THỰC TRẠNG CỦA VĂN HÓA DÒNG HỌ VIỆT NAM HIỆN NAY !

Một lễ giỗ của Nguyễn Phước Tộc tại Thế Tổ Miếu - Huế


Dân tộc ta từ xưa đến nay vốn rất tôn trọng lễ giáo. Những lễ nghi trong sinh hoạt, về luân thường đạo lý trong xã hội giữa cá nhân, giữa gia đình, trong họ tộc, giữa làng xóm v.v…đã đi sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của mọi người và trở thành những tục lệ cổ truyền và có phạm vi trên khắp các vùng miền, hầu như mọi gia đình Việt Nam đều nâng niu và tôn trọng.
Những phong tục này đã thoát ra ngoài khuôn khổ tôn giáo mang tính chất truyền thống của dân tộc, phù hợp với mọi tín ngưỡng. Sinh hoạt của xã hội Á Đông vốn nặng tình cảm, coi trọng huyết thống gia đình thân tộc hơn. Nên từ xa xưa, những lễ nghi trong sinh hoạt họ tộc đã được đặt ra một cách có quy củ, chu đáo và cẩn thận. Tất cả các nghi thức ấy đều dựa theo các nguyên tắc luân lý và đạo đức của nền văn hóa Việt Nam. Lâu ngày, các định lệ này đã thành ra tục lệ với những biến thể phù hợp với nếp sống riêng của từng vùng miền của người Việt. Tuy các tập tục này tại mỗi vùng miền có một số nét khác nhau, nhưng đều có một một điểm chung của văn hóa làng xã nông thôn Việt Nam.
  - Sau một thời gian dài bị gián đoạn, việc thờ cúng tổ tiên ông bà, việc sinh hoạt của các tộc họ đã được phục hồi và có phần phát triển hơn trước. Nhưng cũng do bị gián đoạn khá lâu – tới hơn hai thế hệ (tùy theo vùng), đã khiến cho ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên bị hiểu sai hoặc không đúng với ý nghĩa ban đầu của người xưa khi đặt ra các tập tục này. Chúng ta đều biết các tập tục này đã được tổ tiên ta chắc lọc và tích lũy qua nhiều thế hệ mới chọn ra được những nét tinh túy nhất của văn hóa dân tộc để lưu truyền cho hậu thế - chứ không phải một sớm một chiều mà có được.
 Nhưng do những biến động của thế cuộc, những nét văn hóa tộc họ - văn hóa làng xã truyền thống của nhiều địa phương đã bị phá vỡ phần lớn, tại nhiều địa phương các tập tục này đã bị biến dạng một cách cách sai lạc. Chủ thể văn hóa bản địa là người dân địa phương tại các vùng này hoàn toàn xa lạ với những gì gọi là văn hóa mới trên chính quê hương họ. Những nghi thức trong tế tự, trong cúng tế và những mỹ tục mà họ đang phải thực hiện được bắt chước (và bê về) từ một đại nhạc hội nào đó. Hoặc do một số vị chức sắc trong ngành văn hóa có chức trách tại địa phương (dĩ nhiên là học hàm học vị đầy mình) mới sáng tác nên và đưa ra địa phương thử nghiệm các sáng chế của mình. Và người ta cho rằng đấy là phục hồi nền văn hóa bản địa. Họ không biết rằng đã gọi là văn hóa cổ xưa là phải sinh ra từ các nền văn hóa bản địa ở trạng thô sơ nguyên thủy(état brut). Hay nói đúng hơn là muốn có cái hồn của nền văn hóa thì các giá trị của nền văn hóa ấy phải được tích lũy và sàng lọc theo thời gian từ chính cuộc sống thực của người bản địa. Nếu không hiểu được điều này thì tất cả những cái còn lại chỉ là sự cóp nhặt.

CỘI NGUỒN VĂN HÓA DÒNG HỌ VN
Trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu dòng họ và quan hệ họ hàng từ đâu mà có ? Những thành quả nghiên cứu nhân loại học gần đây đã chứng minh: trước khi con người tiến vào xã hội văn minh, quan hệ huyết thống – quan hệ đầu tiên của con người, là sợi dây gắn bó quan trọng nhất. Quần thể xuất hiện đầu tiên của con người là xã hội nguyên thủy sống quần cư theo bầy đàn; nhưng con người lúc này chỉ biết mẹ mà không biết cha. Theo nghiên cứu, trong lịch sử hơn ba triệu năm tồn tại của con người thì có khoảng 2,9 triệu năm là thuộc xã hội nguyên thủy; chỉ cách đây hơn 10.000 năm mới bắt đầu hình thành chế độ thị tộc.
Xã hội nguyên thủy ban đầu chia thành nhiều quần thể nhỏ, phát triển càng sâu, phân tích càng chặc chẻ, phân biệt thân sơ cùng hình thành, khi biết người mẹ sinh ra ta, thì càng muốn biết được người thân của mẹ ta, vì vậy có thể biết được mẹ của mẹ ta – quan hệ họ hàng hình thành từ đó.

Dòng họ là nơi hội tụ và bảo lưu những giá trị văn hóa độc đáo, không chỉ để lại những dấu ấn trong lịch sử mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống hôm nay. Giá trị văn hóa ấy được xây dựng trên cơ sở tình nghĩa sâu nặng giữa những người cùng huyết thống, gắn bó với nhau theo quan niệm đơn giản “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đó còn là cơ sở cho tình yêu quê hương đất nước. Cho nên có thể thấy dòng họ không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi con người mà còn là cơ sở của truyền thống yêu nước.

 - Ở Việt Nam, người ta định nghĩa dòng họ như sau : “Dòng họ được hình thành như một tổ chức của những người có chung huyết thống, cùng một ông tổ sinh ra theo thời gian. Mỗi dòng họ có Từ Đường riêng, có phần mộ tổ tiên, có trưởng tộc, trưởng chi, có ruộng hương hỏa, có gia lễ …”
Cũng ở Việt Nam dòng họ mang nhiều nét đặc thù so với các nước khác trên thế giới. Một trong những nét nổi bật nhất là quan hệ giữa dòng họ và làng xã. Họ không tách biệt, đối lập với làng mà luôn có sự gắn bó chặt chẽ với làng. Dòng họ không chỉ là một thiết chế xã hội mà còn là một môi trường văn hóa mang tính đặc thù. Truyền thống của dòng họ trở thành nhân tố cơ bản góp phần tạo nên truyền thống làng xã, truyền thống địa phương và dân tộc. Nhiều nhân vật kiệt xuất đã mang lại vinh quang cho gia đình, dòng họ, dân tộc được sinh ra từ những dòng họ khác nhau. Do vậy, dòng họ và văn hóa dòng họ còn là nhân tố nội sinh thúc đẩy sự phát triển văn hóa và xã hội Việt Nam.

Hiện nay, theo nhiều nhà nghiên cứu, dòng họ vẫn là một kiểu tổ chức xã hội có tác động chi phối đến nhiều lĩnh vực khác nhau của làng xã. Sau một thời gian gián đoạn, văn hóa dòng Họ lại được phục hưng mạnh mẽ và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước nói chung, nhất là ở nông thôn
Tuy nhiên đã có một thời gian dài trước đổi mới, do ảnh hưởng sai lạc và nhận thức chưa đầy đủ của những người có trách nhiệm trong xã hội; đã ít nhiều có tác động không tốt về vấn đề gia tộc. Họ đơn giản nghĩ rằng gia tộc và chế độ gia trưởng là nét đặc trưng của chế độ phong kiến, khi đã thủ tiêu chế độ phong kiến thì phải thủ tiêu chế độ gia trưởng, trong trường hợp này đó là dòng họ. Đã khiến cho văn hóa dòng họ ở một số khu vực địa lý trên đất nước ta hoàn toàn biến mất. Đó là thực trạng trong sinh hoạt dòng họ ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ hiện nay.
Các Tộc Họ ở khu vực này do ảnh hưởng của những tư tưởng “ đả thực bài phong” , “duy ý chí” và phải nói là rất ấu trĩ trong “cải cách ruộng đất” vào những năm 50, 60, 70 của thế kỉ trước, nên văn hóa Tộc Họ ở đây đã bị phá vỡ phần lớn, không còn những truyền thống xưa kia.

  - Chúng ta đều biết ngôi Từ đường là nơi thờ các vị Khai Canh, Khai Khẩn của các dòng Họ. Mỗi ngôi Từ Đường là một cõi tâm linh, một chốn đi về của con cháu các Dòng Họ từ bao đời nay. Mỗi ngôi Từ Đường ngoài chức năng chính là nơi thờ tự, còn là nơi tổ chức các cuộc Lễ của các tộc Họ; nơi sinh hoạt chính và là nơi gìn giữ những truyền thống, những thuần phong mỹ tục, những nét văn hóa vật thể và phi vật thể của các Tộc Họ. Nhưng đa số các ngôi Từ Đường của các dòng Họ đều đã bị sung công hoặc bị đập phá trong thời gian này, việc thờ tự tập trung của các dòng Họ bị nghiêm cấm, nơi sinh hoạt của họ tộc đã không còn. Việc thờ tự được đưa về thờ ở một gia đình nào đó có điều kiện trong Họ Tộc hoặc ở nhà riêng của vị Tộc Trưởng, nhưng thường bị chính quyền địa phương phê phán và bị kiểm soát gắt gao nên chỉ sau một thế hệ, tức là đến những năm 1980 của thế kỷ trước thì việc thờ tự tổ tiên cao đời trong dòng họ gần như là không còn ở khu vực này.
Tuy những năm sau đổi mới hàng loạt các nhà thờ của các tộc Họ ở đây đã được xây dựng mới, thậm chí rất quy mô. Nhưng những nét văn hóa phi vật thể trong sinh hoạt tộc Họ quý giá được tích lũy tự bao đời nay ở đồng bằng Bắc Bộ từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã không còn nữa mà thay vào đó là một hình thức sinh hoạt hoàn toàn mới; đây là một thực trạng khá đau xót cho cư dân vùng này !
Tuy từ khi tiến hành đổi mới đất nước đến nay, xu hướng trở về cội nguồn, phục hưng các sinh hoạt dòng họ diễn ra sôi nổi. Thể hiện rõ nét nhất của xu hướng này là việc chấn chỉnh lại nghi lễ thờ cúng tổ tiên mà trước đây có phần sao nhãng. Cùng với việc chấn chỉnh nghi lễ thờ cúng tổ tiên là việc sửa chữa, trùng tu, xây mới nhà thờ, mồ mả tổ tiên, đề nghị nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia cho các nhà thờ các vị có công với nước, tiếp đến là việc sưu tầm và dịch lại các gia phả, truy tìm gốc tích tổ tiên. Viết lại tộc ước để chấn chỉnh gia phong, viết lịch sử dòng họ, lập ban điều hành để lo việc họ, lập ban khuyến học, giáo dục con cháu truyền thống dòng họ…. Những hoạt động này đang trở thành nhu cầu thực sự của cuộc sống trong các cộng đồng làng xã.

VĂN HÓA DÒNG HỌ VN HIỆN NAY
Nhưng đâu là chuẩn mực cho một hình mẫu của văn hóa sinh hoạt tộc họ mà các tộc họ cần tìm đến, nhiên cứu học tập để xây dựng lại các nghi thức và sinh hoạt cho dòng họ của mình trong một thời gian ngắn bao gồm cả những nét văn hóa vật thể và phi vật thể là một yêu cầu chính đáng hiện nay ?
Ở đây với tư cách cá nhân và dưới góc nhìn hạn hẹp của một người chuyên nghiên cứu lịch sử và văn hóa tộc họ; tôi cũng không ngại phát biểu và trình bày quan điểm của mình khi đã nắm chắc được các chứng cứ lịch sử.
 -  Xin trình bày vấn đề này, như sau:
Trong “Văn hóa sử cương” , học giả Đào Duy Anh viết : “ Người ta thường cho rằng văn hóa là chỉ các học thuật tư tưởng loài người nhân thế mà xem văn hóa có tính cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy, học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi văn hóa, nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, về chính trị, về xã hội và hết thẩy các phong tục tập quán tầm thường lại không phải ở phạm vi văn hóa hay sao ? Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung cho tất cả các phương tiện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng - Văn hóa tức là sinh hoạt”.
Nhưng cũng cần lưu ý quý độc giả là chúng ta có hai thành tố riêng biệt cho cái định nghĩa này; đó là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể !
Để nắm bắt được một cách nhanh nhất chủ đề này chúng ta cần phải biết một cách tóm lược một vài nét về lịch sử địa chính trị của đất nước ta trong giai đoạn trung và cận đại, như sau:
Kể từ tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Hậu Lê (Lê sơ), cho tới khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước (1802), gần 300 năm xã hội Bắc Hà luôn lâm vào loạn lạc. Với những cuộc chiến tranh quyền đoạt vị xảy ra liên miên giữa hai thế lực Lê – Mạc, sau đó là Lê – Trịnh và Trịnh – Tây Sơn, khiến cho dân tình khốn đốn. Những gì là đỉnh cao của một nền văn hóa - nghệ thuật của các triều đại trước đó (Lý, Trần, Lê ) từng tồn tại trên xứ Bắc Hà đã thật sự không có đất để tồn tại ? Nhất là“ văn hóa cung đình - bác học” và những tinh túy trong nghệ thuật kiến trúc thì càng không thể !
Sau năm 1802, thì trọng tâm của đất nước đã chuyển về phía Nam, kinh đô của thể chế Quân chủ đang điều hành đất nước – không còn ở đất Tràng An nữa mà đã là Phú Xuân. Mọi tinh hoa của một nền văn hóa - văn hiến của quốc gia suốt gần 200 năm đều được quy tụ về Phú Xuân. Đàng Trong – Phú Xuân đã trở thành đầu tàu thay đổi mang tính lịch sử và kéo trọng tâm quốc gia – dù là được nhìn theo nghĩa CHÍNH TRỊ, KINH TẾ hay thậm chí VĂN HÓA – về hướng Nam từ thế kỷ 17. 
Sau khi triều Nguyễn bị lật đổ vào năm 1945, thì khu vực Bắc bộ và Bắc Trung Bộ liền đó lại bị ảnh hưởng của cuộc cách mạng “cải cách ruộng đất” dưới thế chế mới, và như nói trên đây – những cái gọi là “tinh hoa văn hóa dòng họ” của khu vực này thực tế là không thể còn tồn tại ở trạng thô sơ nguyên thủy(état brut) dưới sự tàn phá có chủ ý của chính con người; có còn chăng là chỉ còn trong sách vở !

Nhưng ở khu vực phía Nam, thì hoàn toàn khác - nhất là khu vực Thuận Hóa xưa (nay là vùng đất bao gồm Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, TP. Đà Nẳng và tỉnh Quảng Nam ngày nay). Qua nghiên cứu từ chính sử, chúng ta đều biết từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp từ tháng 1 năm 1570, đóng dinh tại Quảng Trị, vùng Thuận Hóa do tránh được những tranh chấp quyền lực trong nội bộ nên là một vùng đất thanh bình trong nhiều năm. Tới năm 1626, khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh từ Quảng Trị vào làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên ngày nay và đổi dinh làm Phủ. Tới năm 1636, một người cháu nội của Nguyễn Hoàng là Chúa Nguyễn Phúc Lan đã dời Phủ vào Huế và đặt Phủ ở làng Kim Long (ngoại ô Huế), năm 1687 Chúa Nguyễn Phúc Thái dời Phủ từ Kim Long về làng Phú Xuân(thành phố Huế ngày nay), thì Huế trở thành đất kinh đô. Sau đó Phú Xuân là kinh đô của nước Đại Việt thống nhất dưới triều Tây Sơn (1788-1801) và là kinh đô của nước Việt Nam suốt 1,5 thế kỷ dưới triều đại nhà Nguyễn (1802-1945). Trong tiến trình lịch sử này Huế đã chính thức trở thành trung tâm văn hóa lớn nhất và chính thức của người Việt từ hơn ba thế kỷ gần đây. 
Vùng đất này tuy đã được sát nhập vào nước Đại Việt từ năm 1306, nhưng đây là vùng tranh chấp giữa người Việt và người Chăm suốt hơn 1,5 thế kỷ sau đó; chiến tranh xảy ra liên miên. Cho mãi đến năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông cử đại binh đánh chiếm thành Đồ Bàn, cương giới nước Đại Việt đã đến vùng phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay, vùng đất Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa thì cư dân ở đây mới an cư lạc nghiệp được. Trong hơn 200 năm sau đó, vùng này là vùng đất tương đối thanh bình nhất trong cả nước, cư dân ở đây đã dồn sức lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, đến giữa thế kỷ XVI làng xóm đã no đủ, yên vui. 

Đến lúc chúa Nguyễn lập phủ chính ở bên bờ sông Hương(1636), thì các làng xã vùng Thuận Hóa đã dần ổn định và bước sang một giai đoạn phát triển mới. Sau khi cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn kết thúc (1627-1672), Phú xuân - Huế luôn là trung tâm của sự hội tụ văn hoá và kinh tế phát triển phồn vinh nhất của xứ Đàng trong thời các chúa Nguyễn và cả nước thời vương triều Nguyễn. Đồng thời đây cũng là kinh đô của xứ Đàng trong và nước Việt trong gần 300 năm .

Văn hóa tộc họ và văn hóa làng xã ở vùng Thuận Hóa tuy hình thành muộn hơn so với các tỉnh ở Bắc bộ. Nhưng ngoài thuận lợi về thiên thời địa lợi, thì như nói trên đây vùng Thuận Hóa trở thành trung tâm chính trị của người Việt trong suốt 3 thế kỷ gần đây; nên đây là nơi tập trung những tinh hoa văn hóa, kinh tế và chính trị của Việt Nam. Những biến động chính trị của xã hội Việt Nam trong 3 thế kỷ gần đây đều diễn ra ở đây. Đây là nơi hiện lưu giữ được những nét tinh túy nhất của Văn hóa nước Việt trong 03 thế kỷ gần đây; trong đó có văn hóa tộc họ và văn hóa làng xã.
Ngoài ra văn hóa làng xã và văn hóa tộc họ tại khu vực này được gìn giữ gần như nguyên trạng. Đây là nơi có các ngôi đình làng, các ngôi chùa làng, các ngôi từ đường có quy mô và đúng nghĩa nhất của người Việt hiện nay. Tất cả các tộc Họ ở khu vực này đều có Từ đường riêng, quy mô các ngôi Từ Đường của mỗi tộc Họ ở đây đều rất lớn, được xây dựng hàng mấy trăm năm nay và liên tục được trùng tu bảo quản chăm sóc rất tốt. Từ đường của các dòng Họ là nơi thờ các vị Khai Canh, Khai Khẩn của dòng Họ. Mỗi ngôi Từ Đường là một cõi tâm linh , một chốn đi về của con cháu các dòng Họ từ bao đời nay. Mỗi ngôi Từ Đường ngoài chức năng chính là nơi thờ tự, còn là nơi tổ chức các cuộc lễ của các tộc Họ; nơi sinh hoạt chính và là nơi gìn giữ những truyền thống , những thuần phong mỹ tục, những nét văn hóa vật thể và phi vật thể của các Tộc Họ. Mọi sinh hoạt trong các tộc Họ ở đây đều rất nề nếp, quy cũ và được tổ chức rất chặt chẽ, năm tháng lập Họ đều được xác định rõ, đa số các tộc Họ đều có Gia Phả, có Sắc Phong, có tộc Quy - tộc Ước. Xưng hô trong dòng Họ với thế thứ rõ ràng. Sinh hoạt Tộc Họ ở đây đầy đủ và được gìn giữ rất tốt không bị gián đoạn, dù cũng phải trải qua nhiều biến động của lịch sử dân tộc.
Cũng có thể đây vốn xưa kia là đất Kinh kỳ nên mọi sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng được chăm chút hơn và có điều kiện phát triển hơn các nơi khác, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của nhiều thế hệ cư dân trong vùng .

Ngày nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo… chúng ta sẽ dễ dàng tìm hiểu các nét văn hóa tinh túy nhất trong văn hóa làng xã, văn hóa tộc họ; tìm kiếm và học tập các nghi thức tế tự trong các dòng Họ trên toàn quốc. Nhưng trong thời buổi nhiễu loạn thông tin như hiện nay, nếu không có một số kiến thức nhất định về lịch sử, văn hóa và có một cách nhìn khách quan về nhận định lịch sử qua nhiều góc nhìn khác nhau, thì việc định hướng được như thế nào là một nghi thức tế tự chuẩn là cả một vấn đề ?
Tuy tác giả bài viết này là một người sinh trưởng và trưởng thành tại xứ Huế, nhưng mục đích của bài viết này không phải là mang giá trị văn hóa của cộng đồng cư dân Phú Xuân - Huế để áp đặt cho các cộng đồng khác. Nhưng chúng tôi không đồng ý việc hiện có một số người trong một số làng xã và trong một số dòng họ;  đang tự sáng tác nên những phong tục, nghi thức, những cuốn lịch sử dòng họ, hoàn toàn mới tại một số làng xã và các tộc họ - mà họ cho là người xưa truyền lại. Nguy hại hơn là các nghi thức và tác phẩm này hiện đang được sử dụng tại một số nơi ? 
Mọi người nên nhớ cho, những phong tục, những lễ nghi trong sinh hoạt họ tộc đều đã được đặt ra từ xa xưa một cách có quy củ, chu đáo và cẩn thận; tất cả các nghi thức đều phải dựa theo các nguyên tắc luân lý và đạo đức của nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Lâu ngày, các định lệ này đã thành ra tục lệ với những biến thể phù hợp với nếp sống riêng của từng vùng miền của người Việt. Các tập tục này đã được tổ tiên ta chắc lọc và tích lũy qua nhiều thế hệ mới chọn ra được những nét tinh túy nhất của văn hóa dân tộc để lưu truyền cho hậu thế - chứ không phải một sớm một chiều mà có được. Nhưng nay các nhà “nhà văn hóa mới” này chỉ vài tháng là họ đã sáng tác nên những phong tục tập quán mới mà không dựa trên bất cứ luân thường đạo lý hay bất cứ cơ sở khoa học nào cả !

Chúng tôi đã từng biết và từng thấy các “nhà văn hóa mới” này mày mò chế tác hoàn toàn mới những nghi thức tế tự, những đền đài, đình chùa, miếu mạo…, mà họ gọi là " phục dựng". Và bằng quyền lực của mình họ hô hào và buộc mọi người phải nghe rằng đó là “cổ xưa”. Họ cũng đã "tự sáng tác" nên những tập biên khảo về lịch sử các dòng họ, các tục lệ; những hương phả, những tộc phả, tộc quy, tộc ước hoặc gia phả mới hoàn toàn và cũng buộc mọi người phải hiểu đó là “cổ xưa”. Đấy không phải là văn hóa dòng họ !
Qua nhiều năm nghiên cứu về chủ đề này, cá nhân tôi mới nghiệm ra được một điều: Những gì gọi là tinh hoa văn hóa của nhân loại nó chỉ tồn tại mãi theo thời gian, khi nó thực sự đem lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng. Qua đó cộng đồng sẽ sàng lọc và chọn ra những gì hay nhất tinh túy nhất và sẽ lưu giữ mãi với thời gian; những gì không đem lại lợi ích cho cộng đồng sẽ bị đào thải theo thời gian . /.

ĐKT
15.07.2008


Toàn cảnh Thế Tổ Miếu - Đại nội Huế


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...