua, hoàng tộc và các đại thần, sẽ gặp một cột cờ lớn, sau đó đến hoàng cung xây theo kiểu Điện Thái Hòa ở Huế. Bên trái hoàng cung là dinh Tuần Vũ, dinh Án Sát, dinh Lãnh Binh và phía dưới là dinh quan Tham tri. Ngoài ra, trong thành còn có một dãy nhà kho đồ sộ và một nhà lao xây tường đá cao kiên cố. Mọi công trình dinh thự, công sở đều lợp ngói âm dương, được trang trí công phu. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh và thiên tai, các công trình nội thành Diên Khánh bị tàn phá phần lớn.


cửa Đông vào thành Diên Khánh

 Sau năm 1975, thành cổ được trùng tu gìn giữ, tuy nhiên rất nhiều công trình xây dựng mới được mọc lên khá dày đặc, đó là những công trình mới làm công sở, trường học cho huyện Diên Khánh. Tất cả các cơ quan hành chánh nhà nước và bộ máy công quyền đoàn thể của huyện Diên Khánh đều tập trung trong thành cổ Diên Khánh khiến cho mật độ dân số trong thành tăng cao; ngôi thành cổ nhỏ bé phải chịu nhiều sự tàn phá do áp lực từ nhu cầu của cuộc sống con người.
Nhưng từ cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời các cơ quan hành chính, quân sự khỏi nội thành Diên Khánh để biến nơi đây thành phố đi bộ và dần phục hồi các công trình mang dấu tích lịch sử để phục vụ du lịch. Hiện tại chỉ còn một số rất ít các cơ quan huyện được đặt trong thành Diên Khánh như Phòng Giáo dục và Đào Tạo, Cơ quan Công an... và một sân bóng đá.
Hiện nay đang có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết tranh luận về việc ai đã xây dựng nên thành Diên Khánh. Tuy tất cả đều thống nhất công nhận việc thành được xây dựng là theo lệnh của Nguyễn Vương (tức Nguyễn Ánh), nhưng ai là kiến trúc sư của công trình này. Và tại sao nó được xây dựng theo lối kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ 17 – thế kỷ 18 ở Tây Âu, không phải là lối kiến trúc thành quách phổ biến tại VN và phương Đông lúc bấy giờ ?
Theo đó thành Diên Khánh cùng với thành Gia Định (xây dựng năm 1790) là hai ngôi thành được xây dựng theo kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến ở Tây Âu vào thế kỷ 17, 18; mà những nhà quân sự người Pháp sang giúp cho Nguyễn Ánh đã mang những kiến thức quân sự này từ châu Âu. Sau đó chính họ đã chủ trì hoặc cố vấn cho Nguyễn Ánh xây dựng nên.
Theo Sách Sử Quốc triều chính biên toát yếu do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn chép về việc đắp thành Gia Định như sau:
“Đầu năm Canh Tuất (1790), đồn cũ ở làng Tân Khai còn hẹp, bàn rộng đắp thêm (SQT.., sđd, tr. 21).
Trong Gia Định thành thông chí, cụ Trịnh Hoài Đức chép:
        “Ngày 4-2- Canh Tuất (1790) bắt đầu đắp thành Bát Quái hình như hoa sen, mở ra 8 cửa, có 8 con đường ngang dọc…” (GĐTTC, sđd, tr.74).
Nhưng không ghi tên nhân vật đắp thành Gia Định.
Sách Đại Nam quốc lược sử (1904) của Alfred Schreiner cũng ghi là thành Gia Định do Le Brun thiết kế :  “Le Brun (Théodore), là người tình nguyện hạng nhất, ở tàu fré gate Méduse, lên cửa Macao ngày 13 tháng janvier 1790, rồi qua giúp Nguyễn chúa cũng nội năm ấy. Người lãnh làm quan bác vật cùng vẽ họa đồ địa phận Sài Gòn”.(ĐNQLS, sđd, tr. 179).

Trong vấn đề này về phía người Pháp, học giả Alexis Faure, khi biên soạn cuốn sách viết về nhân vật Bá Đa Lộc, đã sưu tầm trong Văn khố Bộ ngoại giao Pháp những văn bản  có liên quan và cho in lại trong một số trang sách của ông.  Học giả Alexis Faure cho biết - trong một báo cáo của de Guignes là một nhân viên (agent) của lãnh sự quán Pháp tại Quảng Đông, trong bản báo cáo gửi về Bộ Ngoại Giao ngày 29/12/1791, cho biết: Olivier de Puymanel và Le Brun là tác giả thành Gia Định, và Puymanel là người xây thành Diên Khánh và các thành trì Vauban khác ở Việt Nam. (Báo cáo của de Guignes gửi Bộ trưởng Ngoại giao ngày 29/12/1791, Archives des Affaires étrangères; Faure, Chương 18, t. 214-215).

Tuy nhiên trái ngược với những ghi nhận đó, một số tác giả và người nghiên cứu sử VN gần đây đã cho rằng chính những người VN mới là tác giả công trình xây dựng (hay đắp) thành Diên Khánh. Cụ thể nhất là tác giả Thụy Khuê trong tác phẩm Vua Gia Long và người Pháp xuất bản gần đây, bằng những phương pháp phân tích văn phạm, câu chữ và tính logic câu chuyện (hay thường gọi là lý sự) của người viết văn đã phủ nhận những gì Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép và những công bố của phía người Pháp !


Ảnh bìa cuốn sách đang gây nhiều tranh cãi

Trong cuốn sách lịch sử của mình với lối lập luận lên lớp thường thấy của một số học giả Mác xít, tác giả Thụy Khuê đã cố công phủ nhận những báo cáo quân sự của chính những chuyên gia quân sự được chính phủ Pháp cử sang trợ giúp cho Nguyễn Ánh xây thành và cả những báo cáo của những điệp viên quân sự núp bóng dưới lốt các giáo sĩ  nhằm thăm dò tình hình nước ta và trợ giúp mọi mặt cho Nguyễn Ánh .
Anh ta cho rằng  các ghi chép ở trên đều không đúng, và cho rằng các thông tin trích dẫn trên xuất phát từ  hai nguồn chính là: Bản báo cáo của de Guignes lá thư của giáo sĩ Lavoué; là chưa thuyết phục. Và những báo cáo đó chỉ là do người báo cáo (điệp viên de Guignes), tự sáng tạo nên câu chuyện Puymanel và Le brun xây thành và tiếp tục lên lớp người đọc: “ Rồi một số tác giả Việt, coi thường hoặc không đọc quốc sử, cứ thế chép lại lập luận của Pháp.

Khoa học là muôn hình vạn trạng, trong đó có cả khoa học lịch sử. Cái hay của người có văn hóa là biết tìm kiếm những cái hay của thiên hạ mà học hỏi. Chứ không phải cứ ai khác ý mình là lên lớp, chửi bới, mạt sát hay thậm chí coi người ta như kẻ thù. Vì muốn tìm kiếm tư liệu cho một bài viết về ngôi thành cổ Diên Khánh, tôi đã phải cố gắng lắm mới đọc hết tác phẩm Vua Gia Long và người Phápxem vị này viết gì. Nhưng hoàn toàn không thấy có gì mới mà chỉ thấy toàn những phân tích câu chữ và gán ghép quan điểm của tác giả lên người khác. Khi vị này liên tục phủ nhận và chửi bới những gì mà người khác viết, thậm chí đó là những trang chính sử của nhà nước (Quốc sử quán triều Nguyễn) hay những báo cáo quân sự mà các điệp viên hải ngoại của nước Pháp gửi về cho chính phủ Pháp của họ “Không biết những gián điệp này lấy những tin này ở đâu, mà lại đầu Ngô mình Sở đến thế”.
Một kiểu phân tích khác của anh nhà văn này, khi cho rằng thành Gia Định được xây dựng năm Canh Tuất (1790) chủ yếu được “đắp bằng  đất trộn rơm (torchis) rất vững chắc, đó là kiến trúc thành đài kiểu Đông phương. Tây chỉ biết xây thành đá hoặc gạch . Tất cả những điểm trên dẫn đến kết luận: Thành Gia Định đã xây trước khi Le Brun đặt chân đến Nam Hà.”.
Đọc tới đây thì tôi có thể biết kiến thức về lịch sử thế giới cũng như lịch sử VN của ông nhà văn này tới đâu ?

Theo đó vấn đề đang nói là lối kiến trúc xây thành theo kiểu pháo đài thời chiến này ở VN và phương Đông thời đó hoàn toàn chưa có. Vậy kiến trúc theo kiểu Vauban ở thành Gia Định và thành Diên Khánh có phải do những cố vấn quân sự Pháp mang sang và giúp Nguyễn Ánh xây dựng nên hay không ? Hơn nữa lúc ấy đang là thời chiến thì lấy gạch nung hay đá ở đâu mà xây thành. Thành Gia định hay thành Diên Khánh lúc ấy cũng chỉ là một cái đồn binh khá nhỏ bé không có dân cư sinh sống, nơi hai phe quân Chúa Nguyễn và Tây Sơn thường xảy ra những cuộc chiến đẫm máu; ngôi thành đổi chủ thường xuyên.
Những ngôi thành lũy lớn, nơi sinh sống của nhiều người dân tại VN trước đây và hiện nay còn lưu lại chỉ có được khi đất nước thanh bình. Thành nhà Hồ được xây bằng đá khi đất nước hòa bình tới 200 năm trước đó (1402), thành cổ Huế chỉ được xây dựng bằng gạch khi Gia Long thống nhất đất nước; thành Hà Nội chỉ mới được xây bằng gạch nung thời vua Minh Mạng (1820-1840)… Khi những thành quách này được xây dựng rất lớn làm kinh đô hay trung tâm hành chánh hoặc thủ phủ của một vùng, khi có điều kiện tập trung nhân tài vật lực mới xây dựng được. Qua chính sử Trung Hoa hay Nhật bản chúng ta cũng dễ dàng thấy tình trạng tương tự.
Bằng lối hành văn phản biện một chiều, tác giả Thụy Khuê khi phân tích câu chữ của một bản báo cáo quân sự của điệp viên Pháp de Guignes: “….làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận, thì chắc de Guignes muốn nói đến thành Diên Khánh chứ không phải thành Gia Định, bởi vì Gia Định lúc đó là kinh đô, không phải là chỗ “cho vua có nơi rút quân khi thua trận”, chỉ Diên Khánh mới là nơi cho vua dừng chân mỗi khi đánh Quy Nhơn thua trở về.” (Trích: Vua Gia Long và người Pháp…, sđd, tr. 287-288).

Qua chi tiết này chúng ta dễ dàng thấy tác giả Thụy Khuê tuy muốn viết sử nhưng không thuộc sử Việt. Ai cũng biết Nguyễn Ánh đã phải bỏ chạy khỏi thành Gia Định rất nhiều lần trước đòn truy sát kinh hoàng của Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Thành Gia Định bị tàn phá nhiều lần trong những cuộc chiến. Đồng thời thì thành Diên Khánh mới chỉ mới 01 lần làm nơi “cho vua có nơi rút quân khi thua trận”, khi quân Nguyễn thua trận tại thành Quy Nhơn năm 1801.
Chính từ sai lầm này của tác giả cuốn sách đã dẫn đến rất nhiều sai lầm của các nhà nghiên cứu sử sau đó. Thậm chí là có thể dẫn đến sai lầm của cơ quan quản lý văn hóa của huyện Diên Khánh và tỉnh Khánh hòa. Mới đây trên trang website “Nghiên cứu lịch sử Việt Nam” có một bài viết của tác giả Tôn Thất Thọ với cái tựa khá rõ ràng “ Người đắp thành Gia Định và Diên Khánh” – tác giả trong dòng tông thất này đã đặt ra một câu hỏi, mà theo tôi là khá lạc lõng, khi viết: Vậy ai mới là người cho xây thành Gia Định ?

Là người trong tông thất nhà Nguyễn tối thiểu tác giả cũng biết câu Nôm “ăn cơm chúa múa tối ngày”. Có nghĩa là mọi quyết định xây thành đắp lũy hay mọi quyết định tối cao của triều đại đều do một người quyết định – đó là ông Vua. Việc xây dựng một ngôi thành hay một dinh trấn tuy kiểu dáng, lối kiến trúc, hay quy mô là công sức nhiều kiến trúc sư. Tiền tải vật lực là của quốc gia và của người dân, quân lính - nhưng “Người cho xây” luôn chỉ là quyết định của một người, đó là nhà Vua. Ở đây “người cho xây” chính là Nguyễn Vương – tức Nguyễn Phúc Ánh; điều nay là đương nhiên nên không có gì phải bàn cãi cả !

Từ lập luận của mình tác giả đã trích dẫn một đoạn trong Đại Nam Liệt Truyện do Quốc Sử Quán biên soạn và cho rằng người xây thành Diên Khánh chính là một tướng lĩnh dưới trướng của Nguyễn Ánh tên là Tôn thất Hội :
  “Đại binh vào cửa biển Thị Nại; Hội từ Hà Nha, Cù Mông chia làm hai đường đến đánh úp tên Bảo là con ngụy Nhạc ở Thổ Sơn, Bảo thua chạy về thành Quy Nhơn. Hội cùng đạo binh họp lại để bao vây, giặc có quân cứu viện ở ngoài đến, bèn giải vây về đắp thành Diên Khánh.” (ĐNLT, sđd, tr.73).
 Và cũng trích dẫn một đoạn được cho là trong cuốn Gia phả của dòng tộc vị tướng này rằng:
 “…Bảo tẩu hồi Qui Nhơn thành. Nhạc (Nguyễn Nhạc) bế thành cự thủ, công dữ Vũ Tánh hội chư đạo bộ binh tấn bạc thành ngoại liệt, sách vi chi thích tặc viện chí nãi giải vi, hoàn trúc Diên Khánh thành…” (Tạm dịch: Bảo chạy lui về thành Qui Nhơn. Nhạc đóng cửa, quyết tử thủ. Ông cùng Võ Tánh tập hợp bộ binh đến ngoài Bạc Thành, vây kín. Khi quân cứu viện của Nhạc đến thì bỏ vòng vây, trờ về xây thành Diên Khánh. …)
Và đã vội vàng kết luận: “Như vậy, theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn, người xây (đắp) thành Gia Định và thành Diên Khánh chính là Tôn Thất Hội.

Ở đây chúng ta khoan hãy bàn đến chuyện Tôn Thất Hội là ai. Nhưng qua phân tích trên đây cho biết chắc chắn rằng “người cho đắp” thành Gia Định hoặc thành Diên Khánh không người nào khác mà chính là Nguyễn Ánh. Một lầm lẫn khác của tác giả bài viết (Tôn thất Thọ) trích dẫn chính là câu chuyện khi quân Nguyễn chiếm thành Quy Nhơn năm 1799 – đổi tên thành thành Bình Định.
Năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thành Bình Định ngay sau đó bị đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đến bao vây. Cuộc bao vây kéo dài đến 14 tháng; quân Nguyễn lâm vào nguy khốn.
Cũng trong năm này, Nguyễn Ánh cùng Lê Văn Duyệt  Võ Di Nguy đem đại binh ra tìm cách giải vây cho Bình Định, nhưng quân thủy binh Nguyễn bị quân Tây sơn chặn đứng phía ngoài cửa Thị Nại. Không tiến vào đất liền được nhằm giải vây cho thành Bình Định, thành vẫn bị quân Tây Sơn vây chặt. Sau đó thành Bình Định bị quân Tây sơn chiếm lại; Võ Tánh và Ngô Tùng Châu phải tự vẫn - đó là ngày 27 tháng 5 nămTân Dậu, tức vào ngày 7 tháng 7 năm 1801. Phần lớn quân Nguyễn bị bắt, số còn lại đã phải chạy về thành Diên Khánh cố thủ. Trong đó có thể có cả vị tướng Tôn Thất Hội.

Nhưng khi nghiên cứu về lai lịch của vị tướng này đã cho thấy Tôn Thất Hội (1757-1798), không tham gia trận chiến chiếm thành Quy Nhơn năm 1799 và không thể có câu chuyện sau khi thất trận tại Quy Nhơn năm 1801 ông lui về cố thủ thành Diên Khánh và đắp thành Diên Khánh. Vì khi Nguyễn Ánh đem quân tấn công thành Quy Nhơn đã giao cho ông ở lại trấn giữ thành Gia định, chỉ mấy tháng sau ông đã qua đời vì bệnh tại thành Gia Định (năm 1798), nên làm gì có câu chuyện ông bại trận tại Bình Định nên lui về đắp thành Diên Khánh (1801).
Một chi tiết chính xác nữa sẽ giúp chúng ta bác bỏ nội dung kết luận về việc “ai đã cho đắp” thành Diên Khánh”  của tác giả Tôn thất Thọ. Đó là việc thành Diên Khánh chính do danh tướng Võ Tánh chiếm năm 1790 từ tay quân Tây Sơn và khi được lệnh từ Nguyễn Ánh ở lại trấn thủ bảo vệ thành - năm 1794 ông cũng chỉ huy quân Nguyễn giành thắng lợi khi chống lại cuộc tấn công chiếm lại thành của quân Tây Sơn. Mà như ta đã biết thành Diên Khánh được xây dựng lại hoàn chỉnh năm 1793 – từ ngôi thành cũ của quân Tây Sơn. Vậy ai là người chỉ huy việc đắp thành Diên Khánh, ngoài đó chính là người chỉ huy tối cao của nó – danh tướng Võ Tánh của nhà Nguyễn.

Và như trình bày trên đây, có thể có một vài cố vấn quân sự người Pháp, giúp vẽ kiến trúc thành Diên Khánh theo kiểu bố phòng các cứ điểm quân sự của các lãnh chúa thời Trung cổ tại Châu Âu. Hoặc những tham mưu góp ý của chính vị cha xứ Bá đa Lộc lúc này sống tại chính thành Diên Khánh. Người điều khiển mọi việc đắp (hay xây) thành Diên Khánh chính là danh tướng - Võ Tánh, nhưng chắc chắn Nguyễn Ánh mới là người đã chủ trì tất cả . Và tính chính xác trong kết luận này là không có gì phải bàn cãi cả. Việc không có tên tác giả một thành trì (như một thành phố ngày nay) và không thể biết rõ họ là ai là chuyện đương nhiên dưới thời quân chủ. Vì tất cả là của vua, ai nói không phải là "khi quân phạm thượng" ./.
ĐKT
27.4.2017


Một vài hình ảnh về thành cổ Diên Khánh hiện nay











 *Tài liệu tham khảo:
– Đại Nam Liệt Truyện T2, QSQTN, Nxb Thuận Hóa, 1994.
– Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức, Nxb Giáo Dục, 1999.
– Vua Gia Long và người Pháp, Thụy Khuê, Nxb Hồng Đức, 2007.
– Những người bạn của cố đô Huế (BAVH),Nxb Thuận Hóa,  1914.
Sử Quốc triều chính biên toát yếu, QSQTN, Nxb Thuận Hóa, 1994.
-  Đại Nam quốc lược sử (1904) của Alfred Schreiner.
-  Đại Nam Thực Lục – NXB giáo dục (Trọn Bộ 10 Tập)


Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...