Làng - xã - hương - thôn !

Phong cảnh một ngôi làng cổ Bắc bộ


Làng là gì ?
Làng (theo tiếng Hán – Việt gọi là xã, còn hương là một từ cổ của người Việt dùng để chỉ làng) một tổ chức hành chính, một đơn vị cư trú và  một hình thức tổ chức xã hội quan trọng của vùng nông thôn Việt Nam từ bao đời nay.
Suốt nhiều thế kỷ, làng là đơn vị tụ cư cổ truyền lâu đời nhất ở nông thôn người Việt,  là nhân tố chính (làng – nước) tạo ra hệ thống nhà nước quân chủ tại Việt Nam. Làng của những người làm một nghề nào đó trên cạn xưa gọi là phường, làm nghề sông nước, chài lưới được gọi là vạn hay vạn chài. Thời Hùng Vương, làng được gọi là chạ.
Làng tương đương với sóc của người Khơme, bảnmường (của các dân tộc thiểu số phía Bắc), buôn, bon (của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên-Trường Sơn). Làng truyền thống điển hình thời trung và cận đại là một tập hợp những người có thể có cùng huyết thống, cùng phương kế sinh nhai trên một vùng đất nhất định. Cư dân trong làng thường có hai mối quan hệ: quan hệ láng giềng và quan hệ họ hàng. Mọi hoạt động của làng xưa kia có tính tự trị, khép kín, độc lập như là một vương quốc nhỏ trong vương quốc lớn nên mới có câu "Hương đảng, tiểu triều đình".

Tục ngữ có câu “ Phép vua thua lệ làng” - vậy lệ làng là gì ?
Đây là một câu tục ngữ nói về luật tục của một cái làng nào đó thời xưa. Có quyền pháp lý và bắt buộc mọi người trong làng phải tuân theo. Nhưng nằm ngoài vùng kiểm soát của nhà nước và nhà nước chỉ có quyền nắm giữ chứ không có quyền xâm phạm các luật lệ của làng đó.
Câu tục ngữ này còn mang một ý nghĩa khá sâu rộng. Nhằm ám chỉ đó không chỉ là những phong tục tập quán, mà đó còn là những luật tục sẽ được người dân trong làng bảo vệ dù có vua đến cũng coi như là không.
Theo các nhà ngôn ngữ học, câu tục ngữ này cần được hiểu theo hai ý: Phép vua tức là quyền hạng cao nhất, biểu hiện cho tinh thần pháp luật quốc gia. Mang một tầm bao quát lớn. Lệ làng tức là những luật tục ở một cái làng nào đó. Luật lệ này không phải do một cá nhân hay một tập thể nào đó đặt ra mà được hình thành theo thời gian. Do nhiều thế hệ cư dân trong làng qua quá trình sinh sống đã chọn lựa ra những quy tắc sống tốt nhất nhằm bảo đảm cho sự tồn vong, phát triển và duy trì trật tự của làng. Lệ làng do hội đồng làng gồm đại diện các tộc họ, những chức sắc và người lớn tuổi có uy vọng nhất đứng ra chủ trì và đặt ra những quyền hạn mà người trong làng phải nghe theo.
Các luật lệ được sắp xếp theo mọt trật tự trên dưới, công bằng và đầy tính nhân văn. Do đó đơn vị làng cũng là đơn vị sống tình cảm, ở đó phản ánh trình độ sống nhiều khi nặng về cảm tính của con người.
Câu tục ngữ này cũng muốn nói lên một điều đó là dù có pháp luật có cao tới đâu cũng không thể nào đi qua một ngôi làng nào đó mà không tuân thủ theo thuần phong mỹ tục và tục lệ ở làng đó. Và còn khẳng định một điều nữa là dù luật pháp có khoa học đến thế nào thì cũng không thể không xem xét đến những quy tắc ứng xử và cách sống mà ông cha ta từ xưa để lại. Vì có những sự tuân thủ đó nên bây giờ xã hội mới còn lại hằng năm những lễ hội, những lễ cúng viếng, những phong tục tập quán được duy trì. Đó cũng là một nét truyền thống về văn hóa của ông cha ta.
Hiện nay câu tục ngữ "phép vua thua lệ làng" cũng đã nằm trọng sự kiểm soát của nhà nước. Đó cũng là một việc tốt, để tránh những việc lạm dụng luật lệ khi có ai đó tự đặt ra một thứ lệ nhằm mục đích tư lợi nhưng lại viện dẫn đến lệ làng (hay luật tục) từ xa xưa.
Qua câu tục ngữ này, ông cha ta muốn truyền lại cho con cháu những truyền thống, những phong tục tập quán, những bản sắc của văn hóa vùng miền và muốn nhắc nhở chúng ta phải thực hiện, phát huy cho được những truyền thống quý báu mà người xưa đã truyền lại.

Tuy nhiên trước thời kỳ nội thuộc nhà Minh (1408) điểm tụ cư (làng) khá quan trọng này không được coi trọng, không có quy định rõ ràng về địa lý hành chánh và địa danh cụ thề. Bất cứ điểm tụ cư nào có dân cư sinh sống cũng đều được gọi là làng (xã), không có quy định về diện tích hay quy mô dân số và hình thức quản lý nhà nước. Mãi tới thời nhà Hậu Lê (Lê sơ), khi các đơn vị hành chánh tại Đại Việt được thành lập, được tổ chức, phân cấp rõ ràng, thì làng (xã) mới được công nhận là một đơn vị hành chánh chính thức trong bộ máy hành chánh nhà nước. Đây là thời kỳ mà bộ máy hành chánh được tổ chất tốt nhất so với các triều đại trước đó, việc tổ chức bộ máy quản lý hành chánh khá là quy củ và chặt chẽ; sự việc này được sử sách lưu lại cụ thể.
Theo đó, năm 1428 vua Lê Thái Tổ phân chia lãnh thổ thành các đơn vị gọi là tiểu xã, trung xã và đại xã. Vào thời gian đầu của thời nhà Hậu Lê (1428) do dân số vẫn còn khá ít nên đơn vị làng vẫn còn khá quan trọng, viên quan trấn nhiệm làng vẫn do triều đình bổ nhiệm. Nhằm đánh dấu việc nhà nước tăng cường kiểm soát làng (xã), triều đình đã phong viên quan cai trị làng (xã) lúc đó gọi là "xã quan". Nhưng tới năm 1467 sau gần 50 năm đất nước thanh bình thịnh trị, khi dân số đông dần lên triều Lê thành lập thêm cấp tổng (tương đương cấp xã hiện nay) thì bỏ "xã quan", thay bằng "xã trưởng"(tức trưởng làng). Viên chức này không còn do triều đình bổ nhiệm nữa mà là do dân làng tuyển cử. Từ đó trở đi triều đình chỉ kiểm soát từ cấp Tổng trở lên, còn làng (xã) được coi như tự trị. Chức xã trưởng đến triều Minh Mệnh (1820-1840) nhà Nguyễn thì đổi là "lý trưởng".
Như vậy bắt đầu từ thời Triều Lê Sơ (1428-1527) - các đơn vị hành chánh tại nước ta gồm có: trên làng () là tổng, huyệnchâuphủlộđạo; dưới làng là thôn, xóm, ấp... tùy theo từng thời kỳ. Nhưng hiện nay, tổ chức đơn vị hành chính làng không còn; nó chỉ còn được gọi kèm như là một danh xưng, một địa danh trong văn học, trong một tập tục truyền thống nào đó từ xa xưa của làng – xã. Ngày nay, các đơn vị hành chính ở nông thôn chỉ gồm: xóm, thôn (ấp), huyệntỉnh , quốc gia.
   
Tổ chức làng
Làng chủ yếu có ba cơ quan: cơ quan quyết nghị, cơ quan chấp hành, và cơ quan trị an.
Thời nhà Lê thì hội đồng kỳ dịch là cơ quan quyết định mọi đường hướng của làng, có hương trưởng (sau gọi là tiên chỉ) đứng đầu. Hương mục lãnh trách nhiệm trông coi tài sản công tư của làng. Trị an, tự vệ thì giao cho trùm trưởng (sau gọi là tuần đinh). Hương mục và trùm trưởng cũng là thành viên của hội đồng kỳ dịch.
Hội đồng kỳ dịch thường là các hương hào danh tiếng có phẩm hàm, học thức, hoặc là hưu quan trong xã. Điều kiện vào hội đồng không nhất định mà tùy theo hương ước của làng. Có làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo "thiên tước" tức là ai cao tuổi nhất thì là tiên chỉ. Có làng xét theo "nhân tước" và ai đỗ cao nhất hay có phẩm hàm cao nhất thì ngồi chiếu tiên chỉ.
Hội đồng kỳ dịch thường nhóm họp một tháng hai lần vào ngày mồng một (sóc) và ngày rằm (vọng) sau khi lễ thành hoàng ở đình. Công việc cấp xã gồm quyết định chi thu các ngạch thuế đinh, tiền cheo, tiền vạ cùng những việc tế tự. Hội đồng kỳ dịch còn có quyền xét xử những vụ hình luật nhỏ.
Chấp hành là xã trưởng, tức lý trưởng do dân bầu ra để thi hành những nghị quyết của hội đồng kỳ dịch cùng là đại biểu của xã khi liên lạc với triều đình như các quan từ cấp huyện trở lên khi nhà nước thu thuế, mộ lính, hay bắt dân làm tạp dịch. Giúp xã trưởng là phó xã trưởng.

 Làng thời Pháp thuộc
Sau khi thôn tính Nam Kỳ người Pháp đã cho tổ chức lại nhân sự trong làng với Ban hội tề gồm các nhân viên với các chức vụ, và thứ vị như sau:
1. Hương cả: Hương chức đứng đầu, chủ tọa, giữ văn khố
2. Hương chủ: Phó chủ tọa, thanh tra các cơ quan, tường trình lên hương cả.
3. Hương sư: Cố vấn trong việc giải thích luật lệ.
4. Hương trưởng: Giữ ngân sách, nhân viên ban chấp hành.
5. Hương chánh: Hòa giải tranh chấp nhỏ của người trong làng.
6. Hương giáo: Chỉ dẫn các hương chức trẻ, thư ký hội đồng.
7. Hương quản: Trưởng ban cảnh sát, kiểm soát hệ thống giao thông, chuyển vận.
8. Hương bộ: Giữ các bộ thuế và sổ chi thu, trông nom tài sản chung của làng.
9. Hương thân: Hương chức trung gian giữa tư pháp và ban hội tề.
10. Xã trưởng: Hương chức chấp hành, trung gian giữa làng và chính quyền. Giữ ấn (dấu) của làng, đảm nhiệm việc thu thuế.
11. Hương hào: Hương chức chấp hành.
12. Chánh lục bộ: Hộ tịch, báo cho dân làng biết khi có dịch tễ.
Ngoài ra tùy theo địa phương, có thể có thêm:
1. Hương lễ: Có nhiệm vụ trong các buổỉ tế lễ.
2. Hương nhạc: Âm nhạc.
3. Hương ẩm: Hội hè, cỗ bàn.
4. Hương văn: Soạn văn tế.
5. Thủ khoản: Trách nhiệm ruộng nương, công điền.
6. Cai đình: Trách nhiệm trông coi cơ sở, đình miếu.
7. Hương thị: quản lý việc trong chợ
     
Cuộc cải tổ 1921
Trong khi đó làng xã Việt Nam ở Trung và Bắc Kỳ vẫn hoạt động không mấy thay đổi đến năm 1921 thì người Pháp ra lệnh bãi bỏ Hội đồng kỳ dịch và thay thế vào đó là Hội đồng tộc biểu, còn gọi là Hội đồng hương chính. Với sự cải tổ này chính quyền muốn áp dụng một khía cạnh dân chủ bằng cách cho dân đinh 18 tuổi trở lên đi bầu bỏ phiếu cho những đại biểu thành viên trong Hội đồng. Ứng cử viên tối thiểu phải 25 tuổi và sở hữu tài sản trong làng. Mỗi làng được có tối đa 20 đại biểu đại diện cho những gia tộc trong làng.
Đại biểu trong Hội đồng hương chính sẽ chọn một người làm chánh hương hội và một người làm phó hương hội, thay thế cho tiên chỉ và thứ chỉ trước kia. Ngoài ra còn có những hương chức khác như phó lý, thư ký và thủ quỹ. Hội đồng hương chính áp dụng được 6 năm, đến năm 1927 thì phải bỏ vì sự phản đối của dân quê vốn ủng hộ lệ làng cổ truyền. Người Pháp phải thích ứng bằng cách cho lập lại Hội đồng kỳ mục để cùng điều hành việc làng với hội đồng hương chính. Theo đó thì số kỳ mục không hạn chế và nhiệm kỳ cũng không hạn định.

Cải tổ 1941
Năm 1941 cả hai hội đồng kỳ mục và hội đồng hương chính bị bãi bỏ và một hội đồng duy nhất được lập ra: Hội đồng kỳ hào. Cơ quan này giống như hội đồng kỳ dịch cũ nhưng việc quản lý thì giao cho Ủy ban quản trị chỉ có bảy thành viên. Cơ quan chấp hành vẫn là lý trưởng, phó lý, trưởng bạ (trông coi sổ sách điền bộ), hộ lại (trông coi giấy tờ sinh, tử, giá thú), thủ quỹ, và trương tuần. Tuy nhiên thay vì theo truyền thống thì lý trưởng do dân làng bầu ra, lý trưởng và những hương chức chấp hành kể từ năm 1941 là do hội đồng kỳ hào quyết đoán cả nên tính cách dân chủ cổ truyền đã mất đi.

Làng xã thời Quốc gia Việt Nam và VNCH
Hội đồng kỳ hào sau năm 1945 – thời Quốc gia Việt Nam và ở phía nam vĩ tuyến 17 thuộc Việt Nam Cộng Hòa có những cải tổ sau đây.
Thứ nhất là tên gọi được đổi lại thành Hội đồng hương chánh. Đứng đầu hội đồng hương chánh là chủ tịch và phó chủ tịch thêm tổng thơ ký giúp việc. Thành viên hội đồng là ủy viên. Mỗi ủy viên kiêm thêm một đặc vụ.
Làng nhỏ thì chỉ có hai ủy viên y tế và ủy viên giáo dục. Làng lớn thì có thể có đến chín ủy viên cả thảy tức hai ủy viên vừa kể trên và thêm hộ tịch, cảnh sát, tài chánh, thuế vụ, công chánh, kinh tế, và canh nông.

Thôn là gì ?
Thôn (hay ấp) là tổ chức dân cư cấp cơ sở cuối cùng tại các vùng nông thôn VN. Theo các quy định trong các Hiến pháp thì nó không phải là một đơn vị hành chính nhà nước.
Thôn là một hình thức tổ chức xã hội quan trọng nhất của nông thôn người Việt (Kinh). Miền Nam Việt Nam gọi là ấp. Thôn bao gồm một số xóm.
Từ nữa cuối thế kỉ 15 trở về sau, xã hội VN bắt đầu giai đoạn ổn định kinh tế phát triển dân cư đông đúc, hàng loạt các ngôi làng mới được thành lập. Khi mà sự phân công lao động và sự phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc hơn thì tính biệt lập của các ngôi làng không còn thích hợp; nên nhiều ngôi làng nhỏ có nhiều ngành nghề khác nhau đã tự hợp lại thành một ngôi làng lớn. Tại khu vực phía Nam sau năm 1963 khi cấp tổng bị xóa bỏ để thành lập cấp Xã, một số ngôi làng lớn có dân cư đông đúc và sống tập trung thì có thể lập thành một xã (sau đó chia thành nhiều thôn). Những ngôi làng nhỏ dân số ít sống biệt lập, thì nhiều làng hợp lại thành một xã, sau đó các ngôi làng này đều chỉ được gọi là thôn (hoặc ấp).
Hiện nay trong hệ thống hành chính mới của Việt Nam, đơn vị cấp cuối cùng là .  Tuy nhiên thôn (ấp) mới chính là điểm tụ cư cuối cùng của các cấp hành chính VN, nhưng theo quy định thì mọi hoạt động của thôn đều theo tính chất tự quản. Cư dân trong thôn bầu ra trưởng thôn và một bộ phận giúp việc để điều hành công việc của thôn.
Trên đây là vài định nghĩa thông dụng về làng, xã, hương, thôn mà tôi lượm lặt được từ sách vở, đã biên soạn lại để có lúc dùng tới, nhưng cũng xin giới thiệu để mọi người cùng xem./. 

ĐKT
01.12.2011




                                                                   







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...