PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG .


Tượng thờ Phật Hoàng và những lời di huấn của người

“Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi!” .

Đó là câu nói nổi tiếng của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông - khi nạn mua quan bán tước phình to dưới triều Vua con Trần Anh Tông.

Đây là vị vua sau này trở thành Phật Hoàng và người sáng lập nên một Thiền phái của đạo Phật của VN chúng ta, đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Vua Trần Nhân Tông (1278-1293), đã hai lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông vào năm 1285 và năm 1287. Sau khi sạch bóng quân thù, đất nước trở lại thái bình nhưng đầy rẫy đau thương, mất mát. Bởi vậy, Trần Nhân Tông rất coi trọng việc đem lại cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp cho nhân dân. Ở ngôi một thời gian (1278-1293) ngài truyền ngôi cho con là Vua Trần Anh Tông, để lên làm Thái thượng hoàng (1293-1308).
Nhưng sau đó triều Trần lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tuy đất nước thái bình nhưng sức dân dần suy kiệt. Cũng có thể có nhiều nguyên do khác nữa nhưng có một nguyên do chính đó là đội ngũ quan lại ngày càng “phình to”. Đất nước vừa trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nền kinh tế quốc gia bị tàn phá, ruộng đồng hoang hóa, nhân dân đói khổ. Nhưng sau cuộc chiến Vua lại phong thưởng cho hàng loạt công thần và những người có công những chức tước mới, lập nên hàng loạt các chức quan mới. Để nuôi bộ máy quan quyền to lớn này, triều Trần ngày càng tăng cường bóc lột sức dân, khiến cho lòng người oán hận. Dù lúc này toàn dân Đại Việt là một khối thống nhất; hừng hực “hào khí Đông A” sau ba cuộc chiến tranh chống Mông - Nguyên thắng lợi.

Tương truyền rằng, trong khi bàn về việc triều chính dân sinh, thấy Trần Anh Tông thăng quan tước cho hàng trăm người, Trần Nhân Tông lúc đó là Thái thượng hoàng tức giận đến mức vất cái danh sách dài dằng dặc ấy ra giữa sân rồng và nói như thét lên bằng tiếng thét xé lòng: “Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?”.
Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, người sống gần gũi với nhân dân, đại diện cho tiếng nói của xã hội lúc bấy giờ đã cảm thán viết:

“Ruộng lúa ngàn dặm đỏ như cháy
Đồng quê than vãn trông vào đâu
Lưới chài quan lại còn vơ vét
Máu thịt nhân dân cạn nữa rồi”.

Tình hình đó khiến các nước phía Nam không thần phục nữa bắt đầu nổi lên chống lại Đại Việt. Quân Chămpa lúc này đang hùng mạnh lên, nhân Đại Việt suy yếu đã đem quân vượt biển đánh ra nhiều lần. Đặc biệt giặc đã ba lần đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long. Vua tôi nhà Trần phải bỏ chạy. Giặc vào kinh thành đã thẳng tay tàn sát nhân dân, cướp bóc của cải và tàn phá kinh thành trước sự bất lực của Vua tôi nhà Trần. Đó là vào các năm 1371, 1376 và 1378
Từ đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) về sau, triều đại nhà Trần bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Các vị vua Trần bất tài vô tướng, hèn kém, chỉ lo ăn chơi, không nghĩ gì đến giang sơn, xã tắc. Như vua Dụ Tông có tật nghiện rượu, mê đàn hát, xa xỉ, làm cung điện nguy nga và tường vách trạm trổ, lãng phí tiền của đất nước và công sức của nhân dân không sao kể xiết.
Bậc làm vua đã như vậy, quý tộc và quan lại cũng không khá hơn. Một bộ phận a dua, xu nịnh, chia bè kéo cánh, tranh giành quyền lợi, chèn ép bóc lột nhân dân tận xương tủy; bộ phận khác chán nản, bạc nhược, chỉ cầu yên phận. Vua quan nhà Trần không lo cho đê điều khiến đê sông Hồng bị vỡ 9 lần, lũ lụt, mất mùa, đói kém diễn ra thường xuyên. Khởi nghĩa nông dân, nô tì bùng phát càng khiến cho xã hội Đại Việt thêm rối loạn. Chỉ sau đó ít lâu (năm 1400) nhà Trần mất ngôi cũng là đương nhiên thôi !

Tuy sau đó quyền lực được chuyển giao cho nhà Hồ (1400-1407), nhưng lòng dân đã mất. Người dân không còn tin vào giới cầm quyền nữa, nên khi quân Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ đã không huy động được sức dân, không huy động được sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Cuối cùng thất bại, cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim Lăng, nước ta bị nhà Minh đô hộ (1407 - 1428).

Nhưng nhà Hồ cũng không có gì là bất ngờ khi thua trận. Vì cuối năm 1405, khi nhận thấy nhà Minh lộ rõ ý đồ xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly cho triệu tập một cuộc hội nghị đặc biệt để bàn kế chống quân Minh. Khi được hỏi, Hồ Nguyên Trừng đã nói rằng:

“Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi.”
Hồ Quý Ly nghe thế liền ban thưởng cho ông một cái hộp trầu bằng vàng. Câu nói nổi tiếng này đã trả lời cho tất cả ?
Cũng vào thời Trần, vị anh hùng dân tộc đức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cũng có một câu nói nổi tiếng, là “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. 
Nhưng ngày nay mấy ai hiểu được câu này ?

Thuở ấu thơ, chúng ta được được dạy rằng : học sử để học hỏi những kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của cha ông; từ những kinh nghiệm và bài học lịch sử đó áp dụng cho công cuộc xây dựng và giữ nước ngày nay.
Nhưng ngày nay cũng chẳng mấy ai nhớ được bài học lịch sử này ?

ĐKT(丁刻善)
17.06.2017
(P/S: Nhân sáng chủ nhật rảnh rỗi – nên có mấy lời lộng ngôn nếu có gì không phải mong chư vị thông cảm bỏ qua cho?)


GIA TỘC PHÁT TRIỂN THỊNH VƯỢNG SUỐT 2.000 NĂM, LỪNG DANH NHẤT TẠI TRUNG HOA !

Một gia tộc duy trì được sự thịnh vượng hơn 2.000 năm. Vậy bí quyết gì đã giúp họ làm nên kỳ tích ấy?

1. Đại thế gia lớn nhất với lịch sử 2.000 năm
Chúng ta thường có quan niệm, sự hưng thịnh của một gia tộc không thể quá ba đời, tức là sự truyền thừa phát huy không thể kéo dài liên tục tới hơn ba thế hệ. Tuy nhiên có một gia tộc lại là trường hợp ngoại lệ, gia tộc này đã kế thừa và duy trì truyền thống rực rỡ của gia tộc liên tục tới 2.000 năm lịch sử, và là đại thế gia lừng danh nhất trong lịch sử xã hội phong kiến Trung Hoa.
Những thành viên trong gia tộc này luôn được giáo dục một cách chu đáo, việc tích đức hành thiện luôn đi đôi với phát triển sự nghiệp làm cho gia tộc ngày càng phát triển hưng thịnh. Thành quả mà gia tộc này để lại cho người đời là vô cùng lớn, ngoài con người và vật chất thì gia phong của gia tộc này đã giúp cho người đời học được những bài học đắt giá trên tất cả các phương diện, nhất là ở việc giáo dục.
Bí quyết thành công của họ chính là ở hai chữ: Gia Huấn (lời giáo huấn chỉ bảo của tổ tiên). Một gia tộc danh giá, duy trì được sự hưng thịnh, bảo vệ được tôn tri trật tự của gia tộc một cách lâu dài mặc cho những biến đổi của thời thế; chỉ bằng những lời giáo huấn chỉ bảo của tổ tiên (Gia huấn) - thực sự đã làm người ta vô cùng nể phục và ngưỡng mộ, đây cũng là chuyện hiếm thấy trong lịch sử Trung Hoa và thế giới.
- Đó chính là gia tộc họ Bùi ở Văn Hỷ, Hà Đông (Nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc).
Theo tổng kết trong “Gia phả của họ Bùi”, gia tộc họ Bùi từ khi bắt đầu lập họ đã sinh ra 59 vị tể tướng, 59 vị đại tướng quân, 14 vị trung thư thị lang, 55 vị  thượng thư, 44 vị thị lang, Thị hầu 11 người, Ngự sử 10 người, tiết độ sứ 25 người, sử quan 211 người, Thái thú 77 người; người có công được phong tước 89 người, tước hầu 33 người, tước bá 11 người, tước tử 18 người, tước nam 13 người; có liên quan tới hoàng thân quốc thích hoàng hậu 3 người, thái tử phi 4 người; Vương Phi 2 người; phò mã 21 người, công chúa 20 người…
Và tên gọi “Thôn tể tướng” đặt cho gia tộc này cũng từ đó mà ra.


Cổng vào thôn trang của một gia tộc thịnh vượng hơn 2.000 năm, có 59 tể tướng, 59 đại tướng quân và hơn 600 người được lưu danh sử sách. (Ảnh: NTDTV)
Bắt đầu từ thời Hán Ngụy, trải qua thời đại Nam Bắc triều, Tùy Đường Ngũ Đại, trong lịch sử hơn 2.000 năm của dân tộc Trung Hoa, trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao…,  gia tộc họ Bùi đều có những đóng góp nổi bật.
Chỉ tính riêng trong hai triều đại nhà Tùy và nhà Đường, các danh thần trên võ đài chính trị mang họ Bùi đã hơn ngàn người.
Trong đó có những nhà chính trị gia nổi tiếng như Bùi Hưu, Bùi Giai, Bùi Uẩn… ; các nhà quân sự gồm có Bùi Hành Kiệm, Bùi Mậu, … ; các nhà luật học gồm có Bùi Chính; lĩnh vực ngoại giao có Bùi Cự, Bùi Thế Thanh..; Ở các lĩnh vực học thuật khác nhau gia tộc họ Bùi đều có những nhân vật tỏa sáng và nổi tiếng.

Những văn hào nổi tiếng tài giỏi lưu danh sử sách trong lịch sử Trung Hoa đều có liên quan tới Bùi gia, có khi là quan hệ thông gia, hoặc là bạn bè. Qua đó càng thấy được truyền thống học hành và việc giáo dục tại gia tộc này đã được tổ chức và duy trì tốt như thế nào mới tạo nên được sự hưng thịnh và phát triển liên tục như vậy của gia tộc này.
2. Nguồn gốc của gia tộc họ Bùi
Ông tổ của họ Bùi là con cháu đời sau của Doanh Phi Tử, vị vua khai quốc của nước Tần, nước chư hầu của triều Chu. Con cháu của Doanh Phi Tử được tấn phong tại đất Pei (Bùi) (vốn là chữ Phi ở trên, chữ Ấp ở dưới), cho nên mới lấy họ là Pei (Bùi). Vào thời Chu Hy Vương, Tôn Lăng đời thứ 6 được phong là Giải Ấp Quân, cho nên đã bỏ chữ “Ấp”, theo chữ “Y”, lấy chữ “Bùi” làm họ.
Đến thời nhà Hán, đời sau của gia tộc họ Bùi vẫn sống ở Đồng Xuyên, trong đó một người trong gia tộc có tên Bùi Diệp, để mong muốn dòng họ ngày càng hưng thịnh và phát triển, đã cử hơn 60 vị thầy phong thủy đi tìm mảnh đất thích hợp và có thể phát triển phù hợp với dòng họ. Những thầy phong thủy này đã đi qua rất nhiều nơi, xem thiên văn, xem địa lý và lựa chọn mảnh đất Bùi Bách.
Bùi Diệp lập trang viên xây dựng gia tộc ở đây. Bởi nơi này rừng cây tươi tốt, liền đặt tên cho nơi đây là “Bùi Bách thôn”, từ đó Bùi gia bắt đầu lập nghiệp và hình thành cuộc sống mới tại nơi đây.
Họ Bùi được phân làm ba chi, lần lượt phân bố cư trú tại Hà Đông, Yên Kinh, Tây Lương. Tuy nhiên chỉ có chi cư trú ở Hà Đông là nổi tiếng nhất.


Gia tộc họ Bùi, gia huấn nghiêm khắc, chú trọng giáo dục và tu dưỡng. (Ảnh: NTDTV)
3. Nguyên nhân gia tộc hưng thịnh lâu đời
Một gia tộc danh giá, dòng dõi huyết thống như vậy thực sự làm người ta vô cùng nể phục và ngưỡng mộ. Đây cũng được coi là một hiện tượng văn hóa lịch sử độc đáo, một gia tộc có thể thịnh vượng và huy hoàng tới hơn 2.000 năm qua thực sự không khỏi làm người ta phải suy nghĩ sâu xa. Một gia tộc tại sao lại có thể thịnh vượng lâu đến thế?
Có người nói là nhờ phong thủy, là do mảnh đất nơi họ Bùi an cư lập nghiệp. Mảnh đất Bùi Bách được 9 ngọn núi trùng điệp của dãy núi Nga Mi bao quanh ở ba mặt Nam, Bắc, Tây; đầy khắp núi đồi bạt ngàn là rừng cây bách trong lành xanh biếc; lại được ngăn cách bởi con đường nam bắc, nhìn về phía Đông không xa có thể nhìn thấy cao nguyên phượng hoàng, là cao nguyên nơi phượng hoàng ngự. Ngay cạnh cao nguyên này là nơi vốn ngày xưa Vũ Đế dùng để nuôi rồng, trong vòng mười dặm có thể ngửi thấy mùi hương của hoa sen. Đây đúng thật là mảnh đất quý được mệnh danh là “long chầu hổ phục”.
Muốn tìm hiểu phong cách tinh thần của một gia tộc, gia phả là cửa sổ tốt nhất.
Gia quy của gia tộc họ Bùi tổng cộng bao gồm bốn phương diện, đó là “Coi trọng giáo dục, sùng văn thượng võ, hành đức đi đôi với hành nghiệp, liêm khiết tự giác có kỷ luật”. Cụ thể bao gồm:
1.              Thờ phụng tổ tiên: Luôn tưởng nhớ nguồn cội, con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn. Nghi lễ với người sống và người chết đều cần chu toàn. Lập chí hướng thiện, làm con cháu hiền thảo, tưởng nhớ ân đức tổ tiên.
2.              Hiếu thuận với cha mẹ: Ân đức của cha mẹ bao la rộng lớn như trời biển, trăm viêc hành thiện chữ hiếu đứng hàng đầu. Công lao nuôi dưỡng của cha mẹ là thiêng liêng cao quý mà bậc làm con đều phải hiếu kính phụng dưỡng.
3.              Yêu quý anh em: Nhân gian khó đắc thân người, tình cảm anh em là vô cùng hiếm có và cao quý. Anh em như thể tay chân, cần đoàn kết đùm bọc yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm đồng lòng.
4.              Hòa hợp với dòng họ: Được mang tên mang họ của dòng họ, chính là cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. Nên không có sự tranh chấp, hài hóa hiền đức. Có tôn ti trật tự trên dưới, biết luân lý đạo đức biết đúng biết sai. Thân thiết hòa ái với mọi người trong dòng họ.
5.              Hòa hợp với đồng hương: Tình làng nghĩa xóm cần thân thiết gần gũi, quý trọng mọi người. Không có sự hiềm khích ganh ghét, chớ hiềm khích thù ghét mà nên hòa hợp giúp đỡ mọi người.
6.              Khiêm tốn lập thân: Thắt lưng buộc bụng, thận trọng, khoan nhượng mới có thể tĩnh, mới có thể thành công.
7.              Trong nhà cần cù tiết kiệm: Siêng năng chăm chỉ mới có thể bù trừ những thiếu sót, tiết kiệm mới có thể nuôi dưỡng sự liêm khiết. Quốc có quốc pháp, gia có gia phong. Lười biếng xa hoa lãng phí sẽ dẫn tới tai họa vô biên. Hãy biết quý tiếc trân trọng thời gian và yêu quý trân trọng vạn vật, mới có thể sống yên vui thoải mái.
8.              Dạy con cháu nghiêm khắc cẩn thận: Giáo dục gia đình tốt mới có thể lập nên nghiệp lớn. Dạy con dạy cháu cần khuyên bảo dạy dỗ ân cần. Cần bác ái tôn sư trọng đạo.
9.              Đọc sách mới hiểu được đạo lý đạo đức: Con người không đọc sách, không biết đạo lý, cũng chỉ như con trâu con bò chỉ biết kéo xe. Học và không hành thì cũng không đủ.
10.         Đôn hậu thân thiết với bạn bè: Bạn bè là một trong năm mối quan hệ luân lí thời phong kiến, đối với bạn bè cần lấy đức để bổ trợ cho lòng nhân ái. Người bạn tốt là người không làm tổn thương tới bạn bè. Người xưa có câu “Chọn bạn mà chơi” cúng chính là nghĩa đó. Với bạn tốt cần trân trọng hòa ái thân thiện, tôn trọng lẫn nhau thì tình bạn mới có thể lâu dài.
11.         Thận trọng lời ăn tiếng nói: Một lời nói có thể mang lại hưng thịnh cũng có thể mang lại suy vong cho một đất nước. Ngọc không giũa không thành đồ đẹp, lời nói ra không được chọn lựa sẽ dễ làm tổn thương người khác. Ít nói những lời chê bai khích bác, lời nói ra cần thẳng thắn chân thành.
12.         Coi trọng đạo đức luân lí: Con người sống trong xã hội cần lấy đạo đức làm đầu. Trân trọng bảo vệ của công, tuân thủ quy định trật tự. Lúc nào cũng cần tự đề cao tự tu dưỡng, không để mất đi nhân tâm. Loại bỏ tâm tự tư, từ chối mọi hình thức tặng quà biếu xén nịnh nọt.

4. Giáo dục là căn bản
Mặc dù gia phong của gia tộc họ Bùi bao gồm trên tất cả các phương diện, tuy nhiên công phu to lớn nhất là ở việc giáo dục. Bùi gia có một quy tắc, đó là nếu người nào không thi được tú tài thì không được bước vào từ đường của dòng họ.


Bùi gia còn có một quy tắc, đó là nếu người nào không thi được tú tài thì không được bước vào từ đường của dòng họ. (Ảnh: Sohu)
Và bí quyết thành công của gia tộc này chính là ở hai chữ: Gia Huấn (lời giáo huấn chỉ bảo của tổ tiên). Gia huấn của họ chính là: “Coi trọng giáo dục, sùng văn thượng võ, hành đức đi đôi với hành nghiệp, liêm khiết tự giác và có kỷ luật”.
Mọi sự thành công của thành viên trong Bùi gia đều được chào đón một cách trân trọng. Một thành viên của Bùi gia chào đời đều được coi như một sự kiện lớn của Gia tộc. Người ta kể rằng trong thôn Bùi Bách, thỉnh thoảng sẽ thấy những dải lụa đỏ treo ở giữa cửa lớn của các nhà, đó là một phong tục “treo cờ” của gia tộc họ Bùi. Khi nhà ai có trẻ con mới sinh, bà ngoại sẽ treo dải lụa đỏ lên trước nhà. Trên dải lụa đó là các câu nói “Trụ cột tế thế” , “không ngừng vươn lên”, “Anh tài lập quốc”.
Những chữ đó đều được viết bằng bút lông, và được dâng tặng một cách cung kính, cuối cùng hai bên cánh cửa sẽ trồng cây trúc, cầu mong sau khi đứa trẻ lớn lên có thể trở thành người có tài có đức, để khích lệ con cháu đời sau.
Gia tộc họ Bùi không chỉ chú trọng giáo dục từ thời trẻ nhỏ, mà còn coi trọng giáo dục trẻ ở lứa tuổi thiếu niên. Bùi Viêm là tể tướng Trung Quốc đời Đường. Thời kì làm quan của Bùi Viêm được xem là giai đoạn thành công của nhà Đường, đặc biệt là thời kì cải cách của Lý Thế Dân. Trong giai đoạn làm quan của mình, Bùi Viêm luôn được xem là một vị quan quan trọng của triều đình. Ông đã dẹp loạn được nhiều cuộc làm phản đem lại sự thái bình, thịnh vượng cho vương triều nhà Đường. Ông được vua Đường phong chức tể tướng trông coi trong triều.
Về phương pháp giáo dục của gia tộc họ Bùi, có một điểm độc đáo, đó là lời nói và việc làm đều cần phải mẫu mực noi gương tổ tông. Trong gia tộc luôn tràn ngập không khí học hỏi theo gia phong, thực hiện theo gia phong. Dù là người giàu hay người nghèo đều tôn trọng tổ tông, liêm khiết tiết kiệm.
Tề Vũ Đế đã từng ca tụng Bùi Chiêu Minh, một người con của gia tộc họ Bùi như sau: “Ta không đọc nhiều sách thánh hiền, không biết so sánh với cổ nhân nào khi xưa, nhưng ta thấy Bùi Chiêu Minh là vị quan thanh liêm và làm ta khâm phục. Mặc dù là người có gia cảnh bần hàn, nhưng không vì thế mà tham lam của công, là một vị quan thanh liêm, chỉ dựa vào bổng lộc ít ỏi được ban để sinh sống”.
Bùi Chiêu Minh từng nói: “Trong cõi nhân sinh này bất kể sự việc gì có hợp rồi cũng có tan, những vật ngoài thân vô cùng phức tạp và cũng không cần thiết. Suốt đời thanh liêm có gì không tốt sẽ đỡ tạo nghiệp”.
Tất cả những con người trong Bùi gia cũng đều tự tiếp thu phong cách sinh hoạt tiết kiệm của gia tộc một cách tự nhiên tự giác, và lấy cách sống này để làm lời răn dạy con cháu cũng như tự rèn giũa bản thân.
Gia tộc họ Bùi rất mực coi trọng việc giáo dục con người, nhất là giáo dục trong gia đình. Đây là một phương cách giáo dục gia đình nghiêm khắc, xác thực và đúng đắn. Đó là nguyên do giúp Bùi gia không hề bị suy yếu qua nhiều niên đại của lịch sử./.

Theo NTDTV
Kiên Định biên dịch
(Bài viết khá dài và có nhiều chi tiết ngoài lề nên đã được lược bớt và biên tập lại trước khi giới thiệu ?)
ĐKT
17.05.2017

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...