CÁC BẢN SẮC PHONG TRIỀU NGUYỄN BAN CHO TỘC HỌ ĐINH KHẮC .



Toàn cảnh các bản SẮC PHONG Triều Nguyễn ban cho tộc họ Đinh Khắc

Bản Sắc Phong Triều Duy Tân - Sắc Phong Bổn Thổ Khai Canh cho Họ Đinh Khắc





Phiên âm :

Duy Tân thất niên thập nguyệt sơ bát nhật

Sắc Thừa thiên Phủ Phú Vang huyện Kế võ ấp

Phụng sự Bản Thổ Khai Canh Đinh Đại Lang Chi Thần

nẩm trứ linh ứng. Hướng lai vị hữu dự phong . Tứ kim phỉ thừa,

cánh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi thần

Chuẩn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân .

Khâm tai .

Bản dịch :

Niên hiệu Duy Tân thứ 7, ngày mồng 8 tháng 10 ( năm Quý Sữu - 1913)

Sắc cho ấp Kế Võ huyện Phú Vinh phủ Thừa Thiên phụng thờ vị thần là Khai canh bản thổ Đinh đại lang.

Thần từng rất linh ứng, nhưng từ trước tới nay chưa được dự phong.

Nay được thừa mệnh lớn, nhờ đến công linh phù của thần mà ban phong là Dực bảo Trung hưng linh phù chi thần.

Chuẩn cho phụng thờ như cũ, Thần sẽ phù giúp che chở chúng dân.

Kính thay.


 ------------------------------------------------------

Bản Sắc Phong của Triều Khải Định - Sắc Phong Bổn Khai Canh cho Họ Đinh Khắc






Phiên âm :

Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật

Sắc Thừa Thiên Phủ Phú Vinh Huyện Kế Võ ấp phụng sự Khai Canh Đinh Dục Đại Lang Chi Thần nẫm trứ linh ứng.

Tứ kim phỉ thừa cánh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần.

Chuẩn kỳ phụng sự, thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân

Khâm tai .

Dịch nghĩa:

Niên hiệu Khải Định thứ 2, ngày 18 tháng 3 năm ( Năm Đinh Tỵ -1917).

Sắc cho ấp Kế Võ huyện Phú Vinh phủ Thừa Thiên phụng thờ vị Khai canh của làng là Đinh Dục đại lang.

Ngài được phụng thờ thường rất linh ứng.

Nay được thừa mệnh lớn, nhờ đến công linh phù của thần mà ban sắc phong là Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần.

Chuẩn cho phụng thờ, những mong Thần phù giúp che chở chúng dân.

Kính thay.

------------------------------------------------------- 

Bản Sắc Phong của Triều Khải Định - Sắc Phong Khai Khẩn cho Họ Đinh Khắc






Phiên âm :

Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật

Sắc Thừa Thiên Phủ Phú Vinh huyện Kế Võ ấp

Phụng sự khai khẩn Đinh Khắc Sanh đại lang chi thần nẫm trứ linh ứng.

Tứ kim phỉ thừa cánh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi Thần

Chuẩn kỳ cựu phụng sự thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân

Khâm tai

Dịch nghĩa :

Niên hiệu Khải Định thứ 2,  ngày 18 tháng 3 (năm Đinh Tỵ - 1917)

Sắc cho ấp Kế Võ huyện Phú Vinh phủ Thừa Thiên phụng thờ vị Khai khẩn làng là Đinh Khắc Sinh đại lang chi thần.

Thần rất linh ứng.

Nay được thừa mệnh lớn, nhờ đến công linh phù của thần mà ban sắc phong là Dực bảo Trung hưng linh phù chi thần.

Chuẩn cho phụng thờ, những mong Thần phù giúp che chở chúng dân.

Kính thay.



* Ghi chú :
Toàn văn bản phiên âm và bản dịch này là của Viện nghiên cứu Hán - Nôm (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam). Do PGS. TS . Đinh Khắc Thuân chấp bút .


------------------------------------------------------------------

TÌM HIỂU CÂU ĐỐI HAY TẠI NHÀ THỜ HỌ ĐINH KHẮC

Đọc văn tế tại một cuộc Lễ tại họ Đinh Khắc


Ở các nhà thờ Họ lớn tại Huế, trong các hoành phi câu đối tại đó chúng ta thường gặp hai thành ngữ khá phổ biến, đó là :

                      
                    鳳毛濟美

                                     Yến dực di mưu
                                     Phụng mao tế mỹ

Tại nhà thờ họ Đinh Khắc của chúng tôi (làng Kế Võ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có hai câu đối cũng dùng cặp thành ngữ trên:
                                                                     
                                                     
                鳳毛濟美振家聲
                       Phiên âm:
                                Yến dực di mưu quan thế đức
                                Phụng mao tế mỹ chấn gia thanh

Đây là đôi câu đối đặt ở gian chính giữa của nhà thờ, chính nơi cửa mở trước khi bước vào hậu tẩm của nhà thờ tộc họ Đinh Khắc. Đây là câu đối quan trọng nhất trong toàn cảnh nội điện của nhà thờ Họ.
Câu đối này treo ở đây là vô cùng phù hợp, vừa ca tụng công lao của ông cha vừa nhắc nhở bổn phận của con cháu. Chúng ta ai cũng là con cháu của các thế hệ trước, và rồi trở thành ông cha của các thế hệ sau.

Nhưng cũng theo thời gian không phải ai cũng còn hiểu được ý nghĩa thâm thúy của hai câu đối này, và hiểu được lý do khi các bậc tiền nhân đã cố tình đặt nó ở đây !

Hiện hai câu đối này đã được một số thành viên trong dòng Họ là những người biết chữ Nho dịch ra chữ quốc ngữ. Nhưng khi đọc các bản dịch này tôi cảm thấy khá lủng củng. Và như thường lệ tôi vẫn luôn tôn trọng cái sự học của mọi người, tôi đã im lặng sau đó tự nghiên cứu và dịch lại.

Do đã có được một số kiến thức cơ bản về Hán - Nôm và đã trang bị được một phần mềm dịch thuật Hán – Nôm, nên đối với tôi việc phiên âm và dịch lại câu đối này là khá dễ dàng. Nhưng cái khó của văn hóa Hán – Nôm, là đa số các câu đối, các bài văn đều thường dùng phép ẩn dụ - tác giả thường mượn hình tượng một con vật, một nhân vật, một điển tích .... nào đó để miêu tả hoặc minh họa cho một sự kiện mình cần trình bày. Nên nếu người dịch không biết mà dịch theo hướng này thì bài dịch của họ sẽ trật lất ?

Với hai thành ngữ trên đây, thành ngữ thứ nhất chỉ đơn giản là miêu tả con chim sẻ sè cánh che chở cho con; thành ngữ thứ hai là miêu tả cái đẹp của con chim phụng .
Nhưng ở đây tác giả đã mượn hai hình tượng này để đề cao việc ông cha đã che chở, biết mưu tính công việc lâu dài cho con cháu (chim sẻ).
Và ca ngợi những bậc cha ông giỏi giang nên có được con cháu thành công (chim phụng).

Nên yêu cầu người dịch các văn bản Hán - Nôm phải có kiến thức khá sâu rộng về văn hóa xã hội và lịch sử, mới dịch được một câu đối mà người trong giới có cái thuật ngữ thường gọi là “ nghe cho được” ? 
Nhưng siêu đẳng nhất là dịch theo một thể thơ nào đó và dịch không thừa chữ (hoặc thiếu chữ). Khi đó mới dám gọi là tạm ổn.

Trở lại chủ đề của hai thành ngữ trên đây, qua nghiên cứu được biết :
1/. ,(Yến dực di mưu) - theo tự điển Thiều Chửu là “người ta mưu tính cho đàn (đời) sau (tr.510). Nghĩa từng chữ của thành ngữ này là: yến: chim én, dực: cánh, di: để lại, mưu: mưu kế.
Tức là con chim én nó sè cánh ra ấp con, hình ảnh tượng trưng cho việc ông cha che chở, mưu tính công này việc nọ cho con cháu.

Theo tự điển trực tuyến, zdict.net giải thích - (Yến dực di mưu):
- 子。后 打算。
Câu này dựa theo một điển tích ngày xưa ở bên Tàu, là : Chu Vũ Vương mưu cập kỳ tôn nhi an phủ kỳ tử. Hậu phiếm chỉ vị hậu tự tác hảo đả toán. Nguyên chỉ việc Chu Vũ Vương bàn mưu tính việc cho cháu để an lòng con của mình.
- Về sau chỉ chung chung việc vì con cháu đời sau mà an bài kế sách hay.

2/. ( Phụng mao tế mỹ) là một thành ngữ khá thông dụng vào thời nhà Nguyễn. Nghĩa từng chữ của thành ngữ này là: phụng: chim phượng, mao: lông, tế: càng, mỹ: đẹp
Cũng theo tự điển trực tuyến, zdict.net giải thích - (Phụng mao tế mỹ):
-                   大。旧   用以           
Phiên âm là : Tỉ dụ hậu kế giả năng dữ tiền nhân đích nghiệp tích tề mỹ nhi phát dương quang đại. Cựu thời đa dụng dĩ xưng tụng hiền lương phụ huynh hữu ưu tú tử đệ .
Dịch nghĩa : Ám chỉ việc người đời sau có khả năng tạo nên nghiệp tích tốt đẹp sánh người đời trước rồi từ đó phát dương ngày càng xán lạn.
- Thời trước, cụm từ này được dùng nhiều để khen tặng các bậc phụ huynh giỏi giang lương thiện có được con cháu ưu tú.

Sau khi nắm được các điều căn bản nêu trên, tôi đã cố gắng dịch lại hai câu đối nói trên. Và sau đây là bản dịch mà tôi tự cho là ưng ý nhất !
Bản dịch: 
 - Nhìn vào phước đức của gia đình hiện nay ta biết sự an bài của ông cha cho đời sau.
 - Làm rạng tiếng tăm của gia tộc ấy do nỗ lực của con cháu biết phát dương quang đại công nghiệp của cha ông.

CẢM NGHỈ :
Đây là đôi câu đối hay nhất và có ý nghĩa nhất tại Từ đường của dòng Họ chúng tôi. Câu đối này vừa ca tụng công lao của ông cha vừa nhắc nhở bổn phận của con cháu. Chúng ta ai cũng là con cháu của các thế hệ trước, và rồi trở thành ông cha của các thế hệ sau. Vậy các điều trên, “yến dực di mưu” và “phụng mao tế mỹ” là bổn phận của tất cả chúng ta.
Đọc câu đối trên, chúng tôi không khỏi tự xét lấy mình. Thế hệ chúng tôi đã làm rạng danh tiền nhân tiên tổ chưa, đã an bài tốt đẹp cho con cháu mai sau chưa hay chỉ để lại vô số bề bộn ?

ĐKT
19.1.2014

LÀNG NAM TRUNG – NGÔI LÀNG NAM BỘ DUY NHẤT TẠI HUẾ

Cầu Phú Thứ - nơi 03 con sông Như Ý- Lợi Nông - Đại Giang gặp nhau. Từ thành phố Huế về thị trấn Phú Đa khi qua cây cầu này khoảng hơn 01 km là tới làng Nam Châu.


Vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX xứ Thuận Hóa là nơi đã xảy ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử đất nước.
Năm 1786 Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem đại quân Tây Sơn từ phía Nam ra hạ thành Phú Xuân từ tay quân Trịnh, chấm dứt thời kỳ thành Phú xuân bị quân Trịnh chiếm đóng.
Năm 1802, Vua Gia Long sau khi đánh bại nhà Tây Sơn thống nhất đất nước lập ra triều Nguyễn, đã đóng đô tại thành Phú Xuân.
Đồng thời với các sự kiện trọng đại này của đất nước, người dân Phú xuân đã chứng kiến một trào lưu di cư của các cư dân từ các tỉnh phía Nam ra lại Thuận Hóa. Hay còn gọi là hiện tượng nhập cư ngược từ phía Nam ra Phú Xuân – Huế.
Họ là những người theo các đoàn quân của Quang Trung – Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh vào giải phóng hay khôi phục Phú Xuân (theo nhiều cách gọi khác nhau). Họ là những tướng lĩnh, những quân lính, những quan chức dưới trướng của hai vị Vua nói trên, sau khi đến kinh đô Phú Xuân làm nhiệm vụ đã đem theo gia đình đến định cư hẳn ở đây, lập nên những dòng Họ mới, thậm chí là những ngôi làng mới.
Thời Tây sơn thì đa số các dòng Họ này đều xuất phát từ Quảng Nam đến Bình Định, như Họ Lê Nhữ làng Mỹ Á (xã Vinh Giang, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), họ Phan làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, Phú Lộc, tỉnh Thừa thiên – Huế), một số dòng Họ ở làng An bằng (xã Vinh an, Phú Vang)….
Nhưng đặc biệt là khi Vua Gia Long khôi phục thành Phú Xuân, ngoài một số người gốc Thuận Hóa là trọng thần của triều đình cùng vua trở về, còn có rất nhiều người gốc Nam bộ đi theo làm nhiệm vụ rồi định cư luôn. Đã tạo nên một lượng cư dân Nam bộ khá lớn tại Phú Xuân. Họ nhập cư vào Thuận Hóa theo 3 đợt chính :
- Đợt “Trung tiến” đầu tiên là những công thần theo giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh, trong thời kháng chiến (khởi binh từ Long xuyên, năm 1778), người nổi tiếng nhất trong đợt này là Phạm Đăng Hưng (1765-1825).
- Đợt thứ hai kế tiếp trong khoảng thời gian từ 1802-1862; nổi bật nhất là Phan Thanh Giản (1798-1867) ông quê quán ở trấn Vĩnh Thanh (Kiến Hòa sau này); Phan Thanh Giản là người Nam bộ đầu tiên thi đỗ Tiến sĩ (khoa Bính Tuất – 1826).
- Đợt “Trung tiến” thứ ba diễn ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một lượng lớn người Nam bộ giỏi tiếng Pháp ra Huế giúp việc, đã khiến cho lượng người Nam bộ tại Huế khá đông đúc.
Đây là lý do tại sao hiện nay ở Huế có một số dòng họ gốc Nam bộ khá nổi tiếng, như : họ Phạm Đăng (ở phường Kim Long, thành phố Huế), họ Đoàn cũng ở Kim Long.
Trong các dòng Họ này, có một nhân vật của đợt “ Trung tiến” đầu tiên rất nổi tiếng đó là Phạm Đăng Hưng – nguyên là Thượng thư Bộ lễ triều Minh Mạng ông là người thành lập “Nam châu hội quán” (hay Nam châu tương tế) làm nơi sinh hoạt, gặp gỡ của những người gốc Nam Bộ ra lập nghiệp ở Thừa Thiên. Trụ sở của “Hội Nam châu Tương tế” là một ngôi nhà khá lớn trên sở đất rộng 2 mẫu 3 sào là quà tặng của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (là con gái của cụ Phạm Đăng Hưng, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức), ngay sau Phủ Đức Quốc Công từ (nơi thờ cụ Phạm Đăng Hưng) ngay đầu cầu phía Tây của cầu Bạch Hổ. Đây là nơi sinh hoạt và tổ chức các kỳ đại hội lễ tết của các cư dân Nam Bộ sinh sống tại Huế .
Nhưng theo thời gian hội quán của “Hội Nam châu Tương tế” trở nên quá nhỏ so với lượng người Nam Bộ định cư tại Kinh Đô. Và để giúp cho bộ phận cư dân gồm toàn là những người có công với triều đình này có một không gian lớn hơn để làm nơi cúng tế, gặp gỡ vào các ngày lễ tết, năm 1904 Vua Thành Thái đã cấp đất để thành lập thôn Nam Trung (người miền Trung, gốc miền Nam), thuộc làng Phú Đa, tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên để làm nơi thờ cúng, tế tự cho các dòng Họ gốc Nam Bộ. Làng Nam Trung ra đời từ đó.
Trước năm 1975 làng vẫn mang tên là thôn Nam Trung, thuộc xã Phú Đa, quận Phú Thứ, tỉnh Thừa Thiên; nhưng sau năm 1975 làng lấy lại tên ban đầu là thôn Nam Châu (nay thuộc thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang). Đây là ngôi làng Nam bộ duy nhất tại tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay.
Người có công khai phá hoàn chỉnh làng Nam Trung đầu tiên là cụ Phạm Năng Tuấn (1857-1932) tước vị Hàn Lâm Viện thị độc Phụng thành Đại phu. Công dân đầu tiên nhập tịch sổ bộ của làng sau ngày thành lập (1904) chính là Phủ doãn Thừa Thiên cụ Trần Trạm (1857-1938).
Đây là ngôi làng có các cư dân vốn là các trọng thần của triều đình gốc Nam bộ, các nhân vật khoa bảng và nhiều nhân vật nổi tiếng của xứ Huế xuất thân hoặc là công dân danh dự của làng, đặc biệt về văn học nghệ thuật.
Cho nên cư dân quanh vùng đã truyền tụng một giai thoại có thật về ngôi làng này, đó là ngôi làng có “quan nhiều hơn dân”, vì thực tế như nói trên đây - “dân làng” đều là quan lại khá giả sinh sống ở Kinh thành, số cư dân ở lại làng rất ít, họ chỉ trở về làng đông đủ khi có việc làng , việc họ.
Do đặc điểm của làng là “quan nhiều hơn dân”, nên khi có việc làng, việc họ hay chạp giỗ cúng kỵ đều phải thuê mướn dân các làng chung quanh đến làm các công việc tạp dịch nặng nhọc như mổ heo, hạ bò, mang vác cờ lọng nghi vệ cúng tế hay chạp mộ .
Ngôi làng có đầy đủ các tiêu chuẩn của một ngôi làng như quy định của luật pháp thời ấy, dân làng được cấp 9 mẫu đất để làm tế điền và 7 sào đất để làm Từ Đường Cửu Tộc (9 họ) tại huyện lỵ Phú Vang. Buổi đầu ngôi làng Nam trung hội tụ được 9 họ tộc nguyên quán miền Nam, gồm: họ Phạm Hữu, họ Phan, họ Trần, họ Nguyễn Trọng, họ Nguyễn Trung, họ Đoàn, họ Lê, họ Đặng Ngọc, họ Đinh, về sau có thêm họ Hoàng Trọng.
Vì lý do khá đặc biệt trên đây, nên làng Nam Trung tuy là một ngôi làng ngụ cư nhưng đã sản sinh ra nhiều bậc khoa bảng và văn nghệ sĩ nổi tiếng . Ngoài những công dân danh dự nổi tiếng của làng (là người lập làng nhưng không sinh ra tại làng)như : Phạm Đăng Hưng, Phan thanh Giản, Trần đạo Tế, Trần Trạm (Phủ doãn), Đặng ngọc Oánh(Tuần vũ), Phạm hữu Văn (Tiến sĩ năm 1913), Nguyễn Trọng Tịnh (Phó Bảng năm 1916)…
Lớp hậu duệ của các cụ cũng khá nổi tiếng, đặc biệt về văn học nghệ thuật, họ Phạm Đăng có họa sĩ Phạm đăng Trí – là họa sĩ nổi tiếng nhất của xứ Huế, họ Phan Thanh có nhà thơ Phan thanh Phước, nhà giáo Phan Thanh Hy. Họ Đoàn có Đoàn Nẫm, Đoàn Nông là những nhà nghiên cứu tuồng; họ Trần như Trần diệu Tâm (An Hiên – Paris). Họ Đặng Ngọc có chủ rạp hát bội Ba Tuần ở Huế - Đặng Ngọc Oánh, nhân vật khai sinh ra ngành kịch nói – cậu Năm Hùng, chính là ông Đặng Ngọc Hùng con ông Oánh. Họ Đinh có chủ nhà in ở Gia hội ông Đinh Văn Sum, có họa sĩ Đinh Cường nổi tiếng về tranh trừu tượng…cũng chính là một người dân của làng Nam Châu.
Ngoài ra cũng có khá nhiều công dân danh dự của làng (không nhập tịch) khá nổi tiếng, như: Trương Vĩnh Ký, luật sư Diệp văn Kỳ (1895-1945), cụ Hồ Phú Viên hàm Hiệp Tá (Tuần Phủ),
Đặc biệt một người dân của làng đã được lưu danh tại văn bia Tiến sĩ ở Văn Thánh Huế là ông Phạm Hữu Văn (1882-1946) bút hiệu Mai Nam – Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1913) ; vị Tiến sĩ này là một người có ảnh hưởng khá sâu đậm trong lòng người dân làng Nam Trung.
Ở đây có một chi tộc Họ Đinh gốc Nam Bộ, chúng tôi đã liên lạc với chi tộc họ này, đã tham gia một số cuộc lễ tại đây và đã mời bà con họ Đinh ở đây sinh hoạt với họ Đinh xứ Huế . Đồng thời đã mời một thành viên của chi tộc họ Đinh làng Nam Châu tham gia BLL họ Đinh tỉnh Thừa Thiên – Huế ./.
Bài viết này xin kính tặng bà con họ Đinh làng Nam Châu !

 ĐKT
22.07.2013

Ghi chú:

- Tư liệu cho bài viết do bà con họ Đinh làng Nam Châu cung cấp.
- Có sử dụng một số tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – để đối chiếu, so sánh.

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân


Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử thì gặp một người đang đứng ở cổng nhà.
Người khách này ngăn vị học trò  kia lại hỏi: “Nghe nói thầy dạy của ngài là Khổng thánh nhân, như vậy thì học vấn của ngài chắc phải cao lắm. Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa? Nếu ngài trả lời đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy ngài, còn nếu trả lời sai thì ngài phải bái lạy ta.”
Vị đệ tử kia suy nghĩ một lát rồi nói: “Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa!”
Người khách kia cãi lại: “Sai! Có ba mùa!”
Vị đệ tử cảm thấy thực sự là kỳ quái nói: “Rõ ràng là một năm có bốn mùa, sao ngươi lại nói là có ba mùa?”
Đúng lúc hai người tranh luận không thôi thì Khổng Tử đi ra. Vị khách kia hỏi: “Thánh nhân! Xin ngài hãy phân xử, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”
Khổng Tử nhìn vị khách một lượt rồi nói: “Ba mùa!”
Vị khách vô cùng đắc thắng, quay sang cậu học trò của Khổng Tử: ‘Ngươi nghe đã rõ chưa, còn không bái ta một lạy tạ lỗi sao?’. Nói rồi đắc chí cười ha hả đi thẳng.
Cậu học trò thấy hết sức quái lạ, bèn hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”
Khổng Tử trả lời: “Con không thấy người kia sao? Đó là một con châu chấu biến hóa mà thành. Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa, xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông? Con tranh luận với nó chẳng phải là không bao giờ có kết thúc sao?” 
Vị đệ tử bừng tỉnh hiểu ra đạo ý cao thâm của bậc Thánh nhân: Tranh cãi với người không cùng cảnh giới là việc phí thời gian vô ích. 

Ảnh minh họa

Lão Tử nói: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện”(Nghĩa là: người thiện thì không tranh biện, người tranh biện thì không phải thiện). Sự tu dưỡng, trưởng thành trong đời một người thể hiện ở việc làm, không phải ở lời nói, tranh biện. Xưa nay, phàm đã là chân lý thì đâu cần tranh biện?

Kẻ tiểu nhân nhầm tưởng rằng tranh luận không ngớt là khẳng định được chân lý thuộc về mình. Kỳ thực, chân lý vốn không thuộc về người, mà là đạo của vũ trụ. Việc của người quân tử là dụng tâm tu dưỡng đến cảnh giới của chân lý, gọi là giác ngộ, viên mãn. Kẻ tiểu nhân lấy cái ngu xuẩn của mình khăng khăng tranh luận cao thấp với người khác. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử viết: “Đạo của bậc Thành nhân là làm mà không tranh.Một trong ba nguyên lý tu dưỡng tối cao của Phật gia chính là NHẪN. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.

Vui thú điền viên

Phú Bật thời Bắc Tống khi còn trẻ, ông đang đi bộ trên đường phố thành Lạc Dương thì bỗng nhiên có một người mắng chửi ông. Một người đi đường đã ghé tai Phú Bật mà nói nhỏ: “Chàng trai trẻ, có người đang mắng chửi cậu kìa.” Phú Bật nghe xong liền nói: “Hình như là mắng người khác đó.” Người đó lại nói: “Người ta còn gọi tên của cậu mà chửi đó.” Phú Bật suy nghĩ một chút rồi nói: “Có lẽ là mắng người khác, rất có thể người đó trùng tên họ với tôi.” Sau đó, người mắng chửi Phú Bật nghe được phản ứng của ông nên thấy rất hổ thẹn, đến xin lỗi Phú Bật. 
Phú Bật chẳng phải chính là đã hành xử như người quân tử, không tranh biện với kẻ tiểu nhận. Đó không phải là nhu nhược mà là không để tâm vào những chuyện vụn vặt, lùi một bước biển rộng trời cao.

Cho nên, người xưa cho rằng người thông minh nhưng giả ngốc mới là đạo xử thế của nhà thông thái. Đời người quá ngắn ngủi và quý giá, việc cần làm lại quá nhiều, sao phải vì điều khó chịu mà lãng phí thời gian? Hiểu được cái đạo của người giả ngốc, bạn sẽ thấu một cảnh giới khác của đại trí tuệ.
Trong Luận ngữ, Khổng Tử giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn.” (Tạm dịch: Bậc quân tử ăn nhưng không cầu ăn no, ở không cầu an, nhanh nhẹn, minh mẫn trong việc làm nhưng rất thận trọng về lời nói). Lại thêm: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành” (Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh nhạy). 
Rõ ràng là người xưa xem phẩm chất người quân tử là ở hành động, nói ít làm nhiều, lấy hành động chứng minh thay vì xảo biện, có nói cũng lấy khiêm nhường, đúng mực, thậm chí im lặng không nói. Kẻ tiểu nhân ngược lại, nói nhiều nhưng chẳng làm gì cả. Thế nên nhân gian mới có câu: ‘Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo…’ 

Một lẽ hết sức dễ hiểu là những người nhẫn nhịn không tranh biện bởi họ còn đang phải… miệt mài làm việc. Kẻ tiểu nhân làm ít nên rảnh rỗi nói nhiều, về bản chất thực sự không phải có năng lực. Người tài trí biết trân quý thời gian hữu hạn, một khi qua đi không trở lại nên dốc lòng toàn tâm toàn trí vào công việc, không muốn phí tiếc cho việc tranh cãi đúng sai. Tâm tranh đấu hơn thua cao thấp họ đã buông bỏ từ lâu…

Kẻ tiểu nhân khoa ngôn xảo ngữ nhưng thực ra mọi việc đều để người khác làm cả. Như vậy tranh cãi với kẻ tiểu nhân há chẳng phải hạ mình xuống bằng họ mà phí thời giờ vô ích sao? ‘Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Người biết không học rộng, người học rộng không biết.
Hàm ý là: Người thông minh không nhất định là kẻ học rộng. Người học rộng lại cũng không nhất định là người thông thái trí huệ. Bởi thứ quyết định trí tuệ của một người không phải ở tri thức tích lũy nhiều bao nhiêu mà là ở tâm thái cảnh giới tư tưởng cao bao nhiêu.
Kẻ thông minh dùng khoa ngôn xảo ngữ để hùng biện. Bậc trí giả, ngược lại, đã tu dưỡng đến độ hiểu rằng, nói là một loại năng lực, còn im lặng là một loại trí huệ. Vậy há chẳng phải sống trên đời, không cần tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Lam Thư 
Sưu tầm từ Trang Đại Kỷ Nguyên


CÂU CHUYỆN CÔNG CUỘC GIẢI CỨU SƠN TRÀ - ĐÂU LÀ SỰ THẬT !

Toàn cảnh bán đảo Sơn Trà 


Sơn Trà là một bán đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía đông nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa.Bán đảo Sơn Trà cùng với hệ thống núi non của Hải Vân sơn ở phía bắc, vây lại thành hình cánh cung như một tấm bia che chắn mọi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào thành phố biển Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, có diện tích tự nhiên 4.439 ha, ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị. Bán đảo này là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.


Tấm hình "Sơn Trà bị Thương"

Gần đây một tấm hình do một doanh nhân thích câu cá kiêm tay máy ảnh amateur, người Đà Nẵng trong khi đang câu cá trong một vũng nhỏ gần bán đảo Sơn Trà tình cờ chụp được đã gây nên một cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng và dư luận người dân Đà Nẵng. Tấm ảnh mà tác giả đặt tên là "Sơn Trà bị thương"  cho thấy hàng chục phương tiện máy móc đang đào xới đất đá, chặt hạ cây rừng để xây dựng một công trình.
Vốn là người địa phương, là người yêu thiên nhiên và đã thân thuộc với thiên nhiên Sơn Trà từ lâu, một ngày đầu tháng 3/2017, ông Lê Phước Chín (tên của tác giả) quyết định phải đưa bức ảnh lên mạng xã hội để tìm câu trả lời. Ngay lập tức tấm hình "Sơn Trà bị thương" đã làm dậy sóng diễn đàn "Quản lý đô thị Đà Nẵng: Xanh – sạch – đẹp" trên mạng xã hội Facebook. Bức ảnh về một Sơn Trà lở loét, bị đào xới, chặt phá… nhận được hàng chục nghìn lượt quan tâm, bình luận, chia sẻ trên khắp các diễn đàn và trang cá nhân khác.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khi nhìn thấy bức ảnh đã thảng thốt kêu lên: "Chuyện gì đang xảy ra ở Sơn Trà"?
Không chỉ một mình ông Vinh giật mình. Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã rất mau chóng đi kiểm tra thực địa, phát hiện 40 móng biệt thự không phép. Ông Thơ lắc đầu với cấp dưới: "Các anh quản lý địa bàn mà không biết họ làm trái phép. Các anh để một người dân đi ra biển câu cá phát hiện xây trái phép". Ông ra lệnh đình chỉ thi công ngay lập tức dự án trên.
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh lập tức yêu cầu điều tra làm rõ các sai phạm và nếu có phải tháo dỡ công trình.

Trên đây là nội dung câu chuyện mà mấy ngày gần đây khi chúng ta đọc bất cứ tờ báo nào từ báo hình cho tới báo giấy, từ báo nhà nước cho tới các trang mạng xã hội khi đọc tới cụm từ “ bán đảo Sơn Trà” đều có nội dung na ná như nội dung trên đây

Tuy nhiên, câu chuyện những ông chủ của cái resort Biển Tiên Sa tự dưng dám leo lên núi Sơn Trà huy động hàng loạt xe pháo san ủi đất trên núi mà chính quyền địa phương hoàn toàn không biết. Sau đó lại còn dám tiến hành xây tới 40 cái móng biệt thự nhưng không có giấy phép xây dựng chỉ là khúc dạo đầu của câu chuyện lớn về Sơn Trà.

Thật ra những người trong cuộc ngay tại thành phố Đà Nẵng cho biết là câu chuyện không phải như vậy. Mà đây chỉ là cuộc đấu khẩu và tranh giành nhau giữa các nhóm lợi ích khi quyền lợi của họ bị dòm ngó mà thôi ?

Sự thật là đã nhiều năm nay các ông trùm bất động sản tại đây đã bắt tay nhau phân chia xong cái bán đảo Sơn Trà này từ lâu rồi. 
Theo số liệu từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết ngoài các khu du lịch đã hình thành và đang kinh doanh, hiện có 17 dự án du lịch tương tự khu du lịch sinh thái biển "Biển Tiên Sa" đã được phê duyệt, trong số đó có những dự án đã, đang và sắp triển khai. Mới đây trong văn bản của Văn phòng UBND TP Đà Nẵng gửi Thủ tướng liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ do Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn  ký ngày 30/5, cho biết – ngay từ năm 2012, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 18 dự án đầu tư phát triển có lưu trú cho các nhà đầu tư trong nước tại bán đảo Sơn Trà, với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.222 ha và 7 dự án khác (quốc phòng, an ninh, cơ sở tín ngưỡng, hạ tầng kỹ thuật…). Với tổng số buồng phòng theo quy hoạch của thành phố và đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp phép là khoảng 1.400 buồng phòng khách sạn và khu du lịch (gồm cả 197 buồng phòng của khu nghỉ dưỡng Inter Continental đã đi vào hoạt động); tổng số biệt thự  đã cấp phép là 1.920 căn. Tức là tổng số buồng phòng là 1400 và 1920 căn biệt thự = tổng số buồng phòng là 3.320 buồng (chưa tính câu chuyện 01căn biệt thường có nhiều buồng phòng) đã được chính UBND thành phố Đà Nẵng cấp phép đầu tư xây dựng từ năm 2012 ?


Đường lên bán đảo Sơn Trà

Sự thật là như vậy, nhưng từ đầu năm 2017, khi Bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch; Bộ VH-TT-DL được công bố. Thì dư luận tại Đà Nẵng đã râm ran câu chuyện ngược lại - là Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch và Chính phủ đã công bố bản quy hoạch cho phép cấp đất xây khách sạn trên núi Sơn Trà. Quy hoạch này sẽ tàn phá khu dự trữ sinh quyển và là phổi xanh của thành phố Đà Nẵng này, bức tử loài Voọc chà vá chân nâu đã được Đà Nẵng chọn làm biểu tượng thành phố. Đây cũng là linh vật sẽ được giới thiệu đến các vị lãnh đạo cao cấp các quốc gia trong dịp APEC 2017 sắp tới tổ chức ở Đà Nẵng.
Vậy thì cái Bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ký chưa ráo mực có phải là tác nhân sẽ gây nên việc tàn phá và hủy hoại hệ sinh thái của khu du lịch sinh quyển – là phổi xanh của nhân dân Đà Nẵng. Tiêu diệt môi trường sinh sống của loài Voọc chà vá chân nâu không ?

Theo tôi là không. Có thể nói là hoàn toàn ngược lại thì chính xác hơn !
Theo nhận định của Chính phủ, khi thấy việc phát triển du lịch tại Đà Nẵng thời gian qua là quá nóng, không có quy hoạch rõ ràng và dài hạn. Việc xây dựng các cơ sở lưu trú tập trung quá dày đặc tại khu vực ven biển nhất là tại bán đảo Sơn Trà – khu dự trữ sinh quyển đã được xếp hạng. Chính phủ đã có chủ trương giao bộ VH- TT- DL, Tổng cục Du Lịch phối hợp cùng UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng các bộ ngành có liên quan lập Bản quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2030. Mục đích là nhằm hướng du lịch Đà Nẵng vào quy hoạch du lịch chung của cả nước, hạn chế việc phát triển du lịch tự phát của các địa phương và một phần là nhằm hạn chế tối đa việc phát triển du lịch và xây dựng ồ ạt các cơ sở lưu trú tại bán đảo Sơn Trà.
Theo bản quy hoạch chi tiết vừa công bố cho thấy việc chính phủ sẽ chỉ cho phép chính quyền Đà Năng sử dụng hơn 1.000 hecta, chiếm ¼ trên tổng diện tích 4.439 hecta bán đảo Sơn Trà  dùng để phát triển du lịch. Với mật độ xây dựng rất nhỏ (dưới 3%). Bản quy hoạch khá chi tiết nhưng ở đây chỉ nêu mấy ý chính là – Với mục tiêu mang lại 1.900 tỉ đồng doanh thu và 3,5 triệu lượt khách trong năm 2025. Quy hoạch này cũng xác định quy mô được phép xây dựng cơ sở lưu trú tại bán đảo Sơn Trà cho tới năm 2030 tối đa là 1.600 buồng phòng khách sạn và cơ sở lưu trú.

Chúng ta dễ dàng so sánh thực tế hoạt động xây dựng tại các khu du lịch tại Sơn Trà và bản quy hoạch của chính phủ là một sự sai lệch quá lớn. Chính phủ chỉ cho phép tới năm 2030 chính quyền Đà Nẵng chỉ được phép cấp phép xây dựng tại Sơn Trà tối đa là 1.600 buồng phòng. Nhưng ngay từ năm 2012 chính quyền Đà Nẵng đã lập các bản quy hoạch chi tiết khu vực bán đảo Sơn Trà, mời gọi các nhà đầu tư đến đây và đã cho thuê hơn 1000 hecta đất (tức nhiên đã cho thuê thì phải thu tiền). Và cho tới nay họ đã cấp phép đấu tư cho 18 dự án khách sạn và khu du lịch sinh thái tại đây với số lượng hơn 4.000 buồng phòng lưu trú đã cấp phép đầu tư.

Một câu hỏi được đặt ra là nếu buộc phải chấp hành theo quy hoạch của chính phủ, thì sẽ có hơn 2.000 buồng phòng lưu trú phải bị dừng thực hiện, tức là hàng chục cái khách sạn cao cấp (cỡ 4 sao trở lên), hoặc hàng chục khu nghĩ dưỡng cao cấp sẽ bị thu hồi giấy phép. Các công trình đang thi công hay dần hoàn thiện phải bị đập bỏ, hàng nghìn đồng vốn đầu tư của các đại gia bất động sản có tiếng tại Đà Nẵng sẽ bị đóng băng vô thời hạn. Con đường phá sản đang mở ra trước mắt họ. Tức nhiên các nhóm lợi ích sẽ không bao giờ chịu ngồi yên, họ sẽ lên tiếng bảo vệ quyền lợi của họ.

Như vậy thì chính cái Bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ký chưa ráo mực chính là tác nhân làm chậm tiến độ hoặc buộc phải dừng lại việc xây dựng các khu khách sạn cao cấp và các khu du lịch sinh thái biển đã được cấp phép từ lâu tại bán đảo Sơn Trà của các nhóm lợi ích tại thành phố Đà Nẵng ?

Tất nhiên người bị kiện đầu tiên chính là UBND thành phố Đà Nẵng, vì đây mới chính là cơ quan cho thuê đất, thu tiền thuê đất của các nhà đầu tư, cấp phép cho họ. Nhưng có thể vì nhiều lý do tế nhị khác nhau họ đã né địa chỉ này, các nhóm lợi ích đã chĩa mũi dùi vào cái Bản “QUY HẠCH” mới viết chưa ráo mực kia. Họ sẽ đổ cho nó vô số tội nào là phá vỡ môi sinh, tàn phá môi trường, bóp nát lá phổi xanh của nhân dân, ăn hết của đời sau .v.v và v.v… Với mục đích là nhằm bác bỏ cái bản Quy Hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà do chính phủ vừa ban hành; giao quyền định đoạt về cho chính quyền thành phố Đà Nẵng. Mới đây giới công chức tại Đà Nẵng đã truyền tai nhau câu nói của một vị lãnh đạo thành phố này - “hãy giao Sơn Trà cho người Đà Nẵng tự quyết định” câu nói này đã râm rang khắp thành phố này và họ đã phát biểu công khai trên các trang mạng xã hội !


Từ Sơn Trà nhìn ra biển

Phát pháo đầu tiên của phong trào “hãy giao Sơn Trà cho người Đà Nẵng tự quyết định” là việc một anh đại gia ham chơi Lê Phước Chín nào đó, cũng là một tay ảnh nghiệp dư, trong một dịp đi câu cá tại một vịnh nhỏ gần bán đảo Sơn Trà đã “tình cờ” chụp được tấm ảnh "Sơn Trà bị thương". Với người vốn yêu thiên nhiên anh ta đã quyết định phải đưa bức ảnh lên mạng xã hội vào một ngày đầu tháng 3/2017, ngay lập tức tấm hình "Sơn Trà bị thương" đã làm dậy sóng trên mạng xã hội Facebook. Bức ảnh về một Sơn Trà lở loét, bị đào xới, chặt phá… nhận được hàng chục nghìn lượt quan tâm, bình luận, chia sẻ trên khắp các diễn đàn và trang cá nhân khác.

Nối tiếp là ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đã bắt đầu khởi động chiến dịch cứu Sơn Trà bằng việc soạn thảo một bức thư khuyến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ. Khuyến nghị của vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch mong muốn Thủ tướng xem xét lại "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà – TP Đà Nẵng". Thư khuyến nghị của ông Vinh gửi Thủ tướng ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của dư luận. Hàng nghìn người đã cùng nhau ký vào bức thư và đến nay đã có hơn 12.000 chữ ký.

Trước sức ép của công luận Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 12/5/2017 đã yêu cầu bộ VH- TT- DL xem xét kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà (ông là người thay mặt chính phủ ký công bố bản quy hoạch này). Trong những ngày cuối tháng 05.2017 ông cũng đã có một chuyến khảo sát tại bán đảo Sơn Trà để tìm hiểu tình hình thực tế.
Đồng thời gian này văn phòng Chính phủ đã yêu cầu chính quyền Đà Nẵng có báo cáo gửi Thủ tướng trước ngày 30/5. "Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng là bảo đảm phát triển kinh tế nhưng quan trọng là bảo đảm môi trường sinh thái. Sau khi các cơ quan báo cáo thì Thủ tướng sẽ xem xét", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa và thành phố Đà Nẵng chiều 28/5.

Văn phòng UBND TP Đà Nẵng vừa cho biết, ngày 30.5.2017- Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký văn bản báo cáo gửi Thủ tướng liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Trong báo cáo dài 6 trang, chính quyền Đà Nẵng cho rằng kiến nghị "giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú ở Sơn Trà" của Hiệp hội Du lịch  Đà Nẵng là chưa phù hợp với thực tế phát triển du lịch tại TP Đà Nẵng hiện nay, vì theo đánh giá chung công suất buồng phòng hiện nay tại Đà Nẵng chỉ mới đáp ứng 50% lượng khách (chỉ đón được gần 2,5 triệu lượt khách trong tổng số khoảng 5,5 triệu lượt khách đến Đà Nẵng năm 2016). 

Báo cáo cũng đánh giá bán đảo Sơn Trà có tầm quan trọng đặc biệt với TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung về an ninh, quốc phòng; có một hệ sinh thái đa dạng, với gần 1.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật có xương sống ở trên cạn, trong đó có hàng chục loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ, nổi nhật nhất là voọc chà vá chân nâu - nữ hoàng linh trưởng.
Báo cáo cho biết ngay từ năm 2012, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 18 dự án đầu tư phát triển có lưu trú cho nhà đầu tư trong nước tại bán đảo Sơn Trà, với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.222 ha và 7 dự án khác (quốc phòng, an ninh, cơ sở tín ngưỡng, hạ tầng kỹ thuật…).
Về kinh tế, khu vực bán đảo Sơn Trà có vai trò quan trọng là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây với cảng Tiên Sa (cảng loại I). Sau khi cảng Liên Chiểu hoàn thành, cảng Tiên Sa có khả năng sẽ được chuyển công năng sang cảng phục vụ du lịch.
"Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng các dự án đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định, đặc biệt về an ninh, quốc phòng với cao trình xây dựng dưới 200 m so với mặt nước biển và không có nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án này được khống chế mật độ xây dựng không quá 10%, tương ứng diện tích khoảng 122,2 ha, chỉ chiếm khoảng 2,75% diện tích bán đảo Sơn Trà", văn bản nêu.

Đến nay, đã có 11/18 dự án du lịch đã được thành phố giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích khoảng 344 ha trên Sơn Trà. Trong đó, ba dự án đã đi vào hoạt động với tổng số 253 phòng; một dự án triển khai chưa hoàn thành là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Tiên Sa; ba dự án đã triển khai một phần, đang tạm dừng và 11 dự án chưa triển khai.
Là đơn vị phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lập quy hoạch, chính quyền Đà Nẵng cho biết đã đồng chủ trì hội thảo, lấy ý kiến với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương có liên quan. Sau khi công bố quy hoạch, ngày 5/4, thành phố đã giao cho các đơn vị liên quan kiểm tra, khớp nối và rà soát tổng thể các dự án tại bán đảo Sơn Trà…”

Trong báo cáo này, UBND TP Đà Nẵng lần lượt nêu ý kiến của mình về 4 kiến nghị của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi Thủ tướng trước đó.
Với kiến nghị "giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà", phía Đà Nẵng cho biết công suất buồng phòng các khách sạn như hiện nay mới chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu. Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú một năm (gần gấp 3 lần) đến năm 2030 theo công suất buồng thực tế thì TP Đà Nẵng cần có gần 58.000 buồng phòng. Đến nay, tại bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đưa vào hoạt động, một số dự án đang xây dựng, do đó việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng là chưa phù hợp", văn bản nêu rõ. 

Chính quyền Đà Nẵng chỉ ghi nhận ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là nên hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà do làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội.
"Bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển", chính quyền Đà Nẵng nêu quan điểm và cho rằng việc tổ chức thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại khu vực bán đảo, nên xin Thủ tướng thời gian 3 tháng để rà soát, báo cáo trước ngày 30/8.


Người ta đã lợi dụng hình ảnh tuyệt đẹp của loài động vật này ? 


LỜI KẾT:

Như vậy là đã rõ, chính UBND thành phố Đà Nẵng đã bác bỏ những kiến nghị của Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng. Hiệp hội du lịch vốn là một tổ chức quần chúng xã hội trực thuộc Sở Du lịch Đà Nẵng – nhưng cũng chính Sở Du lịch Đà Nẵng ra công văn phản đối ý kiền này của ông Vinh, Sở du lịch cho rằng đây chỉ là ý kiến của cá nhân ông Vinh .

Vậy ông Vinh nêu những ý kiến của mình ra là nhằm phục vụ cho ai?
Vì như văn bản trên đây của chính quyền Đà Nẵng đã chỉ rõ ra rằng “ việc tổ chức thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại khu vực bán đảo”. Việc " ảnh hưởng đến các dự án" tức là đụng tới quyền lợi của các chủ đầu tư, là các đại gia nổi tiếng đang đầu tư tại đây - là một nhóm người mà giới kinh doanh bất động sản tại Đà Nẵng ai cũng biết ? 
Việc ông Vinh muốn “hãy giao Sơn Trà cho người Đà Nẵng tự quyết định” như dư luận đang bàn luận là thực hiện ý đồ này của nhóm lợi ích kinh doanh bất động sản này !
Và khi Sơn Trà được giao cho người Đà Nẵng tự quyết thì các dự án đang hàng ngày tàn phá Sơn Trà sẽ được tiếp tục xây dựng - vì nó đã được cấp phép hợp lệ. Khi đấy quyền lợi của các đại gia bất động sản Đà Nẵng sẽ được bào toàn. 
Phải chăng động cơ của ông cũng chỉ là phục vụ cho các nhóm lợi ích ?

Bởi một sự thật khôi hài là ông Huỳnh Tấn Vinh với vị thế là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng  - nhưng 05 năm nay (2012-2017) bán đảo Sơn Trà đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng lập quy hoạch chi tiết và đã bị cho thuê tới 1000 hecta đất. Chính quyền địa phương đã cấp phép cho 18 dự án xây dựng khách sạn và khu nghỉ dưỡng khổng lồ với hơn 4.000 buồng phòng lưu trú – mà ông hoàn toàn không biết gì cả ? 05 năm nay bán đảo Sơn Trà với hàng ngàn xe pháo cày xới bán đảo Sơn Trà nham nhở suốt ngày đêm như một đại công trường (giới báo chí đã chụp hàng ngàn bức ảnh tung lên mạng); nhưng nay phải nhờ một anh chàng câu cá ham vui tình cờ phát hiện ra ông mới giật mình biết được. 
Theo một tờ báo cho biết, khi nhìn thấy bức ảnh ông đã thảng thốt kêu lên: "Chuyện gì đang xảy ra ở Sơn Trà? ". Theo tôi thì ông chỉ là một diễn viên quá tồi.

Tuy nhiên khi được cánh báo chí vây quanh ông Vinh cũng có câu trả lời rất nhanh: “Tại khu vực phía Đông Bắc bán đảo Sơn Trà, Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa đang đào phá để xây dựng, mà không có giấy phép, một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có cùng tên”.
Nhưng một lần nữa ông lại nói bậy, vì sau đó ngày 29.03.2017 khi thành ủy Đà Nẵng có công văn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra buộc công ty này dừng thi công, tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm. Lập tức ngay sau đó ngày 31.03.2017 Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa ông Đinh Đức Cường đã có công văn trả lời phản bác yêu cầu của thành ủy Đà Nẵng; theo đó ông khẳng định việc xây 40 trụ đế móng tại bán đảo Sơn Trà là đúng với các quy định của pháp luật.  
Cũng ngày 4.4.2017 trước sức nóng của dư luận Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu chính quyền Đà Nẵng báo cáo về vụ việc tại Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa trước ngày 15.4. Ngay sau đó, ngày 14/4/2017 Đà Nẵng đã gửi báo cáo cho Thủ tường chính phủ về dự án của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa. Báo cáo cho biết công ty này tuy có sai phạm khi xây các trụ móng mà chưa xin phép cơ quan chuyên môn (Xây dựng) và chưa gửi bản đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên đây là dự án đã được phê duyệt đầu tư đúng pháp luật từ 03 năm trước và đã xây dựng một số hạng mục; nhưng do có khó khăn nguồn vốn nên tạm dừng nay họ mới bắt đầu lại và sẽ được tiếp tục xây dựng khi bổ sung xong hồ sơ xây dựng.

Không chỉ một mình ông Vinh giật mình. Một số quan chức Đà Nẵng cũng đã giật mình. Nay cánh báo chí cũng giật mình khám phá ra rằng -  thì ra mình bị lừa ./.

 ĐKT                             
05.5.2017


Vọc chà vá chân nâu - loài động vật tuyệt đẹp





Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...