KỸ NIỆM VỀ MỘT CUỘC ĐIỀN DÃ.

Đoàn khảo sát cây bồ đề di sản tại buôn Jang Lành (tác giả bài viết là người đứng ngoài cùng bên phải)


Vào một ngày của trung tuần tháng 11 năm 2013, tôi được mời tham gia một cuộc điền dã do tỉnh giáo hội Phật giáo tỉnh Đăk Lăk tổ chức. Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Đăk Lăk đã mời các nhà khoa học thuộc khoa Nông Lâm – bộ môn Quản lý tài nguyên Rừng và Môi trường của trường Đại học Tây nguyên, hội Khoa học lịch sử tỉnh Đăk Lăk tham gia cuộc điền dã này.
 Mục đích của chuyến đi là nhằm giúp cho tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đăk Lăk giám định tuổi của một cây bồ đề và tìm kiếm vết tích của một ngôi chùa cổ dưới gốc cây bồ đề này. Cây bồ đề nằm ở trong sân của nhà văn hóa cộng đồng buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma thuột chừng 45 km. 
Đây là địa điểm mà theo các vị lãnh đạo của tỉnh giáo hội Phật giáo tỉnh Đăk Lăk là nơi có một ngôi chùa của các tu sĩ Phật giáo người Lào theo hệ phái Theravada – Phật giáo nguyên thủy, tu tập cách đây hơn 100 năm. Đây là khu vực mà cư dân bản địa đa số là người Lào (Lào Lùm) sinh sống, tuy hiện nay họ là người thiểu số nhưng thời điểm trước thế kỷ 19 đây là quê hương bản quán của họ.Chúng tôi tiến hành khảo sát thực địa và tiếp xúc với nhân dân địa phương để tìm tư liệu cho bản thu hoạch, trong khi các kỹ thuật viên của bộ môn Quản lý rừng và Môi trường của Trường Đại học Tây Nguyên do Phó giáo sư Tiến Sĩ Bảo Huy chỉ huy đã tiến hành khảo sát, khoan thăm dò thân cây, đo đạt để xác định tuổi của cây bồ đề này. Sau một ngày làm việc chúng tôi đã có một số kết quả rất đáng mừng :
- Theo bản báo cáo kết quả khảo sát cây bồ đề mà PGS . TS. Bảo Huy trình bày thì cây Bồ đề này có tên khoa học là Ficus religiosa L , thuộc họ thực vật Dâu Tằm – Moraceae, bộ thực vật Gai – Urticales , lớp Ngọc Lan – Magnoliopsida , nghành thực vật Ngọc Lan – Magnoliophyta. Hiện nay ở nước ta có hai giống cây bồ đề chính – một là giống cây bồ đề bản địa thuộc Họ đa lâm vồ có đặc điểm dễ nhận biết là cuối lá không có đuôi, cây này mọc tự nhiên nhiều ở các tỉnh khu vực phía Bắc và bắc Trung bộ - hai là giống đa bồ đề đặc điểm của giống này là cuối lá có đuôi lákhá dài, không có trong tự nhiên ở Việt Nam mà do du nhập từ Ấn Độ. 
Từ kết quả khoa học này Phó Giáo sư xác định - cây bồ đề này được mang từ Ấn vào trồng ở Việt Nam , hoặc có thể qua một nước trung gian nào đó (ở đây là Lào), tuổi của cây được khẳng định là khoảng 115 năm (theo những tư liệu mà chúng tôi có được, thì đây là cây bồ đề - thuộc giống đa bồ đề du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam có tuổi thọ cao nhất Việt Nam hiện nay ).
- Bộ phận những người nghiên cứu sử chúng tôi cũng có một số kết quả, qua xác minh trong cư dân bản địa sống chung quanh cây bồ đề. Họ cho biết - vào những thập niên cuối của thế kỷ thứ 19, có một người đàn ông người Lào tên là Luông Sỹ đã từ miền Nam nước Lào đến đây buôn bán và định cư ở đây; sau đó theo chân ông có rất nhiều người Lào đã từ Pắc Xế, xuôi theo dòng sông Mê Kông đến đây định cư lập nghiêp. Ông Luông Sĩ đã thành lập nên Buôn Jang Lành này và là chủ làng đầu tiên. Một thời gian sau có một tu sĩ người Lào, quấn áo vàng đến đây truyền đạo, ông đã lập một am nhỏ và sinh sống với dân làng. Hằng năm nhà sư thường trở về Lào vài tháng để tu học rồi trở lại; trong một dịp từ Lào trở về ông có mang theo một cây bồ đề nhỏ; nhà sư đã trồng cây bồ đề tại đây. 
Am thờ Phật được làm bằng gỗ, kiến trúc theo kiểu nhà sàn, rộng khoảng hơn 4 mét vuông do bà con buôn Yang Lành đóng góp công sức dựng lên, dân trong buôn lui tới hương khói cầu nguyện, trong am thờ rất nhiều tượng Phật bằng đất nung. Cho tới khoảng năm 1960 trở lại do chiến tranh loạn lạc nên không thấy các nhà sư về đây truyền đạo nữa. Ngôi thảo am trở nên hoang phế, người dân đã đem các tượng Phật (bằng đồng và đất nung) về nhà bảo quản, qua thất lạc nay chỉ còn một ít .
Khi tổng kết cuộc tìm kiếm, theo nhận định chung của hai ban Tự Nhiên và Xã Hội trong một cuộc họp sau đó tại chùa Hoa Lâm. Căn cứ theo kết quả của cuộc điền dã và vào các tài liệu khoa học trước đó, các nhà khoa học Tự Nhiên và khoa học Xã hội đã gặp nhau ở một kết quả cuối cùng : Khi ngôi chùa không còn nếu muốn xác định năm thành lập ngôi chùa thì cách tốt nhất là tính tuổi của cây Bồ Đề, sẽ biết Phật giáo có mặt tại đây từ lúc nào ?
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Đạo Phật đã có tại Đăk Lăk từ khi nào, chứ không phải là đạo Phật có trong cộng đồng người Kinh từ lúc nào ?
Sở dĩ có cuộc điền dã này là do trước đó các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở tỉnh Đăk Lăk đã có đề nghị là tỉnh Giáo hội Phật Giáo tỉnh Đăk Lăk nên viết lại Lịch sử Phật giáo của tỉnh - vì Lịch sử Phật Giáo viết trước đây (trước 1975), không đúng với thật tế lịch sử ở địa phương. Sau khi nhận được yêu cầu chung như vậy, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của mình thì thấy có một số điều không đúng với thực tế lịch sử ở địa phương. Qua đó nếu so sánh từ chính sử và một số công trình nghiên cứu về lịch sử tỉnh Đăk Lăk công bố gần đây thì những gì viết về lịch sử Phật giáo Đăk Lăk mà tỉnh Giáo hội Phật Giáo Đăk Lăk đã cho công bố trước đây thì có rất nhiều điều là bất hợp lý; nhất là việc xác định thời gian mà Phật giáo du nhập vào Đăk Lăk đầu tiên là năm nào ?
Trước đây khi nói đến đạo Phật - rất nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng, đây là một tôn giáo do người Kinh du nhập vào Đăk Lăk khi những người Kinh nhập cư tự do đầu tiên được người Pháp cho phép định cư tại đây từ những năm 1930. Nhưng thực tế đạo Phật đã có từ rất lâu trước đó trong cộng đồng cư dân bản địa tại vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay ? 
Cho nên, yêu cầu được đặt ra cho đoàn khảo sát của chúng tôi là - phải tìm kiếm trong các cộng đồng cư dân bản địa, tìm xem tộc người nào có tín ngưỡng Đạo Phật ? 
Qua tìm kiếm, chúng tôi được biết trong các cộng đồng cư dân bản địa tại khu vực tỉnh Đăk Lăk ngày nay chỉ có duy nhất một tộc người là người Lào (trước năm 1975 gọi là người Xiêm) có tín ngưỡng Phật giáo. Và chúng tôi đã bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên từ tộc người này - đó là tộc người Lào Lùm (Lào vùng thấp), tại khu vực xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, đây là nơi có cộng đồng người Lào sinh sống khá đông .
Theo chính sử, vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay trước năm 1354 thuộc Đế quốc Khmer. Năm 1354 lợi dụng tình hình đế quốc Khmer đang suy yếu, Chậu Phà Ngừm là một vị tướng lừng danh của đế quốc Khmer lúc ấy, đã ly khai khỏi đế quốc Khmer và thành lậpVương quốc Lan xang ở vùng đất phía Đông - Bắc của Đế quốc Khmer và là vị Vua đầu tiên của vương quốc này. Vương quốc Lan Xang đã tồn tại độc lập trong hơn 350 năm (1).
Năm 1707, Vương quốc Lan Xang tan rã và bị phân chia làm 03 tiểu vương quốc, tiểu vương quốc Luang Phrabang (Nam Chưởng hay Lão Qua) ở phía bắc, tiểu vương quốc Viêng Chăn ở miền Trung và Champasak ở phía Nam (với thủ đô là thành phố Pắc Xế , tỉnh Champasak của nước Lào hiện nay)(1) . Khu vực vương quốc Champasak bao gồm một phần vùng Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia và các tỉnh Nam Lào: Champasak, Seetan (nay gọi là See Koong), Saravane, Attopeu, Kam Tong Yai, Xieng Taeng, Saen Parng, Surin, Sangkha, Khukhan, (Det Udom, Sisaket), U bol, Yasotorn, Khemmarat, Kamalasai, Kalasin, Pulaencharng, Suvannapum,Roi Et, Mahasarakam và vùng Tây Nguyên của Việt Nam ngày nay(1)(2).
Từ thế kỷ 18 trở đi, Champasak cùng với hai tiểu vương quốc miền Trung và miền Bắc thường bị Xiêm, Đại Việt, Miến Điện đưa quân sang xâm chiếm. Trong khi hai vương quốc phía bắc thường bị Miến Điện và Đại Việt uy hiếp thì vương quốc Champasak ở phía Nam cũng thường xuyên bị người Xiêm uy hiếp. Nhưng vào đầu thế kỷ 19 khi người Miến Điện do thua đế quốc Anh trong cuộc chiến 1824-1826 và suy yếu dần. Nước Đại Việt do bận cuộc nội chiến giữa Nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh đã bỏ ngỏ Vương quốc Chân Lạp và các Tiểu Quốc của Lào cho người Xiêm hoàn toàn thao túng .
Năm 1831 người Xiêm đã thôn tính xong Vương quốc Lan Xang rộng lớn trước đây của người Lào và biến vùng đất này thành một phần lãnh thổ của Vương quốc Xiêm La - trong đó có vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay. Nhưng trên thật tế người Xiêm chưa từng vươn tầm kiểm soát đến vùng đất này, họ xem vùng này như là vùng đệm giữa Đại Việt và Xiêm La. Hơn nữa ranh giới của các quốc gia ở vùng đất giáp ranh này trước đây chưa được xác định chính thức, tình trạng này được duy trì trên toàn vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay cho tới khi bị người Pháp xâm chiếm năm 1898.
Năm 1833 nổ ra cuộc chiến tranh Việt – Xiêm (1833 -1834), với mục đích ban đầu chỉ là tranh giành ảnh hưởng tại Vương quốc Chân Lạp giữa hai quốc gia hùng mạnh này. Nhưng năm 1833 người Xiêm đã tổ chức hai cuộc tấn công vào vùng Nam bộ và Trung bộ (vùng Quảng Trị, Nghệ An và vùng Trấn ninh) của nước Đại Nam (Việt Nam ngày nay) .
Đợt đầu khởi từ tháng 11 năm 1833, rồi tạm ngưng , đợt hai tấn công từ tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1834), đến tháng Năm cùng năm thì kết thúc. Nhưng đã gặp phải sự chống trả mạnh mẽ của quân đội Nhà Nguyễn hùng mạnh lúc này đang dưới triều Vua Minh Mạng. Chung cuộc, quân Việt đại thắng người Xiêm đại bại. Quân Việt luôn đà chiến thắng đã tiến chiếm toàn bộ nước Chân Lạp, đuổi người Xiêm ra khỏi vùng đất phía Tây của Trung bộ Việt Nam và truy kích đến tận bờ phía Đông của sông Mê Kông , chiếm toàn bộ vùng Trung Lào và nhập vùng này vào lãnh thổ Đại Nam. Vùng đất là tiểu vương quốc Champasak của người Lào trước đây đã không bị quân Nguyễn tiến chiếm trong cuộc chiến này, nên sau cuộc chiến vẫn còn nằm lại trong vương quốc Xiêm La .
Sau khi Vua Minh Mạng mất (1840), vị Vua nối ngôi là Thiệu Trị - không phải là ông vua của những cuộc chiến, nên khi đại thần Tạ Quang Cự tâu xin bỏ đất Chân Lạp và Lào để rút quân về, vua đã nghe theo và xuống chiếu bãi binh. Vậy là sau hơn 5 năm chiếm đóng nhà Nguyễn đã phải trả các vùng đất là nước Campuchia và Trung Lào ngày nay lại cho các quốc gia nói trên, và hoàn toàn không còn quan tâm tới. Sau khi quân đội Nhà Nguyễn rút đi thì người Xiêm đã từng bước xâm chiếm lại toàn bộ vùng đất là lãnh thổ của ba tiểu Vương quốc của Lang Xang (Lào) trước đây.Tới những năm 1860, nước Lào một lần nữa đã đánh mất vai trò của một thực thể quốc gia và trở thành một phần lãnh thổ của Vương quốc Xiêm La (2).
Năm 1893 xảy ra một cuộc xung đột giữa Pháp và Vương quốc Xiêm La. Cuộc chiến nổ ra vào tháng Tư 1893 và chấm dứt nhanh chóng sau khi lực lượng hải quân Pháp phong tỏa thủ đô Băng kok của Xiêm. Ngày 03/10/1893, Hiệp ước Pháp - Xiêm được ký kết, thừa nhận quyền của nước Pháp trên phần đất nằm ở tả ngạn sông Mê Kông. Năm 1904 lại có xung đột xảy ra, phần lớn do người Pháp gây chiến. Nhưng do tiềm lực kinh tế và quân sự thua xa thực dân Pháp và không có được sự giúp đở của người Anh như đã hứa, người Xiêm buộc phải lùi bước.
Người Xiêm thua trận, một lần nữa buộc phải nhượng lại hai vùng đất phía tây sông Mê Kông là Xainaburī ở phía bắc và Champāsak ở phía nam cho người Pháp. Cùng lúc đó (1904), Pháp cắt khu vực Stung Treng khỏi Lào để nhập vào Campuchia và thực hiện một số sửa đổi khác về biên giới giữa Lào và Việt Nam (2). 
Có thể nói – nếu không có cuộc xâm lược của người Pháp vào đất nước Lào và sau đó người Pháp không can thiệp vào công việc nội bộ của Xiêm và chiến tranh Pháp – Xiêm không xảy ra thì chắc chắn đất nước Lào đã bị sáp nhập một cách lặng lẽ vào quốc gia Xiêm La từ thời kỳ này. (Thật tế là nó đã bị sáp nhập vào nước Xiêm La từ trước năm 1860, chẳng qua là người Pháp với sức mạnh quân sự đã giành lại vùng đất là nước Lào ngày nay từ tay người Xiêm).
Ngày 01/6/1895 thống sứ Lào là Boulloche chia lãnh thổ Lào thành hai vùng riêng biệt, một gọi là Thượng Lào đóng trụ sở tại Luong Prabang và vùng còn lại gọi là Hạ Lào đóng trụ sở tại Kong của Stung Streng (1). Vùng cao nguyên Nam Đông Dương (gọi là Hin Truland) nằm trong địa giới hành chánh của 3 tỉnh Stung Streng (trong đó địa bàn Đắk Lắk), tỉnh Attopeu và tỉnh Saravane của nước Lào thuộc Liên Bang Đông Dương .
Ngày 31/01/1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập một cơ sở hành chính tại Bản Đôn (nay là xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk), trên bờ sông Sêrêpôk trực thuộc tỉnh Stung Streng với mục đích thể hiện quyền cai trị của nước Pháp trên vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay.
Cho tới khi Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858 và hoàn thành công cuộc xâm chiếm Việt Nam năm 1885, họ mới bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa một cách ráo riết. Người Pháp đã cử các đoàn thám hiểm lên khám phá Tây Nguyên theo ngã sông Đồng Nai, và ngã Củng Sơn (Tuy hòa) nhưng đều thất bại, dù họ đến bằng nhiều danh nghĩa, kể cả danh nghĩa các đoàn truyền giáo.
Đoàn đến được Tây Nguyên đầu tiên là đoàn đi dọc sông Đồng Nai, cũng chỉ tới được khu vực là huyện Đăk Lấp tỉnh Đăk Nông bây giờ, không tiến xa được do địa hình qúa hiểm trở. Nên Toàn quyền Pháp cho ngưng các cuộc thám hiểm chính thức mà chỉ khuyến khích các đoàn truyền giáo lên truyền đạo cho người Thượng. Nhưng theo công bố mới đây của Giáo Phận Ban Mê Thuột thì công cuộc thâm nhập Tây Nguyên để tuyền Đạo công giáo lên Tây Nguyên cho người Thượng vào cuối thế kỷ 19 đã hoàn toàn thất bại, cho tới năm 1926 họ mới có được cơ sở tôn giáo đầu tiên ở Công ty nông nghiệp An Nam ( tiếng Pháp - Compagnie agricole d' asie - C.a.d.a . Gồm các công ty cà phê Thắng Lợi, công ty cà phê Tháng 10, công ty cà phê Phước An hiện nay).
Thật tế Tây Nguyên trước năm 1898, là mãnh đất không ai cai quản, chủ nhân thật sự của nó là các sắc tộc Tây Nguyên lúc này đang sống rất sơ khai, từng buôn làng sống tự cung tự cấp, với mỗi buôn làng như là một lãnh thổ ( hoặc vương quốc) riêng của một vị tù trưởng với vài chục nóc nhà sàn (hộ gia đình) và khoảng vài năm thì di chuyển chổ ở để tìm đất sản xuất (du canh du cư), họ hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài .
Tới năm 1898, sau khi hoàn thành việc xâm chiếm Campuchia và Lào; người Pháp mới cử các đội quân thâm nhập Đăk Lăk đầu tiên theo ngã đường sông Mê Kông từ phía Campuchia. Năm 1898 người Pháp đánh chiếm Bản Đôn và đặt cơ sở hành chánh đầu tiên ở đây, sau đó họ đi ngược dòng dọc theo sông Sêrêpốk, đánh chiếm và bình định các vùng khác trong tỉnh. Suốt quá trình xâm nhập vùng đất này họ không gặp bất cứ một sự kháng cự lớn nào, chỉ thỉnh thoảng họ mới gặp những buôn làng nhỏ xơ xác với vài chục nóc nhà sàn nằm chơ vơ giữa đại ngàn của rừng già nhiệt đới với cư dân bản địa đang sống cuộc sống sơ khai, hoàn toàn không có một thành lũy hoặc khu thị tứ nào cả. Cư dân bản địa chỉ gồm các tộc người chủ yếu như : Lào, Ê Đê, M’ nông, Ba na, Ra lai…cho tới thời điểm này vẫn chưa có người Kinh (Việt) sinh sống trên vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay.
Sau khi xâm chiếm nhanh chóng xong vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay, người Pháp sáp nhập toàn vùng này vào tỉnh Stung Treng của nước Lào thuộc Pháp, nhưng đến năm 1904 người Pháp cắt Stung Treng khỏi Lào để nhập vào Campuchia. Nhưng sau đó lại cắt vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay khỏi Stung Treng đặt dưới quyền cai quản trực tiếp của Khâm sứ Trung Kỳ và xem như một lãnh thổ hải ngoại độc lập của riêng người Pháp, cùng với tòan khu vực Tây Nguyên.
Ngày 02/7/1923, Pháp thành lập tỉnh Đăk Lăk trên cơ sở tách đại lý hành chánh Ban Mê Thuột khỏi tỉnh Kon Tum
Sau nhiều cuộc thám hiểm, điều tra, nghiên cứu đầy đủ về Cao nguyên Trung kỳ, thực dân Pháp muốn độc chiếm vùng cao nguyên này như là một lãnh thổ hải ngoại riêng biệt của người Pháp. Họ đã bằng mọi cách gạt triều đình Huế ra khỏi mảnh đất này mặc dù Hòa ước 1884 thừa nhận Trung kỳ thuộc quyền cai trị của triều đình Huế.
Năm 1896, khâm sứ Trung kỳ Boulloche đề nghị Cơ mật viện (Nội các của nhà Nguyễn ở Huế) giao cho Pháp trực tiếp phụ trách an ninh tại các cao nguyên Trung kỳ. Năm 1900, sau khi toàn quyền Doumer đích thân thị sát Đà Lạt và quyết định chọn Đà Lạt làm thành phố nghỉ mát, cao nguyên Trung kỳ (Tây Nguyên) hoàn toàn thuộc quyền cai trị của chính quyền thực dân Pháp và Pháp đã từng bước thực hiện :
- Tách cao nguyên Trung kỳ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để thành lập một liên bang của Pháp.
- Độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây.
- Tách các dân tộc ít người ở cao nguyên ra khỏi cộng đồng Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp ngăn cấm gắt gao việc người Kinh lên cao nguyên lập nghiệp, hoặc trao đổi mua bán, ngoại trừ một số người phục vụ trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp và một số phu do người Pháp tuyển mộ lên làm việc trong các đồn điền của họ.
Cho mãi tới năm 1932 những người Kinh nhập cư tự do đầu tiên mới được chấp nhận, nhưng họ bị buộc phải cư trú giới hạn trong một khu vực nhất định, những người này phải có những giấy phép đặc biệt mới được đi lại. Còn công nhân đồn điền thì bị buộc sống trong những khu vực khép kín, không được đi lại bên ngoài. Cũng nhằm ngăn cản và hạn chế việc người Kinh định cư lập nghiệp tại Đăk Lăk khi buộc phải thừa nhận sự tồn tại của cộng đồng này tại vùng đất là tỉnh Đăk Lăk ngày nay, Khâm Sứ Trung kỳ tại Huế có thông báo số 187- CA ngày 15/03/1934 cấm cấp đất cho bất kỳ cá nhân và tổ chức nào, trước đó Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ cũng có thông báo số 3614 ngày 15/11/1930 cấm truyền đạo cho người Thượng trong toàn tỉnh Đăk Lăk.
Năm 1946, cao nguyên Trung kỳ (Tây Nguyên ) được tổ chức hoàn chỉnh thành một liên bang của riêng người Pháp.
Ngày 30 / 5 / 1949 người Pháp trao quyền quản lý vùng Cao nguyên Trung phần với Xứ Thượng Nam Đông Dương cho chính quyền Quốc gia Việt Nam của chính phủ Trần Trọng Kim. 
Ngày 15/4/1950 Vua Bảo Đại ban hành Dụ số 6 tách riêng phần cao nguyên Trung phần gồm năm tỉnh : Đồng nai thượng , Lang Biang, Darlac, Pleiku, Kontum - Lập quy chế hành chính đặc biệt có tên là Hoàng triều cương thổ (tiếng Pháp:Domaine de la Couronne) . Đứng đầu Hoàng triều Cương thổ là vị Khâm mạng hoàng triều do Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm – Nguyễn Đệ là vị Khâm mạng đầu tiên .
Lúc này người Kinh mới được tự do đi lại và tự do tín ngưỡng (đạo Phật) và cũng chỉ sau thời gian này mới có thể có một ngôi chùa Phật giáo nào đó được lập nên trên khu vực là tỉnh Đăk Lăk ngày nay. Trước mốc thời gian này - năm 1949; như phân tích trên đây, không thể có một ngôi chùa nào được quyền tồn tại trên lãnh thổ hải ngoại này của người Pháp cả ? Tức nhiên đạo Phật chỉ có trong cộng đồng người Kinh tại khu vực là tỉnh Đăk Lăk ngày nay và hoạt động như là một tổ chức tôn giáo đúng nghĩa chỉ có từ sau năm 1949 !
Nhằm viết lại lịch sử Giáo hội Phật giáo tỉnh và để bảo đảm tính chính xác, Ban Trị sự GHPG tỉnh Đăk Lăk đã nhờ đến các nhà khoa học, theo tôi đây là một điều rất đáng hoan nghênh - vì lịch sử một tổ chức tôn giáo, một vùng miền, hay một dòng họ nào đó không thể tách rời khỏi lịch sử chung của dân tộc ? 
Chúng ta hãy nên là những người CHÉP SỬ tốt chứ đừng nên là những nhà LÀM SỬ hay, vì lịch sử đã có từ trước khi ta sinh ra - nên những kẻ hậu sinh không bao giờ là những người làm ra sử được cả. Cho nên đừng bao giờ đánh giá tổ tiên theo quan điểm chủ quan của cá nhân mình. 
Tôi đã đọc ở đâu đó rằng : “ Lịch sử phụ thuộc vào góc nhìn ”, vâng đúng như vậy !

THAY LỜI KẾT:
Sau cuộc khảo sát nói trên, tác giả bài viết này đã được phân công viết một số chương trong công trình nghiên cứu chung này của Phật Giáo Đăk Lăk, công trình sau đó đã nhận được sự đánh giá cao của Hội khoa học lịch sử VN ; nhất là nhận được sự hoan hỷ của các chư tôn Phật Giáo, được quý phật tử hoan nghênh và trọng thưởng. Đồng thời cây bồ đề này đã được tổ chức kỹ lục ghi nét Việt Nam công nhận là cây bồ đề do con người trồng có tuổi thọ cao nhất vùng Tây Nguyên. Sau đó cây cũng được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Với bài viết này, chỉ là kể về một cuộc điền dã của mình và qua cuộc điền dã này rút ra được một bài học quý báu về tính chân thật của lịch sử. Nhất là lịch sử dòng Họ, lịch sử vùng miền. Rất đáng tiếc là hiện nay có một số bài viết, một số phóng sự và phim tài liệu về lịch sử vùng miền và lịch sử các dòng Họ được phát trên truyền hình hoặc tung lên các trang web của các dòng Họ thường bị thần thoại hóa và hư cấu quá nhiều, khiến người xem thấy hình như mình đang xem một bộ phim dã sử mới sáng tác của các nhà biên kịch và các đạo diễn không chuyên ./.
ĐKT
18.11.2013
   
Một số hình ảnh về cuộc điền dã 








Chú thích :
(1) History of Laos (lịch sử Lào) của M.L. Manich (bản tiếng Anh))
(2) Grant Evans (2002)A Short History of Laos: The Land in Between, Allen & Unwin,ISBN 1 86448 997 9.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...