ĐINH LA THĂNG LÀ AI ?




PHẦN I : NGUYÊN NHÂN !

Lời giới thiệu


Anh ta là người cùng Họ với tôi lại cùng tuổi Canh Tý (1960), tôi đã gặp anh một vài lần. Tuy không thân nhưng biết nhau từ khi anh ta còn là một anh cán bộ Đoàn (tôi cũng xuất thân là một anh cán bộ Đoàn), nhưng khi anh ta bắt đầu nổi tiếng thì ít liên lạc. Anh ta nổi nên từ khi bắt đầu làm bộ trưởng GTVT, nhưng đó chỉ là tảng băng nổi. Với tư cách là những người viết báo, khá thông thạo chuyện bếp núc chính trường – chúng tôi đã biết những sai phạm nghiêm trọng của anh ta tại tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Nhưng báo chí xứ ta đều là báo của Đảng những người viết báo chỉ được viết những gì Đảng cho phép; biết là những sai phạm của Thăng là quá lớn nhưng vấn đề việc dùng người hay xử lý cán bộ ở cấp độ này là việc của thượng tầng kiến trúc. Nên đám viết báo chỉ biết im lặng chờ thời cơ. Một số tờ báo quen biết đã gọi điện đặt tôi một số bài bình luận về chủ đề này – nhưng tôi từ chối viết ... vì nỏ dại; không khéo thì rước họa vào thân khi mà cuộc chơi chính trường chưa ngã ngủ. Hơn nữa ít nhiều Thăng với tôi là người cùng họ (không phải là thấy người sang bắt quàng làm họ đâu ?); biết bà con mình có vấn đề khi không giúp gì được thì tốt nhất là im lặng tránh việc dậu đổ bìm leo !

Nhưng anh em cùng giới thì họ có chịu ngồi im đâu, báo nhà nước không đặt bài thì họ tự viết và đăng trên những trang cá nhân của mình trước là bày tỏ chính kiến sau là vì mục đích gì thì chỉ có trời mới biết ? Trong các tay viết chuyên nghiệp khá lão luyện về việc bếp núc có tay Huy Đức – cách đây gần một năm, anh ta đã công bố một loạt 03 bài viết về Thăng trên trang FB cá nhân của mình; loạt bài này khá nổi đình nổi đám sau đó. Anh ta đã tung hê những câu chuyện thuộc loại bí mật cung đình hay thuộc cái mà người ta thường hay gọi là bí mật quốc gia lên trước bàn dân thiên hạ. Không biết tính chính xác trong câu chuyện anh ta kể là như thế nào, nhưng với những gì anh ta viết là xứng đáng cho anh ta bóc lịch một thời gian với đủ thứ tội (nếu ai đó muốn ?). Nhưng quái lạ là không ai dám đụng tới anh ta. Anh ta vẫn sống tại Sài gòn, nhưng trong loạt bài viết này anh ta đánh trực diện vào Đinh La Thăng – lúc này là đương kim Bí thư thành phố; nhưng anh ta vẫn cứ ngày ngày vô tư bình thản đi dạo phố uống cà phê với bạn bè mà không gặp bất cứ một sự ngăn trở nào ?

Cánh viết báo đã nhỏ to trao đổi với nhau rằng anh ta được một số nhân vật ở cấp cao bật đèn xanh; hoặc thậm chí là những bài này họ đặt cho anh ta viết vì trong bài viết có những chuyện cực kỳ bí mật – mà với vai trò một người viết báo bình thường anh ta không thể biết được; ngoại trừ người đặt viết bài cố tình cung cấp. Cánh viết báo chúng tôi có hỏi thì anh ta chỉ mĩm cười một cách bí hiểm và im lặng ?
Và nay sau gần 01 năm những gì anh ta viết mới được báo Đảng công bố - tuy những gì mà báo chí nhà nước được phép công bố chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì mà Huy Đức đã viết trong loạt bài cách đây gần một năm. Nhưng nó cũng đã khiến Đinh La Thăng chia tay thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông và trở về đất Bắc.

Ngày chia tay Sài gòn – TP Hồ Chí Minh, Thăng vẫn vui vẻ cười đùa coi như không có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng hàng chục ngàn tỷ đồng mồ hôi nước mắt của người dân đã bị đem đổ xuống sông xuống biển mà không bao giờ thu hồi lại được .
Và rồi đất nước lại vẫn nghèo và ngày càng tụt hậu !

Tôi xin giới thiệu lại 03 bài viết của tay viết báo Huy San, đăng trên trang FB cá nhân của anh ta cách đây gần 01 năm, nhằm giúp bạn đọc biết - ĐINH LA THĂNG đã phạm sai lầm gì ?

                               Bài số 1 :  TẢNG BĂNG NỔI

Huy Đức

Hôm qua, khi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải tìm cho ra những "tảng băng chìm" tham nhũng, ông đang ngồi cạnh "tảng băng nổi khổng lồ" Đinh La Thăng. Nếu "không đủ chứng cứ" về những khoản "chênh lệch lãi suất" và phần "lại quả 1%" trong vụ PVN góp vốn vào Ocean Bank, chỉ tính 800 tỷ PVN chịu mất đứt cho "Thắm Đại Dương" đã có "hậu quả nghiêm trọng" đủ để truy cứu trách nhiệm Đinh La Thăng. Tất nhiên, ở PVN thời Đinh La Thăng còn nhiều "tảng băng" rất to, đủ sức làm đắm nhiều Titanic.

Lại "Nội Lực"
Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP phải từ bỏ hai mỏ khí Hải Thạch & Mộc Tinh nằm trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam (cách bờ 370 km). PVN đã được giao tiếp quản lại hai mỏ khí này. Đây không chỉ là một cơ hội kinh tế cho PVN mà còn có một vai trò to lớn về chủ quyền cho đất nước.

Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (POC) được thành lập.
Để mang được khí vào bờ, POC phải lắp đặt một đường ống dẫn khí. Trong số các phần việc quan trọng, có gói thầu cung cấp khoảng 22 km đường ống bọc hai lớp. Ngày 9-4-2010, khi đóng thầu, Chủ đầu tư (PTSC-MC là công ty được ủy quyền) nhận được hồ sơ chào thầu từ Marubeni (Nhật) và POTS (công ty Thương mại và Dịch vụ dầu khí Biển - thuộc PVN).
Chỉ có Marubeni đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Biết mình bị loại, ngày 25-5-2010, POTS gửi công văn lên Tập đoàn đề nghị tái xem xét.
Vì đây là gói thầu có yêu cầu công nghệ cao chứ không phải thứ "cây nhà lá vườn", nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ Đinh La Thăng, ngày 7-6-2010, PTSC-MC đã phải báo cáo lên lãnh đạo Tập đoàn khẳng định, "Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật".
Thế nhưng vào ngày 11-6, PTSC-MC vẫn bị buộc phải lập một tổ thẩm định khác, đánh giá lại, rồi công nhận "cả hai nhà thầu đều đạt về kỹ thuật".

Ngày 22-7-2010, Đinh La Thăng phê duyệt việc trao gói thầu cho POTS vì lý do POTS đưa ra giá thấp hơn (40,8 triệu so với 49,8 triệu USD của Marubeni).
Không phải tự nhiên, Đinh La Thăng gây sức ép loại "nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật". Nhân danh "phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành", khi chưa có quyết định giao thầu (5-2010) Đinh La Thăng đã yêu cầu POC "giao dịch vụ bọc ống cho PVID" - một công ty thuộc PVGas được "đẻ ra" dưới thời Đinh La Thăng. PVID sau đó được chỉ định thầu phần bọc ống, "bóc" ra từ gói thầu của POTS.
Ngay từ khi dự thầu, nội lực mà POTS thể hiện chỉ là như vai trò một anh "cò". Gói thầu được POTS chia đôi cho Canadoil tại Thái Lan (phần chế tạo ống) và Bredo Shaw tại Malaysia (phần bọc ống). Nhưng do phải nhường phần bọc ống cho PVID nên công việc chưa bắt đầu, POTS đã phải mất thời gian đàm phán để loại Bredo Shaw ra khỏi cuộc chơi.
Canadoil cũng chỉ là một nhà thầu liều mạng. Nhận một gói thầu trị giá hàng chục triệu đô là để làm ống mà vừa thiếu thép tấm, thiếu máy hàn, thiếu cả nhân công có tay nghề... Vì sốt ruột, Chủ đầu tư (PTSC MC) đã nhiều lần phải đưa nhân công sang Thái Lan hỗ trợ.
Thế nhưng thời hạn giao ống vẫn liên tục bị Canadoil trì hoãn. Mặc dù được Đinh La Thăng đầu tư thêm 1,1 triệu để lắp đặt "dây chuyền bọc ống", PVID vẫn không thể nào thực hiện đúng hợp đồng, buộc PTSC MC phải mang gần một nửa ống mà Canadoil sản xuất đưa sang Malaysia nhờ bọc.
Không phải tự nhiên ngay từ đầu Chủ đầu tư đã khẳng định "Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt yêu cầu kỹ thuật". Đối với những gói thầu đòi hỏi công nghệ cao thì giá chưa phải là yếu tố quyết định.
Chủ trương "nhà làm được" của Đinh La Thăng khi chọn POTS để "tiết kiệm 9 triệu USD" chênh lệch giá với Marubeni, kết cục đã làm phát sinh giá thành của gói thầu này thêm 11 triệu, cao hơn giá bỏ thầu của Marubeni 1 triệu USD (PVN phải bỏ thêm 1,1 triệu đầu tư dây chuyền bọc ống cho PVID và các nhà thầu phụ đòi phát sinh thêm 5,44 triệu USD - riêng Canadoil đòi phát sinh 3,6 triệu USD, cùng với chi phí PTSC-MC đưa nhân công sang Thái).
Con số phát sinh không dừng lại ở mức gần 11 triệu USD. Sự can thiệp của Đinh La Thăng, buộc POTS phải chọn những nhà thầu kém năng lực, thiếu uy tín, đã làm cho việc giao ống bị chậm 10 tháng; ngày giao khí đầu tiên lẽ ra phải là 31-12-2012 đã bị chậm mất gần 6 tháng (tới 28-6-2013). Sự chậm trễ này đã buộc POC phải phá vỡ hợp đồng với các nhà thầu khác, khiến cho chi phí phát sinh thêm những khoản rất lớn.
Tàu Seamac được thuê để rải ống vào năm 2012 bị chuyển sang 2013 khiến cho POC phải bồi thường 25,7 triệu USD. Các phương tiện lắp ống phải chờ ngoài biển trong giai đoạn rủi ro thời tiết buộc POC phải bồi thường 8 triệu. Phát sinh chi phí quản lý và thuê kho chứa khí thêm gần 5 triệu USD; Mất doanh thu do chậm đưa khí vào bờ gần 6 tháng (28-6-2013 thay vì 31-12-2012) lên đến gần 38 triệu USD (270 nghìn USD/ngày).
PTSC-MC không thể buộc POTS hay Canadoil bồi thường vì ngay từ đầu hợp đồng đã bị vỡ do Đinh La Thăng đưa PVID chen ngang vào. Chỉ vì nhân danh "phát huy nội lực" cho vài công ty con mà Đinh La Thăng đã làm tổn thất gần 90 triệu USD cho Dự án Biển Đông I.

Venezuela & 2 tỷ USD
Chưa tới một năm sau khi PDV- 39 "chọc mũi khoan đầu tiên", tháng 4-2013, PVN đã phải đầu hàng trước Venezuela, bỏ lại nơi đây dự án Junin-2.
Trở lại hơn 6 năm trước đó, ít ai biết vai trò kiến tạo mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam với Venezuela không phải nhờ vào thành tích của ngành ngoại giao mà phần lớn nhờ vào Đinh La Thăng.
Đánh đúng "khẩu vị" của không ít nhà lãnh đạo khoái một Hugo Chavez vừa chống Mỹ vừa thân với "người bạn gác" thành trì xã hội chủ nghĩa ở bên kia bán cầu. Đinh La Thăng đã tạo ra "một mốc son trong mối quan hệ quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Venezuela" sau chuyến thăm Việt Nam của Hugo Chavez vào năm 2006 bằng cách bằng mọi giá liên doanh với một đơn vị của Công ty Dầu quốc gia Venezuela, "Khai thác và Nâng cấp dầu nặng ở lô Junin-2".
Để thuyết phục Chính phủ cho phép PVN bỏ 1,8 tỷ USD sang Venezuela, Đinh La Thăng đã đưa ra đánh giá: "Junin-2 là mỏ có trữ lượng dầu lớn nhất trong vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono - vành đai có trữ lượng lớn thứ nhì thế giới. Việc khai thác dầu tại lô Junin-2 sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam ít nhất trong 25 năm nữa".
Chiều ngày 19-4-2012, tại Venezuela, khi khởi động giàn khoan PDV-39, PVN còn cứng cỏi tuyên bố: "Sang năm, Junin 2 sẽ cho sản lượng khoảng 200.000 thùng/ngày". Nhưng, vừa đúng "sang năm", khi Đinh La Thăng đang lo "trảm tướng" bên ngành giao thông, những người kế nhiệm Thăng ở PVN tái mặt khi lượng dầu khai thác được, cả sản lượng và chất lượng, không đạt giá trị thương mại. Họ đã có một quyết định dũng cảm là gần như "bỏ chạy".
Trong hợp đồng mà Đinh La Thăng cho ký với Venezuela vào ngày 29-6-2010 có một điều kiện rất "quái gở" là 6 tháng sau khi ký kết, phía Việt Nam phải bắt đầu "bonus" cho Venezuela khoảng 1 USD trên một thùng dầu (không phải thùng dầu khai thác được mà là thùng dầu trữ lượng theo dự đoán). Ngay trong 2 năm đầu, bất kể có dầu hay không, phía Việt Nam vẫn phải nộp đủ cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt.
Trước ngày 12-5-2011, trong khi Liên doanh chưa hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng Venezuela, 300 triệu USD tiền mặt đã được "bonus" cho đối tác; Đúng một năm sau, 142 triệu USD khác cũng đã được thanh toán(12-5-2-12)[tổng cộng 442 triệu USD chưa kể hàng trăm triệu đã đầu tư vào công tác thăm dò, khai thác].
Tháng 4-2013, PVN (đại diện trực tiếp là PVEP) đứng trước lựa chọn khó khăn khi tới hạn nộp tiếp 142 triệu USD tiền mặt trong khi lượng dầu ở mỏ Junin-2 hoàn toàn "không như dự đoán".
Hợp đồng mà Đinh La Thăng ký không chừa cho Việt Nam cửa lùi. Cho dù không kiếm được thùng dầu nào đáng giá, 15 ngày sau thời hạn "bonus", nếu không nộp đủ tiền, toàn bộ cổ phần của PVN trong liên doanh sẽ tự động chuyển cho đối tác Venezuela. Việt Nam cũng sẽ không được quyền thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư ở Junin-2.
Những người gánh di sản của Đinh la Thăng đã phải cứu 3000 tỷ (142 tiền bonus đóng lần thứ 3), thay vì ném tiếp sang Caracas để nó chết chìm cùng các khoản đã đầu tư vào Junin-2.
Cùng với các tổn thất ở những dự án "hợp tác quốc tế" khác như Peru-67; SK-305; SK-304, PVN đã ném xuống đại dương không dưới 2,1 tỷ USD.
Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ một mình Đinh La Thăng. Nhưng nếu không xử lý ông Thăng thì bao nhiêu tuyên bố về chống tham nhũng cũng trở nên sáo rỗng.

PS: Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng tôi có sợ không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm./.


    Bài số 2 :    NHỮNG "VINASHIN" CỦA ĐINH LA THĂNG


(Cả nước cứu trợ bà con vùng lũ Quảng Bình - Hà Tĩnh được bao nhiêu mà trăm nghìn tỷ bọn tham nhũng đổ ra như nước).

Huy Đức.

Chiều 13-10-2016, Trần Đức Chính - PTGĐ Điện lực Dầu khí - đã được cơ quan điều tra "điểm danh"; Ninh Văn Quỳnh cũng đã phải trở về từ Mỹ... Danh sách các "yếu nhân" tập đoàn Dầu khí (PVN) liên quan tới tiền lại quả từ Oceanbank chắc chắn không dừng lại đó. Phanh phui bất cứ công ty "con, cháu" nào do Đinh La Thăng "đẻ" ra trong thời gian ông ta làm Chủ tịch PVN (1-2006 -- 9-2011) cũng đều tìm thấy những khoản trăm nghìn tỷ bị "ném qua cửa sổ". Sự thao túng ở tổng công ty Tài chánh Cổ phần Dầu khí (PVFC) lại còn tệ hơn nhưng có lẽ nhờ kịp xóa nhiều dấu vết nên chưa thấy thanh tra, điều tra thụ lý.

TỰ ĐẤU GIÁ MÌNH
Khi về Dầu Khí, Đinh La Thăng đã "cầm cờ tiên phong" biến Tổng công ty Dầu khí thành "tập đoàn kinh doanh đa ngành". Công ty Tài Chánh Dầu Khí được nâng cấp thành Tổng Công ty Tài Chánh Cổ phần Dầu Khí (PVFC) là nằm trong lộ trình tham vọng đó.
Tháng 6-2007, khi cổ phần hóa PVFC, Đinh La Thăng yêu cầu phải tạo ra "thắng lợi chính trị" ngay trong lần đấu giá cổ phần đầu tiên (IPO). Nhằm đạt được "mục tiêu chính trị" này, Đinh La Thăng đã phê duyệt một phương án lấy tiền của nhà nước đấu giá công ty nhà nước.
Theo phương án mà Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí lúc đó (do Đinh La Thăng làm Chủ tịch) phê chuẩn, công ty con PVFC đã dùng 500 tỷ "đẻ" ra công ty cháu PVFC Invest và rót 671 tỷ khác để PVFC Invest mua cổ phần công ty mẹ với giá đạt "mục tiêu chính trị"(70.000 đồng/cổ phiếu).
Theo Luật, PVFC chỉ được góp tối đa vào PVFC invest 11%. Nghị quyết của PVN phê duyệt cho PVFC góp 11% (55 tỷ đồng), đồng thời phê duyệt thêm cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) góp 38% (190 tỷ đồng).
Trên thực tế, PVFC dùng tiền Nhà nước góp tới 295 tỷ đồng [Ngoài 55 tỷ đồng đứng tên trực tiếp, PVFC còn dùng 240 tỷ góp dưới dạng cho cá nhân (CBCNV) “ủy thác đầu tư trả chậm mua cổ phần PVFC Invest” - Bản chất là cho cá nhân vay trá hình không có tài sản bảo đảm].
Sau đó, bằng hàng loạt "hợp đồng ủy thác đầu tư", PVFC chuyển xuống cho PVFC Invest 671 tỷ, bao gồm các khoản: Chuyển trực tiếp 200 tỷ cho PVFC Invest; Chuyển thông qua công ty con khác, PVFC Land, 400 tỷ; Chuyển thông qua Công ty PV Inconess (PVFC là cổ đông lớn 30%) 71 tỷ.
Vì PVFC Invest cũng không thể dùng hết số tiền 671 tỷ này để mua cổ phần nên phải chuyển 510 tỷ cho CBCNV "vay" dưới dạng nhận ủy thác đầu tư để mua cổ phần với tỷ lệ 50-50 (CBCNV bỏ ra 50%, công ty cho "vay" 50%). Bằng cách này, PVFC Invest đã "thắng" 20 triệu cổ phần với giá 71.000 đồng trong đó có 14 triệu cổ phần do "CBCNV mua"(Sau cổ phần hóa, PVFC là một tổng công ty có vốn điều lệ 5000 tỷ, Tập đoàn PVN nắm 78%; như trên đã nói, 22% còn lại cũng chủ yếu được mua bằng tiền nhà nước).

MỸ KHÊ VN & 762,6 TỶ MỘT ĐI KHÔNG TRỞ LẠI
Năm 2007, sau khi ký với Quảng Ngãi thỏa thuận "hợp tác đầu tư và phát triển bền vững", Đinh La Thăng đã cho bỏ ra 100 tỷ mua lại dự án "du lịch biển Mỹ Khê" (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) từ tay công ty Idico dù công ty này chưa đầu tư gì kể từ khi được Quảng Ngãi "giao dự án". Trước đó, Đinh La Thăng giao cho PVFC lập ra công ty Mỹ Khê Việt Nam có vốn điều lệ trên giấy là 400 tỷ.
Cũng như PVFC Invest, Mỹ Khê Việt Nam đã sai luật ngay từ khi ra đời vì có tới 99,98% vốn ở Mỹ Khê VN được góp từ PVFC trong khi mức cho phép không quá 11% (thực góp 210,1 tỷ trong đó, PVFC góp 210 tỷ, hai cổ đông khác góp 100 triệu).
Mỹ Khê VN sau đó còn được PVFC biến thành một công ty đầu tư bất động sản trái phép với hai dự án: "Đầu tư" 192,5 tỷ vào dự án 99C Phổ Quang (Sài Gòn); "Đầu tư" 360 tỷ vào dự án 168 Nguyễn Đình Chiểu (Sài Gòn).
Với ba "dự án" này, Mỹ Khê VN đã "nướng" của PVFC 762,6 tỷ.
Gần 10 năm trôi qua, phần vốn 210 tỷ đồng đã hết, Biển Mỹ Khê vẫn chỉ có... cát; khoản chi đáng kể nhất của công ty này là để phá 10 hecta rừng dương dọc bãi biển. Mỹ Khê còn: Đưa ngay 192,5 tỷ cho công ty tư nhân Lạc Hồng trong khi 99C Phổ Quang đang là đất của Satraco và Lạc Hồng chưa hề có "mảnh giấy lộn" nào chứng minh công ty này là chủ đầu tư hay đồng sở hữu; Đưa ngay 360 tỷ cho công ty cổ phần Phúc Thịnh chỉ để nắm được một bản photo giấy tờ đất 168 Nguyễn Đình Chiểu trong khi Phúc Thịnh chưa phải là chủ sở hữu và không được cấp phép đầu tư.

XÓA DẤU VẾT
Trước Đại hội XI (12-2010), Đinh La Thăng chỉ đạo không được để bất cứ công ty con nào âm vốn. PVFC đã "xử lý" bằng cách yêu cầu PVFC Invest bán hơn 11 triệu cổ phiếu của PVFC mà công ty này đang nắm giữ cho công ty cổ phần đầu tư và thương mại Sông Đà (SDCON - thuộc Ocean Group, sở hữu 6,65% vốn điều lệ của OceanBank và do mẹ vợ Hà Văn Thắm làm Chủ tịch).
Trên thực tế, thương vụ này chỉ tức thời giúp PVFC làm đẹp sổ sách. SDCON chỉ trả 5% (gần 20 tỷ đồng), 95% còn lại không bao giờ được nói tới nữa.
PVFC còn "xóa dấu vết" một công ty con khác: VN Assets.
Ở thời điểm ấy, trị giá tài sản của VN Assets vẫn còn được ghi là 707 tỷ đồng nhưng PVFC đã bán 23 triệu cổ phiếu của mình trong VN Assets cho một công ty tư nhân, ATC (Công ty cổ phần dầu khí An Thịnh), với giá chỉ 1 đồng/cổ phiếu (Hợp đồng 16/2003/PVFC-ATC) trong khi giá vốn là 10.000 đồng/cổ phiếu (thất thoát khoảng 230 tỷ đồng).
Các thương vụ khuất tất giữa PVFC và ATC không phải tới lúc này mới bắt đầu.

Năm 2007, ATC được PVFC rót vốn để xây nhà máy sản xuất xơ sợi Hưng Yên. Ở nhà máy này, PVFC cho vay tổng số 120 tỷ, trong đó có 40 tỷ làm vốn lưu động. ATC đã dùng số tiền đó để nhập một dây chuyền "nghĩa địa" về. Nhà máy hoạt động được một năm rưỡi thì đóng cửa. Thay vì tìm cách thu hồi nợ, PVFC đã âm mưu "chuyển đổi” 40 tỷ vay làm vốn lưu động này thành vốn góp (do không thực hiện được nên đã phải trích lập 100% dự phòng).
Tháng 6-2009 nhà máy ngưng hoạt động. Tháng 7-2011, PVFC kêu bán thanh lý. Mãi tới 2-2012 mới bán được với giá... 3,9 tỷ.
Trong số 240 tỷ "ủy thác đầu tư" dưới hình thức góp vốn lập nên PVFC Invest qua CBCNV mà Ngân hàng Nhà nước cho là "cố ý làm trái"(công văn 9788 - 2009), tới nay chỉ mới thu hồi được 10 tỷ(gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát 230 tỷ). Trong số 510 tỷ "ủy thác" dưới dạng đưa tiền cho CBCNV mua cổ phần tới nay vẫn chưa thu hồi được 419 tỷ gốc, 86 tỷ tiền lãi.
Các khoản đầu tư bất chấp pháp luật của PVFC - đều phải thông qua Hội đồng thành viên PVN, nơi đang nắm 78% vốn, do Đinh La Thăng làm Chủ tịch - đã làm cho công ty này mất không dưới 2.000 tỷ. Các khoản cho vay, tính tới tháng 2-2012, chỉ riêng 5 "nhóm nợ có vấn đề" của PVFC đã có 8.550 tỷ không có khả năng thu hồi.
Các hành vi làm trái của Đinh La Thăng, đổ tiền nhà nước ra mua cổ phần nhà nước, không chỉ gây hậu quả cho nhà nước (mất hàng nghìn tỷ đồng) mà còn góp phần bóp méo thị trường cổ phiếu. "Bong bóng" tự PVN bơm lên đã nhanh chóng xẹp xuống. Số cổ phiếu từng được tiền của PVN đẩy lên giá 76.000 đồng (mua trung bình 71.000), khi đóng cửa phiên cuối cùng trước khi hủy niêm yết (23-9-2013) chỉ còn 4.200 đồng/Cổ phiếu.
PVN sau đó đã thủ tiêu, xóa dấu vết PVFC - do làm ăn bất chấp pháp luật mà thua lỗ - bằng cách nhập với ngân hàng Phương Tây để trở thành Ngân hàng đại chúng.

SÂN VẬN ĐỘNG CHI LĂNG & OCEANBANK
Không chỉ bắt tay với Thắm Đại Dương, nếu không có 1.510 tỷ của PVFC, Phạm Công Danh khó có thể mua ngân hàng rồi trở thành tội phạm.
Ngày 1-12-2010, để mua sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng với giá 1.393 tỷ, Phạm Công Danh lập 10 công ty (con của tập đoàn Thiên Thanh) để đứng tên 10 sổ đỏ [có tổng diện tích 55.061m2, giá 25,3 triệu/m2). Ngay sau khi Đà Nẵng giao sổ đỏ, 28-1-2011, Danh đem cắm cả 10 vào OceanBank để vay 1.254 tỷ đồng.
Hơn một tháng sau đó, 4-3-2011, đất sân Chi Lăng được PVFC - nơi mà PVN của Đinh La Thăng nắm 78% cổ phần - định giá lên hơn gấp đôi: 57 triệu/m2; sau khi "tham chiếu các kết quả tư vấn khác", PVFC đưa giá xuống một chút, 54,9 triệu/m2, và quyết định mua gần phân nửa sân Chi Lăng từ tay Danh với giá 1.510 tỷ (27.000m2, thuộc 5 sổ đỏ).
Hơn 1.306 tỷ được PVFC chuyển thẳng cho OceanBank, thanh toán cả gốc lẫn lãi cho Phạm Công Danh; 20 tỷ được chuyển vào tài khoản của tập đoàn Thiên Thanh; 183 tỷ chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của Danh. Như vậy, với thương vụ mua bán sân vận động Chi Lăng, chỉ trong một tháng, Danh lấy lại được vốn, cầm về 5 sổ đỏ "sạch" (28.000m2) và vẫn còn dư 203 tỷ.
Chưa thấy cơ quan điều tra nhắc đến thương vụ này, ít nhất là khoản "trốn thuế" không dưới 160 tỷ. Không chỉ là vấn đề lời lãi, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ bản chất của nó và đường đi lắt léo của các dòng tiền [tháng 5-2011, PVFC lại bán 27.000m2 đất này cho Seabank AMC (công ty mua bán nợ của Seabank) với giá không lời, không lỗ].
Khoản tiền 1.510 tỷ mà PVFC trả cho thương vụ nửa sân Chi Lăng đã giúp Phạm Công Danh có "lực" để mua TrustBank từ tay Hà Văn Thắm, có vai trò như bàn tay của một bà đỡ giúp Danh "đẻ ra" ngân hàng Xây Dựng.
Mặc dù Hà Văn Thắm có quan hệ với Nguyễn Xuân Sơn trước, nhưng trên thực tế, Đinh La Thăng là người cung cấp oxy cho Ocean Bank. Nếu Đinh La Thăng không quyết định góp 800 tỷ đồng (20% vốn) và "lái" phần lớn dòng tiền của PVN chảy qua Ocean Bank thì ngân hàng này đã khó mà tồn tại [Từ thời Thăng làm Chủ tịch Tập Đoàn Dầu khí gần như tất cả các công ty thành viên của PVN đều phải mở tài khoản tại Ocean Bank; tổng cộng PVN đã đem hơn 50 nghìn tỷ đồng gửi Thắm].
Khi Thắm "chìm" theo Đại Dương - OceanBank bị mua với giá 0 đồng - PVN không chỉ mất 800 tỷ VND góp vốn (theo quyết định của Đinh La Thăng) mà còn kẹt "dưới đáy" Đại Dương hơn 10 nghìn tỷ (bao gồm cả 70 triệu USD của Vietsopetro). Sau Nguyễn Xuân Sơn, còn có một danh sách đen liên quan đến khoản lại quả - lên đến 544 tỷ đồng - mà Thắm "chi ngoài hợp đồng" cho lãnh đạo của PVN thời Đinh La Thăng làm Chủ tịch.
Xét cả về tính chất vi phạm pháp luật và quy mô tổn thất, Tập đoàn Dầu khí thời Đinh La Thăng không khác gì một Vinashin. Sở dĩ PVN không đắm ngay như Vinashin là nhờ PVN không phải vay ngân hàng. Ngoài khoản PVN được "vay" 500 triệu USD từ tiền bán dầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn cho phép PVN "tạm giữ" những khoản tiền khổng lồ mà Tập đoàn này lẽ ra phải nộp vào ngân sách. Nguồn tài nguyên trong lòng biển của quốc gia mà tập đoàn Dầu khí được giao khai thác đã bị Đinh La Thăng đổ trăm nghìn tỷ xuống biển, xuống sông.

PS:
I. Thực tế ở PVN là một Ví dụ điển hình cho thấy, tham nhũng ở VN không chỉ do quyền lực chưa được chế ngự mà còn do những khoảng tối giao thoa giữa khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, được dung dưỡng bởi các quan chức tha hóa. Những kẻ biết sợ sẽ ráng làm ra chút ít rồi mới "ăn". Những kẻ trâng tráo thì phá tới nơi để "ăn" tàn, "ăn" mạt.
Muốn chống tham nhũng, không chỉ phải tiến tới nhà nước pháp quyền mà nhà nước còn phải từ bỏ vai trò kinh doanh (các công ty nhà nước chỉ được lập ra là chỉ để cung cấp những dịch vụ công mà tư nhân không làm). Tuy nhiên, trước khi có nhà nước pháp quyền, nếu không vạch mặt chỉ tên những kẻ trâng tráo nhất, thì không những không bao giờ có nhà nước pháp quyền, mà còn sẽ phải cúi đầu làm nô lệ cho những tên tham tàn nhất.
II. Khi các thông tin về công trình nhà máy sợi Đình Vũ, PVN đầu tư gần chục nghìn tỷ giờ đang phải trùm mền được công bố, biết việc Đinh La Thăng để cho nhà thầu tráo "dây chuyền thiết bị kéo sợi" xuất xứ Đức, theo thiết kế, thành dây chuyền Trung Quốc, hy vọng các bạn sẽ nhận biết Thăng là người "thân gì".

    Bài số 3:     THANH hay THĂNG

Huy Đức

Cho đến trước khi bị C46 triệu ra Hà Nội, Vũ Đức Thuận vẫn nương náu trong biệt thự Trần Quốc Thảo. Rất lạ là báo chí chỉ đặt câu hỏi, ai đã "làm công tác cán bộ" cho Trịnh Xuân Thanh mà không nói gì về "quy trình" Đinh La Thăng dàn xếp cho đồng phạm của Thanh, Vũ Đức Thuận. Vì sao Thuận, một kẻ mà dấu hiệu phạm tội đã rõ từ năm 2013, vẫn được Đinh La Thăng đưa về làm Chánh văn phòng Bộ Giao thông, rồi kéo vào Sài Gòn làm trợ lý.
Đàn Em
Xây lắp là ngành mà Đinh La Thăng nắm gần như ngay lập tức sau khi về làm Chủ tịch tập đoàn Dầu khí (PVN), 10-2006, và biến nó trở thành một thứ công ty xây dựng như thời Sông Đà.
Thoạt đầu, người được Đinh La Thăng đưa về làm Tổng giám đốc công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) là "Diệu Đen" - đồng hương Nam Định, từng làm ở Sông Đà - thay thế "Hưng Địa Chủ", một người được đào tạo và có kinh nghiệm trong ngành.
Nhưng, ở thời điểm ấy PVN đang có trong tay một lượng vốn khổng lồ. Một người giỏi điếu đóm không thể triển khai bài toán lớn để "giải ngân" từng ấy tiền bạc. Năm 2007, Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Sông Hồng về thay thế "Diệu Đen" làm Chủ tịch kiêm TGĐ PVC. Năm 2008, khi Thuận gặp khó khăn ở Sudico (Sông Đà), Thăng lại đưa về làm phó rồi năm sau lên TGĐ.

Dự Án
Ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh (2007) và Vũ Đức Thuận (2008) kiểm soát được PVC, Đinh La Thăng bắt đầu sử dụng hàng chục nghìn tỷ của PVN ồ ạt đầu tư cho các dự án: từ nhiệt điện, sợi polyester, ethanol... đến sân golf, khách sạn, văn phòng, trụ sở... Rất nhiều công trình được quyết định đầu tư vội vã, bất chấp pháp luật.
Có những công trình lớn, ngoài "chuyên môn" như Ethanol Phú Thọ (1.700 tỷ, đội giá lên 2.400 tỷ), như Sợi Đình Vũ (đội giá từ 324,8 triệu lên 363,5 triệu USD) nhưng đã được Đinh La Thăng cho phê duyệt dự án mà không thẩm định tính khả thi, không lấy ý kiến cơ quan quản lý có thẩm quyền (Bộ Công Nghiệp lúc đó).
Hành vi cố ý của Đinh La Thăng khi quyết định đầu tư những công trình này không chỉ làm thất thoát lớn trong quá trình xây dựng mà cả hai vừa xây xong đã phải đắp chiếu vì nếu sản xuất sẽ làm lỗ cho PVN mỗi năm hàng nghìn tỷ (năm 2014, Sợi Đình Vũ lỗ 1.085 tỷ).

Trảm Tướng
Đinh La Thăng đi đến đâu cũng làm "nức lòng nhân dân" bằng các vụ "trảm tướng". Ít ai biết được đằng sau những quyết định ầm ĩ đó là gì.
Trước khi chuẩn bị ồ ạt xây cất, Đinh La Thăng đã chuẩn bị "cơ sở pháp lý" cho Thanh - Thuận bằng Nghị quyết 133 của Đảng ủy Tập đoàn, "Phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành".
Hầu hết những dự án của PVN, Đinh La Thăng đều buộc các chủ đầu tư (các đơn vị thành viên của PVN) phải "ưu tiên sử dụng dịch vụ" của nhà thầu PVC. Mặc dù Thuận và Thanh thường đưa ra mức dự toán cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế, Thăng vẫn gây áp lực để các chủ đầu tư (công ty con của PVN) chấp nhận và thường phải ứng trước vốn lên đến hơn 80% giá trị hợp đồng cho Thanh - Thuận.
Nhiều chủ đầu tư đã bị "trảm" vì không chịu vâng theo những điều kiện phi lý này.
Chi phí để Thanh - Thuận xây phần thô của tòa nhà PVFC Đà Nẵng lên tới 350 tỷ trong khi trước đó, khách sạn Petrosetco Sông Trà (Nhờ bên ngoài nắm cổ phần lớn hơn PVN nên không để Thăng ép giao thầu cho PVC) có cùng diện tích, cùng điều kiện xây dựng, đã hoàn thành nội thất, chỉ hết 69 tỷ.
Tòa nhà PVGas, đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, theo đánh giá của giới chuyên môn và theo thị trường, cả tiền xây dựng và đất, chỉ khoảng 350 tỷ đồng. PVGas đã phải quyết toán cho Thanh - Thuận lên tới 900 tỷ. Trong thời gian xây dựng tòa nhà này (2008-2010) hai tổng giám đốc của PVGas (Trần Văn Vĩnh và Nguyễn Việt Anh) đã bị Đinh La Thăng cách chức.
Có thể chỉ ra hàng loạt ví dụ tương tự khác ở những công trình như khách sạn Lam Kinh, khách sạn dầu khí Thái Bình, Trung tâm thương mại Cà Mau...
Ngoài Trần Văn Vĩnh, Nguyễn Việt Anh còn nhiều "tướng" khác bị "trảm" với lý do tương tự, trong đó có các ông: Trịnh Thanh Bình, TGĐ Đạm Phú Mỹ; Đinh Văn Ngọc, TGĐ Bình Sơn và Lương Khoa Trường, TGĐ DMC...
PVC được nói là lỗ 3.300 tỷ, đúng ra là lỗ 4.100 tỷ vì đã sử dụng hết 800 tỷ trong quỹ dự phòng. Nhưng con số thất thoát còn phải tính đến cả ở những công trình bị kê giá (như vài ví dụ vừa nêu) mà cơ quan điều tra hoàn toàn có thể làm rõ bằng cách trưng cầu giám định.

"Thiên Tài"
Tuy trong khoảng từ 2008-2010, PVC hạch toán là "hiệu quả" nhưng những khoản lỗ nhìn thấy vào giữa 2012 chỉ là phần "bục ra" và là hậu quả của cung cách Thanh - Thuận ngay từ khi họ nắm PVC. Trong xây dựng, nếu các nhà thầu được ứng tới 80-90% vốn như PVC (chưa kể giá trị đầu tư được kê cao lên) mà làm lỗ được thì phải nói là... thiên tài. Nhưng Thuận - Thanh vẫn làm được.
Nhân danh "phát huy nội lực", Đinh La Thăng đã chỉ định và giao cho PVC thầu các dự án của Tập đoàn. Nhưng Thanh - Thuận chỉ là những anh "cò". Vừa nhận thầu của Tập Đoàn là PVC liền giao toàn bộ quyền tổng thầu với các hình thức khác nhau cho các công ty con hoặc các công ty không hề là con cái gì của PVC cả.
Nhân danh "nâng cao năng lực thiết bị thi công", PVC đã bỏ ra 424,84 tỷ đồng để mua sắm máy móc. Thiết bị mua về, thay vì được PVC khai thác sử dụng, thì toàn bộ lại được chuyển cho các công ty con dưới dạng bù trừ công nợ, góp vốn... Các công ty con nhận những thiết bị này về cũng hoặc không sử dụng, hoặc chỉ sử dụng cho một công trình rồi bỏ đó.
Không chỉ áp dụng chính sách chỉ định thầu cho các công ty con, Thanh - Thuận đã cho rất nhiều nhà thầu phụ không dính dáng gì tới PVC hưởng "nội lực" của ngành dầu khí.
Đầu năm 2012, trong số 8.620 tỷ đồng ký với các nhà thầu phụ, có tới 3.572 tỷ (41,43%) được PVC "giao thầu" cho các công ty ngoài ngành. Nhiều nhà thầu phụ được ứng vốn cao hơn vốn mà PVC được ứng từ chủ đầu tư với số tiền lên đến 753 tỷ. Các nhà thầu còn được "ứng ngoài hợp đồng" lên tới 775 tỷ.

Dòng Tiền
Không phải công ty con nào cũng "sổ sách" như PVC-ME để ta có thể giải thích vì sao Thuận - Thanh lại hào phóng với các công ty con, nhà thầu phụ như thế. Và, nhờ nó, chúng ta biết được "dòng tiền".
PVC-ME là một công ty có số lỗ vào năm 2012 lên đến 576 tỷ đồng và đang "cân đối âm" 714 tỷ. Ngoài những cách quen thuộc như khai khống hồ sơ rút tiền, PVC-ME có một sáng kiến rất hay đó là cho các đối tác hoặc chỉ huy trưởng công trường ký tạm ứng rồi... không nhận tiền. Có người "để lại" 2, 3 tỷ, có đối tác "để lại" 4 tỷ. Tổng số tiền "để lại" cho quỹ đen chung này lên tới 80,768 tỷ.
Trong "sổ đen", có những khoản chi nho nhỏ, kiểu như "Học tập tấm gương HCM" 5 triệu; "Đi sở KHĐT" 5 triệu rồi "Gửi anh Hải lái xe" 211 triệu; "Mua bộ đồ đánh golf cho sếp" 350 triệu... Có rất nhiều khoản chi mỗi lần từ 1 đến gần 4 tỷ không rõ làm gì. Chỉ trong năm 2011, lái xe riêng của TGĐ đã thanh toán các khoản tiếp khách hết 1,126 tỷ đồng và tiền tiếp khách của PVC-ME hết 9,89 tỷ.
Trong "sổ" có ghi những bữa nhậu 4-5 trăm triệu, chúng rất dễ làm ta liên tưởng đến "Bộ trưởng Ballantine ". Và, không rõ tính toán ra sao mà trong ngày 15-8-2011 có tới 4 lần rút tiền "sinh nhật bố sếp Thanh"(418 triệu + 50 triệu + 80 triệu).
Những khoản chi tiền tỷ chi chít trong sổ đen mà theo ngày tháng thì nằm trong khoảng trước và sau Đại hội XI. Cấp tập hơn là những khoản chi vào giai đoạn từ sau Đại hội cho đến khi hình thành Chính phủ mới, kéo dài tới tháng 9-2011, thời điểm Đinh La Thăng chuẩn bị rời PVN qua Bộ Giao thông.
Đây cũng chính là giai đoạn Thanh - Thuận sử dụng tới 1.081 tỷ vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình II ứng cho các nhà thầu không liên quan tới công trình này "sử dụng vào những mục đích khác"(đến nay vẫn còn 700 tỷ chưa thu hồi được).
Trịnh Văn Thảo, TGĐ PVC-ME đã bỏ trốn từ 2012. Thanh đang bị truy nã. Nhưng không chỉ có Thuận, rất nhiều nhân vật thông thạo đường đi của những "dòng tiền" dầu khí như: Duy, Sợi Đình Vũ; Hoàng, PVC-IC; Trung PVC-SG... vẫn còn đi lại trước mặt cơ quan điều tra.
Khi làm Chủ tịch PVN, Đinh La Thăng không chỉ tiếp nhận một giai đoạn vẫn rất thịnh vượng của ngành (giá dầu lúc ông ta rời PVN vẫn trên 100 USD/thùng) mà còn tiếp quản từ tay người tiền nhiệm khoảng 5 tỷ USD vốn liếng.
Thanh - Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời Đinh La Thăng; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là "tan hoang".
Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ "xảy ra ở PVC" mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng.

LỜI KẾT :

Tôi chỉ là người giới thiệu - chứ không tham gia bình luận ./.

Tư liệu !

Cập nhật, ngày 30/05/2017

LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT


Tòa Giám Mục Giáo phận Ban Mê Thuột

GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ ĐIẠ LÝ
Trở về thời xa xưa, vùng đất thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột ngày nay là nơi định cư của ba sắc tộc chính: Dân tộc Êđê ở vùng Đăklăk, dân tộc M’Nông ở Quảng Đức (Đăk Nông) và vùng Phước Long có dân tộc S’Tiêng. Cả ba sắc tộc đều có thổ ngữ riêng. Họ thờ rất nhiều Thần linh, gọi chung là “Yang”.
Trước thời Pháp thuộc, Triều đình Việt Nam không mấy quan tâm đến vùng đất Cao nguyên này, nên ở đây chưa có cơ cấu hành chánh. Năm 1893, người Pháp lên chiếm đất ở vùng Đăklăk và đã xảy ra những cuộc xung đột đẫm máu với các bộ tộc người Êđê. Đến năm 1923, người Pháp đặt tỉnh Đăklăk dưới quyền cai trị của Công sứ Sabatier. Vào thời này, người Kinh không được phép đi lại và cư trú tại đây.
Năm 1910, một chuyên viên khảo sát người Pháp là Henri Maitre và Đội quân Viễn chinh Pháp đã đặt chân đến vùng Tây Nam Cao nguyên (Quảng Đức, ĐăkNông). Họ thẳng tay đàn áp những bộ tộc người M’Nông không hàng phục. Năm 1932, người Pháp đặt cơ sở hành chánh tại ĐăkMil. Năm 1950 thì chuyển qua Đăk Song, và năm 1952 thì Đăk Song trở thành Quận của tỉnh Đăklak. Năm 1959, quận Đăk Song được tách khỏi tỉnh Đăklăk để trở thành phần đất chính của tỉnh Quảng Đức (vùng Đăk Nông hiện nay).
Còn đất Phước Long, vào thế kỷ 17, thời Chúa Nguyễn Phúc Chu là huyện Phước Long, có Dinh Trấn biên để bảo vệ địa đầu biên giới. Vùng đất này có đồng bào S’Tiêng sinh sống. Năm 1929, người Pháp mở Quốc lộ 14 ngang qua đây để bình định các buôn làng. Năm 1957, quận Sông Bé được tách khỏi tỉnh Biên Hòa và quận Bố Đức (Bù Đốp) tách ra khỏi tỉnh Thủ Dầu Một để lập thành tỉnh Phước Long. Ngày nay, Phước Long thuộc tỉnh Bình Phước.
Giáo Phận Ban Mê Thuột nằm trong địa giới hành chính của ba tỉnh Đăklăk, Quảng Đức và Phước Long (trước 1975). Còn bây giờ là Đăklăk, Đăk Nông và một phần gồm Thị xã Đồng Xoài và 4/7 số huyện của tỉnh Bình Phước.
II. LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN
Phần này được viết khá chi tiết để quí độc giả hiểu: Việc truyền giáo cho anh em sắc tộc tại Cao nguyên rất cực nhọc, và đòi hỏi phải có lòng kiễn nhẫn như thế nào. Sự hình thành giáo phận Ban Mê Thuột là kết quả của công cuộc truyền giáo này.
A. SỰ HÌNH THÀNH GIÁO PHẬN
1. Bước đầu khai sinh
Có thể nói, từ một nơi hoang sơ, rừng thiêng nước độc, cư dân chỉ là những sắc tộc bản địa, chưa một bước chân của người Pháp đến khai thác, hay người An Nam đến tìm hiểu vùng đất mới để sinh sống thì đã có những bước chân âm thầm của hai nhà truyền giáo bắt đầu tập ăn chung, ngủ chung với người sắc tộc bản địa.
Vào năm 1847, cha Fontaine Khâm, Hội Thừa sai Paris (MEP) đến thăm viếng các anh em sắc tộc M’Nông gần buôn Yeng Drôm, nằm giữa Đakmil, một huyện thuộc tỉnh Đak Nông ngày nay và Bản Đôn, một huyện thuộc tỉnh Đăklăk ngày nay.
Năm 1850, cha Hòa thuộc Kontum thời Đức cha Cuénot Thể, cũng thử đến rao giảng Tin Mừng cho anh em dân tộc bản địa gần đầu nguồn sông Đồng Nai, trên đường đi Djiring.
Nhưng cả hai cùng thất bại, nên rủ nhau lên truyền giáo vùng Kontum. Cha Hòa là cha sở đầu tiên của họ đạo Kontum, qua đời tại Ninh Hòa năm 1861. Cha Khâm giảng đạo quanh vùng Kontum, sau này về Pháp và mất tại đó. Lịch sử Giáo phận Kontum không ghi lại rõ các cha đã ở lại vùng đất Đồng Nai và Đăklăk bao lâu. Nhưng đây là dấu son đầu tiên tô điểm cho công cuộc truyền giáo tại vùng đất, nay thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột.
Một thời gian dài gần 80 năm sau thất bại trên, khoảng năm 1926 – 1927, có hai người ngoại quốc là gia đình ông bà Maillot người Pháp và ông Ruyter người Hà Lan - theo đạo Tin Lành -, khẩn khoản xin Đức cha Giáo phận Qui Nhơn đến vùng đất Ban Mê Thuột lập họ đạo. Vì trong các đồn điền người Pháp cai quản hiện có hơn 100 bổn đạo Công giáo. Hơn nữa, hai ông đã đến tận giáo xứ Plei Pơo, phía đông núi Hàm Rồng, cách Pleiku 13 km để xin cha Cẩn lo liệu cho anh em giáo dân. Mọi chi phí di chuyển hai ông sẽ lo. Ở đây ta nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa. Hai ông chủ đồn điền thì nhắm mục đích kinh tế. Nhưng Chúa lại biến thành cơ hội cho Nước Trời phát triển.
Năm 1928, chớp thời cơ thuận tiện và để đáp ứng thiện chí của hai người ngoại quốc trên, trong đó có một người Tin Lành, Đức cha Grangeon Mẫn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn (chưa chia các Giáo phận Kontum 1932, Nha Trang 1957, Đà Nẵng 1963, và Ban Mê Thuột 1967), với một diện tích quá mênh mông, hơn 90.000 km¬¬2, hơn 70.000 bổn đạo. Trong khi đó, con số linh mục chỉ khoảng 39 linh mục thừa sai và 80 linh mục Việt Nam, chưa kể có hơn 20 linh mục làm công tác quản lý, tuyên úy và giáo sư Chủng viện. Trước tình cảnh này, Đức cha Grangeon Mẫn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đã viết thơ xin Đức cha De Guébriant, Bề trên Hội Thừa sai Paris gởi thêm linh mục mới, để có thể thành lập họ đạo ở Ban Mê thuột.
Có thể nói vùng đất Ban Mê thuột là lãnh thổ riêng của ông Công sứ Sabatier, ông chỉ cho phép người ngoại quốc lên khai thác đồn điền và chiêu mộ dân An Nam làm công nhân (coolie). Ngoài ra, các thành phần khác rất khó mà vào nếu không có phép của ông công sứ. Vì lẽ đó, cha Labibiausse Sáng, cha Chính Giáo phận Qui Nhơn, và cha Janin Phước, cha chính Kontum, dự định đến Ban Mê Thuột để nghiên cứu tình hình giáo dân và địa thế xây dựng họ đạo. Cũng như tiếp xúc với gia đình ông Maillot và ông Ruyter không dễ dàng. Một phần do công việc bề bộn của các đồn điền, một phần vì ông bà Maillot và Ruyter cũng như của ông Monteil trong năm 1928 không thể tổ chức tiếp đón hai cha nên sứ vụ của hai cha bị ngưng lại.
Vào tháng 3 năm 1929, vợ chồng ông Maillot và Ruyter đến tận Plei Pơo để gặp cha Nicolas Cận, trước tiên cáo lỗi vì đã không tạo điều kiện cho hai cha chính đến thăm mục vụ; sau đó là trình bày việc ông Ruyter - người Tin Lành -, muốn dâng cúng tất cả kinh phí để thành lập một họ đạo ở đồn điền CADA, nơi có hơn 100 công nhân Công giáo. Cùng một lòng với ông Ruyter, gia đình ông Maillot cũng muốn dâng hiến một phần đất đồn điền của gia đình ông gần trung tâm Ban Mê Thuột (sau này là Trung tâm Công giáo Thượng của cha Bianchetti Bạch) để lập họ đạo chính. Hai ông mời cha Nicolas Cận đến Ban Mê Thuột, cha Nicolas Cận nhận lời. Ông Ruyter hứa sau lễ Phục sinh năm 1929, sẽ cho xe lên đón cha Nicolas Cận tại Plei Pơo. Nhưng lời hứa cũng không được thực hiện.
Đến năm 1930, vì nhiều lý do, cha Janin Phước không đi thăm Ban Mê Thuột được. Để giữ mối quan hệ với những người Pháp và chính quyền thời bấy giờ, ngài đã gởi tặng những cuốn sách: “Les Sauvages Bahnars” của cha bề trên Dourisboure Ân, hay những cuốn như “Emigration An Namite”, “Une voie déblayée”… Một món quà đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các gia đình người Pháp và các quan chức.
Sang năm 1930, ông Lê Đức Cầu, một giáo dân, viết thư cho cha Janin Phước thuật lại công việc của ông sau chuyến đi Nha Trang, trong đó có việc ông khẩn khoản xin cho Ban Mê Thuột một cha sở, vì nhiều giáo dân chết mà không gặp được linh mục. Hơn nữa, ông Công sứ Pháp đã đổi đi nơi khác. Ông mới về có lòng đạo đức tốt, rất sùng đạo. Ông viết: “Trong một lần đến nhà con chơi, con đã lợi dụng cơ hội nói về việc làm nhà thờ. Ông Tân Công sứ nói cho con biết là tỉnh Ban Mê Thuột mới thành lập, sẽ có họ đạo và xây dựng nhà thờ tại một địa điểm tốt.”
Ông Cầu cũng cho biết ông sẽ đi Làng Sông gặp Đức cha để xin lập họ đạo ở Ban Mê Thuột.
Ngày 05.10.1933, ông Phán Nguyễn Văn Thanh, Thư ký Toà sứ Ban Mê thuột viết thư hỏi ý kiến Đức cha về việc làm nhà thờ. Trong thư, ông viết: “Con là người Công giáo, khi đến Ban Mê Thuột, không thấy nhà thờ, con quá đau lòng.” Ông cho Đức cha biết thêm là bổn đạo ở Ban Mê Thuột đã quyên góp được 300 đồng để làm nhà thờ.
Xúc động trước lòng đạo đức và sốt sắng của “bổn đạo An Nam” tại Ban Mê Thuột, Đức cha đã viết thư trả lời: “Theo nguyên tắc, việc lập nhà thờ và mở họ đạo tại Ban Mê Thuột là đúng và hợp lý. Nhưng bổn đạo ở đây phải đồng tâm hiệp ý cố gắng giữ vững đức tin. Vì việc thành lập họ đạo luôn luôn bị cản trở.”
Với “lòng nhiệt thành nhà Chúa”, giáo dân Ban Mê Thuột làm áp lực lên Đức cha để xin một cha sở. Đức cha liên tiếp nhận được thư của bổn đạo nơi đây. Và ngài quyết định sẽ đến Ban Mê Thuột một lần, để xem xét tình hình và để quyết định những công việc phải làm.
Trong nhật ký của Đức cha Janin Phước Giáo phận Kontum có ghi lại chuyến đi kinh lý Ban Mê Thuột. Có thể thấy, sự quan tâm lo lắng của Đức cha đối với Ban Mê Thuột, và vấn đề phát triển họ Đạo Ban Mê Thuột là rất cấp bách và cần thiết.
Ngày 28.1.1934, Đức cha đánh điện xin Toà Công sứ Ban Mê Thuột giữ trước hai phòng khách sạn cho phái đoàn Đức cha Kontum kinh lý Ban Mê thuột. Phái đoàn bắt đầu rời Toà Giám mục Kontum do cha Crétin Xuân lái xe, đi Pleiku đón cha Corompt Hiển và đến giáo xứ Plei Pơo đón cha Ban, chuẩn bị hôm sau đi Ban Mê Thuột.
Ngày 29.01.1934, sau khi dâng lễ, Đức Cha Jannin Phước, Giám mục Kontum dẫn một phái đoàn đến Ban Mê Thuột để nghiên cứu tình hình và chọn địa điểm cho một cơ sở Công giáo tương lai. Khởi hành từ 6giờ 30 sáng, đến 3 giờ chiều thì phái đoàn đến trung tâm Ban Mê Thuột. Phái đoàn đến Toà Công sứ và được các ông trong Toà Công sứ đón tiếp nồng hậu.
5 giờ chiều, phái đoàn đến thăm ông Destenay, Công sứ Daklak tại nhà riêng, và thăm ông Quản đạo vì ông này là người Công giáo, và là người tổ chức cuộc đón tiếp lúc 6 giờ chiều. Cuộc đón tiếp quá long trọng tại Văn phòng ông Quản đạo với cờ quạt và pháo nổ râm ran. Trong buổi đón tiếp, chỉ khoảng 10 người Công giáo hiện diện, vì nếu mời đầy đủ thì bổn đạo ở các đồn điền xa sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba ngày 30.1.1934, tại khách sạn Maury (nay là khu Thăng Long, đường Lê Duẩn, BMT), có một phòng lớn còn trống, cha Crétin Xuân đã dọn dẹp sạch sẽ và dọn bàn chuẩn bị dâng thánh lễ chính thức đầu tiên trên mảnh đất Ban Mê Thuột. Cha Ban giảng lễ. Có khoảng 12 người Công giáo An Nam đến xưng tội, dự lễ và rước lễ. Sự kiện này đánh dấu sự có mặt chính thức của Giáo hội Công giáo trên vùng đất mới này.
Sau thánh lễ, phái đoàn đi thăm xã giao các cơ quan chính quyền và tham quan Ban Mê Thuột. Buổi chiều, phái đoàn Tòa Giám mục Kontum đi thăm đồn điền CADA, nơi có đông đảo công nhân là người Công giáo.
Ngày 31.1.1934, thánh lễ thứ hai được cử hành tại khách sạn. Hôm nay, đích thân ông Công sứ Destenay hướng dẫn phái đoàn đi thăm các nơi có tiếng tăm, các cơ sở nòng cốt của Ban Mê Thuột, như: Nhà đèn (Nhà máy điện ngã tư Nguyễn Công Trứ - Lê Duẩn, BMT), Thác Nhà đèn (Buôn Kơsir) nơi sản xuất và cung cấp điện cho Ban Mê thuột của ông Bourgery, Hồ chứa nước uống cho cư dân Ban Mê Thuột (nay là nhà máy nước). Ông cũng đưa phái đoàn đi tham quan Trường học Pháp – Rhadé. Đây là nơi phái đoàn dừng chân lâu nhất, và thăm Lao xá Ban Mê Thuột (nay là sân tennis Sở Công An Daklak), đi tham quan các buôn làng Alê của người sắc tộc bản xứ.
Buổi chiều, phái đoàn đi dạo với mục đích tìm một khu đất để thành lập họ đạo. Sau khi xem nhiều nơi, phái đoàn chọn khu đất nằm ngay tam giác trên đường đi Kontum và đường Méwal (đường Phan Chu Trinh ngày nay) trước khi vào thị xã Ban Mê Thuột. Khu đất giáp làng An Nam và gần nhà ở của người Pháp.
Trong cuộc tiếp chuyện, ông Công sứ thông báo cho phái đoàn biết có ba Mục sư Tin Lành ở Mỹ vừa đến, và một người tới trước đang đi sâu vào các vùng lân cận, các mục sư này đã bước nhanh chân hơn. Vậy phải lập cơ sở tại đây gấp rút.
1.2.1934. phái đoàn rời Ban Mê Thuột về Kontum mà lòng se sắt khi nghĩ đến đông anh em sắc tộc nghèo khổ, đang sinh sống tại các buôn làng nằm rải rác trong những cánh rừng mênh mông heo hút của Ban Mê Thuột.
2. Thành lập Giáo họ Banmêthuột: 15.8.1934
Khu đất được chọn để thành lập Giáo họ là một khu rừng thuộc đất quy hoạch, được ông Desteney, Công sứ Pháp nhường cho Địa phận Kontum. Nhưng giấy tờ chưa được ký thì viên Công sứ Pháp này phải chuyển đi làm Công sứ tỉnh Thừa Thiên...
Sau đó, Đức Cha Jannin nhờ Thầy Hiền, một cựu Thầy giảng có gia đình thuộc Giáo phận Qui Nhơn, Thầy Hiền trước đây thuộc Hội Thầy giảng (Catéchiste) do Cha Đắc Lộ lập ra, nguyên quán ở Họ đạo Mang Yang (theo tiếng dân tộc địa phương gọi là Cửa Trời) đi giúp lập Họ đạo Ban Mê Thuột. Thầy đến nhiệm sở ngày 15.5.1934. Thầy và bổn đạo Ban Mê Thuột cùng đồng tâm nhất trí cất Nhà nguyện Giáo họ. Nhưng công trình không thể bắt đầu vì đất đai chưa có giấy phép, do thông cáo số 187-CA ngày 15.3.1934 của Tòa Khâm sứ Trung kỳ (Pháp) tại Huế, đình chỉ tất cả việc cấp đất thành phố cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, và phải đợi chỉ thị mới của Phủ Toàn quyền Đông Dương...!
Đức Cha Jannin lại đưa Thầy Hiền qua Ban Mê Thuột lần nữa để tiếp xúc với đồng bào Êđê, học tiếng và dạy đạo cho họ. Nhưng công việc lại bị cản trở vì thông cáo số 3614 ngày 15.11.1930 của Tòa Khâm sứ Trung kỳ cấm truyền đạo cho người Thượng trong tỉnh Đăklăk cho đến khi có chỉ thị mới!
Tuy có lệnh cấm cấp đất thành phố, nhưng bổn đạo Ban Mê Thuột cứ nôn nóng làm Nhà nguyện trên khu đất đã nhường cho Giáo phận Kontum, dù chưa có giấy tờ chính thức... Và ngày 15.8.1934, một Nhà nguyện mái tranh vách đất đã được dựng lên. Năm 1959, Thầy Hiền thay mặt Giáo phận Kontum hướng dẫn Bổn đạo dựng lại nhà thờ bằng gỗ sao. Đến năm 1965, các Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn đã xây một Nhà nguyện mới trên nền Nhà nguyện tiên khởi này. Hiện nay nó thuộc phạm vi của Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh.
3. Thành lập Giáo xứ Banmêthuột: 30.3.1937
Nhà nguyện Họ đạo Ban Mê Thuột tuy được xây cất bất hợp pháp, nhưng Công sứ tỉnh Đăklăk là ông Henri Gerbinis và ông Trương Kỳ, quan An nam đầu tỉnh đã nhắm mắt làm ngơ, vì cả hai ông đều là người Công giáo. Trong khi đó Đức Cha Jannin vẫn tất bật ngược xuôi để lo liệu giấy tờ hợp pháp cho thửa đất đó. Sau hơn bốn năm trời đơn từ đi lên đi xuống, cuối cùng Tòa Khâm sứ Trung kỳ mới chấp thuận giải quyết cho Đức Cha được mua khu đất trên với giá 2 xu (0.02 đồng) một mét vuông. Quyết định cấp đất này do ông Graffeuil, Khâm sứ Trung kỳ ký, số 195/942, ngày 29.11.1938. Và ngày 16.12.1938, Tòa Giám mục Kontum đã trả 201 đồng để mua 10.050 m2 đất. Như vậy không phải là “Đối với Chánh phủ bảo hộ do các quan Tây cầm đầu, mấy ông cố Tây xin gì mà không được”! như một số đồng bào khác đạo thời ấy suy nghĩ.
Trong thời gian Ngôi nhà nguyện cất lên bất hợp pháp trên khu đất chưa có giấy phép, tình cảnh rất bấp bênh, vì có thể bị triệt hạ bất cứ lúc nào. Dù vậy, Đức Cha Jannin, Giám mục Giáo phận Kontum lúc ấy vẫn tin tưởng, Ngài viết thư cho Công sứ Đăklăk biết quyết định của Tòa Giám mục Kontum về việc nâng Giáo họ Ban Mê Thuột lên hàng Giáo xứ, và việc bổ nhiệm một linh mục “An Nam”: Cha Phêrô Nguyễn Đức Cẩn làm Cha sở. Ngài còn viết thư cho ông Lê Đức Cầu, Câu họ Ban Mê Thuột, chuẩn bị đón tiếp Cha sở mới.
Ngày 30.3.1937, Đức Cha Jannin Phước, Giám mục Địa phận Kontum, tuyên bố nâng Giáo họ Ban Mê Thuột lên hàng Giáo xứ, và chủ tọa lễ tựu chức của Cha sở tiên khởi Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn.
Nhà xứ được Đức Cha chỉ dẫn làm theo kiểu nhà sàn dân tộc, nhà này đã tồn tại suốt từ năm 1937 đến tháng 8 năm 1994 thì được tháo dỡ để xây cất trường học mới.
Về phần Cha Cẩn, sau vài tháng phục vụ, do không hợp thủy thổ, ngài bị bệnh sốt rét và thương hàn. Ngày 12.01.1938, Cha trở về Tòa Giám mục để chữa bệnh. (Ngài mất năm 1982 sau 60 năm làm linh mục). Trong thời gian này, Giáo xứ Ban Mê Thuột không có linh mục suốt 4 năm rưỡi vì thời cuộc lúc ấy và cũng vì Đức Cha Jannin Phước qua đời (ngày 14.7.1940 tại Kontum, hưởng thọ 73 tuổi với 42 năm linh mục và bảy năm Giám mục).
Ngày 22.4.1942, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Sion Khâm làm Giám mục Kontum. Ngài nhậm chức tháng 5.1942. Hai tháng sau Giáo xứ Ban Mê Thuột có Cha sở mới: Đó là Cha Romeuf Phương. Ngài được bổ nhiệm ngày 26.7.1942.
Việc trước tiên của cha Romeuf là xin phép mở trường tiểu học dạy các em trong Xóm Đạo và thị xã. Đơn xin được ty Học chánh Pháp thuộc chấp thuận và Tòa Công sứ chuẩn y cấp giấy phép. Cha Romeuf là hiệu trưởng đầu tiên (nay là Trường THCS Phan Chu Trinh). Trường mở vào niên khóa 1947-1948. Học sinh thị xã cả lương lẫn giáo độ 30 em. Học phí mỗi tháng một đồng. Miễn phí cho các em quá nghèo.
Đây là ngôi trường đầu tiên sau tháng 3.1945 của thị xã Ban Mê Thuột cho học sinh Việt Nam. Trước khi Nhật cướp chính quyền năm 1945, Ban Mê Thuột cũng có trường tiểu học. Trường này biến thành rạp chiếu bóng cho đến 1955 mới mở lại, với tên là Trường Nguyễn Công Trứ.
Trường Công giáo Ban Mê Thuột vẫn tiếp tục mở các lớp cho đến ngày trao cho các Sư huynh Lasan điều khiển.
Đến nhận xứ Ban Mê Thuột, Cha Quản xứ Romeuf hết mình chăm lo cho đời sống đức tin giáo dân Ban Mê Thuột. Ngài còn xây trường học, mở mang đường xá, thiết lập làng ấp như: làng Phương Danh dành cho người Công giáo, làng Kim Sa của người Phật giáo.
XÓM ĐẠO – LÀNG AN NAM
Trước 1945, Ban Mê Thuột được coi là nơi ma thiêng nước độc. 60% đàn ông bị sốt rét rừng, đàn bà hợp thuỷ thổ hơn. Ban Mê Thuột là nơi đày các phạm nhân chính trị, nơi được sắp ngang hàng với Lao Bảo, Dak Tô, Trà My…, sau trại giam Côn Sơn.
Về diện hành chánh, đứng đầu tỉnh có một Công sứ Pháp (Résident de France) về phía Nam Triều có một ông Quản Đạo cai trị.
Người An Nam lúc bấy giờ, 80% là phu công các đồn điền của Pháp, 20% là công chức, tư chức, và một ít thương gia sống quây quần giữa thành phố, tập trung ở các đường Lê Lợi (nay Nguyễn Công Trứ) – Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh và Tôn Thất Thuyết (nay là Lê Hồng Phong). Các người trong khu vực này đều được gọi là người “Làng An Nam”, mặc dù lúc bấy giờ đã có làng Lạc Giao với các Hương chức điều hành.
Xóm đạo gồm khuôn viên nhà thờ và các gia đình sống trên khu đất: Lê Thánh Tôn (đường Méwal) - Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh (đường Kho Đạn) tới ranh giới khu Tòa Giám Mục và nghĩa trang Công Giáo (đường Lê Thánh Tôn). Số người sống trong Xóm Đạo này đếm được trên đầu ngón tay.
Xóm Đạo và làng An Nam tuy chỉ cách nhau khoảng hơn 300 thước, nhưng hai nếp sống rất khác biệt. Một bên thì nếp sống văn minh thành thị, một bên thì chỉ biết lam lũ làm ăn đầu tắt mặt tối… Toàn tỉnh Đăklăk lúc bấy giờ (1945), kể các nhân công đồn điền và ngoại kiều, chỉ có khoảng 4000 người. Bưu điện hiện nay là di tích còn lại của trước thời kỳ 1945, chỉ dung nạp tối đa cho khoảng 5000 người sử dụng.
LÀNG KIM SA, LÀNG PHƯƠNG DANH
Ý định của cha Romeuf là muốn chiêu dân lập ấp. Số đồng bào Công Giáo lúc bấy giờ còn ít ỏi song trong thâm tâm của ngài là sẽ lập một làng An Nam Công Giáo như những làng Công giáo lớn ở Trung Châu: Gò Thị – Gia Hựu, Trà Kiệu, Mằng Lăng, Hộ Diêm…
Địa điểm lập làng mới là ở phía bắc thị xã nằm trên các lô đất nay là đồn điền của Ama H’Rin, ông Lê Văn Triều và ông Nguyễn Đức Hường, vì đất này nằm dọc theo các con suối.
Đơn xin lập làng đã đến văn phòng Công sứ Darlac và đang được tòa hành chánh cứu xét để trình lên cấp trên ở Huế. Nhưng trên thực tế, cha Romeuf cũng chỉ cho bổn đạo địa điểm làng Công Giáo tương lai. Có một vài người đã ra chiếm đất cất nhà.
Làng Kim Sa và làng Phương Danh có thể thành hình được trong vài ba năm sau với giấy phép của chính quyền và ranh giới họa đồ hẳn hoi. Nhưng công việc đã gặp một cản trở rất lớn, kéo dài suốt mấy năm… Sau cùng cũng không thành công. Lý do là vì lúc bấy giờ, ông Tôn Thất Hối, thuộc hoàng tộc, được bổ nhiệm làm Quản đạo Chính phủ Nam Triều tại Đăklăk. Khi hay biết cha Romeuf xin phép chính phủ bảo hộ lập làng mới thì ông cũng đệ đơn về Bộ xin lập làng mới nữa. Chánh phủ Nam Triều và Tòa Khâm sứ Huế điều tra nghiên cứu mà không sao thỏa mãn được các đơn xin, bởi vì lúc bấy giờ tỉnh Đăklăk, ngoài các công nhân đồn điền, “người An Nam” kể cả công tư chức, thương kỹ nghệ gia, thường dân không đến 1000 người. (Thời ấy, công nhân đồn điền thì không có cách nào bỏ trốn đi nơi khác được).
Sau mấy năm tranh chấp giữa cha Romeuf và ông Quản đạo Tôn Thất Hối, việc lập làng An Nam mới tại Ban Mê Thuột có lệnh đình chỉ.
Để tranh thủ thời gian, cha Romeuf liền tiến hành thủ tục thành lập Họ đạo ở CADA, (CADA là tên gọi tắt của một công ty người Pháp khai thác đồn điền cà phê Compagnie agricole d’Asie), nằm hai bên Quốc lộ 21, đường đi Ninh Hòa, cách thị xã 24 cây số. Nơi đây tập trung bổn đạo là công nhân đồn điền ngay từ thời kỳ đầu năm 1928 – 1929. Hơn nữa, tình hình công nhân nơi đây quá cơ cực về mặt vật chất. Mặt tinh thần lại cơ cực hơn nữa, vì xa gia đình, xứ sở, xa vợ con, không người nâng đỡ, chia sẻ…, nên dù biết là lỗi với gia đình vợ con, song hoàn cảnh bắt buộc, nhiều người đã sống tình trạng gia đình bất hợp pháp.
Vào đầu năm 1948, cha Romeuf đi Nha Trang để xưng tội (lúc đó không có linh mục thứ hai nào ở Ban Mê Thuột), ngài có ghé thăm cha Nguyễn Quang Xuyên, cha sở Gò Muồng, Ninh Hòa. Cha Xuyên cho cha Romeuf biết có khoảng 15 gia đình Công Giáo Bắc Việt hiện đang làm ở Sở Canh nông thuốc lá và bông gòn, cách nhà thờ 8 cây số và cách quận Ninh Hòa bảy cây số. Hoàn cảnh sống rất khổ, ban ngày thì sợ “Tây bố ráp”, ban đêm thì sợ “Việt Minh quấy rầy”. Họ muốn đi nơi khác làm ăn.
Sau khi suy tính, thảo luận và dàn xếp với ông Noel Mercurio chủ đồn điền CADA, các anh em Công giáo này được vào làm sở cà phê. Họ gồng gánh lên CADA vào tháng 8.1948. Cha Romeuf xin chủ đồn điền cất cho họ một nhà nguyện có đầy đủ bàn ghế, để họ có nơi kinh nguyện và học giáo lý buổi tối. Mỗi Chúa Nhật ngài đến làm lễ.
Nhờ đời sống tập thể của 15 gia đình Công giáo Ninh Hòa mới lên; nhờ có đọc kinh chung mỗi tối ở nhà nguyện, nhờ có Thánh lễ Chúa Nhật mỗi tuần, họ lẻ CADA trở nên sầm uất. Đầu năm 1949, cha Romeuf cho thầy giáo về dạy chữ và dạy kinh bổn cho trẻ em và người tân tòng, thăm viếng các anh chị em khô khan, cũng như khuyên nhủ các gia đình rối năng đến nhà nguyện hơn, kinh lễ hằng Chúa Nhật.
Lòng hăng say và nhiệt thành của giáo hữu họ CADA tăng lên trông thấy. Cha chính Địa phận Kontum Renaud Ái về ban phép Thêm Sức cho 15 người lớn nhỏ, và sau cùng Đức Cha Sion Khâm về thăm, làm lễ cho họ CADA trong dịp ngài đi kinh lý Ban Mê Thuột năm 1950.
Với lương tâm Công giáo, anh em làm việc cho sở một cách tận tụy. Chủ đồn điền cũng như các ông cai, ông ký và anh em trong sở, có thiện cảm với anh em Công giáo hơn là ganh tỵ. Sau năm 1968, đồn điền CADA không còn được bảo đảm an ninh, một số gia đình Công giáo đi Ban Mê Thuột, một số khác đi Phước An tìm kế sinh nhai.
Có một điều may mắn là trong những năm chiến tranh sôi động (1945-1946), Nhà thờ và nhà xứ BMT vẫn còn nguyên vẹn, không bị đốt phá như các nhà trên các khu phố.
Số giáo dân tại Ban Mê Thuột thời ấy tăng nhanh do hai yếu tố: Chế độ “Hoàng triều cương thổ” và làn sóng di cư của đồng bào Bắc Việt vào Nam.
Chế độ “Hoàng triều cương thổ”: Đầu năm 1946, quân đội viễn chinh Pháp trở lại Việt Nam. Năm 1948, Vua Bảo Đại về nước, ông thường qua Pháp để bàn việc quốc sự nhưng khi về Việt Nam thì hay ở Ban Mê Thuột hơn là Kinh đô Huế. Nên, Cao nguyên Trung phần, đặc biệt là Đăklăk, được chọn làm “Đất của Hoàng đế” hay “Hoàng triều cương thổ” (Domaine de la Couronne). Ban Mê Thuột, do đó, tăng triển nhanh về nhiều mặt, công chức và quân đội được đưa lên cùng với gia đình, sau đó kéo theo cả họ hàng đến định cư.
“Đồng bào Bắc Việt di cư”: Sau Hiệp đinh Genève 21.7.1954, tỉnh Đăklăk có thêm rất nhiều đồng bào Miền Bắc di cư vào, đa số là giáo dân. Từ năm 1955, các trại định cư được thành lập như Kim Châu, Kim Phát, Giang Sơn, Đức Minh, Cung Kiệm, Hà Lan, Thọ Thành, Chi Lăng, Châu Sơn, Hưng Đạo, Trung Hòa, Gia Nghĩa... Trong vòng hai năm, số tín hữu từ khoảng 800 tăng lên trên 20.000. Các trại định cư đều có linh mục coi sóc.
Số Giáo dân tại Ban Mê Thuột tăng lên hằng năm. Một yếu tố khác nữa làm tăng số giáo dân ở Đăklăk là “Quốc sách Dinh điền” thời chế độ Ngô Đình Diệm: di dân lập “ấp chiến lược” (năm 1957). Tại các trại định cư như: Quảng Nhiêu, Đạt Lý, Đạo Tế, Khuê Ngọc Điền, Từ Cung, Đạt Hiếu, Quảng Trạch… số người Công giáo đến sinh sống lập nghiệp cũng khá đông. Hai năm sau, thấy đời sống đức tin của giáo dân có phần gương mẫu, số người muốn học và tìm hiểu đạo Công giáo lên đến khoảng 3.000 người.
Tính đến năm 1960, số giáo dân trong tỉnh Đăklăk đã lên đến 25.000 người. Các trại định cư và dinh điền hàng năm đều có thêm người đến lập nghiệp.
4. Về việc truyền giáo cho đồng bào sắc tộc:
Năm 1950, sau khi cha Romeuf nghỉ phép ở Pháp về, ngài có cha Lưu Phương, linh mục Địa phận Kontum bị tỉnh Kontum trục xuất vì tình nghi “theo Việt Minh”, giúp việc Giáo họ Ban Mê Thuột. Đồng thời có thêm Cha Bianchetti Bạch quyền chánh sở tuân lệnh Bề Trên Địa phận đi mở đạo cho các người Thượng.
Giáo xứ Ban Mê Thuột cũng như cha Bianchetti Bạch ghi nhớ và biết ơn ông Rendu, người Pháp, giáo viên trường Sabatier, là trường Trung học dành cho người Thượng Cao Nguyên Trung Phần. Ông độc thân, rất có lòng đạo, hằng ngày đi lễ và rước lễ, thường xuyên liên lạc với hai cha Romeuf và Bianchetti, để thảo luận về vấn đề truyền giáo cho người sắc tộc thiểu số.
Trước khi cha Romeuf về Pháp nghỉ, đã có một số em tự động đến nhà cha Romeuf chơi, và ngài cho các em coi các phim (projection) về Cựu Ước và Tân Ước, hoặc các phim về Tòa Thánh Roma, về Đất Thánh. Lẽ dĩ nhiên là có sự tác động bên trong của ông Rendu.
Ngày 15.12.1952, Đức Cha đến thăm xứ đạo Ban Mê Thuột và bổ nhiệm Cha Bianchetti Bạch đặc trách truyền giáo cho đồng bào Êđê.
Khoảng năm 1953, hai linh mục người Pháp thuộc Giáo phận Kontum, là cha Pièrre Romeuf Phương và cha Roger Bianchetti Bạch (MEP), quản xứ giáo xứ Ban Mê Thuột, đã đặt những bước chân đầu tiên lên thăm vùng đất của anh em dân tộc Êđê, tại buôn Kroa và buôn Jù, cách Buôn Ma Thuột khoảng 20 km. Cuối năm 1954 cha Pièrre Romeuf, chính xứ Ban Mê Thuột và cộng sự của mình là cha Giuse Trịnh Chính Trực, bắt đầu công cuộc truyền giáo cho đồng bào buôn Kroa. Sau một năm, hai gia đình người dân tộc đã được rửa tội, đánh dấu cho một cuộc khai sinh vùng đất truyền giáo mới với bao hy vọng.
Trước năm 1954, trong toàn tỉnh Đăklăk chỉ có khoảng 7.000 người Kinh và 115.000 người sắc tộc, thuộc các bộ tộc Êđê, M’Nông và S’Tiêng (khi đó tỉnh Quảng Đức chưa được thành lập). Việc rao giảng Tin Mừng cho người sắc tộc cực kỳ khó khăn vì thiếu linh mục phụ trách và thiếu sách giáo lý tiếng bản địa.
Cái khó nhất trong việc dùng tiếng Êđê để giảng đạo là: làm sao tìm được những chữ đúng nghĩa về các mầu nhiệm trong đạo! Nhưng cũng có cái may cho Cha Bianchetti Bạch là các Mục sư Tin Lành truyền giáo từ năm 1934, đã dịch Kinh Thánh và viết sách giáo lý bằng tiếng Êđê. Cha Bianchetti Bạch dựa vào đó nghiên cứu thêm. Cha còn sống hòa nhập với đồng bào các buôn làng để tìm hiểu về đời sống, kinh tế, tập quán và cả tín ngưỡng của họ nữa.
Bước khởi đầu thuận lợi, cha Bianchetti Bạch với ông Rendu tiếp tục thực hiện từng chi tiết, theo kế hoạch dựng sẵn. Nhờ ơn Chúa phù trợ, số thiếu nhi sắc tộc tham dự các buổi giáo lý lên đến 20 em.
Nhận thấy việc mở lớp giáo lý tại nhà cha sở Ban Mê Thuột bất tiện vì chật hẹp, thiếu chỗ ngồi, nên ngài được phép làm nhà riêng. Khuôn viên trường Lasan Lam Sơn, đường Cường Để, - nay là trường Bồi dưỡng Chính trị đường Nguyễn Văn Trỗi, Ban Mê Thuột - là cơ sở truyền giáo Thượng đầu tiên của cha Bianchetti Bạch.
Hai dãy nhà tranh được cất lên, có phòng rộng rãi, điện nước, đủ tiện nghi, có nhà lưu trú. Cha Bianchetti thường trú tại nhà này. Ông Rendu cũng đến ở chung với cha. Một số em học sinh Thượng ở xa, thay vì nội trú tại trường Sabatier, đến xin tá túc tại cơ sở cha Bạch.
Vấn đề truyền giáo cho đồng bào Thượng không chỉ ở trung tâm thành phố, với vài ba chục học sinh mà còn phải đi sâu vào các làng các buôn Thượng. Có ông Rendu thường trực tại cơ sở chính, phụ tá cha Bianchetti lo cho các em, quản lý nhà. Cha Bianchetti đi thăm các làng quanh vùng Ban Mê Thuột, Lạc Thiện, Buôn Hô.
Ngài quyết định đặt thí điểm truyền giáo chính thức của Giáo phận cho các đồng bào sắc tộc ngoài thị xã là buôn Sut Hluôt. Buôn này ở về phía bắc thị xã, cách tỉnh lỵ độ 5 cây số đường chim bay và 9 cây số đường bộ.
Để đánh dấu ngày khai trương truyền giáo này, một buổi lễ ra mắt trọng thể được tổ chức tại buôn. Về phía tôn giáo, có cha Romeuf Phương, cha Bianchetti Bạch và các viên chức cùng bổn đạo họ Ban Mê Thuột. Về phía quan khách có các ông chánh phó Tỉnh Trưởng (ông Doustin và Reymond), Chánh phó Quận trưởng quận Ban Mê Thuột (Y Bliêng Hmok). Chánh phó Tổng và các chủ buôn các làng Thượng lân cận và cả dân làng buôn Sut Hluôt.
Sau mấy lời chào mừng các quan khách, cha Romeuf nhắc lại đôi dòng lịch sử truyền giáo tại Cao Nguyên, những thành quả tốt đẹp tại Kontum, tại Pleiku trong các bộ lạc Bahnar, Sơ Đăng, Rơ Ngao, Jơ Rai,… Có ba linh mục Bahnar chịu chức năm 1932, sáu chị Mến Thánh Giá cải tổ tại Gò Thị, một linh mục tu dòng Xitô Phước Sơn, các chị Ảnh Vảy Đức Mẹ (Filles des Médailles Miraculeuses), và cả mấy trăm Thầy Giảng (Iao – phu) giúp việc truyền giáo trong các làng Thượng Công Giáo của hai tỉnh Kontum và Pleiku.
Tiếp đến, cha Romeuf Phương giới thiệu cha Bianchetti Bạch: “Dù thiếu linh mục, nhưng chúng tôi không bỏ quên anh chị em. Nay cha Bianchetti Bạch được chỉ định phụ trách chuyên lo cho các anh em Thượng vùng Đăklăk”. Buôn Sut Hluôt là nơi được chọn làm thí điểm truyền giáo đầu tiên của tỉnh Đăklăk và của cha Bianchetti Bạch. Một trật, ngài cũng quyết định mở thêm một giáo điểm truyền giáo cho anh em sắc tộc khác tại Buôn Ea Khít và Buôn Ea Kmar, Cha Bianchetti Bạch cùng một lúc giảng giáo lý cho hai buôn này. Đồng bào nơi đây tiếp thu giáo lý dễ dàng hơn. Vì nhiều lý do, có một số người dân Ea Khit di tản về Ea Kmar, họ lại có cơ hội thuận tiện học giáo lý chung.
Sau hai năm làm việc tận tụy với tất cả nhiệt huyết tông đồ tại Buôn Sut Hluôt, cha Bianchetti như thất bại hoàn toàn.
Nhưng tại Buôn Ea Khít và Buôn Ea Kmar, tình hình lạc quan hơn. Sau ba năm học đạo và được thử thách, ngày vui mừng đã đến: bảy anh chị em đầu tiên được lãnh bí tích Thanh tẩy vào năm 1956 tại đồn điền Saint Paul (đường Nguyễn Du, nay là đường Y Ngông). Một số khác được rửa tội ở tại buôn Ea Kmar. Trong lễ rửa tội này, hầu hết anh chị em dự tòng tại Ea Kmar ra tham dự. Giáo dân Họ Ban Mê Thuột cũng đến rất đông. Sự hiện diện này khích lệ tinh thần các anh em tân tòng. Cha Bianchetti Bạch cử hành nghi thức bằng tiếng Rhadé. Đức Cha Seitz Kim chủ tọa và cử hành Thánh Lễ.
Công tác truyền giáo tại buôn Sut Hluôt bề ngoài có vẻ thất bại, nhưng tương lai và hy vọng vẫn còn. Cha Bianchetti Bạch chú tâm vào các buôn vùng Lạc Thiện, đồng thời xúc tiến công tác xây cất nhà thờ, nhà xứ, trường học. Cơ sở đầu tiên tại đường Cường Để nhường lại cho Cô nhi Têrêxa, do Đức cha Paul Seitz Kim cưu mang từ Hà Nội, sau này được cha Faugère Cao và cha Giuse Trịnh Chính Trực đưa vào Ban Mê Thuột, lập xưởng đào tạo thợ máy, thợ nguội,… và đặt tên là Xưởng thợ Têrêxa.
Thêm một điều khó khăn cho Cha Bianchetti Bạch là hầu hết các buôn sắc tộc đều đã có các Mục sư Tin Lành đến giảng đạo và lập hội đường tại đó. Nếu cư xử không khéo sẽ dẫn đến va chạm và bất hòa...
Sau khi bảy (7) anh chị em sắc tộc đầu tiên ở Buôn Eakhit được chịu phép rửa, số tân tòng tăng lên khá đông trong năm năm vất vả rao giảng Tin Mừng (1953-1957). Vì thế, năm 1957, Cha Bianchetti thành lập giáo xứ Ea Kmar.
Đầu năm 1958, Cha Purguy Lý đến thay Cha Bạch coi sóc xứ đạo Ea Kmar. Cha Bạch về Ban Mê Thuột xây cất Trung tâm Công giáo Sắc tộc (phía sau Bệnh viện tỉnh) tại đồn điền Maillot, nay là Giáo xứ Mẫu Tâm. Song song đó, Cha mở Ký túc xá để đón nhận học sinh các Buôn ở xa đến theo học các lớp chuyên môn, không phân biệt tôn giáo.
Ngoài ký túc xá ở Trung tâm Công giáo sắc tộc của cha Bianchetti, các nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình còn làm nhà nội trú cho các em nữ sắc tộc ở các buôn xa về thị xã học, do quĩ Caritas hỗ trợ. Nhà nội trú được gọi là “Trung tâm hướng Thượng” (hướng về anh em sắc tộc) tại 133 Phan Chu Trinh, nay là trường Mầm non Họa Mi và Trạm xá Tình Thương của Dòng. Có 80 em được nuôi ăn miễn phí.
Số tân tòng và dự tòng lúc này ở các buôn làng và các trung tâm thời bấy giờ, lên đến 300 người.
Nhà Thờ lớn Banmêthuột: 1958-1959
Nhà thờ cũ mà thầy Hiền và giáo dân cất dựng lên, tồn tại từ năm 1934 đến 1959. Năm 1954, vì có thêm một số bổn đạo từ Kontum di tản đến đây, Cha Romeuf nới thêm một căn 32m2 và thay thế mái tranh bằng mái tôn. Diện tích của cả nhà thờ chỉ có 160m2, kể cả hai chái trước và sau.
Dự định xây dựng Nhà thờ mới bị gián đoạn trong một khoảng thời gian, vì lúc đó Giáo phận trống ngôi Giám Mục. Mãi đến ngày 31.3.1953 mới được phép, sau khi Cha Romeuf làm đơn xin sử dụng khu đất trống hơn 2 ha để xây cất Nhà Thờ. Đất này nằm chính giữa thị xã Ban Mê Thuột và chưa có ai xin sử dụng. Ông Nguyễn Đệ, Khâm mạng Hoàng Triều Cương thổ, sau khi chỉ thị cho Tòa Hành chánh tỉnh Đaklăk làm các thủ tục, đăng trên Công báo và gửi các tỉnh để niêm yết trong vòng hai tháng, đã ký giấy bán khu đất trên cho Địa Phận Kontum với giá tượng trưng là 1 đồng bạc Việt Nam. Hồ sơ khu đất đã được hoàn tất và đất được cấp vĩnh viễn.
Phong trào di cư đã tăng số Linh mục và giáo dân trong Giáo hạt. Riêng tại thị xã đã có hơn 4.000 giáo dân. Cha Romeuf nhận thấy sứ vụ của mình tại đây đã kết thúc, Ngài đệ đơn xin thuyên chuyển.
Tháng 9 năm 1956, Đức Cha Seitz Kim mời cha GB. Trần Thanh Ngoạn, gốc Giáo phận Vinh lên làm chánh xứ Ban Mê Thuột, kiêm Hạt trưởng Hạt Ban Mê Thuột. Cha Ngoạn đã xây dựng Nhà thờ lớn thị xã (nay là Nhà Thờ Chính tòa Ban Mê Thuột), có chiều dài 45m, rộng 12m, mỗi cánh Thánh Giá 12m x 12m. Tổng diện tích 828m2; trừ cung thánh, còn được 1200 chỗ ngồi. Nhà thờ xây đúng một năm và được khánh thành vào ngày Chúa Nhật II sau Lễ Phục Sinh năm 1959.
Cơ sở Nhà thờ cũ, Đức Cha Kim tạm giao cho các Sư Huynh La San mở Trường Trung Tiểu học, niên khóa đầu tiên là 1959-1960. Sau khi các Sư Huynh xây cất xong Trung học La San đồi (nay là Trường Cao đẳng Sư Phạm Đăklăk), Đức Cha giao quyền sở hữu cơ sở cũ cho các Nữ Tử Bác ái Vinh Sơn tùy nghi sử dụng.
Nhà Chung Ban Mê Thuột

Cơ sở này là tu viện do các Nữ tu Dòng Biển Đức xây dựng. Về sau, để thuận lợi cho sự phát triển của Dòng, hai Đức Giám mục Kontum và Sài Gòn đã chấp thuận cho Nữ Đan viện Biển Đức dời về Thủ Đức, Sài Gòn vào năm 1966 để lập cơ sở mới tại đó. Tu viện Nhà Dòng đã được Đức Cha Paul Seitz Kim mua lại để các cha trong hạt Ban Mê Thuột làm nơi hội họp hằng tháng, như một sở quản lý và làm chỗ nghỉ vãng lai và để chuẩn bị thành lập Giáo phận mới. Hơn một nửa cơ sở này dành cho Dòng Mến Thánh giá (Nữ Vương Hòa Bình) di chuyển từ Kontum xuống. Cha Võ Quốc Ngữ được bổ nhiệm làm Quản lý Nhà Chung Ban Mê Thuột. Vào ngày 22.6.1967, với sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngôi nhà này được mang tên mới: “Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột.”

Ban Mê Thuột phát triển các dòng tu
Cùng với số giáo dân tăng thêm, các Dòng tu cũng được mời lên Banmêthuột.
A. CÁC DÒNG NỮ
1. Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn 

Năm 1938, Đức Cha Jannin Phước mời các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn lên giúp Địa Phận Kontum. Năm 1953, Đức Cha Seitz Kim xin Nhà Mẹ tại Sài Gòn cho lập chi nhánh tại Ban Mê Thuột. Các Bà đã đến lập các cơ sở: mở trường nữ và cô nhi viện, địa điểm này hiện nay là Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Đăklăk.
Hai nữ tu Vinh Sơn và hai chị tập sinh lần đầu đến Ban Mê thuột. Nữ tu Marie Renée là bà nhất và bắt tay khởi công xây dựng cơ sở.
Các bà định mở lớp mẫu giáo cho trẻ em nữ, nhưng không có địa điểm nào cả. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Đức Trung, chuyên nuôi bò xẻ thịt, có một chuồng bò rộng 150 thước vuông, bỏ trống (địa điểm này hiện là Khách sạn Cao Nguyên, đường Phan Chu Trinh, Ban Mê Thuột), cha Romeuf và bà Marie Renée đến nghiên cứu và xin ông Trung cho mượn chuồng bò để sửa sang và mở lớp mẫu giáo.
Lễ khai giảng trường nữ của các bà Vinh Sơn, diễn ra vào một buổi chiều nắng đẹp. Hiện diện có cha Romeuf, ba nữ tu với 20 em học sinh, các hương chức xã Lạc Giao, chức việc họ Ban Mê Thuột, phụ huynh học sinh, đặc biệt có ông Tôn Thất Hối, Nguyên Quản đạo tỉnh Đăklăk, cũng mỗi tay một đứa con đến xin học. Gia đình ông Trung sung sướng, vì không ngờ chuồng bò của mình hôm nay, lại trở thành trường mẫu giáo đầu tiên của các nữ tu Vinh Sơn, và là trường mẫu giáo đầu tiên của Ban Mê Thuột.
Một năm sau, vào niên khóa 1954 – 1955, các nữ tu đã khai giảng khóa học đầu tiên cho các nữ sinh tại Trường Tiểu học Vinh Sơn, nay là Trường Mầm non 10.3, đường Phan Chu Trinh, Ban Mê Thuột.
Sau khi các sư huynh Lasan xây dựng xong Trường Lasan đồi và trường Lasan Lam Sơn năm 1969, Đức Cha giao quyền sở hữu cơ sở cũ cho các Nữ Tử Vinh Sơn tùy nghi sử dụng. Các nữ tu tiếp tục mở trường Trung học Đệ nhất cấp. Hiện nay là trường Trung học Cơ sở Phan Chu Trinh.
2. Dòng Nữ Biển Đức Thừa Sai
Ngày 21.7.1954, theo lời mời của Đức Cha Seitz Kim, các Nữ Đan sĩ Dòng Thánh Biển Đức đến Ban Mê Thuột lập Dòng Nữ Biển Đức Thừa Sai. Vỏn vẹn có 5 tu sĩ với 4 quốc tịch khác nhau, các Bà cũng đã xây dựng cơ sở vật chất cho Đan viện sau này. Các Bà lại xin khai hoang 30 hecta đất rừng để trồng cà phê và lập buôn làng kiểu mẫu cho đồng bào Sắc tộc. Đó là Buôn Akô D’hoong.
Buôn Akô D’hoong là giáo buôn kiểu mẫu về tổ chức, về cung cách sản xuất, về việc bảo tồn văn hóa, phong tục sắc tộc. Có thể nói, Buôn Akô D’hoong là mô hình Hợp tác xã -Xã hội - Chủ nghĩa - Kitô giáo đầu tiên ở Miền Nam Việt Nam. Tất cả các hộ trong buôn đều là xã viên, kể cả các nữ tu lãnh đạo. Các nữ tu cũng được phân chia sản phẩm lao động như mọi người, rất hợp tình hợp lý. Buôn Ako D’hoong đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, và các nhân vật quan trọng, trong và ngoài nước.
Trong khuôn viên Nhà Dòng có nơi để các thanh nữ từ các nơi về trọ học. Các Bà cũng giúp các cha về việc biên soạn bộ sách Giáo lý có kèm theo kinh bằng tiếng Sắc tộc. Năm 1966, các Bà dời về Thủ Đức, Tp Sài Gòn.
3. Dòng Nữ Thánh Phaolô thành Chartres
Dòng này được mời đến chỉ với mục đích huấn luyện tu đức cho các chị em Dòng Mến Thánh Giá theo từng cấp bậc. Các Nữ tu đã khấn còn được huấn luyện về cách quản trị Nhà Dòng hoặc các Cộng đoàn nhỏ tại các Giáo xứ.
4. Dòng Mến Thánh Giá (Nữ Vương Hòa Bình): 
“Ngày 1.9.1959, Đức Cha Paul Léon Seitz khai sinh một Dòng nữ tại Giáo phận Kontum, lúc đầu được gọi là Mến Thánh Giá. Vào những ngày đầu tháng 9, ngài đã qui tụ một nhóm đệ tử đầu tiên đến từ Phú Yên, Pleiku, Đăklăk, Kontum, gửi đến sống chung với đệ tử Dòng Thánh Phaolô tại giáo xứ Tân Hương, Kontum, và nhờ các Soeurs Dòng Thánh Phaolô huấn luyện. Cũng trong thời gian này, Đức Cha tuyển lựa một số chị trong nhóm các Dì, Dòng Mến Thánh giá, đang phục vụ tại trường Cuénot trong Giáo phận Kontum, để gia nhập Dòng mới của ngài. Năm 1960, Đức Cha gửi các chị này và các chị mới gia nhập, ra làm nhà tập tại Tập Viện Stella Maris của Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng. Sau thời gian tập kỳ, năm 1963, các chị trở về Kontum và tuyên khấn lần đầu tại giáo xứ Tân Hương.
Từ tháng 6 năm 1964, Dòng được chuyển dần về Ban Mê Thuột, lúc đầu các chị ở nhờ gia đình giáo dân, và bắt đầu xây dựng cơ sở đầu tiên của Dòng tại 133 (nay là 151) Phan Chu Trinh Ban Mê Thuột. Tháng 9 năm 1966, ngài đã đổi tên Dòng thành Nữ Vương Hòa Bình và để hợp thức hóa các thủ tục về mặt hành chính, Đức Cha đã cho làm con dấu của Dòng với nội dung “Tu viện Nữ Vương Hòa Bình và hình chim bồ câu ngậm cành lá ô-liu” (St 8,11).
Năm 1967, toàn Dòng được chuyển về Ban Mê Thuột trước khi Tòa Thánh thiết lập Giáo phận mới vào ngày 22.06.1967.” (Theo tư liệu của Dòng Nữ Vương Hoà Bình).
B. CÁC DÒNG NAM
1. Các Sư huynh La San: 

Nhận lời mời của Đức Cha Kim, các Sư Huynh đã đến Ban Mê Thuột mở Trường Trung Tiểu học đầu tiên và niên khóa 1959-1960. Sau ba năm xây cất, các Sư Huynh có 2 trường riêng biệt: Tiểu học La San trên đường Cường Để (nay là trường Nguyễn Văn Trỗi) và Trung học Lasan đồi (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đăklăk). Các trường hoạt động đều đặn cho đến 10.3.1975. Chuyên môn của Dòng La San là dạy học.
2. Đan viện Thánh Biển Đức Thiên Hòa: 
Là chi nhánh Dòng Thiên An Huế, được mời đến lập Dòng vào năm 1959. Trụ sở Dòng tại cây số 30, trên đường đi Nha Trang. Đan viện được khánh thành năm 1962, có 10 cha và Đan sĩ. Dòng mở thêm Đệ tử viện thu nạp ơn thiên triệu chiêm niệm Biển Đức. Các cha còn mở trường Tiểu học miễn phí cho trẻ em trong vùng. Sau ngày Giải phóng, Nhà Nước sung công cơ sở Nhà Dòng. Các Đan sĩ phải chuyển vào nhà thờ Giáo họ Hòa Tiến của giáo xứ Thuận Hiếu, cách trụ sở dòng 6 km.
3. Đan viện Xitô Châu Sơn
Các Dòng tu ở Bắc cũng di cư vào Nam hầu hết. Riêng Dòng Xitô Châu Sơn (Nho Quan tỉnh Ninh Bình) còn ở lại Bắc một phần tư (1/4) Đan sĩ. Dòng Châu Sơn 1936 là con trưởng của Dòng Phước Sơn (1920). Trước khi lập nhà tại Đơn Dương tỉnh Tuyên Đức (1957) Đan Viện đặt trụ sở tạm ở Phước Lý.
Ban Mê Thuột cũng được Đan Viện lưu ý và đã có hai cha lên miền Cao Nguyên Darlac để tìm nơi yên tĩnh lập dòng. Châu Sơn lúc bấy giờ là một rừng rậm cách thị xã độ hơn 2 cây số. Có đường xe chạy vào các Buôn Thượng, Buôn Dung, Buôn Kdun,…
Hai cha chọn địa điểm lập dòng giữa hai Buôn Thượng này, có đất đai rộng, có suối nước, nếu chưa làm ra của cải vật chất thì tạm thời ra thị xã mua ăn.
Căn nhà lợp tôn vách ván đầu tiên năm 1955, được dựng lên trên khuôn viên nhà xứ Châu Sơn hiện tại (thôn 2 xã Cư Ebur, Tp. Buôn Ma Thuột).
Tương lai của Giáo phận Kontum thêm sáng sủa hơn, nếu có một Đan Viện được thành lập trong Giáo phận. Không nhờ cậy gì về vật chất nhưng sẽ cậy nhờ rất nhiều về tinh thần, về lời cầu nguyện cho việc truyền giáo tại vùng Cao Nguyên.
Không bao lâu dòng bỏ ý định lập Đan viện tại Châu Sơn, nhưng nhìn về Đơn Dương (1957).
Đơn Dương và Ban Mê Thuột giáp ranh giới với nhau, và tuy bỏ Giáo phận Kontum qua lập dòng tại Tuyên Đức, Địa Phận Sàigòn (Địa Phận Đàlạt thành lập năm 1960. Địa Phận Ban Mê Thuột thành lập năm 1967) – Đan Viện Xitô Châu Sơn vẫn còn ở miền Cao Nguyên, để cầu nguyện cho việc truyền giáo, đặc biệt cho đồng bào sắc tộc.
Dòng Châu Sơn dời đi nơi khác, nhưng tên Châu Sơn vẫn còn được giữ mãi cho đến ngày nay. Châu Sơn, tên một Đan viện Việt Nam vẫn còn ở mãi mãi trong lòng Giáo phận Ban Mê Thuột.
Trong các Dòng tu nam và nữ trên đây thì dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình là dòng trực thuộc Giáo Phận. Các dòng còn lại trực thuộc Tòa Thánh.
Ngoài ra, từ năm 1958 đã có một giáo xứ được thành lập ở huyện Bố Đức, tỉnh Phước Long (nay là huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước). Đó là giáo xứ Châu Ninh, gồm những công nhân “công-tra” làm đồn điền cho Pháp, do cha Giuse Phạm Quang Thiều dòng Đồng Công phụ trách.
B. GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT RA ĐỜI: 22.6.1967
Năm 1967, Tòa Thánh tách Đăklăk ra khỏi Kontum, Quảng Đức và Phước Long ra khỏi Đà Lạt, thành lập Giáo phận Ban Mê Thuột mới vào ngày 22.06.1967. Số giáo dân lên tới 54.500 người với 51 linh mục. Hơn 98% Công giáo là người Việt Nam ở trên một lãnh thổ mang tên Thượng: Ban Mê Thuột, tức Buôn Ama Thuột, nghĩa là Làng của Cha cậu Thuột.
Giáo phận Ban Mê thuột ban đầu gồm ba tỉnh: Đăklăk, Quảng Đức và Phước Long. Đăklăk thuộc Giáo phận Kontum, có khoảng 35.000 giáo dân. Quảng Đức có khoảng 7.500 và Phước Long có khoảng 12.000 giáo dân. Hai tỉnh này thuộc Giáo phận Đà Lạt.
Giáo dân thuộc Địa phận Kontum năm 1967 là 115.000 người, trong đó có 33.000 giáo dân sắc tộc sống rải rác trên địa bàn 4 tỉnh: Kontum, Pleiku, Phú Bổn và Đăklăk. Tình cảnh đó khiến cho Đức Giám Mục Kontum rất vất vả trong trách nhiệm mục vụ. Thêm vào đó là những trở ngại giao thông khi Đức Giám mục Đà Lạt đi kinh lý tại Quảng Đức (lúc đó Quảng Đức thuộc Giáo phận Đà Lạt), Ngài phải sang xe đến vài lần. Tòa Thánh nhận thấy như vậy nên đã quyết định sát nhập hai Hạt Quảng Đức và Phước Long của Giáo phận Đà Lạt vào Hạt Ban Mê Thuột để lập thành Giáo phận mới.
Ngày 22.6.1967, với Sắc chỉ “Qui Dei Benignitate”, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột. Đồng thời bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Ban Mê Thuột với Sắc chỉ “Qui Omnium Catholicae”. Lễ Tấn Phong Giám mục được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn ngày 15.8.1967. Lễ nhậm chức tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột ngày 22.8.1967.
Khi mới thành lập, Giáo phận Ban Mê Thuột gồm 3 Giáo Hạt, có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân. Ranh giới địa lý Giáo phận bao gồm tỉnh Đăklăk, tỉnh Đak Nông và một phần của tỉnh Bình Phước với diện tích là 21.723 km2; giáp Giáo phận Kontum ở phía Bắc, giáp Giáo phận Nha Trang ở phía Đông, giáp Giáo phận Đà Lạt ở phía Đông Nam, giáp Giáo phận Xuân Lộc ở phía Nam, phía Tây Nam giáp Giáo phận Phú Cường, còn phía Tây giáp tỉnh Mondunkiri của Campuchia. Có sông Ea Krông và các phụ lưu tạo thành sông Sêrêpok chảy vào sông Mê Kông. Các sắc tộc sống trong vùng gồm: Kinh, Êđê, S’Tiêng, M’Nông, Xơ Đăng, Tày, H’ Mông...
BAN VHTT GP BANMÊTHUỘT
(Theo: - Tư liệu của ông Lê Văn Triều,
- Sách “25 Giáo phận Việt Nam” của cha Trần Phúc Long, năm 1996;
- Niên giám Giáo hội Công Giáo Việt Nam 2005;
- Sinh hoạt Giáo phận 2007- TGM BMT;
- Lịch sử Dòng Nữ Vương Hòa Bình và Internet.)


Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...