LÀNG KẾ VÕ - TẠI TP. BUÔN MA THUỘT

Lễ Chạp hàng năm của cư dân Kế Võ tại TP. Buôn Ma Thuột


Quê tôi – thôn Kế Võ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế vốn là một làng quê thanh bình, nép mình bên bờ đầm Hà Trung mênh mông sóng nước; sau làng là biển Đông lộng gió. Từ gần 400 năm trước, khi tổ tiên chúng tôi là những người nông dân chân đất của trấn Thanh Hoa ngoại (tỉnh Ninh Bình ngày nay) di cư vào vùng đất này lập nghiệp, trong đó có gia đình của ngài Thuỷ tổ Tộc họ Đinh Khắc chúng tôi là người định cư đầu tiên - nên ngài được triều Nguyễn ban Sắc Phong làm Thần Hoàng làng. 
Đây là vùng đất hiền hoà với địa thế trước rào sau biển, có rừng cây chắn gió biển sau lưng, trước làng có cánh đồng lúa xanh tươi, và đầm Hà Trung thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á thuộc tỉnh TT - Huế. Đây là một vùng nước lợ rộng mênh mông một vựa tôm cá khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng tôi.
Tự bao đời chúng tôi vẫn sống ổn định trên vùng đất này, với mùa nào thức ấy chúng tôi vẫn sống no đủ. Đây đồng thời cũng là vùng đất học, làng tôi vốn nổi tiếng là nơi hình thành nhân cách cho biết bao con người nổi tiếng về văn chương. Thời nào cũng có những con người có chức phận ngoài xã hội, những doanh nhân thành đạt, những nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học và nhà giáo nổi tiếng luôn tự hào mình là người dân làng Kế Võ. 
Nhưng khi người Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, sau đó là công cuộc đấu tranh giành độc lập; liên tiếp sau đó là những cuộc chiến nhằm tranh giành quyền lực do một số người Việt khởi xướng, đã gây ra những cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài. Và những cuộc chiến tranh đó đã tàn phá và cướp đi cuộc sống thanh bình của người dân quê hương tôi. Người dân quê tôi vốn chân chất hiền hoà đã không thể sống nổi dưới nhiều tầng áp bức đã phải từ bỏ quê hương, từ bỏ quê cha đất tổ và mồ mả tổ tiên ông bà ra đi tìm vùng đất mới – để mà tồn tại. Những ai còn sức lao động đều ra đi, làng xóm chỉ còn lại những người già, những người tàn tật ở để trông coi nhà cửa, chăm sóc mồ mả tổ tiên để tránh cho khỏi hương tàn khói lạnh!
Những nơi mà người dân làng tôi định cư nhiều nhất là các tỉnh Tây Nguyên gồm Kom Tum, Lâm đồng, Gia Lai nhưng đông nhất là tỉnh Đăk Lăk mà nhất là tại thành phố Buôn Ma Thuột. Theo thống kê sơ bộ của tôi thì tại đây có ít nhất là hơn 350 hộ gia đình người làng Kế Võ sinh sống, với bình quân mỗi gia đình 5 người thì đã có gần 2000 nhân khẩu. Ở đây là chỉ tính những người có gia đình + có nhà cửa riêng tư không tính người độc thân. Sở dĩ tôi nắm được khá rõ việc này vì tôi cũng là một thành viên của Ban Tổ chức cộng đồng làng tại đây.
Tại đây chúng tôi đã hình thành một tổ chức cộng đồng người dân làng Kế Võ từ năm 1990 cho tới nay, Ban điều hàng cộng đồng làng là đại diện của tất cả các tộc họ, sau đó bầu ra một vị trưởng làng và hai vị phó, cùng tất cả các ban bệ như tại quê hương chúng tôi. Tổ chức này có ngân quỹ riêng, có nơi cúng tế, có ban nghi lễ, có ban nghi thức lo tang ma, có đồ đưa đám, có chiêng trống. Hằng năm vào ngày 10 tháng 9 âm lịch hằng năm chúng tôi tổ chức lễ tế + chạp làng rất lớn với đầy đủ các nghi thức tế tự như tại quê hương chúng tôi. Cuộc lễ hàng năm lúc nào cũng có ít nhất là 40 mân cỗ, mỗi gia đình thường có từ 1-2 người trưởng thành tham dự.
Đây là cuộc hội tụ đông nhất của những người gốc Huế tha phương cầu thực tại vùng đất đỏ này, cũng là dịp để những người anh, người chị, người em và những người bà con cùng làng chúng tôi gặp gỡ chào hỏi thăm viếng nhau. Cũng nhằm giữ gìn được một cái gì đó tình yêu quê hương, giữ gìn được một phần nào đó phong tục tập quán của quê cha đất tổ./.
ĐKT
12.06.2015
Lễ chạp hàng năm của những người cư dân làng Kế Võ tại TP. Buôn Ma Thuột.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...