LỊCH SỬ NƯỚC TA KHÔNG CÓ CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN

Ngọ Môn Huế - biểu tượng một thời của chế độ quân chủ


Xin được nói ngay - đây là tựa của một bài viết của cụ Phan Khôi (1) cách đây trên nửa thế kỷ, vừa được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính và giới thiệu. Tôi không dám mạn bàn về bài viết của cụ Phan Khôi và tính thời sự của nó khi ra đời, hoặc chủ đích của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khi công bố bài viết này trong thời điểm hiện nay ? Tôi chỉ mượn duyên cớ này để nói về mặt thuật ngữ của chế độ phong kiến .
Vậy phong kiến là gì ? Về mặt thuật ngữ - PHONG KIẾN : 封建, là một từ cổ gốc Hán-Việt; xuất phát từ hệ tư tưởng chính trị thời Tây Chu, bên Tầu. Đây là từ ghép viết tắt của phong tước và kiến địa . Vào thời này, vua Chu thường phong tước và ban đất cho một số bà con và trung thần để họ lập lãnh địa riêng lập ra các nước chư hầu gọi là "phong kiến thân thích". Mỗi lãnh địa như thế cũng có khi được gọi là một nước. Tính ra vào các thời như Hạ, Thương, Chu có lúc đất Trung Hoa gồm hàng trăm nước. Chế độ phong tước – kiến địa này còn tiếp tục kéo dài sau thời nhà Chu khá lâu. Như vậy ở Trung Hoa, nạn cát cứ được chính thức thừa nhận và trong thực tế đã tồn tại rất lâu dài.
Mô thức nhà nước phong kiến hiểu theo nghĩa phong tước kiến địa cũng từng tồn tại khá phổ biến tại Châu Âu thời trung cổ. Trước đây một số học giả đã dùng chữ "phong kiến" để dịch chữ féodalité từ tiếng Pháp. Nếu nghiên cứu kỹ lại ta sẽ thấy cách dịch này là không đúng ? Vì chữ féodalité bắt nguồn từ chữ feod trong tiếng Latinh nghĩa là "lãnh địa cha truyền con nối ".Tuy vậy cả hai chữ này chỉ mới phản ánh hình thức phân phong đất đai chứ chưa phản ánh bản chất của chế độ đó.
Phong kiến phản ánh hình thức truyền nối và chiếm hữu đất đai của chế độ quân chủ chuyên chế, còn gọi là đế chế. Chế độ quân chủ tuyệt đối, là chính thể mà quân chủ nắm thực quyền. Hiến pháp không tồn tại trong chế độ này. Chế độ quân chủ chuyên chế thường có mặt tại các quốc gia chủ nô và các quốc gia phong kiến. Chế độ này thịnh hành ở các nước châu Âu vào các thế kỷ 17, 18 và Trung Hoa cổ đại .
Nhưng những thời kỳ quân chủ trước kia ở nước ta cũng được gọi là thời kỳ phong kiến thì có cái gì đó không ổn , nếu cho rằng “phong kiến chỉ phản ánh một giai đoạn, một thời kỳ hay là một hình thái của chế độ quân chủ ” thì càng không đúng nghĩa của thuật ngữ Phong tước – kiến địa.
Vào năm 1934, khi viết bài báo này (2), cụ Phan Khôi đã chỉ rõ " nước ta xưa nay không có chế độ phong kiến, cái chế độ ấy chưa hề xuất hiện trên lịch sử xứ ta ”.
Ở nước ta khi những guồng máy chính quyền đầu tiên của kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất như chính quyền của họ Khúc, họ Dương, họ Ngô đều là những chính quyền được tổ chức theo nguyên tắc tập trung và thống nhất. Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), sau một thời gian ngắn có loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất lại đất nước. Từ thời Đinh trở đi, độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia luôn gắn bó chặt chẻ với nhau, xuyên suốt của lịch sử nước nhà. Thời cực thịnh của đất nước là thời Lý (1010 – 1225) với chế độ thực phong - thực ấp và thời Trần (1226 – 1400) với chế độ điền trang – thái ấp, là chế độ dùng ruộng đất công để ban cấp cho quý tộc họ Lý hoặc họ Trần và cho một số người có công lao đặc biệt để họ lập phủ đệ riêng. Nhưng các hình thái xã hội này chỉ tạo ra những dáng dấp nhất thời và mờ nhạt của phong tước kiến địa và không hề dẫn tới tình trạng cát cứ địa phương, ngược lại, nhà nước thời Lý - Trần là nhà nước tập trung và thống nhất hùng mạnh.
Nhưng ở Trung Hoa thì hoàn toàn khác, Vua Chu (1122 - 249 trước CN, là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Trung hoa – 873 năm ) chỉ nắm quyền lực ở trung ương . Nhà Chu đóng đô ở Cảo Kinh (gần Tây An ngày nay), và chỉ quản lý một vùng đất rất nhỏ quanh kinh đô còn thì chia hết cho các chư hầu. Vua phong tước cho một bầy tôi (hoặc là một người trong họ nhà vua, hoặc là một công thần...) và cho người đó một khu đất để người đó lập nước riêng. Người đó thành một chư hầu của vua, bổn phận của chư hầu là 1-2 năm một lần phải triều cống thiên tử - cống phẩm là sản vật trong nước - trình bày về tình hình cai trị trong nước. Có sự xích mích gì với lân bang thì không được tự giải quyết lấy bằng vũ lực mà phải để thiên tử xử; khi chư hầu chết, truyền ngôi lại cho con thì phải được thiên tử chấp nhận. Ngược lại bổn phận của thiên tử là phải che chở, giúp đỡ các chư hầu: nước nào bị ngoại tộc xâm lăng thì đem quân lại cứu; nước nào mất mùa thiên tử cũng phải cứu trợ. Và 5 năm một lần, thiên tử đi thăm hết các chư hầu một lượt và nghe các nguyện vọng của họ.
Định chế này giúp nhà Chu cai trị được một lãnh thổ rộng gấp mười đất của tộc Chu mà không phải dùng nhiều quân đội, không tốn sức. Nó lập được một tổ chức có trật tự, trên dưới đều có quyền lợi và bổn phận. Nhưng định chế này sẽ bị vô hiệu hóa khi quyền lực của Thiên tử bị suy yếu. Thực tế đã chứng minh vào cuối thời Đông Chu khi Đông Chu bị nhà Tần tiêu diệt (năm 249 trước công nguyên) .
Tại châu Âu vào thời Trung cổ, chế độ quân chủ ở đây có hệ thống đẳng cấp dựa trên quan hệ Vua (đại diện cho giới quý tộc) - lãnh chúa (chư hầu), tình trạng cát cứ tồn tại và kéo dài. Những người được phong đất được trở thành chủ đất, những vùng đất được phong sẽ trở thành lãnh địa riêng của người đó (lãnh chúa). Do đó chế độ phong kiến ở đây có đặc điểm là có kinh tế lãnh địa, có hai giai cấp chính trong xã hội là lãnh chúa và nông nô. Đồng thời việc phân phong đất đai gắn liền với phương thức sản xuất chủ đất – tá điền. Người nông dân trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất đó phải đóng thuế đất (địa tô) cho lãnh chúa.
Qua so sánh trên đây chúng ta thấy cả hai hình thái xã hội này hoàn toàn không có trong lịch sử việt Nam. Trải qua các triều đại, các vua đương triều vẫn có phong công hầu khanh tướng cho các bề tôi, lại có phong đến tước vương nữa. Nhưng những người chịu phong tước ấy có danh mà không có thực, vì thực tế chẳng có ai được đất phong lớn, được hưởng cả huê lợi, được cai trị dân như các vua chư hầu đời xưa dưới chế độ phong kiến thực sự như nói trên đây cả. Đại để mỗi người được phong tước thì vua tuỳ từng đẳng cấp mà ban cho ruộng đất ít nhiều, gọi là “thái địa”.
Thái địa ấy tự người được phong muốn chọn nơi nào thì chọn, và được truyền lại cho con cháu như đất tư của mình. Thái địa ít thì chừng mấy mẫu, nhiều thì chừng mấy chục mẫu, nhiều lắm cũng đến choán lấy mấy làng là cùng, chớ không khi nào được đến một tỉnh hay một trấn mà có thể làm thành một nước nhỏ được. Vả lại người được phong chỉ có quyền về thổ địa mà không có quyền về nhân dân ở trên thổ địa ấy; bao nhiêu người dân từ trước lập nghiệp trên thái địa cũng vẫn trực tiếp chịu quyền cai trị của nhà vua. Điều này là một sự khác biệt với các chế độ quân chủ khác ở các nơi trên thế giới, nhất là ở Trung Hoa.
Cũng bởi nhiều lý do, đã dẫn đến sự nhầm lẩn kéo dài của các nhà sử học trước đây, nhưng theo tôi có một lý do xuyên suốt để chế độ phong kiến không thể tồn tại ở nước ta theo đúng nghĩa của hai từ này, đó là vì đất nước ta quá nhỏ. Một trong những lý do mà chế độ phong kiến tồn tại dai dẳng trên đất nước Trung Hoa vì Trung Hoa vào thời ấy đã quá lớn, quá rộng mà phương tiện giao thông lại thô sơ, đi lại khó khăn, nên vua phải ban đất cho công thần, con cháu, để làm phên dậu mà cai trị giúp. Đất đai đó được xem như là của riêng của các chư hầu, các chư hầu có quyền bán, tặng, đổi đất đai vì quyền lợi công hay tư, mà không cần phải có lệnh nhà vua.
Đến đời Nhà Tần (221-206) thì đường sá đã khá mở mang, giao thông thuận tiện hơn nên Tần Thủy Hoàng nhận thấy chế độ Phong Kiến chỉ đem lại hiềm khích, chiến tranh làm khổ nhân dân, nên đã chia lãnh thổ ra làm quận, huyện và phái công chức (quan lại) đi trấn nhiệm để cai quản. Từ thực tế này, so sánh với nước ta, nếu thời nhà Lý và nhà Trần được gọi là cực thịnh trong lịch sử đất nước (đánh thắng quân Tống, Nguyên), thì lãnh thổ đất nước cũng chỉ loanh quanh ở vùng đồng bằng Bắc bộ và vùng duyên hải hai tỉnh Thanh hóa và Nghệ An hiện nay, dân số thì chưa đến một triệu người. Tới thời Hậu Lê có mở rộng về phía Nam chút ít, nhưng sau đó thì thời Trịnh – Nguyễn (năm 1626) đất nước bị chia hai thành hai nước riêng biệt khá nhỏ bé. 
Khi mọi người hiểu rõ được như thế nào là phong tước – kiến địa như một phần phân tích trên đây, chúng ta sẽ biết chế độ phong kiến thật sự có tồn tại trong lịch sử dân tộc hay không ?
Cũng chính cụ Phan Khôi khi viết bài báo nói trên - năm 1934 (2), là lúc cụ đang sống dưới chế độ thực dân - phong kiến như cách gọi thông thường lúc ấy và như hiện nay, nhưng cụ đã cho rằng : " các nhà xã hội học An Nam (?) làm sao lại nhắm mắt nói liều rằng “người mình chịu áp bách dưới chế độ phong kiến” hay là “chúng ta ngày nay bắt đầu thoát ly chế độ phong kiến” được ? Chế độ phong kiến ở bên Tàu có, ở bên Nhựt Bổn có, ở bên Tây có ; song có thể nào lấy cớ mấy xứ ấy có chế độ phong kiến mà buộc cho xứ ta từ xưa cũng phải có chế độ phong kiến ? ".
Hiện nay có một số học giả có ý kiến là “có nên dùng hai chữ QUÂN CHỦ thay cho hai chữ PHONG KIẾN để nói đến lịch sử Việt Nam trước thời thành lập nền cộng hòa chăng ?”. Vì thật tế - nước ta không có cái chế độ phong kiến ấy.
Nhưng vẫn như thường thấy, với một điều khá rõ ràng như vậy nhưng giới nghiên cứu văn hóa xứ ta vẫn vui vẻ đón nhận như một sự an bài. Chẳng mấy ai cố công tìm hiểu xem cái thành ngữ này từ đâu mà ra, rằng nó được đưa ra là nhằm phục vụ cho ai; tại sao ý tứ của nó khá là lổn ngổn như vậy nhưng nó vẫn tồn tại một cách lâu dài và khá vững chắc ! Phải chăng như dư luận vẫn lan truyền câu chuyện, giới nghiên cứu văn hóa tại nước ta xưa nay vốn là giới thấp cổ bé họng nhất trong xã hội. Bởi tuy là người luôn phải đón nhận đầu tiên mọi cái "mới - lạ", nhưng luôn "an phận thủ thường" chấp nhận mọi sự áp đặt, dù nhiều lúc nó khá là ngược ngạo !
Cũng biết văn hóa thời nào cũng vậy, phải phục vụ cho nhu cầu chính trị của giới cầm quyền; nhưng đây không chỉ đơn thuần là một vấn đề về chuyên môn mà còn là một phạm trù thuộc về bản sắc văn hóa của người Việt - đó là tiếng nói. Bởi tiếng Việt của chúng ta vốn phong phú, nhưng phải biết sử dụng cho đúng nơi đúng chỗ mới thấy hết được sự thâm thúy của nó. Nếu không biết cách dùng có thể đánh mất bản sắc của chính mình và chính dân tộc mình .
Có một dẫn chứng rất cụ thể mà ai cũng thấy, và rất nhiều người đã vô tình phạm phải nhưng không phải ai cũng biết là mình đã sai khi không biết sử dụng tiếng Việt cho đúng: Hiện nay, hàng ngày ra đường chúng ta thấy hàng hóa xuất xứ từ một nước láng giềng phương Bắc đang tràn ngập mọi hang cùng ngõ hẻm ở nước ta, chúng ta gọi đó là hàng Trung Quốc. Nhưng tên gọi đầy đủ của nước láng giềng này là Cộng Hòa nhân Dân Trung Hoa, gọi tắt là nước Trung Hoa chứ không phải là Trung Quốc. 
Danh xưng Trung Quốc không được sử dụng trong bất cứ văn bản nhà nước chính thức nào của nước Trung Hoa ngày nay, nó chỉ tồn tại một cách không chính thức để chỉ một hệ tư tưởng Đại Hán của Trung Hoa thời cổ đại. Thời kỳ này người Hán tự cho mình là mạnh nhất, là thông minh nhất ; các nước chung quanh bị họ gọi một cách miệt thị như : Nam man, Tây di, Bắc địch. Họ cho rằng nước của họ là trung tâm của thế giới và tự xưng là nước ở giữa (trung quốc hay trung nguyên). 
Nay nếu chúng ta không biết cách dùng từ ngữ để gọi cho đúng, mà cứ gọi là Trung Quốc thì vô tình quảng cáo không công cho anh ba tàu ? 
Qua so sánh trên đây, nếu những ai có chút kiến thức về lịch sử nước nhà sẽ dễ dàng đồng ý với cụ Phan Khôi. Nhưng cụ viết, cụ nói là việc của cụ, vì liệu có mấy người đồng ý với cụ khi họ được dạy một cách hiểu hoàn toàn khác về cái thành ngữ này ./.
ĐKT
12.02.2006

Chú thích:
(1) Phan Khôi (1887 - 1959) : Là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, về sau đứng trong trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm . Ông sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trân (tri phủ Diên Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu). Ông có quan hệ họ hàng với nhà cách mạng Phan Thanh và Phan Bôi tức Huỳnh Hữu Nam. Ông học giỏi Nho văn và đỗ tú tài năm 19 tuổi.
- Xin lưu ý quý độc giả : Nhà cách mạng Phan Thanh là thân sinh của ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẳng, nguyên thường trực Ban Bí thư.
(2) Nguồn: Phụ nữ Tân văn, Sài Gòn, số 268 / 29 Novembre 1934 .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...