LÀNG NAM TRUNG – NGÔI LÀNG NAM BỘ DUY NHẤT TẠI HUẾ

Cầu Phú Thứ - nơi 03 con sông Như Ý- Lợi Nông - Đại Giang gặp nhau. Từ thành phố Huế về thị trấn Phú Đa khi qua cây cầu này khoảng hơn 01 km là tới làng Nam Châu.


Vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX xứ Thuận Hóa là nơi đã xảy ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử đất nước.
Năm 1786 Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem đại quân Tây Sơn từ phía Nam ra hạ thành Phú Xuân từ tay quân Trịnh, chấm dứt thời kỳ thành Phú xuân bị quân Trịnh chiếm đóng.
Năm 1802, Vua Gia Long sau khi đánh bại nhà Tây Sơn thống nhất đất nước lập ra triều Nguyễn, đã đóng đô tại thành Phú Xuân.
Đồng thời với các sự kiện trọng đại này của đất nước, người dân Phú xuân đã chứng kiến một trào lưu di cư của các cư dân từ các tỉnh phía Nam ra lại Thuận Hóa. Hay còn gọi là hiện tượng nhập cư ngược từ phía Nam ra Phú Xuân – Huế.
Họ là những người theo các đoàn quân của Quang Trung – Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh vào giải phóng hay khôi phục Phú Xuân (theo nhiều cách gọi khác nhau). Họ là những tướng lĩnh, những quân lính, những quan chức dưới trướng của hai vị Vua nói trên, sau khi đến kinh đô Phú Xuân làm nhiệm vụ đã đem theo gia đình đến định cư hẳn ở đây, lập nên những dòng Họ mới, thậm chí là những ngôi làng mới.
Thời Tây sơn thì đa số các dòng Họ này đều xuất phát từ Quảng Nam đến Bình Định, như Họ Lê Nhữ làng Mỹ Á (xã Vinh Giang, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), họ Phan làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, Phú Lộc, tỉnh Thừa thiên – Huế), một số dòng Họ ở làng An bằng (xã Vinh an, Phú Vang)….
Nhưng đặc biệt là khi Vua Gia Long khôi phục thành Phú Xuân, ngoài một số người gốc Thuận Hóa là trọng thần của triều đình cùng vua trở về, còn có rất nhiều người gốc Nam bộ đi theo làm nhiệm vụ rồi định cư luôn. Đã tạo nên một lượng cư dân Nam bộ khá lớn tại Phú Xuân. Họ nhập cư vào Thuận Hóa theo 3 đợt chính :
- Đợt “Trung tiến” đầu tiên là những công thần theo giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh, trong thời kháng chiến (khởi binh từ Long xuyên, năm 1778), người nổi tiếng nhất trong đợt này là Phạm Đăng Hưng (1765-1825).
- Đợt thứ hai kế tiếp trong khoảng thời gian từ 1802-1862; nổi bật nhất là Phan Thanh Giản (1798-1867) ông quê quán ở trấn Vĩnh Thanh (Kiến Hòa sau này); Phan Thanh Giản là người Nam bộ đầu tiên thi đỗ Tiến sĩ (khoa Bính Tuất – 1826).
- Đợt “Trung tiến” thứ ba diễn ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một lượng lớn người Nam bộ giỏi tiếng Pháp ra Huế giúp việc, đã khiến cho lượng người Nam bộ tại Huế khá đông đúc.
Đây là lý do tại sao hiện nay ở Huế có một số dòng họ gốc Nam bộ khá nổi tiếng, như : họ Phạm Đăng (ở phường Kim Long, thành phố Huế), họ Đoàn cũng ở Kim Long.
Trong các dòng Họ này, có một nhân vật của đợt “ Trung tiến” đầu tiên rất nổi tiếng đó là Phạm Đăng Hưng – nguyên là Thượng thư Bộ lễ triều Minh Mạng ông là người thành lập “Nam châu hội quán” (hay Nam châu tương tế) làm nơi sinh hoạt, gặp gỡ của những người gốc Nam Bộ ra lập nghiệp ở Thừa Thiên. Trụ sở của “Hội Nam châu Tương tế” là một ngôi nhà khá lớn trên sở đất rộng 2 mẫu 3 sào là quà tặng của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (là con gái của cụ Phạm Đăng Hưng, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức), ngay sau Phủ Đức Quốc Công từ (nơi thờ cụ Phạm Đăng Hưng) ngay đầu cầu phía Tây của cầu Bạch Hổ. Đây là nơi sinh hoạt và tổ chức các kỳ đại hội lễ tết của các cư dân Nam Bộ sinh sống tại Huế .
Nhưng theo thời gian hội quán của “Hội Nam châu Tương tế” trở nên quá nhỏ so với lượng người Nam Bộ định cư tại Kinh Đô. Và để giúp cho bộ phận cư dân gồm toàn là những người có công với triều đình này có một không gian lớn hơn để làm nơi cúng tế, gặp gỡ vào các ngày lễ tết, năm 1904 Vua Thành Thái đã cấp đất để thành lập thôn Nam Trung (người miền Trung, gốc miền Nam), thuộc làng Phú Đa, tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên để làm nơi thờ cúng, tế tự cho các dòng Họ gốc Nam Bộ. Làng Nam Trung ra đời từ đó.
Trước năm 1975 làng vẫn mang tên là thôn Nam Trung, thuộc xã Phú Đa, quận Phú Thứ, tỉnh Thừa Thiên; nhưng sau năm 1975 làng lấy lại tên ban đầu là thôn Nam Châu (nay thuộc thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang). Đây là ngôi làng Nam bộ duy nhất tại tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay.
Người có công khai phá hoàn chỉnh làng Nam Trung đầu tiên là cụ Phạm Năng Tuấn (1857-1932) tước vị Hàn Lâm Viện thị độc Phụng thành Đại phu. Công dân đầu tiên nhập tịch sổ bộ của làng sau ngày thành lập (1904) chính là Phủ doãn Thừa Thiên cụ Trần Trạm (1857-1938).
Đây là ngôi làng có các cư dân vốn là các trọng thần của triều đình gốc Nam bộ, các nhân vật khoa bảng và nhiều nhân vật nổi tiếng của xứ Huế xuất thân hoặc là công dân danh dự của làng, đặc biệt về văn học nghệ thuật.
Cho nên cư dân quanh vùng đã truyền tụng một giai thoại có thật về ngôi làng này, đó là ngôi làng có “quan nhiều hơn dân”, vì thực tế như nói trên đây - “dân làng” đều là quan lại khá giả sinh sống ở Kinh thành, số cư dân ở lại làng rất ít, họ chỉ trở về làng đông đủ khi có việc làng , việc họ.
Do đặc điểm của làng là “quan nhiều hơn dân”, nên khi có việc làng, việc họ hay chạp giỗ cúng kỵ đều phải thuê mướn dân các làng chung quanh đến làm các công việc tạp dịch nặng nhọc như mổ heo, hạ bò, mang vác cờ lọng nghi vệ cúng tế hay chạp mộ .
Ngôi làng có đầy đủ các tiêu chuẩn của một ngôi làng như quy định của luật pháp thời ấy, dân làng được cấp 9 mẫu đất để làm tế điền và 7 sào đất để làm Từ Đường Cửu Tộc (9 họ) tại huyện lỵ Phú Vang. Buổi đầu ngôi làng Nam trung hội tụ được 9 họ tộc nguyên quán miền Nam, gồm: họ Phạm Hữu, họ Phan, họ Trần, họ Nguyễn Trọng, họ Nguyễn Trung, họ Đoàn, họ Lê, họ Đặng Ngọc, họ Đinh, về sau có thêm họ Hoàng Trọng.
Vì lý do khá đặc biệt trên đây, nên làng Nam Trung tuy là một ngôi làng ngụ cư nhưng đã sản sinh ra nhiều bậc khoa bảng và văn nghệ sĩ nổi tiếng . Ngoài những công dân danh dự nổi tiếng của làng (là người lập làng nhưng không sinh ra tại làng)như : Phạm Đăng Hưng, Phan thanh Giản, Trần đạo Tế, Trần Trạm (Phủ doãn), Đặng ngọc Oánh(Tuần vũ), Phạm hữu Văn (Tiến sĩ năm 1913), Nguyễn Trọng Tịnh (Phó Bảng năm 1916)…
Lớp hậu duệ của các cụ cũng khá nổi tiếng, đặc biệt về văn học nghệ thuật, họ Phạm Đăng có họa sĩ Phạm đăng Trí – là họa sĩ nổi tiếng nhất của xứ Huế, họ Phan Thanh có nhà thơ Phan thanh Phước, nhà giáo Phan Thanh Hy. Họ Đoàn có Đoàn Nẫm, Đoàn Nông là những nhà nghiên cứu tuồng; họ Trần như Trần diệu Tâm (An Hiên – Paris). Họ Đặng Ngọc có chủ rạp hát bội Ba Tuần ở Huế - Đặng Ngọc Oánh, nhân vật khai sinh ra ngành kịch nói – cậu Năm Hùng, chính là ông Đặng Ngọc Hùng con ông Oánh. Họ Đinh có chủ nhà in ở Gia hội ông Đinh Văn Sum, có họa sĩ Đinh Cường nổi tiếng về tranh trừu tượng…cũng chính là một người dân của làng Nam Châu.
Ngoài ra cũng có khá nhiều công dân danh dự của làng (không nhập tịch) khá nổi tiếng, như: Trương Vĩnh Ký, luật sư Diệp văn Kỳ (1895-1945), cụ Hồ Phú Viên hàm Hiệp Tá (Tuần Phủ),
Đặc biệt một người dân của làng đã được lưu danh tại văn bia Tiến sĩ ở Văn Thánh Huế là ông Phạm Hữu Văn (1882-1946) bút hiệu Mai Nam – Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1913) ; vị Tiến sĩ này là một người có ảnh hưởng khá sâu đậm trong lòng người dân làng Nam Trung.
Ở đây có một chi tộc Họ Đinh gốc Nam Bộ, chúng tôi đã liên lạc với chi tộc họ này, đã tham gia một số cuộc lễ tại đây và đã mời bà con họ Đinh ở đây sinh hoạt với họ Đinh xứ Huế . Đồng thời đã mời một thành viên của chi tộc họ Đinh làng Nam Châu tham gia BLL họ Đinh tỉnh Thừa Thiên – Huế ./.
Bài viết này xin kính tặng bà con họ Đinh làng Nam Châu !

 ĐKT
22.07.2013

Ghi chú:

- Tư liệu cho bài viết do bà con họ Đinh làng Nam Châu cung cấp.
- Có sử dụng một số tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – để đối chiếu, so sánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...