NHƯ THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI CÓ VĂN HÓA ?

Văn hóa là gì ?

Trả lời câu hỏi này trong thời buổi hiện nay thật không dễ. Bởi như cụ Đào Duy Anh viết trong sách Văn Hóa Sử Cương, rằng : “ hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung cho tất cả các phương tiện sinh hoạt của loài người… ”.
Như vậy với một người sống bình thường có công ăn việc làm, không rượu chè cờ bạc bê tha, không nợ nần ai; luôn làm tròn trách nhiệm với gia đình với xã hội,  ngoan ngoãn “sống theo Hiến pháp và pháp luật ”, không vi phạm pháp luật, không xúc phạm luân thường đạo lý…  đương nhiên sẽ là một người có văn hóa ?

Nhưng hình như thực tế xã hội hiện nay là không phải như vậy ?  Vì nếu như vậy thì có thể chỉ là một anh công nhân lao động lam lũ trong những nhà máy, công trường; hay anh nông dân cày sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng, một anh xe ôm ngày ngày ngồi đợi khách bên một góc đường hay một chị ở xóm trọ đang ngày ngày buôn thúng bán mẹt trên vỉa hè, hoặc một em sinh viên ở trọ đang hàng ngày cắp sách tới giảng đường đại học, .v.v…đã là một người có văn hóa. Nhưng không phải như vậy, vì không thấy ai gọi họ là người có văn hóa hay cấp giấy chứng nhận gia đình văn hóa cho họ cả ?
Điều này cũng không có nghĩa là một người có văn hóa – phải là một người có nhiều bằng cấp chuyên môn, học hàm học vị đầy mình hoặc là một thứ “nhà” nào đó, hoặc phải là một kẻ quyền cao chức trọng hay một doanh nhân có nhiều tiền. Điều này thì càng không phải ?

Bởi kẻ quyền cao chức trọng kia có thực sự là đầy tớ của nhân dân không, hay chỉ là một người lo tư túi và bằng nhiều cách không lấy gì đẹp đẽ cho lắm đã vươn tới đỉnh cao của quyền lực. Họ đang thụ hưởng cho riêng mình những thành quả mà biết bao thế hệ đã tốn bao xương máu mới có được.
 Bởi mỗi buổi sáng những kẻ công bộc này thường đi làm việc trên những chiếc xe riêng trị giá hàng tỷ đồng, mỗi buổi chiều ta sẽ thấy họ trong những quán nhậu cao cấp ?
Trong khi những người chủ thực sự của đất nước – giai cấp vô sản thật sự, là những người công nhân đang bữa đói bữa no trong những khu nhà trọ tồi tàn. Những người nông dân thì đang trong cái vòng lẫn quẩn “ được mùa mất giá, được giá mất mùa” ; đến nỗi trên báo Tuổi trẻ các nhà báo đã đặt nguyên một cái tựa trong bài viết của mình là : “ Bao giờ người nông dân hết khổ ”. Nhưng người ta vẫn coi như đó là chuyện của thiên hạ, không liên can đến mình. Vậy những vị chức sắc vô trách nhiệm kia họ có phải là người có văn hóa không ?
 Cũng bởi doanh nhân thành đạt, đi xe tiền tỷ có thể chỉ là những kẻ “tay không bắt giặc” hoặc là đang ngồi trên đống nợ. Con cái của các vị chức sắc và doanh nhân kia có thế là những “phá gia chi tử” hoặc đang tạm trú trong những trại cai nghiện. Và những tấm bảng công nhận Gia đình Văn hóa treo đầy trong nhà của họ không thể là những gia đình văn hóa thực sự được ?

Nhưng anh nông dân kia suốt một ngày cặm cụi trên đồng ruộng tối về đặt lưng một chút trên tấm phảng xù xì, chưa ngon giấc ngủ đã phải ra đồng sớm tưới nước và chăm bón cho luống hành luống rau sắp thu hoạch để kiếm chút tiền gởi cho hai thằng con trai đang học đại học trên thành phố. Dĩ nhiên con của anh nông dân này không thể học dốt được vì đồng tiền được gởi lên cho nó ăn học là mồ hôi nước mắt của cha mẹ nó. Phải chăng đây mới chính là một gia đình có văn hóa ?
Anh xe ôm nọ cũng có thể là một người có bằng đại học, nhưng vì không lo nổi vài chục triệu đồng cho một chỗ làm nên đành xếp bằng cấp ra đường kiếm bát cơm sống qua ngày. Ai dám nói anh là người không có văn hóa ?
Và đồng tiền anh kiếm được sau mỗi cuốc xe nó có giá trị biết bao, những đồng tiền này không thể được tiêu xài trong những quán nhậu cao cấp, hay những phòng karaoke vip được ?
Vậy như thế nào là một người có văn hóa ? Câu hỏi này thật là khó định nghĩa trong thời buổi kinh tế thị trường, vàng thau lẫn lộn này ?        

Hiện nay trên báo Tuổi Trẻ, có một chủ đề mà nhiều người quan tâm đó là mục : Gặp gỡ đầu tuần, các cây bút khắp nơi đang bình luận về “văn hóa tham nhũng”, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nói chung đều lên án và lo lắng cho tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay Từ chuyện mà người ta gọi là tham nhũng vặt cho đến những vụ án đại tham nhũng .
 Cái gọi là tham nhũng vặt ở đây được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, quy mô của hoạt động tham nhũng tuy nhỏ nhưng rải rát khắp nơi, ví dụ như xin cho con học phải “lót tay”, để được chăn sóc tốt hơn ở bệnh viện cũng phải “bồi dưỡng”. Nghĩa thứ hai đáng bàn hơn, theo đó người dân cảm thấy tham nhũng trở thành chuyện vặt đến mức như thói quen, khiến người ta không cảm thấy bức xúc, không thấy lạ. Khi tham nhũng đã phổ biến tới mức người ta không lên án mà dễ dàng chấp nhận. Lúc mà tham nhũng là một hiện tượng mang tính xã hội lan rộng, trở thành một hiện tượng bình thường thì sẽ mang lại những hệ quả tai hại .
Quan chức ở khu vực hành chánh công sẽ hành xử ngày càng tùy tiện và kết quả công việc là tùy thuộc vào mức độ chấp nhận phải đưa hối lộ của người dân. Nhiều quy định của pháp luật sẽ bị vô hiệu hóa, và phong bì hay quà biếu sẽ được đưa ra làm chuẩn mực; các mối quan hệ quen biết, sự chia chác lợi ích sẽ thay thế cho công lý, luật pháp. Những hành vi này dẫn đến những giá trị của xã hội dần dần sẽ bị lung lay.
 -  “Một xã hội không có những giá trị bền vững thì không thể ổn định lâu dài được, các nhóm lợi ích nào chiếm được quyền lực sẽ tạo ra luật chơi mới và họ sẽ khai thác quyền lực cho lợi ích của họ. Một xã hội như vậy mẫn cảm với những biến đổi về chính trị và báo trước những nguy cơ bất ổn ”.( PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Trưởng khoa luật Trường ĐH kinh tế TP. HCM)

Trong vụ trọng án Dương Chí Dũng vừa được xét xử mấy ngày qua, khi các báo đài tham gia tường thuật lại vụ việc, trong một bản tin do đài truyền hình trung ương phát (VTV1), biên tập viên bản tin khi nói về nhân thân và quá trình phạm tội của Dương Chí Dũng có nói rằng “… gia đình của ông ta là một gia đình danh giá nhất đất Hải Phòng, có bố nguyên là Giám đốc CA thành phố…”. Theo tôi, tác giả bản tin đã không hiểu đầy đủ được ý nghĩa của hai từ danh giá, hay bản chất của danh giá đã bị thay đổi ?
Một ông Giám đốc của một cơ quan nhà nước cấp tỉnh (thành), đại diện cho giai cấp vô sản làm việc vì dân, ăn lương của dân; mà một thời người ta thường gọi một cách khiêm tốn là đầy tớ của nhân dân. Một thời gian dài cho đến khi sự việc vỡ lỡ những gì là văn hóa, là chuẩn mực của đạo đức cách mạng, là lương tâm và trách nhiệm với Đảng với dân đã bị cái gia đình này bỏ qua. Nhưng người ta vẫn cho là bình thường và gia đình này vẫn được gọi là một gia đình danh giá, gia đình của một ông quan to thời kinh tế thị trường!

Cũng qua vụ trọng án này chúng ta đã có thể biết được, người bố của hai kẻ tội phạm kia đã dạy con điều gì ? Vì cổ nhân có dạy rằng :
                                       Dục tri tiền thế nhân
                                       Kim sinh thọ giả thị
                                       Dục tri lai thế quả
                                       Kim sinh tác giả thị
                    Tạm dịch :
                                       Muốn biết tiền nhân gieo gì,
                                       Thì chỉ cần nhìn con cháu gặt hái được gì .
                                       Muốn biết sau này con cháu mình gặt hái được gì ,
                                       Thì chỉ cần biết ta đã gieo gì ?
Những gì con cái ông ta gặt hái được ngày hôm nay, chắc chắn là thành quả mà ông ta đã gieo trước đây. Luật nhân quả không từ một ai!

Nếu không bắt đầu từ văn hóa và giáo dục từ trong mỗi gia đình, thì dù có tử hình kẻ tham nhũng này, xã hội sẽ lại xuất hiện kẻ tham nhũng khác. Để chống tham nhũng và tham ô, phải chăng nên bắt đầu từ văn hóa ?
Đã một thời chúng ta dạy thanh niên : “ hạnh phúc là đấu tranh”, nhưng “ chúng ta quên dạy thanh niên lòng nhân ái ” (tựa của một bài báo trên báo Tuổi trẻ). Cho nên chỉ cần ra đường đi xe va quệt nhau chút xíu là lao vào sừng cồ với nhau thậm chí là đâm chém nhau, đến đổi một số du khách nước ngoài khi chứng kiến họ cho rằng “ người Việt ta hung dữ quá ” (tựa của một bài báo trên báo Tuổi trẻ). Ở phạm vi và môi trường rộng hơn như nơi làm việc, nơi công cộng … người ta sẽ sẵng sàng đè đầu cởi cổ người khác nhằm đem cái lợi về cho mình và tự cho đó là hạnh phúc ?

Thời bao cấp bưng bát cơm độn bo bo, nhưng chúng ta vẫn vui vẻ ru ngủ tâng bốc nhau trong cái ao làng, đã quen nói đến cái tốt mà ít khi động đến cái xấu của mình. Nên việc nằm ngủ quá lâu trên giấc mơ đẹp khiến chúng ta phải trả giá chăng ?
Theo giáo sư Ngô Văn Thịnh (nhà nghiên cứu văn hóa) : “… ăn cắp không phải đến bây giờ mới có mà nó có từ rất lâu rồi. Nhưng trong một xã hội thiếu lành mạnh thì cái xấu càng bộc lộ ra nhiều hơn , …môi trường xã hội bây giờ dễ dẫn người ta đến hành vi như vậy.” .
Theo tôi, nhận xét trên của vị giáo sư là chính xác, bởi bây giờ người ta đua chen, lừa bịp nhau, tham lam, vô kỷ luật, phớt lờ các quy tắc đạo đức và mặc kệ tác hại có thể gây ra cho người khác, chỉ cần thu lợi về cho bản thân. Tôi không cho rằng nông nổi này do lỗi của văn hóa. Bởi tính cách dân tộc nào cũng có tốt có xấu, nhưng như nói trên đây - do cách quản lý xã hội lỏng lẻo, bất hợp lý đã vô tình tạo điều kiện cho tính xấu ngày càng bành trướng, tính tốt càng bị chèn ép mất hút. Nếu không có sự nghiêm minh, công bằng trong xã hội thì người ta sẽ tìm cách đạt lợi ích bằng hành vi xấu. Lâu dần thành thói quen của cả cộng đồng ?
- “ Chúng ta đang ở trong trạng thái xã hội không bình thường, xã hội bị lạc đường bởi tình trạng tham nhũng vặt. Một người học đại học ra trường có bằng giỏi và có thực lực, nếu ở xã hội bình thường thì họ sẽ được chào đón, được nhận vào làm việc ngay, nhưng ở ta có thể phải lo lót, chạy chọt, quà cáp để được nhận vào làm. Như vậy nhiều giá trị trong xã hội đã bị lệch chuẩn, sai lạc. Tài năng, đạo đức và thậm chí pháp luật không có giá trị nhiều lắm, mà giá trị lại là “ con ông cháu cha ”, sự thân quen, có tiền bạc. Sự lệch chuẩn, lạc điệu như vậy còn đáng sợ hơn lạc hậu ? ”(PGS.TS Đặng Ngọc Đinh – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng)

- Cũng qua vụ án của gia đình “danh giá” bậc nhất thành phố Cảng, chúng ta cũng nghiệm ra được một điều nữa trong văn hóa của người Việt đó là thuật ngữ “ con vua rồi lại làm vua ”- cụm từ mà một thời chúng ta đả phá và lên án ; thì trong thời buổi hiện nay hóa ra lại đúng ?
Bởi con Vua (thời nay) nó ngồi trên đống vàng do cha nó kiếm được (bằng nhiều cách có thể là không được sạch sẽ cho lắm) và mặc sức tiêu xài thỏa thích. Nó không cần phải thức khuya dậy sớm để học hành thi cử làm gì cho mệt cái thân. Vì sự học đối với nhiều người tựu trung cũng chỉ là để có đồng lương cao, to lớn hơn một chút là để phấn đấu và tìm kiếm một chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Nhưng những chỗ ngồi tốt (mục đích phấn đấu để mong đạt được của bao người) đã được để dành sẵn cho những ông con quan (vua) từ lâu rồi (đó là những cái mà dưới xã hội ta được gọi là tạo nguồn, là cơ cấu…). Cho nên con sãi vẫn phải quét lá đa lâu dài !

Vì thật tế là không cần học hành thi cử gì thì con cái của cái gia đình “danh giá” nhất đất Hải Phòng trên đây vẫn làm Vua. Vâng thật sự là những ông vua không cần Ngai.
 Bởi khi ông cha về hưu thì thằng con lên làm cấp phó - nghe đâu khi bị bắt nó đã leo lên cấp cục, (và cũng không lạ là khi bị hỏi cung nó đã hăm dọa khi ra tù sẽ “xử đẹp” cán bộ hỏi cung nó – vì bản chất vẫn là bản chất). Còn thằng anh nó là Dương Chí Dũng sau thời gian đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô (cũ), do biến động chính trị ở Đông Âu, Dũng phải về nước và một thời gian dài sau đó là một anh thất nghiệp. Nhưng không biết bằng cách nào mà chỉ 10 năm sau, từ một anh thất nghiệp leo lên thành một vị chủ tịch Tập Đoàn của một Tập đoàn Kinh tế nhà nước lớn nhất nhì Việt Nam, với bằng cấp và học vị đầy mình (không biết anh con quan này học lúc nào và ở đâu mà tài thế nhỉ ?).
Và một ông con vua như thế mà lãnh đạo một Tập đoàn tàu thủy - đầy tính cạnh tranh trong khu vực năng động nhất thế giới về thương thuyền như khu vực Đông Nam Á, thì chuyện gì phải đến sẽ đến là không có gì bất ngờ cả. Những cái tập đoàn mà những ông con vua này lãnh đạo không sụp đổ mới là chuyện lạ ? Và những đồng tiền thuế của nhân dân tan thành mây khói. Trong đó có những đồng tiền mồ hôi nước mắt của anh nông dân, của chị buôn thúng bán mẹt và anh xe ôm như nói trên đây.
Những gì là chuẩn mực của đạo đức, là lương tâm, là tinh thần trách nhiệm của những Đảng viên đang gánh trách nhiệm lãnh đạo đất nước mà người ta nói ra rã hàng ngày trên báo đài đã hoàn toàn không có. 
Điều này lý giải trình trạng tham nhũng vặt xảy ra khắp nơi và người ta coi đó là chuyện bình thường. Có nhiều người còn lý giải rằng đó là quy luật tất yếu, là mặt trái của kinh tế thị trường. 

Nhưng xin hãy đặt câu hỏi ngược lại là tại sao nhiều nước có kinh tế thị trường trước ta mà họ lại không có tình trạng đó ? Câu trả lời của nhiều chuyên gia kinh tế là “ muốn có một nền kinh tế thị trường lành mạnh, tốt đẹp thì phải có một nền quản trị hiện đại ”. Chúng ta chưa có một nền quản trị tốt nên trong xã hội mới nãy sinh nạn tham nhũng vặt, chứ không phải là người dân VN thích hối lộ. Nhưng muốn có một nền quản trị tốt thì phải tiến hành cải cách hành chánh cho thật tốt, chế độ lương bổng phải đổi mới, pháp luật phải công khai, minh bạch và bình đẳng giữa mọi người .

Một xã hội mà quan hệ giữa người dân và cơ quan nhà nước là quan hệ “xin – cho”, thì việc đi tới đâu; làm việc gì cũng phải “lót tay”, “bồi dưỡng” cho nhân viên của cơ quan công quyền là điều đương nhiên. Lâu ngày thành lệ và từ lệ thành “luật” lúc nào không biết !
Cho nên chúng ta cũng không nên cảm thấy ngạc nhiên với một hiện tượng rất lạ là - làm công chức nhà nước lương thấp mà người ta vẫn sẳn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “chạy” vào. Khi người ta đã “lọt” được vào thì người ta phải thu hồi vốn mình đã đầu tư, là đương nhiên thôi !     

Lời kết
Trên thế giới, mọi chính quyền thường không muốn minh bạch thông tin. Đó là một thực tế, kể cả ở nhiều quốc gia phát triển. Chỉ dưới sức ép liên tục của dân chúng thì chính quyền mới chấp nhận buộc phải minh bạch, càng minh bạch thì chính quyền càng vững mạnh, tựa như ánh sáng sẽ giết chết vi trùng. Nói cách khác, trong bưng bít và bóng tối thì thừa cơ hội nảy sinh lạm quyền, ngược lại dưới ánh sáng chói chang của sự giám sát rộng khắp thì chỉ có người thực tài mới có thể tìm được sự ủy trị của nhân dân ”.(PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Trưởng khoa luật Trường ĐH kinh tế TP. HCM.
Theo như cụ Đào Duy Anh nói trên đây, thì : “ hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung cho tất cả các phương tiện sinh hoạt của loài người… ”. Nhưng tôi tìm hoài cũng không thể định nghĩa nỗi như thế nào là “một người có văn hóa” đúng nghĩa trong thời buổi hiện nay.
  - Theo bạn một người có văn hóa là một người như thế nào ?

ĐKT
15.12.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...