Sinh hoạt trong các cộng đồng Họ Tộc tại tỉnh Đăk Lăk

Nhà Bảo tàng các đân tộc Việt Nam tại TP. Buôn Ma Thuột


     Buôn ma thuột, thủ phủ của vùng Tây nguyên hiện nay là thành phố cấp I trực thuột tỉnh Đăk Lăk, đây còn là trung tâm của vùng sản xuất cà phê chính của Việt Nam với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng. Theo những tư liệu lịch sử của người Pháp để lại ( vừa được nhà nước Pháp tặng cho Việt Nam ) và tư liệu của Giáo Phận Ban mê thuột công bố, thì vùng đất này như là một lãnh thổ hải ngoại của người Pháp chiếm của nước Lào năm 1898, cho tới năm 1924 - viên công sứ pháp là Sabatier – đã ban hành một đạo luật nghiêm cấm người Kinh đi lại và sinh sống trên vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay. Theo tư liệu của phía Pháp thì cho tới năm 1926, ngoài các công chức người Việt được người Pháp đem lên Tây Nguyên phục vụ cho người Pháp, chỉ có 200 người Kinh lên làm công nhân trong các đồn điền của công ty nông nghiệp An Nam ( tiếng Pháp là compagnie agricole d'asie - c.a.d.a , nông trường cà phê Tháng 10 hiện nay). Cũng theo tư liệu của Pháp, thì toàn tỉnh Đăk Lăk hiện nay, năm 1945 ngoài các sắc dân bản địa, chỉ có 4000 người nước ngoài, người Kinh ( kể cả công chức, tư chức  …). nhưng những người này phải có những giấy phép đặc biệt mới được đi lại. Còn công nhân đồn điền thì bị buộc sống trong những khu vực khép kín, không được đi lại bên ngoài .
     Cho mãi tới năm 1946 khi Tây Nguyên được gọi là Hoàng triều Cương thổ có sự cai quản chung giữa người Pháp và triều đình Nhà Nguyễn, khi viên Quản Đạo đại diện cho chính phủ Nam Triều - là Tôn Thất Hối, làm tờ trình xin thành lập một ngôi làng của người An Nam tại Đăk Lăk có thống kê lại toàn bộ người Kinh đang sinh sống tại đây để đủ cho một làng theo quy định lúc ấy thì “người An Nam”,( ngoài công nhân các đồn điền sống biệt lập), tất cả các công, tư chức, thương gia ,kỹ nghệ , thường dân không đến 1000 người .
    Cho nên có thể khẳng định người Kinh định cư ở Đăk Lăk khá muộn so với các vùng miền khác trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam – vùng đất Nam tiến sau thế kỷ 17 của dân tộc ta. Cho đến nay vẩn chưa hề có một công trình nghiên cứu nào ở cấp độ nhà nước, nghiên cứu một cách chính thức về sinh hoạt văn hóa trong các cộng đồng các tộc Họ đang sinh sống tại tỉnh Đăk Lăk cả .
    Bài viết này chỉ xin được trình bày đôi nét về sinh hoạt trong cộng đồng các Tộc Họ gốc người Thừa Thiên – Huế. So với các cộng đồng cư dân khác, cộng đồng dân cư gốc Huế đến định cư tại Đăk Lăk khá muộn và số lượng khá khiêm tốn , họ sống phân bố chủ yếu tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Krông Bông, huyện Krông Păk, huyện Krông Ana , huyện Lăk , thị xã Buôn Hồ…. , những cư dân nhập cư đầu tiên vào Đăk Lăk là những người lính khố xanh, sau đó là những cai đồn điền cà phê , họ sống chủ yếu tại Buôn ma Thuột . Mãi cho tới những năm 1954 – 1968, những cư dân gốc Huế nhập cư chủ yếu vẫn là những người lính của Việt Nam Cộng Hòa và một số rất ít những người thợ mộc đến hành nghề. Chỉ duy nhất có một cộng đồng khá lớn gồm những cư dân gốc ở huyện Phong Điền và Quãng Điền vào định cư tại vùng ven phía Bắc thành phố Buôn Ma Thuột lập nên làng Đạt Lý nổi tiếng sau này ( xã Hòa Thuận hiện nay ).Vì Buôn Ma Thuột lúc này chỉ là một thị xã nhỏ bé , kinh tế chưa có gì đường sá đầy bụi.
    Mãi cho đến những năm sau giải phóng, với phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới của những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, số lượng cư dân gốc Huế nhập cư ồ ạt vào Đăk Lăk khá lớn và họ sống quần cư theo từng vùng đất mà chính quyền cấp cho cộng đồng của xã hoặc huyện nơi quê gốc của họ và lấy tên của xã hoặc huyện của quê cũ đặc tên cho quê mới. Đã hình thành nên những địa phương có cộng đồng cư dân gốc Huế khá đông như tại xã Phú Lộc, xã Phú xuân, xã Tam Giang của huyện Krông Năng; xã Ea Hur , huyện Kunin; thị trấn Buôn Trấp huyện Krông Ana …Đi vào các vùng này ta có cảm tưởng như vào một làng hay một thị tứ - thị trấn nào đó của xứ Huế, nhất là nếu bà con xứ Huế có dịp đi vào chợ trung tâm thị trấn Buôn Trấp, ta có cảm giác như đang ở chợ An Cựu hay chợ Vinh Thanh . Thời kỳ đầu mới vào lập nghiệp đời sống của họ rất khó khăn , nhưng dần dần với tính chịu thương chịu khó vốn có của người Huế, hiện nay họ là một trong những cộng đồng tương đối thành đạt nhất trên vùng đất đỏ này.
     Khi đã ăn no mặc đẹp, họ bắt đầu nghỉ đến đời sống văn hóa , đời sống tâm linh …, đã có những ngôi chùa, ngôi nhà thờ được mọc lên theo thời gian. Ở một số nơi đã có những ngôi nhà thờ Họ được xây dựng như tại làng Đạt Lý ( tp Buôn Ma Thuột ), tại một số xã của huyện Krông Năng; nhưng quy mô còn khiêm tốn. Vì cũng bởi nhiều lý do trong đó chủ yếu là do những người đi xây dựng quê mới nếu lớn tuổi nhất cũng chỉ mới ngoài 60 tuổi, đa số đều còn trẻ, thậm chí có người còn có cha mẹ hoặc anh em ruột thịt đang sống ở quê. Trong cuộc sống tâm linh ngoài tôn giáo mà mình gửi gắm tâm hồn, họ đều có một góc trong tâm hồn dành cho tổ tiên ông bà nhất là các đấng sinh thành.
    Hằng năm vào các dịp Lễ chạp truyền thống ở quê hương, chúng ta sẽ thấy hàng đoàn các bà con xứ Huế tay xách nách mang lũ lượt kéo nhau về quê làm bổn phận với tổ tiên với làng nước nơi quê cũ. Sau khi làm xong trách nhiệm làm người, họ vội vã quay lại với cuộc sống thường nhật, nhưng dư âm của những ngày về thăm quê vẫn còn mang nặng trong tâm khảm của những người con xứ Huế đang tha phương. Họ đã bàn nhau với những người cùng Họ Tộc, hoặc cùng Làng tiến hành một Lễ gọi là Lễ Chạp Lại – với mong muốn có một chút vọng tưởng về quê hương và một chút tri ân với Bổn Thổ Thần Hoàng nơi quê mới , đồng thời đây cũng là một dịp rất tốt để gặp nhau thăm viếng nhau.
     Quy mô của các cuộc lễ này lúc đầu khá đơn giản, nhưng lâu dần với đà tăng trưởng của cuộc sống kinh tế, các cuộc lễ được tổ chức khá quy mô với đầy đủ nghi thức trang trọng của quê hương bản quán mang theo. Lúc đầu việc tổ chức các cuộc Lễ này thường được tiến hành tại nhà riêng của một thành viên nào đó có điều kiện, có nhà cửa rộng rãi; sau đó là luân phiên. Nhưng lâu dần xét thấy bất tiện và với những dòng Họ có con cháu đông họ đã cùng nhau đóng góp xây dựng nên một nơi để thờ tự - cúng bái, sau là để làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng những người chung một dòng Họ nơi quê mới. Đó là lịch sử hình thành những ngôi Từ Đường của các dòng họ gốc Huế trên vùng cao nguyên này .
     Đây là một nét văn hóa Huế được những người dân xứ Huế mang vào vùng đất này, nó gây nên một ấn tượng rất tốt cho mọi cư dân bản địa, đồng thời là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần phải được gìn giữ mãi mãi cho các thế hệ sau .
     Gần đây trước phong trào đi tìm cội nguồn của các Tộc Họ, một số dòng Họ đã lập nên những Ban Liên Lạc thống nhất của dòng họ mình để hướng dẩn bà con trong từng bổn tộc tìm đến với nhau , nhằm giúp nhau trong cuộc sống; kết gắn tình máu mủ tình thâm.
    Tộc Họ Đinh cũng hòa vào dòng chảy chung của thời đại, Ban Liên Lạc họ Đinh Việt Nam đã được thành lập vào năm 2011, tiếp đó Ban Liên Lạc họ Đinh tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng được thành lập năm 2012. Vào ngày 25 tháng 9 năm 2013, đã diễn ra một sự kiện trọng đại của bà con Tộc Họ Đinh khu vực miền Trung và Tây Nguyên là Ban Liên Lạc họ Đinh khu vực miền Trung và Tây Nguyên được thành lập, với đầy đủ đại diện của tất cả các Tộc Họ Đinh trong khu vực. Ban Liên Lạc sẽ là cầu nối cho bà con trong việc kết nối Họ tộc cùng hướng về cội nguồn, làm nơi gặp gỡ thăm viếng nhau trong tình thân ái máu mủ, sẽ hướng tới cùng giúp nhau trong cuộc sống , trong công việc .
     - Ban Liên Lạc họ Đinh miền Trung và Tây Nguyên đã phân công ông Đinh Khắc Thiện , hiện đang sinh sống tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk - Phó Ban Liên Lạc – làm Trưởng Ban Liên Lạc họ Đinh các tỉnh Tây nguyên  ( ĐT : 0905304610 ). Ông Đinh Ngọc Vũ , hiện đang sống tại tp Kon Tum làm phó Ban liên Lạc Tây Nguyên ( 0978123377 ) .
     - Chúng tôi rất mong bà con Họ Đinh đang sinh sống và học tập tại Tây Nguyên, khi nhận được thông tin này hãy liên lạc với đại diện Ban Liên Lạc Họ Đinh Tây Nguyên ./.

ĐKT

30.10.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...