MỘT BÀI CA DAO XỨ HUẾ - DƯỚI GÓC NHÌN CỦA MỘT NGƯỜI NGHIÊN CỨU SỬ !

Cầu Chấp Lễ trên quốc lộ 1A thuộc khu vực thị trấn Vĩnh Linh - nơi xưa kia là truông Nhà Hồ



                   "Thương em anh cũng muốn vô
              sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
              Phá Tam Giang ngày rày đã lặng
              Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên.
 


Đây là bài ca dao khá nổi tiếng được lưu truyền trong dân gian tại khu vực Thuận Hóa xưa, nhân dân vùng này cho rằng bài ca dao này liên quan đến một câu chuyện tình trắc trở giữa anh hàn sĩ xứ Nghệ với cô lái đò trên sông Ô Lâu. Tương truyền rằng, ngày trước có một anh hàn sĩ xứ Nghệ vào kinh thi hội đã đem lòng thương yêu cô lái đò xinh đẹp ở bến cây đa trên sông Ô Lâu. Sau khi thi đậu trở về, hai người hẹn ước với nhau sẽ kết nghĩa trăm năm.
Nhưng khi về đến Nghệ An, thì chàng không thực hiện được điều ước hẹn của mình vì cha mẹ quyết không cho chàng lấy vợ xa.


Bài ca dao này bắt đầu được lan truyền trong dân gian xứ Thuận Hóa (Quảng trị - Thừa Thiên ngày nay) từ đầu thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (1623). Hai địa danh được đề cập trong câu ca dao này nay đều thuộc về hai tỉnh Quảng Trị (truông nhà Hồ) vả Thừa Thiên (phá Tam giang) đây là hai địa danh rất nổi tiếng trong thời kỳ này.

Phá Tam Giang thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang hơn 50km2, trải dài khoảng hơn 20 km từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương thuộc địa phận 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tương truyền phá Tam Giang thường có sóng thần rất lớn, mỗi khi tàu thuyền qua đây thường bị "sóng ông, sóng bà" ở đây đánh chìm. Nhưng nguyên do chính là do cửa phá thông ra biển quá hẹp nên sóng ở đoạn cửa phá thường rất dữ dội. Sóng to đến mức làm cho thuyền bè ra vào cửa thường bị chìm và người ta cho đó là sóng thần.

Địa danh truông Nhà Hồ là một khu vực ngày nay nằm sát quốc lộ 1A giáp giới giữa xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) và xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), cách thị trấn Hồ Xá (trước là làng Hồ Xá), huyện Vĩnh Linh không xa. Theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng thì trong vùng này có một cộng đồng rất đông cư dân vốn là một nhánh của giới quý tộc nhà Hồ (Hồ Quý Ly) sinh sống lâu đời ở đây. Nguyên là sau khi nhà Hồ bị quân Minh lật đổ (năm 1408), con cháu Hồ Quý Ly đã di dân vào đây sinh sống, nhằm tránh sự truy sát của quân Minh (hiện nay vẫn còn gia phả ghi chép sự kiện này), nên mới có cái tên là truông Nhà Hồ. Trước đây truông Nhà Hồ là một vùng rừng rú rậm rạp cây cối um tùm rộng bạt ngàn. Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh vùng này từng là sào huyệt của một nhóm thảo khấu rất nguy hiểm, ai đi qua đó cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc, để cướp của hoặc đòi tiền mãi lộ... nên “truông nhà Hồ” đã trở thành mối đe dọa và ám ảnh nhiều người.
Nhóm thảo khấu này đã hoàng hành một thời gian khá dài gây nhiều khó khăn và tai ương cho cư dân trong vùng trước sự bất lực của quan chức địa phương.

Ngày xưa (tức đầu thời Chúa Nguyễn), từ phía Bắc muốn đi vào khu vực thành Hóa Châu (nay thuộc huyện Quảng Điền) thì chỉ có đường bộ và đường thủy. Đường bộ thì phải qua truông nhà Hồ và đường thủy thì phải vào phá Tam Giang. Nhưng cả truông nhà Hồ và cả phá Tam Giang đều trở thành những mối đe dọa và uy hiếp đến tính mạng, tài sản của những ai muốn vào vùng này. Trong suốt một thời gian dài, truông nhà Hồ không chỉ là mối đe dọa đối với dân thường mà còn là mối đe dọa cho cả nhà nước. Hàng hóa, lương thực của nhà nước chở qua truông cũng bị cướp. Nếu tránh đường bộ qua truông nhà Hồ mà đi đường thủy vào phá Tam Giang thì lại bị sóng nhận chìm. Thời đó, người ta “sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” là vì vậy.

Năm 1722, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng đem quân đi tiễu trừ đám thổ phỉ này nhằm làm yên lòng dân. Và tim cách khơi thông luông lạch ở cửa thông ra biển của phá Tam giang .

Nguyễn Khoa Đăng là người thông minh nổi tiếng. Ông là người có công rất lớn trong việc dẹp yên bọn cướp ở truông nhà Hồ và trị được sóng thần ở phá Tam Giang.
Sau khi cho người nghiên cứu cách hoạt động của bọn cướp ở truông Nhà Hồ ông đã nghĩ ra cách để trừng trị bọn chúng. Ông bố trí một đoàn xe chở lúa gạo và hàng hóa qua truông. Ông bố trí một người lính được ngụy trang và bí mật ngồi trong thùng xe. Đáy thùng xe có đục thủng một lỗ nhưng tạm thời được nút kín. Theo kế hoạch định trước khi xe bị cướp thì người lính ngồi trên xe bắt đầu kéo nút ra để lúa rải ra dọc đường và cứ thế kéo về tận sào huyệt của chúng. Sự việc diễn ra hoàn toàn đúng như ông dự đoán. Nhờ có lúa rải dọc đường mà ông tìm ra sào huyệt bọn cướp và bố trí bắt gọn. Sau vụ đó thì truông nhà Hồ trở nên yên ổn.

Khu vực cửa phá Tam Giang ngày nay, đây cũng là nơi con sông Hương đổ ra biển .

Để trị sóng thần trên phá Tam Giang, ông cho mời những người có nhiều hiểu biết về sông nước tới khu vực cửa phá để nghiên cứu thật kỹ tình hình họ đã đi đến kết luận : Sóng dữ ở phá Tam Giang thực chất không phải là sóng thần như người ta đồn đại. Sóng dữ ở đây chủ yếu là do địa hình cửa phá quá hẹp tạo ra dòng nước chảy xiết, khi gặp gió lớn đã tạo nên những dòng nước xoáy rất nguy hiểm cho tàu thuyền khi ra vào cửa phá. Sau khi tìm ra nguyên nhân, một mặt ông sai người lặn xuống phá, đào bới mở rộng cửa phá. Nhưng mặt khác ông loan báo trong dân chúng là quan Nội tán sẽ dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa cho người dân. Vì nhân dân đã tin như vậy nên quan nội tán cũng dùng mê tín để trị mê tín.

Đến ngày đã định ông tổ chức một buổi lễ bắn sóng thần công khai trên phá Tam Giang có đông đảo nhân dân hai bên bờ chứng kiến. Sau khi làm lễ gọi “sóng thần” lên ông cho người mang súng hướng ra phá, ra lệnh bắn. Hàng loạt tiếng súng ầm ầm vang lên, khói bốc mù mịt. Tương truyền trên mặt phá, một luồng đỏ như máu từ từ loang ra. Nguyễn Khoa Đăng bảo với mọi người là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa. Nhưng kỳ thật ông đã cho người bí mật bỏ rất nhiều gói phẩm điều vào giữa phá làm cho nước phá đỏ ngầu. Ông cho quân lính reo hò và báo cho nhân dân hai bên bờ biết là sóng thần đã bị bắn chết và máu của thần đã chảy ra đỏ cả nước phá. Từ đó sóng thần không còn, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang đều bình an vô sự.

Sự thật là nhờ mở rộng cửa nên sóng ở phá Tam Giang mới lặng đi. Nhưng vì có cái lễ bắn sóng thần rất oai phong do ông diễn nên nhân dân cứ tin tưởng là sóng thần đã bị quan nội tán bắn chết. Cùng với việc dẹp yên bọn cướp ở truông Nhà Hồ, quan nội tán cũng đã dẹp yên nạn “sóng thần” trên phá Tam Giang.

Như vậy bằng trí thông minh và những hiểu biết một cách khoa học, quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã góp phần không nhỏ vào việc xóa tan hai biểu tượng khủng khiếp về “truông nhà Hồ” và “phá Tam Giang” từ lâu đã ám ảnh mọi người dân xứ Thuận Hóa (tức là tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay).
Nỗi lo sợ về truông Nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, nhưng câu hát xưa vẫn còn. Nay dân gian đã ghi nhớ công lao của quan nội tán bằng cách chắp thêm hai câu ca dao nhằm ghi nhớ công ơn của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng :

           Phá Tam Giang ngày rày đã lặng
           Truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên.


LỜI KẾT:
Qua thực tế tìm hiểu ý nghĩa bài ca dao trên đây, chúng ta thấy rằng, để hiểu một câu ca dao cổ không đơn thuần chỉ dựa vào câu, chữ mà cần phải có những hiểu biết nhất định về lịch sử là vô cùng quan trọng. Tránh tình trạng không thuộc sử mà cứ phát biểu lung tung là vô cùng tai hại cho người đọc.

Cũng nằm trong một tình trạng chung nữa của văn hóa VN hiện nay, đó là vì đoạn dân ca này đã rất nổi tiếng của khu vực Bình Trị Thiên và cả nước. Câu ca dao cũng đã đi vào lòng người của nhiều thế hệ người Việt nên đã có rất nhiều trường hợp “tam sao thất bản” như thường thấy trong văn học dân gian VN gần đây, ví dụ:

 Thương em, anh cũng muốn vô
 Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
 Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
 Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm…

Hoặc:
 Nhớ em, anh cũng muốn vô
 Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang
     Phá Tam Giang ngày rày đã lặng
     Truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên.

Hoặc:
 Thương anh, em cũng muốn vô
 Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang 
 Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
 Truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên
 Thương anh, em phải vô liền
 Trong ni cơm gạo, của tiền thiếu chi !
……………………
Nhưng như đã nói ở trên, đây chỉ là những “tam sao thất bản” không có giá trị về mặt văn hóa, không có giá trị thực tế và hoàn toàn không có giá trị về mặt lịch sử.

Một câu chuyện khác là hiện có nhiều nhà văn - nhà báo đã tìm cách chứng minh, diễn giải 04 câu ca dao này ra nhiều hướng khác nhau theo kiến thức và ý thức hệ của mình.
Người ta thậm chí cho rằng “truông nhà Hồ” là một địa danh chỉ nơi sinh sống của người Hồ - tức người Champa (Chiêm Thành) trước đây. Theo tôi thì điều này là hơi bị kỳ cục vì châu Thuận – tức là tỉnh Quảng Trị ngày nay vốn là đất của người Champa (trước năm 1302) thì nơi nào trong tỉnh này cũng là nơi sinh sống của người Chiêm Thành cả!

Người ta cũng thắc mắc khi cho rằng truông là gì ? Và tại sao trong tất cả các loại Từ điển tiếng Việt hiện đại của VN hiện nay không có từ “truông”?
Thật vậy, trong rất nhiều bộ Từ điển tiếng Việt phổ thông, cả cũ lẫn mới đang lưu hành phổ biến hiện nay như "Từ điển Tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ (1988), "Từ điển Việt Nam" của Thanh Nghị (1958)… đều không có chú giải từ truông. Và trong ca dao, tục ngữ… Việt Nam cũng không nhiều.
Ngoài câu ca dao cổ nói trên, ở vùng Bình Định có câu: "Chiều chiều én liệng truông Mây/ cảm thương chú Lía bị vây trong thành". Là hai trong rất ít câu ca dao cổ có sử dụng từ “truông” !

Từ truông nghĩa chính xác là gì, một địa danh, người hay vật mà tự điển tiếng Việt không có chú giải?

Theo thực tế nghiên cứu cho thấy, truông chỉ là một danh từ địa phương, chỉ một vùng đất hoang rộng bạt ngàn, nhưng bằng phẳng lại có cây cối mọc um tùm. Những vùng có địa hình địa vật như thế này tại khu vực Bình trị Thiên là rất nhiều và khá phổ biến. Nhân dân tại đây còn có một danh từ khá phổ biến hơn đó là “Rú”, để chỉ một vùng đất có địa hình địa vật tương tự nhưng nhỏ hơn. Mà chính một phần còn lại của truông nhà Hồ khi xưa nay chính là “Rú” Tư Chính tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh.
 “Truông” hay “Rú” là những vùng đất hoang tại khu vực đồng bằng, hay trung du tại khu vực Bình Trị Thiên. Nơi có địa hình bằng phẳng, có cây cối mọc rậm rạp như rừng (nhưng không có cây lớn) đây là một hình thức rừng nghèo phát triển tự nhiên khá phổ biến tại khu vực này.

Đây chỉ hai trong rất nhiều danh từ địa phương rất phổ thông và hiện nay vẫn đang được sử dụng rất bình thường tại khu vực Bình Trị Thiên. Người dân tại khu vực này ai cũng biết với những rú sim, rú cà ổi, rú mân (lộc vừng), rú tràm… Với giới nghiên cứu văn hóa Huế thì hai danh từ này cũng được họ sử dụng bình thường, như cơm ăn áo mặc hàng ngày vậy. Vì trước đây trong những cuốn tự điển (tự vị) tiếng Việt xuất bản đầu tiên ở nước ta như "Đại Nam Quấc Âm tự vị" (Hùynh Tịnh Của - 1894) và "Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức" (1931) - một ở Miền Nam, một ở Miền Bắc đều có mục từ “truông” và chú giải với gần như chung một nội dung: “Đàng (đường) đi qua rừng núi/ vùng đất hoang, cây cỏ mọc như rừng”.

Tức là một danh từ cổ mà tất cả người dân địa phương thì biết, cư dân một vùng cũng biết; thậm chí trong tự điển cổ cũng có diễn giải cụ thể. Nhưng trong những bộ Tự điển quốc gia mới xuất bản thì không có; vì những người biên soạn là những nhà khoa học mới, những nhà văn hóa mới với học hàm học vị đầy mình và tiếng tăm thì nổi như sóng vỗ ba đào nhưng họ không biết gì cả ?

ĐKT
13.07.2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...