Cuộc gặp mặt của những người Họ Đinh
Cả một thời gian dài trước đổi mới (chính thức là trước
năm 1991), do ảnh hưởng sai lạc và nhận thức chưa đầy đủ của những người có
trách nhiệm trong xã hội về vấn đề gia tộc - dòng họ; đã gây ra nhiều ảnh hưởng
rất xấu trong đời sống văn hoá và tâm linh của người Việt nhất là trong cộng
đồng làng – xã. Họ đơn giản nghĩ rằng gia tộc và chế độ gia trưởng là nét đặc
trưng của chế độ phong kiến, khi đã thủ tiêu chế độ phong kiến thì phải thủ
tiêu chế độ gia trưởng, trong trường hợp này đó là dòng họ. Quan điểm này đã
gây ra nhiều hệ luỵ không chỉ một vài thế hệ mà nó ảnh hưởng khá dài lâu đến
văn hoá dân tộc.
Tuy nhiên từ khi tiến hành đổi mới đến nay, xu hướng trở
về cội nguồn, phục hưng các sinh hoạt dòng họ diễn ra khá sôi nổi. Thể hiện rõ
nét nhất của xu hướng này là việc chấn chỉnh lại nghi lễ thờ cúng tổ tiên mà
trước đây có phần sao nhãng. Cùng với việc chấn chỉnh nghi lễ thờ cúng tổ tiên
là việc sửa chữa, trùng tu, xây mới nhà thờ, mồ mả tổ tiên, tiếp đến là việc
sưu tầm và dịch lại các gia phả, truy tìm gốc tích tổ tiên. Viết lại tộc ước để
chấn chỉnh gia phong, viết lịch sử dòng họ, lập ban điều hành để lo việc họ,
lập ban khuyến học, giáo dục con cháu truyền thống dòng họ…. cuối cùng là tiến
lên liên kết các tộc trong cùng một Họ, tại trong cùng một tỉnh thành, trong
một khu vực về thành một khối, thành một dòng họ chung. Những hoạt động này
đang trở thành nhu cầu thực sự của cuộc sống trong các cộng đồng làng xã.
Điều này cũng là một điều tất yếu thôi, vì trước những thay đổi, biến động của
đời sống xã hội, mỗi người cảm thấy cần có chỗ dựa tinh thần, ngoài tôn giáo ra
thì chỗ dựa thiết thân nhất của mỗi con người chính là gia đình, dòng họ. Cũng
bởi “dòng họ còn là cơ sở của tình máu mủ ruột rà của đạo thờ cúng tổ tiên, với
các phong tục và nghi lễ mang đậm màu sắc tâm linh, đã trở thành chỗ dựa tinh
thần, đã củng cố nghị lực và niềm tin cho nhiều người trong cuộc sống. Bởi vì
những giá trị văn hóa của cha ông không chỉ mang lại niềm tự hào cho mỗi người
mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc lối sống văn hóa cho các thế hệ sau.”
"HỌ" theo nghĩa gốc có liên hệ với nhà và dưới
chế độ phong kiến còn nối kết con người với đất đai ruộng vườn: một mái nhà,
một gia đình, một họ. Thành quả nghiên cứu nhân loại học hiện nay đã chứng
minh: trước khi con người tiến vào xã hội văn minh, quan hệ huyết thống – quan
hệ đầu tiên của con người, là sợi dây gắn bó quan trọng nhất. Quần thể xuất
hiện đầu tiên của con người là xã hội nguyên thủy sống quần cư theo bầy đàn;
nhưng con người lúc này chỉ biết mẹ mà không biết cha. Theo nghiên cứu, trong
lịch sử hơn ba triệu năm tồn tại của con người thì có khoảng 2,9 triệu năm là
thuộc xã hội nguyên thủy; chỉ cách đây hơn 10.000 năm mới bắt đầu hình thành
chế độ thị tộc. Xã hội nguyên thủy ban đầu chia thành nhiều quần thể nhỏ, phát
triển càng sâu, phân tích càng chặc chẻ, phân biệt thân sơ cùng hình thành, khi
biết người mẹ sinh ra ta, thì càng muốn biết được người thân của mẹ ta, vì vậy
có thể biết được mẹ của mẹ ta – quan hệ họ hàng hình thành từ đó.
Cũng qua nghiên cứu, tất cả hệ thống tên họ các dân tộc
trên thế giới cho thấy người Hán và người Việt là một trong những dân tộc có Họ
đầu tiên trên thế giới. Theo lịch sử Trung quốc, việc đặt họ tên bắt đầu từ năm
2852 trước Công nguyên, khi vua Phục Hi ra lệnh bắt dân chúng phải có một
"gia tính" hay "tộc tính" để dễ phân biệt các hệ phái gia
đình và định phép tắc hôn nhân. Riêng Việt Nam chúng ta cho đến nay vẫn chưa
có được một sự khẳng định chính thức là người Việt có họ từ bao giờ ? Tất cả
những tuyên bố gần đây về việc người Việt có họ đầu tiên vào thời gian nào, chỉ
mang tính ước lệ và hoàn toàn không có bất cứ một cơ sở khoa học nào cả, các
tuyên bố này đều dựa vào những truyền thuyết là chính, phần còn lại là dựa vào
sử sách của Trung Hoa. Chỉ biết rằng từ hơn hai ngàn năm trước, tổ tiên ta đã
nghĩ ra "sổ điền" cốt để nhà vua kiểm kê nhân và dân số hàng năm hoặc
theo một thời hạn cố định, mục đích nhằm phân chia ruộng nương thời đó thuộc về
nhà vua. Việc phân chia này đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận từng nóc gia.
Với họ và tên gọi, quan chức triều đình có thể ấn định số người trong mỗi gia
đình. Về sau thêm "sổ đinh" hoặc "sổ bộ", ghi họ tên chính
thức về hộ tịch từng cá nhân và gia đình. Rồi từ "sổ bộ", mỗi gia
đình lập một sổ riêng, ghi chú tất cả những việc cưới hỏi, sinh đẻ và tang ma.
Ðó là nguồn gốc của gia phả. Theo sử chép thì gia phả xuất hiện tại nước ta từ
năm 1026 vào thời vua Lý Thái Tổ, gia phả đầu tiên được gọi là Hoàng-triều
ngọc-điệp.
Một trong những nét nổi bật nhất trong quan hệ dòng họ
của người Việt là quan hệ giữa dòng họ và làng xã. Họ không tách biệt, đối lập
với làng mà luôn có sự gắn bó chặt chẽ với làng. Một cá nhân không phải chỉ bảo
vệ uy tín cho dòng họ mình mà còn phải có trách nhiệm với làng xã . Dòng họ
không chỉ là một thiết chế xã hội mà còn là một môi trường văn hóa mang tính
đặc thù. Truyền thống của dòng họ trở thành nhân tố cơ bản góp phần tạo nên
truyền thống làng xã, truyền thống địa phương và dân tộc. Cho tới nay dòng họ
vẫn là một kiểu tổ chức xã hội có tác động chi phối đến nhiều lĩnh vực khác
nhau của làng xã; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước
nói chung, nhất là ở nông thôn.
Vì quan hệ dòng họ là quan hệ huyết thống gắn liền với
gia phong và truyền thống của dòng họ, nên con người ta luôn tâm niệm phải sống
như thế nào cho xứng với truyền thống cha ông, trước hết là trong đối xử với
những người cùng máu mủ. Tình cảm dòng họ là một loại tình cảm tự nhiên và
thiêng liêng nảy sinh từ quan hệ máu thịt, là chỗ dựa tinh thần của mỗi cá nhân
trong dòng họ. Với nó người ta không cảm thấy bị đứt đoạn với các tiền nhân,
với cội nguồn và không cảm thấy bơ vơ giữa cuộc đời, giữa xã hội. Mối quan hệ
gia đình và dòng họ còn là một nhân tố quan trọng góp phần hình thành và phát
triển nhân cách của mỗi con người. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác
nhau về vai trò của dòng họ đối với đời sống văn hóa làng xã, có ý kiến lo ngại
rằng bên cạnh tính tích cực của nó sẽ còn có cả tiêu cực.
Nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng sự
phục hưng dòng họ hiện nay, có thể sẽ kéo theo những tiêu cực và những hệ luỵ
không mong muốn tất sẽ xảy ra. Về mặt quản lý Nhà nước, cho tới nay ngành văn
hóa vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định việc này. Thậm chí
việc xây dựng nơi thờ tự theo quy mô nào, tổ chức các cuộc lễ ra sao cũng chưa
có một quy chuẩn nào cả !
Vẫn biết rằng mục đích của phục hồi việc Họ là rất tốt đẹp, nhưng không khéo
chúng ta lại phục hồi luôn cả những hủ tục mê tín dị đoan và việc tổ chức hội
hè, đình đám nếu không đúng lúc, đúng chỗ sẽ gây lãng phí nhiều thời giờ và
tiền của của nhân dân. Đồng thời nếu không khéo thì khi các tổ chức, các hội,
các ban được thành lập để điều hành việc họ, sẽ bị một số phần tử lợi dụng tình
cảm họ hàng thân thuộc để kéo bè kéo cánh, hoặc dựa thế người trong Họ có chức
có quyền để bóp méo pháp luật, hoặc làm ăn sai trái có thể sẽ gây ra những hệ
luỵ trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.
Cho nên nếu không cẩn thận và nhận thức đúng về mối quan
hệ này thì tất yếu sẽ xảy ra những hệ luỵ không nhỏ ?
Theo đó, từ khi con người hình thành cho tới khi có cuộc
sống quần cư theo bầy đàn dưới xã hội nguyên thuỷ thì hoàn toàn chưa có khái
niệm về giai cấp – chưa có kẻ thống trị và người bị trị, nguồn thực phẩm nuôi
sống họ là do tất cả tự săn bắt hái lượm mà có. Nhưng cách đây khoảng 10.000
năm khi con người bắt đầu tiến vào giai đoạn công xã thị tộc và hình thành chế
độ thị tộc thì giai cấp bắt đầu xuất hiện. Và những hệ luỵ tất yếu của xã hội
có giai cấp đã dần xuất hiện đó là có sự phân tầng xã hội giữa tầng lớp thống
trị và kẻ bị trị. Sự phân công lao động trong xã hội ra đời, và sự bất công
cũng từ đó mà ra. Tức là sẽ có người lao động chân tay cày sâu cuốc bẫm ngoài
đồng để kiếm cái ăn nhưng cũng sẽ có kẻ ngồi trong bóng râm và tìm cách buộc
anh nông dân kia đem sản phẩm đến cống nạp cho mình và nuôi mình. Kẻ thống trị
thì muốn duy trì đặc quyền đặc lợi của mình bằng cách lập nên những tổ chức có
đông người cùng phe cánh tham gia. Họ sẽ tạo nên những công cụ nhằm bảo vệ cho
đặc quyền của mình bằng cách đặt ra những quy định buộc người khác phải tuân
theo và hệ thống luật pháp ra đời từ đó.
Anh nông dân cho rằng như vậy là bất công, tại sao mình phải làm nuôi những kẻ
ăn không ngồi rồi như vậy, nhưng nếu một mình anh phản kháng thì anh ta sẽ bị
những công cụ pháp lý kia tiêu diệt ngay. Nên anh ta cũng nghĩ ra cách phải
liên kết với những người cùng cảnh ngộ nhằm tạo nên một sức mạnh của số đông để
bào vệ của cải của mình không cho những người khác đến cướp bóc, và những tổ
chức, phường hội, đảng phái… từ đó hình thành. Lâu dài dần dần những tổ chức vì
quyền lợi như vậy có thể đạt đến quy mô rất lớn, thậm chí nó có thể đạt đến địa
vị thống trị một xã hội, một đất nước trong một thời gian dài. Những tổ chức
này dù nấp dưới bất kỳ danh nghĩa nào cũng đều vì QUYỀN LỢI của chính các thành
viên trong tổ chức đó.
Tuy nhiên qua nghiên cứu cũng cho thấy nền tảng tạo nên
quyền lực của một tổ chức có thể đạt đến địa vị thống trị một xã hội còn có hai
yếu tố chính khác đó là : HUYẾT THỐNG và TÔN GIÁO. Điển hình cho tính liên kết
theo nhóm tôn giáo tạo nên quyền lực của một tổ chức đã đạt đến địa vị thống
trị một xã hội, đó là đạo Hồi. Kinh Koran nêu lên điều căn bản cho cộng đồng
Hồi Giáo như sau: “Quan hệ giữa các tín đồ Hồi Giáo với nhau là quan hệ anh em
ruột thịt” . Ý niệm “thánh chiến” trong Hồi Giáo không chỉ có nghĩa là sẵn sàng
tử đạo mà còn có nghĩa là một “bổn phận thiêng liêng” của mọi tín đồ phải tham
gia chiến đấu trên mọi mặt trận, từ tinh thần đến vật chất, từ kinh tế đến
chính trị thành lập một đơn vị xã hội căn bản. Nói đúng hơn, đó là một cộng
đồng Hồi Giáo liên kết với nhau trên nền tảng tôn giáo chứ không đặt trên nền
tảng huyết thống hay chủng tộc. Nhóm liên kết thứ hai tuy không đặt trên quyền
lợi nhưng là một hình thức tập họp sớm nhất trong lịch sử loài người, nó vẫn
đạt được đến địa vị thống trị xã hội trong một thời gian dài và có tính phổ
quát toàn nhân loại, đó là nhóm HUYẾT THỐNG. Đây là hình thức mà chúng ta
thường thấy nhất đó là một dòng họ, thậm chí là một gia đình có khi thống trị
cả một quốc gia – mà các triều đại quân chủ tại nhiều nước trên thế giới là một
ví dụ điển hình nhất. Tính ưu việt của nhóm liên kết này là không đặt trên
quyền lợi mà dựa trên quan hệ gia đình – dòng tộc nên khá bền chặt.
Nhưng chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ giữa Dòng Họ và
Phường Hội là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau – đó là sự khác nhau giữa nhóm
HUYẾT THỐNG và nhóm QUYỀN LỢI. Đây là một phạm trù mà chúng ta không nên lẫn
lộn hay cố tình nhầm lẫn, vì lẫn lộn là sẽ sinh ra những hệ luỵ không tốt trong
quan hệ dòng họ.
Như nói trên đây, vì quyền lợi con người đã phải tập hợp nhau thành những tổ
chức, đảng phái, hội đoàn để bảo vệ quyền lợi cho nhau. Nhưng cũng chính vì
quyền lợi mà những thành viên trong các hội đoàn (hay phường hội) đó, sẵn sàng
tranh giành quyền lợi với nhau, đấu đá nhau thậm chí là giết nhau để giành
quyền lợi nhiều nhất về cho mình. Để đạt được mục tối cao là giành quyền lực
cao nhất và lợi ích nhiều nhất về cho mình; họ sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào
để loại trừ đối thủ và kéo bè kết cánh thành một một nhóm để cùng liên kết đấu
tranh. Tất cả những ngôn từ hoa mỹ mà họ dùng trong cuộc tranh giành này đều
không bao giờ thoát khỏi cái bóng của hai chữ - QUYỀN LỢI. Những tổ chức đảng
phái (hay hội đoàn, phường hội) này đã và đang tồn tại trong tất cả các cơ quan
nhà nước, trong trường học, trong các nhà máy công xưởng, trong các tổ chức
quần chúng xã hội, trong lực lương vũ trang ….Và trong cuộc sống xã hội hiện
nay mọi con người đều phải là thành viên của một tổ chức, một hội đoàn, một
đảng phái nào đó để mà dựa dẫm, để được số đông bảo vệ cho quyền lợi của mình
hoặc đơn giản chỉ để khẳng định sự tồn tại của họ rồi đó ư ?
Sở dĩ tôi phải dài dòng phân tích một cách cụ thể sự khác
nhau giữa tính liên kết HUYẾT THỐNG và tính liên kết QUYỀN LỢI như trên, vì
thời gian gần đây đã xuất hiện những ý tưởng là sẽ hình thành nên những doanh
nghiệp của dòng họ do những người trong cùng một tộc họ liên kết đóng góp vốn
xây dựng nên để kinh doanh một cái gì đó.
Qua phân tích trên, tôi e rằng những người sáng tạo nên
những ý tưởng này có cái gì đó nhầm lẫn, họ đã nhầm lẫn giữa quan hệ vì HUYẾT
THỐNG và quan hệ vì QUYỀN LỢI. Bởi một điều khá đơn giản dễ nhận thấy nhất
trong tình hình hiện nay là những con người cùng một tộc họ nào đó vì một lý do
nào đó phải xa cách nay đã tự tìm đến với nhau trong những tổ chức dòng họ, tức
là họ đến với nhau vì quan hệ gia đình – dòng tộc vì tổ tông nòi giống, chứ
không phải vì tìm kiếm quyền lợi !
Hoặc có thể những người có ý tưởng này cho rằng đây chỉ
đơn thuần là những doanh nghiệp hoạt động về kinh tế. Nhưng dù có núp dưới bất
cứ hình thức nào; chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận biết là tất cả những người cùng
góp vốn để thành lập nên các công ty này cũng chỉ với mục đích tối thượng là
nhằm thu về lợi nhuận chứ không phải để làm từ thiện. Vì chưa chắc những đồng
vốn đóng góp là của họ tự có, mà có thể họ đã phải vay mượn từ nhiều nguồn,
nhưng không ai vay mượn để làm từ thiện cả. Ngoài ra khi doanh nghiệp hình
thành thì nó phải hoạt động theo những quy định của pháp luật, của luật doanh
nghiệp và các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế... và như phân tích trên đây, tất
yếu nó phải hoạt động theo quy luật cung cầu của kinh tế thị trường. Lúc này
yếu tố quan hệ HUYẾT THỐNG không còn đất để tồn tại trong những doanh nghiệp
kiểu này. Mà nó xuất hiện với tất cả những HỶ, NỘ, ÁI, Ố của một doanh nghiệp
hoạt động dưới sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế nền kinh tế thị trường; sự
xung đột quyền lợi tất yếu sẽ xảy ra . Nếu khéo vun vén thì thôi, không thì có
thể kéo nhau ra toà – nhưng với người ngoài thì ta chỉ cần không nhìn mặt nhau
là xong, thậm chí coi nhau như kẻ thù cũng bình thường, nhưng với người trong
một tộc họ thì nhìn mặt nhau sao đây ?
Hệ luỵ này có thể phá vỡ sự đoàn kết trong các tộc họ, gây ra cảnh nồi da xáo
thịt, làm mất uy tín của cả một dòng họ, ảnh hưởng xấu đến nhiều thế hệ.
THAY LỜI KẾT:
Tôi cũng khá đắn đo khi viết bài này, nhưng không thể
không viết. Tuy biết rằng có thể góc nhìn của mình sẽ bị cho là lạc hậu và sẽ
nhận được những phản biện - nhưng trong tình tình hiện nay và với kiến thức của
mình tôi cho rằng ý kiến của mình là đúng. Vì với tôi dòng tộc là một cái gì đó
cao đẹp và linh thiêng vô cùng. Tình cảm huyết thống không phải là một thứ để
có thể mua bán được. Hiện tôi không theo tôn giáo nào cả, tôi chỉ có một thứ
đạo đó là Đạo thờ cúng Tổ tiên ông bà, cho nên ngôi Từ đường dòng họ là một
chốn đi về của chúng tôi.
Ở Thừa Thiên – Huế quê tôi, hàng năm các làng xã ở đây đều tổ chức nhiều kỳ Tế
lễ nhất là vào mùa Thu (hay còn gọi là Thu tế) và các tộc họ tại đây cũng đồng
thời tổ chức các lễ giỗ hàng năm nhưng đặt biệt là lễ Chạp thường niên của các
dòng Họ trong các làng. Vào những kỳ Lễ trọng này con cháu khắp mọi nơi tạm rời
bỏ cương vị xã hội của mình quay về với cương vị thành viên của làng của dòng
họ để tưởng nhớ về tổ tiên đã sinh ra mình. Để rồi khi xong tế lễ, họ quay về
với ruộng đồng, với công việc thường nhật hay rời làng ra đi với tâm niệm phải
sống xứng đáng với cha ông.
Cho nên cần phải có nhận thức đúng như thế nào là quan hệ HUYẾT THỐNG (dòng họ)
là một việc làm cấp bách trong các tộc họ hiện nay. Thậm chí việc nhận thức cho
đúng về vai trò quan trọng của dòng họ trong sự phát triển của xã hội Việt Nam đương đại
là cả một vấn đề rất lớn và khá khó khăn. Nhưng hy vọng rằng với nhiều biến
động của lịch sử địa chính trị của thế giới gần đây, đã ít nhiều tác động đến
đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam .
Mỗi người chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy là: Cuộc sống này luôn luôn vận động
theo hướng tích cực, nếu ai đó cản đường sẽ bị cuộc sống đào thải ./.
Đinh Khắc Thiện
30/05/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét