THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG - SỰ THẬT LỊCH SỬ HAY CHỈ LÀ TRUYỀN THUYẾT !

Câu chuyện đưa 50 con lên núi - đưa 50 con xuống biển .

Chuyện xưa kể rằng người Việt ta vốn có nguồn gốc từ tộc người Bách Việt vốn đã định cư lâu đời ở lưu vực sông Hoàng Hà (nước Trung Hoa ngày nay). Sau thời kỳ băng hà (30.000 năm TCN), họ đã biến cải nơi đây thành vùng nông nghiệp lúa nước khá trù phú, người Bách Việt đã xây dựng nền văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Nhưng vào khoảng 2.600 năm TCN, gặp phải sự cạnh tranh không gian sinh tồn khá quyết liệt của các bộ tộc du mục thiện chiến ở phía Bắc tràn xuống xâm lấn – chủ yếu là người Mông Cổ.

Một bộ phận người Bách Việt phải di tản khỏi lưu vực Hoàng Hà, thiên di dần xuống khu vực Đông Nam Á để tìm vùng đất định cư mới. Sau khi vượt sông Trường Giang tiến xuống phía Nam, một bộ phận của người Bách Việt đã phát hiện ra một vùng đất rộng và phì nhiêu ở lưu vực sông Nhị Hà; có thưa thớt một vài nhóm cư dân của các tộc người Australoid tại chỗ, họ đã ở lại định cư. Quá trình này diễn ra trong vòng 1500 năm TCN.

Như vậy chủng người Mongoloid được cho là định cư chủ yếu ở phía Bắc lục địa châu Á, do có sự cạnh tranh của các bộ tộc du mục đã thiên di về vùng Đông Nam Á. Dòng người di dân đó đã hòa huyết với người Australoid tại chỗ, làm chuyển hóa di truyền đại bộ phận dân cư Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam, trong đó có tộc người Lạc Việt. Tại khu vực Đông Nam Á các tộc người Bách Việt đã hình thành nên một số vùng lãnh thổ riêng; một số trung tâm văn hóa, văn minh trong khu vực được hình thành với cư dân đông đúc, nông nghiệp lúa nước và đồ đá đồ đồng phát triển. Do nghề nông phát triển, lương thực dồi dào, xã hội có sự phân công ra nhiều ngành nghề khác nhau: nông, công, thương. Sau đó tầng lớp sĩ ra đời và ngày càng có vai trò lớn hơn trong xã hội. Đặc điểm cơ bản của thời kỳ này là con người sống thân ái với nhau và hài hòa với thiên nhiên. Đã tạo nên những nền móng đầu tiên của nền văn minh và văn hóa Việt.

Phần lớn người Bách Việt không thể di tản khỏi lưu vực sông Hoàng Hà, họ phải ở lại sống chung với quân xâm lăng tại lưu vực Hoàng Hà. Tại đây họ hòa huyết với người Mongoloid du mục phương Bắc tạo ra một thế hệ mới của chủng Mongoloid. Đó là người Hoa Hạ, tổ tiên của người Hán. Người Hán sau đó gặp nhiều cơ hội thuận lợi đã tiến hóa và phát triển nhanh hơn các chủng tộc khác trong vùng; họ đã xây dựng nên các nhà nước – các đế quốc hùng mạnh nhất trong thời cổ đại. 

Các nhà nước Hán tộc cổ đại này đã tiến hành nhiều cuộc chiến đẫm máu kéo dài trong nhiều thế kỷ, nhằm xâm lăng các vương quốc sống xung quanh họ, để tiêu diệt và thống trị các dân tộc khác. Các vương quốc của các tộc người Lạc Việt định cư trên lưu vực các con sông Nhị Hà, sông Mã, sông Cả cũng không thể thoát khỏi các cuộc tấn công xâm lược tàn bạo đó. Sau khi kháng chiến thành công cuộc xâm lược đầu tiên của quân Tần dưới thời Âu Lạc năm 218 - TCN, nhưng sau đó với nhiều cuộc tấn công liên tiếp với quy mô lớn của các đội quân xâm lược nhà nghề của các triều đại phương Bắc, công cuộc kháng chiến của vương quốc nhỏ bé và hiền hòa của người Lạc Việt đã thất bại và bị người phương Bắc đô hộ. Dân tộc Việt đã chìm đắm trong ngàn năm Bắc thuộc.

Nếu căn cứ theo hai bộ chính sử xưa nhất từ trước tới nay hiện còn lưu giữ là Đại Việt Sử ký và  Đại Việt Sử ký toàn thư (1) cho biết thì từ khi nhà nước Văn Lang thành lập năm 2879-TCN, cho tới khi nhà nước Âu Lạc bị Triệu Đà xâm chiếm năm 179-TCN, thì trên đất nước ta đã tồn tại hai nhà nước là nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng và nhà nước Âu Lạc của Thục Phán - An Dương Vương. Với thời gian tồn tại là 2700 năm (2879-179 TCN); theo đó:

+ Văn Lang(chữ Hán: 
文郎) là nhà nước đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử.
Theo bộ sử ký Đại Việt sử ký toàn thư : Đế Minh, thuộc dòng dõi Thần Nông, sinh ra Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương, Lộc Tục lấy con gái Long Vương hồ Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân (theo truyền thuyết Lạc Long Quân là cháu 5 đời của Thần Nông). Kế tiếp Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ (con gái Đế Lai) sinh được 100 người con trai, 50 người theo Lạc Long Quân theo cha về bờ biển Đông, 50 người theo mẹ về núi và suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang - tên nước Văn Lang, cũng là tên bộ tộc mạnh nhất đã thống nhất 15 bộ tộc, đóng đô ở Bạch Hạc - Phú Thọ.

Nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN bởi An Dương Vương Thục Phán. Từ đây hình thành quan niệm dân gian coi nước Văn Lang đời Hùng Vương ra đời cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm và thường được gọi là 4000 năm văn hiến.

Tuy nhiên theo bộ Đại Việt sử lược vào thế kỷ 13 thì chép rằng: Nước Văn Lang chỉ mới được thành lập vào khoảng thế kỷ 7 TCN cùng thời với vua Chu Trang Vương của nhà Chu - Trung Hoa; bởi thủ lĩnh bộ tộc Văn Lang, do thu phục các bộ tộc Việt (15 bộ) khác .

+ Âu Lạc(chữ Hán: 
甌雒/甌駱) là nhà nước được thành lập bởi Thục Phán năm 258 TCN.
Sau khi đánh bại vị vua Hùng cuối cùng (vua Hùng thứ 18) của nước Văn Lang, ông lên ngôi và lấy niên hiệu là An Dương Vương. Nhà nước này đã thống nhất 2 nhóm các bộ tộc Âu Việt- Lạc Việt lại với nhau và đã kháng chiến thành công trướccuộc xâm lược của nhà Tần. Kinh đô của Âu Lạc đặt tại Cổ Loa, ngày nay thuộc huyện Đông Anh - Hà Nội.

Lãnh thổ Âu Lạc gồm lãnh thổ cũ của bộ tộc Âu Việt ở vùng núi phía bắc của Việt Nam ngày nay và một phần phía nam tỉnhQuảng Tây (Trung Quốc). Và lãnh thổ của Văn Lang ở vùng đồng bằng và Trung du Bắc bộ, vùng ven biển Thanh - Nghệ - Tỉnh của Việt Nam ngày nay. Âu Lạc có ranh giới phía bắc là sông Tả Giang (Quảng Tây) đến phía nam là dãy núi Hoành Sơn  Hà Tĩnh hiện nay.

Theo hai bộ sử ký nói trên cho biết , thì nhà nước Âu Lạc kết thúc vào năm 208 TCN sau khi An Dương Vương bị Triệu Đà đánh bại và bị sáp nhập vào nước Nam Việt.

Tuy nhiên theo bộ Sử ký của Tư Mã Thiên (quan nhà Hán)(4), được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN – là bộ quốc sử đầu tiên và quan trọng nhất của Trung Hoa, viết rằng: Năm 218 TCN, hoàng đế nhà Tần - Trung Hoa  Tần Thủy Hoàng sai tướng Đồ Thư mang 50 vạn quân sang xâm lược các bộ tộc Việt ở phương Nam. Người Việt dùng chiến tranh du kích chống lại dẫn tới cuộc chiến kéo dài tới 10 năm; họ cử người tuấn kiệt lên làm lãnh đạo chống lại và giành thắng lợi trước quân Tần - tướng Đồ Thư bị diệt. Như vậy nếu căn cứ vào bộ Sử ký của Tư Mã Thiên(4) thì thời gian hình thành Âu Lạc muộn hơn, chỉ vào khoảng sau năm 218 TCN.
Đồng thời cũng theo bộ Sử ký của Tư Mã Thiên (4), viết rằng Tây Âu Lạc (tức phía Tây nước Âu Lạc) bị Triệu Đà đánh bại ngay sau khi thái hậu nhà Hán là Lữ Hậu chết, Lữ Hậu chết năm 180 TCN, vì thế nếu căn cứ vào sử Trung Hoa thì Âu Lạc sụp đổ năm 179 TCN.

LỜI BÌNH

Cội nguồn hay chỉ là truyền thuyết ?
Theo tôi, nếu gọi là nhà nước Văn Lang thành lập năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 thì có một cái gì đó khá khiên cưỡng. 
Theo đó vào thời kỳ này - cái gọi là nhà nước Văn Lang có lẽ là chưa có, vì xã hội có giai cấp lúc này chưa xuất hiện, chỉ trong một chừng mực nào đó mới xuất hiện sự phân tầng xã hội. Cho nên hiện nay trong giới sử học có rất nhiều quan điểm khác nhau về đặc tính của nhà nước Văn Lang – đa số cho rằng trong thời điểm này không thể có cái gọi là nhà nước Văn Lang. 

Riêng trong nhóm “tứ trụ”, đáng chú ý nhất là quan điểm của GS. Hà Văn Tấn – ông cho rằng nhà nước Văn Lang thật ra chỉ là một cái làng lớn (2)(5). Theo GS. Hà Văn Tấn tính chất "siêu làng" thể hiện ít nhất ở ba khía cạnh: “Thứ nhất, về nội dung, nhà nước mang dáng dấp của một cái làng lớn có tính liên kết mạnh, tính đại diện cao và tính giai cấp yếu. Thứ hai, về phạm vi và tính chất liên kết, quan hệ làng nước mang tính hoà đồng, lưỡng hợp, chưa có sự phân định rạch ròi về chức năng, thẩm quyền giữa làng và nước. Thứ ba, về thời gian, nhà nước Văn Lang dần được hình thành trong một quá trình rất lâu dài. 

Truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết !
 
Theo chính sử, Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, Âu Lạc của An Dương Vương và Nam Việt của Triệu Đà đã có thời gian tồn tại trong lịch sử Việt Nam là từ năm 2897(TCN) – tới năm 111(TCN).

Khi nhà sử học Lê Văn Hưu (1230-1322) đời nhà Trần soạn bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển là Bộ quốc sử đầu tiên của nước Việt Nam và bộ sử hoàn thành năm 1272. Với khoảng cách thời gian đầu của sự kiện cho tới khi bộ sử được viết ra là 4169 năm; khoảng cách khi sự kiện kết thúc cho đến khi bộ sử chép lại sự kiện là 1343 năm.

Nhưng bộ sử này đã bị thất lạc vào thời nội thuộc nhà Minh (1403). Sau khi nhà Hậu Lê thành lập năm 1428, Sử quán triều Hậu Lê gồm các sử quan tiêu biểu: Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy, Nguyễn Quý Đức đã biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư dựa trên cơ sở của bộ Đại Việt sử ký. Bộ sách được phát hành năm 1697.

Có nghĩa là hơn 400 năm sau khi bộ chính sử Đại Việt sử ký của nhà Trần phát hành, bộ quốc sử thứ hai là Đại Việt sử ký toàn thư mới được viết ra. Chúng ta chỉ cần làm một phép cộng đơn giản cũng biết được từ khi những sự kiện nêu trên xảy ra, cho đến khi được các bộ chính sử ghi chép lại là trên dưới 2000 năm.

Thời gian khi sự kiện xảy ra - thì dân tộc ta chưa có nhà nước, dân ta chưa có chữ viết, chưa có sử gia và chưa có Sử quán, thời gian liền kề sau khi sự kiện qua đi - thì ta mất nước, dân ta với thân phận nô lệ, bị cấm học chữ, toàn bộ bị Hán hóa, với hơn thời gian hơn 1000 năm. Đọc đến đây sẽ lộ ra một dấu hỏi cực lớn trong đầu mỗi chúng ta ? Vậy các sử quan thời Trần và thời Hậu Lê căn cứ vào đâu mà viết sử (tôi không dám gọi là chép sử) ?

- Xin thưa rằng tất cả họ đều chỉ căn cứ vào một nguồn tư liệu duy nhất là các bộ sách cổ của Trung Hoa kể cả cổ sử và dã sử ? Hơn nữa điều kiện nghiên cứu, tìm kiếm và khảo sát thực địa vào thời nhà Trần quá khiêm tốn và bị bó hẹp trong một giới hạn quá nhỏ của một sử quán, trong một đất nước chỉ “bé bằng bàn tay”(5).

Trên vùng đất mà các sử gia xưa kia cho rằng các nhà nước cổ đại này từng tồn tại, cho đến nay đã không thể phát hiện được bất cứ một dấu vết gì về cơ sở vật chất của một bộ máy nhà nước cả. Kể cả cho đến gần đây, khi mà ngành khảo cổ học đã hình thành chúng ta cũng không thể phát hiện được bất cứ một dấu tích gì về các nhà nước này. Một đoạn bờ đất hoặc một vài mũi tên đồng rỉ sét mới tìm thấy tại nơi mà truyền thuyết cho rằng đó là nơi từng là thành Cổ Loa, thì đã không chứng minh được điều gì cả ? 


Đến đỗi do quá thất vọng sau nhiều năm đào bới trên mặt đất để tìm dấu tích của các nhà nước này nhưng không tìm thấy gì; một nhà sử học có chức trách và có danh tiếng trong giới nghiên cứu đã đề nghị thử khai quật tìm kiếm dưới nước coi xem xem có gì không. Nhưng cuối cùng có tìm thấy gì không, thì giới sử học đều đã biết!

Toàn bộ cơ sở để các sử gia ngày trước xây dựng lên thời kỳ Văn Lang của các vua Hùng, Âu Lạc của An Dương Vương và Nam Việt của Triệu Đà thành lịch sử Việt Nam, trong các bộ Quốc sử như Đại Việt sử ký của Lê văn Hưu (thời Trần) và Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô sỹ Liên (thời Hậu Lê) hoặc Đại Việt sử lược, rồi Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục... là lấy từ 4 tài liệu của cổ sử Trung Hoa, đó là Giao châu ngoại vức ký (chữ Hán: 
交州外域), Quảng Châu ký (chữ Hán: 廣州記), Nam Việt chí (chữ Hán: 南越志)  Nhật Nam truyện (chữ Hán: 日南傳).
Nhưng tất cả các tác phẩm này chỉ có Quảng Châu ký (Bùi Uyên 
裴淵) và Nam Việt chí (Thẩm Hoài Viễn) là có tên tác giả. Và cũng chỉ là những tác phẩm theo thể ký, nhưng các ký sự này cũng chỉ mới được sáng tác trong khoảng từ thế kỷ thứ V – VII SCN. Tức là khi sự kiện đã xảy ra từ 700 năm tới hơn 1000 năm thì mới có các tác phẩm này ? Vậy đâu là tính chính xác của các tác phẩm gọi là ký sự này ? Hay đây thực chất chỉ là những truyền thuyết, những câu chuyện dân gian mà các tác giả cóp nhặt được trong dân gian để viết nên những cuốn dã sử của mình ?

Trong Luận ngữ, Khổng tử nói: "Ngô thuật nhi bất tác" - tức là " ta chỉ ghi lại mà không sáng tác", và Kinh Thi cũng bắt đầu từ sự sưu tầm ghi chép những câu ca tồn tại từ lâu trong dân gian. Nhưng với những bộ Quốc sử thì đây là những điều không ổn chút nào ?

Nhưng tiếc rằng các sử quan của các triều đại quân chủ, các chính thể của nước ta sau đó và kể cả các sử quan ngày nay, đã tuyệt đối tin tưởng vào các bộ sử lớn này nhất là Đại Việt sử ký của Lê văn Hưu (thời Trần) và Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô sỹ Liên (thời Hậu Lê), để làm cơ sở xây dựng nên các bộ Quốc sử mà chúng ta đang sử dụng và đã được giảng dạy trong nhà trường phổ thông cho nhiều thế hệ người Việt Nam ngày nay.

Để khám phá ra sự thật lịch sử này, gần đây đã có một số công trình nghiên cứu có tính phản biện cao của các nhà khoa học lịch sử, các nhà nghiên cứu nhằm tìm kiếm một sự thật lịch sử về cội nguồn dân tộc Việt. Các công trình này bước đầu đã có một số kết quả nhất định. Trong đó đáng chú ý nhất là công trình nghiên cứu của giáo sư Lê Mạnh Thát, công trình nghiên cứu về tính chính xác, giá trị lịch sử và khoa học của 04 tài liệu cổ sử Trung Hoa này thì đã có một phát hiện, rằng : - “trong 4 tài liệu đó, 3 tài liệu không rõ nguồn gốc và niên đại (chỉ phỏng đoán được đại khái là vào thế kỷ thứ VI, thứ VII), riêng Nam Việt chí thì có nguồn gốc niên đại rõ ràng (thế kỷ thứ V), nhưng tất cả đều mơ hồ, mâu thuẫn và không đáng tin cậy.” (
3).

Các nhà khoa học lịch sử đã so sánh và đối chiếu giữa 04 tư liệu này với nhiều tài liệu của chính sử Trung Hoa, nhất là với hai tài liệu lịch sử chính thống xưa nhất của Trung Quốc là bộ Sử ký của Tư Mã Thiên (4)  Tiền Hán thơ, đã thấy có rất nhiều điều mâu thuẫn rất quan trọng đã bị phát hiện. Phát hiện quan trọng nhất là không hề có nhà nước Âu Lạc của Thục Phán – An Dương Vương, tức nhiên là sẽ không có việc Thục Phán giành ngôi của Vua Hùng. Phát hiện thứ Hai là không hề có chuyện Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc lập nên nước Nam Việt; tức nhiên là sẽ không có câu chuyện Nỏ thần với Trọng Thủy Mỵ Châu. Theo sử Trung Hoa cổ, thì có một vùng đất tự xưng là Nam Việt thật, nhưng nó nằm hẳn bên trong lãnh thổ của nhà Hán. Và Triệu Đà chỉ là một thành phần cát cứ người Hán nổi lên chiếm cứ một vùng đất nhỏ và xưng vương trong lãnh thổ của nhà Hán nhân lúc Hán – Sở tranh hùng, sau đó bị triều đình nhà Hán dẹp tan.

Câu chuyện này đang được các nhà sử học và các nhà nghiên cứu tranh cãi (vâng họ lại tranh cãi) và được rất nhiều người yêu môn sử quan tâm theo dõi, trong đó có tôi. Nhưng trong câu chuyện tranh cãi này, tôi cũng xin được nêu lên ý kiến của một số vị có chức trách trong lĩnh vực văn hóa, như sau:
- Ông Nguyễn Khoa Điềm nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: " Đây là một vấn đề lịch sử cần trao đổi cởi mở, rộng rãi để nhân dân được nghe, được biết. Qua đó, biết đâu chúng ta sẽ có thêm được nhiều nguồn thông tin mới khác nữa từ trong nhân dân" .
- Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, “ … tất cả những cái đó phải được xem xét cụ thể trên nhiều phương diện như độ tin cậy của sử liệu, phương pháp phân tích của tác giả và phải đặt trong tổng thể với các nguồn tư liệu khác. Không phải cứ nói đến "chính sử" của triều Lê (Đại Việt Sử ký toàn thư) do những sử gia tên tuổi biên soạn đã là chân lý tuyệt đối. Bởi trước hết, nó là sản phẩm của những cá thể hay triều đại, dù uyên thâm đến mấy thì cũng vẫn có thể có sai sót và nhiều khi xuất phát từ những lợi ích không thể gọi là tuyệt đối vì dân tộc mà căn bản là của giới cầm quyền. …” (
3) .

Vậy tính chính xác của những bộ sử Việt về các nhà nước cổ đại đầu tiên của Việt Nam là như thế nào. Phải chăng tất cả những gì tôi và các bạn đều đã được học đã đọc trước đây - có thể chỉ là những truyền thuyết, do những người viết sử hư cấu nên vì một mục đích nào đó (5) ?

Phác thảo khu di tích Hùng Vương


LỜI KẾT

Qua những tư liệu cổ nhất và được cho là có liên quan về cội nguồn của thời đại Hùng Vương, nhà nước Văn Lang hiện có tại Việt Nam và cả Trung Hoa. Cũng như các công trình khảo cổ học trong suốt hơn 100 năm đào bới và nghiên cứu của các nhà khảo cổ học của cả VN và Pháp về việc tìm kiếm dấu tích thời đại Hùng vương trên vùng đất Bắc bộ. Đã cho chúng ta thấy một sự thật lịch sử, đó là:  


Câu chuyện nhà nước Văn Lang và 18 vị Vua Hùng – cho tới nay tất cả vẫn chỉ là câu chuyện truyền thuyết. 

Vì như phân tích trên đây, vào thời điểm ấy dân tộc ta chưa thể có cái gọi là NHÀ NƯỚC VĂN LANG; các vị VUA HÙNG thật sự chỉ là những vị tù trưởng trong một cái làng lớn. Có thể họ chỉ là một vị trưởng làng trong cái làng lớn nhất, mạnh nhất và với sức mạnh của mình họ cai quản thêm một vài làng chung quanh, tự xưng là tù trưởng một vùng. Đây là một hình thức nhà nước sơ khai mà cho tới thế kỷ 16-19 tại khu vực phía Tây và Tây Bắc nước ta (nhất là tại nước Lào) các dân tộc Mường, Thái – Lào vẫn còn áp dụng; khi nhiều bộ tộc tập trung thành một thực thể nhỏ gọi là muang (mường) hay mandalas. 

Như trên tôi đã trình bày là đã có một thành viên trong nhóm “tứ trụ” - những người khai sinh ra nền sử học hiện đại VN là giáo sư Hà Văn Tấn (2), (5) đã thẳng thừng bác bỏ câu chuyện về cái gọi là nhà nước Văn Lang, ông cho rằng “đó chỉ là một cái làng lớn” mà thôi. Theo tôi, khi chưa có “NHÀ NƯỚC” thì không thể có các vị “VUA”  được ?

Tục lệ thờ cúng Hùng Vương có nguồn gốc từ đâu và ngày giỗ tổ 10.3 - được tổ chức thành quốc lễ bắt đầu từ thời gian nào ? 

Với câu chuyện tưởng chừng như là khó khăn phức tạp này và có thể sẽ khiến cho những nhà nghiên cứu sử, nghiên cứu văn hóa phải có một thời gian khá dài tìm kiếm mới có thể tìm ra lời giải chính thức. Nhưng qua những nghiên cứu mới đây của giới sử học, câu hỏi này đã có lời giải. Vì thật ra câu chuyện khá đơn giản !

Cứ theo trình tự quy định, giới nghiên cứu sử phải bắt đầu tìm kiếm từ những năm tháng xa xưa nhất của lịch sử nước Việt. Sau đó qua sử sách phải lần giở lại tiến trình lịch sử mà tìm kiếm - suốt từ thuở hồng hoang cho tới khi ta có nhà nước tự chủ đầu tiên là nhà Đinh, sau đó là nhà tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, hậu Lê, Mạc và nhà Nguyễn. Nhưng trong tất cả các bộ sử lớn của các triều đại này còn lưu lại cho tới nay thì hoàn toàn không thấy các sử quan đề cập tới sự kiện này. 
Trong các bộ Quốc sử lớn như Đại Việt sử ký (1) của Lê văn Hưu (thời Trần) và Đại Việt sử ký toàn thư (1) của Ngô sỹ Liên (thời Hậu Lê) hoặc Đại Việt sử lược rồi Khâm định Việt sử thông giám cương mục...và nhất là trong Quốc sử Quán triều Nguyễn cũng hoàn toàn không thấy đề cập. Trong Quốc sử quán Triều Nguyễn, nhất là trong bộ Châu Bản triều Nguyễn (bộ sách đã trở thành di sản tư liệu của thế giới) - ghi chép tất cả các hoạt động của nhà nước tới tận cấp làng - xã trong 142 năm (1802-1945) một cách cụ thể cũng không có nhắc tới việc thờ cúng Hùng Vương như một Quốc lễ và cũng không có ghi chép nào nói về ngày 10.3. 

Tuy nhiên trong bộ Châu Bản có một đoạn ghi chép về một câu chuyện có liên quan về tục lệ thờ cúng Hùng Vương và ngày 10.3, nội dung như sau: " Vào năm Khải Định nguyên niên năm thứ 2 – tức năm Đinh Tỵ (1917); có viên Tuần phủ Phú Thọ tên là Lê Trung Ngọc có sớ tâu trình lên Bộ Lễ xin cho phép và cấp kinh phí để sửa sang một ngôi miếu nhỏ đang thờ thần núi trên núi Nghĩa Lĩnh tại địa phương - làm nơi thờ các vua Hùng theo nhu cầu tín ngưỡng của cư dân địa phương vùng Phú Thọ. Và xin lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ các vua Hùng theo như truyền thuyết của cư dân địa phương. Sau khi Bộ Lễ trình lên, nhà Vua đã đồng ý và bút phê cho phép lấy ngày 10 - 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ tổ Hùng Vương. ".

Theo như những điều được khắc trong một tấm bia lớn "Hùng miếu điển lệ bi" được "Hội đồng kỹ niệm tỉnh Phú thọ" lập và dựng tại đền Thượng vào mùa Xuân năm Quý Hợi (1923) - niên hiệu Khải định năm thứ 8. Tấm bia hiện được bảo quản tại đền Hùng như một chứng tích lịch sử, nội dung bia đã ghi lại đầy đủ sự kiện lịch sử quan trọng này. 
Kể từ đó, tên tuổi quan Tuần phủ Lê Trung Ngọc đã được sử sách ghi chép với tư cách ông là tác giả của việc định lệ Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.

- Tục lệ lấy ngày 10 - 3 làm ngày giỗ tổ Hùng Vương ra đời từ đó. 

Sau đó đền Hùng đã được triều đình vua Khải Định cấp kinh phí xây dựng vào năm Quý Hợi (1923). Tuy nhiên do tập tục này cũng trùng hợp với tục lệ thờ cúng tổ tiên của người Việt, nên hàng năm đền Hùng đều được nhân dân trong vùng đóng góp kinh phí tu sửa, theo thời gian ngày càng quy mô hơn. Hằng năm lễ giỗ tổ Hùng Vương cũng được tổ chức lớn hơn và phát triển hơn theo thời gian. Quy mô của nó đã vượt ra khỏi tập tục của một vùng quê, vượt qua khỏi địa giới hành chánh tỉnh Phú Thọ và vùng trung du Bắc bộ. Nhưng chỉ sau khi đền Hùng được xây dựng hoàn chỉnh vào năm Quý Hợi (1923) thì lễ giỗ tổ Hùng Vương mới được tổ chức thành Quốc lễ như ngày nay.  

Như vậy, ngày Quốc lễ 10 - 3 (âm lịch) chỉ mới có từ năm Đinh Tỵ (1917), vào thời nhà Nguyễn thuộc triều vua Khải Định (Niên hiệu Khải Định năm thứ 2). Và lễ hội Hùng Vương được tổ chức theo quy mô quốc lễ lần đầu tiên là vào năm Quý Hợi (1923) ./.

Buôn Ma Thuột, ngày 08/4/2017

ĐKT
______________________________________________

Chú Thích :

1/. Hai bộ quốc sử chính của nước ta gồm :

+ Bộ thứ nhất là Đại Việt sử ký (chữ Hán: 大越史記) là bộ quốc sử đầu tiên của nước Việt Nam do Hàn lâm học sỹ Lê Văn Hưu (chữ Hán: 黎文休);1230-1322 - là nhà sử học đời nhà Trần soạn ra, gồm 30 quyển, chép lịch sử Việt Nam từTriệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Bộ sử hoàn thành năm 1272, dưới triều vua Trần Thánh Tông.
Những bản chính của Bộ sử này hiện nay không còn nữa, tất cả đã bị quân xâm lược nhà Minh tịch thu đem về Trung Quốc vào thời nước ta bị giặc Minh xâm chiến trong hơn 20 năm khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại (từ năm 1407 – 1428). Tất cả những gì còn lại đến nay chỉ là những dị bản, những bản chép tay của từng phần trong bộ sử còn lưu lạc trong dân gian, cho đến sau khi nhà Hậu Lê thành lập đã được Quốc sử quán nhà Lê truy tìm và biên tập lại.
+ Bộ thứ hai là Đại Việt sử ký toàn thư (chữ Hán: 
大越史記全書), đôi khi gọi tắt là Toàn thư, do Sử quán triều Hậu Lêgồm các sử quan tiêu biểu: Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy, Nguyễn Quý Đức biên soạn, dựa trên cơ sở của Đại Việt sử ký. Bộ sách được phát hành năm 1697.
Bộ sử do sử quan Lễ bộ tả Thị lang Ngô Sĩ Liên(chữ Hán: 
吳士連) là nhà sử học thời Lê sơ, sống vào thế kỷ 14 chủ biên. Ông là người đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và có công lớn trong việc biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư - bộ quốc sử chính thống xưa nhất của Việt Nam còn được lưu truyền tới ngày nay.
Đây là bộ quốc sử bằng chữ Hán  chữ Nôm của Việt Nam được viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697. Nó là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trongSử quán triều Hậu Lê biên soạn.
2/. Hà Văn Tấn - Làng, liên làng và siêu làng (Mấy vấn đề về phương pháp), Tạp chí Khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 1, 1987, in lại trong Một số vấn đề Lý luận Sử học, Nhà xuất bản ĐHQGHN, 2007)
3/. Công trình nghiên cứu Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta, của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2005) ; Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam và bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam (NXB Tổng hợp TP.HCM) - của thiền sư Lê Mạnh Thát, và một loạt bài viết Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện gây chấn động , của tác giả Hoàng Hải Vân đăng trên 07 số báo Thanh Niên năm 2008 đã nói về việc này. Sự việc này đang được bạn đọc, giới sử học các nhà nghiên cứu và các nhà kỷ trị bàn thảo một cách sôi nổi.
4/. Sử ký Tư Mã Thiên Nxb Văn học H.1988 tr.743.
5/. Bài viết : LỊCH SỬ, SỰ THẬT VÀ SỬ HỌC, Hà Văn Tấn - Nguồn: Tạp chí Tổ quốc, tháng giêng, 1988. In lại trong: Một số vấn đề Lý luận Sử học, Nxb ĐHQGHN, 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...