THIÊN TAI HAY NHÂN TAI !

Những người có trách nhiệm nghĩ gì khi xem tấm hình này ?


Trời ơi! Gieo chi nhiều cay nghiệt
Cho con xin tha thiết khẩn cầu
Cầu mong nước rút thật mau
Miền Trung rũ hết nỗi đau đớn nầy .
Nước lũ về cuốn trôi tất cả
Bao mái nhà đổ ngã nằm nghiêng
Người dân tôi quá ưu phiền
Của cải mất hết xóm giềng tan hoang…..”


Đây là mấy câu thơ của anh bạn đồng hương Thien Nguyen vừa đăng trên trang của “Hội người yêu Huế,” mà tôi là một thành viên. Khi đọc trọn vẹn bài thơ của anh với tình cảm của một người con của khúc ruột miền Trung tôi cảm thấy khá xót xa trước đại họa bão lũ mà người dân tỉnh Quảng Bình hiện đang gánh chịu. Tôi là người từng lội bì bõm trong trong nước lụt từ thuở ấu thơ, đã biết như thế nào là bão lụt hơn bất cứ ai ? Tuy đồng cảm với nỗi niềm của tác giả, nhưng tôi không đồng ý với anh khi anh cho rằng tất cả tai họa này là tại trời, theo tôi trong tai họa này còn có trách nhiệm của con người !

Trong mấy năm gần đây lũ thường xuất hiện đe dọa các tỉnh miền Trung, một thuật ngữ mà người dân miền Trung trước đây chỉ nghe nhưng chưa bao giờ thấy. Theo phương ngữ của người dân miền Trung (nhất là khu vực Bình - Trị - Thiên) thì lụt (nước dâng) và lũ (nước dâng và chảy xiết) là hoàn toàn khác nhau. Trước đây chúng tôi thường có lụt và người dân thường biết sống chung với mưa bão và lụt. Qua hàng trăm năm sống chung với bão lụt, người dân miền Trung đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá. Họ điều chỉnh mùa vụ và vật nuôi theo từng mùa nhằm tránh bão lụt, thậm chí việc cúng tế và Chạp giỗ cũng được tính toán nhằm sống chung với bão lụt. Cho nên những thiệt hại do bão lụt gây ra là không đáng kể.

Nhưng tại sao mấy năm gần đây lũ thường xảy ra ở khắp các tỉnh miền Trung và gây ra những thiệt hại khủng khiếp cho bà con miền Trung vốn đang khốn khó. Thậm chí một thành phố nằm giữa một đồng bằng lớn nhất miền Trung là thành phố Tuy Hòa vốn không bao giờ biết lũ là gì thì bây giờ người dân ở đây đã biết mùi tang tóc của lũ. 

Nhưng rồi khi người dân hỏi những công bộc của mình - tức là những người được người dân trả lương nhằm phục vụ cho chính quyền lợi của mình. Thì người ta vẫn lấp liếm, đổ thừa cho thiên tai, cho biến đổi khí hậu, v.v và v.v. Xin thưa rằng - đó chẳng qua là một hành vi lấp liếm nhằm bảo vệ cái sai của mình và nhằm bảo vệ lợi ích cho nhóm quyền lợi của mình.  Nhưng liệu có qua mắt được người dân không ?
Trong câu chuyện thành phố Tuy Hòa nằm giữa một cánh đồng rộng lớn lại lại bị ngập; trong khi tự bao đời nay thì không bao giờ có chuyện này. Hỏi cơ quan chức năng thì "các nhà khoa học của nhà nước" cho rằng do biến đổi khí hậu. Nhưng biến đổi khi hậu lại không thể sinh ra một lượng nước khổng lồ trong một thời gian ngắn như vậy được. Và rồi người dân cũng đã rất dễ dàng tìm ra thủ phạm - đó là khi có mưa lớn, hàng chục cái nhà máy thủy điện trên con sông Đà Rằng đã xả lũ, nước dồn về hạ lưu một cách đột ngột đã khiến cái đồng bằng Phú Yên ngập trong một biển nước, nhấn chìm thành phố Tuy Hòa. Và người dân Tuy Hòa lần đầu tiên đã được biết mùi tang tóc của lũ. 

Cho thấy tác nhân chính gây ra đại họa này chính là cái phong trào “nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện” đang nở rộ khắp khu vực miền Trung. Khi làm thủy điện là một ngành siêu lợi nhuận hiện nay, nên người ta đã bất chấp tất cả để lao vào kinh doanh. Khi mà đồng tiền thống trị lương tâm con người thì người ta sẽ bằng mọi cách chạy chọt để làm cho bằng được, miễn sao sinh lợi cho mình và nhóm quyền lợi của mình. Và những người có trách nhiệm không biết vì một lý do nào đó đã nhắm mắt ký bừa – vì sao ư, xin tự hiểu ?

Đọc tới đây có thể có ai đó cho rằng tác giả suy nghĩ cực đoan, chứ đâu nên nỗi. Xin kể lại một câu chuyện khá nhỏ, tại chính nơi tôi đang sống và tôi là người có tham gia sự kiện này !
Tỉnh Đăk Lăk tuy mang danh nghĩa là xứ rừng Tây Nguyên, nhưng thật tế ở đây chỉ còn một khu rừng duy nhất đúng nghĩa “rừng” là khu rừng cấm Buôn Đôn, đây là lá phổi xanh còn lại duy nhất của tỉnh Đăk Lăk và khu vực Nam Tây Nguyên, ở đây còn lại một con sông nhỏ chảy qua. Nhưng mới đây một vài vị đại gia ở nơi khác, đã mang một cái lệnh từ trung ương đến trình báo cho lãnh đạo tỉnh, với nội dung đại khái là : “ ở “Trên” đã cho phép họ xây dựng một nhà máy thủy điện tại vùng lõi của khu rừng cấm này ?”. Và một điều khá lạ là theo thiết kế thì công suất của cái nhà máy này chỉ có vài KVA ?

Khi biết tin, nhân dân Đăk Lăk đã phản đối, báo chí vào cuộc yêu cầu chính quyền địa phương hủy bỏ cái dự án này. Lãnh đạo tỉnh tức nhiên biết là khi làm nhà máy ở trung tâm của khu rừng này, thì hàng ngàn ha rừng sẽ bị phá sạch. Nhưng khi lãnh đạo tỉnh hỏi xin ý kiến từ Trung ương thì cơ quan chức năng trả lời là cái dự án này lập “đúng quy trình”, nên cho phép tiến hành. Giữa lệnh trên và sự phản đối gay gắt của nhân dân quả là khó cho địa phương, nên lãnh đạo tỉnh đã họp đi họp lại nhiều lần, và đã qua mấy đời chủ tịch tỉnh vẫn không dám quyết. Nghe đâu nó chỉ bị tạm đình chỉ chờ thời cơ …. ?

Như chúng ta đều biết, mỗi một công trình thủy điện nó thường có 02 hai chức năng chính là thủy lợi và phát điện. Ngoài công năng chính là phát điện, các nhà máy thủy điện thường phải tham gia điều tiết nước theo nhu cầu của địa phương. Trong các nhà máy thủy điện lớn của VN hiện nay, chúng ta thấy trường hợp nhà máy thủy điện Hòa Bình là một ví dụ điển hình nhất. Đây là nhà máy đáp ứng đầy đủ 02 công năng này nhất, vừa cắt lũ cho Hà Nội vào mùa mưa, vừa xả nước chống hạn cho đồng bằng Bắc Bộ vào mùa hạn .

Nhưng khu vực miền Trung thì hoàn toàn khác, các con sông ở đây đều ngắn và nước chảy xiết, nên hầu hết các nhà máy thủy điện tại khu vực miền Trung đều là thủy điện nhỏ, các hồ chứa đều có dung tích nhỏ. Do dung tích hồ chứa rất nhỏ, nên các hồ chứa thường không có nước để tham gia chống hạn cho địa phương. Khi mùa mưa đến các hồ này thường không thể có đủ dung tích để chứa được một lượng nước quá lớn dồn về nhằm cắt lũ giảm áp lực cho hạ lưu. Cho nên công năng chính của các nhà máy thủy điện tại đây chủ yếu là phát điện !

Do các dòng sông ở đây ngắn, lưu lượng nước về hồ thấp nên bình thường các nhà máy này thường luôn luôn phải trữ nước đầy hồ để phát điện bảo đảm cho việc kinh doanh của họ. Nhưng họ không thể dự báo được là sẽ có lũ về - để trước khi lũ về thì phải xả bớt nước trong hồ nhằm đón lượng nước mới do lũ dồn về hồ nhằm cắt lũ cho hạ nguồn như chức năng đặt ra ban đầu. Vì nếu họ xả hết nước trong hồ, nhưng lũ không về thì ai bảo đảm nguồn thu cho họ - vì mục đích của họ chủ yếu là kinh doanh, tức là sinh lời ?

Cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi mưa bão bắt đầu, nhưng các hồ chứa vẫn luôn luôn chứa đầy nhóc nước – như một trái bom nước đặt trên đầu người dân hạ nguồn. Khi mưa bão đến tức lũ về, với lượng mưa lớn nước dâng lên – lập tức các ông chủ của các hồ chứa thủy điện này phải cứu chính họ, họ phải xả nước trong hồ, nhằm tránh nguy cơ vỡ đập. Lượng nước trong hồ được xả ra cộng với nước lũ, tất nhiên sẽ nhấn chìm người dân và làng xóm phía dưới các con đập thủy điện này là đương nhiên thôi.

Đây là bài học máu xương của các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế khi cách đây vài năm họ đã cho phép làm thủy điện tại thượng nguồn sông Hương - mặc cho có sự ngăn cản của các nhà khoa học. Và thành phố Huế thơ mộng của chúng ta hiện cũng đang nằm dưới hàng loạt trái bom nước như vậy .
Đây cũng là nguyên nhân chính của nạn lũ vừa qua ở Quảng bình và hầu hết tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua. Nạn lũ này là do con người gây ra chứ không phải do ông trời, là do con người xung đột quyền lợi với nhau mà thôi ./.

ĐKT
20.10.2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...