SỰ NHẦM LẪN GIỮA QUYỀN HẠN VÀ QUYỀN LỰC !

Một hành vi rất phản cảm và nguy hiểm ?

Lại thêm một cảnh sát giao thông hy sinh khi làm nhiệm vụ. Theo báo chí cho biết khi phát hiện một xe tải nhỏ chở heo có biểu hiện vi phạm giao thông khi không đi đúng làn, CSGT đã ra hiệu dừng xe nhưng tài xế chiếc xe này không dừng. Viên thiếu tá CSGT đã lấy xe máy do một người khác chở rượt theo; khi tới trạm thu phí qua cầu Đồng Nai chiếc xe tải phải giảm tốc độ khi qua trạm, viên CSGT này đã nhảy ra chặn đầu xe. Giữa hai bên, viên CSGT và người lái xe đã xảy ra cự cãi về lỗi vi phạm, người tài xế đã lái xe bỏ đi; viên CSGT đã nhảy lên nắp capo xe bám vào kính gạt nước trên nóc xe. Nhưng không may anh đã bị trượt chân bị cuốn vào gầm xe và chiếc xe cán qua người chết ngay tại chỗ.
Biết rằng mọi sự mất mát đều rất đáng tiếc cho gia đình và xã hội, nhưng sự hy sinh của viên thiếu tá này (Cảnh sát giao thông Đồng Nai) là một hy sinh không cần thiết, cũng là một thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Điều chúng ta cần bàn ở đây là vì sao đã có rất nhiều vụ việc cảnh sát giao thông tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm không cần thiết như vậy, và tại sao những hình ảnh đó vẫn tái diễn ?
Khi nghiên cứu về động cơ nào thúc đẩy họ hành động như vậy, theo một số chuyên gia nghiên cứu tâm lý cho biết, đã có sự nhầm lẫn giữa quyền hạn và quyền lực.
Nếu có nhận thức đúng đắn về quyền hạn, người chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ có ý thức rằng mình có thể làm những gì để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Anh sẽ thực thi những quy định trong điều lệnh mà luật pháp cho phép, với hàng loạt các biện pháp chế tài đã được quy định. Nhưng liệu trong trường hợp này anh cảnh sát giao thông có quá máy móc khi thi hành công vụ hay có một nguyên do uẩn khúc khác; đến đổi phải có một cuộc truy đuổi gắt gao trên đường phố, cuối cùng dẫn đến tai nạn thương tâm này. Vì một chiếc xe tải nhỏ chở heo từ vùng ven vào thành phố lúc đêm khuya đường vắng có chạy lấn làn một chút thì cũng không có gì nghiêm trọng cả. Trong trường hợp này khi người tài xế ngoan cố bỏ chạy thì ghi biển số xe để truy phạt sau, và không khó để xử phạt các trường hợp này – viên CSGT không nên mạo hiểm mà nên giữ an toàn cho bản thân.
Nhưng anh ta đã nhầm lẫn giữa quyền hạn với quyền lực, viên cảnh sát sẽ bị thúc đẩy bởi tâm lý: "Tôi có quyền dừng phương tiện của anh, tại sao tôi đã ra hiệu lệnh dừng xe mà anh không chấp hành, tôi sẽ chặn đầu xe anh xem anh có dám không dừng lại hay không?” Kết quả thì chúng ta đã biết.
Ở đây sự “liều mình” của viên cảnh sát đã góp phần gây ra một vụ tai nạn giao thông mà chính anh ấy là nạn nhân; đồng thời anh ta cũng đã gián tiếp đưa một con người khác vào vòng lao lý, gia đình tan nát. Mặt khác, sự việc đã tạo nên một hình ảnh kinh khủng về giao thông đường bộ ở Việt Nam.
Nếu nói rộng hơn một tí, khi một quan chức nhà nước hay một nhân viên công lực nếu biết nhận thức đúng mình chỉ là một người đang thi hành công vụ trong quyền hạn mà luật pháp cho phép – thì anh sẽ không có những hành vi lạm quyền. Nhưng cũng chính những con người đó nếu cho rằng anh ta có quyền và muốn chứng tỏ quyền lực thì sẽ có những hành vi vượt mọi quy định của pháp luật và đạo đức xã hội cho phép!
Một chuyên gia tâm lý đã kết luận:
"Một người nhầm lẫn giữa quyền hạn và quyền lực sẽ dẫn đến bi kịch cho chính người đó. Song, một xã hội nhầm lẫn quyền hạn với quyền lực thì đó là bi kịch xã hội "./.
ĐKT
18.04.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...