CÂU CHUYỆN CÔNG CUỘC GIẢI CỨU SƠN TRÀ - ĐÂU LÀ SỰ THẬT !

Toàn cảnh bán đảo Sơn Trà 


Sơn Trà là một bán đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía đông nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa.Bán đảo Sơn Trà cùng với hệ thống núi non của Hải Vân sơn ở phía bắc, vây lại thành hình cánh cung như một tấm bia che chắn mọi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào thành phố biển Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, có diện tích tự nhiên 4.439 ha, ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị. Bán đảo này là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.


Tấm hình "Sơn Trà bị Thương"

Gần đây một tấm hình do một doanh nhân thích câu cá kiêm tay máy ảnh amateur, người Đà Nẵng trong khi đang câu cá trong một vũng nhỏ gần bán đảo Sơn Trà tình cờ chụp được đã gây nên một cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng và dư luận người dân Đà Nẵng. Tấm ảnh mà tác giả đặt tên là "Sơn Trà bị thương"  cho thấy hàng chục phương tiện máy móc đang đào xới đất đá, chặt hạ cây rừng để xây dựng một công trình.
Vốn là người địa phương, là người yêu thiên nhiên và đã thân thuộc với thiên nhiên Sơn Trà từ lâu, một ngày đầu tháng 3/2017, ông Lê Phước Chín (tên của tác giả) quyết định phải đưa bức ảnh lên mạng xã hội để tìm câu trả lời. Ngay lập tức tấm hình "Sơn Trà bị thương" đã làm dậy sóng diễn đàn "Quản lý đô thị Đà Nẵng: Xanh – sạch – đẹp" trên mạng xã hội Facebook. Bức ảnh về một Sơn Trà lở loét, bị đào xới, chặt phá… nhận được hàng chục nghìn lượt quan tâm, bình luận, chia sẻ trên khắp các diễn đàn và trang cá nhân khác.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khi nhìn thấy bức ảnh đã thảng thốt kêu lên: "Chuyện gì đang xảy ra ở Sơn Trà"?
Không chỉ một mình ông Vinh giật mình. Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã rất mau chóng đi kiểm tra thực địa, phát hiện 40 móng biệt thự không phép. Ông Thơ lắc đầu với cấp dưới: "Các anh quản lý địa bàn mà không biết họ làm trái phép. Các anh để một người dân đi ra biển câu cá phát hiện xây trái phép". Ông ra lệnh đình chỉ thi công ngay lập tức dự án trên.
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh lập tức yêu cầu điều tra làm rõ các sai phạm và nếu có phải tháo dỡ công trình.

Trên đây là nội dung câu chuyện mà mấy ngày gần đây khi chúng ta đọc bất cứ tờ báo nào từ báo hình cho tới báo giấy, từ báo nhà nước cho tới các trang mạng xã hội khi đọc tới cụm từ “ bán đảo Sơn Trà” đều có nội dung na ná như nội dung trên đây

Tuy nhiên, câu chuyện những ông chủ của cái resort Biển Tiên Sa tự dưng dám leo lên núi Sơn Trà huy động hàng loạt xe pháo san ủi đất trên núi mà chính quyền địa phương hoàn toàn không biết. Sau đó lại còn dám tiến hành xây tới 40 cái móng biệt thự nhưng không có giấy phép xây dựng chỉ là khúc dạo đầu của câu chuyện lớn về Sơn Trà.

Thật ra những người trong cuộc ngay tại thành phố Đà Nẵng cho biết là câu chuyện không phải như vậy. Mà đây chỉ là cuộc đấu khẩu và tranh giành nhau giữa các nhóm lợi ích khi quyền lợi của họ bị dòm ngó mà thôi ?

Sự thật là đã nhiều năm nay các ông trùm bất động sản tại đây đã bắt tay nhau phân chia xong cái bán đảo Sơn Trà này từ lâu rồi. 
Theo số liệu từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết ngoài các khu du lịch đã hình thành và đang kinh doanh, hiện có 17 dự án du lịch tương tự khu du lịch sinh thái biển "Biển Tiên Sa" đã được phê duyệt, trong số đó có những dự án đã, đang và sắp triển khai. Mới đây trong văn bản của Văn phòng UBND TP Đà Nẵng gửi Thủ tướng liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ do Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn  ký ngày 30/5, cho biết – ngay từ năm 2012, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 18 dự án đầu tư phát triển có lưu trú cho các nhà đầu tư trong nước tại bán đảo Sơn Trà, với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.222 ha và 7 dự án khác (quốc phòng, an ninh, cơ sở tín ngưỡng, hạ tầng kỹ thuật…). Với tổng số buồng phòng theo quy hoạch của thành phố và đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp phép là khoảng 1.400 buồng phòng khách sạn và khu du lịch (gồm cả 197 buồng phòng của khu nghỉ dưỡng Inter Continental đã đi vào hoạt động); tổng số biệt thự  đã cấp phép là 1.920 căn. Tức là tổng số buồng phòng là 1400 và 1920 căn biệt thự = tổng số buồng phòng là 3.320 buồng (chưa tính câu chuyện 01căn biệt thường có nhiều buồng phòng) đã được chính UBND thành phố Đà Nẵng cấp phép đầu tư xây dựng từ năm 2012 ?


Đường lên bán đảo Sơn Trà

Sự thật là như vậy, nhưng từ đầu năm 2017, khi Bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch; Bộ VH-TT-DL được công bố. Thì dư luận tại Đà Nẵng đã râm ran câu chuyện ngược lại - là Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch và Chính phủ đã công bố bản quy hoạch cho phép cấp đất xây khách sạn trên núi Sơn Trà. Quy hoạch này sẽ tàn phá khu dự trữ sinh quyển và là phổi xanh của thành phố Đà Nẵng này, bức tử loài Voọc chà vá chân nâu đã được Đà Nẵng chọn làm biểu tượng thành phố. Đây cũng là linh vật sẽ được giới thiệu đến các vị lãnh đạo cao cấp các quốc gia trong dịp APEC 2017 sắp tới tổ chức ở Đà Nẵng.
Vậy thì cái Bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ký chưa ráo mực có phải là tác nhân sẽ gây nên việc tàn phá và hủy hoại hệ sinh thái của khu du lịch sinh quyển – là phổi xanh của nhân dân Đà Nẵng. Tiêu diệt môi trường sinh sống của loài Voọc chà vá chân nâu không ?

Theo tôi là không. Có thể nói là hoàn toàn ngược lại thì chính xác hơn !
Theo nhận định của Chính phủ, khi thấy việc phát triển du lịch tại Đà Nẵng thời gian qua là quá nóng, không có quy hoạch rõ ràng và dài hạn. Việc xây dựng các cơ sở lưu trú tập trung quá dày đặc tại khu vực ven biển nhất là tại bán đảo Sơn Trà – khu dự trữ sinh quyển đã được xếp hạng. Chính phủ đã có chủ trương giao bộ VH- TT- DL, Tổng cục Du Lịch phối hợp cùng UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng các bộ ngành có liên quan lập Bản quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2030. Mục đích là nhằm hướng du lịch Đà Nẵng vào quy hoạch du lịch chung của cả nước, hạn chế việc phát triển du lịch tự phát của các địa phương và một phần là nhằm hạn chế tối đa việc phát triển du lịch và xây dựng ồ ạt các cơ sở lưu trú tại bán đảo Sơn Trà.
Theo bản quy hoạch chi tiết vừa công bố cho thấy việc chính phủ sẽ chỉ cho phép chính quyền Đà Năng sử dụng hơn 1.000 hecta, chiếm ¼ trên tổng diện tích 4.439 hecta bán đảo Sơn Trà  dùng để phát triển du lịch. Với mật độ xây dựng rất nhỏ (dưới 3%). Bản quy hoạch khá chi tiết nhưng ở đây chỉ nêu mấy ý chính là – Với mục tiêu mang lại 1.900 tỉ đồng doanh thu và 3,5 triệu lượt khách trong năm 2025. Quy hoạch này cũng xác định quy mô được phép xây dựng cơ sở lưu trú tại bán đảo Sơn Trà cho tới năm 2030 tối đa là 1.600 buồng phòng khách sạn và cơ sở lưu trú.

Chúng ta dễ dàng so sánh thực tế hoạt động xây dựng tại các khu du lịch tại Sơn Trà và bản quy hoạch của chính phủ là một sự sai lệch quá lớn. Chính phủ chỉ cho phép tới năm 2030 chính quyền Đà Nẵng chỉ được phép cấp phép xây dựng tại Sơn Trà tối đa là 1.600 buồng phòng. Nhưng ngay từ năm 2012 chính quyền Đà Nẵng đã lập các bản quy hoạch chi tiết khu vực bán đảo Sơn Trà, mời gọi các nhà đầu tư đến đây và đã cho thuê hơn 1000 hecta đất (tức nhiên đã cho thuê thì phải thu tiền). Và cho tới nay họ đã cấp phép đấu tư cho 18 dự án khách sạn và khu du lịch sinh thái tại đây với số lượng hơn 4.000 buồng phòng lưu trú đã cấp phép đầu tư.

Một câu hỏi được đặt ra là nếu buộc phải chấp hành theo quy hoạch của chính phủ, thì sẽ có hơn 2.000 buồng phòng lưu trú phải bị dừng thực hiện, tức là hàng chục cái khách sạn cao cấp (cỡ 4 sao trở lên), hoặc hàng chục khu nghĩ dưỡng cao cấp sẽ bị thu hồi giấy phép. Các công trình đang thi công hay dần hoàn thiện phải bị đập bỏ, hàng nghìn đồng vốn đầu tư của các đại gia bất động sản có tiếng tại Đà Nẵng sẽ bị đóng băng vô thời hạn. Con đường phá sản đang mở ra trước mắt họ. Tức nhiên các nhóm lợi ích sẽ không bao giờ chịu ngồi yên, họ sẽ lên tiếng bảo vệ quyền lợi của họ.

Như vậy thì chính cái Bản quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ký chưa ráo mực chính là tác nhân làm chậm tiến độ hoặc buộc phải dừng lại việc xây dựng các khu khách sạn cao cấp và các khu du lịch sinh thái biển đã được cấp phép từ lâu tại bán đảo Sơn Trà của các nhóm lợi ích tại thành phố Đà Nẵng ?

Tất nhiên người bị kiện đầu tiên chính là UBND thành phố Đà Nẵng, vì đây mới chính là cơ quan cho thuê đất, thu tiền thuê đất của các nhà đầu tư, cấp phép cho họ. Nhưng có thể vì nhiều lý do tế nhị khác nhau họ đã né địa chỉ này, các nhóm lợi ích đã chĩa mũi dùi vào cái Bản “QUY HẠCH” mới viết chưa ráo mực kia. Họ sẽ đổ cho nó vô số tội nào là phá vỡ môi sinh, tàn phá môi trường, bóp nát lá phổi xanh của nhân dân, ăn hết của đời sau .v.v và v.v… Với mục đích là nhằm bác bỏ cái bản Quy Hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà do chính phủ vừa ban hành; giao quyền định đoạt về cho chính quyền thành phố Đà Nẵng. Mới đây giới công chức tại Đà Nẵng đã truyền tai nhau câu nói của một vị lãnh đạo thành phố này - “hãy giao Sơn Trà cho người Đà Nẵng tự quyết định” câu nói này đã râm rang khắp thành phố này và họ đã phát biểu công khai trên các trang mạng xã hội !


Từ Sơn Trà nhìn ra biển

Phát pháo đầu tiên của phong trào “hãy giao Sơn Trà cho người Đà Nẵng tự quyết định” là việc một anh đại gia ham chơi Lê Phước Chín nào đó, cũng là một tay ảnh nghiệp dư, trong một dịp đi câu cá tại một vịnh nhỏ gần bán đảo Sơn Trà đã “tình cờ” chụp được tấm ảnh "Sơn Trà bị thương". Với người vốn yêu thiên nhiên anh ta đã quyết định phải đưa bức ảnh lên mạng xã hội vào một ngày đầu tháng 3/2017, ngay lập tức tấm hình "Sơn Trà bị thương" đã làm dậy sóng trên mạng xã hội Facebook. Bức ảnh về một Sơn Trà lở loét, bị đào xới, chặt phá… nhận được hàng chục nghìn lượt quan tâm, bình luận, chia sẻ trên khắp các diễn đàn và trang cá nhân khác.

Nối tiếp là ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đã bắt đầu khởi động chiến dịch cứu Sơn Trà bằng việc soạn thảo một bức thư khuyến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ. Khuyến nghị của vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch mong muốn Thủ tướng xem xét lại "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà – TP Đà Nẵng". Thư khuyến nghị của ông Vinh gửi Thủ tướng ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của dư luận. Hàng nghìn người đã cùng nhau ký vào bức thư và đến nay đã có hơn 12.000 chữ ký.

Trước sức ép của công luận Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 12/5/2017 đã yêu cầu bộ VH- TT- DL xem xét kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà (ông là người thay mặt chính phủ ký công bố bản quy hoạch này). Trong những ngày cuối tháng 05.2017 ông cũng đã có một chuyến khảo sát tại bán đảo Sơn Trà để tìm hiểu tình hình thực tế.
Đồng thời gian này văn phòng Chính phủ đã yêu cầu chính quyền Đà Nẵng có báo cáo gửi Thủ tướng trước ngày 30/5. "Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng là bảo đảm phát triển kinh tế nhưng quan trọng là bảo đảm môi trường sinh thái. Sau khi các cơ quan báo cáo thì Thủ tướng sẽ xem xét", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa và thành phố Đà Nẵng chiều 28/5.

Văn phòng UBND TP Đà Nẵng vừa cho biết, ngày 30.5.2017- Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký văn bản báo cáo gửi Thủ tướng liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Trong báo cáo dài 6 trang, chính quyền Đà Nẵng cho rằng kiến nghị "giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú ở Sơn Trà" của Hiệp hội Du lịch  Đà Nẵng là chưa phù hợp với thực tế phát triển du lịch tại TP Đà Nẵng hiện nay, vì theo đánh giá chung công suất buồng phòng hiện nay tại Đà Nẵng chỉ mới đáp ứng 50% lượng khách (chỉ đón được gần 2,5 triệu lượt khách trong tổng số khoảng 5,5 triệu lượt khách đến Đà Nẵng năm 2016). 

Báo cáo cũng đánh giá bán đảo Sơn Trà có tầm quan trọng đặc biệt với TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung về an ninh, quốc phòng; có một hệ sinh thái đa dạng, với gần 1.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật có xương sống ở trên cạn, trong đó có hàng chục loài quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ, nổi nhật nhất là voọc chà vá chân nâu - nữ hoàng linh trưởng.
Báo cáo cho biết ngay từ năm 2012, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 18 dự án đầu tư phát triển có lưu trú cho nhà đầu tư trong nước tại bán đảo Sơn Trà, với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.222 ha và 7 dự án khác (quốc phòng, an ninh, cơ sở tín ngưỡng, hạ tầng kỹ thuật…).
Về kinh tế, khu vực bán đảo Sơn Trà có vai trò quan trọng là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây với cảng Tiên Sa (cảng loại I). Sau khi cảng Liên Chiểu hoàn thành, cảng Tiên Sa có khả năng sẽ được chuyển công năng sang cảng phục vụ du lịch.
"Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng các dự án đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định, đặc biệt về an ninh, quốc phòng với cao trình xây dựng dưới 200 m so với mặt nước biển và không có nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án này được khống chế mật độ xây dựng không quá 10%, tương ứng diện tích khoảng 122,2 ha, chỉ chiếm khoảng 2,75% diện tích bán đảo Sơn Trà", văn bản nêu.

Đến nay, đã có 11/18 dự án du lịch đã được thành phố giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích khoảng 344 ha trên Sơn Trà. Trong đó, ba dự án đã đi vào hoạt động với tổng số 253 phòng; một dự án triển khai chưa hoàn thành là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Tiên Sa; ba dự án đã triển khai một phần, đang tạm dừng và 11 dự án chưa triển khai.
Là đơn vị phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lập quy hoạch, chính quyền Đà Nẵng cho biết đã đồng chủ trì hội thảo, lấy ý kiến với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương có liên quan. Sau khi công bố quy hoạch, ngày 5/4, thành phố đã giao cho các đơn vị liên quan kiểm tra, khớp nối và rà soát tổng thể các dự án tại bán đảo Sơn Trà…”

Trong báo cáo này, UBND TP Đà Nẵng lần lượt nêu ý kiến của mình về 4 kiến nghị của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi Thủ tướng trước đó.
Với kiến nghị "giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà", phía Đà Nẵng cho biết công suất buồng phòng các khách sạn như hiện nay mới chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu. Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú một năm (gần gấp 3 lần) đến năm 2030 theo công suất buồng thực tế thì TP Đà Nẵng cần có gần 58.000 buồng phòng. Đến nay, tại bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đưa vào hoạt động, một số dự án đang xây dựng, do đó việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng là chưa phù hợp", văn bản nêu rõ. 

Chính quyền Đà Nẵng chỉ ghi nhận ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là nên hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà do làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội.
"Bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển", chính quyền Đà Nẵng nêu quan điểm và cho rằng việc tổ chức thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại khu vực bán đảo, nên xin Thủ tướng thời gian 3 tháng để rà soát, báo cáo trước ngày 30/8.


Người ta đã lợi dụng hình ảnh tuyệt đẹp của loài động vật này ? 


LỜI KẾT:

Như vậy là đã rõ, chính UBND thành phố Đà Nẵng đã bác bỏ những kiến nghị của Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng. Hiệp hội du lịch vốn là một tổ chức quần chúng xã hội trực thuộc Sở Du lịch Đà Nẵng – nhưng cũng chính Sở Du lịch Đà Nẵng ra công văn phản đối ý kiền này của ông Vinh, Sở du lịch cho rằng đây chỉ là ý kiến của cá nhân ông Vinh .

Vậy ông Vinh nêu những ý kiến của mình ra là nhằm phục vụ cho ai?
Vì như văn bản trên đây của chính quyền Đà Nẵng đã chỉ rõ ra rằng “ việc tổ chức thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại khu vực bán đảo”. Việc " ảnh hưởng đến các dự án" tức là đụng tới quyền lợi của các chủ đầu tư, là các đại gia nổi tiếng đang đầu tư tại đây - là một nhóm người mà giới kinh doanh bất động sản tại Đà Nẵng ai cũng biết ? 
Việc ông Vinh muốn “hãy giao Sơn Trà cho người Đà Nẵng tự quyết định” như dư luận đang bàn luận là thực hiện ý đồ này của nhóm lợi ích kinh doanh bất động sản này !
Và khi Sơn Trà được giao cho người Đà Nẵng tự quyết thì các dự án đang hàng ngày tàn phá Sơn Trà sẽ được tiếp tục xây dựng - vì nó đã được cấp phép hợp lệ. Khi đấy quyền lợi của các đại gia bất động sản Đà Nẵng sẽ được bào toàn. 
Phải chăng động cơ của ông cũng chỉ là phục vụ cho các nhóm lợi ích ?

Bởi một sự thật khôi hài là ông Huỳnh Tấn Vinh với vị thế là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng  - nhưng 05 năm nay (2012-2017) bán đảo Sơn Trà đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng lập quy hoạch chi tiết và đã bị cho thuê tới 1000 hecta đất. Chính quyền địa phương đã cấp phép cho 18 dự án xây dựng khách sạn và khu nghỉ dưỡng khổng lồ với hơn 4.000 buồng phòng lưu trú – mà ông hoàn toàn không biết gì cả ? 05 năm nay bán đảo Sơn Trà với hàng ngàn xe pháo cày xới bán đảo Sơn Trà nham nhở suốt ngày đêm như một đại công trường (giới báo chí đã chụp hàng ngàn bức ảnh tung lên mạng); nhưng nay phải nhờ một anh chàng câu cá ham vui tình cờ phát hiện ra ông mới giật mình biết được. 
Theo một tờ báo cho biết, khi nhìn thấy bức ảnh ông đã thảng thốt kêu lên: "Chuyện gì đang xảy ra ở Sơn Trà? ". Theo tôi thì ông chỉ là một diễn viên quá tồi.

Tuy nhiên khi được cánh báo chí vây quanh ông Vinh cũng có câu trả lời rất nhanh: “Tại khu vực phía Đông Bắc bán đảo Sơn Trà, Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa đang đào phá để xây dựng, mà không có giấy phép, một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có cùng tên”.
Nhưng một lần nữa ông lại nói bậy, vì sau đó ngày 29.03.2017 khi thành ủy Đà Nẵng có công văn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra buộc công ty này dừng thi công, tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm. Lập tức ngay sau đó ngày 31.03.2017 Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa ông Đinh Đức Cường đã có công văn trả lời phản bác yêu cầu của thành ủy Đà Nẵng; theo đó ông khẳng định việc xây 40 trụ đế móng tại bán đảo Sơn Trà là đúng với các quy định của pháp luật.  
Cũng ngày 4.4.2017 trước sức nóng của dư luận Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu chính quyền Đà Nẵng báo cáo về vụ việc tại Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa trước ngày 15.4. Ngay sau đó, ngày 14/4/2017 Đà Nẵng đã gửi báo cáo cho Thủ tường chính phủ về dự án của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa. Báo cáo cho biết công ty này tuy có sai phạm khi xây các trụ móng mà chưa xin phép cơ quan chuyên môn (Xây dựng) và chưa gửi bản đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên đây là dự án đã được phê duyệt đầu tư đúng pháp luật từ 03 năm trước và đã xây dựng một số hạng mục; nhưng do có khó khăn nguồn vốn nên tạm dừng nay họ mới bắt đầu lại và sẽ được tiếp tục xây dựng khi bổ sung xong hồ sơ xây dựng.

Không chỉ một mình ông Vinh giật mình. Một số quan chức Đà Nẵng cũng đã giật mình. Nay cánh báo chí cũng giật mình khám phá ra rằng -  thì ra mình bị lừa ./.

 ĐKT                             
05.5.2017


Vọc chà vá chân nâu - loài động vật tuyệt đẹp





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...