TỨ THÔN ĐẠI ĐIỀN

Đường Trần Phú bên bờ biển vịnh Nha Trang

- Giới thiệu:
Tứ thôn – tức là 4 thôn Đại Điền gồm: Đại Điền Nam – Đại Điền Tây – Đại Điền Trung và Đại Điền Đông. Đây là một địa danh chỉ một vùng đất mà xưa kia (vào đầu thời nhà Nguyễn) thuộc làng Đại An, tổng Trung Châu, phủ Diên Khánh, Trấn Bình Hòa; ngày nay thuộc hai xã Diên Sơn và Diên Điền, huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa. Đây đồng thời là một vùng đất lịch sử, một căn cứ địa cách mạng nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. 
Tứ thôn Đại Điền là vùng đất nằm ở vùng hạ lưu thuộc bờ Bắc của con sông Cái. Mà phía bờ bên kia của con sông Cái chính là thành Diên Khánh; lỵ sở, trung tâm hành chính - chính trị và văn hóa – lịch sử của tỉnh Khánh Hòa trong gần 150 năm. Và chỉ cách trung tâm thành phố Nha Trang về phía Tây khoảng hơn 10 km theo đường chim bay.

Toàn cảnh vùng tứ thôn Đại Điền nhìn từ trên cao

Tỉnh Khánh Hòa với thành phố du lịch biển nổi tiếng nhất VN – Nha Trang, với biển xanh - cát trắng - nắng vàng, với bãi biển đẹp, với vịnh biển được xếp hạng quốc tế; với các khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia và quốc tế …. đây là điều mà hầu như ai cũng biết. 
Nhưng có một điều mà không phải ai cũng biết là Khánh Hòa cũng hội tụ khá đầy đủ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở tầm cỡ quốc gia. Ở đó, có những di chỉ khảo cổ học của nền văn hóa Sa Huỳnh như Hòa Diêm, Bích Đầm, những di sản văn hóa Chămpa một thời rực rỡ với di tích Tháp bà. Người dân Khánh Hòa còn tự hào về những di tích Nho học, đó là Văn miếu Diên Khánh, Văn chỉ Ninh Hòa và Văn chỉ Vĩnh Xương. Khánh hòa cũng có hàng loạt các thành quách như thành Diên Khánh (một trong hai ngôi thành cổ duy nhất còn lại tại VN), những đình đền, miếu mạo với hàng trăm năm tuổi được bảo tồn và tôn tạo. 
Tất cả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại đây đang được gìn giữ khá tốt đã phát huy giá trị; trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Và là tài sản vô giá cho các thề hệ sau này có cái để mà tự hào với người ngoài.

Bản đồ hành chính huyện Diên Khánh

- Toàn cảnh:
Kể từ năm 1653, khi vùng đất này trở về với nước Việt, công cuộc di dân từ khu vực phía Bắc và vùng Thuận - Quảng vào khai hoang lập ấp ở vùng đất mới của người Việt cũng bắt đầu. Tuy công việc được tiến hành qua nhiều giai đoạn với những thời gian khác nhau, nhưng những vùng đất đầu tiên in dấu chân của người Việt trải dài từ Vạn Ninh, Ninh Hòa đến Diên Khánh, Nha Trang, Cam Ranh …
Khi những cư dân Việt đến định cư tại vùng đất mới, nơi họ tìm kiếm đầu tiên chính là nguồn nước và tìm đất để trồng trọt cày cấy nhằm kiếm cái ăn. Nơi họ đến khai phá đầu tiên chính là vùng đồng bằng hạ lưu hai con sông lớn nhất trong vùng đó là sông Dinh và Sông Cái. Nơi đây là một vùng đất bằng phẳng đất đai màu mỡ và khá gần cửa bể thuận tiện cho việc giao thương về sau. Sau hàng trăm năm khai phá họ đã xây dựng nên những khu thị tứ sầm uất tồn tại đến ngày nay, đó là thị xã Ninh Hòa (sông Dinh) và Tp Nha Trang - thành Diên Khánh (sông Cái).

Ở trung tâm của đồng bằng sông Cái đã hình thành nên những làng xóm trù phú, dân cư đông đúc, lâu dần biến thành những khu thị tứ được lấy làm trung tâm hành chính - chính trị cho các thể chế nhà nước. Nổi bậc hơn cả đó chính là Phủ thành Diên Khánh - 延慶, (*) nằm ở trung tâm của tỉnh Khánh Hòa. Đây là trung tâm hành chánh, chính trị của Khánh Hòa ngay từ đầu thời nhà Nguyễn cho tới năm 1946. 

Thành cổ Diên Khánh

 Diên Khánh là một vùng địa hình núi sông hùng vĩ, ngoài con sông Cái là con sông lớn nhất tỉnh và các chi lưu của nó chảy qua. Diên Khánh còn có nhiều danh sơn như Hòn Ông, Hòn Bà, Hòn Cô, Hòn Cậu (đủ thế Tứ linh), trong đó có ngọn núi cao như Hòn Bà 1.574m.
Núi sông Diên Khánh tạo ra rất nhiều kỳ quan thiên nhiên như Đại An, suối Ngỗ, suối Đỗ, suối Tiên, núi Trường Tiên.


Dòng sông Cái nhìn từ cầu Mới trên quốc lộ 1A

Song song với quá trình di dân, khẩn hoang lập nghiệp là sự hình thành các cộng đồng làng xã và tiếp theo đó là những thiết chế văn hóa truyền thống cũng được xây dựng như: chùa, miếu, đình làng… Khi các thiết chế văn hóa này được dựng lên đã khẳng định sự phát triển ổn định mang tính lâu dài của một cộng đồng cư dân người Việt tại vùng đất mới.

Cái danh xưng “Tứ thôn Đại Điền” cũng bắt đầu từ đó mà ra. Theo chính sử (*) cho biết vào năm 1813 – niên hiệu Gia Long thứ 12, sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, chiến tranh không còn. Cư dân miền ngoài bắt đầu được triều đình khuyến khích di dân vào Nam, một số đã dừng chân định cư tại làng Đại An.
Làng Đại An thuộc tổng Trung Châu, phủ Diên Khánh vốn là một ngôi làng nhỏ bé nằm bên bờ Bắc dòng sông Cái ngay bên con đường thiên lý Bắc – Nam. Đất lành chim đậu, khiến những lưu dân dừng chân định cư ở đây khá đông, làng Đại An (*) lúc này bỗng chốc trở thành một ngôi làng khá lớn, với dân cư đông đảo. Để thuận tiện cho việc quản lý, làng Đại An được phân ra thành 04 thôn là Đại Điền Đông, Đại Điền Tây, Đại Điền Nam và Đại Điền Trung (gọi chung là Tứ thôn Đại Điền), thuộc tổng Trung Châu, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Do người đông, đất rộng nên công cuộc khai hoang dần dần đã tiến tới tận chân núi Đại An, Hòn Tháp, Hòn Ngang, Trảng Găng, Trảng Ké, Dòng Sặt, Dòng Tra.

Tới năm 1963 khi cấp tổng bị bãi bỏ để thành lập cấp xã thì 04 thôn Đại Điền được nâng cấp lên thành làng. Hiện nay, bốn làng đã sát nhập lại với nhau thành 02 xã là Diên Điền và Diên Sơn thuộc huyện Diên Khánh. Trong đó, xã Diên Sơn bao gồm 02 làng là: Làng Đại Điền Nam; làng Đại Điền Tây; xã Diên Điền có 02 làng là: Làng Đại Điền Trung, làng Đại Điền Đông; mỗi làng được chia thành từ 2 tới 3 thôn.

Nhà thờ giáo xứ Cây Vông tại xã Diên Sơn

Qua nghiên cứu cho thấy có rất nhiều nhà nghiên cứu sử của tỉnh Khánh Hòa do không có kiến thức chuyên môn về ngôn ngữ Hán – Nôm; đã không biết được từ - trong tiếng Hán (*) khi phiên âm viết là – dịch ra tiếng Việt đọc là Làng , cho nên các vị cứ gọi làng Đại An thời nhà Nguyễn chính là xã Đại An. Đồng thờ các vị cũng không biết được sự phân cấp trong bộ máy quản lý hành chánh thời Nguyễn gồm có từ cấp thấp nhất là: Thôn (ấp) làng (xã), tổng, huyện (phủ), tỉnh (dinh, trấn). Cho nên trong bộ máy hành chính thời nhà Nguyễn hoàn toàn không có cấp xã (như cấp xã hiện nay), nên chỉ được gọi là làng Đại An chứ không phải là xã Đại An như cách viết, cách hiểu của rất nhiều nhà nghiên cứu sử tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay !

Đình làng Đại Điền Tây

Đình làng Đại Điền Trung

Ngay từ khi lập làng, cư dân làng Đại An đã xây dựng ngôi đình làng làm nơi cúng kính tế tự khi mỗi độ xuân về. Nhưng tới thời vua Tự Đức (1848-1883) khi dân số ngày càng đông, làng đã được chia thành 4 thôn; trước nhu cầu đòi hỏi là cần phải có sự sinh hoạt riêng biệt và ngôi đình làng không thể chứa hết cư dân của 04 thôn vào mỗi dịp lễ lạt. Ngôi đình làng Đại An đã được phân chia như sau: thôn Đại Điền Tây nhận Nhà Đông, thôn Đại Điền Nam nhận Miếu Tiền Hiền, thôn Đại Điền Đông nhận Chính điện và thôn Đại Điền Trung nhận Bái đường. Và mỗi thôn tự tổ chức cúng kính tế tự vào những ngày khác nhau.
Theo những ghi chép trong Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết (*) : Các vị tiền hiền và ngôi đình làng Đại An thuộc tổng Trung Châu, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; được triều Nguyễn sắc phong hai lần:
Lần thứ nhất: Sắc phong ngày 18 tháng 3 Khải Định năm thứ 2 (1917).
Sắc phong cho Bản Cảnh Thành Hoàng chi thần với mỹ hiệu “đôn ngưng dực bảo trung hưng Hạ đẳng thần”.
Lần thứ hai:  Sắc phong ngày 25 tháng 7 Khải Định năm thứ 9 (1924).
Sắc phong cho Bản Cảnh Thành Hoàng với mỹ hiệu “đôn ngưng dực bảo trung hưng tịnh hậu Trung đẳng thần”.

Bản đồ hành chính tỉnh Khánh Hòa

- Lịch sử:
Lại nói một chút về lịch sử hình thành và phát triển của cái vùng đất mà ngày nay là tỉnh Khánh Hòa (*).
- Tỉnh Khánh Hòa trước năm 1653 vốn là lãnh thổ của tiểu vương Kauthara thuộc vương quốc Champa (Vương quốc Champa không phải là một nhà nước thống nhất, mà là một liên hiệp gồm 5 tiểu vương quốc nhỏ hợp thành. Mỗi tiểu quốc là một lãnh thổ riêng biệt, có một ông vua riêng và có luật pháp riêng. Tất cả 05 tiểu quốc này liên kết với nhau lập thành Vương quốc Champa (Chiêm thành) chỉ bằng một hiệp ước khá lỏng lẻo)Năm 1653 lấy cớ vua Chiên Thành là Bà Tấm (hay còn gọi là Bà Bật) thường cho quân quấy nhiễu dân Việt ở Phú Yên. Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) sai quan cai cơ Hùng Lộc đem 3000 quân sang đánh. Quân Chiêm thua trận, vua Chiêm Thành sai con mang thư hàng và xin dâng đất từ sông Phan Rang trở ra đến Phú Yên cho Chúa. Chúa chấp thuận, giao cho quan quân ở lại chiếm giữ.

Vùng đất mới này Chúa đặt thành dinh Thái Khang gồm hai phủ là phủ Thái Khang gồm các huyện Tân Định, Quảng Phước ở phía bắc (nay là các huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh) và phủ Diên Ninh gồm các huyện Phước Diên, Hoa Châu, Vĩnh Xương ở phía nam (nay là các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang và một phần phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận). Từ đó, vùng đất này đã trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và công cuộc di dân người Việt vào khai khẩn lập làng được đẩy mạnh. Cư dân Việt ngày càng đông đúc, nhưng sống tập trung chủ yếu tại các hạ lưu hai con sông Dinh và sông Cái.
Đến năm 1690, phủ Thái Khang được đổi tên thành phủ Bình Khang. Năm 1742, phủ Diên Ninh đổi thành phủ Diên Khánh.

Vào năm 1771, ba anh em nhà Tây Sơn dấy binh đánh Chúa Nguyễn. Chỉ ba năm sau, quân Tây Sơn đã kiểm soát vùng đất kéo dài từ Quy Nhơn đến Bình Thuận. Sau đó, tướng nhà Nguyễn là Tống Phúc Hạp kéo quân ra đánh lấy lại được Dinh Bình Thuận và Phủ Diên Khánh nhưng rồi lại bị Nguyễn Huệ đem quân đánh lấy lại được hai vùng trên. Tháng 7 năm 1793, Định Vương Nguyễn Phúc Ánh thân chinh thống lĩnh đại binh thủy, bộ từ Gia Định kéo ra tiến đánh phủ thành Diên Khánh. Quân Nguyễn từ cửa biển Nha Trang tấn công lên Diên Khánh. Quân Tây Sơn không cầm cự nổi phải bỏ Diên Khánh và Bình Khang. Nguyễn Ánh sai người xây thành Diên Khánh, lập xưởng đóng thuyền. Sau đó, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu tuy đã hai lần đem quân vào đánh nhằm chiếm lại phủ Diên Khánh vào các năm 17941795 nhưng đều không thành.

Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Năm 1803, Dinh Bình Khang được đổi tên thành Dinh Bình Hòa, phủ Bình Khang cũng được đổi tên thành phủ Bình Hòa nhưng lỵ sở đã được chuyển từ đây sang phủ Diên Khánh. Năm 1808, Dinh được đổi thành Trấn. Đến năm 1831 (năm Minh Mạng thứ 12), trấn Bình Hòa được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa, còn phủ Bình Hòa trở thành phủ Ninh Hòa. Vào thời điểm năm 1802, tỉnh Khánh Hòa gồm 2 phủ, 4 huyện là: Phủ Diên Khánh gồm 2 huyện: Phước Ðiền, Vĩnh Xương; Phủ Ninh Hòa gồm 2 huyện: Quảng Phước và Tân Ðịnh, tỉnh lỵ là Phủ Diên Khánh.

Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn ký kết hiệp ước Patenotre với Pháp, Khánh Hòa là một tỉnh thuộc xứ Trung Kỳ, nên vẫn là một bộ phận của Nam triều, dưới sự bảo hộ của Chính phủ Pháp. Quan lại của Nam triều gồm có chức tuần vũ, án sát coi việc hành chính, lãnh binh coi việc canh gác và giữ gìn an ninh trong tỉnh, vẫn đóng lỵ sở tại Diên Khánh. Nhưng các cơ quan bảo hộ Pháp gồm có chánh sứ, phó sứ và giám binh, thì lại đóng tại Nha Trang. Lúc này Nha Trang dần phát triển thành thị trấn.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, giao tỉnh Khánh Hòa cho các quan Nam triều quản lý, cơ quan hành chính của tỉnh dời xuống Nha Trang. Từ đó, Nha Trang chính thức trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa. Phủ thành Diên Khánh từ đó không còn là trung tâm hành chính và chính trị của tỉnh Khánh Hòa nữa.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, lực lượng Việt Minh ở Khánh Hòa đứng dậy giành chính quyền, nhưng chỉ nắm chính quyền được hai tháng thì Pháp đổ bộ lên Nha Trang và đánh chiếm lại.

Năm 1955, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, bộ máy hành chính tỉnh Khánh Hòa cũng được tổ chức lại trên mọi phương diện. Các phủ huyện đổi thành quận. Các làng đổi thành xã, cấp tổng bị hủy bỏ hòan toàn. Tháng 5 năm 1959, hai tổng Krang Ying và Krang Hinh thuộc tỉnh Đắk Lắk được sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa và lập thành quận Khánh DươngTháng 4 năm 1960, 12 thôn thuộc quận Cam Lâm được trích ra khỏi Khánh Hòa để nhập vào quận Du Long tỉnh Ninh Thuận. Tháng 10 năm 1965, một phần đất quận Cam Lâm ở phía Nam bị cắt để thiết lập thị xã Cam Ranh trực thuộc trung ương (đặc khu Cam Ranh).


Di tích cây dầu đôi

Sau năm 1975 chính phủ hợp nhất hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và thị xã Cam Ranh vào ngày 29 tháng 10 năm 1975 thành tỉnh Phú Khánh. Vào ngày 10 tháng 3 năm 1977, thị xã Nha Trang được nâng cấp thành thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh nhập lại vào huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa trở thành huyện Cam Ranh; hợp nhất 2 huyện Khánh Xương và Khánh Vĩnh thành huyện Diên Khánh. Ngày 5 tháng 3 năm 1979, huyện Khánh Ninh được chia thành 2 huyện: Ninh Hòa và Vạn Ninh.
Vào ngày 30 tháng 6 năm 1989, Có quyết định chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa như cũ. Khi tách ra, tỉnh Khánh Hòa có 8 đơn vị hành chính gồm thành phố Nha Trang và 7 huyện: Cam RanhDiên KhánhKhánh SơnKhánh VĩnhNinh HòaTrường SaVạn Ninh. Ngày 7 tháng 7 năm 2000, huyện Cam Ranh được nâng lên thành thị xã Cam Ranh. Ngày 11 tháng 4 năm 2007, Chính phủ cắt một số xã của thị xã Cam Ranh và huyện Diên Khánh để tái lập huyện Cam Lâm. Ngày 25 tháng 10 năm 2010, Chính phủ ra quyết định thành lập thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của huyện Ninh Hòa cũ. Ngày 23 tháng 12 năm 2010, thị xã Cam Ranh được chính thức công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Vậy việc phủ thành Diên Khánh đã trở thành lỵ sở - là trung tâm hành chính và lịch sử của tỉnh Khánh Hòa từ khi nào ?
Một số nhà nghiên cứu, khi nghiên cứu về lịch sử vùng đất này đã có một số nhầm lẫn khi cho rằng thành Diên Khánh là lỵ sở của Dinh Thái Khang ngay từ khi vùng đất này trở về với nước Việt (tức năm 1653). Một số ý kiến khác lại cho rằng sau khi Nguyễn Ánh đánh chiếm được phủ Diên Khánh từ tay nhà Tây Sơn năm 1792. Và xây dựng lại nó thành một căn cứ quân sự khá lớn năm 1793, ông đã đặt luôn lỵ sở của Dinh Thái Khang tại thành Diên Khánh.
- Nhưng thật tế không phải như vậy, theo những ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn (*) cho biết : Nguyên là sau năm 1653, Chúa Nguyễn Phúc Tần khi đặt Dinh Thái Khang gồm hai phủ là phủ Thái Khang gồm các huyện Tân Định, Quảng Phước ở phía bắc và phủ Diên Ninh ở phía Nam. Lúc này lỵ sở của Dinh Thái Khang đặt tại làng (xã) Phước Đa, huyện Quảng Phước, phủ Thái Khang, (nay thuộc thị xã Ninh Hòa).
Đến năm 1690, phủ Thái Khang được đổi tên thành phủ Bình Khang. Năm 1742, phủ Diên Ninh đổi thành phủ Diên Khánh. Năm 1802, sau khi đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Năm 1803, Dinh Bình Khang được đổi tên thành Dinh Bình Hòa, phủ Bình Khang cũng được đổi tên thành phủ Bình Hòa. Cũng trong năm này lỵ sở của Dinh Bình Hòa đã được vua Gia Long cho chuyển từ phủ Bình Hòa sang phủ Diên Khánh.
Năm 1808, Dinh được đổi thành Trấn. Đến năm 1831 (năm Minh Mạng thứ 12), trấn Bình Hòa được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa, còn phủ Bình Hòa trở thành phủ Ninh Hòa.
Vào thời điểm năm 1803, tỉnh Khánh Hòa gồm 2 phủ, 4 huyện là: Phủ Diên Khánh gồm 2 huyện: Phước Ðiền, Vĩnh Xương; Phủ Ninh Hòa gồm 2 huyện: Quảng Phước và Tân Ðịnh, tỉnh lỵ là Phủ thành Diên Khánh.
Tức là phủ thành Diên Khánh mới trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa từ năm 1803, trước thời điểm này, tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa đóng tại huyện Quảng Phước (thuộc thị xã Ninh Hòa ngày nay).

- Văn hóa:
Diên Khánh còn là vùng đất văn hóa, có nhiều chứng tích lịch sử lớn của non nước Khánh Hoà như khu lưu niệm YERSIN, bia Võ Cạnh, miếu thờ Huỳnh Thúc Kháng, miếu thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp, Am Chúa, Văn Miếu... và đặc biệt là nơi đây còn có rất nhiều ngôi đình cổ có sắc phong của triều Nguyễn; nhiều ngôi nhà rường cổ hơn 200 năm tuổi là một địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu lịch sử tới tham quan nghiên cứu.

Văn miếu Diên Khánh

Hiện nay, tại Khánh Hòa nhất là khu vực chung quanh thành Diên Khánh xưa; cơ quan chức năng của tỉnh và huyện đã phát hiện được hầu hết các di tích lịch sử văn hóa của một chốn phủ thành vốn là trung tâm hành chính và chính trị của một Dinh - trấn xưa kia. Một số bị mai một, bị tàn phá do chiến tranh do thời gian, nhưng hầu hết các di tích chính vẫn còn và đã được chính quyền sở tại phục dựng và trùng tu một cách rất tốt. Một số di tích khá lớn như thành Diên Khánh, văn miếu Diên Khánh, Văn chỉ Vĩnh Xương, Am Chúa… đã được trùng tu rất quy mô.

                              Am Chúa tại xã Diên Điền

Do lịch sử hình thành của vùng đất này chỉ mới hơn 350 năm, nên đặc điểm kiến trúc truyền thống các di tích cổ ở Khánh Hòa nói chung mang phong cách thời nhà Nguyễn. Thông thường di tích truyền thống ở Khánh Hòa có kết cấu khung gỗ với hoa văn trang trí truyền thống, hệ mái có cổ lầu, mái lợp ngói âm dương hoặc ngói vẩy… như thường thấy trong các di tích tại kinh thành Huế. 
Những ngôi đình làng, những ngôi nhà cổ nơi đây thường được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, hay một gian hai chái được lợp ngói âm dương theo kiểu nhà rường tại Huế vẫn còn thấy tại vùng này. Và rất đặc biệt là nó được gìn giữ và bảo quản khá tốt là cả một sự ngạc nhiên lớn đối với chúng tôi !

Một ngôi nhà cổ tại Diên Khánh

Tuy nhiên, do được xây dựng hoặc tu bổ trong giai đoạn chiến tranh, nguồn tài chính khó khăn nên các di tích cổ ở Khánh Hòa không còn kết cấu kiến trúc truyền thống, không có cổ lầu và hầu như có quy mô nhỏ hơn so với trước. Ngoài thành Diên Khánh được trùng tu ở cấp độ nhà nước, thì Văn miếu Diên Khánh cũng được tỉnh và huyện trùng tu và tổ chức các hoạt động văn hóa tôn vinh cái sự học. Văn Miếu Diên Khánh thờ Khổng Tử, Tứ phối (4 vị học trò giỏi được Khổng Tử thương yêu nhất và được phối thờ cùng Ngài là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Khổng Cấp, Mạnh Kha), Thập Triết (10 vị hiền triết có công với Nho giáo là Mẫn Tử Khiên, Tử Trương, Tể Dư, Nhiễm Hữu, Ngôn Yển, Nhiễm Canh, Nhiễm Ung, Trọng Do, Bốc Thượng và Đoan Mộc Tử)…
Dưới thời nhà Nguyễn, Văn miếu Diên Khánh là một trong sáu cơ sở thờ tự của tỉnh Khánh Hòa được liệt vào lệ “Quốc tế” (*). Tức là cơ sở thờ tự của nhà nước, mọi kinh phi tổ chức duy tu bảo dưỡng hay tế tự do nhà nước lo và do người của nhà nước tổ chức.

Từ năm 2004 đến nay, Văn miếu Diên Khánh tiến hành tổ chức và duy trì lễ phát thưởng, trao học bổng “Khuyến học, khuyến tài” cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi của huyện Diên Khánh và tỉnh Khánh Hoà vào lễ “Thánh đán”, nguồn kinh phí được Ban quản lý vận động từ các nhà hảo tâm, của Hội khuyến học tỉnh Khánh Hòa và Hội khuyến học huyện Diên Khánh.

Lễ hội tại Am Chúa tổ chức vào ngày 1.3 âm lịch hàng năm.

Nét văn hóa phi vật thể cổ truyền của người xưa cũng được gìn giữ và phát huy khá tốt ở vùng này. Hầu như làng nào cũng có ngôi đình làng và ngôi chùa làng; sau chiến tranh đã được xây dựng lại, có tổ chức tế tự hàng năm cùng những họat động cộng đồng rất tốt. Ở vùng này còn có một số lễ hội được tổ chức khá lớn; ví dụ như lễ hội Am Chúa tổ chức vào ngày mùng một tháng ba âm lịch hàng năm để tưởng niệm nữ thần Thiên Y A Na. Đây là vị nữ thần được nhân dân trong vùng tôn sùng là Bà Chúa, là Mẹ Xứ sở tại Am Chúa, nơi thờ thần nữ Pô Nagar (Thiên Y A Na) trên sườn núi Đại An (núi Chúa), thuộc thôn Ðại Ðiền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa được tổ chức hàng năm. Lễ hội Am Chúa mở đầu cho lễ hội Tháp Bà truyền thống của nhân dân Khánh Hòa được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Qua đó đã có thể khẳng định, lễ hội Am Chúa là nơi còn bảo lưu được nhiều nhất những nghi thức lễ hội cổ truyền của người Việt và người Chăm ở Khánh Hòa.

Sách Địa chí tỉnh Khánh Hòa

- Lời kết:
" Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm của dân tộc gần đây, những địa danh nổi tiếng của huyện Diên Khánh gắn liền với truyền thống hào hùng của nhân dân Khánh Hoà như ngã ba Cây Dầu Đôi, Thành cổ, chiến khu Hòn Dữ, căn cứ Tứ thôn Đại Điền". 
Đây là lời trích từ cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Diên Khánh" mới xuất bản gần đây. Cho chúng ta biết Tứ thôn Đại Điềnkhông chỉ là một vùng quê trù phú nổi tiếng ngay từ thuở người xưa đi mở cõi. Mà vùng đất này còn là một vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng, với những con người anh dũng kiên trung, biết đứng lên bảo vệ quê hương mình khi giặc ngoại xâm đến. Đây là địa phương có số liệt sĩ và số bà mẹ VNAH nhiều nhất huyện Diên Khánh và cả tỉnh Khánh Hòa. Đây là vùng đất được nhà nước hai lần phong anh hùng, là vùng đất cách mạng với những chiến tích hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
 Theo cuốn sách lịch sử Đảng bộ huyện Diên Khánh cho biết - năm 1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Diên Khánh, nhân dân 2 xã Diên Sơn, Diên Điền đã nổi dậy đồng khởi giành chính quyền, phá tan toàn bộ hệ thống “ấp chiến lược”. Sau ngày cuộc đồng khởi của nhân dân vùng tứ thôn Đại Điền giành thắng lợi; vùng giải phóng được mở rộng lên 7 xã với hơn 20.000 dân; cả một vùng rộng lớn ở phía Tây huyện Diên Khánh được giải phóng. Chính quyền cách mạng ở tứ thôn Đại Điền cũng đã triển khai thực hiện được một số chính sách tiến bộ như: chia ruộng đất cho nông dân, mở trường dạy học phổ thông, bổ túc cho trẻ em và người lớn, đào công sự, xây dựng làng chiến đấu… và đã giữ vững vùng giải phóng hơn 1 năm trời. 
Những năm sau đó, đây là vùng giáp ranh tranh chấp ác liệt giữa hai bên, do chỉ cách quận lỵ Diên Khánh chỉ một con sông nên đây là vùng đất mà xưa kia người ta thường gọi là vùng “ban ngày quốc gia ban đêm cộng sản” để chỉ mức độ ác liệt và những đau thương mất mát mà người dân nơi đây phải gánh chịu vào những năm trước năm 1975.
Sau cuộc chiến, những người con của vùng tứ thôn Đại Điền đang lưu lạc khắp nơi bắt đầu trở về quê hương cùng bắt tay xây dựng mãnh đất của cha ông. Kể từ sau năm 1975 vùng đất này bắt đầu khởi sắc, một sự thay đổi toàn diện đến từng ngày; cả trên từng ánh mắt nụ cười của người dân nơi đây. Một số thôn của xã Diên Sơn đã được nhập vào thị trấn huyện Diên Khánh; nên tứ thôn Đại điền ngày nay như một khu thị tứ với dân cư đông đúc, cơ sở hạ tầng với điện đường trường trạm khá đầy đủ. Hiện nay, nếu là một người khách lạ mới tới đây lần đầu thì họ sẽ rất bất ngờ khi biết rằng vùng đất này ngay sau năm 1975 phần lớn nhà cửa bị đổ nát vì bom đan của chiến tranh, người dân thiếu thốn trăm bề, không có cả đường để đi, dân cư thưa thớt .
Tôi vốn là một người dân xứ Huế, nhưng tôi lại là một chàng rể của vùng đất “tứ thôn Đại Điền” này. Cho nên tôi đã tới đây nhiều lần, đã tìm hiểu, đã nghiên cứu về nó như là một trách nhiệm tự nhận về mình. Đi trên những nẻo đường quê, chúng tôi thấy sự đổi thay của vùng đất này thật không dễ gì nói hết. Chúng tôi cảm nhận sức sống mới đang lan tỏa trong từng thôn xóm của vùng tứ thôn Đại Điền. Với truyền thống anh hùng cách mạng, với sự nỗ lực dựng xây quê hương của người dân, hy vọng mảnh đất này sẽ ngày càng phát triển vững mạnh ./.


Ngôi nhà từ đường của gia đình tại xã Diên Điền

Cách bài trí Ban thờ bên trong tại ngôi nhà cổ này

Bà nội của chúng tôi là bà mẹ VNAH

Các bậc cha chú trong ngôi nhà Từ đường của gia đình

ĐKT
27.10.2015

TÀI LIỆU THAM KHẢO: (*)
1. Địa Chí Khánh Hòa, NXB - Chính Trị Quốc Gia, năm 2006
2. Phủ Biên Tạp Lục – của Lê Quý Đôn
3. Quốc sử quán Triều Nguyễn :
-  Khâm định Việt sử thông giám cương mục (nhiều quyển);
-  Đại Nam thực lục (nhiều quyển);
-  Đại Nam liệt truyện (nhiều quyển).
-  Đại Nam Nhất Thống Chí – trọn bộ, bản dịch của Tụ Trai Nguyễn Tạo, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn ấn hành năm 1961.
- Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội.
4. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, bản dịch, NXB Thuận Hoá, Huế, 1993
5. Quốc Triều Đăng Khoa Lục, của Cao Xuân Dục, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn ấn hành năm 1962.
6. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, của Ngô Sỹ Liên, bản dịch của Viện Sử Học, xuất bản năm 1971- 1973( 25 quyển).
7. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, của Phan Huy Chú.
8. Việt sử thông giám cương mục.
9. Đại Việt địa dư toàn biên.
10. Đại cương Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục.
11. Việt Nam Sử Lược, của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1999.
12. Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1971.
13. Các Triều đại Việt Nam, của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, 2010.
14. Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, của Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin , năm 2010.
15. Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1+2+3 của Nguyễn Khắc Thuần, nhà xuất bản giáo dục, 1997.

------------------------------------------------------------

Bộ Tranh - Thập Bát La Hán Đồ

Bộ tranh Thập Bát La Hán Đồ - tác phẩm hội họa về Thập Bát La Hán của nghệ nhân Châu Nhất Tân


Các Ngài đã đạt được Tam minh, Lục thông và Bát giải thoát, vâng thừa giáo chỉ của Phật, kéo dài thọ mạng, trụ tại thế gian để hộ trì chánh pháp và làm lợi lạc quần sanh.

1.Tân Ðâu Lô Bạt La Ðọa Xà (Pin-tu-lo Po-lo-to-she; S: Pindolabharadvàja)


2. Ca Nặc Ca Phạt Sa (Ka-no-ka Fa-tso; S: Kanakavatsa)


3. Ca Nặc Ca Bạt Ly Ðọa Xà (Ka-no-ka Po-li-tou-she; S: Kanakabharadvàja)


4. Tô Tân Ðà (Su-p'in-t'e; S: Subinda)


5. Nặc Cự La (No-ku-lo; S: Nakula)


6. Bạt Ða La (Po-t'e-lo; S: Bhadra)


7. Ca Lý Ca (Ka-li-ka; S: Kàlika, Kàla)


8. Phạt Xà La Phất Ða La (Fa-she-lo Fuh-to-lo; S: Vajraputra)


9. Thú Bát Ca (Shu-pa-ka, Kuo-pa-ka; S: Gopaka)



10. Bán Thác Ca (Pan-t'o-ka; S: Panthaka)


11. La Hỗ La (Lo-hu-lo; S: Ràhula)


12. Ma Già Tê Na (Na-ka-si-na; S: Nàgasena)


13. Nhân Yết Ðà (Yin-kie-t'e; S: Angida, Angila)


14. Phạt Na Bà Tư (Fa-na-p'o-ssu; S: Vanavàsa)



15. A Thị Ða (A-shih-to; S: Ajita)


16. Chú Trà Bán Thác Ca (Chu-ch'a Pan-t'o-ka; S: Chùlapanthaka)


17. Ca DiếpTôn Giả


18. Quân Ðề Bát Thán Tôn Giả

(nguồn từ - Chùa Minh Thành)


Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...