BÀI XƯỚNG TẾ CHÍNH THỨC TRONG LỄ CHẠP & TẾ TỰ CỦA CÁC DÒNG HỌ TẠI HUẾ.

Chủ tế và các chấp sự trong một cuộc Lễ


(Áp dụng cho Từ Đường có 01 Hương Án ở gian giữa và chỉ có một chiếu cho chủ tế, không có chiếu thần vị)

BAN HÀNH LỄ :
- Tế chủ, thường là vị tộc trưởng. Trường hợp vị tộc trưởng quá già lão sức khỏe yếu; hoặc vị tộc trưởng bệnh tật hay đi vắng – thì có thể chọn một vị đồng hàng hay một vị huynh trưởng có uy vọng thay thế.
- Hai bồi tế, tức là hai vị đứng lạy hai gian tả - hữu hai bên. Thường là các vị trưởng nhánh (phái) trong tộc. Nếu tộc chỉ có một nhánh thì chọn hai vị đồng hàng cao nhất , hoặc các huynh trưởng .
- Đông xướng – Tây xướng (hai người xướng lễ). Đây là hai người điều khiển toàn bộ cuộc lễ. (hiện nay chỉ do một người)
- Người đọc chúc văn.
- Hai đồng văn : đây là từ cổ chỉ người đánh chiêng và người đánh trống – tại Huế hiện gọi hai người này là Chinh – Cổ.
- Đội ngũ chấp sự : Mỗi gian thờ có 02 người, tất cả là 06 người chính thức. Ngoài ra còn một số để phục vụ cho việc thắp nhang đèn, dâng rượu, dâng hương, phủng văn tế, phụ cho việc đốt văn tế…

BẮT ĐẦU HÀNH LỄ
Xướng lễ:
- Củ soát tế vật: Kiểm soát lễ vật (2 chấp sự dẫn chủ tế vào nội điện cầm nến soi xem xét lại lễ vật).
- Ế mao huyết: Vứt bỏ lông và huyết
- Chấp sự giả, các tư kỳ sự : Mọi người chấp sự sẵn sàng hành lễ.
- Khởi chinh cổ, các tam nghiêm : Nổi chiêng trống ba hồi.
- Nhạc sinh tựu vị : Đội nhạc ngồi vào vị trí, cử nhạc. 
- Tế chủ cập các chấp sự giả nghệ quán tẩy sở : Chủ tế, các bồi tế và các chấp sự đến chổ rửa tay mặt, thuế cân ( lau khô ).
- Bồi tế tựu vị : Bồi tế vào chiếu (trước)
- Tế chủ tựu vị : Chủ tế vào chiếu (sau).
- Thượng hương : Lễ thượng hương, hai chấp sự 2 bên bưng lư hương và hộp trầm giao chủ tế quỳ vái xong, chấp sự đặt lên hương án.
- Nghênh thần cúc cung bái : Tế chủ và bồi tế lạy bốn lạy, theo nhịp xướng ( bái – hưng).
- Bình thân : Đứng nghiêm.
- Hành sơ hiến lễ : Dâng rượu tuần đầu ( các chấp sự tiến vào hương án ).
- Chước tửu : Rót rượu.
- Nghệ hương án tiền : đứng nghiêm
- Quỵ : Quỳ.
- Phủ phục : cúi lạy, hưng: đứng lên. 
- Bình thân phục vị : đứng nghiêm.
- Độc chúc : Chuẩn bị đọc văn 
- Nghệ đọc chúc vị : Tế chủ đứng nghiêm, hai chấp sự của hàng giữa tiến vào hương án phủng văn tế ra. 
- Giai quỵ : Tất cả quỳ xuống ( chủ tế, bồi tế, người chuyển văn người đọc văn).
- Chuyển chúc : Người chuyển văn đưa chủ tế vái một vái rồi giao người đọc.
- Tuyên đọc chúc vị : Người đọc văn bắt đầu đọc ( Đọc xong lại giao chủ tế vái 1 vái và giao cho hai người chuyển là 2 chấp sự trả lại vị trí cũ).
- Phủ phục : Cúi lạy, Hưng – bái : 2 lạy ( 2 lần ). 
- Bình thân phục vị : Chủ tế đứng nghiêm.
- Hành á hiến lễ : Dâng rượu tuần thứ 2 ( Các chấp sự tiến vào hương án)
- Chước tửu : rót rượu.
- Nghệ hương án tiền : Chủ tế đứng nghiêm
- Quỵ : Quỳ 
- Phủ phục : Cúi lạy, Hưng : Đứng lên
- Bình thân phục vị : đứng nghiêm.
- Hành chung hiến lễ : Dâng rượu tuần thứ 3. ( Các chấp sự tiến vào hương án ) 
- Chước tửu : Rót rượu
- Nghệ hương án tiền : Chủ tế đứng nghiêm
- Quỵ : quỳ 
- Phủ phục : Cúi lạy, hưng : đứng lên.
- Bình thân phục vị : Đứng nghiêm.
- Phủ phục : Cúi lạy hai lạy theo nhịp xướng hưng – bái 
- Tiểu khước: - Chủ tế và các bồi tế tạm lui ra khỏi chiếu của mình và tiến vào các chiếu khác lạy 2 lạy (khi lạy không theo nhịp xướng nữa), xong đứng ra ngoài chiếu của mình, nhường lại cho quan khách và bà con nội ngoại vào lễ tổ tiên .
Sau khi người cuối cùng lễ xong : 
- Bình thân phục vị : Chủ tế và các bồi tế trở về vị trí cũ. 
- Cúc cung bái : lạy 4 lạy theo nhịp xướng, Hưng – bái
- Bình thân : Đứng nghiêm
- Điểm trà : Các chấp sự tiến vào hậu tẩm, đổ các ly nước súc miệng và rót trà vào các  ly này cùng các bộ ly đã được chuẩn bị sẵn .
- Phần chúc : Đốt bài văn tế ( Chủ tế, hai chấp sự hầu gian giữa tiến vào hậu tẫm rước văn tế và một cây đèn cầy đem ra đỉnh trước sân để đốt ) 
- Bình thân phục vị : Đứng nghiêm.
- Lễ tất : Lễ xong. ( Chiêng trống đánh một hồi dài )
(Chủ tế và các bồi tế xá dài theo nhịp chiêng trống cho đến khi dứt hồi)
KẾT THÚC CUỘC LỄ .

                       *  CÁCH ĐÁNH CHIÊNG - TRỐNG:
   Người được mời đánh chiêng (trống) trong các cuộc lễ tại làng hay tại các tộc họ là người khá quan trọng, có địa vị trong tộc họ và trong làng xã. Cho nên người này phải là người có đạo đức tốt, không có tang chế và phải có những hiểu biết, kinh nghiệm về các nghi thức tế tự trong họ tộc, trong làng xã. 
   Theo đó khi đánh chiêng phải biết quan sát cuộc lễ và theo đúng nhịp xướng của người Đông xướng, người đánh trống phải hòa theo đúng nhịp của người đánh chiêng.  Ngoài hướng dẫn trong bài xướng trên đây về cách đánh chiêng vào đầu và cuối cuộc lễ, xin lưu ý một chi tiết khá quan trọng là trong cuộc lễ khi người xướng lễ vừa xướng lên một nghi thức gì – thì người đánh chiêng phải đánh 03 tiếng và người đánh trống phải hòa nhịp theo. Chỉ duy nhất khi nghe xướng “Bình thân phục vị” là không đánh chiêng mà phải dợi nhịp xướng tiếp theo. Ngoài ra khi đọc chúc văn thì trống được nghĩ, chỉ có đánh chiêng – người đánh phải quan sát kỹ khi thấy người đọc, đọc cuối câu văn thì đánh một tiếng chiêng. Cứ như vậy cho hết bài văn tế, khi hết bài văn tế thì đánh 03 tiếng, lúc này trống mới hòa theo. 
     Ngoài ra xưa kia tại các cuộc lễ trong làng xã và trong các tộc họ thì chỉ có ban nghi lễ như trên hành lễ, quan khách và phụ nữ không được tham gia hành lễ. Nhưng từ năm 1932 khi Hoàng đế Bảo Đại hồi loan chấp chính ông đã cải biên nghi lễ này có thêm phần quan khách và con cháu trong làng trong tộc được tham gia vái lạy, nên khi xong 03 tuần rượu là tới phần "Tiểu khước" - thì chủ tế và 02 vị bồi tế lui ra tạm nghỉ. Một số quan khách trọng vọng và con cháu (hoặc dân làng) được mời vào hành lễ (vái lạy) trước 03 hương án. Lúc này vị Đông xướng cũng tạm nghĩ, chỉ có chiêng và trống vẫn được hai vị Chinh – Cổ đánh đều đều nhịp 3 cho tới khi vị khách cuối cùng lễ xong. Vị Đông xướng trở về vị trí và cuộc lễ được tiếp tục .

    THAY LỜI KẾT:
   Trên đây là Bài Xướng Tế thông dụng thường được dùng trong các lễ kị, lễ chạp bình thường của các dòng họ, với ba tuần rượu đơn giản. Đây cũng là bài xướng tế áp dụng trong các cuộc lễ tiến hành ở các nhà thờ họ mà từ đường tuy có ba gian nhưng gian giữa chỉ có một hương án (tức 01 chiếu). Ở các tộc họ từ đường có ba gian thờ nhưng gian giữa có hai hương án ( tức hơn 01 chiếu) thì sẽ có bài xướng tế khác.
    Ở trong các cuộc lễ tế lớn như khánh thành, hoặc đại lễ của các dòng họ thì cũng có bài xướng tế khác hẳn. Nhưng qua quan sát ở rất nhiều cuộc lễ tại Huế và qua các văn bản cổ truyền lại, tôi thấy chỉ có một sự khác biệt duy nhất ở đây là ở các cuộc lễ lớn có nhiều tuần rượu hơn, có thể là năm, bảy, hoặc mười hai tuần rượu, và khi dâng rượu là phải dâng bằng khay. Và rượu thì được đem mới từ ngoài vào trong hậu điện chứ không phải rót tại chỗ như các cuộc lễ thông thường .
    Đây cũng là bài xướng tế và bài chiêng hiện đang được Nguyễn Phước Tộc xử dụng và được ghi chép lại. Sau khi đối chiếu so sánh với các nghi thức của một số tộc họ trong khu vực huyện Phú Vang và Phú Lộc, đồng thời qua ghi chép các nghi thức đang được tiến hành và bảo tồn tại chính tộc họ Đinh Khắc. 
    Qua nghiên cứu xét thấy hoàn toàn không có sự khác nhau của các nghi thức tế tự trong các làng xã và các tộc Họ tại khu vực TT – Huế. Chỉ có một số khác biệt giữa các nghi thức của Hòang tộc với bách tính, nhưng sau khi so sánh tôi cũng thấy chỉ một cái khác ở chỗ là tại Hoàng tộc thì đầy đủ nghi thức theo quy định và thời gian dài hơn, trong làng xã - họ tộc thì đơn giản hơn. Nhưng không có sự khác nhau giữa các tộc họ, vì đây là luật tục được nhà nước thời Nguyễn quy định nên không thể có sự khác nhau. Hiện nay tại một số vùng, một số làng xã và một số tộc Họ do quá trình chiến tranh kéo dài và do khó khăn kinh tế nên có lược bớt đi một số nghi thức ; nhưng cái nền căn bản của các nghi thức này vẫn được gìn giữ khá tốt .
     Bài viết này được viết theo yêu cầu của một số thành viên của tộc họ Đinh Khắc, nhằm giúp cho bà con biết được những nghi thức tối thiểu để khỏi lúng túng khi tham gia các cuộc lễ của dòng họ và của làng xã ./.

ĐKT
20.01.2006


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...