ĐÂU MỚI LÀ SỰ THẬT VỀ TRIỀU ĐẠI NHÀ ĐINH ?

Bia khẳng định niên hiệu và năm tại vị của các vị vua Nhà Đinh


       Ngày nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua sử sách vấn đề tìm hiểu về một triều đại trong lịch sử VN là một việc khá dễ dàng đối với tất cả mọi người, vì lịch sử đất nước của chúng ta vốn cũng không dài. Nhưng hiểu cho đúng về những gì sử chép thì không phải là một điều dễ dàng, thậm chí những gì được cho là của chính sử cũng rất dễ dàng thấy sự khác biệt. Vì sử mỗi thời mỗi khác, người chép sử ngoài sự thật thì vẫn có quyền lồng vào những nhận xét những quan điểm chính trị của mình, hoặc một số vấn đề còn buộc phải viết theo yêu cầu của sử quán.
     Đây là một sự thật, nên khi đọc những bộ chính sử người đọc cần phải có một số kiến thức căn bản về lịch sử mới biết đâu là sự thật.
     Riêng tôi khi học và đọc lịch sử Việt viết về triều đại Nhà Đinh, đã gây ra một số thắc mắc cho tôi trong nhiều năm nhưng không thể tìm thấy lời giải, theo đó nổi lên 02 câu hỏi khá lớn là:
   
   1/. Triều Nhà Đinh tồn tại bao nhiêu năm ?
     Theo cổ sử cho biết, triều nhà Đinh do Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh thành lập; đồng thời ông cũng chính là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Đinh. Năm 968 (Mậu Thìn) Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Tiên Hoàng đế (tục gọi là Đinh Tiên Hoàng) đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Đinh Quốc Công; Lê Hoàn làm Thập Đạo tướng quân (tổng chỉ huy quân đội) và phong cho con là Đinh Liễn là Nam Việt vương. Bắt đầu một triều đại mới, một kỷ nguyên tự chủ cho nước Việt.
     Để tránh một cuộc đụng độ không cần thiết với nhà Tống lúc này đang cai trị nước Trung Hoa láng giềng và cũng nhằm tranh thủ được thời gian hòa bình càng dài càng tốt giúp nhân dân ổn định cuộc sống và xây dựng đất nước sau một thời gian dài chiến tranh loạn lạc. Năm Nhâm Thân (972), Vua Đinh đã sai con là Đinh Liễn mang đồ vật sang thần phục và xin triều cống nhà Tống. Sau đó Vua Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao chỉ Quận vương và phong cho Nam Việt Vương Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.
     Năm Kỹ Mão (979) Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị tên Đỗ Thích giết chết. Nguyên Đỗ Thích vốn là một kẻ hầu cận của Vua, đêm nằm mơ thấy sao rơi vào mồm, tưởng là điềm báo được làm Vua, bèn định bụng sát hại minh chủ. Một hôm, hắn thấy vua Đinh say rượu nằm nghỉ trong cung bèn lẻn vào sát hại rồi tìm giết luôn cả Đinh Liễn.
     Triều thần đã tìm bắt được Đỗ Thích đem xử tội và tôn Vệ Vương Đinh Toàn lên làm Vua (lúc này mới 6 tuổi).
     Vua Đinh Tiên Hoàng có 5 bà Hoàng hậu : Đan Gia (mẹ của Đinh Liễn), Trinh Ninh (mẹ của Hạng Lang), Kiểu Quốc (mẹ của Đinh Tuệ), Cô Quốc (chỉ sinh con gái) và Ca Ông (mẹ của Đinh Toàn, ngày nay gọi là Dương Vân Nga).
     Nhưng cổ sử chỉ nhắc đến 3 người con trai là : Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Sau khi Đinh Liễn và Đinh Hạng Lang đã chết, thì mặc nhiên Đinh Toàn kế nghiệp ngôi vua. Vua còn nhỏ nên mọi quyền bính được giao cho mẹ là Ca Ông hay còn gọi là Dương Vân Nga làm nhiếp chính.
     Sử ngày nay viết rằng : "Dương Vân Nga thay con cầm quyền trị nước, với cái thế các đại thần trong triều phân liệt, tranh chấp gay gắt, có nguy cơ nội chiến. Ngoài biên ải, nhà Tống nghe tin Tiên Hoàng mất muốn thừa thế sang lấy nước Đại Cồ Việt đã hội đại binh gần biên giới. Ở cái thế vận mệnh quốc gia ngàn cân treo sợi tóc, cần phải có một người có đủ tài thao lược và uy tín để gánh vác trọng trách này và người đó không ai khác là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn người đang là tổng chỉ huy quân đội."
     Và chỉ mấy tháng sau Lê Hoàn (980-1005) đã lên ngôi Hoàng Đế vào năm 980 (Canh Thìn) lập ra một triều đại mới mà sử gọi là Nhà tiền Lê (980-1009). Sử ngày nay do các sử quan cách mạng  viết rằng : “Dương Vân Nga đã lấy chiếc long bào choàng lên vai Lê Hoàn trong tiếng reo hò dậy trời của ba quân tướng sĩ….và…hành động của Dương Vân Nga đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một con người, thức thời, có tầm nhìn xa, trông rộng xứng đáng được coi là anh hùng “.
      Như vậy Nhà Đinh chỉ tồn tại chính thức có 12 năm (968-980), là bị chấm dứt đưới triều vua Đinh Phế đế (Đinh Toàn).
   - Nhưng nếu căn cứ theo sử sách Trung Hoa, nhất là sử thời nhà Tống - đã cho chúng ta biết là sự thật không phải như vậy ?
   
    * Xin được kiến giải như sau:
     Trước hết xin nói một vài nét về những tư liệu mà tôi trích dẫn trên đây: Đây chính là những tư liệu từ bộ cổ sử chính thống và duy nhất còn lại tại VN hiện nay đó chính là bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư (chữ Hán: 大越史記全書). Bộ chính sử đồ sộ này gồm 15 quyển, ghi lại lịch sử Việt Nam từ thời điểm năm 2879 TCN (thời Vua Hùng) đến năm 1427 khi nhà Hậu Lê được thành lập. Bộ sử do sử quán nhà Hậu Lê biên soạn vào năm Hồng Đức thứ 10 (1479), do sử thần Ngô Sĩ Liên đứng đầu. Sau đó các triều đại sau này kể cả các nhà soạn sử ngày nay cũng lấy những tư liệu từ bộ sử này để soạn nên những bộ chính sử, sử dụng trong các trường phổ thông hiện nay và coi đó như là chính sử duy nhất của nước VN ngày nay.
      Nhưng từ những tư liệu nào và dựa vào đâu mà các nhà sử học thời Hậu Lê lấy làm căn bản để dựng lên lịch sử hàng ngàn năm trước đó của nước Việt là một câu hỏi cần phải làm rõ. Bởi như nhà sử học Dương Trung Quốc nói : “Không phải cứ nói đến “chính sử do những sử gia tên tuổi biên soạn đã là chân lý tuyệt đối. Bởi trước hết, nó là sản phẩm của những cá thể hay triều đại, dù uyên thâm đến mấy thì cũng vẫn có thể có sai sót và nhiều khi xuất phát từ những lợi ích không thể gọi là tuyệt đối vì dân tộc mà căn bản là của giới cầm quyền.”.


Đền Vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư - Ninh Bình

      Ngay trong bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư, các sử quan nhà Hậu Lê cũng cho biết là họ chủ yếu dựa vào tư liệu chính từ hai bộ chính sử trước đó, gồm: Đại Việt Sử Lược (chữ Hán 略), (khuyết danh) viết khoảng năm 1127- 1140 (thời Lý) và Đại Việt Sử ký (chữ Hán: 大越史記) của Lê Văn Hưu (thời Trần – hoàn thành năm 1272). Nhưng hai bộ chính sử cổ nhất này của VN đã bị thất tuyền vĩnh viễn; hay nói đúng hơn là đã bị quân xâm lược phương Bắc tịch thu đem về Trung Hoa trong thời gian chúng xâm lược và chiếm đóng nước ta (1408-1428). Theo đó, toàn bộ sử sách tư liệu và thư tín của các triều đình Ngô, Đinh, Lý, Trần, Hồ trước đó đã bị quân xâm lược Minh truy tầm, tịch thu chở về Trung Hoa, phần còn lại thì bị chúng đốt phá tới tận cùng. Hai bộ chính sử đấu tiên này của nước Việt cũng cùng chịu chung số phận. Và được kết luận là đã bị thất truyền.
      Mãi cho tới thời Vua Càn Long nhà Thanh (1736-1795), bộ sách Đại Việt sử lược mới được tìm thấy trong nhà kho của "Khâm định Tứ khố Toàn thư" của triều đình nhà Thanh  tận bên nước Trung Quốc ngày nay. Riêng bộ sách Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu thì bị thất lạc vĩnh viễn, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy.
      Cho nên những gì mà các sử quan thời Hậu Lê có được chỉ là một số bản chép tay với từng đoạn rời rạc của hai bộ sử này còn lưu truyền trong dân gian, sau nhiều năm truy tầm một cách rất khó khăn của sử quán Nhà Hậu Lê .
      Cho nên chúng ta - là những con cháu và hậu duệ của nhà Đinh, chúng ta có quyền nghi ngờ về tính chính xác về thời gian tồn tại của triều đình nhà Đinh. Vì như phân tích trên đây về tính chính xác của những bộ sử và những tư liệu để các nhà viết sử viết nên những bộ chính sử tồn tại đến nay. Còn chỉ cho chúng ta biết – khi các sự kiện xảy ra trong những năm cuối dưới triều nhà Đinh (năm 980), cho tới khi bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư được soạn ra hoàn chỉnh (năm 1479) cũng đã là 500 năm.
     Vâng, 500 năm với biết bao vật đổi sao dời, với ít nhất là 25 thế hệ con người đã ra đời rồi chết đi, với biết bao thể chế chính trị tồn tại rồi suy vong. Vậy các nhà sử học dựa vào đâu để viết nên những bộ chính sử ?
    Cho mãi tới gần đây tôi mới được biết, các sử quán và sử quan thời nhà Lý, nhà trần, nhà Hồ và nhà Hậu Lê; khi viết nên các bộ sử nổi tiếng nói trên phần lớn dựa vào các bộ sử lớn của các triều đình phong kiến Trung Hoa cùng tồn tại song song với các nhà nước VN đương thời. Nhất là thời gian từ thời nhà Lý trở về trước (1010-1225) thì các sử quan chỉ dựa hoàn toàn vào một nguồn tư liệu duy nhất đó là các bộ sử lớn của các triều đại phong kiến bên Trung Hoa; để viết nên lịch sử nước Đại Việt từ thời Lý trở về trước.
     Cho nên sau khi nghiên cứu từ nguồn sử sách Trung Hoa nhất là sử thời nhà Tống (tiếng Hán: 宋朝) (960-1279); được biết thời gian tồn tại của triều nhà Đinh thực sự không phải như sử Việt chép !
     Theo sử thời nhà Tống cho biết: Do nhà Đinh chịu thần phục  nhà Tống và hàng năm đều triều cống cho thiên triều, nên nhà Tống xem nước ta như là một chư hầu của họ. Nhà Tống thường cử các sứ thần qua nước ta giám sát việc trị quốc của triều đình nhà Đinh. Các sứ thần của họ hầu như sống thường trực trong các dịch quán tại kinh đô Hoa Lư. Tình hình nội trị của nhà Đinh khó thoát khỏi con mắt của các sứ thần này, nhất cử nhất động các biến cố chính trị của triều đình đều được họ báo cáo thường xuyên về triều đình nhà Tống. Tất cả những biến cố và tình hình nội bộ của nước ta được sử quán nhà Tống ghi chép lại khá đầy đủ và còn lưu lại cho tới ngày nay.
     Theo đó, khi vua Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại năm Kỷ Mão (979), Đinh Toàn lên ngôi hiệu là Phế Đế năm 980, khi nhà vua chỉ mới 6 tuổi.
     Các đại thần nhà Đinh như Đinh Quốc công Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp sau đó đã phát hiện Lê Hoàn có hành vi tư thông với Dương Vân Nga để tiếm quyền thiếu đế. Các vị đại thần này đã cử binh mã đến đánh Lê Hoàn nhằm ngăn cản việc này. Nhưng Lê Hoàn với toàn bộ binh lực triều đình nắm trong tay và đã chuẩn bị sẵn đã nhân dịp này giết sạch các đại thần. 
    Cuộc đảo chánh lật đổ triều nhà Đinh của Lê Hoàn đã thành công, toàn bộ hoàng tộc và tôn thất nhà Đinh cùng toàn bộ đại thần thân cận thời lập quốc của vua Đinh Tiên Hoàng đã bị Lê Hoàn tiêu diệt sạch !
     Tống sử chép lại khá rõ sự kiện này, và cho biết :  “các sứ thần đã trình báo về Khai Phong tình hình cuộc đảo chánh này của Lê Hoàn cho triều đình nhà Tống … và xin chỉ dụ”. Tống Thái Tông (trị vì 976-997) sai sứ đem thư qua khuyến dụ và đe dọa trừng trị việc tiếm ngôi của Lê Hoàn. Nhưng Lê Hoàn vẫn chối và cho rằng không có việc tiếm quyền. Và mình chỉ là một tôi thần trung liệt đang phò ấu chúa và khéo léo lấy danh nghĩa con của vua Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn, xin nhà Tống cho Đinh Toàn nối ngôi vua cha.  Tuy nhiên triều đình nhà Tống nắm rõ tình thế, biết Lê Hoàn đã giành ngôi của Đinh Toàn, con của Đinh Tiên Hoàng, nên sai người đem một thư khác qua nói rằng “…Họ Đinh truyền nối được ba đời (ý chỉ Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Đinh Toàn), trẫm muốn cho Đinh Toàn làm thống súy, khanh (chỉ Lê Hoàn) thì làm phó.  Nếu Đinh Toàn không đáng tướng tài, hãy còn tính khí trẻ con thì nên cho ngay mẹ con và thân thuộc y sang đây…”
      Lê Hoàn biết không thể tiếp tục thương lượng và hợp thức hóa việc tiếm quyền của mình, trước con mắt giám sát trực tiếp của các sứ thần nên chỉ còn con đường duy nhất là chuẩn bị lực lượng để kháng Tống. Quân Tống sau đó lấy danh nghĩa đem quân sang Đại Cồ Việt trừng phạt việc chiếm ngôi nhà Đinh của Lê Hoàn, đại quân Tống đã chia làm hai đường thủy bộ tiến vào nước ta năm 981 (Tân Tỵ).  Đường bộ do Hầu Nhân Bảo cùng Tôn Toàn Hưng tiến theo ngả Lạng Sơn, còn đường thủy do Trần Khâm Tộ và Lưu Trừng từ mặt biển tiến vào bằng đường sông Bạch Đằng.
     Trên đường bộ, Hầu Nhân Bảo tiến đến Chi Lăng (Lạng Sơn), trúng phải kế trá hàng, lọt vào vùng phục kích của quân Việt, bị bắt giết. Quân Việt phản công mạnh mẽ, quân Tống thiệt hại nặng, hai bộ tướng của Hầu Nhân Bảo là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt.  Sau trận Chi Lăng, các lực lượng thủy bộ của nhà Tống đều rút lui.
     Tuy chiến thắng, nhưng nhà Đinh – lúc này do Lê Hoàn với danh nghĩa là phó tướng của vua Phế Đế (Đinh Toàn); năm 982 (Nhâm Ngọ) vẫn phải sai sứ sang kinh đô Khai Phong của nhà Tống xin nghị hòa, trả lại hai tướng đã bắt được, xin được thần phục và triều cống lại như cũ. Nhà Tống chấp thuận nhưng chỉ phong cho Lê Hoàn làm Tiết độ sứ, là một tôi thần phục vụ dưới triều vua Phế Đế (Đinh Toàn). 
     Sử nhà Tống cũng có ghi chép rõ việc tự thoái vị của Vua Đinh Phế Đế. Đó là vào năm Quý Tỵ (993), Vua Đinh Phế Đế sai sứ sang kinh đô Khai Phong của nhà Tống tại Trung Hoa; trình bày với vua Tống rằng mình là người hay đau ốm và bệnh tật thường xuyên, do thể trạng yếu đuối nên không thể kham nổi việc triều chính nay tự xin thoái vị và đề nghị nhường ngôi cho Lê Hoàn. Tống Thái Tông qua những báo cáo thường xuyên của các sứ thần, đã biết việc Lê Hoàn nắm quyền từ lâu, nhưng không có cách gì khác hơn, nên sai sứ sang phong Lê Hoàn làm Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ Giao Chỉ Quận Vương (vua Giao Chỉ).
      Như vậy, theo sử thời nhà Tống (960-1279), thì Lê Hoàn chỉ làm vua từ năm Quý Tỵ (993) tới khi mất là năm Ất Tỵ (1005); và từ năm 979 tới năm 992 Lê Hoàn vẫn chỉ là một tôi thần của Vua Đinh Phế Đế (Đinh Toàn).
      Như vậy triều Nhà Đinh tồn tại từ năm 968 cho tới năm 993 (tức là 25 năm); chứ không phải chỉ 12 năm (968 – 980) như sử ngày nay viết lại ?


Tượng vua Phế Đế tại Hoa Lư - Ninh Bình

    2/. Vệ Vương Đinh Toàn (tức Vua Phế Đế) làm vua bao nhiêu năm và lý do tại sao ông mất ?
      Theo lịch sử Trung Hoa thời nhà Tống có ghi chép khá đầy đủ về câu chuyện này. Vì như trình bày trên đây vào thời nhà Đinh và nhà Tiền Lê, nước ta bị xem là một chư hầu phiên thuộc của các triều đình phong kiến đương thời tại Trung Hoa, cụ thể giai đoạn này thuộc nhà Tống. Nên tình hình chính sự của các phiên thuộc được sử nhà tống ghi chép lại khá đầy đủ và coi đó như là sử của chính quốc (thiên triều).
     Qua sử nhà Tống cho biết Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi năm Kỷ Mão (979) khi chỉ mới 6 tuổi, khi vua cha là Đinh Tiên Hoàng bị một tên thị vệ ám sát. Vua ở ngôi 14 năm, tới năm Quý Tỵ (993), vì lý do bệnh tật vua đã làm chiếu tâu với vua Tống xin truyền ngôi lại cho bộ tướng là Tiết độ sứ Lê Hoàn. Vua Tống lúc này là Tống Thái Tông (trị vì 976-997) đã chuẩn y và phong cho Lê Hoàn làm Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ Giao Chỉ Quận Vương.
     Nhưng theo các bộ sử Việt ngày nay thì cho rằng“ Đinh Toàn (sinh năm 974) nhường ngôi lại cho Lê Hoàn năm 980, được mẹ là bà Dương Vân Nga (lúc này trở thành Hoàng hậu của triều Lê), và Lê Hoàn nuôi nấng cho đến lúc trưởng thành. Sau được phong tước vương gọi là Vệ Vương, ông hy sinh năm 1001(năm 27 tuổi) khi đang cùng vua Lê (Lê Hoàn) đánh dẹp giặc Man Cử Long”.
     Trước đây nhiều năm, khi đọc đến đoạn sử liệu này trong các bộ sử mới do các nhà sử học Mác xít biên soạn, tôi đã có thái độ hoài nghi và cho rằng các nhà sử học cách mạng "chép" không đúng sự thật. Vì theo kiến thức của tôi thì không thể có chuyện như vậy được; nhưng tôi đã không tìm thấy tư liệu nào phản biện lại dữ liệu này của các nhà viết sử lúc ấy. Chỉ mãi cho tới gần đây, khi đã có điều kiện tôi mới tìm thấy một số tư liệu chính thức từ chính sử thời nhà Tống của nước Trung Hoa là có thể trả lời cho câu hỏi này. Tuy chỉ là một phần sự thật, nhưng đã có thể giúp cho những hậu duệ của nhà Đinh hiểu được một sự thật, một giai đoạn đau thương của lịch sử dòng Họ Đinh chúng ta. 
     Qua đó cho thấy, trong tất cả 03 bộ cổ sử của VN nói trên đây không hề có chi tiết này. Cổ sử Trung Hoa thời nhà Tống cũng hoàn toàn không có một dòng nào nhắc tới câu chuyện này. Vậy đâu là sự thật ? 
     Bởi theo văn hóa Á đông, nhất là văn hóa và hệ tư tưởng của các dân tộc như Trung Hoa và Việt Nam khi một triều đại quân chủ mới lên ngôi, nắm quyền sinh sát thiên hạ trong tay, việc đầu tiên của triều mới là tìm mọi cách tiêu diệt sạch hoàng tộc và đại thần của triều cũ. Tục có câu “diệt cỏ phải diệt cho tận gốc”; dù cho các cuộc chuyển giao quyền lực này có diễn ra trong hòa bình, nhưng hầu như không bao giờ thoát khỏi quy luật khắc nghiệt này.
     Nhưng tại sao vua Đinh Phế Đế (Đinh Toàn) lại thoát khỏi quy luật này và sống tới năm 27 tuổi mới mất ?
     Như trình bày trên đây, cuộc đảo chánh lật đổ nhà Đinh của Lê Hoàn đã gặp sự phản đối quyết liệt của nhà Tống; để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với nhà Tống quá mạnh, dưới danh nghĩa bảo vệ Nhà Đinh. Lê Hoàn đã phải sử dụng hình tượng vua Đinh Phế Đế, tránh con mắt dòm ngó của các sứ thần nhà Tống. Nhiều năm sau khi tiếm ngôi Nhà Đinh (980), Lê Hoàn vẫn tự xưng là một tôi thần của nhà Đinh; một quan đại thần trung liệt đang phò thiếu đế. Được nhà Tống xem như là cấp phó của Vua Đinh Phế Đế và chỉ được nhà Tống phong làm Tiết độ sứ. 
      Mãi tới 13 năm sau, vào năm 993 (Quý Tỵ), sau nhiều cuộc tiếp xúc ngoại giao khéo léo; Lê Hoàn mới được Tống Thái Tông sai sứ sang phong Lê Hoàn làm Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ Giao Chỉ Quận Vương (vua Giao Chỉ).
      Và như lịch sử đã ghi nhận với nhiều trường hợp tương tự; khi hình tượng của Vệ vương Đinh Toàn không còn giá trị lợi dụng và nhà Vua mới đã được “Thiên triều” phong vương, thì nhà vua cũ không còn lý do gì để tồn tại cả. Nên không thể có câu chuyện Vệ Vương Đinh Toàn còn sống được thêm 08 năm và phải tới năm 1001 ông mới "hy sinh" khi đang làm làm nhiệm vụ - “ông hy sinh năm 1001(năm 27 tuổi) khi đang cùng vua Lê (Lê Hoàn) đánh dẹp giặc Man Cử Long”, như sử ngày nay viết !
      Tôi là một người đam mê môn sử từ nhỏ và là người thuộc khá nhiều bộ sử của nhiều triều đại và chính thể khác nhau từ xưa tới nay. Sau này làm công tác báo chí và nghiên cứu sử, tôi đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều quan điểm chính trị khác nhau về sử học. Nên chỉ cần một đánh giá thiếu khách quan về lịch sử là chúng tôi biết đó là đúng hay sai. Nhưng biết chỉ để mà biết, còn sử dụng sự hiểu biết của mình như thế nào là một câu chuyện khác. 
    Cho nên khi các sử gia ngày nay cho rằng vua Đinh Phế Đế (Đinh Toàn) sau khi mất ngôi năm chỉ mới 7 tuổi (năm 980), sống được tới tận năm 27 tuổi (1001) trong điều kiện tôn thất nhà Đinh đã bị tiêu diệt và ông chú duy nhất (Đinh Điền) đã bị chính Lê Hoàn giết, mẹ lại lấy kẻ thù làm chồng - thì đây là điều mà bất cứ ai nếu có một chút kiến thức về lịch sử, văn hóa của VN cũng không bao giờ tin được. Bởi sử là phải chép chứ không phải là sáng tác !
    Vì nếu những ai say mê môn sử hoặc nghiên cứu về lịch sử nước Việt chắc cũng đều biết về câu chuyện xảy ra sau đó hơn 200 năm khi Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264) đã tiêu diệt tôn thất triều Lý như thế nào ? 
    Chỉ trong vòng vài năm sau khi lập mưu soán ngôi vua của nhà Lý (1225), Trần Thủ Độ đã tiêu diệt sạch sành sanh một dòng họ tôn thất rất đông đúc của một triều đại hùng mạnh từng tồn tại hơn 200 năm trước và xóa hẳn tên dòng họ này ra khỏi lịch sử các dòng họ của nước Việt Nam.
    Nhân đây xin lược lại câu chuyện này để mọi người tham khảo ; cũng để biết nhận định trên đây của tôi là đúng hay sai và biết như thế nào là tính đúng sai của một bộ sử :
      - Theo các bộ sử Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục;  Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ và mới đây là Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (Nhxb Văn hoá Thông tin, 1999. Trang 126); trong các bộ sử này các nhà sử học đã viết khá chi tiết về câu chuyện này !
     Theo đó, nhà Trần lấy được thiên hạ từ tay nhà Lý đều do mưu lược của Trần Thủ Độ. Chính nhân vật lịch sử này là người sau đó đã ra lệnh tiêu diệt toàn bộ tôn thất nhà Lý cũng như tất cả những gì có liên quan đến họ Lý và triều đình nhà Lý tại VN thời ấy. Khiến cho một triều đình nhà Lý hùng mạnh từng tồn tại hơn 200 năm (1010-1225) với tôn thất đông đảo và dòng họ Lý - đã hoàn toàn biến mất dưới bàn tay truy sát của Trần Thủ Độ như chính lời ông nói “ Nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc !” .
      Sự kiện này bắt đầu từ năm Giáp thân 1224, vua Lý Huệ Tông lập công chúa Phật Kim làm thái tử rồi truyền ngôi cho công Chúa, tức Lý Chiêu Hoàng, sau đó ra tu tại chùa Chân Giáo. Quyền bính nằm trong tay thái hậu Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ. Hai người này vốn là anh em họ nay lại tư thông với nhau.
      Tới tháng 10 năm Ất Dậu 1225, Trần Thủ Độ mưu tìm cách cho Lý Chiêu Hoàng thành hôn với cháu ông ta là Trần Cảnh mới lên 8, rồi tìm cách dàn dựng để Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng. 
      Đến đây quyền bính chính thức chuyển từ nhà Lý sang tay nhà Trần. Trong một chuyến viếng thăm chùa Chân Giáo nhằm thăm dò ý tứ của cựu hoàng Lý Huệ Tông, lúc này đã là một nhà sư chân truyền. Thấy Huệ Tông đang nhổ cỏ trong sân chùa, Trần Thủ Độ nói bóng gió với Huệ Tông: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc.”, ngay sau đó (tháng 8 năm Bính Tuất 1226), chính Trần Thủ Độ đã bức tử nhà vua tại chùa Chân Giáo. Thái hậu Trần Thị Dung bị giáng xuống là Thiên cực công chúa để có thể lấy Trần Thủ Độ làm chồng.
     Nhằm tận diệt dòng dõi tôn thất nhà Lý tới tận cùng, Trần Thủ Độ gả các cung nhân và con gái tôn thất nhà Lý cho các tù trưởng ở các vùng miền núi.
     Nhà sử học – nhà chính trị Trần Trọng Kim, đã viết trong tác phẩm Việt Nam Sử Lược của ông  Thủ Độ đã hại hết cả dòng dõi nhà Lý, lại muốn cho hậu thế không ai nhớ đến họ Lý nữa mới nhân vì tổ nhà Trần là Lý, bắt trong nước ai là họ Lý đếu phải cải là họ Nguyễn”.
     Một hành động khác khá là dã man của Trần Thủ Độ mà ngày nay sử sách vẫn còn ghi chép lại, đó là sự kiện năm 1232: " ... nhân dịp con cháu nhà Lý còn sót lại tụ họp ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm để làm lễ cúng tổ tiên, Trần Thủ Độ cho đào sẵn một cái hố thật sâu, dựng nhà lên trên, bắt con cháu nhà Lý đứng lên trên để mà cúng tế, rồi cho quân lính giật nhà đổ sau đó chôn sống toàn bộ tôn thất nhà Lý”. (Hoa Lâm nay là huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, là hành cung của nhà Lý thuở xưa).
     Trong bối cảnh chính trị hoàn toàn bất lợi như thế, nhân vật tôn thất nhà Lý nào còn sống sót đều phải cao bay xa chạy để thoát nạn tận diệt của Trần Thủ Độ, mà câu chuyện hoàng tử Lý Long Tường và gia đình ông đã phải đào thoát qua tận nước Cao Ly xin tỵ nạn chính trị là một ví dụ điển hình nhất. 
      Hoàng tử Lý Long Tường vốn là chú của vua Huệ Tông, là ông nội chú của đương kim hoàng đế Lý Chiêu Hoàng. Hoàng tử Lý Long Tường là con trai thứ 7 của Vua Lý Anh Tông (1138-1175), do Hiền Phi Lê Mỹ Nga sinh ra, ông sinh vào năm Giáp Ngọ (1174), lúc này Vua Anh Tông sử dụng niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1163-1173) (vị vua này có tới 04 niên hiệu). Đây là một người văn võ song toàn, có tầm ảnh hưởng quan trọng trong tôn thất nhà Lý lúc ấy. Nên sau khi Trần Cảnh được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi. Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông, bước đầu triều Trần nhằm che mắt triều thần và nhằm mua chuộc lòng dân; bằng cách phong Lý Long Tường làm Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc, tước Kiến Bình vương – tức là thống lĩnh hải quân.
     Nhưng lúc này thực tế quyền lực của triều đình đều đã nằm gọn trong tay Thái sư Trần Thủ Độ; vị thái sư này bắt đầu ra tay tận diệt tôn thất nhà Lý một cách quy mô và công khai. 
     Hoàng tử Lý Long Tường là vị thân vương duy nhất của triều nhà Lý còn sót lại với những chức tước địa vị khá cao, nhất là đang nắm thực lực binh quyền (Đại đô đốc hải quân) cho nên hoàng tử đã lo sơ bị Thái sư Trần Thủ Độ ám hại. Để cứu vãn gia đình và dòng họ thoát khỏi sự tàn sát của Trần Thủ Độ, chỉ một năm sau sau khi Trần Cảnh lên ngôi (năm 1226) tức năm Kiến Trung thứ nhì – Hoàng tử Lý Long Tường quyết định vượt biên ra nước ngoài tị nạn chính trị; ông đã cùng gia đình và một số tôn thất nhà Lý phải bỏ nước ra đi. 
     Họ đã phải giong thuyền qua tận nước Cao Ly xin tỵ nạn và được vua Cao Ly cho tá túc. Vì là một vị tướng soái của triều Lý nên sau đó hoàng tử Lý Long Tường đã giúp vua Cao Ly kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ thành công. Và được sử sách Triều Tiên (cả Hàn Quốc) lưu danh, được nhân dân Triều Tiên dựng tượng, lập đền thờ cho tới tận ngày nay.
    
  * LỜI KẾT:
     Trách nhiệm của những người nghiên cứu sử là không bao giờ được phép thỏa mãn với những gì đã có sẵn. Công việc của họ là phải tìm tòi khám phá những cái mới, những điều chưa ai biết hoặc chưa được công bố. Điều này không có nghĩa là họ phải phủ nhận những cái cũ, nhưng trách nhiệm của họ là phải tìm ra trong những điều đã có đó, đâu là sự thật - đó là cái mà ngày nay người ta gọi là SỬ HỌC.
     Tuy nhiên khi viết nên những dòng trên đây, tôi không có tham vọng là muốn "đánh giá lại lịch sử" nhưng chúng ta là con cháu họ Đinh, chúng ta có quyền biết đâu là sự thật của lịch sử dòng họ mình./.  

ĐKT
21.12.2016

Tài liệu tham khảo

1. Hà Thiên Niên, “Lược thuật về thư tịch cổ Trung Quốc qua các thời đại viết về Việt Nam”, in trong “Học báo nhân học Đại học sư phạm Tây Nam”, Khoa học Xã hội nhân văn, số 11/2002, tr. 129-133.
2. Trương Tú Dân, “An Nam thư mục đề yếu”, Tập san Thư viện Bắc Kinh, số 1/1996.
3. Minh sử, quyển 321 “Liệt truyện” thứ 209, phần 2 “Ngoại quốc” – “An Nam”
4. Nghiêm Tòng Giản (đời Minh), “Thi vực châu tư lục”, quyển 5, “An Nam”.
5. Trịnh Tủng (đời Tống), “An Nam kỷ lược” ; “Tống sử”, quyển 488, Liệt truyện thứ 247.
6. Lý Tiên Căn (đời Thanh), “An Nam tạp ký”.
7. La Viết Quýnh, “Hàm Tân Lục” Nam Di Chí, quyển 6,
8. “ Đại Nam Nhất Thống Chí ” bộ dịch của Tụ Trai Nguyễn Tạo, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn   
      ấn hành năm 1961.
9. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, của Ngô Sỹ Liên, bản dịch của Viện Sử Học, xuất bản năm 1971- 1973
       ( 25 quyển).
10. Việt sử thông giám cương mục.
11. Đại Việt địa dư toàn biên.
12. Đại Việt sử lược, khuyết danh, gồm 03 quyển
13. Đại cương Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục.
14. Việt Nam Sử Lược, của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1999.
15. Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1971.
16. Các Triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, 2010.
17. Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, của Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức, nhà xuất bản Văn hóa
Thông tin , năm 2010.
18. Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quỳnh Thắng – Nguyễn Bá Thế.
19. Sử ký Tư mã thiên, Phan Ngọc dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 1999.
20. Lịch sử Thế giới của Nguyễn Hiến Lê - Thiên GiangNXB Văn hóa Thông tin, 1998.
21. Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa Thông tin, 1996.
22. Trung Quốc sử lược của Phan Khoang, NXB Văn hòa – Thông tin, Hà Nội năm 2002.
23. Lịch sử văn minh Trung Quốc của Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 2004.
24. Sử Phật giáo thế giới, tập 1: Ấn Độ - Trung quốc ; tập 2: Phật Giáo Tích Lan,  Myanmar, Thái Lan, Laos, Campuchia của thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh.
25. Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, của Viên Trí, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
26. Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa của André Bareau; Pháp Hiền dịch, NXB Tôn giáo, 2003.
27. Lịch sử Phật giáo Việt Nam , của GS. Lê Mạnh Thát, Tập I,II,III NXB Thuận Hóa, 1999-2001.
28. Việt Nam Văn hóa Sử cương của Đào Duy Anh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1992.
29. Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1+2+3 của Nguyễn Khắc Thuần, nhà xuất bản giáo dục, 1997. 

---------------------------------------------


Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...