TÁC GIẢ CỦA “ĐẾ HỆ THI” LÀ AI ?

Kim sách Đế hệ thi bằng vàng với 13 tờ vàng, dài 23,2cm, rộng 13,7cm được đúc năm 1823 đời vua Minh Mạng. 

Rất nhiều người tại Huế biết bài thơ nổi tiếng này. Bài Đế Hệ Thi đã được Triều Nguyễn khắc trong một cuốn sách bằng vàng ròng (Kim sách). Sách chép 20 chữ bộ Nhật và bài ngự chế Đế hệ thi do Hoàng đế Minh Mệnh ban hành năm 1823. Sách làm theo khổ chữ nhật đứng, gồm 13 tờ vàng dài 23,2cm, rộng 13,7cm gồm bìa trước và sau chạm hình rồng bay trong mây và 11 tờ ruột khắc sách văn, gáy đóng 4 khuyên tròn.

Sách được đúc năm 1823 đời vua Minh Mệnh, được cất trong hòm vàng (kim quỹ) để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với bài ngự chế này, vua mong muốn thế hệ sau truyền nối ngôi vua tới 20 đời, được 500 năm, nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ Vĩnh tức đời thứ 5, do 11 vua nối tiếp thuộc cả chi khác hoặc thế hệ trước.
 Hiện nay, kim sách Đế hệ thi đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (Hà Nội). Ngày 31/3/2016, sau nhiều thăng trầm lịch sử, lần đầu tiên kim sách Đế hệ thi đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia đưa ra giới thiệu tới quảng đại công chúng trong cuộc trưng bày chuyên đề "Bảo vật hoàng cung - Kim sách Triều Nguyễn (1802 - 1945)"

Xưa nay tất cả người dân xứ Huế đều cho rằng tác giả của bài thơ này là chính Vua Minh Mạng vì ông là một người văn võ song toàn. Nhưng thật ra không phải như vậy, ý tưởng là của Vua nhưng người trực tiếp sáng tác ra những áng văn này là của một người Họ Đinh – Đông các đại học sĩ Đinh Hồng Phiên, một danh thần của xứ Nghệ .

Nguyên là sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng cho soạn bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi để đặt chữ lót trước tên cho con cháu trực hệ vua (đế hệ) cùng con cháu của mười hoàng tử anh em (phiên hệ). Đế hệ thi được soạn theo thể thức thơ tứ tuyệt có nội dung một bài thơ hoàn chỉnh. Bài thơ 4 câu, mỗi câu 5 chữ, thành 20 chữ:
             
                       “ Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
                          Bảo Quý Định Long Trường
                          Hiền Năng Kham Kế Thuật
                          Thế Thụy Quốc Gia Xương”

Từng chữ có nghĩa như sau : MIÊN: Trường cửu; HƯỜNG: Oai hùng ; ƯNG: Nên danh, ; BỬU: Bối báu; VĨNH: Bền chí; BẢO: Ôm lòng; QUÝ: Cao sang; ĐỊNH: Tiên quyết ; LONG: rồng tiên ; TRƯỜNG: Vĩnh cửu; HIỀN: Tài đức, phúc ; NĂNG: Gương ; KHAM: Đảm đương; KẾ: Kế sách ; THUẬT: ghi chép ; THẾ: trường thọ ; THỤY: Ngọc quý ; QUỐC: giang san ; GIA: Muôn nhà ; XƯƠNG: Phồn thịnh . Sau khi đế hệ thi và phiên hệ thi được vua ban, các hệ con cháu đời này qua đời khác của triều Nguyễn cứ thế mà đặt chữ lót trước tên cho thống nhất.

Bản thảo Bài Đế hệ thi của Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên - nét bút màu đỏ là lời phê của vua Minh Mệnh khi chỉnh sửa bài Đế Hệ Thi

Theo đế hệ thi, thì tên của các vua Nguyễn từ Minh Mạng trở lui là : Nguyễn Phúc + chữ lót trong Đế hệ thi + tên : vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Miên Tông, Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm; Dục Đức là Nguyễn Phúc Ưng Chấn; Hiệp Hòa tên là Nguyễn Phước Hường Dật; Kiến Phúc là Nguyễn Phước Ưng Ðăng ;Hàm Nghi là Nguyễn Phước Ưng Lịch ; Đồng Khánh tên là Nguyễn Phước Ưng Đường; Thành Thái là Nguyễn Phước Bửu Lân; Duy Tân là Nguyễn Phước Vĩnh San; Khải Định là Nguyễn Phước Bửu Đảo; Bảo Đại là Nguyễn Phước Vĩnh Thụy . Nhưng người cùng thế hệ Miên, Hường… dù không làm vua cũng có chữ lót như nhau.

Triều Nguyễn chấm dứt vị vì từ tháng 8-1945, thời vua Bảo Đại. Từ năm 1945 đến nay, nhà Nguyễn không còn , nhưng con cháu của họ vẫn theo Đế hệ thi và phiên hệ thi mà đặt chữ lót cho con cháu từ đời này sang đời khác. Chứng tỏ bài Đế hệ thi là vô cùng quan trọng để nhận ra người trong Hoàng tộc Nguyễn.


Lời phê của vua Minh Mệnh khi chỉnh sửa bài Đế Hệ Thi

Như nói trên đây, từ khi bài thơ ra đời cho tới nay mọi người dân xứ Huế (và cả nước) thường cho rằng bài Đế hệ thi là do vua Minh Mạng sáng tác. Vì Minh Mạng là một ông vua có trí tuệ rất uyên bác, một nhà quân sự tài ba nhưng cũng là một thi sĩ chính hiệu, ông đã làm rất nhiều thơ ca ngơi quê hương đất nước kể cả những cảnh sản xuất cày cấy của người dân ở nông thôn. Vua cho đúc Cửu Đỉnh để khẳng định chủ quyền quốc gia, ông cũng chính là kiến trúc sư của quần thể di tích Cô Đô Huế được cộng nhận là Di sản thế giới. Nên nói vua soạn Đế hệ thi ai cũng cho là bình thường. Không ai biết vua đã sai người soạn 11 bài thơ cốt tử này.


Toàn văn bài Đế Hệ Thi

Nhưng mới đây nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Huế: đã công bố một sự thật đã làm sáng tỏ việc ai là tác giả của Đế hệ thi. Anh Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết, cách đây 8 năm, một người tên là Đinh Văn Niên sống tại Hà Nội đã gửi cho Ban biên tập Tập San Nghiên Cứu Huế một bài viết - trong bài viết này tác giả cho rằng theo những ghi chép hiện đang được lưu giữ tại dòng Họ của chính tác giả thì người khởi thảo bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi chính là Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên, quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - một cụ tổ trong tộc họ Đinh mà tác giả là một hậu duệ.

Tuy tư liệu này thật quý, nhưng bài viết khá đơn giản; cho nên sau khi xem xét khá kỹ nội dung bài viết, các nhà nghiên cứu có chuyên môn rất cao tại Trung Tâm nghiên cứu Huế cho rằng - điều khẳng định này có thể chỉ là những giai thoại và đây chỉ là bút tích trong gia phả của một tộc Họ; hoàn toàn không có một chứng cứ hay cơ sở khoa học nào cả. Nên ban biên tập Tập san Nghiên cứu Huế phải cử người lục tìm, chụp ảnh tài liệu trong Châu bản triều Nguyễn ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Sau đó phải tham khảo ý kiến thêm nhiều nhà nghiên cứu có uy tín khác tại Huế và phải dịch thuật, kiểm tra, xác minh suốt năm năm ròng. Khi có đủ tài liệu và có đầy đủ cơ sở bảo đảm tính chính xác của sự kiện quan trọng này Ban biên tập Tập San Nghiên cứu Huế mới cho công bố bài viết của anh Đinh Văn Niên vào đầu năm 2012.

Theo tác giả Đinh Văn Niên, ông Đinh Hồng Phiên sinh năm 1764 tại làng La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang (nay xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ông đậu Hương Cống thứ hai, khoa thi Quý Mão, Cảnh Hưng năm thứ 44(1783) đời vua Lê Hiển Tông. Khoa này Nguyễn Du Tiên Điền đậu sinh đồ. Năm 1787, đi thi Hội ông Phiên đậu Tam trường trúng cách ( ngang Phó bảng thời Nguyễn ). Ông được bổ Toản tu Quốc sử quán triều Lê. Thời Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã vời ông ra làm quan với triều Nguyễn.
Năm Gia Long thứ 14 (1815) ông được vua bổ Đốc học Quảng Nam. Năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819) ông được bổ Đông các học sĩ, sung vào đoàn đi sứ nhà Thanh, Trung Quốc. Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên và Nguyễn Du là bạn đồng hương, đồng khoa thi. Con trai Đinh Hồng Phiên là tiến sĩ Đinh Văn Phác, lấy Nguyễn Thị Tiềm là con gái Nguyễn Du. Đến thời vua Minh Mạng, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng ở triều đình. Nhiều năm làm giám thị các kỳ thi Hương trường thi Quảng Đức, Sơn Nam của Triều Nguyễn. Đinh Hồng Phiên có con trai là Đinh Văn Phác đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ tại kỳ thi Hội năm Nhâm Ngọ, Minh Mệnh thứ 3 (1822). 

Nhưng quan trọng nhất là chức “soạn định thể thức cáo văn, sắc văn”- chức này đã giúp cho Đinh Hồng Phiên có điều kiện để soạn cho vua Minh Mạng Ngọc Phổ bài đế hệ thi và 10 bài phiên hệ thi, được vua “châu phê”.
Năm Minh Mệnh thứ nhất, ngày 20 tháng 11 năm 1820, Nguyễn Đình Phiên đã tâu lên vua Minh Mạng:” Bề tôi Đông các học sĩ Nguyễn Đình Phiên cứu đầu, rập đầu trăm lạy kính tâu về việc : Nay kính vâng chủ kiếm soạn các chữ trong Ngọc Phổ . Hãy kính đấy. Kinh cẩn xếp thành 11 bài 4 câu 20 chữ, cộng 220 chữ kính cẩn trình bày theo thứ tự. Kính chờ Thánh thượng xét đoán” (bản dịch từ chữ Hán, Châu bản triều Nguyễn, tờ 223 đến 235).

Bản châu bản triều Minh Mệnh liên quan đến bài Đế hệ thi

11 bài trong Ngọc Phổ ấy, bài đầu là Đế hệ thi và 10 bài sau là Phiên hệ thi. Bài Đế hệ thi , Đinh Hồng Phiên viết:
- Miên hồng khai bửu tộ/ Bảo định ứng trinh tường/ Toản tự di nhân viễn/ Gia hy tích dận trường. Đọc bài thảo, vua Minh Minh Mạng ban đầu sửa chữ Khai thành chữ Ưng. Câu thứ hai vua sửa lại là Long Quý Định Bảo Trường. Câu ba, Toản Tự Di Nhân Viễn, vua sửa lại là Hiền Năng Kham Kế Thuật. Câu bốn: các chữ Hy tích Dận Trường vua sửa thành Thụy Quốc Gia Xương. Rồi vua lại sửa câu bốn một lần nữa, thành Thọ Thế Quốc Gia Xương, sau đó vua lại lấy lại Thế Thụy. Rồi vua tham khảo ý kiến anh em mình và các trí thức trong triều, một lần sửa nữa mới chính thức thành: Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh/ Bảo Quý Định Long Trường/ Hiền Năng Kham Kế Thuật / Thế Thụy Quốc Gia Xương.

Bài Đế hệ thi không chỉ để đặt tên, mà còn là một bài thơ hoàn chỉnh. Tạm dịch nghĩa theo vần lục bát như sau :
                      
                       Huân nghiệp lớn tổ tiên gầy dựng
                       Gắng giữ gìn cho xứng ân sau
                       Phồn vinh thịnh đạt dài lâu 
                       Anh tài, hiền đức cùng nhau bảo toàn
                       Đời đời nối nghiệp tiền nhân
                       Nước nhà hưng vượng muôn phần phát huy

Vua phán: ” Hoàng khảo ta lập pháp luật, định chế độ, rất lưu tâm đến việc kế thuật. Các khanh làm Ngọc phả nên xét kỷ thế thứ trong sách vở cũ , liệt kê đầy đủ để dâng trình , đợi chỉ sử định” ( Đại Nam thực lục, tập 2 ). Trong gia phả họ Đinh Văn, Kim Khê, Nghi Long, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có ghi :” Đông các học sĩ Đinh Phiên nhậm chức soạn định thể thức cáo văn , sắc văn, tu soạn Liệt Thánh Thực lục, đồng thời được giao việc hệ trọng là sáng tác đế hệ thi và phiên hệ thi” ( Đinh Văn tộc gia phả ). Ban biên tập sách Nghiên cứu Huế đã tìm trong “Mục lục Châu bản triều Nguyễn” của Viện Đại học Huế xuất bản năm 1962, ở tập 2 triều Minh Mạng một bản tâu có nội dung liên quan : “Đông các học sĩ Đinh Nguyễn Phiên tâu chỉ soạn các chữ Ngọc phổ, tất cả 11 bài, mỗi bài 4 câu 20 chữ, tổng cộng 220 chữ”, đề ngày 29/11, năm Minh Mạng thứ nhất (1820).


Bản Châu bản nói về Đế Hệ Thi có bút tích và đóng các dấu Ấn của Vua Minh Mệnh

Lại nói về ông Đinh Văn Niên, hiện sống tại Hà Nội được cho là hậu duệ của Đông Các học sĩ Đinh Hồng Phiên (gọi ông Phiên là cụ tổ) người đã gửi cho Ban biên tập Nghiên cứu Huế bài viết về việc năm 1820, Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên được vua giao làm Ngọc phả.

Sau khi được Ban biên tập Tập San Nghiên cứu Huế thông báo việc đã xác minh và tìm thấy những nội dung có liên quan trong Bộ Châu Bản Triều Nguyễn. Và trong “Mục lục Châu bản triều Nguyễn” triều Minh Mạng – hiện có một bản tấu có nội dung liên quan xác nhận sự kiện này hiện vẫn còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội. Ông Đinh Văn Niên đã đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội, xin được bản sao in màu bản Châu bản quý giá đó.

Ông Đinh Văn Niên - xứng đáng vinh danh.

Câu chuyện này các vị đang làm công tác nghiên cứu tại Huế đã cho tôi biết cũng đã hơn 3 năm nay nhưng công việc quá bận không có thời gian nghiên cứu thêm. Nay có chút thời gian tôi đã tìm hiểu thêm và sau khi nghiên cứu kỹ nên với bài viết ngắn này xin công bố sự thật này cho  bà con Họ Đinh cùng biết.
Đây là một niềm tự hào cho Dòng Tộc HỌ ĐINH chúng ta; nhất là bà con tộc họ ĐINH VĂN - tại thôn Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ./.

ĐKT
22.05.2017

Chuyên mục nghiên cứu Hán-Nôm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...