CHA ĐẺ” CỦA HƠN 400 GIỐNG LAN LAI TẠO TẠI ĐĂK LĂK

Nơi đây chúng tôi thường lui tới !

Tôi đã sinh sống tại thành phố này cho đến nay đã hơn 40 năm, đã có khá nhiều đắng cay cũng như ngọt bùi cùng chia sẻ với vùng đất này. Do công việc nên hầu như xã - huyện nào tại đây tôi đều tới và đều biết cả; thiên nhiên sông suối hay tài nguyên khoáng sản cũng khá tường tận. Nếu có một đôi điều cần viết về những cái lạ của vùng đất này thì cũng chẳng biết viết sao cho nó lạ cả; vì mình là kẻ hậu sinh nên lời hay ý đẹp thiên hạ đã giành viết hết cả rồi. Nhưng cũng không thể không viết vì mới đây có một anh bạn người họ Đinh ở xa đã thắc mắc “… thấy chú viết nhiều nhưng không thấy chú viết gì về Buôn Ma Thuột nơi chú đang sống cả ? ”. Biết bà con quan tâm về mình nhiều thì thấy cũng thích; nhưng thích thì ít mà cảm thấy phiền thì nhiều vì cũng mới đây cũng có một anh họ Đinh cắc cớ hỏi rằng - "tại sao lâu nay không thấy anh lên FB " ? Khi được trả lời là “tui lúc này bận quá, hơn nữa về quan niệm sinh hoạt dòng họ của tôi khác với một số người… và do tuổi cũng đã khá lớn rồi nên không muốn tranh luận với lớp trẻ trên mạng xã hội …! ”. Chỉ vậy thôi nhưng lập tức bị anh bạn trẻ này lên lớp - “Thưa Anh. Mình là Người Họ Đinh nên cần phải cởi mở để mọi Người học hỏi và trao đổi thông tin về mọi lĩnh vực liên quan đến cuộc sống. Chúc Anh luôn mạnh khỏe”. Nên như các cụ ngày xưa dạy rằng “không biết thì khoẻ, biết nhiều thì mệt” quả là không sai !
Nhưng như trên tôi đã nói, không thể không viết – nay xin giới thiệu một góc khuất đầy tính riêng tư, một sở thích của cá nhân tôi, đó là thích chụp ảnh. Đồng thời qua đây xin giới thiệu một nét đẹp, một thành tựu của thành phố này mà không phải ai cũng biết. Xin giới thiệu với mọi người một nghệ nhân chuyên lai tạo hoa lan nổi tiếng của Đăk Lăk, của Việt Nam và có thể nói một phần nào đó là của thế giới - Nghệ nhân Phan Trọng Dũng, cha đẻ của hơn 400 giống lan lai tạo, chủ của trang trại lan "Phương Trang" .

Cây đàn này đã bị tạm bỏ rơi vì chủ nhân của nó đang mê nàng Lan
Hắn và tôi ở cùng xóm lại học cùng lớp vào những năm cấp II tại trường cấp II Thắng lợi, thuộc phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma thuột, tỉnh Đăk Lăk; sau khi lên cấp III hắn lại học cùng trường cấp III Buôn Ma Thuột với tôi. Hắn là người Công giáo và sinh hoạt trong Ca đoàn của Giáo xứ Thánh Tâm thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột, tức nhiên hắn hát hay và đàn giỏi. Là người có năng khiếu về âm nhạc từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp phổ thông hắn thi vào Nhạc viện TPHCM, hắn đã đậu và vào học tại khoa piano của nhac viện . Sau khi tốt nghiệp hắn được giữ lại làm giáo viên giảng dạy của Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hắn có một thú đam mê rất đặc biệt là mê Hoa Lan nhất là lan rừng. Sau một thời gian ngắn công tác tại nhạc viện hắn đã bỏ nghề vì không thể cưỡng lại được sự say mê chơi hoa lan. Hắn đã bỏ xứ Sài thành phồn hoa và trở về quê ở thành phố Buôn Ma Thuột, bắt đầu lao vào đầu tư kinh doanh Lan. 
Phan Trọng Dũng - hiện là chủ nhân của một trang trại Hoa Lan khá lớn rộng 2,3 ha, bao gồm phòng thí nghiệm nhân giống, cấy mô, khu vườn ươm cây con, khu nuôi trồng cây trưởng thành và khu bảo tồn nguồn gen lan rừng Việt Nam, với tổng chi phí đầu tư trên 3 tỷ đồng tại thôn 8, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột. Đây là nơi xuất phát điểm thành công của hắn, cũng là nơi ra đời của hàng trăm giống hoa lan do hắn lai tạo và phát triển rất tốt đến bây giờ.
Có thể nói Phan Trọng Dũng là người đam mê Lan từ nhỏ, nhà hắn luôn có những bộ sưu tập lan khá lớn do hắn cóp nhặt từ khi còn là một chú bé chập chững theo bố vào thăm vườn cà phê. Sau khi thi đậu vào nhạc viện TPHCM hành trang của hắn khi xuống Sài gòn học là hàng trăm giò lan rừng vì hắn vẫn không “dứt” ra khỏi cái đẹp trầm lắng, tinh khiết của những bông lan rừng mà hắn sưu tập được từ bé. Hắn trọ học tại nhà một người thầy dạy hắn, may cho hắn là người thầy cũng cùng sở thích lan như hắn, nên thầy dành cho cu cậu một tầng lầu phía trên để treo và chăm sóc những cành lan rừng của hắn. Tuy say mê và yêu quý hoa lan nhưng phương pháp chăm sóc hoa lan thì Dũng cũng chỉ là những thao tác theo cảm tính.
Tiếng lành đồn xa, bạn bè nhiều người biết cậu sinh viên người Tây Nguyên đang sở hữu một bộ sưu tập lan với trên 100 giống, nên họ thường ghé đến chiêm ngưỡng. Trong số khách thưởng lãm có bố của một người bạn học của Dũng làm ở Công ty Công viên cây xanh. Ông đang thực hiện một đề án về trồng hoa lan cho công viên, nhưng gần tới ngày hoàn thành đề tài mà vị này vẫn chưa tìm được đủ lan.
Sau khi tham quan “vườn” lan của Dũng xong, ông đặt vấn đề mua lại toàn bộ số lan với giá cao. Dũng lưỡng lự, ông thuyết phục sẽ cung cấp sách, tạp chí nước ngoài về kỹ thuật chăm sóc, cấy ghép hoa lan cho cậu. Bị hấp dẫn bởi lời đề nghị trên, Dũng đồng ý bán.
Lần đầu tiên cầm các tài liệu về kỹ thuật cấy ghép, chăm sóc hoa lan trong tay Dũng rất hạnh phúc. Nhưng khổ nỗi tài liệu này bằng tiếng Anh, mà ngoại ngữ cậu lại mập mờ. Vì “mối tình” với hoa lan, Dũng đã đến trung tâm ngoại ngữ đăng ký học thêm tiếng Anh. Và từ đấy, vốn ngoại ngữ chuyên ngành đã mở ra con đường đi đến thành công trong việc lai tạo hoa lan sau này.
Dù chưa học qua trường lớp nào về nông nghiệp, nhưng sẵn kiến thức cấy ghép, lai tạo hoa lan nhờ đọc sách kỹ thuật, tạp chí nước ngoài, cộng với số tiền có được nhờ bán bộ sưu tập lan của mình, Dũng đã tìm mua các giống lan trong nước cũng như nước ngoài về chăm sóc, cấy mô thử nghiệm.
Bên cạnh đó, Dũng đặt mua dài hạn các tạp chí nước ngoài về hoa lan để tiếp tục bổ sung kiến thức. Chính thời gian này, Dũng đã được bạn bè cùng sở thích hoa lan giới thiệu gia nhập thành viên của Hội Hoa lan quốc tế. Từ đó, Dũng học hỏi được rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm từ bạn bè. Thành công cũng bắt đầu đến với hắn, những giống lan do hắn lai tạo ngày càng phát triển nhiều hơn.
Có thể nói, Phan Trọng Dũng là người đi tiên phong trong việc kết hợp nguồn gen lan ngoại với nguồn gen lan rừng Việt Nam, tạo thành các giống lan thương phẩm độc đáo. Cuối năm 2007, Dũng đã nhận được giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đắc Lắc lần thứ IX với đề tài “Nghiên cứu lai tạo tuyển chọn giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác nhân giống hoa phong lan phục vụ nông nghiệp”.

Đồng thời trước đó, Dũng đã gửi 14 giống lan mới mang tên tuổi của Việt Nam sang Hiệp hội Lan quốc tế ở Anh RHS và đã được tổ chức này chấp nhận đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ 12 giống .Thành quả trên là niềm hạnh phúc lớn của Phan Trọng Dũng và cũng là niềm tự hào của những nghệ nhân yêu thích hoa lan Việt Nam. 

Văn bản hiệp hội Lan quốc tế ở Anh RHS xác nhận sở hữu trí tuệ
12 giống phong lan mới lai tạo của anh Phan Trọng Dũng đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ được quốc tế công nhận:
Rse. Sông Serepok, Rse. Hà Nội, Rse. Kim Ngân Beauty, Rse. Bình Minh Đắc Lắc, D. Phương Trang, Rse. Phương Trang Beauty, Rse. Phan Thị Hạnh Trang, Ren. Phương Trang Vocano, P. Phương Trang Stripe, P. Phương Trang Beauty, Aseda. Phương Trang Spots, Ren. Phương Trang Flamboyant.
Chúng tôi lại tới ngắm Lan
Và nay hắn đã là một đại gia về trồng và kinh doanh lan với thu nhập hàng năm vài tỉ đồng. Khu trang trại với căn biệt thự khá hoành tráng của hắn là nơi chúng tôi thường gặp gỡ, tập chụp ảnh và sinh hoạt vào mỗi dịp cuối tuần. Trang trại lan toạ lạc ở vùng ven nên khá yên tĩnh và hắn chỉ tiếp những người bạn chí cốt như chúng tôi. Vợ hắn là một cô gái Sài thành cũng là một giảng viên của nhạc viện TPHCM; hắn đã lấy tên của vợ đặt cho trang trại của mình " PHƯƠNG TRANG " - nhằm tri ân một người con gái vốn xuất thân danh gia vọng tộc của đất Sài thành đã từ bỏ chốn phồn hoa đô hội chấp nhận theo một chàng nghệ sĩ nghèo lên rừng lập nghiệp … Cô rất vui mừng khi những người bạn thuở ấu thơ như chúng tôi tới thăm. 

Riêng hắn thì rất phấn khích khi gặp bạn, vì vui nên hắn lại say khi say hắn hát rất hay và chúng tôi được nghe hắn đàn những tác phẩm nhạc cổ điển trên cây đàn piano luôn luôn theo hắn như bầu bạn. /.

ĐKT
27.4.2014
Tôi đã chụp khá nhiều ảnh tại vườn Lan của hắn !


























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...