ĐỊA CHÍ LÀNG KẾ VÕ

Đình làng Kế Võ

1/ Địa lý :
       Làng Kế Võ ngày nay thuộc xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, thuộc miền Trung trung bộ của Việt Nam. Làng nằm ở vùng duyên hải phía Nam của tỉnh , trên trục đường quốc lộ 49B với chiều dài dọc quốc lộ theo hướng Bắc – Nam khoảng 2 km. Phía Bắc giáp làng Tân Sa, phía Nam giáp làng Xuân Thiên Thượng; phía Đông là biển Đông , phía Tây làng giáp đầm Hà Trung. Nếu tính đường chim bay thì từ trung tâm thành phố Huế về làng khoảng 13 km. Từ thành phố Huế muốn đến làng Kế Võ có rất nhiều phương tiện kể cả đường thủy, nếu đi đường bộ ngắn nhất là từ trung tâm thành phố Huế xuôi về phía Nam theo quốc lộ 1A qua khỏi sân bay Phú Bài hơn 1 km, rẽ trái đi về phía biển 12 km là tới làng.
       Làng được hình thành có một địa thế tự nhiên rất đặc biệt kiểu “ thượng gia hạ điền " rõ nét . Phía trước làng là đầm Hà Trung còn gọi là Rào (hay sông Rào), thuộc hệ đầm phá ven biển của tỉnh Thừa Thiên, phía sau làng là biển Đông. Theo hướng đông – tây thì chiều dài của làng chừng hơn 3 km, từ mép nước biển theo hướng vào làng chừng hơn 1km là một trảng cát được dân làng trồng cây phi lao và cây tràm hoa vàng để chắn gió. Tiếp đó là một vùng đất trũng gọi là Tằm được dân làng làm nơi trồng cây hoa màu trái vụ, khu vực này vào mùa mưa có một lạch nước nhỏ chảy qua và một đầm nước lớn gọi là Nổn Tiên. Sau khu vực này là một rừng cây mọc tự nhiên rất rậm rạp với các loại cây bản địa rất lớn với độ cao từ 6 – 10 m như Tầm Bù, Cà Ổi và các loại bụi cây mọc thấp như Sim, Móc …; khu rừng tự nhiên này được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là lá phổi xanh của làng, giữ độ ẩm, tạo ra mạch nước ngầm vô tận cho làng . Đồng thời là bức tường xanh chắn gió và cát từ biển thổi vào bảo vệ nhà cửa và đất sản xuất của dân làng. Khu rừng tự nhiên này cũng là một khu nghĩa trang tự nhiên rất lớn của làng, là nơi yên nghỉ của nhiều thế hệ người dân của làng. Tiếp theo là khu dân cư, trục đường quốc lộ 49B; rồi xuống đồng ruộng của làng, cuối cùng là đầm Hà Trung – đây là một đầm nước lợ, một vựa tôm cá tự nhiên và là nơi nuôi trồng thủy sản mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân của làng .
       Làng Kế Võ ruộng không nhiều, cánh đồng được chia làm 4 xứ là Quai Mõ, Hạc Cang, Nhạn Phụ và Hà Úc ; 4 xứ này hình thành nên hai vùng là đồng Côi (trên) và đồng Dưới . Giữa hai đồng ruộng của làng có hai cái gò cao, tục gọi là cồn Mè côi (trên) và cồn Mè dưới , tên chữ của hai cồn này là cồn Nghiên và cồn Bút do hình dáng của chúng.

      2/ Lịch sử :
        Về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này, cũng như quá trình hình thành các làng – xã, các khu dân cư, các tộc Họ trong tiến trình di dân của người Việt từ các tỉnh phía Bắc vào định cư tại vùng đất này, hiện đang là một dấu hỏi lớn đối với những người nghiên cứu lịch sử, địa chính trị của vùng đất duyên hải phía Nam này của tỉnh Thừa Thiên – Huế ?
        Hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu một cách nghiêm túc và có giá trị; nhưng với nhiều lý do khác nhau chưa có công trình nào được các cấp có thẩm quyền tổ chức thẩm định đánh giá kết quả và công bố một cách chính thức. Những gì chính sử và địa chí tỉnh Thừa Thiên – Huế ghi chép về vùng đất duyên hải từ cửa biển Thuận An về cửa biển Tư Hiền thì quá sơ sài. Những ghi chép của chính sử về từng làng xã hoặc các dòng Họ ở vùng này thì càng hiếm . 
        Nhưng may thay cũng có một số dòng Họ có người trong Họ tộc là các bậc túc Nho, các chức sắc hoặc là quan lại của nhà nước quân chủ ở thuở ban đầu ấy, có hiểu biết hoặc vì trách nhiệm đã kịp ghi chép lại cội nguồn và quá trình hình thành, phát triển của dòng Họ mình để lưu lại cho hậu thế. Hiện nay tại một số làng  và một số dòng Họ trong vùng này đang còn lưu giữ một số bản gia phả, sắc phong và một số thư tịch cổ của dòng Họ mình, đây là những tài liệu độc bản có giá trị lịch sử rất cao.
       Tiêu biểu là các thư tịch và các bản gia phả có niên đại sớm nhất tại các làng Nghi Giang, Diêm Trường, Phụng Chánh, Cự Lại, Kế Chủng ( Kế Sung ), Thái Dương, Hòa Duân - đây là những làng được thành lập lượt đầu tiên tại vùng này vào những năm cuối thế kỷ XV. Tiếp đến là các thư tịch cổ và gia phả còn lưu lại tại các làng định cư vào nửa đầu thế kỷ XVI tại các làng lân cận như làng Quảng Xuyên, làng Viễn Trình, làng Lương Viện, làng Đồng Di, làng Tây Hồ, làng Hòa Đa (đông – tây), Lê Xá…; hoặc tại các họ khai Canh ở làng Mỹ Lợi, làng An Bằng là những làng mới thành lập vào nửa cuối thế kỷ XVI. Cuối cùng là các thư tịch cổ và gia phả còn lưu lại tại các làng mới thành lập vào nửa cuối thế kỷ XVII như làng Xuân Thiên Hạ, làng Kế Võ, làng Hà Thanh, làng Mai Vĩnh….
        Theo ghi chép trong Gia phả của 3 họ Khai Canh lập làng ở Kế Võ và một số tư liệu có liên quan, thì vào khoảng năm 1655 - 1672, trong giai đoạn cuối của cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, vị Thủy tổ của họ Đinh Khắc đã từ Trấn Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay), vào định cư lập nghiệp tại trấn Thuận Hóa.
        Trịnh – Nguyễn phân tranh mà thực chất là cuộc tranh giành quyền lực giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài hơn 50 năm; đã diễn ra 7 cuộc chiến lớn ác liệt vào các năm 1627-1630-1635-1648-1655-1661-1672, hơn 200 năm đất nước bị chia cắt, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Trong các cuộc chiến vào các năm như trên, chiến trường chủ yếu là vùng Quảng Bình – Quảng Trị - vùng sông Gianh với các chiến lũy nổi tiếng như Lũy Thầy – Lũy Trường Dục.
       Trong các cuộc chiến này, lúc đầu Chúa Trịnh với binh lực mạnh hơn hẳn đã lấy danh nghĩa vua Lê tấn công quân Nguyễn, do binh lực yếu quân Nguyễn chỉ lo chống đỡ. Nhưng ba lần cuối vào các năm 1655-1661-1672 dưới thời Chúa Hiền Vương – Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) quân Nguyễn bắt đầu phản công, đặc biệt là trong ba lần tấn công cuối cùng này quân Nguyễn lần đầu tiên vượt sông Gianh tấn công ra Bắc, đuổi quân Trịnh tới gần thành Thăng Long.
       Trong các cuộc tấn công cuối cùng này, theo chính sử ghi chép lại thì quân Nguyễn đã ở lại chiếm đóng vùng Châu Hoan, Châu Ái (nay là Ninh bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh) gần 5 năm. Sau khi rút quân về Nam đã bắt vô số tù binh đưa vào Nam để tăng cường nhân lực. Đồng thời kêu gọi và cưỡng bức hàng vạn dân đinh và gia đình họ đưa vào Nam, tạo nên cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử thời ấy. Cuộc di dân này cư dân phải di chuyển rất dài, cụ thể là từ Ninh Bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh vào tận Thuận Hóa, Quảng Nam – Quảng Ngãi .Trước đó do phương tiện di chuyển khó khăn nên các cuộc di cư chủ yếu xảy ra trong nội tỉnh hoặc các tỉnh giáp nhau, theo phương thức vết dầu loang và kéo dài có thể vài thế hệ mới đến được nơi định cư. Nhưng cuộc di dân này có sự trợ giúp của Nhà nước Quân chủ về phương tiện và lương thực nên đã được tiến hành với quy mô lớn và di chuyển xa hơn, đi thẳng từ nơi đi cho đến nơi cần đến.
        Ngài Hoàng Thủy Tổ Họ Đinh Khắc – đã cùng phu nhân và bốn người con cùng di cư vào Nam trong đợt này. Ngài và gia đình đã dừng chân ở Xứ Thuận Hóa – quyết định định cư lập nghiệp ở đây. Tại Thuận Hóa, vị này đã đưa vợ cùng 05 người con gồm 4 người con ruột và 01 người con rể về định cư tại làng Kế Chủng (Kế Sung), thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Hương Trà.
       Gia đình ông được chính quyền địa phương lúc ấy cấp cho một vùng đất cách trung tâm làng khoảng 8 km về phía Nam (vùng đất này lúc ấy vẫn thuộc đất của làng Kế Chủng), để khai hoang lập ấp nhằm ổn định cuộc sống lâu dài về sau. Ông đã cùng gia đình mình tích cực khai hoang lập ấp, biến vùng đất trước đây vốn nổi tiếng là “ Ô châu ác địa” thành vùng đất trù phú. Với sản vật mùa nào thức ấy, với địa hình thuận lợi vừa có sông vừa có biển, vừa có rừng, vừa có cánh đồng lúa . 
     Sau một thời gian lao động cật lực họ đã có đầy đủ cái ăn cái mặc, nhà cửa kín đáo, cuộc sống của họ đã ổn định. Ông đã quyết định phân chia đất đai, tài sản cho người con rể Họ Nguyễn Viết với người con gái duy nhất của mình và cho họ ra ở riêng, để con mình có cái riêng tư và lo cho gia đình riêng của họ . 
     Vùng đất mới lúc này đã có hình dáng của một trang ấp, khi những người con trai của ông cũng đã lập gia đình và có cơ ngơi riêng ( gồm 3 người ). Khi tuổi tác của người chủ đại gia đình này ngày càng cao; ông mong muốn thành lập một ngôi làng mới trên vùng đất mình vừa khai hoang lập ấp, tách khỏi làng Kế Chủng cũ. Nhưng theo quy định của pháp luật thời Hậu Lê (Lê trung hưng), và với quy mô dân số còn quá khiêm tốn, quan hệ của những người đang sống tại đây đang là quan hệ của một gia đình, chỉ đủ tiêu chuẩn để thành lập một ấp trực thuộc làng Kế Sung (1). Ngoài ra muốn lập ấp mới phải có 03 gia đình trở lên, với có ít nhất ba Họ khác nhau. Người chủ gia đình này đã phải về làng Xuân Thiên cách đó 3 km về phía Nam – là ngôi làng mới thành lập trước đó ít lâu và mời gia đình của một người con của một người bạn thuộc Họ Hoàng (Huỳnh), về vùng đất mình đang sống để định cư lập nghiệp với gia đình mình.
      Sau khi đã có đủ 3 gia đình với ba Họ khác nhau, họ đã cùng nhau đệ đơn lên chính quyền địa phương lúc ấy xin lập ấp mới. Họ đã được chính quyền Quân chủ của Nhà Hậu Lê cùng Chúa Nguyễn cho phép lập ấp và được công nhận là Tam tôn Bổn thổ Khai Canh lập nên ấp Kế Võ tồn tại đến ngày nay (2).
      Tên đầu tiên của ngôi làng khi mới lập là làng Kế Đăng, mãi cho tới năm 1886 làng mới đổi tên là Kế Võ, nhưng trong dân gian thường gọi là làng Mới (mới lập), hay làng Tầm Bù (tên một loại cây cổ thụ có trái chín rất ngọt và ăn được mọc tự nhiên rất nhiều ở Rú sau làng ).
       Lập làng xong ,Vị Thủy Tổ của họ Đinh Khắc lúc này tuổi tác đã cao, ông đã nhường lại Tước Vị Bổn Thổ Khai Canh cho các con, cho hợp với tuổi tác của hai vị Khai Canh Họ Hoàng và họ Nguyễn Viết.
       Qua thời gian, theo quy luật của tự nhiên “ đất lành chim đậu ” – một số vị tiền hiền của các dòng Họ như họ Trần, họ Nguyễn Đình, họ Nguyễn Duy, họ Phạm, họ Nguyễn Đăng, họ Nguyễn Hữu, Họ Ngô, họ Hồ đã lần lượt đến định cư lập nghiệp ở làng Kế Võ. Và cũng qua thời gian làng Kế Võ đã tồn tại và phát triển thành một ngôi làng lớn, dân số đông đúc, kinh tế - văm hóa xã hội phát triển như hiện nay.
      
       3. Tóm tắc về lịch sử hình thành xứ Thuận Hóa :
       Theo những thư tịch cổ còn lưu lại được đến ngày nay, thì vào thời Hùng Vương - vùng đất ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh, đến tỉnh Ninh Thuận ngày nay thuộc vào bộ Việt Thường (Việt Thường thị). Khoảng năm 246 - 201 TCN, Nhà Tần xâm chiếm đặt làm Tượng quận. Năm 179 trước công nguyên, nước Âu Lạc (kế tục nước Văn Lang) bị sáp nhập vào nước Nam Việt (ở Trung Hoa) và chia thành hai quận là quận Giao chỉ và quận Cửu Chân. Đến năm 111 trước công nguyên, nhà Tây Hán chiếm nước Nam Việt (gồm cả Âu Lạc cũ), đến thời Hán Vũ đế (132 TCN - 25 SCN) đặt thành 9 quận, trong đó nước Âu Lạc cũ bị chia làm 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam; gồm hơn 20 huyện. Quận Giao Chỉ là khu vực đồng bằng Bắc bộ hiện nay; quận Cửu Chân là vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh hiện nay và quận Nhật Nam.
       Quận Nhật Nam là vùng đất từ phía Nam sông Gianh (nay ở phía Bắc Quảng Bình) xuôi về phía Nam, gồm có 5 huyện tính từ bắc vào là Tây Quyển, Tỷ Ảnh, Chu Ngô, Lô Dung và Tượng Lâm. Huyện Lô Dung là tỉnh Thừa Thiên – Huế ; huyện Tượng Lâm là khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi  hiện nay.
       Tiếp đó nước ta phải trải qua mấy trăm năm chịu ách thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc:  Hán, Ngô, Tống, Lương.
       Đến đời Hán Sơ Bình (190-193), một thủ lĩnh người địa phương (người Chăm) tên là Khu Liên (3) thuộc dòng dõi của bộ tộc Dừa(4), nổi lên chiếm cứ huyện Tượng Lâm đánh đuổi quân Hán và giành thắng lợi. Năm 192, vương quốc Chăm pa đầu tiên ở phía Bắc ra đời, sử Trung Hoa gọi là Lâm Ấp (5).
       Đến năm 347, Quốc vương Lâm Ấp là Phạm Văn tiến ra phía Bắc đánh chiếm các huyện còn lại ở phía Bắc quận Nhật Nam, bắt giết thái thú Hạ Hầu Lãm, đuổi hết quan lại Trung Hoa, lấy dãy núi Hoành Sơn (dãy núi này là ranh giới tự nhiên hiện nay giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) làm cương giới, đắp thành Khu Túc để phòng ngự. Chia vùng này (từ đèo Ngang đến huyện Duy Xuyên - Quảng Nam) làm 5 châu là Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Ô (Vuyar), Rý/Lý (Ulik) sáp nhập vào nước Lâm Ấp . Châu Rý/Lý (Ulik) ( là tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay), từ đó đến đầu thế kỷ XIV, thuộc nước Lâm Ấp (từ giữa thế kỷ IX - nước Lâm Ấp đổi làm nước Chiêm Thành, đô thành là Sinhapura (Trà Kiệu).
       Đến đầu thế kỉ XIV (năm 1306), để xin cưới công chúa Huyền Trân, với mục đính là nhằm kết thân với thế lực nhà Trần quá hùng mạnh của Đại Việt; vua Chế Mân đã dâng cho nhà Trần hai châu Ô, Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên) làm quà sính lễ. Vua Trần Anh Tông tiếp thu hai châu vào Đại Việt , đổi tên là châu Thuận và châu  Hóa.
       Sau khi trở về Đại Việt, triều đình nhà Trần đã tổ chức di dân vào vùng đất mới , nhưng một thời gian dài sau đó những cư dân đầu tiên vẫn chỉ là những người lính vào tiếp quản vùng đất vừa được Nhà Trần tiếp nhận và những người đi theo đoàn quân làm công tác an dân, chủ yếu là quan lại, cùng một số rất ít cư dân vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã dám mạo hiểm vào lập nghiệp ở vùng đất mới .
       Thuở Vua Đinh Tiên Hoàng lập quốc (năm Mậu Thìn - 968) và đặt tên nước là Đại Cồ Việt ranh giới cực Nam của nước ta là dãy Hoành Sơn - dãy Hoành Sơn được lấy làm cương giới giữa Chiêm Thành và Đại Việt trong suốt một thời gian dài. Nhưng với nhiều điều kiện thuận lợi và khách quan đã thúc đẩy quá trình di cư mạnh mẽ của người Việt về phía Nam, nhất là trong các thế kỷ XV - XVI .
       Nhưng theo đó, công cuộc Nam tiến không phải lúc nào cũng thuận lợi; thậm chí có lúc quân dân Đại Việt, còn bị đại bại và bị mất thêm đất vào tay người Chiêm Thành. Năm 1306, vùng Thuận Hóa trở về với Đại Việt mà không phải đổ máu, nhưng sau khi Vua Chế Mân chết (1307), Công Chúa Huyền Trân trở về Đại Việt (1308), quân Chiêm Thành lấy cớ này đã liên tục tấn công Hóa Châu, chiến tranh xảy ra liên miên; vùng đất châu Hóa trở thành vùng tranh chấp, miền biên viễn trong nhiều năm sau.
       Năm 1370 khi Vua Nghệ Tông lên ngôi, đã xảy ra tranh giành ngôi vị trong giới hoàng tộc, một người Cung phi đã chạy vào Chiêm Thành cầu cứu vua Chiêm - Chế Bồng Nga đem quân đánh Đại Việt. Quân Chiêm nhân cơ hội này vượt bể vào cửa Đại An tiến đánh Thăng Long. Quân Trần không chống nổi, phải bỏ kinh thành. Vua Nghệ Tông rời đô đi lánh nạn. Quân Chiêm vào thành đốt sạch cung điện, bắt đàn bà con gái, lấy hết vàng bạc châu báu rồi rút quân về.
       Năm 1377 Vua Trần Duệ Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chăm pa, trong một cuộc tiến quân đánh chiếm thành Đồ Bàn, Vua Trần Duệ Tông vì mắc mưu trá hàng của địch đã tử trận tại kinh đô Đồ Bàn, quân Đại Việt đại bại. Quân Chămpa đã phản công tiến chiếm lại Thuận Hóa chiếm luôn các châu Hoan, châu Ái ( tức là toàn bộ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và Bình - Trị - Thiên của Việt Nam hiện nay) của Đại Việt trong suốt 12 năm, đồng thời xua đuổi hầu hết người Việt khỏi khu vực này. Quân Chăm pa nhiều lần tấn công cướp phá thành Thăng Long, cho đến tháng Giêng năm Canh Ngọ ( 1390 ) - Vua Chiêm Thành là Po Binasor – sử Việt gọi là Chế Bồng Nga bị tướng Đại Việt là Trần Khát Chân giết chết trong khi tấn công thành Thăng Long . Đại quân Chămpa thua trận, đã từ bỏ các vùng đất vừa chiếm của Đại Việt và rút quân về phía Nam đèo Hải Vân. Thành quả xây dựng gần 100 năm của cư dân vùng Thuận Hóa lại phải bắt đầu lại từ con số không.
       Nhưng không lâu sau đó nhà Trần suy vong (năm 1400), nhà Hồ lên thay, nhưng nhà Hồ tồn tại quá ngắn ngủi (1400 – 1407). Vì mất lòng dân - cuộc kháng chiến chống quân Minh của Nhà Hồ bị thất bại, năm 1407 cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim lăng; nước ta bị giặc Minh chiếm đóng trong hơn 20 năm, cho đến năm Mậu Thân(1428) cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước mới trở lại thời tự chủ. Một triều đại mới được hình thành đó là nhà Hậu Lê (hay Lê Sơ) (1428 -1527).
       Trong thời gian Đại Việt bị quân Minh đô hộ, lợi dụng việc này quân Chămpa đã tiến chiếm lại vùng Thuận Hóa và 2 châu Chiêm Động, Cổ Luỹ (Quảng Nam, Quảng Ngãi).
Sau chiến thắng giặc Minh (1428), Vua Lê Thái Tổ đã cử quan quân vào lấy lại Thuận Hóa và cử các trọng thần vào trấn thủ, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường di dân, khai hoang phục hóa, thành lập các làng xã mới. Nhưng tình hình Thuận Hóa không ổn định, quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công châu Hóa. Sau khi nhà Hậu Lê tiếp quản Thuận Hóa, quân Chiêm Thành đã liên tục quấy nhiễu khiến cho cư dân vùng này không thể an cư được. Nhất là sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (1434), quân Chiêm Thành lại nhiều lần vượt đèo Hải Vân tấn công châu Hóa. Năm 1446 vua Lê Nhân Tông cử đại quân chủ động đánh Chiêm Thành nhằm giữ yên bờ cõi.
      Năm 1469, quân Chiêm Thành lại khởi sự chiến dịch quấy phá Hóa Châu, tháng 9/1470, vua Chiêm Thành là Bàn Trà Toàn đã huy động 10 vạn quân và voi ngựa tiến đánh châu Hóa. Cuối năm đó vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Sau nhiều trận giao tranh, quân Chiêm tan vỡ, vua Lê Thánh Tông đã đưa quân đánh vào tận kinh đô Bồ Đàn, chiếm kinh đô của Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn đem về Đại Việt (nhưng Bàn Trà Toàn đã chết trên đường bị áp giải về Thăng long).
       Sau chiến thắng Đồ Bàn - năm 1471 của quân dân Đại Việt, chiến dịch bình định phương Nam dưới quyền Tiết chế của vua Lê Thánh Tông thắng lợi hoàn toàn. Đã chấm dứt mối đe dọa xâm lấn Hóa Châu của người Chămpa, cương giới nước Đại Việt đã vào tận tận đèo Cù Mông phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay; vùng Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa .
       Trước sự thật lịch sử này đã lý giải được phần nào là tại sao có một khoảng trống trong lịch sử văn hóa vùng Thuận Hóa ở giai đoạn này(1306 – 1470) ? Vì hầu như cho tới nay giới sử học đã không thể tìm thấy được bất cứ một thư tịch, một văn bản hoặc một chứng tích nào của người Việt ở giai đoạn này, còn lưu lại được đến ngày nay tại khu vực này ? Ở cấp độ vùng miền, tại các tỉnh (thành), trong các làng - xã, trong các dòng Họ ở khu vực này cũng không thể tìm thấy được một thư tịch, một văn bản nào của người Việt được lập trong giai đoạn này hiện đang còn được lưu giữ ? (6).
      Chỉ sau chiến thắng lịch sử này(1471), nhân dân vùng Thuận Hóa mới thực sự được hưởng thanh bình, ổn định liên tục trong nhiều năm sau. Nhân dân vùng này, có được một khoản thời gian hơn 50 năm thanh bình đã ra sức khôi phục và tái thiết quê hương, khôi phục lại các làng xóm bị tàn phá, nhân dân lưu tán do chiến tranh. Hưởng ứng chủ trương di dân, nhân dân các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trấn Sơn Nam và các Châu Hoan, Ái (tức là Thanh Hoá và Nghệ An ngày nay) cùng một số quan quân Nam chinh trở về đã đem gia đình và bà con vào khai khẩn đất hoang, hàng loạt các làng - xã đã được thành lập vào thời gian này trên vùng đất này.
       Đây là giai đoạn khởi thủy chính thức của các làng – xã cổ nhất, các tộc Họ lâu đời nhất tại khu vực này. Trước thời điểm này (mà cụ thể là tại Thuận Hóa là trước năm 1446, tại Thăng Hoa - Tư Nghĩa là trước năm 1471), không thể có một làng – xã nào được định danh và có được địa bàn cư trú cụ thể cả. Qua phân tích trên đây, theo tôi là không thể có.
       Về mặt địa lý hành chánh và quy mô dân số : Vào giai đoạn (1306 – 1446) cũng đã để lại một khoảng trống trong lịch sử vùng này ? Theo những tư liệu thành văn còn lưu lại được đến ngày nay, thì tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) năm Hưng Long thứ XV, sau khi vua Trần Anh Tông gả em gái là công chúa Huyền Trân cho quốc vương Chế Mân của Chiêm Thành, quốc vương Chế Mân đã cắt đất hai châu Ô, Lý (vùng đất từ phía Bắc Quảng Trị đến huyện Duy Xuyên - Quảng Nam) làm sính lễ. Năm sau (1307), “ vì cư dân bản địa người Chăm của thôn La Thủy, thôn Tác Hồng và thôn Đa Bồng tại Hóa Châu nổi loạn chống lại chính quyền mới của người Việt. Vua sai Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài vào làm Hành khiển tuyên bố đức ý, đổi tên làm châu Thuận, châu Hóa, kén chọn người Chiêm cho làm quan, lại cấp ruộng đất và tha 3 năm tô thuế ”. Nhưng không có tư liệu nào còn lưu lại được đến ngày nay, cho biết có bao nhiêu thôn, làng – xã, tên của các làng xã này và dân số là bao nhiêu người; khi nhà Trần tiếp nhận vùng này (năm 1307) ?
       Vào cuối triều Trần, cụ thể là tháng 9 năm Quý Tỵ (1353), khi người Chiêm liên tục đánh phá vùng Thuận Hóa, vua Trần Dụ Tông sai Tham Tri chính sự Trương Hán Siêu đem quân vào chống giữ. Ông ở được hơn một năm đã buồn chán than thở nên vua phải cho về, theo một ít sử liệu mà tác giả của An Nam Chí Lược thu thập được từ vị quan binh này thì Thuận Hoá lúc này được tổ chức thành một lộ gọi là lộ Thuận Hóa, gồm hai châu là châu Thuận và châu Hóa, chia làm 11 huyện, dưới huyện là hương (làng) và xã (làng và xã là hai đơn vị hành chánh ngang nhau) .
       Theo đó Châu Thuận gồm 04 huyện là: Điều Lại(Điều Lợi), Ba Quan(Ba Lãng), Bất Lan (Thạch Lan) và An Nhân. Châu Hoá gồm 07 huyện là: Trà Kệ, Lại Bồng(Lợi Bồng), Sạ Hợp(Sạ Lệnh), Tư Khách (Tư Vinh), Bồ Lãng, Bồ Đài, và Sỹ Vinh. Sau sáp nhập hai huyện Lại Bồng và Tư Vinh vào huyện Sỹ Vinh. Tổng cộng có 79 làng(xã), 1470 hộ, 5662 khẩu ; ruộng có 71 khoảnh (mỗi khoảnh 100 mẫu).
       Vào đời Hồ Hán Thương, niên hiệu Khai Đại 2 (1404), sử chép rằng: “đặt 1 phủ có 2 châu,... Hóa Châu có 7 huyện: Lợi Bồng, Sĩ Vinh, Sạ Lịnh, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng”;  nhưng quy mô chỉ còn khoảng 40 làng, ấp, thôn, trại, sách. Nhưng chính sử hoàn toàn không có ghi chép tên hoặc địa danh một vùng, một làng, thôn, ấp nào cụ thể cả ?
       Đến năm Vĩnh Lạc 17 thuộc Minh (1419), quân đô hộ sắp xếp, sáp nhập các huyện lại ở Hóa Châu chỉ còn 3 huyện là Trà Kệ, Kim Trà và Sĩ Vinh.
       Ngoài ra các nhà sử học cũng đã tìm thấy một số dấu tích còn lưu lại trong Gia phả của các dòng Họ được cho là cư dân nhập cư thời Trần – Hồ (1307-1407), hiện nay vẫn còn ở Thừa Thiên – Huế như : Họ Hồ làng Thế Lại Thượng ở đường Bạch Đằng - thành phố Huế, họ Phan ở làng La Vân Thượng (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền )…Nhưng nói chung thời điểm nhập cư và các địa danh được ghi chép lại rất mờ nhạt, phần lớn được ghi lại theo trí nhớ của nhiều đời sau, theo khẩu truyền, các sự kiện trình bày theo cảm quan, mơ hồ, lộn xộn về thời gian. Qua phân tích và nghiên cứu, được biết các bản gia phả của các dòng Họ này đều mới lập khoảng 200 năm trở lại.
       Với số cư dân thưa thớt, cư trú trên một vùng rộng lớn và như trình bày trên đây, với những cuộc chiến giành đi - giựt lại của hai bên liên tục trong nhiều năm (khoảng 130 năm). Nên chúng tôi có thể kết luận : Thời gian này (1310 – 1407), những cư dân đầu tiên phần lớn là những quan binh và những người lính với phận sự vào tiếp quản vùng đất mới. Cư dân người Việt chưa thể hình thành nên những làng xóm, những cộng đồng dân cư có tổ chức hoặc những đơn vị hành chánh được. Có chăng là những cụm dân cư sống tạm bợ bên những đồn binh với thành phần chính là gia đình của những quan binh, hoặc ở những nơi gần cửa sông, cửa bể thuận tiện cho việc đi lại, mưu sinh… Nhưng với những cuộc chiến sinh tồn xảy ra liên tiếp thì những làng, xã này(nếu có) có thể bị tàn phá, bị biến mất và thay đổi liên tục.
      Từ đầu thế kỷ XIV cho đến nửa cuối thế kỷ XV vùng đất Thuận Hóa thời gian yên ổn không được bao nhiêu, lúc tổ tiên của các dòng Họ mới vào khai cơ lập nghiệp thì gặp thời loạn lạc, tới lúc thanh bình thì các vị đã thành người thiên cổ. Nên chúng ta có thể hiểu tại sao đa số Gia phả của các dòng Họ nhập cư vào Thuận Hóa trong giai đoạn này, ghi chép nguồn gốc của dòng Họ mình không rỏ ràng, các đời đầu đều rất sơ sài, mơ hồ. Vì như nói trên đây - các vị Khai canh, Khai khẩn lúc mới vào Thuận Hóa lập nghiệp, phải lo cái ăn, cái ở , cái mặc, lo chiến tranh liên miên đã khó rồi, nên chưa thể quan tâm đến việc chữ nghĩa. Cho tới khi xóm làng đã yên ổn, lớp hậu thế mới có thể tính chuyện học hành và ghi chép lại việc quá khứ; nhưng đời xa, người khuất việc ghi chép chỉ nhờ vào hồi ức và khẩu truyền của các đời trước, không thể tránh được sai sót.
       Sau nhiều cuộc điền dã, tìm tòi nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Huế và của các tổ chức nghiên cứu sử học của nhà nước; chúng ta đã có thể biết được là đa số những bản Gia phả của các dòng Họ nhập cư Thuận Hóa trong giai đoạn Trần – Hồ (1310 – 1407); đều mới được lập từ sau khi vua Gia Long trở về Phú Xuân (1802). Và phần lớn những bản Sắc Phong được ban cho các dòng Họ ở vùng Thuận Hóa được lưu lại cho đến ngày nay cũng chỉ có được từ đời Vua Tự Đức (1848 – 1883) trở về sau.
       Tóm lại, chỉ sau cuộc chiến năm 1471, khi cương thổ nước Đại Việt đã tới phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay, vùng đất Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa. Nhân dân vùng này thoát khỏi nạn chiến tranh đã dần đi đến ổn định và bắt đầu giai đoạn phát triển, công cuộc di dân từ phía Bắc vào Thuận Hóa được tiếp tục đẩy mạnh, vùng này mới có thể hình thành nên những làng xóm, những khu thị tứ. Và như sử chép, thực tế sau đó với không gian tương đối thanh bình, tài nguyên thổ sản phong phú, mưa thuận gió hòa ; cộng với tính chịu thương chịu khó của những lưu dân trên vùng đất mới; đã biến vùng Thuận – Quảng thành vùng có kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển nhất của Việt Nam vào thế kỷ XVII – XIX. Thuận – Quảng trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa mới của Đại Việt, với những trung tâm đô hội lớn như Phú Xuân, Hội An…
       Hàng loạt các ngôi làng mới đã được thành lập trong dịp này tại Thừa Thiên, như:  Duy sơn , Tân chu, Nghi giang, Diêm trường, Phụng chánh, Cự lại, Kế chủng ( Kế sung ), Thái dương, Hòa duân, Hà cùng (An dương) , Triều sơn ,Thanh cần , La Khê , Bao vinh, Đức bưu , Dương Xuân, Phổ Lại , Đại Lộc, Kế Môn, Phò Trạc , Hương Triền (Thanh Hương), Đàm bổng (Ưu Điềm)... (theo Hồng Đức bản đồ, lập năm Hồng Đức thứ 2 (1490) đã có tên các làng xã này) .
       Nhưng trong danh sách lập làng đợt này ( 1446 - 1490) ở thừa tuyên Thuận Hóa (tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay), được các bộ chính sử lớn thời Hậu Lê (Lê sơ) ghi chép lại, hoàn toàn không có tên các làng thuộc xã Vinh Xuân hiện nay.
     Khu vực từ cửa Thuận An hiện nay về cửa Tư Hiền; chỉ có các làng được thành lập đợt này là : Thái dương , Hòa Duân, Cự lại, Kế chủng (Kế sung), Nghi giang, Diêm Trường, Phụng chánh. Đã được các Bộ sử lớn như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Hồng Đức bản đồ của nhà Hậu Lê ghi chép lại khá cụ thể. 
       Về tên gọi thì cuối triều nhà Trần vùng đất là tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay được
gọi là lộ Thuận Hóa, dưới thời nội thuộc nhà Minh gọi là phủ Thuận Hóa.
       Năm 1466, Vua Lê Thánh Tông phân chia địa giới hành chính cả nước Đại Việt thành 12 đạo thừa tuyên và chính thức đặt Thuận Hóa làm thừa tuyên Thuận Hóa gồm: 2 phủ ( Tân Bình , Triệu Phong ), 8 huyện, 4 châu.
      - Phủ Tân bình có 2 huyện Khang Lộc và Lệ Thủy, 2 châu: Minh linh và Bố chính.
      - Phủ Triệu Phong có 6 huyện : Hải Lăng, Vũ xương, Đan điền, Kim trà, Tư vinh, Điện bàn và hai châu là Thuận Bình và Sa Bôi. 
       Ba huyện Đan Điền , Kim Trà và Tư Vinh là toàn bộ tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay.
       Năm 1555, Dương Văn An viết tác phẩm Ô Châu Cận Lục đây là cuốn địa phương chí quan trọng đầu tiên viết về vùng đất Thuận Hóa của nước Việt chúng ta ở thế kỷ XVI. Đây là một tác phẩm khoa học có giá trị văn học lớn. Nhưng xét về mặt địa phương chí và lịch sử vùng Thuận Hóa thì Ô Châu Cận Lục mới chính là cuốn sách có giá trị cực kỳ lớn lao với mọi tầng lớp cư dân xứ Thuận Hóa từ xưa đến nay. Châu ô cận lục là một cuốn sách Địa chí viết về một dải đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam vào nửa đầu thế kỷ XVI dưới thời Lê – Mạc.
      Nhiều học giả nổi tiếng sau này như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú khi soạn các bộ sách có giá trị lịch sử cao vẫn cũng lấy cuốn Ô Châu Cận Lục làm tài liệu quan trọng.  Công trình địa phương chí này gồm sáu quyển; nhưng quan trọng nhất là quyển ba có tên là : Bản đồ - đã liệt kê danh mục các phủ huyện, châu, xã, làng xứ Thuận hóa, và bàn về phong hóa xứ Thuận Hóa. Đây là quyển quan trọng nhất.
      Nhưng trong quyển sách quan trọng này cũng không có tên làng Kế Võ (hay Kế Đăng) và toàn bộ các làng (thôn) của xã Vinh Xuân hiện nay. Trong khi đó một số làng lân cận với xã Vinh Xuân hiện nay, đã có tên lần đầu tiên trong cuốn sách quan trọng này như : làng Quảng Xuyên, làng Viễn Trình, làng Lương Viện, làng Đồng Di, làng Tây hồ, làng Hòa Đa (đông – tây), Lê xá. Các ngôi làng lớn và có nhiều ảnh hưởng lớn về văn hóa - xã hội hiện nay ở vùng này như làng Hà Thanh, làng An Bằng, làng Mỹ Lợi cũng chưa thấy xuất hiện trong cuốn sách quan trọng này.
       Sau mốc thời gian này rất hiếm là có thể có một làng, xã nào của cư dân các tỉnh phía Bắc đèo Ngang có thể được định hình và định danh trên vùng Thuận Hóa. Vì chỉ một thời gian ngắn sau đó (năm 1627), cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn bắt đầu và đất nước bị chia cắt lấy sông Gianh làm giới tuyến gần 200 năm, không thể có các cuộc di dân nữa  ?
       Như trình bày trên đây, cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn bắt nguồn từ một nhân vật lịch sử là Nguyễn Hoàng. Ông là con của Nguyễn Kim, một bậc khai quốc công thần của Triều Lê Trung Hưng , nhưng sau khi Nguyễn Kim mất (năm 1545); quyền lực rơi vào tay người anh rễ là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm lại muốn thâu tóm quyền lực về một tay mình đã loại bỏ dần các con của Nguyễn Kim; nhằm tránh một cái chết được dự báo trước như người anh ruột Nguyễn Uông; Nguyễn Hoàng đã tìm cách xin vua Lê vào trấn thủ phương Nam .
      Nhưng như sử chép, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam tới ba lần, lần đầu và lần cuối cách nhau 42 năm. Theo đó, lần đầu năm 1558 Chúa Tiên vào Nam là đi lánh nạn tránh sự truy sát của Trịnh Kiểm, lần thứ hai năm 1570 sau khi ra thăm quê và bái yết Vua Lê; lần thứ ba là năm 1600 – sau khi ra mừng Chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc khôi phục Thăng Long, bị Vua Lê giữ lại tới 7 năm để đi dẹp loạn cát cứ - là một cuộc chạy trốn thực sự của Chúa Tiên nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Trịnh Tùng, lúc này ông đã 76 tuổi. Nguyễn Hoàng ở Ngôi Chúa thêm 13 năm và mất năm 1613, thọ 89 tuổi.
       Sau khi Nguyễn Hoàng mất (năm 1613), chỉ 14 năm sau (năm 1627) là đã bắt đầu cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài hơn 50 năm, chiến trường chính là vùng Thuận Hóa (Quảng Bình – Quảng Trị ). Tới năm 1672, Trịnh – Nguyễn chấm dứt chiến tranh, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Vùng Thuận Hóa tạm yên ổn được hơn 100 năm, cho tới năm 1775 lợi dụng sự suy yếu của Chúa Nguyễn, quân Trịnh một lần nữa tấn công Thuận Hóa chiếm thành Phú Xuân, Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Gia Định. Quân Trịnh chiếm đóng Thuận Hóa 12 năm cho tới khi Nguyễn Huệ chiếm lại Thuận Hóa từ quân Trịnh (năm 1786) và cũng chỉ 16 năm sau, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại Thuận Hóa từ tay nhà Tây Sơn (năm 1802) .
      Kể từ khi vào Nam trấn thủ vùng đất này (năm 1558), Nguyễn Hoàng đã cùng con cháu các đời Chúa Nguyễn xây dựng Thuận Hóa và vùng đất phía Nam thành một vương quốc Nguyễn riêng ở xứ Đàng Trong; độc lập và tách biệt hoàn toàn với xứ Đàng Ngoài của vua Lê – Chúa Trịnh.
      Năm 1571 nhằm ổn định lại hành chánh ông đã đổi tên một số huyện, riêng huyện Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh được đổi thành Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vinh (sau đọc thành Phú Vang). 
       Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã cắt huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII- XVIII) là vùng đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân.
      Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ( được viết năm 1776, lúc ông đang giữ chức Hiệp trấn Tham tán Quân cơ - trong sáu tháng tại Thuận Hóa ; Thuận hóa lúc này đang bị Chúa Trịnh chiếm trong 12 năm, 1775 – 1786), xứ Thuận Hóa năm 1776, gồm: 2 phủ là  Triệu Phong và Quảng Bình, được phân thành 8 huyện và 1 châu. 
    Phủ Triệu Phong
   Gồm 5 huyện :
1/ Huyện Hương Trà(nay thuộc Thừa thiên – Huế), gồm 9 tổng:
- An Ninh (gồm 5 xã 1 thôn : các xã An Ninh Thượng, An Ninh Hạ, La Chử, Long Hồ Trúc Lâm và thôn Phúc long).
- Phú Xuân (gồm 3 xã 1 giáp: các xã Phú Xuân, Thế Lại Thượng, Thế Lại Hạ và giáp Vạn Xuân).
- Vĩnh Xương (gồm 7 xã, 3 thôn : các xã Vĩnh Xương, Hương Chiền, Vân Lô, Siêu Loại, Kế Môn, Trung Toàn, Đại Lộc, các thôn Chính Lộc, Đường Long, Hòa Viện),
-
Phù Trạch (gồm 8 xã 2 thôn: các xã Phù Trạch, An Nông, Vĩnh An, Trạch Phố, Phúc Giang, Lương Mai, Ưu Điềm (tức Ưu Điềm), Đạm Xuyên, các thôn Từ Chính An Thị, Khách Hộ Phú Xuân).
- An Hòa (gồm 11 xã: An Hòa, An Khang, Diễn Phái, Xuân Dương, An Mỹ, An Quán, Quy Tôn, Thuận Hòa, Hải Trình, Phúc Trường, An Hoa Hạ.),
- Vĩ Dạ (hay Vĩ Dã, gồm 10 xã: Vỹ Dạ Thượng, Vi Dã Hạ, An Cự, Dương Xuân, An Truyền, Trào Thủy, Mai Xuân, Thiên Lộc, Thạch Lại, Vân Quật (tức Vân Khốt).), 
- Kim Long (gồm 17 xã, 11 phường, 1 sách, 1 châu , 1 ấp): Các xã Kim Long, Doanh Phố, Dương Phẩm, Xuân Ổ, Huy Du, Xuân Hòa, Trung Lãng, Bồn Chử, Hải Cát, Kim Ngọc, Định Môn, Cứ Hóa, Dương Lăng, Trung Xá, Thọ Khang, La Chử, Vĩ Dã Thượng,các phường : An Ninh, Thạch Hãn , Kim Long , Nam Phố, La Khê, An Bằng, Dương Phẩm, Tứ Chính, Tửu Phường, châu Nham Biều.),
- An Vân (gồm 9 xã: An Vân, Đốc Sơ, Thủy Tú, Khuê Chử, Liễu Cốc Thượng, Liễu Cốc Hạ, An Đô, Doanh Đàm, Phụ Ổ.),
- Kế Thực (hay Kế Mỹ) gồm 12 xã, 1 thôn , 9 phường: các xã Kế Thực, Bình Trị, Thái Dương Thượng, Thái Dương Hạ, Hòa Duân, Quảng Xuyên, Lương Viện, An Dương, Kế Đăng ( Kế võ), Cự Lại, Ba Lăng, Viên Trình ; thôn Hoa Lộc ; các phường : Hà Thanh, Mai Lộc, Đường Dã, Tân Xa, Hoa Dương, Hà Hồng, Hoa Diên, Khánh Mỹ, Diêm Tụ.
      Như vậy tên các làng thuộc xã Vinh Xuân hiện nay như Kế đăng (Kế võ), Tân Xa, Khánh Mỹ… được ghi chép lần đầu tiên trong chính sử là vào năm 1776 trong Sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn.  
      Huyện Hương Trà trước có tên là Kim Trà. Phủ chúa Nguyễn, thời Nguyễn Phúc Lan được dời từ Ái Tử về xã Kim Long tổng Kim Long huyện Hương Trà. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời đến xã Phú Xuân, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà.
 2/ Huyện Phú Vang (nay thuộc Thừa Thiên-Huế), gồm 6 tổng: Mậu Tài, Dương Nỗ, Đường Pha, Dã Lê, Sư lỗ, Diêm Trường.
 3/ Huyện Quảng Điền (nay thuộc Thừa Thiên-Huế), gồm 8 tổng: Hoa Lang, Phù Lê, Yên
Thành, Hạ Lang, Đông Lâm, Phúc An, Phú Ninh, Phú Ốc.
 4/ Huyện Hải Lăng (nay thuộc Quảng Trị), gồm 5 tổng: Hoa La, An Thư, An Dã, Câu Hoan, An Khang.
 5/ Huyện Đăng Xương (nay thuộc Quảng Trị), gồm 5 tổng: An Phúc, An Lưu, An Cư, An Đôn.
        Phủ Quảng Bình
   Gồm 3 huyện và 1 châu (đây là phần không có liên quan nên không phải liệt kê).
       Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, vào đầu thời nhà Nguyễn, Thuận Hóa vẫn gồm 2 phủ Triệu Phong và Quảng Bình, nhưng có mở rộng địa giới hành chánh về phía Tây hơn so với thời chúa Nguyễn .
      1/ Phủ Triệu Phong, gồm 5 huyện nhưng có thêm 2 châu: các huyện Quảng Điền (Đan Điền), Hương Trà (Kim Trà), Phú Vang (Phú Vinh), Hải Lăng, Đăng Xương (Vũ Xương); 2 châu Thuận Bình và Sa Bôi .
      2/  Phủ Quảng Bình gồm 2 huyện và 2 châu: huyện Khang Lộc, huyện Lệ Thủy, châu Minh Linh (Vĩnh Linh), châu Bố Chính (Nam Bố Chính – hay Bố chính Nội tức Bố Trạch ngày nay), Bắc Bố Chính (Bố Chính Ngoại tức Quảng Trạch ngày nay), mở rộng hơn ra bắc sông Gianh so với thời chúa Nguyễn.
       Ngày 03 tháng 5 năm Tân Dậu (15/06/1801) Nguyễn Ánh chiếm lại Phú Xuân , tới tháng 8 ông lấy 3 huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vinh đặt làm dinh Quảng Đức. Tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (đầu năm 1823), đổi dinh Quãng Đức làm phủ Thừa Thiên. Tháng chạp năm Giáp Ngọ ( Minh Mệnh thứ 15 - đầu năm 1835), đặt thêm 3 huyện ở Thừa Thiên là : Phong Điền, Hương Thũy, Phú Lộc ( chia tách ra từ 3 huyện cũ là Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vinh) ; phủ Thừa Thiên lúc này có 6 huyện.

      Về các lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chánh có liên quan tới làng Kế Võ :
      Thời kỳ trước khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam (trước năm 1558) – khu vực là làng Kế Võ ngày nay (lúc này đang là một xóm của làng Kế Sung và chưa có người cư trú); thuộc tổng Diêm Trường, huyện Hương Trà.
      Hương Trà có tên cũ là Kim Trà (thời Lê), trước nữa gồm các huyện Bồ Đài, Bồ Lãng và Sạ Hợp (Lệnh) thời Trần. Năm 1570 Nguyễn Hoàng đổi tên là Hương Trà vì kỵ huý Nguyễn Kim, huyện Hương Trà lúc này gồm 9 tổng là An Ninh, Phú Xuân, Vĩnh Xương,
Phù Trạch, An Hòa, Vỹ Dã, Kim Long, An Vân, Kế Thực (hay Kế Mỹ)
      Nhưng sau khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi Vương (1744) đã sắp xếp lại địa giới hành chánh một số vùng, tách các làng xã ven biển từ làng Hà Thanh lên tới làng Thái Dương ở cửa Thuận An nhập vào tổng Kế Mỹ huyện Hương Trà (trong đó có làng Kế võ - làng Kế Võ lúc này đã hình thành gần 100 năm ).
      Nhưng tới năm Minh Mệnh thứ 15 (đầu năm 1835), sau khi đặt thêm 3 huyện mới ở Thừa Thiên là : Phong Điền, Hương Thũy, Phú Lộc. Ông Vua này đã chuyển một số tổng, xã của huyện Hương Trà vào các huyện Phú LộcPhú Vang và Phong Điền. Tổng Kế Mỹ bị thay đổi địa giới hành chánh, tách khỏi huyện Hương Trà và nhập vào huyện Phú Vinh kể từ thời gian này.
     Phần địa giới huyện Hương Trà còn lại được chia thành 6 tổng mới là : Phú Xuân, An Ninh, Phú Ốc, Long Hồ, Hương Cần, Vĩnh Trị.
     Ngày 17/05/1958, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra Nghị định số 214 – HC/PC/NĐ ấn định các đơn vị Hành chánh của tỉnh Thừa Thiên gồm 9 Quận : Phong Điền, Quảng điền, Hương Trà, Hương Thũy, Phú Vang, Phú Lộc, Vinh Lộc, Hương Điền, Nam Hòa, và 3 tổng Nguồn Bửu, Nguồn Rả, Nguồn Bồ.
     Làng Kế Võ lúc này thuộc tổng Kế Mỹ, Quận Vinh Lộc.
      Năm 1962 - nhằm sắp xếp lại các cấp hành chánh - chính quyền Việt Nam Cộng Hòa loại bỏ cấp Tổng ; gom nhiều thôn, xã, phường cũ có diện tích nhỏ và dân số ít lại thành một xã mới (các xã, phường lớn vẫn duy trì). Xã Vinh Xuân được thành lập gồm các phường Khánh Mỹ, phường Tân Xa, xã Kế Võ và các thôn Mai Vĩnh, Xuân Thiên Thượng, Xuân Thiên Hạ. Các xã, phường cũ này được gọi theo đơn vị hành chánh mới là thôn (hoặc ấp).
       Như vậy tên gọi xã Kế Đăng (năm 1886 gọi là Kế Võ), thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vinh (Phú Vang), phủ Thừa Thiên dưới thời Nhà Nguyễn (năm 1823 – năm Minh Mệnh thứ 4) đã được đổi tên thành thôn Kế Võ, thuộc xã Vinh Xuân, quận Vinh Lộc –dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (năm 1962).
      Sau năm 1975, chính quyền mới cũng có một số điều chỉnh địa giới hành chánh một số địa phương trong tỉnh có liên quan đến xã Vinh Xuân, cụ thể như sau:      
      Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 245 quyết định hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Do quy mô tỉnh mới quá rộng và có quá nhiều huyện trong tỉnh Bình Trị Thiên mới, nên :
    Ngày 11/3/1977 Chính phủ đã ra Quyết định số 62/CP về vấn đề điều chỉnh địa giới các huyện, xã thuộc khu vực Thừa Thiên – Huế
    + Nhập huyện Phú Lộc, Nam Đông và các xã Vinh Xuân, Vinh Thanh (thuộc huyện Phú Vang) thành một huyện lấy tên Phú Lộc.
    + Nhập huyện Hương Thũy, Phú Vang thành huyện Hương Phú.
    + Nhập huyện Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền thành huyện Hương Điền.
       Sau khi điều chỉnh, khu vực Thừa Thiên Huế có thành phố Huế, huyện Hương Điền, huyện Hương Phú, huyện Phú Lộc và huyện A Lưới.
      Nhưng một thời gian sau, với nhiều lý do khác nhau - ngày 14/4/1989, Bộ Chính trị có quyết định số 87/QĐ/TW chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
      Ngày 30/6/1989, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ V đã thông qua nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính của tỉnh Bình Trị Thiên.
      Từ ngày 1/7/1989, bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu hoạt động trong đơn vị hành chính mới. Có 05 đơn vị hành chính, bao gồm thành phố Huế (18 phường, 22 xã), huyện Hương Phú (1 thị trấn, 24 xã), huyện Hương Điền (1 thị trấn, 31 xã), huyện Phú Lộc (1 thị trấn, 26 xã) và huyện A Lưới (21 xã).
     
Ngày 29/9/1990 Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 345/HĐBT về việc điều chỉnh lại các địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:
      + Chuyển 08 xã thuộc thành phố Huế nhập vào huyện Hương Phú (gồm các xã Thủy Bằng, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Mậu, Thuận An, Phú Thanh, Phú Dương, Phú Tân) và chuyển 09 xã thuộc thành phố Huế nhập vào huyện Hương Điền (gồm các xã Bình Thành, Bình Điền, Hương Điền, Hương Hồ, Hương An, Hương Vinh, Hương Thọ, Hương Phong và Hải Dương). Thành phố Huế còn lại 18 phường và 05 xã.
      + Chia huyện Phú Lộc thành 2 huyện Phú Lộc (01 thị trấn, 17 xã) và huyện Nam Đông (9 xã).
      + Chia huyện Hương Phú thành 2 huyện: Hương Thủy (1 thị trấn, 11 xã) và huyện Phú Vang (21 xã).
      + Chia huyện Hương Điền thành 3 huyện: Hương Trà (1 thị trấn, 15 xã), Phong Điền (15 xã) và huyện Quảng Điền (10 xã).
      Dịp này các xã Vinh Thanh và Vinh Xuân được trả về lại huyện Phú Vang và ổn định từ đó đến nay. Hiện nay làng Kế Võ được gọi là thôn Kế Võ, thuộc xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
  
    4/ Dân cư, kinh tế & văn hóa – xã hội :
     Làng được chia thành 3 xóm gọi là xóm Trong, xóm Giữa và xóm Ngoài, có phân biệt địa giới rõ ràng. Trước đây cư dân của làng đông đúc ( trước năm 1955), nhưng sau đó do chiến tranh, nên cư dân của làng phải tứ tán phiêu bạc khắp nơi để tìm đất sống, nên hiện nay dân số chỉ còn khoảng dưới 200 người sống ở làng, nhưng phần nhiều là người già. Nguồn thu nhập chủ yếu hiện nay của số cư dân đang sống tại làng là trồng lúa và các loại cây hoa màu trái vụ. Tuy là làng ven biển nhưng dân làng không có ai làm nghề biển, trước đây làng nổi tiếng về nghề mộc, đây là một nghề truyền thống của làng từ xa xưa.
     Cư dân của làng đi lập nghiệp các nơi cũng chủ yếu là làm nghề mộc, làng cũng có rất nhiều người làm nghề giáo (từ tiểu học đến đại học) và nghề y; hầu như gia đình nào cũng có người làm nghề dạy học. Ngoài ra cũng có một số là chức sắc, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, ca nhạc sĩ; đa số họ đều thành đạt và thường xuyên về làng trong các dịp lễ hội của làng và lễ chạp của các tộc Họ.
     Làng Kế Võ là một ngôi làng quê tiêu biểu của xứ Huế, nó cũng bình thường như bao ngôi làng khác của đất Thần Kinh. Nó cũng có những phong tục tập quán, những cơ sở vật chất và con người điển hình của xứ Huế.  Đầu làng có đình làng, có cây đa trong sân đình; có chùa làng, cả 3 xóm của làng đều có Am xóm làm nơi thờ tự riêng của mỗi xóm.  
      Làng có 11 dòng Họ là : Họ Hoàng, Đinh, Nguyễn Viết, Trần, Nguyễn Đình, Nguyễn Duy, Phạm, Nguyễn Đăng, Nguyễn Hữu, Ngô, Hồ.
      Mỗi dòng Họ đều có ngôi Từ Đường riêng rất lớn, được xây dựng từ xa xưa, luôn luôn được trùng tu và chăm sóc chu đáo; là nơi thờ tự, tiến hành các lễ lớn và sinh hoạt của các dòng Họ. Với 3 họ lập Làng là Họ Hoàng, Họ Đinh và Họ Nguyễn Viết, được gọi là Tam Tôn vì có Sắc Phong Thần Hoàng Khai Canh lập làng của triều Nguyễn, các họ còn lại gọi là Lục tánh (bá tánh), được phân biệt đẳng cấp và thế thứ rõ ràng. Các danh xưng này có từ thời Quân chủ, nhưng ngày nay sự phân biệt này không còn, các dòng Họ đều bình đẳng khi lo việc làng.
      Nếu so sánh với các ngôi làng lân cận, làng Kế Võ tương đối nhỏ cả về diện tích và quy mô dân số, nhưng nhiều thế hệ người dân của làng đã sống với nhau từ hơn 300 năm nay, nên mọi gia đình trong làng đều có quan hệ dây mơ rễ má với nhau. Có nghĩa là bất cứ một người dân nào của làng chỉ cần bước chân ra đường làng là gặp bà con. Cho nên người dân ở đây sống rất hiền hòa, tối lửa tắt đèn luôn có nhau; mặc cho các biến động của thế cuộc, ngôi làng quê này vẫn bình yên nép mình bên bờ đầm Hà Trung và nhìn ra biển Đông đầy biến động.
      Những phong tục tập quán, nghi thức trong tế tự, những truyền thống tốt đẹp của làng Kế Võ luôn được dân làng gìn giữ và duy trì. Các ngôi đình, chùa, miếu, am và các ngôi Từ đường của các dòng Họ luôn được gìn giữ và chăm sóc chu đáo. Hàng năm các cuộc Tế của làng, lễ giỗ của các Họ - nhất là Lễ Chạp của làng và của các tộc Họ vào trung tuần tháng 8 âm lịch được tổ chức rất lớn. Con dân của làng, con cháu của các tộc Họ dù tha phương cầu thực ở bất cứ phương trời nào, vào dịp này đều về tham dự đông đủ. Đây là những ngày hội thật sự của làng, là một cuộc hội ngộ lớn của dân làng.
      Mong rằng quê hương tôi giữ mãi sự thanh bình vốn có, giữ được truyền thống văn hóa văn hiến từ xưa truyền lại. Với những người đang tha phương nơi xứ người như chúng tôi thì làng quê là “chốn đi về”.
                                   
                            Với tôi : “ Muôn địa phương cũng chỉ là Ga tạm
                                               Một Huế thôi nhớ mãi lại quay về”

                                                                                      
* Xin gửi tặng các bạn đọc một số bài thơ rất hay viết về quê hương, của các “Thi nhân” là người dân làng Kế Võ :                                        

Quê tôi

Kế võ quê nghèo đất cát pha
Trâm anh đồng vọng lắng dư ba
Dấu mờ trước mắt cồn nghiêng bút
Tiềm ẩn sau lưng vũng bạch sa
Mấy tốp kẻ chài, chiều vá lưới
Khoang ghe, bếp ấm, đợi chi nhà
Thùy dương rợp bóng mùa trăng đậu
Đủng đỉnh đường xưa vỗ túi ca.

                                                             Kế võ, 04/04/1985
                                                              Nguyệt Đình

Hương quê

Ngược dòng kỷ niệm thắm hương quê
Lấp lánh sao khuya biển vỗ về
Trúc biếc lá vờn mây huyền ảo
Vườn thơm hương tỏa gió đê mê
Đất trời hoan hỷ lời tâm sự
Thôn xóm an bình chuyện tỉ tê
Lưu luyến cảnh xưa lòng chất ngất
Ngọt ngào đêm lặng ấm tình quê.

                                                Miên Như
                                                  Mùa Đông, 1987


Li v Kế
                                    - một bạn thơ
Lối về cát trắng gió lao xao
Kế võ quê anh quá ngọt ngào
Biển mặn đồng xanh mùa lúa mới
Dưa hồng cho thắm nghĩa mai sau
-- <> --
Đồi cát liễu ru nắng chói chang
Rừng cây chim hót với mây ngàn
Bâng khuâng tháp mộ hoài thiên cổ
Vương vấn lời thơ mãi dở dang.
                                                       
                                                Kế Võ, 1992
                                         Hoàng Lc
                                                       
 Kế võ, ngày 24/06/2013
 Đinh Khắc Thiện                                                                                                            

* CHÚ THÍCH:

. Bài viết này dựa trên những tư liệu của chính sử, địa chí tỉnh TT – H, các thư tịch cổ, các bản gia phả của các làng, các dòng họ có liên quan và tư liệu điền dã riêng của tác giả.

(1). Để quý vị tiện theo dõi bài viết, tác giả bài viết này xin lưu ý với quý bạn đọc một số vấn đề về các danh xưng: phủ, huyện, tổng, làng - xã, thôn, ấp của thời kỳ này . Nếu theo như cách gọi của thời kỳ này (thế kỷ XV), nếu tính từ dưới lên thì thấp nhất là ấp (hoặc thôn), rồi tới làng (xã), tới tổng, huyện và phủ (tỉnh hiện nay). Theo đó, đơn vị hành chánh cấp thôn (ấp) là cấp thấp nhất. Cấp làng và xã là hai đơn vị hành chánh ngang nhau, một làng (hoặc xã) có thể chỉ một thôn (ấp), nhưng làng lớn có thể có nhiều thôn (ấp). Tiếp đó là cấp tổng, một tổng gồm nhiều làng - xã ; đây là cấp hành chánh như cấp xã, phường hiện nay (tới năm 1962 chính quyền VNCH mới loại bỏ cấp tồng). Cấp huyện – một huyện gồm nhiều tổng (chứ không phải là nhiều xã như hiện nay) và cuối cùng là cấp phủ - tương đương như cấp tỉnh (thành) hiện nay.
Theo đó dưới thời Hậu Lê, năm 1466, Vua Lê Thánh Tông phân chia địa giới hành chính cả nước Đại Việt thành 12 đạo thừa tuyên và chính thức đặt Thuận Hóa làm thừa tuyên Thuận Hóa gồm 2 phủ (Tân Bình, Triệu Phong), 8 huyện, 4 châu . 
     
- Phủ Tân bình có 2 huyện Khang Lộc và Lệ Thủy, 2 châu: Minh linh và Bố chính.
     
- Phủ Triệu Phong có 6 huyện : Hải Lăng, Vũ xương, Đan điền, Kim trà, Tư vinh, Điện bàn và hai châu là Thuận Bình và Sa Bôi. 
   Ba huyện Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh là toàn bộ tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay.
(2). Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu tại sao trong tác phẩm
 Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ( được viết năm 1776, lúc ông đang giữ chức Hiệp trấn Tham tán Quân cơ - trong sáu tháng tại Thuận Hóa ; Thuận Hóa lúc này đang bị Chúa Trịnh chiếm trong 12 năm ,1775 – 1786) , Làng Kế Võ (lúc này gọi là Kế Đăng) thuộc tổng Kế Thực (hay Kế Mỹ); huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa – được gọi là xã Kế Đăng. Theo quy định lúc này làng và xã là hai cấp hành chánh ngang nhau, không biết khoảng thời gian nào ấp Kế Đăng đã được nâng cấp lên thành làng (xã) ? Và tổng Kế Mỹ lúc này gồm 12 xã, 1 thôn , 9 phường – hoàn toàn không có đơn vị hành chánh làng ?
- Nhưng có một điều lạ là cho mãi tới năm Duy Tân thứ 9 - Ất Mão (1915), trong bản Sắc phong Thần hoàng Bổn thổ Khai canh cho vị Khai canh người Họ Đinh thì bản sắc phong này vẫn gọi là ấp Kế Võ – danh xưng “ ấp” vẫn được dùng ?
(3) "Khu" không phải là tên riêng mà là tước vị, phiên âm từ chữ "Kurung" (như các vua Hùng của người Việt cổ – hay chữ "Varman" của người Chăm từ tiếng Phạn, có nghĩa là tộc trưởng, thủ lĩnh hay vua).
(4). Bộ lạc Dừa (Narikela vam'sa) cư trú ở vùng Quảng Nam, Bình Định và bộ lạc Cau (Kramuka vam'sa) ở vùng Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Sau khi giành được độc lập, hai bộ lạc đã thống nhất thành Vương quốc Cham-pa.
(5). Huyện Tượng Lâm trong tiếng Hán gọi là Tượng Lâm Ấp, sau bỏ chữ Tượng và chỉ gọi là Lâm Ấp. Có giả thuyết cho rằng Lâm Ấp (đọc là Lin-yi) là phiên âm tiếng Hán của từ Li-u (nghĩa là "dừa") trong tiếng Chăm cổ, vì vậy tên gọi Lâm Ấp có thể lấy theo tên của bộ tộc Dừa đã lập nước.
(6). Theo các tư liệu điền dã của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu và khoa Sử trường Đại Học Sư phạm Huế thì bản Gia Phả được ghi chép cổ nhất hiện đang được lưu giữ tại Thừa Thiên – Huế là Lê tộc thế phả của Họ Lê ở làng La Khê, huyện Hương Trà, lập năm Cảnh Hưng thứ hai ( 1741 ) - có nội dung rất sơ sài đơn giản. Tại thôn 5 làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc có bản Phan thị gia phả lập năm Gia Long thứ 2 ( 1803 ). Đây là 02 bản Gia Phả cổ nhất còn lưu giữ được tìm thấy tại tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay .

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

1. “ Dư Địa Chí ” của Nguyễn Trãi
2. Sách “Châu Ô Cận Lục” của Dương Văn An soạn năm 1555 (đời nhà Mạc).
3. Phủ Biên Tạp Lục – của Lê Quý Đôn
4. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí – của Phan Huy Chú
5. Quốc sử quán Triều Nguyễn :
-  Khâm định Việt sử thông giám cương mục (nhiều quyển);
-  Đại Nam thực lục (nhiều quyển);
-  Đại Nam liệt truyện (nhiều quyển).
6. “Đại Nam Nhất Thống Chí” bộ dịch của Tụ Trai Nguyễn Tạo, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn ấn hành năm 1961.
7. Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn ấn hành năm 1962.
8. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, của Ngô Sỹ Liên, bản dịch của Viện Sử Học, xuất bản năm 1971- 1973 (nhiều quyển).
9. Việt sử thông giám cương mục.
10. Đại Việt địa dư toàn biên.
11. Đại Việt sử lược, khuyết danh, gồm 03 quyển
12. Đại cương Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục.
13. Việt Nam Sử Lược, của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1999.
14. Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1971.
15. Các Triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, 2010.
16. Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, của Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin , năm 2010.
17. Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quỳnh Thắng – Nguyễn Bá Thế.
18. Việt Sử Xứ Đàng Trong, của Phan Khoa do nhà xuất bản Khai Trí ấn hành năm 1970.
19. Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử (Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005).
20. Nguyễn Phúc Tộc thế phả, NXB Thuận Hóa – Huế.
21. “Chín đời Chúa, mười ba đời vua Nguyễn” của Nguyễn Đắc Xuân, do nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế xuất bản năm 1998.
22. Tỉnh Thừa Thiên Huế - Địa phương Chí, Huế, 1973.
23. Lịch sử 100 ngôi chùa nổi tiếng ở xứ Huế của Nguyễn Đắc Xuân – Xuất bản năm 1998.
24. Gia phả của các dòng Họ nổi tiếng của xứ Huế - nhà xuất bản Thuận Hóa – Nhà xuất bản trẻ năm 1999
25. Sử ký Tư mã thiên, Phan Ngọc dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 1999.
26. Lịch sử Phật Việt Nam , của GS. Lê Mạnh Thát, Tập I,II,III NXB Thuận Hóa, 1999-2001.
27. Tập 1 – Văn hóa Huế xưa - Đời sống văn hóa gia tộc – Lê Nguyễn Lưu – Nhà xuất bản Thuận Hóa 2006.
28. Việt Nam Văn hóa Sử cương của Đào Duy Anh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1992.
29. Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1+2+3 của Nguyễn Khắc Thuần, nhà xuất bản giáo dục, 1997.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...