KHÔI PHỤC VIỆC HỌ NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG !

Từ đường Họ Nguyễn làng Mỹ Lợi - là một trong những ngôi nhà thờ Họ lâu đời nhất tại Huế


      Khôi phục việc họ là một việc làm đúng đắn, phù hợp với tâm tư của số đông bà con trong các họ Tộc hiện nay – nhưng phục hồi như thế nào để phát huy được thuần phong mỹ tục tốt đẹp của các dòng Họ mà không làm mất đi bản sắc của mình trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay là một việc làm rất khó. Về mặt quản lý Nhà nước, cho tới nay ngành văn hóa vẫn chưa có một văn bản quy phạm Pháp luật nào quy định việc này, hiện nay các dòng Họ ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đang rất lúng túng trong việc này, vì mục đích của phục hồi việc Họ là rất tốt đẹp, nhưng không có hướng dẫn thì không khéo chúng ta lại phục hồi luôn cả những hủ tục mê tín dị đoan …Và việc xây dựng nơi thờ tự theo quy mô nào, tổ chức các cuộc lễ ra sao cũng chưa có một quy chuẩn nào cả !
      Việc tổ chức hội hè, đình đám nếu không đúng lúc, đúng chỗ sẽ gây lãng phí nhiều thời giờ và tiền của của nhân dân. Đồng thời nếu không khéo thì khi các tổ chức, các hội, các ban được thành lập để điều hành việc họ, sẽ bị một số phần tử lợi dụng tình cảm họ hàng thân thuộc để kéo bè kéo cánh, dựa thế người trong Họ có chức có quyền để bóp méo Pháp luật, hoặc làm ăn sai trái …
     Để giải đáp được phần nào băn khoăn và trăn trở trên đây của đa số các dòng Họ hiện nay, trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về các Họ Tộc của xứ Thuận Hóa, chúng tôi đã tình cớ gặp được một hình thức sinh hoạt rất hay của các dòng Họ ở làng Mỹ Lợi – xã Vinh Mỹ - huyện Phú Lộc – Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là một ngôi làng khoa Bảng nổi tiếng của xứ Huế, ở đây có một truyền thống văn hóa tộc Họ rất đáng được học tập. 

      Theo Hương Phả của làng Mỹ Lợi, tức phường Mỹ Toàn cổ, tám Ngài Khai Canh của làng Mỹ Lợi là – Lê Văn Dài, Trương Văn Trực, Nguyễn Văn Đẩu, Nguyễn Bá Niên, Đỗ Văn Lịch, Sào Văn Liễu, Đoàn Văn Bài, Trần Văn Nghĩa – vào triều Lê Trung Hưng – Chính Trị năm thứ 5 – năm 1562 vốn là quân lính trong quân đội của Chúa Tiên ( tức Nguyễn Hoàng ) theo Chúa vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Sau khi yên việc quân các Ngài bèn đứng đơn xin trưng phần đất gồm – “ Đông giáp biển, và ấp Mỹ Á, nam giáp xã Nghi Giang, Đơn Chế, Tây giáp ba xã Diêm Trường, Phụng Chánh, Lương Viện – Bắc giáp biển và ấp An Bằng…”, để thành lập làng Mỹ Lợi. Các Ngài là người cùng quê ở làng Lương Niệm, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa Nội ( Thanh Hóa ngày nay) – khi làm nhiệm vụ của người lính biên phòng trấn giữ vùng duyên hải này, các Ngài đã tích cực khai hoang vỡ đất tăng gia sản xuất để có lương thực dùng thêm, đã phát hiện ra vùng đất này vô cùng trù phú sản vật, trước rào sau biển, mùa nào thức nấy. Sau khi hết nhiệm vụ, bởi “ đất lành chim đậu” các Ngài đã chọn nơi này làm quê mới. 
      Có lẽ với xuất thân là người lính, nên việc tổ chức sinh sống sau khi rời quân ngũ vẫn còn tác phong của những con người từng sống có tổ chức và kỷ luật, nay trở về cuộc sống đời thường sống với những người cùng quê ở nơi xứ lạ, họ đã coi nhau như anh em, sống bình đẳng với nhau trên quê mới. Các Ngài đã thành lập ra một Hội Đồng Tộc Biểu để điều hành việc làng một cách có nề nếp và quy cũ, các thế hệ sau vẫn giữ được truyền thống đó, các tộc Họ đã cử các Tộc trưởng của các dòng Họ mình tham gia Hội Đồng Tộc Biểu này. Các Họ lớp hai ( đến sau ) như : Họ Bùi, Họ Huỳnh, Họ Đồng, Họ Lê, Họ Lương, Họ Đoàn, Họ Nguyễn…Vẫn được cử đại diện của mình ( Tộc Trưởng ) tham gia Hội Đồng Tộc Biểu để điều hành việc làng. 
     Hội Đồng Tộc Biểu quyết định tất cả mọi việc của làng Mỹ Lợi và làm cố vấn cho Hội Đồng Hương Chính về các việc như bảo vệ thuần phong mỹ tục, gìn giữ lệ làng, xây dựng đền chùa, đường sá và các công trình phúc lợi công cộng khác. Hội Đồng Tộc Biểu của làng Mỹ Lợi hiện nay là một thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc xã, giúp chính quyền địa phương vận động nhân dân thực hiện chính sách của Nhà nước một cách tích cực và hiệu quả.
     Với xuất xứ như vậy, nên các Họ Tộc ở Mỹ Lợi không áp dụng chế độ gia trưởng trong các Tộc Họ, Tộc Trưởng không cần phải xuất thân từ dòng chính, không phân biệt thế thứ, già cả hay trung niên, mà được bầu công khai qua một quá trình thử thách ( thử việc ) từ một chức việc bình thường. Một người đàn ông ở trong Họ phải trải qua sáu năm phục vụ việc Họ mới được xếp vào hàng ứng viên Tộc Trưởng - hai năm đầu làm một trong các chức việc như Biện, Phần Coi, Thủ Dịch – hai năm tiếp làm một trong các chức việc như Trưởng Phái, Thầy Lễ, nếu được chọn làm ứng viên sẽ phải trải qua một cuộc bầu cử, nếu được bầu làm Tộc Trưởng sẽ được đảm đương vai Tộc Trưởng với một nhiệm kì là hai năm và chỉ được đảm đương một nhiệm kì, sau đó thì nghỉ và được xếp vào hàng “cựu Tộc Trưởng”. 
      Sinh hoạt của các Tộc Họ ở làng Mỹ Lợi hiện nay do Hội Đồng Bổn Tộc của từng dòng Họ chịu trách nhiệm, làm nhiệm vụ quản lý Nhà thờ họ và tổ chức giỗ chạp hàng năm. Việc tổ chức Hội Đồng Bổn Tộc khá chặt chẽ, vừa đảm bảo tôn ti trật tự, vừa tôn trọng tinh thần dân chủ. Mỗi thành viên khi được bầu vào Hội Đồng Bổn Tộc đều ý thức đầy đủ nhiệm vụ và quyền lợi khi tham gia Hội Đồng Bổn Tộc – Xem như danh dự của cá nhân gắn liền với danh dự của Họ Tộc. Người được đề cử phải hội đủ các tiêu chuẩn đạo đức về lối sống chung và riêng, có uy tín trong làng xã và phải hội đủ một số yêu cầu về năng lực, về tâm, và sức khỏe…của dòng Họ quy định. Số lượng các thành viên tùy theo quy mô của từng dòng Họ lớn hay nhỏ, nhưng đều được chia làm hai ban Văn & Võ. Ban Võ gồm ông Thập ( phụ trách thông tin liên lạc, đi mời ), Phần Coi ( đôn đốc, kiểm soát ), Thủ Dịch ( trực tiếp việc nấu nướng ) và các trưởng Nhánh. Ban Văn gồm học trò Lễ ( tập sự việc cúng tế ), Ông Biện ( thư ký, ghi chép sổ sách ) Thầy Lễ ( phụ trách văn sớ ), Thầy Nhạc ( phụ trách ban nhạc trong quan, hôn, tang, tế ). Hội Đồng Bổn Tộc và tất cả các ban do Tộc Trưởng điều hành chỉ đạo chung, trưởng Nhánh trực tiếp chỉ đạo Phần Coi và Thủ Dịch.
      Việc trước tiên của các dòng Họ khi muốn tiến hành giỗ chạp là phải có tiền, đây là khâu quan trọng nhất. Ngày trước các Tộc Họ ở Mỹ Lợi đều có “ruộng Họ”, là ruộng do làng cấp từ công điền và một phần do bà con trong Họ tiến cúng được truyền từ đời trước để lại, thường được gọi là ruộng hương hỏa. Số ruộng này do Hội Đồng Bổn Tộc của các Họ đứng ra làm chủ, sau đó giao cho một người nào đó trong Họ thuê cày cấy thu hoa lợi để lấy tiền bỏ vào quỹ chung, số tiền này nếu con cháu trong Họ cần, sẽ được cho vay trả lãi. Mỗi lần có việc Họ hoặc Kị Giỗ, Hội Đồng Bổn Tộc sẽ tính toán xuất chi đầy đủ và công khai cho bà con biết. Ngoài ra mọi sự đóng góp tiền bạc, vật phẩm của bà con trong Họ sẽ được ghi nhận công đức. Ngày nay “ruộng Họ” không còn, kinh phí vận hành và việc Kị Giỗ đều do con cháu các Tộc Họ đóng góp – nhưng việc sinh hoạt dòng Họ của các Họ Tộc ở làng Mỹ Lợi vẫn giữ được truyền thống như xưa. 
      Có một số nhà nghiên cứu cho rằng các tâp tục và truyền thống này ở làng Mỹ Lợi mới được hình thành khoảng 100 năm trở lại đây, gắn liến với một vị quan thất sủng người họ Hoàng của làng – Đó là thân sinh của bà Hoàng Thị Cúc ( Bà Từ Cung ) chứ không phải từ xa xưa. “ Hương Phả” của làng Mỹ Lợi được hoàn thiện và công bố chính thức cũng trong thời gian này, dưới ảnh hưởng của một vị vua triều Nguyễn, là cháu ngoại của làng đó là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy – Tức vua Bảo Đại ( 1926 – 1945 ). Nhưng chúng tôi vẫn tôn trọng những gì làng Mỹ Lợi công bố và căn cứ vào một số Gia Phả của các dòng Họ trong làng như Gia Phả của Họ Lương, Họ Phan. Đồng thời bài viết này không phải là một bài khảo cứu về so sánh lịch sử mà chỉ nêu một số kinh nghiệm về cách sinh hoạt và điều hành việc Họ của các dòng Họ ở làng Mỹ Lợi, để quý bà con trong các Tộc Họ tham khảo. Đây cũng là một ý kiến đóng góp thêm cho việc phục hồi và xây dựng dòng Họ Đinh của chúng ta ngày một phát triển và bền vững.

ĐKT
Ngày 25 tháng 06 năm 2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...