HỆ LUỴ TỪ CÁC DỰ ÁN KHU DU LỊCH NGHỈ DƯỠNG TREO Ở CÁC HUYỆN PHÚ VANG & PHÚ LỘC CỦA TỈNH TT - HUẾ .


Khu siêu dự án Nghỉ Dưỡng nổi tiếng một thời tại xã Phú Thuận - Phú Vang.

Hiện nay theo thống kê sơ bộ của cánh báo chí thì tại khu vực các xã ven biển của hai huyện Phú Vang và Phú Lộc đã có 10 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng treo, có dự án đã treo từ 10 năm nay, gây nên một sự lãng phí đất đai rất lớn cho các địa phương tại vùng này, ví dụ: Khu nghỉ dưỡng Pegasus Lăng Cô; Khu du lịch bến thuyền và CLB thể thao dưới nước Lăng Cô; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An, dự án Khu đô thị, nghỉ dưỡng Vincostec – Huế của Công ty CP Xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam tại xã Phú Thuận – Phú Vang... .Tình trạng này đã kéo theo nhiều hệ luỵ cho việc sinh sống và làm ăn cho cư dân vùng dự án .

Những người dân Huế khi có dịp đi về các xã vùng biển của huyện Phú Vang; khi từ thành phố Huế đi về khu du lịch Thuận An theo quốc lộ 48B khi tới đầu làng Hoà Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đều sẽ phải đi ngang qua một khu vực có một loạt cái khung nhà trơ trụi (trong tấm hình trên đây) đang thi gan cùng tuế nguyệt. Đây là một phần của cái siêu dự án Khu Đô thị - Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vincostec – Huế của Công ty CP Xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam (Hà Nội) mà một thời được báo chí và chính quyền địa phương quảng cáo và tung hô rầm rộ là sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt của khu vực biển Thuận An tạo nên công ăn việc làm cho cư dân trong vùng. Siêu dự án này được cấp phép thực hiện từ năm 2008, hoàn thành năm 2011. Nhưng sau đó chủ đầu tư xin giảm tiến độ lần 1 xin lùi thời gian khởi công tới năm 2012 , dự kiến hoàn thành vào năm 2017 trên diện tích 72 ha, tổng kinh phí thực hiện 600 tỷ đồng. Nhưng đến nay, do không có tiền nên dự án chỉ mới “thành hình” được một số bộ nền móng đứng chỏng chơ bên đường khoe cùng thiên hạ. 

Theo bản vẽ và hồ sơ dự án được duyệt thì khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec được xây dựng trên tổng diện tích hơn 72 ha. Trong đó, các hạng mục cụ thể của dự án bao gồm gần 26 ha xây dựng khu resort; 36 ha cho cụm công trình công cộng, dịch vụ thương mại. Gồm 743 lô nhà phố, mỗi lô rộng 150m2; 91 căn nhà biện thự ven biển, diện tích từ 500 - 1.000m2; 53 căn nhà biệt thự ven phá diện tích 500 - 700m2. Bên cạnh đó, Vinconstec còn xây dựng 4 tòa nhà của khu khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp;10 ha còn lại được dành cho khu tái định cư và đất dự trữ phát triển. Đây là những con số mà họ đã vẽ ra khiến cho các cán bộ địa phương khi đọc qua đã thấy chóng mặt ?

Nhưng sau đó theo thời gian khi tiếng trống kèn im lặng dần, thì phương thức kinh doanh và tiềm lực kinh tế + tài chính của nhà đầu tư này đã dần lộ diện. Qua điều tra của cánh phóng viên thì nhà đầu tư này thuộc Top " tay không bắt giặc", không có năng lực tài chính. Thật ra họ chỉ có một số vốn rất nhỏ (khoảng vài tỉ) sau khi chạy được Giấy phép đầu tư họ đã cóp nhặt xây nên được một vài cơ sở hạ tầng, nền móng, khung sườn cho một vài công trình nhỏ để khoe với thiên hạ (chủ yếu là khoe với giới ngân hàng), sau đó sẽ vay tiền ngân hàng mà xây dựng nên tất cả những gì mình muốn. Nhưng giới Ngân hàng ngày nay đã “khôn” hơn trước nhiều, họ cũng đã điều tra và biết ông chủ thật sự của dự án này là ai. Sau khi biết được nhân vật ẩn danh này vốn là một “nhà đầu tư” nhiều tai tiếng ở các tỉnh phía Bắc họ đã từ chối cho vay – tất nhiên sau đó nhà đầu tư này đã phải “chết đứng như Từ Hải” thôi ! 
Nhưng thật tế thì còn khá hài hước hơn nhiều, theo Chủ tịch UBND xã Phú Thuận khi trả lời báo chí cho biết chủ đầu tư này còn nợ khá nhiều tiền công thợ của cư dân địa phương và tiền mua vật liệu xây dựng của các đại lý vật liệu xây dựng trong vùng, người ít thì vài chục triệu nhiều thì hàng trăm triệu cho đến nay vẫn chưa trả. Theo vị này thì “đại gia chi mà đi mua từng bao xi măng rứa mà đại gia ?”. Qua thực tế này đã cho thấy là khâu thẩm định năng lực tài chính của các nhà đầu tư của các cơ quan chức năng của tỉnh là có vấn đề ?

Khu dự án này nằm ở một vị trí khá đẹp tại xã Phú Thuận vừa giáp biển và giáp phá Tam Giang và đi ngang khu dự án là con đường ven biển quốc lộ 49B, nên nhiều năm về trước được các chủ doanh nghiệp lựa chọn đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Ông Nguyễn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho hay: “Mới đây, xã đã làm văn bản kiến nghị tỉnh Thừa Thiên- Huế sớm có phương án giải quyết đối với các dự án bỏ hoang; bởi lẽ, ngoài vấn đề lãng phí tài nguyên đất thì các dự án dọc bờ biển đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân...”.
Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngày 19 /11/ 2016, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và sẽ thu hồi toàn bộ khu đất đã cho công ty này thuê tại xã Phú Thuận. Ngay sau đó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã có văn bản về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec- Huế. Đồng thời, giao Sở KH-ĐT phối hợp với các các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định (nguồn: http://www.sggp.org.vn/thongtincanu…/mientrung/…/11/441252/…)

Tại khu vực ven biển của huyện Phú Vang cũng đã từng có một dự án Du lịch - nghỉ dưỡng khổng lồ của nước ngoài đầu tư là dự án khu du lịch Lost World resort Huế (tại hai xã Vinh Thanh và Vinh An, huyện Phú Vang) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Lost World (Hồng Kông) với số vốn đăng ký gần 50 triệu USD, đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy và đã bị thu hồi giấy phép ngày 01/12/2010. Nguyên do là chủ đầu tư này cũng thuộc dạng “ tay không bắt giặc”, sau khi bị giới báo chí nước ngoài và trong nước phát hiện cũng đã lặng lẽ rút lui.

LỜI KẾT:
Hiện tại, ngoài các dự án du lịch ven biển đã được thu hồi và rút giấy phép kinh doanh, nhiều dự án du lịch “chết yểu” còn tồn tại vẫn gây bức xúc khi dự án làm cũng không làm, dừng cũng không dừng gây lãng phí đất đai. Đã có nhiều khu vực dự án do bỏ hoang quá lâu đã dẫn tới hiện tượng sa mạc hóa, cát biển ngày càng vùi lấp màu xanh của thảm thực vật ven biển khi không có bàn tay chăm sóc của con người. Nhiều nơi người dân cần xây dựng nhà cửa nhằm ổn định cuộc sống , tách thửa cho con cái nhưng đành phải chờ. 

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng của tỉnh cần phải làm quyết liệt hơn nữa đối với các dự án du lịch “treo” tại các khu vực ven biển để đem tới khả năng khai thác có hiệu quả với vùng đất ven biển khá giàu tiềm năng này. Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng địa phương nên có những biện pháp thắt chặt hơn nữa khi tiếp nhận đầu tư; buộc các chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ đã cam kết, nếu không thực hiện đúng tiến độ thì sẽ bị thu hồi dự án, hoặc thu hồi đất và không được hoàn trả số tiền đặt cọc và không được bồi hoàn đền bù giá trị tài sản đã đầu tư - như một số tỉnh đã làm .

Cũng theo thông tin mới nhất từ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, “từ nay trở đi, tỉnh thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thi công từng công trình theo từng tháng hoặc từng hạng mục chính của công trình, dự án và xử phạt chậm tiến độ theo từng tháng, từng hạng mục, không đợi đến khi kết thúc dự án. Đối với những đơn vị không đủ nhân lực, năng lực đã nêu trong hồ sơ dự thầu cần lập biên bản, xử lý theo quy định; lấy đây làm cơ sở xem xét để xét năng lực nhà thầu trong quá trình đấu thầu các công trình hoặc gói thầu khác. Nhằm quản lý triệt để và chấm dứt các dự án treo trên địa bàn tỉnh TT – Huế.”

Tuy nhiên, một dự án gây nhiều tai tiếng nhất tại tỉnh TT - Huế là khu du lịch Thiên An do Công ty cổ phần Thiên An làm chủ đầu tư cho đến nay vẫn chưa bị thu hồi, là một câu hỏi khá lớn của mọi người dân xứ Huế ?

ĐKT
20.01.2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...