NGƯỜI HÙNG ĐƯỜNG PHỐ HAY LÀ MỘT KẺ TỘI ĐỒ !

      
Người hùng đường phố Đoàn Ngọc Hải

Việc “người hùng” Đoàn Ngọc Hải đã bị quận ủy quận 1 và lãnh đạo UBND quận 1 ra văn bản khiển trách và buộc ông ta phải ngưng việc dọn dẹp lòng lề đường trên địa bàn quận 1 là sự thật, đã được chính ông Hải xác nhận với báo điện tử Một Thế Giới trong buổi sáng ngày 19.5 “Quận Ủy quận 1 ra một văn bản và thêm một văn bản của UBND Quận 1, yêu cầu tôi phải ngưng xuống đường dẹp dọn trật tự lòng lề đường. Tôi phải tuân thủ”, vị Phó chủ tịch cho biết.
      Như vậy là sau hơn hai tháng chủ trì việc xuống đường của cái gọi là “dọn dẹp lòng lề đường trả lề đường lại cho người đi bộ” đã bị chính lãnh đạo cao nhất của UBND quận 1 – nơi ông Hải là Phó chủ tịch, ra lệnh kết thúc. Đây là một cái lệnh cần thiết nhằm ngăn chận một hành vi lạm quyền của một công chức trong giới hạn quyền hành của mình được tổ chức phân công.
      Đợt ra quân giải tỏa lề đường quận 1 gây xôn xao dư luận mấy tháng qua được người dân các nơi ủng hộ mạnh mẽ, vì vỉa hè bị lạm dụng là một trong các vấn đề lớn của các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh nó cũng là mãnh đất màu mở cho việc phát sinh những vụ việc tiêu cực, quyền lợi nhóm nhất tại khu vực quận 1 nơi mà tấc đất là tấc vàng. Cách làm của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1 là làm ngay, làm dứt khoát, làm không kiêng dè. Cách làm này trái hẳn với cách hành xử “ù lì” trong thực thi pháp luật mà đã như thành “căn bệnh” của công chức ở một số địa phương. Chính vì lẽ đó mà nó được lòng dư luận quần chúng ủng hộ. 
      Loạt hành vi hành chính này, cùng với câu nói trước khi ra tay “không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn” như một làn gió mới thổi vào guồng máy hành chính đã làm nức lòng nhiều người dân. 
Tuy nhiên, mỗi một hành vi hành chính của công chức đều phải tuân thủ trình tự quy định của pháp luật. Người "anh hùng" trong công vụ vẫn phải tuân thủ pháp luật, không thể ngồi xổm trên pháp luật được.



Cái bậc thềm của cái khách sạn 3 sao này đã tồn tại hơn 10 năm nay vẫn bị đập phá .

      Trong sự việc liên quan đến UBND quận 1 (TP Hồ Chí Minh) khi lập lại trật tự lòng lề đường, chúng ta lưu ý người “anh hùng” Đoàn Ngọc Hải đã có hàng loạt hành vi sai phạm nghiêm trọng trong khi thi hành công vụ, làm hư hại hàng loạt tài sản của nhà nước và công dân. Đã phải khắc phục rất tốn kém và phần nào đã đánh mất niền tin của người dân vào thể chế. Trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ phân tích một số hành vi của vị Phó chủ tịch này :
      - Đã nói về pháp luật thì bất kỳ hành xử hành chính nào của cá nhân công chức, tổ công tác thi hành công vụ đều buộc phải tuân theo thủ tục luật định. Khi đập bỏ một bức tường dù cho xây trái phép chiếm lề đường, Nhà nước cũng phải căn cứ vào nhiều quy định (pháp luật xây dựng, dân sự…) để xử lý có trình tự, chứ không phải tự tiện hành xử theo kiểu “yêng hùng”, quên đi các nguyên tắc pháp luật. 
       Ngoài ra, nền pháp chế nước ta vốn là nền pháp chế của một nhà nước XNCN - là một nhà nước của dân, do dân và vì dân cho nên khi xử lý bất kỳ một vấn đề gì, người công chức cũng nên “đặt mình” từ nhiều phía. Trong trường hợp này, nên xem xét cả phía người bị xử lý tài sản, cùng các quy định về pháp luật dân sự.
        Trong các đối tượng vi phạm vừa qua có hai loại tang vật vi phạm gồm: Hàng rong, hàng quán vỉa hè và công trình xây dựng. Đây là hai đối tượng mà khi xử lý vi phạm có những qui định xử lý vi phạm hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên dù nó là vật xây dựng, vật buôn bán chiếm lề đường, trị giá lớn hay nhỏ thì trước hết nó là tài sản của người dân.
        Đã là vật thì nó là tài sản theo qui định tại Điều 105 Bô luật dân sự 2015 (cũng như Điều 163 BLDS 2005). Chúng ta phải lưu ý, tài sản có thể là hợp pháp, có thể là bất hợp pháp. Khi xác định nó là tài sản bất hợp pháp thì phải xử lý theo qui định pháp luật. Không nên nghĩ các tang vật vi phạm không phải là tài sản. Trong thực tế, có một số những tang vật khi xử lý được phép bán đấu giá, trở thành tài sản hợp pháp.
        Đối với đối tượng hàng rong (cùng các vi phạm tương tự) cơ quan có thẩm quyền được phép tịch thu theo qui định tại Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Nhưng đối với công trình xây dựng vi phạm gồm cả xây dựng tạm và xây dựng kiên cố, thì phải áp dụng hình thức “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép” – qui định tại Khoản b Điều 4 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về Qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
        Pháp luật quy định - dù công trình tạm, muốn đập bỏ, phải có biên bản vi phạm, rồi quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế. Đây là thủ tục luật định - mà đã là luật định thì không thể không tuân thủ. Hành vi tự tiện tháo dỡ công trình vi phạm mà không ra các văn bản xử lý như ông Hải làm vừa qua tại quận 1 là làm trái qui định pháp luật.



Cái bậc thềm của Rạp Công Nhân này (của nhà nước) đã tồn tại hơn 100 năm vẩn bị đập vì cái tội lấn vỉa hè !
       Bất luận như thế nào khi thi hành công vụ đều phải rà soát các qui định pháp luật để áp dụng cho đúng luật. Bởi việc cơ quan nhà nước xử lý vi phạm hành chính theo đúng thủ tục qui định, cũng là nhằm tránh xử lý sai sót, nhầm lẫn. Như việc tháo dỡ trụ sở dân Khu phố 6, phường Bến Thành vừa rồi và nay phải cho lắp lại, gây lãng phí một khoản tiền không nhỏ của ngân sách . 
Hoặc việc tháo gỡ vọng gác trước Ngân hàng Nhà nước (trên đường Võ Văn Kiệt phường Nguyễn Thái Bình), rồi lại phải lắp đặt lại. Nếu làm theo qui định thì trước khi ra quyết định xử phạt hành chính buộc tháo dỡ, các chuyên viên của UBND quận 1 sẽ rà soát và phát hiện ra rằng các chốt gác này được xây dựng căn cứ vào Nghị định 37/2009/NĐ-CP ngày 23.4.2009 của Chính phủ và Thông tư 20/2010/TT-BCA ngày 23.6.2010 của Bộ công an, nhằm mục tiêu bảo vệ kho tiền Quốc gia, không thuộc trường hợp vi phạm hành chính đối với lề đường.
        Việc làm tự phát, bốc đồng của ông Đoàn Ngọc Hải đã tạo ra nhiều nguồn dư luận trái chiều về tính đúng, sai của pháp luật. Nhưng ở đây chúng ta hãy thử nhìn hành vi của ông Hải dưới góc nhìn nhân văn của người công chức cách mạng khi thi hành công vụ .


Cái trụ sở dân phố này của phường Bến Nghé đã tồn tại nhiều năm trước đó vẫn bị đập vì cái tội chiếm vỉa hè ?

        Khi bị dư luận chất vấn trước hành vi đập phá thu giữ hàng loạt tài sản của nhà nước và tài sản công dân trên địa bàn trong khi dọn dẹp lòng lề đường mà không có báo trước, không lập biên bản vi phạm hành chánh, không lập biên bản thu giữ kiểm đếm số tài sản bị thu giữ ; cho thấy đây là một hành vi cửa quyền. Với những hành vi thiếu nhân văn như đang đêm đem xe chuyên dụng cỡ lớn tới nhà dân tháo dỡ những bậc thềm, những tấm biển hiệu bị cho là “vi phạm” - trong khi nó tồn tại khá lâu trước đó. Hoặc đang đêm đem đông đảo lực lượng công quyền xua đuổi khách du lịch đang ăn đêm nhằm thu giữ bàn ghế “vi phạm” - là một việc làm không thể chấp nhận được trong một đất nước cần sự bình yên để phát triển và mời gọi du khách quốc tế … !
         Trong sự việc giải tỏa vỉa hè, không chỉ cho là làm theo Luật giao thông đường bộ. Bởi các yếu tố gây cản trở vỉa hè liên quan đến nhiều lĩnh vực luật khác nhau. Từng yếu tố lại có sự khác nhau về vị trí pháp lý. Chẳng hạn hàng rong thì xử lý khác (cơ quan có thẩm quyền được phép tịch thu theo qui định tại Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính), công trình xây dựng lại khác vì phải xử lý theo ràng buộc của Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Ngoài ra còn “đụng” phải công trình kiến trúc văn hóa thì cần phải xem xét thêm các qui định của Luật di sản văn hóa (ban hành năm 2001 và sửa đổi, bổ sung năm 2009).
        Trước phản ứng của dư luận, ông Đoàn Ngọc Hải nói: “Tôi khẳng định là mình làm đúng luật Giao thông đường bộ. Những vật cản trên lòng lề đường là phải giải tỏa ngay, nhường đường cho người đi bộ, tránh tai nạn giao thông. Tôi không áp dụng luật xử lý Vi phạm hành chính vì đó là những vật cản nằm trên vỉa hè. Khi nào trên công trình dân dụng có sai phạm thì mới xử phạt hành chính”.
        Rõ ràng đây chỉ là những lời ngụy biện nhằm bào chữa cho hành vi yên hùng cá nhân của anh ta. Vì cái bốt gác tại ngân hàng, hay cái bậc thềm tại cái nhà hát trên 100 năm tuổi; hay cái cặp tượng sư tử tử ngay cổng cái khách sạn hơn 100 năm tuổi … không phải là cái vật cản mới xuất hiện đang ngăn dòng xe cộ lưu thông mà anh ta với vai trò một công chức mẫn cán phải tức tốc huy động nhân lực đập bỏ để cho dòng xe cộ lưu thông trở lại. Anh ta quên rằng khu quận 1 là khu trung tâm hành chánh của TP Hồ Chí Minh là một khu dân cư đông đúc với những khu buôn bán sầm uất. Đường phố thì chỉ là những đường phố nhỏ hẹp đa số dành cho người đi bộ, chỉ có xe cộ loại nhỏ mới di chuyển được. Đường phố ở đây đã được xây dựng và ổn định từ hàng trăm năm. Ở đây không có những vật cản bất ngờ xuất hiện mà phải nhờ anh ta đi dọn dẹp. Tức là anh ta không thể tự ví mình là một viên thanh tra giao thông, hay anh cảnh sát công lộ đang thực thi nhiệm vụ trên những tuyến quốc lộ .


Anh ta xua đuổi cán bộ ngân hàng Trung ương chi nhánh phía Nam, khi họ ngăn không cho cẩu các bốt gác tại đây !

        Ngoài ra qua hàng loạt video clip mà giới báo chí phát tán cho thấy một hành vi rất phản cảm là khi thi hành công vụ; thái độ và lời nói của anh ta khá hống hách với bộ mặt đằng đằng sát khí như của một mệnh quan triều đình, một lãnh chúa địa phương nắm quyền sinh sát trong tay chứ không phải là một đầy tớ đang phục vụ nhân dân.


Nhưng chỉ mấy giờ sau anh ta lại huy động nhân lực lắp trả bốt gác cho phía ngân hàng ?

       Anh ta vốn xuất thân từ một gia đình bán hàng rong sinh sống trong chính khu vực quận 1, khi lớn lên đi làm anh ta bắt đầu từ một chân thuế vụ cấp phường, sau đó là chủ tịch và bí thư phường trước khi được đưa lên làm Phó chủ tịch quận 1 – phụ trách một mảng trong bộ máy của UBND quận 1. Nhưng khi anh ta dẫn quân của mình xuống các phường (toàn bộ diện tích của quận 1 chỉ là hơn 2 km2 - tức là chỉ quẩn quanh vài con đường) để chỉ làm cái việc là dọn lề đường. Anh ta đã tự xem mình như một quan trên về địa phương công tác, đã hò hét ra lệnh cho toàn bộ lãnh đạo các phường phải có mặt. Trước ống kính truyền hình anh ta la lối quở trách bí thư hoặc chủ tịch phường tại sao không có mặt khi anh ta xuống (trong khi họ trình bày là họ đi công tác xa hoặc còn phải làm việc khác, và công việc này do một phó chủ tịch phường phụ trách và họ đã tiếp anh ta). Khi có ai làm trái ý anh ta thì lập tức yêu cầu đuổi việc người này người kia ngay lập tức. Khi đối thoại với người dân anh ta luôn nhân danh 13 triệu dân thành phố Hồ Chí Minh, anh ta quên rằng mình chỉ là một vị Phó chủ tịch quận 1 ?

Cái  hành làng dẹp đẽ của nhà hàng này đã bị đập tan .

        Nghe đâu vị Phó chủ tịch này có tới 03 cái bằng đại học, nên anh ta luôn dùng những ngôn từ đao to búa lớn trước ống kính truyền hình, ví như “ Lãnh đạo các phường làm không xong, cứ ngồi nhìn và chờ đợi cấp trên thì làm sao xong việc được? Biết bao giờ vỉa hè mới thông thoáng, … Tôi phải đích thân làm là vì vậy. Nếu muốn được lòng tin của nhân dân Quận 1 thì mọi cán bộ phải quyết tâm hơn nữa, cũng như không ngại đụng chạm và lợi ích nhóm”.
“Cái quan trọng là chúng ta đang lập lại trật tự, kỷ cương phép nước. Đó là điều quan trọng mà mọi cán bộ, nhân dân Quận 1 phải hướng đến, nếu muốn có một xã hội tốt đẹp”.


Việc làm của anh ta đã bị nhân dân địa phương phản đối dữ dội

      Nhưng sự thật thì hoàn toàn khác, thật ra đây chỉ là một cuộc chiến tranh giành vỉa hè giữa các nhóm lợi ích. Theo một nguồn tin chính thức cho biết, động cơ chính xác của việc làm này nó nằm ở một khía cạnh khác. Đó là người ta dọn dẹp lòng lề đường là để cho thuê lại - chứ không phải là trả lề đường lại cho người đi bộ đúng như điều mà người ta hô hào với người dân và công luận. Bởi lý do là lề đường tại khu vực này đã được chính quyền địa phương cho thuê làm nơi kinh doanh và giữ xe từ nhiều năm trước. Đặc quyền được thuê lòng lề đường để kinh doanh tại khu vực quận 1 này hiện do một nhóm xã hội đen có thế lực rất mạnh chi phối từ rất lâu trước đó. Nhóm này nghe đâu là có một số vị chức sắc địa phương bảo kê nên đã giành độc quyền việc thuê lòng lề đường tại khu vực này để kinh doanh hoặc cho thuê lại !

Động cơ chính của vị anh hùng đường phố này chính là đây ?

       Nay ông Hải mới được phân công phụ trách cái mảng này, ông đã lập tức xuống đường giành lại quyền kiểm soát cho ê kíp mới của ông ta. Bằng chứng là sau khi dọn dẹp lòng lề đường và giành quyền kiểm soát tới đâu ông ta đã ký cho người dân thuê lại tới đấy; với hàng loạt giấy tờ cho thuê do chính ông ta ký (như hình ảnh sau đây). Hành vi này đã bị nhân dân địa phương tố cáo, bị những người bị cắt hợp đồng giữa chừng khiếu nại !
        Ngoài ra, chỉ sau hơn 20 ngày phát động cái gọi là “ trả lòng lề đường cho người đi bộ”, sau khi các hành vi hủy hoại và thu giữ vô cớ tài sản của công dân và cơ quan nhà nước bị khiếu nại. Trong một cuộc họp tổng kết, chính chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong đã cảnh báo và yêu cầu ông Đoàn Ngọc Hải “phải tuân thủ các trình tự quy định của pháp luật, nếu không thì sẽ phải đương đầu với hàng loạt vụ kiện”. Nhưng vì với động cơ và mục đích hoàn toàn khác - ông ta vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng các trình tự quy định của pháp luật khi tiến hành dọn dẹp lòng lề đường; buộc quận ủy và UBND quận 1 có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
        Sự thật là như vậy, nhưng mới đây (ngày 19/05/2017) khi trả lời báo chí, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch UBND Quận 1 vẫn cho rằng “Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã tái diễn, sau khi tôi bị buộc phải tạm ngưng chiến dịch chấn chỉnh trật tự lòng lề đường. Công sức của anh em trong hai tháng gần như đã trở về con số 0. Hàng ngày đi ra đường, tôi thấy rõ cảnh vỉa hè nhếch nhác, bề bộn. Rất khó chịu nhưng làm sao được khi tôi không còn đứng đầu chiến dịch và có quyền xử lý vi phạm, cũng như khiển trách cán bộ cấp dưới ? ”.



Sau cuộc chiến tranh giành vỉa hè giữa các nhóm lợi ích kết thúc, khi mảnh đất béo bở này có chủ mới - thì đường phố quận 1 (sài gòn) đâu lại vào đấy ./.
 Bộc bạch !


CÂU CHUYỆN TÔI ĐI TÌM CỘI NGUỒN !


Đình làng Kế Võ đã hơn 300 năm

I/. GIỚI THIỆU:
   - Làng Kế Võ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang quê tôi vốn là một ngôi làng quê thanh bình như bao làng quê bình thường khác của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Làng tôi nằm ở vùng duyên hải ven biển phía Nam của tỉnh Thừa Thiên; ngôi làng nằm nép mình bên bờ đầm Hà Trung nhìn ra biển Đông lộng gió. Ngôi làng được thành lập vào khoảng nữa cuối thế kỷ 17, do những lưu dân vùng trấn Thanh Hoa Ngoại (nay thuộc 02 tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình) di cư vào Thuận Hóa lập nên. Ngôi làng tồn tại cho đến nay là đã gần 400 năm. 
    Nhưng những điều này không phải ai cũng biết và cũng không phải ai cũng có thể trả lời được câu hỏi này !Thật ra để trả lời cho thật đầy đủ câu hỏi trên đây là cả một câu chuyện dài, nhưng với tôi việc trả lời câu hỏi này nay đã là khá dễ dàng, vì ngoài những lúc phải đi kiếm tiền để sinh sống, thời gian còn lại tôi đã dành cả đời mình để tìm ra câu trả lời này và mới đây tôi đã tìm thấy !
    Nhân đây tôi sẽ trả lời bằng một bài viết ngắn, trước là giúp cho bà con Họ Đinh Khắc có thêm một số kiến thức về dòng Họ của mình ; sau là nhằm cung cấp cho quý bạn đọc có thêm một số kiến thức cơ bản về lịch sử vùng Thuận Hoá và sự hình thành các tộc họ ở đây. Biết rằng đã là chính sử hoặc tộc phả là phải chính xác có gì viết nấy không “thêm mắn dặm muối” hoặc nên “chép mà không sáng tác” khiến cho lịch sử của tộc họ bị sai lệch. Tuy nhiên kiến thức thì có giới hạn và tôi chỉ là một cá nhân, tôi có góc nhìn và thiên kiến riêng của mình căn cứ vào những gì tôi tiếp thu được. Đồng thời căn cứ vào nguồn tư liệu và ý đồ của người truyền đạt lại cho tôi , nên không thể tránh khỏi những cái nhìn hẹp hòi phiến diện khi nhận định và đánh giá sự kiện mong bà con bỏ qua cho.
    Để trả lời cho câu hỏi này trước hết chúng ta phải điểm qua một vài nét sơ lược về " Lịch sử hình thành và phát triển của xứ Thuận Hoá ", đây là kiến thức khá phổ thông nên cho phép tôi chỉ nhắc lại một vài nét chính như sau:- Vào năm 1306, để xin cưới công chúa Huyền Trân, với mục đính là nhằm kết thân với thế lực nhà Trần quá hùng mạnh của Đại Việt; vua Chế Mân đã dâng cho nhà Trần hai châu Ô, Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên) làm quà sính lễ. Vua Trần Anh Tông tiếp thu hai châu vào Đại Việt , đổi tên là châu Thuận và châu Hóa. Sau khi trở về Đại Việt, triều đình nhà Trần đã tổ chức di dân vào vùng đất mới , nhưng một thời gian dài sau đó những cư dân đầu tiên vẫn chỉ là những người lính vào tiếp quản vùng đất vừa được nhà Trần tiếp nhận và những người đi theo đoàn quân làm công tác an dân, chủ yếu là quan lại. 
      Sau khi Vua Chế Mân chết (1307), Công Chúa Huyền Trân trở về Đại Việt (1308), quân Chiêm Thành lấy cớ này đã liên tục tấn công Hóa Châu, chiến tranh xảy ra liên miên; vùng đất châu Hóa trở thành vùng tranh chấp, miền biên viễn trong nhiều năm sau.Đây cũng là thời gian cuối của triều nhà Trần với nhiều sự kiện trọng đại liên tiếp xảy ra khiến cho đất nước suy vi, làm cho một triều đại hùng mạnh đã đi dần đến sự sụp đổ.  
     Năm 1370 khi Vua Nghệ Tông lên ngôi, đã xảy ra tranh giành ngôi vị trong giới hoàng tộc, một người Cung phi đã chạy vào Chiêm Thành cầu cứu vua Chiêm. Quân Chiêm nhân cơ hội này vượt bể vào cửa Đại An tiến đánh Thăng Long. Quân Trần không chống nổi, phải bỏ kinh thành. Vua Nghệ Tông rời đô đi lánh nạn. Quân Chiêm vào thành đốt sạch cung điện, bắt đàn bà con gái, lấy hết vàng bạc châu báu rồi rút quân về.Năm 1377 Vua Trần Duệ Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chăm pa, trong một cuộc tiến quân đánh chiếm thành Đồ Bàn, Vua Trần Duệ Tông vì mắc mưu trá hàng của địch đã tử trận tại kinh đô Đồ Bàn, quân Đại Việt đại bại. Quân Chămpa đã phản công tiến chiếm lại Thuận Hóa chiếm luôn các châu Hoan, châu Ái ( tức là toàn bộ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và Bình - Trị - Thiên của Việt Nam hiện nay) của Đại Việt trong suốt 12 năm, đồng thời xua đuổi hầu hết người Việt khỏi khu vực này.
     Quân Chăm pa nhiều lần tấn công cướp phá thành Thăng Long, cho đến tháng Giêng năm Canh Ngọ ( 1390 ) - Vua Chiêm Thành là Po Binasor – sử Việt gọi là Chế Bồng Nga bị tướng Đại Việt là Trần Khát Chân giết chết trong khi tấn công thành Thăng Long . Đại quân Chămpa thua trận, đã từ bỏ các vùng đất vừa chiếm của Đại Việt và rút quân về phía Nam đèo Hải Vân. Thành quả xây dựng gần 100 năm của cư dân vùng Thuận Hóa lại phải bắt đầu lại từ con số không.Nhưng không lâu sau đó nhà Trần suy vong (năm 1400), nhà Hồ lên thay, nhưng nhà Hồ tồn tại quá ngắn ngủi (1400 – 1407). 
      Vì mất lòng dân - cuộc kháng chiến chống quân Minh của Nhà Hồ bị thất bại, năm 1407 cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim lăng; nước ta bị giặc Minh chiếm đóng trong hơn 20 năm, cho đến năm Mậu Thân(1428) cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước mới trở lại thời tự chủ. Một triều đại mới được hình thành đó là nhà Hậu Lê (hay Lê Sơ) (1428 -1527).Trong thời gian Đại Việt bị quân Minh đô hộ, lợi dụng việc này quân Chămpa đã tiến chiếm lại 2 châu Chiêm Động, Cổ Luỹ (Quảng Nam, Quảng Ngãi) và vùng Thuận Hóa. 
     Sau chiến thắng giặc Minh (1428), Vua Lê Thái Tổ đã cử quan quân vào lấy lại Thuận Hóa và cử các trọng thần vào trấn thủ, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường di dân, khai hoang phục hóa, thành lập các làng xã mới.Nhưng tình hình Thuận Hóa không ổn định, quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công châu Hóa. Sau khi nhà Hậu Lê tiếp quản Thuận Hóa, quân Chiêm Thành đã liên tục quấy nhiễu khiến cho cư dân vùng này không thể an cư được. Nhất là sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (1434), quân Chiêm Thành lại nhiều lần vượt đèo Hải Vân tấn công châu Hóa. Năm 1446 vua Lê Nhân Tông cử đại quân chủ động đánh Chiêm Thành đang chiếm giữ Hóa châu (tức Thuận Hóa) nhằm giữ yên bờ cõi, nhưng quan quân Đại Việt đã không phá được quân Chămpa.
     Năm 1469, quân Chiêm Thành lại khởi sự chiến dịch quấy phá Hóa Châu, tháng 9/1470, vua Chiêm Thành là Bàn Trà Toàn đã huy động 10 vạn quân và voi ngựa tiến đánh châu Hóa. Cuối năm đó vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Sau nhiều trận giao tranh, quân Chiêm tan vỡ, vua Lê Thánh Tông đã đưa quân đánh vào tận kinh đô Bồ Đàn, chiếm kinh đô của Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn đem về Đại Việt (nhưng Bàn Trà Toàn đã chết trên đường bị áp giải về Thăng long).Sau chiến thắng Đồ Bàn - năm 1471 của quân dân Đại Việt, chiến dịch bình định phương Nam dưới quyền Tiết chế của vua Lê Thánh Tông thắng lợi hoàn toàn. Đã chấm dứt mối đe dọa xâm lấn Hóa Châu của người Chămpa, cương giới nước Đại Việt đã vào tận tận đèo Cù Mông phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay; vùng Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa .
     Tóm lại, chỉ sau cuộc chiến năm 1471 vùng này mới có thể hình thành nên những làng xóm, những khu thị tứ. Và như sử chép, thực tế sau đó với không gian tương đối thanh bình, kinh tế phát triển, văn hóa xã hội ổn định vùng này đã có những phát triển vượt bậc với những trung tâm đô hội lớn như Phú Xuân, Hội An…
    - Trước sự thật lịch sử này đã lý giải được phần nào là tại sao có một khoảng trống trong lịch sử văn hóa vùng Thuận Hóa ở giai đoạn này (1306 – 1470) ? Vì hầu như cho tới nay giới sử học đã không thể tìm thấy được bất cứ một thư tịch, một văn bản hoặc một chứng tích nào của người Việt ở giai đoạn này, còn lưu lại được đến ngày nay tại khu vực này ? Ở cấp độ vùng miền, tại các tỉnh (thành), trong các làng - xã, trong các dòng Họ ở khu vực này cũng không thể tìm thấy được một thư tịch, một văn bản nào của người Việt được lập trong giai đoạn này hiện đang còn được lưu giữ ? .
    Chỉ sau chiến thắng lịch sử này (1471), nhân dân vùng Thuận Hóa mới thực sự được hưởng thanh bình, ổn định liên tục trong nhiều năm sau. Nhân dân vùng này, có được một khoản thời gian hơn 50 năm thanh bình đã ra sức khôi phục và tái thiết quê hương, khôi phục lại các làng xóm bị tàn phá, nhân dân lưu tán do chiến tranh. Hưởng ứng chủ trương di dân, nhân dân các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trấn Sơn Nam và các Châu Hoan, Ái (tức là Thanh Hoá và Nghệ An ngày nay) cùng một số quan quân Nam chinh trở về đã đem gia đình và bà con vào khai khẩn đất hoang, hàng loạt các làng - xã đã được thành lập vào thời gian này trên vùng đất này.
    Đây là giai đoạn khởi thủy chính thức của các làng – xã cổ nhất, các tộc Họ lâu đời nhất tại khu vực Thuận hoá (tức là các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên – Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay). Trước thời điểm này (mà cụ thể là tại Thuận Hóa là trước năm 1446, tại Thăng Hoa - Tư Nghĩa là trước năm 1471), không thể có một làng – xã nào được định danh và có được địa bàn cư trú cụ thể cả.
    Có một sự kiện khá hiếm hoi mà tác giả của An Nam Chí Lược thu thập được là cuối triều Trần, cụ thể là tháng 9 năm Quý Tỵ (1353), khi người Chiêm liên tục đánh phá vùng Thuận Hóa, vua Trần Dụ Tông sai Tham Tri chính sự Trương Hán Siêu đem quân vào chống giữ. Ông ở được hơn một năm nhưng vùng này dân cư thưa thớt ông đã buồn chán than thở nên vua phải cho về. Theo ghi chép của vị trọng thần này, thì Thuận Hoá lúc này được tổ chức thành một lộ gọi là lộ Thuận Hóa, gồm hai châu là châu Thuận và châu Hóa, chia làm 11 huyện, dưới huyện là hương (từ cổ) hay làng (xã) .Theo đó Châu Thuận gồm 04 huyện là: Điều Lại(Điều Lợi), Ba Quan(Ba Lãng), Bất Lan (Thạch Lan) và An Nhân. Châu Hoá gồm 07 huyện là: Trà Kệ, Lại Bồng(Lợi Bồng), Sạ Hợp(Sạ Lệnh), Tư Khách (Tư Vinh), Bồ Lãng, Bồ Đài, và Sỹ Vinh. Sau sáp nhập hai huyện Lại Bồng và Tư Vinh vào huyện Sỹ Vinh. Tổng cộng có 79 làng(xã), 1470 hộ, 5662 khẩu ; ruộng có 71 khoảnh (mỗi khoảnh 100 mẫu). 
     Tức là vào năm 1353 toàn bộ 04 tỉnh thành là Quảng Trị - Thừa Thiên và một phần Quảng Nam – Đà Nẳng ngày nay chỉ có tổng cộng 1470 hộ dân với 5662 người (chỉ bằng dân số của một xã nhỏ ngày nay).Vào đời Hồ Hán Thương, niên hiệu Khai Đại 2 (1404), sử chép rằng: “đặt 1 phủ có 2 châu,... Hóa Châu có 7 huyện: Lợi Bồng, Sĩ Vinh, Sạ Lịnh, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng”; nhưng quy mô chỉ còn khoảng 40 làng, ấp, thôn, trại, sách. Nhưng chính sử hoàn toàn không có ghi chép tên hoặc địa danh một vùng, một làng, thôn, ấp nào cụ thể cả ? 
      Đến năm Vĩnh Lạc 17 thuộc Minh (1419), quân đô hộ sắp xếp, sáp nhập các huyện lại ở Hóa Châu chỉ còn 3 huyện là Trà Kệ, Kim Trà và Sĩ Vinh. 
    -  Nên có thể kết luận : Thời gian này (1310 – 1446), toàn khu vực Thuận Hóa ( lúc này gọi là Châu Hóa) là vùng đất biên viễn, nơi hàng ngày đang xảy ra những cuộc chiến sinh tồn đẫm máu giữa người Việt và người Chiêm Thành. Nơi đây luôn xảy những cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ của hai bên liên tục trong nhiều năm (khoảng 130 năm), không phải là nơi để cho những người dân sinh sống và lập nên những khu dân cư, khu thị tứ hay làng mạt !Tuy sử cũ có nêu lên những địa danh làng (xã) hay huyện, có thống kê những con số cư dân trong vùng ; nhưng sự thật mà nay đã được minh chứng thì các địa danh đó chỉ là có trong sử sách, chứ trên thực địa là không thể có được. 
      Sử cũ cũng có thống kê cho biết số cư dân trong vùng Thuận Hóa (nay là lãnh thổ của toàn bộ 04 tỉnh thành là Quảng Trị - Thừa Thiên - Quảng Nam – Đà Nẳng) vào năm 1353 – 1400 là khoảng 5662 nhân khẩu. Nhưng thực chất họ chỉ là những quan binh và những người lính với phận sự vào tiếp quản vùng đất mới, không thể có những người Việt di dân tự do nào có thể sống ở đây được. Và càng không thể có những làng xóm, những cộng đồng dân cư có tổ chức hoặc những đơn vị hành chánh được.Có chăng là những cụm dân cư sống tạm bợ bên những đồn binh hoặc ở những nơi gần cửa sông, cửa bể thuận tiện cho việc đi lại, mưu sinh … với thành phần chính là gia đình của những quan binh. Nhưng với những cuộc chiến sinh tồn xảy ra liên tiếp thì những cụm dân cư hay những làng (xã) này (nếu có) có thể bị tàn phá, bị biến mất và thay đổi liên tục .
     - Những người viết quốc sử và viết tiểu sử các dòng họ trong khu vực này bắt buộc phải nắm bắt được những kiến thức cơ bản này, nếu không thì những gì họ viết ra đều chỉ là huyền sử .

II/. KIẾN GIẢI:

    Sau một thời gian dài đi tìm kiếm về lịch sử vùng đất mình đang sống và tìm kiếm cội nguồn của tổ tông, tôi cũng đã nắm được một cách vũng chắc những kiến thức cơ bản này.  Tức là lịch sử của các khu dân cư, các làng mạt, các dòng Họ tại Thuận Hóa nói chung và tại tỉnh Thừa Thiên – Huế nói riêng đều chỉ có thể có từ sau năm 1446. Trước mốc thời gian năm 1446, tuy người Việt đã định cư tại khu vực này, nhưng như trình bày trên đây - không thể có một làng (xã) nào được định danh và có được địa bàn cư trú cụ thể cả .  Gần đây với những công trình nghiên cứu lớn, những cuộc điền dã, những cuộc khai quật khảo cổ quy mô của các nhà khoa học lịch sử từ trung ương cho tới địa phương đã khẳng định kết luận trên đây là hòan toàn chính xác .
     Trong quá trình tìm kiếm tôi đã bắt đầu từ chính gia phả và các tư liệu của dòng họ Đinh Khắc của mình mà đi ngược lên, từ những truyền thuyết những ghi chép trong dân gian; sau đó tìm kiếm tại những bộ chính sử của Quốc sử quán Triều Nguyễn, tại đây tôi đã lần đầu tiên tìm gặp những ghi chép có liên quan đến dòng họ Đinh Khắc và làng Kế Võ, xã Vinh Xuân của tôi. Cũng như đã thu thập được những cứ liệu cơ bản về lịch sử vùng đất xứ Thuận Hóa nói chung và tỉnh Thừa Thiên – Huế nói riêng.
     Do vùng đất này mới trở về với người Việt một cách trọn vẹn là chưa tới 700 năm, nên lịch sử của nó khá đơn giản và chính sử cũng ghi chép lại khá đầy đủ và khá chi tiết. Chi tiết tới từng làng (xã) và trong thời gian khá dài.Trong giới hạn của bài viết ngắn này, tôi xin giới thiệu 03 bộ sử có những ghi chép quan trọng nhất về vùng đất này, với lý do đây là 03 bộ chính sử - những gì viết trong 03 bộ sách này là chính thống. Ngoài ra 03 bộ sử này được viết ra trong 04 thế kỷ 15 - 16 - 17 - 18 tương ứng với thời gian hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa. 
    Với 03 Bộ sử quan trọng là Dư địa chí (1435) - của Nguyễn Trãi; tác phẩm Ô Châu Cận Lục (1555) - của Dương Văn An ; Phủ biên tạp lục - của Lê Quý Đôn (Lê - Trịnh, viết năm 1776). Tuy nhiên quan trọng nhất và trên hết vẫn là các bộ sách chính sử của Quốc sử quán triều Nguyễn.
     1/. Như chúng ta đều biết, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi thành công, nhà Hậu Lê (1427-1789) được thành lập, đã mở ra một thời đại tự chủ mới cho dân tộc, cùng với việc an dân đã có những công trình học thuật lớn ra đời như: Dư địa chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản thảo thực vật toàn yếu, Đại thành toán pháp, Hí thường phả lục, Lĩnh nam chích quái, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng đức bản đồ. Trong đó Nguyễn Trãi đã viết cuốn Dư địa chí (1435), đây chính là tác phẩm "điạ lý học lịch sử đầu tiên"của Việt Nam. 
     Đây là cuốn Dư Địa Chí đầu tiên của Việt Nam có đề cập đến vùng đất Thuận Hoá, thậm chí là trình bày khá chi tiết về vùng đất này, qua đó cho ta biết:Chỉ sau cuộc chiến năm 1471, khi cương thổ nước Đại Việt đã tới phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay, vùng đất Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa. Nhân dân vùng này thoát khỏi nạn chiến tranh đã dần đi đến ổn định và bắt đầu giai đoạn phát triển, công cuộc di dân từ phía Bắc vào Thuận Hóa được tiếp tục đẩy mạnh, vùng này mới có thể hình thành nên những làng xóm, những khu thị tứ. 
     Và như sử chép, thực tế sau đó với không gian tương đối thanh bình, tài nguyên thổ sản phong phú, mưa thuận gió hòa ; cộng với tính chịu thương chịu khó của những lưu dân trên vùng đất mới; đã biến vùng Thuận – Quảng thành vùng có kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển nhất của Việt Nam vào thế kỷ XVII – XIX. Thuận – Quảng trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa mới của Đại Việt, với những trung tâm đô hội lớn như Phú Xuân, Hội An…
     Hàng loạt các ngôi làng mới đã được thành lập trong dịp này tại Thừa Thiên, như: Duy sơn , Tân chu, Nghi giang, Diêm trường, Phụng chánh, Cự lại, Kế chủng ( Kế sung ), Thái dương, Hoà duân, Hà cùng (An dương) , Triều sơn ,Thanh cần , La Khê , Bao vinh, Đức bưu, Dương Xuân, Phổ Lại , Đại Lộc, Kế Môn, Phò Trạc , Hương Triền (Thanh Hương), Đàm bổng (Ưu Điềm)... (theo Hồng Đức bản đồ, lập năm Hồng Đức thứ 2 (1490) đã có tên các làng xã này) .
    -  Nhưng trong danh sách lập làng đợt này (1446 - 1490) ở thừa tuyên Thuận Hóa (tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay), được các bộ chính sử lớn thời Hậu Lê (Lê sơ) như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Hồng Đức bản đồ của nhà Hậu Lê ghi chép lại - hoàn toàn không có tên các làng thuộc xã Vinh Xuân – huyện Phú Vang hiện nay.
     Tại khu vực vùng duyên hải ven biển phía Nam thuộc tỉnh TT - Huế ngày nay gồm 02 huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc chỉ có các làng Cự lại, Kế chủng ( Kế sung ), Thái dương, Hoà duân (huyện Phú Vang) ; các làng Nghi giang, Diêm trường, Phụng Chánh (huyện Phú Lộc) là được thành lập trong đợt này !
     Về tên gọi thì cuối triều nhà Trần vùng đất là tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay được gọi là lộ Thuận Hóa, dưới thời nội thuộc nhà Minh gọi là phủ Thuận Hóa. 
     Năm 1466, Vua Lê Thánh Tông phân chia địa giới hành chính cả nước Đại Việt thành 12 đạo thừa tuyên và chính thức đặt Thuận Hóa làm thừa tuyên Thuận Hóa gồm: 2 phủ ( Tân Bình , Triệu Phong), 8 huyện, 4 châu. - Phủ Tân bình có 2 huyện Khang Lộc và Lệ Thủy, 2 châu: Minh linh và Bố chính. - Phủ Triệu Phong có 6 huyện: Hải Lăng, Vũ xương, Đan điền, Kim trà, Tư vinh,Điện bàn và hai châu là Thuận Bình và Sa Bôi.
     Ba huyện Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh là toàn bộ tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay.
     2/. Năm 1555, học giả Dương Văn An viết tác phẩm Ô Châu Cận Lục – là một cuốn sách Địa chí viết về một dải đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam vào nửa đầu thế kỷ XVI dưới thời Lê – Mạc. - Dương Văn An sinh năm 1513 người làng Tuy Lộc huyện Lệ Thủy , cư trú ở làng Phù Diễn huyện Từ Liêm, năm 34 tuổi (1547) đời vua Mạc Phúc Nguyên đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547), làm quan đến phó đô (ngự sử), hàm Thượng thư, tước Sùng nham hầu, được phong tặng tước Tuấn quận công. 
     Theo tự sự của chính tác giả trong lời bạt của cuốn sách thì ông viết hoàn chỉnh cuốn sách Châu ô cận lục vào niên hiệu Cảnh Lịch thời nhà Mạc - ngày rằm tháng sáu năm Ất Mão (1555). Khi đang giữ chức Đô cấp sự Trung lại Khoa, tước Sùng Nham Bá, trong lúc đang về cư tang ở quê nhà. Đây là cuốn Địa phương chí quan trọng đầu tiên viết về vùng đất Thuận Hóa của nước Việt chúng ta ở thế kỷ XVI. 
     Đây là một tác phẩm khoa học có giá trị văn học lớn. Nhưng xét về mặt địa phương chí và lịch sử vùng Thuận Hóa thì Ô Châu Cận Lục mới chính là cuốn sách có giá trị cực kỳ lớn lao với mọi tầng lớp cư dân xứ Thuận Hóa từ xưa đến nay. Châu ô cận lục là một cuốn sách Địa chí viết về một dải đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam vào nửa đầu thế kỷ XVI dưới thời Lê – Mạc.
     Nhiều học giả nổi tiếng sau này như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú khi soạn các bộ sách có giá trị lịch sử cao vẫn cũng lấy cuốn Ô Châu Cận Lục làm tài liệu quan trọng. 
     Công trình địa phương chí này gồm sáu quyển; nhưng quan trọng nhất là quyển ba có tên là : Bản đồ - đã liệt kê danh mục các phủ huyện, châu, xã, làng xứ Thuận hóa, và bàn về phong hóa xứ Thuận Hóa. Đây là quyển quan trọng nhất.
      -  Nhưng trong quyển sách quan trọng này cũng không có tên các làng thuộc xã Vinh Xuân - huyện Phú Vang ngày nay .
     Khu vực lân cận với xã Vinh Xuân hiện nay chỉ có các làng Lương Viện, làng Viễn Trình, làng Hòa Đa (Đông, Tây) là có tên trong cuốn chính sử này. Các làng lân cận với xã Vinh Xuân và sau ngày là những làng (xã) lớn của huyện như làng Hà Thanh, làng An Bằng, làng Mỹ Lợi cũng chưa được thành lập trước mốc thời gian này (1555) . 
    Tại khu vực huyện Phú lộc ngày nay , ngoài 03 làng Nghi giang, Diêm trường, Phụng chánh được thành lập trong giai đoạn 1446 – 1490 thì nay có thêm làng Minh Long (nay là An Nông – thuộc xã Lộc Bổn), Phạm Lang (không còn), Ba lỗi (không còn); Cao Đôi (nay thuộc xã Lộc Trì), Đông Dương (nay thuộc xã Vinh Hiền). 
     Sau mốc thời gian này thì không thể có một làng (xã) nào tại Thuận Hoá được thành lập mà cư dân là người từ các tỉnh phía Bắc đèo Ngang di dân thẳng vào để lập làng. Vì chỉ một thời gian ngắn sau đó (năm 1627), cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn bắt đầu, đất nước bị chia cắt lấy sông Gianh làm giới tuyến gần 200 năm, không thể có các cuộc di dân nữa ?
     3/. Năm 1775 lợi dụng lúc chúa Nguyễn suy yếu, chúa Trịnh đã bắt tay với anh em nhà Tây sơn cùng tấn công diệt chúa Nguyễn, năm 1775 quân Trịnh vượt sông Gianh tấn công Thuận hoá và chiếm được thành Phú xuân trong 12 năm (1775 – 1786). 
     Nhà sử học Lê quý Đôn lúc này là một tôi thần của nhà Lê - Trịnh ông được cử vào Thuận Hoá giữ chức Hiệp trấn Tham tán Quân cơ, tại đây ông đã viết cuốn sách bộ sách Phủ biên tạp lục ( năm 1776).  
   - Đây là một cuốn Dư Địa chí có giá trị lớn vào thời Lê Trung hưng, có miêu tả khá kỷ sông núi, con người, phong thổ và phong tục tập quán của vùng Thuận Hoá , cũng như về danh sách các làng (xã) của vùng Thuận Hoá.
     Như ông trình bày khá chi tiết trong sách là về phần phong hóa và danh sách các làng (xã) thì ông chỉ chép lại những điều mắt thấy tai nghe và trong sổ sách của các chúa Nguyễn trước đây đã để lại dưới con mắt của một nhà quản lý. Cho nên tôi cần phải đính chính lại một ý ở phần giới thiệu 03 bộ sử trên đây - vì tuy bộ sách Phủ biên tạp lục được Lê Quý Đôn viết năm 1776 (tức thế kỷ 18) . Nhưng ngoài những gì mắt thấy tai nghe ông còn sao chép lại những ghi chép về sông núi, con người, phong thổ và phong tục tập quán của vùng Thuận Hoá đã được các quan lại dưới triều đình các chúa Nguyễn đã ghi chép hàng trăm năm trước đó lưu lại (tức thế kỷ 17). 
    Ông cũng đã đính chính nhiều lần khi đề cập tới phần liệt kê danh sách các huyện, làng (xã) , thôn, ấp trong bộ sách này - đó là ông chỉ sao chép lại từ các sổ địa bạ, sổ kê khai của triều đình các Chúa Nguyễn trước đó đã lập.
     Theo đó, lúc này Thuận Hoá gồm: 2 phủ là Triệu Phong và Quảng Bình, được phân thành 8 huyện và 1 châu.  
     Phủ Triệu Phong 
     Gồm 5 huyện : 1/ Huyện Hương Trà(nay thuộc Thừa thiên – Huế), gồm 9 tổng: 
    - An Ninh (gồm 5 xã 1 thôn : các xã An Ninh Thượng, An Ninh Hạ, La Chử, Long Hồ Trúc Lâm và thôn Phúc long). 
    - Phú Xuân (gồm 3 xã 1 giáp: các xã Phú Xuân, Thế Lại Thượng, Thế Lại Hạ và giáp Vạn Xuân). 
    - Vĩnh Xương (gồm 7 xã, 3 thôn : các xã Vĩnh Xương, Hương Chiền, Vân Lô, Siêu Loại, Kế Môn, Trung Toàn, Đại Lộc, các thôn Chính Lộc, Đường Long, Hòa Viện), 
    - Phù Trạch (gồm 8 xã 2 thôn: các xã Phù Trạch, An Nông, Vĩnh An, Trạch Phố, Phúc Giang, Lương Mai, Ưu Điềm (tức Ưu Điềm), Đạm Xuyên, các thôn Từ Chính An Thị, Khách Hộ Phú Xuân). 
    - An Hòa (gồm 11 xã: An Hòa, An Khang, Diễn Phái, Xuân Dương, An Mỹ, An Quán,  Quy Tôn, Thuận Hòa, Hải Trình, Phúc Trường, An Hoa Hạ.),  
     - Vĩ Dạ (hay Vĩ Dã, gồm 10 xã: Vỹ Dạ Thượng, Vi Dã Hạ, An Cự, Dương Xuân, An Truyền, Trào Thủy, Mai Xuân, Thiên Lộc, Thạch Lại, Vân Quật (tức Vân Khốt).),  
     - Kim Long (gồm 17 xã, 11 phường, 1 sách, 1 châu , 1 ấp): Các xã Kim Long, Doanh Phố, Dương Phẩm, Xuân Ổ, Huy Du, Xuân Hòa, Trung Lãng, Bồn Chử, Hải Cát, Kim Ngọc, Định Môn, Cứ Hóa, Dương Lăng, Trung Xá, Thọ Khang, La Chử, Vĩ Dã Thượng,các phường : An Ninh, Thạch Hãn , Kim Long , Nam Phố, La Khê, An Bằng, Dương Phẩm, Tứ Chính, Tửu Phường, châu Nham Biều.),  
     - An Vân (gồm 9 xã: An Vân, Đốc Sơ, Thủy Tú, Khuê Chử, Liễu Cốc Thượng, Liễu Cốc Hạ, An Đô, Doanh Đàm, Phụ Ổ.), 
     - Kế Thực (hay Kế Mỹ) gồm 12 xã, 1 thôn , 9 phường: các xã Kế Thực, Bình Trị, Thái Dương Thượng, Thái Dương Hạ, Hòa Duân, Quảng Xuyên, Lương Viện, An Dương, Kế Đăng ( Kế võ), Cự Lại, Ba Lăng, Viên Trình ; thôn Hoa Lộc ; các phường : Hà Thanh, Mai Lộc, Đường Dã, Tân Xa, Hoa Dương, Hà Hồng, Hoa Diên, Khánh Mỹ, Diêm Tụ.
    -  Như vậy tên các làng thuộc xã Vinh Xuân hiện nay như Kế Đăng (Kế võ), Tân Xa, Khánh Mỹ… được ghi chép lần đầu tiên trong chính sử là vào năm 1776 trong Sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn.  Nhưng lúc này các làng thuộc Xã Vinh Xuân ngày nay thuộc về Tổng Kế Mỹ (hay Kế thực) của huyện Hương Trà chứ không phải là của huyện Phú Vang như ngày nay.
     Lại nói thêm về Huyện Hương Trà; trước huyện này có tên là Kim Trà. Đây là nơi đóng Phủ Chúa Nguyễn đầu tiên tại Thừa Thiên – Huế, thời Nguyễn Phúc Lan Phù Chúa được dời từ Ái Tử về xã Kim Long tổng Kim Long huyện Hương Trà. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời đến xã Phú Xuân, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà.
2/ Huyện Phú Vang (nay thuộc Thừa Thiên-Huế), gồm 6 tổng: Mậu Tài, Dương Nỗ, Đường Pha, Dã Lê, Sư lỗ, Diêm Trường. 
3/ Huyện Quảng Điền (nay thuộc Thừa Thiên-Huế), gồm 8 tổng: Hoa Lang, Phù Lê, Yên Thành, Hạ Lang, Đông Lâm, Phúc An, Phú Ninh, Phú Ốc. 
4/ Huyện Hải Lăng (nay thuộc Quảng Trị), gồm 5 tổng: Hoa La, An Thư, An Dã, Câu Hoan, An Khang. 
5/ Huyện Đăng Xương (nay thuộc Quảng Trị), gồm 5 tổng: An Phúc, An Lưu, An Cư, An Đôn.
    -  Nhưng vào năm 1776, khi nhà bác học Lê Quý Đôn vốn là một tôi thần nhà Lê – Trịnh vào Thuận Hóa viết cuốn sử này, thì cái làng Kế Võ của tôi đã tồn tại khá lâu trước đó. Nhưng trước đó (năm 1555) khi Dương Văn An viết Ô Châu Cận Lục thì cái Làng Kế Võ của tôi vẫn chưa có – vậy nó chỉ có thể hình thành trong khoảng thời gian từ 1555 – 1776 . 
    Nhưng qua ghi chép trong sổ địa bạ của Quốc Sử quán triều Nguyễn và qua Gia phả của dòng họ Hoàng – làng Xuân Thiên Hạ (có vị thủy tổ là người lập nên làng Xuân Thiên – ngôi làng đầu tiên của xã Vinh Xuân) cho biết các làng (xã) tại khu vực là xã Vinh Xuân ngày nay đều chỉ mới được thành lập vào thời các Chúa Nguyễn – tức là sau khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp (sau năm 1600).
    Chúng tôi có một thuận lợi là qua Gia phả, các bản Sắc Phong và những tư liệu hiện đang được lưu giữ tại từ đường Đinh Khắc Tộc – làng Kế Võ. Cho chúng tôi biết ngài Hoàng Sơ Thủy Tổ (tức ngài Khai canh) của chúng tôi là người lập nên Làng Kế Võ và ngài được Sắc phong là Bổn thổ Thần Hoàng làng. Cho nên chỉ cần biết mốc thời gian mà làng được thành lập là chúng tôi sẽ biết được tổ tiên tôi từ phía Bắc vào Thuận Hóa lập nghiệp năm nào ?




      Câu chuyện đi tìm cội nguồn của tôi đã vô tình đụng tới một nhân vật lịch sử mà nhân dân Thuận Hóa luôn luôn gọi một cách kính trọng đó là Chúa Tiên – tức Nguyễn Hoàng (1524-1613) . Ông là ông tổ của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, người đã mở đầu cho công cuộc di dân vào Nam, mở đầu cho công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam thành công của dân tộc ta suốt 03 thế kỹ sau đó. Nhưng Nguyễn Hoàng vào Nam tới ba lần , lần đầu và lần cuối cách nhau 42 năm . 

    Vấn đề đặt ra là tôi phải tìm kiếm cứ liệu nhằm xác định tổ tiên tôi đã theo Chúa Tiên vào Nam lần nào, năm nào !
    Nhưng sau khi chúa tiên vào Nam và hoàn toàn tuyệt giao với Vua Lê – chúa Trịnh năm 1600. Trong danh sách các tộc họ đi theo chúa Tiên vào Nam mà Gia phả của các tộc họ này thường có câu mở đầu đầy tự hào “ Ngài khai canh họ ta theo Chúa Tiên vào Nam”, hoàn toàn không có các tộc họ trong các làng thuộc xã Vinh Xuân ngày nay. Hay nói đúng hơn là trước khi cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn bắt đầu vào năm 1627, trên khu vực là Xã Vinh Xuân ngày nay chưa có bất cứ một ngôi làng nào được thành lập.
     Sau khi chúa Tiên chạy trốn sự truy sát của người cháu gọi bằng cậu là Trịnh Tùng năm 1600 ông đã tuyệt giao với Vua Lê – Chúa Trịnh ở đàng ngoài ; bắt đâu xây dựng đàng Trong thành một lãnh thổ riêng của mình, lấy sông Gianh làm giới tuyến – ngăn cấm mọi sự đi lại và giao thương của hai bên. Nên kể từ năm 1600 hoàn toàn không thể có bất cứ một cuộc di dân nào từ Bắc vào Nam . 
     - Vì vậy dòng họ Đinh Khắc của chúng tôi và cái làng Kế Võ, cũng như toàn thể xã Vinh Xuân làm sao được thành lập sau giai đoạn này ?
    -  Theo chính sử cho biết, lần đầu năm 1558 Chúa Tiên vào Nam là đi lánh nạn tránh sự truy sát của Trịnh Kiểm, lần thứ hai năm 1570 sau khi ra thăm quê và bái yết Vua Lê , lần thứ ba là năm 1600 – sau khi ra mừng Chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc khôi phục Thăng Long, ông đã bị Vua Lê giữ lại tới 7 năm để đi dẹp loạn cát cứ - là một cuộc chạy trốn thực sự của Chúa Tiên nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Trịnh Tùng, lúc này ông đã 76 tuổi. Nguyễn Hoàng ở Ngôi Chúa thêm 13 năm và mất năm 1613, thọ 89 tuổi. Sau khi Nguyễn Hoàng mất (năm 1613), chỉ 14 năm sau ( năm 1627 ) là đã bắt đầu cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài hơn 50 năm, chiến trường chính lại là vùng Thuận Hóa.
     Lấy lý do các chúa Nguyễn không về chầu Vua Lê; không nộp thuế và cống nạp lương thảo cho triều đình ; năm 1627 - Chúa Trịnh lúc này là Trịnh Tráng đã lấy danh nghĩa vua Lê đem quân vượt sông Gianh tấn công quân Nguyễn của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên .
     Đã xảy ra 07 cuộc chiến vào các năm 1627- 1633-1643-1648-1655-1661-1672, chiến trường chủ yếu là vùng Quảng Bình - Quảng Trị ngày nay. Trong các cuộc chiến này lúc đầu chủ yếu là quân Trịnh với binh lực mạnh hơn đã vượt sông Gianh tấn công quân Nguyễn. Nhưng vào giai đoạn cuối của cuộc chiến vào các năm 1655-1661-1672, lần đầu tiên quân Nguyễn vượt sông Gianh tấn công ra Bắc, đánh chiếm vùng Nghệ An, Thanh Hóa và có một thời gian ở lại chiếm đóng vùng này tới 5 năm (cụ thể là trong 05 năm, từ 1655 - 1660).
     Sử cũ đã chép lại khá đấy đủ sự kiện này đó là vào các cuộc chiến năm 1655 – 1672 sau khi rút quân về Nam quân Nguyễn đã đem theo vô số tù binh và đã cưỡng bức di dân hàng vạn người dân đi theo để tăng cường nhân lực cho vùng Thuận Hóa nhằm tính kế lâu dài. 
     Sau sự kiện này - hàng loạt ngôi làng và nhiều dòng Họ mới đã được hình thành trên vùng đất Thuận Hóa từ số nhân lực này. Tới năm 1672, hai thế lực Trịnh – Nguyễn thỏa thuận chấm dứt chiến tranh - lấy sông Gianh làm giới tuyến; giang san ai nấy ở.
     Trong dòng người di dân gồm tù binh là quan quân nhà Trịnh và lưu dân bị cưỡng bức di cư này - có vị Thủy tổ tộc họ Đinh Khắc của chúng tôi, ngài vốn là một quan binh của nhà Trịnh quê quán tại Thanh Hoa Ngoại Trấn (tức tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay). Ngài bị quân Nguyễn bắt làm tù binh và đã bị buộc phải đưa theo gia đình vào Thuận Hóa định cư. Sau khi vào Thuận Hóa gia đình ngài được đưa về một trại tạm cư thuộc làng Kế Chủng (Kế Sung) - nay thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang. Sau một thời gian ngắn tạm cư - ngài và gia đình được cấp một vùng đất cách trung tâm làng Kế Chủng khoảng 6 km về phía Nam để an cư lạc nghiệp (khu đất này lúc ấy vẫn thuộc đất của làng Kế Chủng và chưa có người ở), khi về vùng đất được cấp ngài đã thành lập một trang ấp riêng cho gia đình của ngài. Trong sử cũ và sổ địa bạ của nhà Nguyễn có ghi chép khá đầy đủ câu chuyện này.
   -  Đây chính là tiền thân của thôn Kế Võ – thuộc làng Kế Chủng, tổng Kế Mỹ, huyện Hương Trà, Phủ Triệu Phong, Trấn Thuận Hóa – thời chúa Nguyễn và nay là thôn Kế Võ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh TT- Huế ngày nay.
     Tuy nhiên tôi cũng xin lưu ý với quý bạn đọc là - thời gian này sử sách vẫn dùng niên hiệu của Vua Lê (thời điểm này tương ứng dưới thời vua Lê Huyền Tông ( 1663 – 1671) niên hiệu Cảnh Trị và vua Lê Gia Tông (1672-1675) niên hiệu Dương Đức và Đức Nguyên. Vì lúc này Chúa Nguyễn là Hiền Vương – Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) vẫn dùng niên hiệu Nhà Lê. Tuy tới năm Giáp Tý (1744) khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã xưng Vương và lên ngôi Vua ở kinh thành Phú Xuân (Huế ngày nay) - chính thức thành lập nhà Nguyễn. Nhà vua mới đã thiết lập một bộ máy hành chính từ trên xuống dưới hoàn chỉnh, hệ thống quan lại đầy đủ, kinh thành Phú xuân được xây dựng mới khá quy mô hoành tráng để xứng tầm là kinh đô của một vương quốc Nguyễn mới ở phương Nam. Nhưng có một điều khá lạ là nhà Vua Nguyễn mới vẫn dùng niên hiệu của Vua Lê trong các văn bản hành chính ?
    - Qua nghiên cứu bộ Châu bản triều Nguyễn, tôi cũng tình cờ phát hiện ra một câu chuyện kiện tụng khá thú vị có liên quan đến dòng họ Đinh Khắc cùa chúng tôi. Nguyên triều đình nhà Nguyễn đã Ban sắc phong Bổn thổ khai canh – tức Thần hoàng lập làng cho ngài Thủy tổ tộc Đinh Khắc vào niên hiệu Duy Tân năm thứ 7, ngày mồng 8 tháng 10 ( năm Quý Sữu - 1913). Nhưng sau đó 05 năm kề từ khi được ban Sắc Phong - tới năm Đinh Tỵ (1917) tức là niên hiệu Khải Định năm thứ 2; việc triều đình ban Sắc Phong cho họ Đinh đã bị các tộc họ khác trong làng kiện cáo . Khi các tộc họ trong làng cho rằng khi lập làng có tới 03 người với 03 họ khác nhau là họ Đinh – họ Nguyễn Viết – họ Hoàng cùng lập làng nay chỉ ban sắc phong thần hoàng khai canh cho họ Đinh là thiên vị .          - Triều đình Khải Định sau khi nhận đơn kiện đã cho điều tra, xét thấy có phần đúng – nhưng triều đình vẫn nhận định chính xác là ngài Thủy tổ họ Đinh Khắc mới chính là “thủ bức” - tức là người đứng đầu của một "bức" gồm một nhóm trên 03 người xin lập ấp. Đồng thời ngài mới chính là người có tên duy nhất trong sổ địa bạ thời các chúa Nguyễn. Hai người còn lại chỉ là một người con rể của ngài và con của một người bạn ở một ấp bên cạnh (ấp Xuân Thiên, cùng làng Kế Sung) được ngài mời tới ở cùng sau đó một thời gian khá lâu khi có nhu cầu lập ấp mới (Vì lệ xưa quy định bắt buộc là muốn lập ấp phải có 03 người trở lên ! ).Triều đình phán quyết vẫn giữ nguyên Sắc Phong Bổn thổ Khai Canh (bổn thổ - tức là chủ đất) cho ngài người họ Đinh. Nhưng ban thêm Sắc Phong cho hai người kia Bản Sắc Phong bổn Khai canh (tức chỉ là người cùng lập làng - không phải là chủ đất). Cũng để răn đe và lưu ý 2 dòng họ kia không được phép kiện tụng từ nay về sau, triều đình nhà Nguyễn đã ban thêm 02 bản Sắc Phong – một là Bổn khai canh, một là Bổn khai khẩn cho 02 người con của Ngài Khai canh người họ Đinh; nhằm nhắc nhở con cháu hai vị kia , tổ tiên họ chỉ là người đồng hàng con cháu (trong đó có một người là con rể) của Vị Bổn thổ khai canh người họ Đinh – với lời lẽ khá đanh thép. Hành động này của triều đình từ đó đã chấm dứt việc kiện tụng của con cháu hai dòng họ này.
   Chính sử cũng cho biết rằng sau năm 1600 đất nước đã thật sự chia đôi thành hai nước hoàn toàn tách biệt nhau, không có bất cứ một sự liên hệ nào. Nhất là sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương năm Giáp Tý (1744), lấy thành Phú Xuân làm kinh đô mới, chính thức lập nên một vương quốc Nguyễn tại xứ đàng Trong hoàn toàn tách biệt với xứ đàng Ngoài của Vua Lê – Chú Trịnh.
     Mãi cho tới năm 1775 lợi dụng sự suy yếu của Chúa Nguyễn, quân Trịnh một lần nữa tấn công Thuận Hóa chiếm thành Phú Xuân, Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Gia Định lánh nạn. Quân Trịnh chiếm đóng Thuận Hóa 12 năm cho tới khi Nguyễn Huệ chiếm lại Thuận Hóa từ quân Trịnh ( năm 1786 ) và cũng chỉ 16 năm sau, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại Thuận hóa từ tay anh em nhà Tây Sơn (năm 1802), đất nước mới trở lại thời kỳ thống nhất, mới có thể có những cuộc di dân mới. 
     Nhưng sau thời kỳ quân Trịnh chiếm Thuận Hóa (năm 1775) tại khu vực trấn Thuận Hóa sổ địa bạ của nhà Nguyễn không thấy có ghi chép thêm một ngôi làng nào nữa của lưu dân phía Bắc thành lập mới. Cư dân phía Bắc chủ yếu di cư thẳng vào vùng đất mới tại phía Nam.
     Cũng bởi lịch sử vùng đất này là nơi đầy biến động; từ đầu thế kỷ 17 cho đến đầu thế kỷ 19 vùng đất Thuận Hóa thời gian yên ổn không được bao nhiêu. Lúc tổ tiên của các dòng Họ mới vào Thuận Hóa khai cơ lập nghiệp thì gặp thời loạn lạc; việc phải lo cái ăn, cái ở, cái mặc, lo chiến tranh liên miên đã khó rồi, nên chưa thể quan tâm đến việc chữ nghĩa. Tới lúc đất nước thanh bình xóm làng đã yên ổn, thì các vị đã thành người thiên cổ. Lúc mà lớp hậu sinh có thể tính chuyện học hành và ghi chép lại việc quá khứ. Nhưng đời xa, người khuất việc ghi chép chỉ nhờ vào hồi ức và khẩu truyền của các đời trước, không thể tránh được sai sót. Đã dẫn đến một thực trạng là đa số Gia phả , các tập ký của các dòng Họ nhập cư vào Thuận Hóa trong thời Trịnh – Nguyễn (1558-1786), ghi chép nguồn gốc của dòng Họ mình không rỏ ràng, các đời đầu đều rất sơ sài, mơ hồ … . Đã gây ra không ít khó khăn cho con cháu các tộc họ trong vùng khi tìm kiếm về cội nguồn nếu chỉ căn cứ vào gia phả của dòng họ mình.
    Qua phần trình bày trên đây, cho chúng ta biết việc tìm kiếm cội nguồn của tổ tiên không phải là chuyện dễ. Vấn đề ở đây là ngoài kiến thức, phải biết đánh giá và so sánh sự kiện; phải biết ráp nối và sắp xếp sự kiện; phải có thời gian và phương tiện trong khi đi tìm sự thật; đặt biệt là nếu không có cái tâm trong sáng vì tổ tiên thì không bao giờ tìm ra sự thật !
    Như vậy là sau một quá trình dài tìm kiếm tôi đã tìm ra sự thật lịch sử về cội nguồn của dòng họ Đinh Khắc, thời gian tổ tiên tôi định cư tại tỉnh TT – Huế và lập nên làng Kế Võ tồn tại đến ngày nay.

III/. THAY LỜI KẾT :
     Lịch sử hình thành của vùng đất Thuận hoá và vùng Nam Trung bộ tương đối ngắn và khá rỏ ràng, nên chúng tôi có một thuận lợi là ngoài một số ít các tư liệu nêu trên cần phải tìm kiếm tra cứu, những gì cần tìm kiếm còn lại đã có khá đầy đủ trong các bộ chính sử của Quốc sử quán triều Nguyễn. 
     Với vị thế là một trung tâm văn hóa mới của người Việt từ thế kỷ XV, Thuận Hóa đã là chốn kinh kỳ trong nhiều thế kỷ gần đây. Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước (1802), đặt kinh đô tại thành Phú Xuân thì Phủ Thừa Thiên đã là thủ đô của nước Việt thống nhất. Năm 1821 Quốc sử quán triều Nguyễn được thành lập đã hệ thống lại toàn bộ lịch sử - địa lý - văn hóa - xã hội – kinh tế của vùng Thuận Hóa kể từ khi vùng đất này trở về với Đại Việt và viết thành những bộ Quốc sử và Dư địa chí chính thống với hàng ngàn cuốn sách là những văn bản chính thức của nhà nước triều Nguyễn.
     Theo đó cho thấy ngay từ tháng giêng năm Canh Ngọ (1570), khi chúa Tiên được giao trấn thủ cả hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Với ý đồ là muốn thoát khỏi sự kềm tỏa của Chúa Trịnh. Ông đã bắt đầu xây dựng Thuận Hóa và vùng đất phía Nam thành một vương quốc Nguyễn riêng ở xứ Đàng Trong; độc lập và tách biệt hoàn toàn với xứ Đàng Ngoài của Vua Lê - Chúa Trịnh.Các hệ thống quản lý về pháp luật, văn hóa, đất đai, con người của nhà nước phong kiến lần đầu tiên được áp dụng một cách bài bản và có hệ thống ở đây. Là cả một hệ thống đồ sộ các tư liệu phản ánh cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân trong các làng (xã) ngày xưa tại xứ Thuận Hóa đã được lưu truyền cho đến nay. 
     Qua nghiên cứu sơ bộ các văn bản này, chúng ta cũng đã thấy bộ máy hành chính thời kỳ này đã khá quy củ. Thứ nhất về mảng “địa bạ” khá là đầy đủ, đây là những văn bản do các làng kê khai theo lệnh và đúng mẫu của triều đình, lập thành 02 bản giáp bản và ất bản nộp lên cho các bộ, ty chủ quản xác nhận, thu giữ lại giáp bản và tống đạt lại cho làng ất bản để thi hành. Kèm theo nó là những bản xác định ranh giới của các làng tiếp cận. Cho thấy bất cứ ngôi làng (xã) nào ở đây trong quá khứ, cũng được thống kê và quản lý một cách chặt chẽ.
     Gồm những địa bộ xưa nhất còn tìm thấy như địa bộ năm Quang Hưng 14 (1595), địa bộ năm Hoằng Định 6 (1606), địa bộ năm Thịnh Đức 6,7 (1658 - 1659), địa bộ Cảnh Trị 7 (1669) dưới thời chúa Nguyễn, cho đến địa bộ thời Tây Sơn: Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh và các địa bộ triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Bảo Đại. 
      Mảng địa bộ đã cho chúng ta biết về cách quản lý ruộng đất từ đời chúa Nguyễn Hoàng cho đến đời các chúa khác, đời Tây Sơn, đời vua Nguyễn, cũng như về sự biến đổi, tách chia, thành lập mới của các làng xã. Hầu hết là những sổ bộ ruộng đất do viên chức làng kê khai theo lệnh và đúng mẫu của triều đình, lập thành 02 bản giáp bản và ất bản nộp lên cho các bộ, ty chủ quản xác nhận, thu giữ lại giáp bản và tống đạt lại cho làng ất bản để thi hành. Kèm theo nó là những bản xác định ranh giới của các làng tiếp cận. Tức là những văn bản, những số liệu của các làng - xã còn lưu lại được cho đến ngày nay tại Quốc Sử quán là do chính các viên chức làng viết . 
      Mảng địa bạ này cũng sẽ giúp cho chúng ta thấy quá trình hình thành một ngôi làng ở giai đoạn buổi đầu của các chúa Nguyễn là như thế nào ?
     Dưới thời chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) và các Chúa Nguyễn sau đó; các ngôi làng thường phát triển theo hướng từ một nhóm ít người, đầu tiên khai phá thành lập ra “bức”, có người đứng đầu là “thủ bức” nếu chỉ tập trung trong một dòng họ thì gọi là “tộc bức” rồi dần phát triển lên thành phường khách hộ, ấp nội phủ và xã.
     Qua nghiên cứu mãng “đinh bộ” cho thấy cụ thể hơn về việc quản lý dân đinh của các triều đại trước đây, cách phân chia các hạng dân, thuế lệ đánh theo từng hạng, và nhịp độ tăng hay suy giảm của dân đinh từng giai đoạn. Nó cụ thể tới độ có cả các bản kê khai dân đinh của nhiều làng qua các năm.Hệ thống “bộ lính” thông qua các bộ, ty, chủ quản tổ chức duyệt tuyển lính theo lệ ba đinh lấy một, sau đó bộ đinh làm sổ bộ lính gọi là “lính bộ nhị nguyệt kỳ” tống đạt về các làng để cấp ruộng nương... 
     Nó có thể giúp cho các dòng họ, các thôn (ấp) hiện nay tại Tỉnh Thừa Thiên – Huế đính chính những ngộ nhận trước đây về quá trình thành lập một ngôi làng (xã), lịch sử của một dòng họ nào đó !
     Qua phân tích trên đây, với tư cách là một người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, văn hoá - xã hội vùng Thuận Hoá, tôi có thể khẳng định với bà con họ Đinh và quý độc giả là : 
     - Nếu muốn tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hoá, cũng như tìm kiếm về lai lịch, sự hình thành và tồn tại của các ngôi làng (xã), các dòng Họ trong vùng Thuận Hoá - một cách chính xác nhất, kể từ khi vùng đất này trở về với Đại Việt (1307) cho tới khi Vua Gia Long thống nhất đất nước (1802). Thì ngoài 03 bộ chính sử quan trong nhất là Dư Địa Chí - của Nguyễn Trãi (Lê Sơ - 1440), Ô châu Cận Lục - của Dương Văn An (nhà Mạc - 1555), Phủ biên tạp lục - của Lê Quý Đôn (Lê - Trịnh, viết năm 1776). Thì chỉ cần tìm kiếm tất cả những gì cần tìm còn lại trong các tài liệu, những bộ sách của Quốc Sử Quán triều Nguyễn là chúng ta sẽ tìm thấy tất cả. 
     - Đây là những tài liệu - văn bản chính thức của nhà nước Quân chủ thời Nguyễn hiện còn lưu giữ được, trong đó đã miêu tả chính xác về lịch sử hình thành và phát triển của toàn xứ Thuận Hoá (và vùng Thăng Hoa - Tư Nghĩa) đến từng ngôi làng mà không thể có bất cứ một sự nhầm lẫn nào. 
     - Tất cả những gì mà thiên hạ đã và đang viết thành hàng ngàn cuốn sách, hàng vạn bài báo hoặc hàng ngàn luận văn khoa học về vùng đất này đều lấy tư liệu từ những tài liệu nói trên đây. Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này đã được các bậc tiền nhân lưu lại một cách khoa học, chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất của từng ngôi làng kể cả những thay đổi về diện tích về quy mô dân số trong tất cả các làng (xã) trên vùng đất là xứ Thuận Hoá xưa ./.

Đinh Khắc Thiện 
Buôn Ma Thuột, 20/05/2017


Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...