THẤY GÌ QUA PHONG TRÀO VIẾT SỬ HỌ ĐINH HIỆN NAY !

Đền vua Đinh Tiên Hoàng - ở Ninh Bình. 
      
     Hiện nay cùng với việc lập ra hàng loạt các trang Web và trang Fb mang tên họ Đinh trên các trang mạng xã hội; là một phong trào phải nói là “trăm hoa đua nở” về việc viết lịch sử họ Đinh, phong trào này đang diễn ra khá nhộn nhịp, ai ai cũng muốn mình trở thành một nhà viết sử dòng họ.
     Tôi cũng không biết là nên vui hay nên buồn vì cái phong trào này. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi thì đây là một việc không nên làm, vì đây là một "Việc Họ" khá trang trọng không phải ai muốn làm gì thì làm được. Tiếc thay một số thành viên người họ Đinh lớn tuổi có học vị lại không biết một điều căn bản như vậy mà đã tham gia cái phong trào này !

   I/. LỜI MỞ ĐẦU:
     Sở dĩ có tình trạng này là cho tới nay, họ Đinh VN vẫn chưa có được một tiểu sử chính thức về cội nguồn, về quá trình hình thành và phát triển của họ Đinh. Cũng như chưa có được một câu trả lời đầy đủ về sự hình thành triều nhà Đinh và sự tồn tại của các hậu duệ của tôn thất nhà Đinh sau khi nhà Đinh bị mất ngôi. Nếu có thì đó chỉ là những ghi chép rất sơ sài từ chính sử về sự ra đời và thời gian tồn tại ngắn ngủi của triều nhà Đinh. Còn nguồn gốc họ Đinh thì cho tới nay cũng chưa có một công trình nghiên cứu khoa học lớn nào về nguồn gốc họ Đinh được công nhận và công bố chính thức cả ! 
     Có nhiều lý do khác nhau dẫn tới trình trạng này, như: Do lịch sử địa chính trị của đất nước có quá nhiều biến động; đất nước bị chiến tranh triền miên, bị chia cắt nhiều lần; số lượng người VN mang họ Đinh trong cả nước quá ít. Nhưng có một điều mà ai cũng biết, là cả một thời gian dài những người Họ Đinh VN không có được một tổ chức họ Đinh thống nhất và đủ mạnh để điều hành những "việc họ" trong cả nước. Chỉ mới gần đây mới bắt đầu hình thành nên một số Ban Liên Lạc họ Đinh trong một số tỉnh thành và Ban Liên Lạc họ Đinh VN cũng ra đời nhằm mục đích là kết nối các tộc họ Đinh trong cả nước về một mối. Nhưng như cái tên của các tổ chức họ Đinh này cũng đã nói lên tất cả, chúng ta chỉ mới bước đầu kết nối thông tin liên lạc, tổ chức những buổi gặp mặt; còn những hoạt động chiều sâu thì hoàn toàn chưa có gì !
   - Cho nên hiện nay có một câu hỏi bức thiết được đặt ra cho những người họ Đinh VN, đó là: Đâu là những dòng tiểu sử chính thức về cội nguồn và lịch sử của dòng họ Đinh VN ?
     Tuy biết đây là một vấn đề khá tế nhị trong quan hệ họ tộc hiện nay; nhưng tôi cũng xin mạnh dạn nói lên những suy nghĩ của mình với toàn thể bà con họ Đinh VN; nhằm góp một tiếng nói với mục đích đưa những sinh hoạt trong dòng Họ Đinh chúng ta đi vào nề nếp và quy củ hơn. 
     Vì "việc họ" là một việc được xác lập từ xa xưa, đã trãi qua bao biến chuyển của thế cuộc và sự sàng lọc của thời gian mới tạo nên được những phong tục tập quán trong các dòng họ - đó là những tộc quy, tộc ước; gia pháp, gia phong, gia lễ. Chứ không phải là câu chuyện một sớm một chiều, hoặc những sáng tác bất chợt của một vị chức sắc, hay một ông đầy học hàm học vị nào đấy. Và "việc họ" cũng không thể có chuyện sai rồi sửa sai như chuyện kinh tế, văn hóa, thời sự đang diễn ra tràn lan ngoài xã hội hiện nay.
     Với chúng tôi, những người sinh ra và trưởng thành trong một tộc họ khá lớn và tồn tại lâu đời tại Huế thì việc hình thành và ra đời một cuốn Lược sử của dòng họ là cả một cái gì đó khá trang nghiêm và linh thiêng của cả một dòng họ.
      Tộc họ Đinh Khắc chúng tôi là một dòng họ khá lớn nhưng thời gian hình thành chỉ mới hơn 350 năm, với đầy đủ căn cứ sử liệu, có Gia phả, có Sắc phong, có ngôi Từ đường khá lớn xây dựng từ gần 300 năm nay. Những truyền thống, nghi thức trong tế tự, chạp giỗ, tang gia đều được lưu giữ và phát huy rất tốt trong dòng Họ. Hàng năm vào ngày 21 tháng 8 Âm lịch con cháu Họ Đinh Khắc hiện đang sinh sống khắp cả nước đều trở về tham dự lễ Chạp mộ và gặp gỡ nhau. Dòng họ Đinh Khắc hiện có 8 Chi Phái lớn khắp tỉnh TT – Huế, với số lượng nhân khẩu tới vài ngàn người; có truyền thống học hành, thời nào cũng có người của dòng họ có nhiều chức phận ngoài xã hội, học hàm học vị đầy đủ - nhất là về văn học nghệ thuật. Nhưng trong mỗi chúng tôi chưa có bất cứ ai dám tự cho mình có cái quyền viết nên lịch sử của dòng họ cả! 
      Vì lịch sử của một tộc họ là một cái gì đó linh thiêng và huyền bí lắm. Nó không phải là một cuốn sách hay một tờ báo bình thường mà ai muốn viết thì viết.
      Cuốn sử liệu này nếu được viết, là phải do những bậc thức giả có nghề được toàn thể dòng Họ chọn ra từ những người có nghề, có tâm và có uy vọng là thành viên trong tộc Họ (hoặc thuê mướn bên ngoài). Sau khi bộ sách được viết ra một cách trang trọng; nó sẽ cùng với những bản Sắc Phong và bộ Gia Phả sẽ được đặt một cách trang trọng trên một cái lồng kính trong một cái trang thờ ở hậu tẩm của Từ đường. Không ai có quyền đọc cái bộ ba sách này cả, nếu ai cần hỏi gì thì sẽ có một vị "Chức việc" của dòng họ trả lời cho; nếu cần tham khảo thì người Chức việc này sẽ đọc sau đó trả lời lại cho người hỏi. Nếu có trường hợp cá biệt có người bên ngoài muốn tham khảo thì phải được sự đồng ý của hội đồng Gia tộc và của tộc trưởng, sau đó phải làm một cái lễ nhỏ xin phép tổ tiên và khi đọc phải thật trang trọng và nâng niu như vật báu.
     Đây là những thành tố tạo nên một tập tục, nhưng tại khu vực Thuận hóa – Huế nó không phải chỉ là một tập tục đơn thuần mà đã được nâng nên thành một tín ngưỡng, đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên !

    II/. SỬ HỌC, LỊCH SỬ:        
     1/. Sử học:
     Trước hết phải xác định "viết sử là một nghề, muốn viết sử, phải biết phương pháp sử học. Người viết sử phải được luyện rèn tay nghề, phải đọc các sách dạy nghề, tức các sách viết về phương pháp sử học, ..." (GS. Hà Văn Tấn) chứ không phải muốn viết như thế nào thì viết!
     Theo đó, việc xác định đâu là nguồn sử liệu chính thức có giá trị nhất để chúng ta căn cứ vào đó viết nên lịch sử một vùng miền hay lịch một dòng họ là chuyện hệ trọng nhất. Trong các sách dạy nghề, tức các sách viết về phương pháp sử học, thường nói đến hai bước cơ bản trong công tác sử học: Bước thứ nhất là từ sử liệu, khôi phục sự kiện. Bước thứ hai là giải thích và đánh giá sự kiện.
    a). Bước thứ nhất là từ sử liệu, khôi phục sự kiện
    - Ngay từ bước thứ nhất, đã có những khả năng dẫn nhà sử học xa rời sự thật. Đó là vì sử liệu thiếu, và phổ biến hơn, vì sử liệu không được phê phán nghiêm túc. Người ta chia sử liệu ra làm hai loại: sử liệu trực tiếp và sử liệu gián tiếp. Sử liệu trực tiếp xuất hiện cùng thời với sự kiện. Còn sử liệu gián tiếp là sử liệu nói đến sự kiện này qua một người thông tin gián tiếp, tức tác giả sử liệu. Loại sử liệu này cần được giám định cẩn thận, vì thông tin nhận được đã qua trung gian người thông tin. 
    - Hiện nay, nhiều công trình sử học đã sử dụng những nguồn sử liệu gián tiếp một cách thiếu thận trọng. Sử liệu gián tiếp bao gồm cả những lời kể về sau của những người đã chứng kiến sự kiện. Các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, lịch sử Đảng hay lịch sử dòng họ thường sử dụng nguồn tài liệu này. Những lời kể như vậy cần được phân tích so sánh với các sử liệu khác, nếu không, dễ dẫn đến tình trạng là cùng một sự kiện, có thể được trình bày rất khác nhau. Trong thực tế có một tình trạng là nếu người cung cấp thông tin là người hiện có uy lực chi phối ở địa phương (hay ở dòng họ) thì lịch sử sẽ được viết theo cách nhìn nhận của người đó.
     b). Bước thứ hai là giải thích và đánh giá sự kiện.
     Đây là vấn đề quan trọng nhất, bởi ngoài việc tìm kiếm sử liệu và khôi phục sử liệu ra, thì cần phải xác định và đánh giá nguồn sử liệu đó được hình thành nên dưới góc nhìn và chính kiến nào.
    Không thể tự tiện kết luận một sự kiện, một dấu tích, một giai đoạn lịch sử của đất nước hay của một dòng Họ theo quan điểm chủ quan và phiến diện của một vài cá nhân hoặc chỉ qua một cuộc hội thảo được tổ chức vì nhiều mục đích khác nhau dưới cái mác "Hội thảo khoa học". Tất cả mọi kết luận phải được xem xét một cách cẩn thận dưới nhiều góc nhìn và phản biện khác nhau. Phải căn cứ vào những cơ sở khoa học nghiêm túc, những lập luận chặc chẽ của những người thật sự có chuyên môn. Càng không thể căn cứ vào ý kiến chỉ đạo hay quan điểm của một vài vị chức sắc, một vài người có học hàm - học vị mà đã vội kết luận một sự kiện lịch sử. Cuối cùng cũng cần phải xem nhu cầu thật sự của những kết luận khoa học đó là nhằm mục đích gì ?
      Trong sử học không bao giờ có chuyện lấy những truyền thuyết dân gian hoặc những câu chuyện huyền thoại làm tư liệu lịch sử cả; vì sự thật lịch sử khác hoàn toàn với truyền thuyết dân gian. Nhà sử học có nghề tất nhiên phải biết phân biệt được đâu là sự thật lịch sử đâu chỉ là huyền thoại.
       Ngoài ra trong giới sử học còn có một bộ phận những người làm công tác phản biện, đó là những nhà nghiên cứu chuyên sâu về từng mảng chuyên môn, từng giai đoạn của lịch sử. Trách nhiệm của những nhà nghiên cứu này là không bao giờ được phép thỏa mãn với những gì đã có sẵn. Công việc của họ là phải tìm tòi khám phá những cái mới, những điều chưa ai biết hoặc chưa được công bố. Điều này không có nghĩa là họ phải phủ nhận những cái cũ, nhưng trách nhiệm của họ là phải tìm ra trong những điều đã có đó, đâu là sự thật - đó là công việc mà ngày nay người ta gọi là SỬ HỌC.
     2/. Lịch sử:
   Trong các bộ sách lịch sử, hay trong các sách giáo khoa được dùng để giảng dạy trong các trường phổ thông ngày nay, các nhà viết sử viết rằng : Đất nước ta có hơn 4.000 năm lịch sử, lịch sử dân tộc và đất nước trãi dài từ thời Hồng Bàng (2879-258 TCN) với tên nước là Văn Lang. Sau đó là thời Thục An Dương vương (157-207 TCN) tên nước là Âu Lạc. Sau khi nước Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính (năm 207- TCN), nhập vào nước Nam Việt, từ đó nước ta bị nhập vào các vương triều cổ đại Trung Hoa. Dưới thời Bắc thuộc, nhà Hán chia nước ta thành các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Cuối thời Đông Hán đổi gọi là Giao Châu. Năm 544 Lý Bí lãnh đạo nhân dân Giao châu nổi lên khởi nghĩa đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương. Cuộc khởi nghĩa thành công đưa Lí Bí lên ngôi vua hiệu là Nam Việt vương đặt tên nước là Vạn Xuân. Năm 602, nhà Tùy (623-617) chiếm lại nước ta đặt thành Giao Châu. Năm 622 nhà Đường (618-907) lập Giao châu Đô hộ phủ. Năm 907 (SCN) sau khi nhà Đường mất ngôi, xã hội Trung Hoa đại loạn; vùng Giao Châu không ai cai quản, lợi dụng dịp này các thế lực địa phương nổi lên chiếm cứ từng vùng, xưng hùng xưng bá trên vùng đất mình chiếm được. Xã hội Giao châu đại loạn vì các thế lực này đánh nhau liên tục nhằm tranh giành lãnh địa. Mãi cho tới năm Mậu Thìn (968 - SCN), Đinh bộ Lĩnh đánh dẹp các thế lực các cứ (tục gọi là loạn Thập nhị sứ quân), lên ngôi vua xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt; mở ra một thời kỳ mới - độc lập tự chủ cho cho dân tộc Việt. 
     Nhưng với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử của cả trong và ngoài nước, thì lịch sử thời kỳ này của VN cần phải xem lại và có những đánh giá cẩn thận hơn. Vì với những chúng cứ mới phát hiện gần đây đã chứng tỏ lịch sử thời kỳ này của VN không phải như vậy. Nhất là lịch sử thời kỳ từ năm 207(TCN) trở về trước với hai nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, theo họ hai "nhà nước" với thời gian tồn tại hơn 2.600 năm này hoàn toàn không có !

    III/. SỰ THẬT LỊCH SỬ HAY TRUYỀN THUYẾT:   
     Với các nhà sử học quốc gia ngoài trách nhiệm chép sử họ còn phải có những nhận định và đáng giá chính xác về lịch sử. Những nhận định hay đánh giá lịch sử của họ có thể đúng hoặc có thể sai với lịch sử là tùy theo yêu cầu của thể chế chính trị mà họ đang phục vụ. Nhưng với những người viết sử địa phương hay sử các dòng họ, do không bị tác động nhiều về nhu cầu chính trị; cũng không nên tự biến mình thành những người "sáng tác" lịch sử mà hãy đặt lịch sử địa phương mình hay lịch sử dòng họ mình vào dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước. Nếu không làm được điều này thì những "tác phẩm" mà họ viết ra chỉ là những cuốn tiểu thuyết. 
     Có một thực tế mà không phải ai cũng biết, đó là những cuốn Gia phả, hay những cuốn lịch sử các dòng họ không phải được viết ngay khi các cụ tổ một dòng họ nào đấy đến lập nghiệp tại một vùng đất mới. Mà cuốn gia phả này chỉ được viết thường là từ đời thứ 5 trở lên, tức  là khoảng gần 100 năm sau khi cụ tổ lập họ. Tức nhiên những gì viết trong đó thường chỉ là qua những lời kể lại của những bậc cha ông, đây là đối với những dòng họ có điều kiện hoặc trong gia đình có người biết chữ có học hành. Đối với những gia đình ở thôn quê điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu học hành thì thời gian ra đời của bộ gia phả có thể kéo dài thêm vài thế hệ. Vì ngày xưa việc mời cho được một người biết chữ (chữ Nho), biết một chút về lịch sử làng, lịch sử trong vùng về viết Gia phả không phải là một chuyện dễ dàng, vì với điều này thì chỉ cách đây mới hơn 100 năm là rất khó khăn. Vì người viết phải là một người ngoài việc biết chữ (chữ Nho), thì phải có kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa và thuần phong mỹ tục địa phương khá sâu rộng. Người viết ngoài việc nghe trình bày và thu thập những tư liệu gia chủ đưa ra, còn phải biết ghép nối các sự kiện, hệ thống lại theo lịch sử và thuần phong mỹ tục của địa phương và một phần nào đó là vào tiến trình lịch sử chung của đất nước. Thời xưa những người được mời làm công việc cao quý này thường là các công chức cấp cao về hưu.
     1/. Sự thật lịch sử:
    Hiện nay đa số các bộ Sơ khảo (hay lược sử) hoặc Gia phả của các tộc họ mà Viện sử học hoặc Viện Hán - Nôm thu thập được cho đến nay của các dòng họ tại Việt Nam, cho thấy việc xác định cội nguồn và lịch sử của các dòng họ thường căn cứ vào hai hướng chính. Đó là căn cứ vào lịch sử Trung Hoa và căn cứ vào 02 bộ chính sử chính của VN :
    a). Hướng thứ nhất, đó là “Tìm cội nguồn tộc họ theo sử Trung Hoa”
   Xưa kia các sử quan dưới thời phong kiến ở nước ta được dạy rằng : vị tổ xa của chúng ta là Toại Nhân làm ra lửa, sau đó là Phục Hy, Thần Nông và núi Thái - sông Nguồn. Họ bị buộc phải nhận những ông vua thời Tam hoàng - Ngũ đế và cả Phục Hy, Thần Nông làm tổ. Tức là các dòng họ tại Việt Nam đều có xuất phát từ nước Trung Hoa. Điều này đã trở thành hoài niệm ám ảnh trong tâm linh những thế hệ người Việt sau này. Đây là cách thể hiện chính trong các bộ gia phả hay lược sử cổ được viết từ thời Hậu Lê trở về trước; với văn phong và quan điểm của các Nho gia theo Nho giáo. Đây là lý do của câu chuyện Đường hiệu hoặc Quận hiệu tại nước ta, hiện nay vẫn còn trong các tộc họ tại VN. 
    b). Hướng thứ hai là căn cứ theo Sử Việt:
    Đây là cách thể hiện trong việc xác định cội nguồn của các tộc họ trong các bộ gia phả (hay lược sử) mới lập từ thời Trịnh - Nguyễn (1623) và nhà Nguyễn (1802) trở về sau. Các bộ gia phả được lập vào thời kỳ này được viết khá quy củ và thậm chí là khá thống nhất trong các vùng. Việc này có được là do được nhà nước quy định khá chặc chẽ, được hướng dẫn về cách trình bày, văn phong; nên khi đọc chúng ta thường thấy cách trình bày khá giống nhau. Các bộ gia phả hay lược sử thường căn cứ vào các mốc thời gian và sự kiện trong hai bộ Quốc sử lớn của dân tộc:
    - Bộ thứ nhất là Đại Việt sử ký (chữ Hán: 大越史記) là bộ quốc sử đầu tiên của nước Việt Nam do Hàn lâm học sỹ Lê Văn Hưu (chữ Hán: 黎文休);1230-1322 - là nhà sử học đời nhà Trần soạn ra, gồm 30 quyển, chép lịch sử Việt Nam từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Bộ sử hoàn thành năm 1272, dưới triều vua Trần Thánh Tông.
    - Bộ thứ hai là Đại Việt sử ký toàn thư (chữ Hán: 大越史記全書), đôi khi gọi tắt là Toàn thư, do Sử quán triều Hậu Lêgồm các sử quan tiêu biểu: Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy, Nguyễn Quý Đức biên soạn, dựa trên cơ sở của Đại Việt sử ký. Bộ sách được phát hành năm 1697. Ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.
      2/. Hay chỉ là truyền thuyết:
     Nhưng với các nhà nghiên cứu sử ngày nay, với tiêu chí hoạt động là phải tìm ra sự thật và đánh giá lại những gì đã được viết trong những bộ sử đã công bố. Vì với trình độ học vấn, nghiên cứu ngày càng cao; với điều kiện nghiên cứu khá tốt hiện nay. Sau một thời gian dài tìm tòi, khám phá rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra có một cái gì đó khá là bất ổn về cách trình bày quá trình hình thành và phát triển của lịch sử nước ta. Nhất là lịch sử các nhà nước cổ đại Văn Lang và Âu Lạc; cụ thể ở đây là lịch sử nước ta từ những năm đầu Công Nguyên trở về trước, có một cái gì đó không đúng. 
     Qua nghiên cứu đã cho chúng ta thấy lịch sử của thời kỳ này - từ năm 207(TCN) trở về trước; như sử Việt chép thật tế chỉ là những câu chuyện truyền thuyết; không có bất cứ một cơ sở khoa học nào cả !
     Vì qua thực tế nghiên cứu gần đây khi nghiên cứu cổ sử Trung Hoa cổ đại. Qua so sánh, đối chiếu với hai bộ sử VN nói trên, cho thấy các sử thần và sử quán triều Lý, Trần và Hậu Lê khi viết về lịch sử thời kỳ Văn Lang và Âu Lạc họ cũng chỉ căn cứ vào các bộ sử của Trung Hoa. Nguồn sử liệu mà họ dựa vào chính là lấy từ 4 tài liệu của cổ sử Trung Hoa, đó là Giao châu ngoại vức ký (chữ Hán :     ), Quảng Châu ký (chữ Hán:   ), Nam Việt chí (chữ Hán:   ) và Nhật Nam truyện (chữ Hán:   ). Nhưng đây thực ra chỉ là những bộ truyện dã sử. 
     Những bộ truyện này chỉ là những bản chép tay do những nhà Nho người Hán sống tận bên vùng Trung Nguyên xa xôi của các vương quốc Trung Hoa cổ đại đã ghi chép lại những câu chuyện truyền miệng trong dân gian, về một vùng đất phương Nam xa xôi mà tổ tiên họ từng chinh phạt, từng thống trị. Thực chất đây chỉ là những câu chuyện kể, được viết ra từ 400 - 600 năm sau khi các sự kiện xảy ra. Với khoảng cách địa lý hàng ngàn dặm thì đó thực ra chỉ là những câu chuyện thần thoại do các tác giả hư cấu nên?
     Về thời kỳ lịch sử nước ta từ năm 207(TCN) - 968 (SCN) (mà sử ngày nay gọi là thời kỳ Bắc thuộc), cũng có khá nhiều những nghi vấn cần làm rõ. Vì khi viết về lịch sử thời kỳ này các sử thần thời Trần và Hậu Lê gần như là chỉ căn cứ vào các bộ sử của các triều đại Trung Hoa tồn tại tương ứng cùng thời gian với các sự kiện xảy ra tại nước Việt. Cho nên ngoài góc nhìn và nhận định lịch sử của các sử quan Trung Hoa trong vị thế của những kẻ thống trị thiên triều không thể khách quan. Thì nếu những ghi chép lịch sử thời kỳ này chỉ dựa hoàn toàn vào họ thì các sử quán của ta chỉ thu được những sự kiện lịch sử không thể gọi là chính xác được ! 
     Cho nên hiện nay có một câu hỏi khá lớn được đặt ra cho giới sử học VN và thế giới là: Giai đoạn lịch sử của VN từ thời Hùng Vương năm 2879-TCN đến năm 939-SCN dưới triều nhà Ngô là có chính xác không và có đáng tin không. 
     Đây là sự thật lịch sử hay chỉ là những câu chuyện truyền thuyết ?
      3/ Phân tích:
    Hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu sử lớn, nghiêm túc tại VN và nước ngoài đã đánh giá hoặc đã phản bác lại giai đoạn lịch sử này như chính sử VN công bố trước đây. Thậm chí họ cho rằng chuyện Thục Phán lật đổ vua Hùng là không có thật, vì lúc này làm gì có được cái “nhà nước Văn Lang” để mà lật đổ. Chuyện cha con Triệu Đà dùng mưu đoạt nỏ thần của Vua Thục sau đó đánh chiếm Âu Lạc cũng là chuyện không có thật, nên không thể có câu chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Vì theo nghiên cứu là không có nước Âu Lạc, không có Vua Thục Phán…. Mà đó chỉ là những câu chuyện các bộ lạc đang sống trong các ngôi làng nhỏ, riêng biệt với dân số thường là vài trăm người hay đánh nhau tranh giành đất đai, của cải hay một chuyện vặt vãnh nào đó mà thôi!
      Tôi đã đọc khá nhiều công trình nghiên cứu về giai đoạn này của lịch sử VN của các tác giả nước ngoài thậm chí là các luận văn tiến sĩ nhưng hầu hết đều không công nhận lịch sử giai đoạn này của ta như các công bố của nhà nước ta đã công bố. Và các nhà chính trị VN sau khi được giáo sư Phan Huy Lê góp ý với chính Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã đính chính lại câu nói "nước ta có bốn ngàn năm lịch sử" thành câu "nước ta có hàng ngàn năm lịch sử" là một ví dụ cụ thể nhất! 
     Theo đó giai đoạn này thiết chế nhà nước chưa hình thành trên vùng Bắc bộ nước ta ngày nay, dân ta đang sống theo hình thức bộ lạc, trong những cái làng do các tù trưởng cai quản và hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Riêng trong nhóm “tứ trụ”(Lâm, Lê, Tấn, Vượng) của nền sử học hiện đại VN đáng chú ý nhất là quan điểm của GS. Hà Văn Tấn – ông cho rằng "cái gọi là nhà nước Văn Lang thật ra chỉ là một cái làng lớn"
      Một trong những lý do dễ nhận biết nhất cho quan điểm này của GS Hà Văn Tấn đó là quy mô dân số. Lúc này dân số tại khu vực này quá ít, không thể có bất cứ một hình thức nhà nước nào có thể hình thành dựa trên quy mô dân số như vậy được. Những ghi chép sớm nhất có liên quan tới vấn đề này còn lưu lại cho tới nay cũng đã khẳng định nhận định này của chúng tôi là có cơ sở. Theo đó, bộ sách Sử ký (史記) của Tư Mã Thiên (sử gia Trung Hoa) được viết vào khoảng năm 145 TCN – 86 TCN, đây chính là bộ sách lịch sử cổ nhất của nước Trung Hoa. Bộ sách cũng có ghi chép một chút về lịch sử vùng đất này, cho biết vào thời nhà Tần (chữ Hán: 秦朝,năm 221- 206 TCN); dân số khu vực này chỉ có vài ngàn người. 
      Mãi cho tới gần 1000 năm sau, các bộ sử thời nhà Đường (618-904, SCN) cho biết, vào thời Vua Đường Duệ Tông (chữ Hán - 睿宗)Lý Đán (chữ Hán - 李旦); trị vì từ năm 684- 690 (với niên hiệu Thùy Củng 垂拱), vùng đất mà sau này thành nước Đại Cồ Việt thời nhà Đinh gồm có 03 quận là quận Giao Chỉ, quận Cửu chân và quận Nhật Nam. Trong đó quận Giao Chỉ có 9 huyện chỉ có 30.056 dân; quận Cửu Chân gồm 7 huyện có 16.135 dân; quận Nhật Nam có 8 huyện nhưng chỉ có 9915 dân. Tổng dân số của 03 quận này chỉ có 56. 106 người dân. Tức là dân số trên vùng đất là lãnh thổ nước Đại Việt sau này; vào năm 690 là chưa tới 6 vạn người. Theo sử gia Trần Trọng Kim cho biết thì "vào thời Hùng Vương dân số Văn Lang chỉ có vài ngàn người; mãi tới đầu thời nhà Đinh (năm 968), dân số nước Đại Cồ Việt cũng chưa tới 01 triệu người."
       4/. Kết luận:
     Từ những sự thật trên đây, những người nghiên cứu sử có chuyên môn đã rút ra được những căn cứ khoa học cho những luận văn hay những công trình nghiên cứu của mình, đó là: 
    - Vào những năm đầu Công lịch trở về trước, trên vùng châu thổ sông Hồng, chỉ có khoảng dưới 3 ngàn cư dân sinh sống. Những cư dân này lúc ấy vẫn đang sống dưới xã hội công xã nguyên thủy, chưa có giai cấp. Họ sống khép kín, tự cung tự cấp trong những ngôi làng do các vị trưởng làng có thế lực cai quản và sống biệt lập với thế giới xung quanh. Hoàn toàn chưa có chữ viết, chưa có dòng họ và cũng hoàn toàn chưa có bất cứ cái hình thức nhà nước sơ khai nào xuất hiện trên vùng đất này. 
    - Khi người Việt đang sống như những bộ lạc sơ khai, chưa có nhà nước, chưa có chữ viết chưa có những khái niệm về dòng họ; tức là chưa có sử quán – sử quan (cơ quan chép sử - người chép sử), thì những gì ghi chép trong sử sách ngày nay nói về lịch sử các nhà nước của thời kỳ này, hay những sinh hoạt văn hóa chính trị ở cấp độ nhà nước, chỉ là những câu chuyện thần thoại vô căn cứ. 
      Thực tế cho thấy, cho tới nay chúng ta cũng không thể tìm thấy bất cứ một dòng sử sách nào của các nhà nước (hay trong nhân dân) được viết vào giai đoạn từ thế kỷ thứ 10 trở về trước còn lưu lại được cho tới ngày nay. Cộng với đó những di tích văn hóa vật thể (tức là những công trình do con người xây dựng như thành quách, đền đài miếu mạo, công trình quân sự, di tích văn hóa...), với những danh xưng, những địa danh như thành Cổ Loa, thành Tống Bình, thành Phong Châu ... được cho là đã xây dựng trên khu vực là lãnh thổ các nhà nước của người Việt từ thế kỷ thứ 10 trở về trước như sử chép. Nhưng sau hơn 100 năm tìm kiếm đào bới khắp trên mặt đất của vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ của cả người Pháp và người Việt chúng ta, cuối cùng tất cả chỉ là một con số không tròn trĩnh. Do quá thất vọng, một nhà quản lý kiêm nhà khảo cổ học + sử học nổi tiếng của nước ta đã yêu cầu tìm kiếm dưới mặt nước, nhưng kết quả vẫn chỉ là một câu chuyện buồn.
    - Mãi tới năm 1272 - SCN (thờ nhà Trần) mới có bộ sử đầu tiên của nước Việt được viết ra để ghi chép lại toàn bộ lịch sử của hơn 3000 năm trước đó. Bộ sử này được đánh giá là chỉ ghi chép lại được chính xác lịch sử khoảng 300 năm. Tức là từ thời kỳ họ Khúc dấy nghiệp tại Giao Châu (năm 906) - mở ra thời kỳ tự chủ cho dân tộc ta, cho tới khi bộ sử ra đời (1272). 
     Còn những ghi chép từ năm 906 (SCN) trở về thời nhà Tần 221- 206 (TCN), thì chỉ dựa hoàn toàn vào sử sách Trung Hoa như nói trên đây. Nhưng sử Trung Hoa họ chỉ ghi chép khá đơn giản về lịch sử và những hoạt động quản lý hành chánh ở vùng này; vì Giao Châu chỉ là một quận nhỏ (tuy có lúc phát triển thành 03 quận) trong hàng trăm quận của nước Trung Hòa cổ đại rộng lớn, đây lại là vùng xa xôi nhất về phía Nam. Dân số lúc đầu chỉ có vài ngàn dân, thời kỳ cuối thì chưa tới 01 triệu người. Vùng này cũng không có di tích văn hóa lịch sử nào lớn; trong vùng cũng không có sự kiện lịch sử gì quan trọng xảy ra ảnh hưởng đến đại cục của nước Trung hoa cổ đại cả. 
    Cho nên trong sử sách Trung Hoa cổ, khi ghi chép về lịch sử vùng Giao Châu họ chỉ ghi chép những công việc trong quản lý hành chánh trong vùng, về quy mô dân số, về số ruộng đất, thuế khóa, chi tiêu. Sau đó là một vài biến động về nhân sự trong bộ máy, số lượng quân trú đóng; tóm tắt về các cuộc khởi nghĩa, nổi lên năm nào, bị dẹp năm nào, kể tên các nhân vật cầm đầu, về số người tham gia v.v... , tất cả đều chỉ là vài dòng tóm tắt với những chi tiết rất đơn sơ. Nhưng khi những chi tiết này tới tay các nhà viết sử Việt Nam thời Lý - Trần, Hậu Lê và các triều đại sau đó thì nó đã được phát triển thành những chương hồi khá là chi tiết thậm chí là dài dòng với những tuồng tích sự kiện do các tác giả tự suy diễn ra. Các thế hệ sử quan của các triều đại sau thì cứ căn cứ vào đó mà chép lại rồi lại thêm thắt ý tứ của mình vào cho nó hay hơn. Và cái chu trình này cứ lập đi lập lại cho đến tận cả ngày nay và các sử quan gọi là lịch sử, thậm chí người ta còn gọi đó là "chính sử" ! 
    Tức nhiên các nhà sử học chuyên nghiệp ở trong nước và của nước ngoài có kiến thức đầy đủ thì họ không bao giờ tin câu chuyện này cả, nhất là lịch sử nước ta từ năm 906 (SCN) trở về trước; vì đó không phải là sự thật lịch sử .
     - Tiện đây tôi cũng xin nói một chút về việc triều nhà Đinh và nhà nước Đại Cồ Việt đã ra đời trong hoàn cảnh nào. Đó là thời kỳ những năm cuối thế kỷ 9 và đầu thế kỷ 10 (SCN); đây là thời gian mà sử ngày nay gọi là giai đoạn "bắt đầu thời kỳ tự chủ"Đây cũng là vào những năm cuối cùng của triều đại nhà Đường hùng mạnh và vang bóng một thời. Thời kỳ này xã hội phong kiến Trung Hoa bắt đầu lâm vào loạn lạc, tình trạng cát cứ nổi lên khắp nơi, các chư hầu đánh nhau loạn xạ nhằm tranh giành ngôi vua của nhà Đường. Năm Đinh Mão (907) nhà Đường mất ngôi, đất nước Trung Hoa bị chia năm xẻ bảy, đây là thời kỳ mà trong lịch sử Trung Hoa gọi là thời Ngũ Đại (năm nước). 
     Lợi dụng dịp vùng Giao Châu không ai cai quản (năm 906), các hào trưởng, những quan lại và những dòng họ có thế lực tại đây đã tự nổi lên chiếm lấy một vùng. Sau đó họ xưng hùng xưng bá trên vùng đất mình chiếm cứ, như những ông vua thực thụ. Lúc đầu chỉ có vài thế lực lớn như Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền; mà có một vài cuốn sử cho rằng họ đã lập nên những triều đình hay nhà nước nào đó trong thời kỳ này. Nhưng sự thật không phải như vậy. Bởi khi một thế lực nào đó chiếm được trung tâm hành chính của Giao Châu là thành Tống Bình từ tay đối thủ, sau đó họ tự xưng là Tiết độ sứ (thậm chí có vài thế lực sau khi giành được thành Tống Bình đã cử người lặn lội qua tận Trung Hoa, xin thiên triều công nhận cho mình cái chức Tiết độ sứ mà mình vừa giành được), nhưng những thế lực khác vẫn chực chờ bên ngoài thành Tống Bình. Và chỉ một thời gian ngắn sau, khi một thế lực khác mạnh hơn tiến về chiếm lại thành Tống Bình rồi họ lại tiếp tục tự xưng là Tiết Độ Sứ, sự kiện này cứ lập đi lập lại nhiều lần từ đầu thế kỷ thứ 10 cho tới năm 968. Nhưng Tiết độ sứ chỉ là cái chức quan mà triều đình nhà Đường trước đó đặt ra cho viên quan được họ cử sang cai quản vùng Giao Châu (các thế lực này không ai xưng vương như sử ta chép cả!).
      Tới khoảng năm Giáp Dần (954), thì đã có hàng trăm thế lực nổi lên, mỗi thế lực chiếm cứ một vùng. Nhưng vì xung đột lợi ích, họ đã liên tục đánh nhau nhằm chiếm đất giành dân hoặc tiêu diệt nhau. Khiến cho đất nước lâm vào cảnh loạn lạc, dân tình đói khổ trong hơn 50 năm. Dần dần chỉ còn lại 12 thế lực mạnh nhất tồn tại, chiếm cứ thành 12 vùng lãnh thổ riêng mà sử gọi là loạn 12 sứ quân, một trong những thế lực đó chính là Đinh bộ Lĩnh. Cuối cùng Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp các thế lực khác thống nhất 12 sứ quân lập ra nhà nước Đại Cồ Việt vào năm Mậu Thìn (968), ông lên ngôi vua gọi là Đinh Tiên Hoàng.
     - Cho nên xin thưa với các vị đã và đang viết về lịch sử họ Đinh, hoặc lịch sử các chi tộc họ Đinh trong cả nước, rằng: Những câu chuyện, những cái gọi là tư liệu về những người mang họ Đinh thời Hùng Vương, các nữ tướng mang họ Đinh trong đội quân của Hai bà Trưng và các tướng lĩnh mang họ Đinh trong các đội quân khởi nghĩa sau đó vào thời Bắc thuộc - thực tế cũng chỉ là những câu chuyện truyền thuyết. Những câu chuyện này cũng chỉ mới được xây dựng nên vào thời Hậu Lê (Lê Trung hưng - thế kỷ 17), được một số thành viên người họ Đinh thích sáng tác lịch sử mới đây đã cóp nhặt trên các trang mạng xã hội sau đó đưa vào các sáng tác của mình. Thậm chí có ý kiến cho rằng trong các dân tộc thiểu số có người mang họ Đinh và cho rằng đó là con cháu họ Đinh – nhưng xin các vị hãy xem lại tính chủng tộc của ý kiến này? 
     Hiện nay tại một số tộc họ Đinh ở khu vực duyên hải Bắc bộ nhất là ở hai tỉnh Ninh bình và Hải dương có lưu giữ một số bản Gia phả và văn bản Hán Nôm được cho là cổ có lưu truyền về nguồn gốc dòng họ Đinh – nhưng qua nghiên cứu, các văn bản này cũng chỉ mới được viết từ thế kỷ 17.
    
     IV/. KIẾN NGHỊ :
     Qua thực tế này, mong rằng các tổ chức họ Đinh, các dòng Họ Đinh và toàn thể những người họ Đinh VN hãy sớm tìm ra một hướng phát triển mới và toàn diện hơn cho họ Đinh VN. Về văn hóa - lịch sử nên lập ra một ban chuyên môn, mời những người có nghề, có tâm huyết với dòng họ tham gia. Yêu cầu bà con họ Đinh cả nước sưu tầm tư liệu về lịch sử dòng họ ở các nơi, gửi tập trung về một đầu mối duy nhất. Sau đó tổ chức một cuộc hội thảo chính thức, mời các nhà khoa học lịch sử của Viện sử học VN và Hội khoa học lịch sử VN tham gia phản biện để chọn ra những tư liệu hay nhất, đúng nhất và có tính khoa học nhất. Sau khi có được kết luận thống nhất giữa các nhà chuyên môn thì tiến hành biên tập lại; sắp xếp và trình bày thành một cuốn sử liệu chính thức về lịch sử dòng họ. Tiếp đó phải công bố để lấy ý kiến của toàn thể những người họ Đinh VN, trước khi phát hành chính thức. Về thủ tục thì có lẽ đa số những người có trách nhiệm hiện nay trong các tổ chức họ Đinh đã biết. Nhưng đâu là hình mẫu để cho những người họ Đinh có kiến thức chuyên môn sâu về lịch sử biết; để tham gia tìm kiếm và xây dựng nên một bộ lịch sử chính thức của dòng họ nhằm sử dụng hiện nay, để công bố với bên ngoài và để lưu truyền cho hậu thế. 
    Qua quá trình dài nghiên cứu sử Việt và văn hóa tộc họ của mình, tôi đã nghiên cứu bộ Gia Phả lớn nhất và đầy đủ nhất tại VN từ xưa tới nay là GIA PHẢ triều Nguyễn và tộc họ Nguyễn, qua đó cho thấy:
    - Họ Nguyễn là tộc họ hiện nay chiếm gần 40% dân số VN, đây là tộc họ lớn nhất VN hiện nay. Họ Nguyễn là dòng họ có triều Vua cuối cùng của VN, đó là nhà Nguyễn. Qua các triều đại và kể cả hiện nay những người mang họ Nguyễn luôn luôn là những người thành đạt nhất và chiếm số lượng nhiều nhất trong tất cả các lĩnh vực từ văn hóa xã hội cho đến kinh tế chính trị qua các thời kỳ của xã hội VN.
    Họ Nguyễn (và triều Nguyễn), tuy đã xây dựng nên một bộ gia phả đồ sộ và đầy đủ nhất VN, nhưng theo những nhà nghiên cứu gia phả thì nó khá đơn giản. Vì tuy trong bộ gia phả này con cháu họ Nguyễn công bố rõ ràng rằng “người mang họ Nguyễn đã có từ rất lâu trên đất nước VN” – nhưng họ không có ghi chép và công nhận giai đọan lịch sử dòng họ dưới thời Bắc Thuộc. Họ nói rằng “Ta chỉ có dòng họ khi ta có tổ quốc”. Họ chỉ công nhận lịch sử nhà nước Việt Nam, là bắt đầu từ thời nhà Đinh - nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của VN. Và họ lấy năm Mậu Thìn (968 - SCN) năm thành lập triều nhà Đinh làm năm hình thành dòng họ Nguyễn. Đồng thời con cháu triều Nguyễn và họ Nguyễn đã tôn danh tướng Nguyễn Bặc của triều nhà Đinh (968-980) làm ông tổ của mình, tức là họ Nguyễn chỉ có từ thời nhà Đinh.
     - Sau khi nhà Nguyễn Phước nắm quyền lực (1802), các vị vua nhà Nguyễn và con cháu họ Nguyễn đã tập trung nhân tài vật lực nghiên cứu truy tầm lịch sử của dòng họ mình, kể cả ở Trung Hoa. Nhưng sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu - họ đã có cái kết luận như nói trên đây; họ cho rằng không cần thiết phải bới móc tìm kiếm những người mang họ Nguyễn trong thời ta chưa có nhà nước. Tôi có trao đổi với một vài vị cùng giới là người họ Nguyễn nhưng họ trả lời là không cần thiết. Vì họ cũng đã tìm nhưng đó chỉ là những câu chuyện thần thoại vô căn cứ và không có bất cứ cơ sở khoa học nào cả nên họ thống nhất là không tìm. 
    - Hiện nay đã có rất nhiều dòng họ tại VN (bách tính) đã lấy đây làm hình mẫu trong việc tìm kiếm về cội nguồn của mình, cũng như xây dựng nên một bộ sử hoàn chỉnh, thống nhất cho dòng Họ và cho từng tộc họ của mình. Tôi mong rằng Họ Đinh chúng ta cũng nên lấy đây làm hình mẫu cho việc tìm kiếm cội nguồn; viết nên một cuốn lịch sử dòng họ Đinh thống nhất và chi tiết tới từng chi tộc họ Đinh trong cả nước. Đồng thời hướng dẫn cho các chi tộc họ Đinh ở các nơi trong việc tìm kiếm về cội nguồn của các tộc Họ. 
    - Trở lại câu chuyện tìm kiếm nguồn gốc và lịch sử dòng họ Đinh. Về tổng thể, chúng ta đều biết rằng những người Việt mang họ Đinh đã định cư từ rất lâu trên khắp đất nước ta. Nhưng từ khi nào và từ đâu tới là một câu hỏi không thể trả lời được và cũng đừng nên tìm câu trả lời. Vì như phân tích trên đây, nếu chúng ta có cố công tìm kiếm nguồn gốc và lịch sử dòng họ Đinh giai đoạn từ thế kỷ thứ 10 trở về trước cũng không bao giờ tìm ra. Có chăng cũng chỉ là những câu chuyện thần thoại không có bất cứ một cơ sở khoa học nào cả.
     Theo thiển ý của cá nhân tôi, nên chăng chúng ta nên tập trung sự tìm kiếm về một đầu mối có giá trị nhất để mà vọng tưởng về cội nguồn; chọn lấy một vùng đất, một địa danh để làm nơi mà thờ tự tổ tiên chung. Theo những nghiên cứu của tôi, thì cho tới nay chỉ có một đầu mối lâu đời nhất mà chúng ta có thể biết, có thể thấy với những ghi chép trong chính sử và những tàng tích trên thực địa về họ Đinh - đó là chi họ Đinh của cụ Đinh Công Trứ, vua Đinh Tiên Hoàng; tại vùng Hoa Lư - Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Hãy cùng hiểu đây chỉ là một biểu trưng về ý niệm của con người, từ đó hãy cùng suy nghĩ có nên chọn vùng Hoa Lư - Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay làm vùng đất tổ của họ Đinh VN hay không. Cuối cùng tìm kiếm một nhân vật trong dòng họ để tôn làm cụ tổ cho họ Đinh - vị tổ này sẽ là biểu tượng cho một giai đoạn xưa nhất trong lịch sử của dòng họ Đinh mà chúng ta biết được. 
     Ta đều biết những người có họ Đinh đã định cư lâu đời trên đất nước này, nhưng họ chỉ quần tụ nên một tổ chức dòng họ lớn và làm nên nghiệp lớn là chỉ có từ thời nhà Đinh. Nên chăng, chúng ta nên lấy năm Mậu Thìn (968 - SCN) năm thành lập triều nhà Đinh, làm năm khởi nguồn của dòng họ Đinh của chúng ta. Cuối cùng nên vinh danh vua Đinh Tiên Hoàng là một trong những tổ tiên của chúng ta; lấy những nghi thức, sinh hoạt của triều Đinh làm đặc trưng cho dòng Họ Đinh chúng ta !
     Lịch sử hình thành các thể chế nhà nước tại VN chúng ta vốn cũng khá ngắn ngủi. Sự thật là cho tới cuối thế kỷ thứ 10 (968) dân tộc ta mới có được một nhà nước thực thụ - đó là nhà nước Đại Cồ Việt của triều Đinh; nhà nước tập quyền đầu tiên với số dân chưa tới 01 triệu người. Cho tới đầu thế kỷ 15, đất nước ta cũng vẫn còn rất nhỏ bé, lãnh thổ chỉ quanh quẩn ở vùng châu thổ sông Hồng, vùng ven biển Thanh - Nghệ - Tỉnh và vùng Thuận Hóa, dân số chỉ vài triệu người. Cho nên lịch sử của các dòng họ cũng khá đơn giản. Việc tìm cội nguồn của các tộc họ ở khu vực miền Trung hay Nam bộ cũng không khó khăn lắm. Việc còn lại là cần có một tổ chức, với những con người có chuyên môn để sắp xếp lại các sự kiện cho nó có hệ thống theo nhu cầu mà thôi!

    V/. LỜI KẾT:  
    Công việc của người viết sử nó khác hoàn toàn với công việc của nhà văn, nhà thơ bởi họ chỉ được phép "chép mà không sáng tác". Nhưng muốn chép thì phải qua thực tế và phải có tư liệu, ngoài ra họ còn phải biết nhận định và đáng giá những gì mình có. Muốn làm được như vậy họ cần phải có tầm, tức là phải có kiến thức chuyên môn cao và kiến thức văn hóa xã hội sâu rộng. Ngoài ra họ phải là thành viên của một tổ chức văn hóa - lịch sử nào đấy để nếu cần thì học hỏi và tìm kiếm thêm tư liệu hoặc kiến thức từ các đồng nghiệp. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay mà không biết tìm tòi khám phá nắm bắt các kiến thức chuyên môn từ các phương tiện nghe nhìn cũng có thể làm cho những người nghiên cứu sử mau chóng trở nên lạc hậu.
     Một vấn đề khá quan trọng là người viết sử phải có một góc nhìn chính xác, thậm chí là bao dung với sự thật lịch sử. Không nên đánh giá lịch sử theo góc nhìn và quan điểm chủ quan của cá nhân mình. Trong một bài viết gần đây, GS Hà Văn Tấn đã thẳng thừng phê phán câu chuyện này khi ông cho rằng: "Một số người đã chê trách các nhân vật lịch sử vì họ không giống ta. Một số lại quá yêu các nhân vật đó, đến chỗ miêu tả tư duy và hành động của họ cứ y như là họ đã được học tập chủ nghĩa Mác - Lênin". 
    Cũng bởi "Lịch sử là khách quan. Sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau."(GS. Hà Văn Tấn). Cho nên nếu vì một lý do cá nhân nào đó mà các "nhà viết sử" họ Đinh này cứ cố công tìm kiếm nguồn gốc các dòng họ từ truyền thuyết như hiện nay, thì kết quả của họ cũng chỉ là những câu chuyện huyền thoại vô bổ./.
 ĐKT
12.04.2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...