LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VÙNG ĐẤT MIỀN TRUNG & TÂY NGUYÊN

Cửa Ngọ Môn tại kinh thành Huế
     
   
Vào những thế kỷ đầu Công Lịch, trên vùng Bắc bộ là lãnh thổ Việt Nam hiện nay lúc ấy đang bị Nhà Hán (nhà nước Trung Hoa cổ) đô hộ, nguyên là cuối thế kỉ II TCN, nhà Hán đã chinh phục các vùng đất phía Nam Trung Hoa, biến vùng này thành quận huyện trực thuộc Đế chế Hán. Nhưng ở vùng đất là miền Trung và Nam Trung Bộ của chúng ta hiện nay; trước khi Việt Nam là một quốc gia thống nhất, thời kỳ này đang tồn tại một Vương quốc độc lập đó là nhà nước Chăm pa cổ.
      Vương quốc này có quá trình tồn tại và phát triển trong khoảng 17 thế kỷ (từ đầu công nguyên đến thế kỷ XVII), có quan hệ với nhiều quốc gia khác trong khu vực về chính trị - kinh tế - văn hóa. Đến nay, vùng đất mà Vương quốc Chăm pa từng tồn tại đã trở thành một phần lãnh thổ không thể tách rời của quốc gia và dân tộc Việt Nam.
      Việc nghiên cứu và đánh giá về lịch sử Vương quốc Chăm pa xưa luôn là một vấn đề khá nhạy cảm kể từ khi vùng đất này trở về với nước Việt. Với tính chất nhạy cảm và phức tạp của nó, đòi hỏi những người nghiên cứu về lịch sử vùng đất này phải nắm vững thực chất của tiến trình lịch sử để giải quyết các vấn đề dựa trên cơ sở khoa học đúng đắn.
      Tuy nhiên, nguồn tư liệu nghiên cứu về vương quốc cổ này phần lớn là tư liệu gián tiếp, phản ánh chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa chính xác các niên đại, các sự kiện lịch sử. Bởi vậy, cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống trong lịch sử Chăm pa, với nhiều mâu thuẫn gây tranh cãi mà vẫn chưa có đáp án.
     Trong điều kiện đó, nên hiện nay trong một số công trình nghiên cứu về lịch sử Chăm pa của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn có nhiều cách đánh giá và nhận định khác nhau về lịch sử hình thành và phát triển của vương quốc Chăm pa cổ; cũng như vùng đất mà quốc gia này từng tồn tại – đó là miền Trung và Tây Nguyên hiện nay.
     Theo đó, những tư liệu sớm nhất viết về vương quốc Chăm pa là những thư tịch cổ của Trung Hoa như Thủy kinh chú, Hậu Hán thư, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư… đây là những tài liệu phản ánh sớm nhất, tương đối đều đặn qua từng thời kỳ, nhưng tập trung chủ yếu trong giai đoạn từ đầu Công nguyên đến khoảng thế kỉ XII – XIII, về sau thưa dần. Trên cơ sở phản ánh việc bang giao triều cống của Chăm pa đối với Trung Hoa, các sử gia Trung Hoa cũng đã ghi chép được những thông tin cơ bản về địa lý, lịch sử, các sản vật, tập tục, đời sống của cư dân Chăm pa.
      Sau đó là những tác phẩm Sử học dưới các thời kỳ phong kiến của Việt Nam cũng đã nhắc về vương quốc này ở những khía cạnh khác nhau. Các tư liệu này đều cho rằng,
Chăm pa là quốc gia độc lập nằm bên ngoài lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, như trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có nhắc tới vương quốc cổ Chămpa dưới tên gọi là Chiêm Thành, trong “Lịch triều Hiến chương loại chí”, trong phần Bang giao chí có đề cập tới mối quan hệ bang giao giữa Chiêm Thành với các triều đại phong kiến Việt Nam.
       Sau khi Việt Nam độc lập (1945), ngành sử học Việt Nam hình thành ; với những thành tựu của nền khảo cổ học, những vấn đề liên quan đến nhà nước Chăm pa phần nào đã được sáng tỏ, nước Chăm pa được trả lại đúng vị trí của mình, với vị thế là một quốc gia được thành lập sớm nhất trên lãnh thổ của nước ta ở phía Nam. Với những tác phẩm nghiên cứu tiêu biểu như: “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” của Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn (chương 6: sự thành lập và phát triển của nước Lâm Ấp), “Lịch sử Việt Nam” của Huỳnh Công Bá – NXb Thuận Hóa, 2004; chuyên khảo“Vương quốc Chămpa” của Lương Ninh. Đây là những công trình nghiên cứu lớn từ nhiều năm của các tác giả; đã trình bày khá đầy đủ các giai đoạn phát triển của Chămpa và các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vương quốc này.

     SỰ HÌNH THÀNH VÀ TỒN TẠI CỦA VƯƠNG QUỐC CHĂM – PA

     Dải đất miền Trung Việt Nam, địa bàn hình thành và phát triển của Vương quốc Chămpa, trải dài dọc theo bờ biển Đông từ Bắc xuống Nam với cấu tạo đặc trưng là hẹp ngang. Nơi đây bị ngăn cách với vùng lục địa phía trong bởi dãy Trường Sơn. Ở nhiều nơi, núi ăn sâu ra biển khiến cho độ dốc địa hình rất lớn. Hệ thống sông tuy dày đặc nhưng do đặc điểm địa hình nên thường ngắn và dốc, lưu lượng phù sa thấp. Các đồng bằng trong vùng vì thế thường nhỏ hẹp, phân bố dọc ven biển và kém màu mỡ hơn các đồng bằng khác ở miền Bắc và miền Nam. Những dòng sông và những con đèo vắt ngang từ dãy Trường Sơn ra biển Đông trở thành những ranh giới tự nhiên chia cắt các đồng bằng duyên hải miền Trung. Dải đồng bằng ven biển với hệ thống sông dày đặc và khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nghề nông trồng lúa nước. Tuy vậy, do đồng bằng nhỏ, sông dốc gây khó khăn cho công tác thuỷ lợi nên nông nghiệp trồng lúa nước trong vùng phát triển manh mún, nhỏ hẹp, không tạo được một nền tảng vững chắc về kinh tế cho Vương quốc. Vị trí ven biển khiến cho cư dân ở đây từ sớm đã thạo đi biển. Nghề đánh cá phát triển, trở thành một hình thái kinh tế quan trọng bên cạnh nghề nông trồng lúa nước. Vị trí đó vừa giúp Chăm pa mở rộng giao lưu kinh tế và văn hoá với nước ngoài, nhưng lại vừa tiềm ẩn những nguy cơ bị xâm lấn từ bên ngoài.
      1. Văn hóa
      Chăm pa là vương quốc ra đời trên cơ sở những nền văn hóa bản địa, không phải là nền văn hóa ngoại lai, bắt nguồn từ văn hóa Tiền Sa Huỳnh phát triển lên văn hóa Sa Huỳnh.                                
      Đến khoảng giữa thiên niên kỉ I TCN (thế kỉ VII – VI TCN), cư dân Chăm pa tiến vào thời đại hậu kỳ đồ đồng - sơ kỳ đồ sắt với nền văn hoá Sa Huỳnh phân bố khắp các địa điểm từ Quảng Bình đến Đồng Nai và một phần Tây Nguyên.
      Văn hoá Sa Huỳnh có sự giao lưu giữa cư dân Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa. Như vậy, chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh là tộc người nói tiếng Nam Đảo với nhiều yếu tố Nam Á, là tiền thân của người Chăm.
     Với những thành tựu đã đạt được trên các phương diện của đời sống vật chất, phương thức hoạt động kinh tế và đặc biệt là sự phát triển của kỹ nghệ luyện kim, cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã nhanh chóng đạt tới đỉnh cao vào đầu thời đại đồ sắt. Và họ đã có thể bước vào một xã hội có giai cấp và nhà nước sơ khai – là tiền đề cho sự ra đời của vương quốc Chăm  pa.
     2. Tên gọi :
      Vương quốc này từng tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau :
    - Lâm Ấp: là một quốc gia được xem là vương quốc đầu tiên của Chămpa, vốn thuộc huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam thuộc Hán, vương quốc này tồn tại cho đến khoảng thế kỷ VII (năm 605), lãnh thổ từ Quảng Bình – Quảng Nam.
    - Chămpa: được biết đến qua tài liệu bia kí dưới vương triều Gangaraja, có tư liệu cho rằng là thế kỷ VI, tư liệu khác cho là năm 875, Lâm Ấp được đổi tên là Chăm pa. Tên Chămpa có thể được đặt theo tên một địa danh thuộc phía Bắc Ấn Độ và hạ lưu sông Hằng. Nhưng khoảng giữa thế kỷ IX, tên gọi Chăm pa trở thành tên gọi chính thức xuyên suốt lịch sử Chăm pa
    - Chiêm Thành: theo Trần Trọng Kim, là tên gọi được bắt đầu vào khoảng thế kỷ IX.
     3. Cư dân
      Thời Hán Minh đế, Trương Trọng khi làm thái thú ở quận Nhật Nam nói rằng: cư dân ở đây tính hung hãn, chiến đấu gan dạ, quen ở núi ở nước, không quen đất bằng.
      Sử Nhà Hán gọi các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam là dân Bách Việt, tên tộc Bách Việt (xuất hiện lần đầu tiên trong Sử ký – Tư Mã Thiên) để ám chỉ những tộc người khác nhau, sinh sống trên lãnh thổ vương quốc Nam Việt cổ (khu vực miền Nam Trung Quốc và bắc Việt Nam hiện nay); theo đó, người Lâm Ấp cũng được cho là một tộc người Bách Việt.
      Theo những nghiên cứu khảo cổ trong thời gian gần đây, đã chứng minh sự có mặt của người Nam Đảo ở bờ biển ViệtNam từ cuối thiên niên kỉ II TCN. Những đợt thiên di đáng kể của họ đến vùng đất này nằm trong khoảng thời gian từ 500 năm TCN cho đến đầu CN ; dấu vết những vùng quần cư của họ còn rải rác đến Quảng Bình và lan đến vùng ven biển thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Người Nam Đảo đã đến bờ biển Việt Nam từ rất sớm, ít ra là từ trên dưới 1000 năm TCN, và đã diễn ra một quá trình cộng cư hòa bình với những nhóm cư dân bản địa sống thưa thớt nhưng có mặt từ trước khi người Nam Đảo thiên di tới.
      Các công trình nghiên cứu gần đây đã cho thấy dân cư của vương quốc Chăm pa ở thời điểm đầu tiên: là kết quả của sự cộng cư lâu dài của hai nhóm người: nhóm bản địa Môn cổ hay Nam Á thuộc ngữ hệ Môn – Khmer và nhóm Nam Đảo thuộc ngữ hệ Malayo - Polynesia mới di cư vào trong giai đoạn đầu thiên niên kỉ I TCN.
     4. Cương vực
       Dựa trên những tư liệu thành văn và khảo cổ học như nói trên đây thì theo đó, cương vực nước Lâm Ấp mà sau này là Chămpa gồm các dải đồng bằng ven biển Duyên hải miền Trung và một phần cao nguyên Nam Trung bộ, trải dài từ Sông Gianh (Quảng Bình) đến sông Dinh (Hàm Tân, Bình Thuận).
      Vương quốc Chămpa thực tế là một thực thể liên hiệp các vương quốc gồm 5 tiểu quốc nhỏ, được liên kết với nhau bằng những thỏa thuận lỏng lẻo. Năm khu vực từng tồn tại 5 tiểu quốc riêng biệt, nay là những địa phương như sau:
    + Amarapati ngày nay thuộc Quảng Nam
    + Indrapura tên kinh đô cũng là tên của vương quốc, nay ở khu vực Quảng Nam
    + Vijaya nay thuộc Bình Định
    + Kauthara nay thuộc Nha Trang
    + Panduganra nay thuộc Phan Thiết.

TÓM TẮT  CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CHĂMPA CỔ
    
      Theo những thư tịch cổ còn lưu lại được đến ngày nay, thì vào thời Hùng Vương - vùng đất ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh, đến hết tỉnh Ninh Thuận ngày nay thuộc vào bộ Việt Thường (Việt Thường thị). Khoảng năm 246 - 201 TCN, Nhà Tần xâm chiếm đặt làm Tượng quận. Năm 179 trước công nguyên, nước Âu Lạc (kế tục nước Văn Lang) bị sáp nhập vào nước Nam Việt (ở Trung Hoa) và chia thành hai quận là quận Giao chỉ và quận Cửu Chân. Đến năm 111 trước công nguyên, nhà Tây Hán chiếm nước Nam Việt (gồm cả Âu Lạc cũ),đến thời Hán Vũ đế (132 TCN - 25 SCN) đặt thành 9 quận, trong đó nước Âu Lạc cũ bị chia làm 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam gồm hơn 20 huyện. Quận Nhật Nam là vùng đất từ phía Nam sông Gianh xuôi về phía Nam, gồm có 5 huyện tính từ bắc vào là Tây Quyển, Tỷ Ảnh, Chu Ngô, Lô Dung và Tượng Lâm. Huyện Lô Dung là tỉnh Thừa Thiên – Huế ; huyện Tượng Lâm là khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi  hiện nay.
      Nước ta, trải qua mấy trăm năm chịu ách thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc:  Hán, Ngô, Tống, Lương.
      Đến đời Hán Sơ Bình (190-193), một thủ lĩnh người địa phương (người Chăm) tên là Khu Liên (2) thuộc dòng dõi của bộ tộc Dừa(3), nổi lên chiếm cứ huyện Tượng Lâm đánh đuổi quân Hán và giành thắng lợi. Năm 192, vương quốc Chăm pa đầu tiên ở phía Bắc ra đời, sử Trung Hoa gọi là Lâm Ấp (4).
       Đến năm 347, Quốc vương Lâm Ấp là Phạm Văn tiến ra phía Bắc đánh chiếm các huyện còn lại ở phía Bắc quận Nhật Nam, bắt giết thái thú Hạ Hầu Lãm, đuổi hết quan lại Trung quốc, lấy Hoành Sơn làm cương giới, đắp thành Khu Túc để phòng ngự, vùng này (từ đèo Ngang đến huyện Duy Xuyên - Quảng Nam) chia làm 5 châu là Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Ô (Vuyar), Rý/Lý (Ulik). Vùng đất này từ đó đến đầu thế kỷ XI, thuộc nước Lâm Ấp (từ giữa thế kỷ IX - nước Lâm Ấp đổi làm nước Chiêm Thành, đô thành là Sinhapura (Trà Kiệu).
      Các vua Lâm Ấp dựa vào lực lượng quân sự hùng hậu, tiến hành các cuộc tấn công các nước láng giềng, mở rộng lãnh thổ. Đến thế kỉ VI, lãnh thổ vương quốc cổ Chăm pa đã kéo dài suốt dọc đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam, từ Đèo Ngang (Bắc Quảng Bình) đến sông Dinh (Hàm Tân, Bình Thuận).
       Sau khi lập quốc (năm 192 - SCN), Vương quốc Chăm pa cổ phát triển qua 3 giai đoạn chính với nhiều tên gọi khác nhau:
    + Giai đoạn Vương triều Sin-ha-pu-ra (II – giữa VIII)
    Kinh đô đầu tiên ở Sin-ha-pu-ra (“Thành phố Sư tử”) nay là Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam) nên gọi là Vương triều Sin-ha-pu-ra.
     Lãnh thổ trải dài từ Quảng Bình đến Khánh Hoà.
   + Giai đoạn Vương triều Vi-ra-pu-ra (giữa VIII – 854)
    Vương triều Vi-ra-pu-ra (Vương triều Ra-ja-pu-ra) là vương triều của các dòng vua miền Nam, lập năm 757, tồn tại trong gần 1 thế kỉ, gồm 6 đời vua.
    Kinh đô ở Vi-ra-pu-ra nay thuộc Phan Rang.
     Tên nước là Pan-du-ran-ga (tiếng Hin-đu, tiếng Chăm cổ là Pan-ran) hay là Hoàn Vương quốc (sự trở về của vương quyền)
    Địa bàn bao gồm 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận ngày nay.
   + Giai đoạn Vương triều In-dra-pu-ra (859-982)
     Vương triều của các dòng vua miền bắc, gồm 12 đời vua.
     Đóng đô ở In-dra-pu-ra (Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam).
    Nhưng giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất là khi Vương quốc này thống nhất lại thành một quốc gia thống nhất dưới thời kỳ Vijaya (Vi-jay-a) (X - XV), với kinh đô là thành Đồ Bàn (hay Chà Bàn)(5). Thời kỳ này được chia làm 3 giai đoạn.
     + Giai đoạn thống nhất và phát triển (XI – XIII)
     + Giai đoạn phát triển thịnh đạt (XIII – giữa thế kỉ XIV)
     + Giai đoạn khủng hoảng (cuối thế kỉ XIV - 1471)
      Sự phát triển đỉnh cao của thời kỳ này là dưới hai vương triều:
      - Sin-ha-var-man III (1265-1277) (In-dra-var-man, 1277-1285)
      - Sin-ha-var-man V (sử gọi là Chế Mân, 1285-1307).
      Hai vị vua này đã lãnh đạo nhân dân Chăm pa tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên thắng lợi. Đồng thời, Chăm pa tiếp tục mở rộng lãnh thổ về phía Tây, bao gồm cả một phần cao nguyên Nam Trung bộ, làm chủ cả một vùng biển rộng lớn của biển Đông.
      Sự phát triển hùng mạnh được duy trì đến giai đoạn vua Po Binasor – sử Việt gọi là Chế Bồng Nga, vị Vua này đã 4 lần đem quân tấn công thẳng vào kinh đô Thăng Long của Nhà Trần và đã tiến chiếm lại toàn bộ các châu Hoan, châu Ái, châu Thuận và châu Hóa ( tức là toàn bộ vùng Thanh - Nghệ - Tỉnh và Bình - Trị - Thiên của Việt Nam hiện nay) của Đại Việt trong nhiều năm. Nhưng trong cuộc tấn công ra Thăng Long lần thứ 4 (1390), Chế Bồng Nga bị tướng Đại Việt là Trần Khát Chân giết chết. Đại quân Chăm pa thua trận, đã từ bỏ các vùng đất vừa chiếm của Đại Việt và rút quân về phíaNam đèo Hải Vân.
      Nhưng do nền tảng kinh tế thiếu vững chắc cộng với các cuộc chiến tranh hao người tốn của với Đại Việt, Campuchia lãnh thổ Chăm pa ngày càng bị thu hẹp. Từ sau thế kỉ XI trở đi, Chăm pa ngày càng bị thu hẹp lãnh thổ xuống phía Nam. Sau trận chiến năm 1471 của vua Lê Thánh Tông, kinh đô Đồ Bàn (Chà Bàn) của Chăm pa bị quân Đại Việt đốt phá hoàn toàn, Vua Chăm pa là Trà Toàn bị bắt đem về Thăng Long thì nhà nước Chăm pa đã sụp đổ, đến mức gần như không còn được nhắc đến trong sử sách.
     Theo nghiên cứu của tôi, khi hệ thống lại tiến trình lịch sử của Vương quốc này chúng ta thấy nhà nước Chăm pa đã phải trải qua những dấu mốc quan trọng trong quá trình biến mất của một thực thể quốc gia, đây là những dấu mốc không đáng nhớ của mọi quốc gia -  dân tộc khác trên thế giới, như sau :
     + Thế kỉ XI, năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị) cho nhà Lý để chuộc tội.
     + Thế kỉ XIV, để xin cưới công chúa Huyền Trân, với mục đính là nhằm kết thân với thế lực nhà Trần quá hùng mạnh của Đại Việt; vua Chế Mân đã dâng cho nhà Trần hai châu Ô, Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên).
     + Thời Nhà Hồ(1400-1407), sau cuộc chinh phạt Chăm pa thắng lợi của Hồ Nguyên Trừng, người Chăm pa phải cắt 2 châu Chiêm Động, Cổ Luỹ(Quảng Nam, Quảng Ngãi) cho nhà Hồ. Biên giới Chăm pa lùi vào phía Bắc Bình Định. Nhưng vì nhiều lý do, ngay sau đó Đại Việt đã không giữ được vùng này và bị người Chăm pa chiếm lại.
     + Năm 1471, Chăm pa gây chiến với Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông đã thân chinh đánh dẹp, chiếm được kinh đô Đồ Bàn (Chà Bàn) đẩy biên giới Chăm pa lùi về phía nam đèo Cả (Phú Yên), hình thành nên vùng đất Thăng Hoa - Tư Nghĩa.
     + Năm 1653, chúa Nguyễn đã lệnh Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đánh dẹp và lập trấn Thuận Thành. Sự tồn tại của Vương quốc Chăm pa đến đây về cơ bản chấm dứt, tuy nhiên chúa Nguyễn và giai đoạn đầu nhà Nguyễn vẫn cho phép người Chăm pa thực hiện cơ chế tự trị trên phạm vi Ninh Thuận, Bình Thuận hiện nay.
     + Đến năm 1832, cuộc cải cách của vua Minh Mạng xác lập đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước đã đổi trấn Thuận Thành thành tỉnh Bình Thuận. Từ đó, Chăm pa trở thành một bộ phận thống nhất trong lãnh thổ Việt Nam.
       Ngày nay các nhà nghiên cứu sử trong và ngoài nước đã có nhiều phân tích khác nhau về nguyên nhân suy vong của quốc gia Chăm pa, cá nhân tôi cũng có nhiều tìm hiểu và phân tích về các nguyên nhân này; nhưng đó không phải là chủ đề của bài viết này. Vấn đề mà tôi cần trình bày với bà con Họ Đinh ta là quá trình hình thành, phát triển và suy vong của vương quốc Chăm pa với rất nhiều giai đoạn khác nhau. Qua đó chúng ta biết được Chămpa được xem là một trong những vương quốc cổ đại ra đời sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Và vẫn biết rằng “ hưng – vong” là quy luật của tự nhiên, nhưng chúng ta có thể coi đó là “tấn bi kịch chính trị” của nhà nước Chăm pa. Tuy nhiên cuối cùng Chămpa cũng bị sáp nhật vào lãnh thổ Việt Nam như một tất yếu của lịch sử.

CHÍNH SỰ
         Từ một sự kiện tất yếu của lịch sử này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu quá trình tổ tiên ta – những người Việt đầu tiên đã đến và định cư trên vùng đất mà họ đã đổ biết bao xương máu mới có được này, như thế nào :
       Mãi đến năm 968 (Mậu Thìn) Vua Đinh Tiên Hoàng lập quốc, đóng đô ở Hoa Lư, đất nước mới bắt đầu thời kỳ độc lập tự chủ, song địa giới cực Nam của cộng đồng cư dân người Việt vẫn chỉ đến dãy Hoành Sơn (đèo Ngang) - dãy Hoành Sơn, được lấy làm cương giới giữa Chăm pa và Đại Việt trong suốt một thời gian dài. Về sau biên giới của Đại Việt dần được mở rộng về phương Nam qua các sự kiện với các mốc son lịch sử ghi đậm dấu ấn sâu nhất của quá trình Nam tiến của tổ tiên ta .
  
     1. Thời kỳ Nhà tiền Lê. (980-1009)
Cuộc Nam tiến đầu tiên của người Việt bắt đầu từ thời kỳ nhà Tiền Lê. Theo đó vùng đất từ Hoành Sơn đến Hải Vân đã có dấu chân người Việt trong cuộc Nam chinh đầu tiên vào năm 982 của Lê Hoàn (980-1005). 

      2.Thời kỳ Nhà Lý. (1010-1225)
Năm 1069 sau chiến thắng của vua Lý Thánh Tông, vua Chăm pa là Chế Củ phải dâng 3 Châu: Bố Chính - Địa lý - Ma Linh (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị) cho nhà Lý để chuộc tội. Năm niên hiệu Thái Minh thứ 4(1075) vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đi tuần biên thùy, vẽ địa đồ hình thế núi sông, đổi tên châu Địa Lý làm Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh. Mặc dù sau đó Chế Ma Na đưa quân chiếm lại 3 châu ấy vào năm Long Phù thứ 3 (1103) và xảy ra sự kiện Chiêm Thành cùng hội quân với Chân Lạp vào đánh Nghệ An (năm Thiên Thuận thứ 5 - 1132), nhưng sau đó quân dân Đại Việt đã tiếp tục thu phục , quản lý và khai thác vùng đất này. Biên giới phíaNam của Đại Việt tiếp tục được giữ vững ở vùng Bắc Quảng Trị - tiếp giáp với 2 châu Ulik(Ô, Rí) của vương quốc Champa
      Vua xuống chiếu chiêu mộ nhân dân phía Bắc vào ở và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Theo sử liệu thì bà con cùng một tộc Họ thường cùng đi với nhau vào lập làng, lập Họ. Tính đến nay khoảng trên dưới 850 năm.
   
     3. Thời kỳ Nhà Trần.  (1226-1400)                                   
 Tháng 6 năm Bính Ngọ(1306) năm Hưng Long thứ XV, quốc vương Java Sinhavarman III (sử Việt gọi là Chế Mân) sai sứ sang dâng biểu cầu hôn, vua Trần Anh Tông thuận gả em gái là công chúa Huyền Trân. Tháng 6 năm ấy hôn lễ được cử hành, quốc vương Chế Mân cắt đất hai châu Ô, Lý (vùng đất từ phía Bắc Quảng Trị đến huyện Duy Xuyên - Quảng Nam) làm sính lễ. Năm sau, vua sai Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài vào làm Hành khiển tuyên bố đức ý, đổi tên làm châu Thuận, châu Hóa, lấy người địa phương cho làm quan, cấp ruộng đất và giảm tô thuế 3 năm. Và từ đây người Việt bắt đầu di dân vào để định cư, khẩn đất lập làng. Những thế hệ di dân đầu tiên vào chiếm lĩnh đất Thuận Hóa đều xuất phát từ đồng bằng sông Hồng và đặc biệt là cư dân vùng Thanh-Nghệ -Tỉnh . Tính đến nay khoảng trên 700 năm.

      4. Thời kỳ Nhà Hồ. (1400-1407)
   Đời Thuận Tông năm Quang Thái thứ II (1389) Nhà Hồ lên ngôi chia đất Chiêm Động và Cổ Lũy thành 5 châu, vẽ lại bản đồ làng xã, tiếp tục kêu gọi nhân dân phía Bắc vào lập làng ấp. Tính đến nay khoảng trên dưới 620 năm.
    Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh của Trần Ngỗi, Đặng Dung, Đặng Tất… Thuận Hóa trở thành miền biên viễn cực Nam của Đại Việt là địa bàn của những người Việt bị cưỡng bức di dân hoặc những người có tội, về phương Nam theo chủ trương của Nhà Hồ (6).
  
      5. Thời kỳ Nhà Hậu Lê. (1428-1527)
Đời vua Lê Thánh Tông năm Hồng Đức thứ I (1470),Vua thân chinh dẫn 26 vạn quân chinh phạt Chăm pa. Và sau chiến thắng Đồ Bàn (1471), nhà Vua đã cắt cử quan đinh ở lại khai khẩn đất đai, lập làng mạc ổn định miền biên viễn phía Namcủa Đại Việt để ngăn chặn Chiêm Thành làm phản.
   Thời Lê Sơ vùng đất Thuận Hóa được cho là “Ô Châu ác địa”, là địa bàn tiếp nhận các tội đồ nặng nhất - “lưu viễn châu”,( rồi “lưu ngoại châu” và“lưu cận châu”);  trong ngũ hình thời Lê có ba bậc: cận châu (Nghệ An), ngoại châu (Bố Chính-Quảng Bình) và viễn châu (Thuận Hóa). Tính đến nay khoảng trên dưới 540 năm.

     6.  Thời kỳ Trịnh - Nguyễn. (1558-1786)
Với hai sự kiện lớn :
- Tháng 8 năm Kỷ Mùi (1559) vùng Thanh Hóa, Nghệ An nước lũ tràn ngập, đê điều đường sá bị vỡ ; trôi mất nhà cửa, ruộng vườn nhân dân lưu tán nhiều vào Nam. 
- Năm Mậu Thân (1608) từ Nghệ An ra Bắc bị đại hạn, dân tình đói kém, giá gạo đắt đỏ. Nhưng ngược lại xứ Thuận Hóa được mùa to, khiến nhiều cư dân xiêu dạt chạy về phía Nam tìm đất sống.
   
TỔNG LUẬN
      Qua các mốc son của lịch sử, với quá trình mở mang bờ cõi và các cuộc di dân về phương Nam của cộng đồng cư dân người Việt, đã cho chúng ta có được một cái nhìn tổng quan, một nhận định chung về sự hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư Việt trên vùng đất phương Nam .
      Thuở lập quốc, ranh giới cực Nam của cộng đồng cư dân người Việt là dãy Hoành Sơn - dãy Hoành Sơn được lấy làm cương giới giữa Cham pa và Đại Việt trong suốt một thời gian dài. Nhưng với nhiều điều kiện thuận lợi và khách quan đã thúc đẩy quá trình di
cư mạnh mẽ của người Việt về phía Nam, nhất là trong các thế kỷ XV - XVI . Trong khi vùng đất mới cực Nam Đại Việt mưa thuận gió hòa thì tình hình miền Bắc diễn biến ngược lại với những sự kiện thiên tai – hạn hán lớn như vào những năm 1559 và 1608 đã gián tiếp thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này.
       Nhưng theo đó, công cuộc Nam tiến không phải lúc nào cũng thuận lợi. Năm 1306, sau khi vùng Thuận Hóa trở về với Đại Việt mà không phải đổ máu, nhưng đây cũng là giai đoạn cuối suy tàn của một triều Nhà Trần hùng mạnh từng đánh thắng quân Mông Nguyên.   
       Năm 1370 khi Vua Nghệ Tông lên ngôi, đã xảy ra tranh giành ngôi vị trong giới hoàng tộc, một người Cung phi đã chạy vào Chiêm Thành cầu cứu vua Chiêm - Chế Bồng Nga đem quân đánh Đại Việt. Quân Chiêm nhân cơ hội này vượt bể vào cửa Đại An tiến đánh Thăng Long. Quân Trần không chống nổi, phải bỏ kinh thành. Vua Nghệ Tông rời đô đi lánh nạn. Quân Chiêm vào thành đốt sạch cung điện, bắt đàn bà con gái, lấy hết vàng bạc châu báu rồi rút quân về.
       Năm 1377 Vua Trần Duệ Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chăm pa, trong một cuộc tiến quân đánh chiếm thành Đồ Bàn, Vua Trần Duệ Tông vì mắc mưu trá hàng của địch đã tử trận tại kinh đô Đồ Bàn, quân Đại Việt đại bại. Quân Chăm pa đã phản công tiến chiếm lại Thuận Hóa chiếm luôn các châu Hoan, châu Ái suốt 12 năm, đồng thời xua đuổi hầu hết người Việt khỏi khu vực này. Quân Chăm pa nhiều lần tấn công cướp phá thành Thăng Long, cho đến tháng Giêng năm Canh Ngọ ( 1390 ) - Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga bị quân Đại Việt bắn chết trong khi tấn công thành Thăng Long quân Chiêm Thành mới rút khỏi vùng đất này. Thành quả xây dựng gần 100 năm của cư dân vùng Thuận Hóa lại phải bắt đầu lại từ con số không.
      Nhưng không lâu sau đó nhà Trần suy vong (năm 1400), nhà Hồ lên thay, nhưng nhà Hồ tồn tại quá ngắn ngủi (1400 – 1407). Vì mất lòng dân (7) - cuộc kháng chiến chống quân Minh của Nhà Hồ bị thất bại, năm 1407 cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim lăng; nước ta bị giặc Minh chiếm đóng trong hơn 20 năm, cho đến năm Mậu Thân(1428) cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước mới trở lại thời tự chủ
     Trong thời gian Đại Việt bị quân Minh đô hộ, lợi dụng việc này quân Chăm pa đã tiến chiếm lại vùng Thuận Hóa và 2 châu Chiêm Động, Cổ Luỹ (Quảng Nam, Quảng Ngãi).
     Sau chiến thắng giặc Minh (1428), Vua Lê Thái Tổ đã cử quan quân vào lấy lại Thuận Hóa và cử các trọng thần vào trấn thủ, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường di dân, khai hoang phục hóa, thành lập các làng xã mới. Nhưng tình hình Thuận Hóa không ổn định, quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công châu Hóa. Sau khi nhà Hậu Lê tiếp quản Thuận Hóa, quân Chiêm Thành đã liên tục quấy nhiễu khiến cho cư dân vùng này không thể an cư được. Nhất là sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (1434), quân Chiêm Thành lại nhiều lần vượt đèo Hải Vân tấn công châu Hóa. Năm 1446 vua Lê Nhân Tông cử đại quân chủ động đánh Chiêm Thành nhằm giữ yên bờ cõi.
      Năm 1469, quân Chiêm Thành lại khởi sự chiến dịch quấy phá Hóa Châu, tháng 9/1470, vua Chiêm Thành là Bàn Trà Toàn đã huy động 10 vạn quân và voi ngựa tiến đánh châu Hóa. Cuối năm đó vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Sau nhiều trận giao tranh, quân Chiêm tan vỡ, vua Lê Thánh Tông đã đưa quân đánh vào tận kinh đô Bồ Đàn, chiếm kinh đô của Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn đem theo về Đại Việt.
      Sau chiến thắng Đồ Bàn - năm 1471 của quân dân Đại Việt, chiến dịch bình định phương Nam dưới quyền Tiết chế của vua Lê Thánh Tông thắng lợi hoàn toàn. Đã chấm
dứt mối đe dọa xâm lấn Hóa Châu của người Chăm pa, cương giới nước Đại Việt đã vào tận tận đèo Cù Mông phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay.
      Trước sự thật lịch sử này đã lý giải được phần nào là tại sao có một khoảng trống trong lịch sử văn hóa - xã hội vùng Thuận – Quảng ở giai đoạn này(1306 – 1470) ? Vì hầu như cho tới nay giới sử học đã không thể tìm thấy được bất cứ một thư tịch, một văn bản hoặc một chứng tích nào của người Việt ở giai đoạn này, còn lưu lại được đến ngày nay tại khu vực này ? Ở cấp độ vùng miền, tại các tỉnh (thành), trong các làng - xã, trong các dòng Họ ở khu vực này cũng không thể tìm thấy được một thư tịch, một văn bản nào của người Việt được lập trong giai đoạn này hiện đang còn được lưu giữ ? (8).
       Chỉ sau chiến thắng lịch sử này(1471), nhân dân vùng Thuận Hóa - Thăng Hoa - Tư Nghĩa mới thực sự được hưởng thanh bình, ổn định liên tục trong nhiều năm sau. Nhân dân vùng này, có được một khoản thời gian hơn 50 năm thanh bình đã ra sức khôi phục và tái thiết quê hương, khôi phục lại các làng xóm bị tàn phá, nhân dân lưu tán do chiến tranh. Hưởng ứng chủ trương di dân, nhân dân các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trấn Sơn Nam và các Châu Hoan, Ái (tức là Thanh Hoá và Nghệ An ngày nay) cùng một số quan quân Nam chinh trở về đã đem gia đình và bà con vào khai khẩn đất hoang, hàng loạt các làng - xã đã được thành lập vào thời gian này trên vùng đất này.
       Đây là giai đoạn khởi thủy chính thức của các làng – xã cổ nhất, các tộc Họ lâu đời nhất tại khu vực này. Trước thời điểm này (mà cụ thể là tại Thuận hóa là trước năm 1446, tại Thăng Hoa - Tư Nghĩa là trước năm 1471), không thể có một làng – xã nào được định danh và có được địa bàn cư trú cụ thể cả. Qua phân tích trên đây, theo tôi là không thể có.
       Về mặt địa lý hành chánh và quy mô dân số : Vào giai đoạn (1306 – 1446) cũng đã để lại một khoảng trống trong lịch sử vùng này ? Theo những tư liệu thành văn còn lưu lại được đến ngày nay, thì tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) năm Hưng Long thứ XV, sau khi vua Trần Anh Tông gả em gái là công chúa Huyền Trân cho quốc vương Chế Mân của Chiêm Thành, quốc vương Chế Mân đã cắt đất hai châu Ô, Lý (vùng đất từ phía Bắc Quảng Trị đến huyện Duy Xuyên - Quảng Nam) làm sính lễ. Năm sau (1307), “ vì cư dân bản địa người Chăm của thôn La Thủy, thôn Tác Hồng và thôn Đa Bồng tại Hóa Châu nổi loạn chống lại chính quyền mới của người Việt. Vua sai Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài vào làm Hành khiển tuyên bố đức ý, đổi tên làm châu Thuận, châu Hóa, kén chọn người Chiêm cho làm quan, lại cấp ruộng đất và tha 3 năm tô thuế ”. Nhưng không có tư liệu nào còn lưu lại được đến ngày nay, cho biết có bao nhiêu thôn, làng – xã và dân số là bao nhiêu người; khi nhà Trần tiếp nhận vùng này (năm 1307) ?
        Sau khi Vua Chế Mân chết (1307), Công Chúa Huyền Trân trở về Đại Việt (1308) , quân Chiêm Thành lấy cớ này đã liên tục tấn công Hóa Châu, chiến tranh xảy ra liên miên; vùng đất châu Hóa trở thành vùng tranh chấp, miền biên viễn trong nhiều năm sau.
        Vào cuối triều Trần, cụ thể là tháng 9 năm Quý Tỵ (1353), khi người Chiêm liên tục đánh phá vùng Thuận Hóa, vua Trần Dụ Tông sai Tham Tri chính sự Trương Hán Siêu đem quân vào chống giữ. Ông ở được hơn một năm đã buồn chán than thở nên vua phải cho về, theo một ít sử liệu mà tác giả của An Nam Chí Lược thu thập được từ vị quan binh này thì Thuận Hoá lúc này được tổ chức thành một lộ gọi là lộ Thuận Hóa, gồm hai châu là châu Thuận và châu Hóa, chia làm 11 huyện, dưới huyện là hương (làng) và xã (làng và xã là hai đơn vị hành chánh ngang nhau) hoàn toàn chưa có đơn vị thôn , ấp.
      Theo đó Châu Thuận gồm 04 huyện là: Điều Lại(Điều Lợi), Ba Quan(Ba Lãng), Bất Lan (Thạch Lan) và An Nhân.
      Châu Hoá gồm 07 huyện là: Trà Kệ, Lại Bồng(Lợi Bồng), Sạ Hợp(Sạ Lệnh), Tư Khách (Tư Vinh), Bồ Lãng, Bồ Đài, và Sỹ Vinh. Sau sáp nhập hai huyện Lại Bồng và Tư
Vinh vào huyện Sỹ Vinh. Tổng cộng có 79 làng(xã), 1470 hộ, 5662 khẩu ; ruộng có 71 khoảnh (mỗi khoảnh 100 mẫu).
      Vào đời Hồ Hán Thương, niên hiệu Khai Đại 2 (1404), “đặt 1 phủ có 2 châu,... Hóa Châu có 7 huyện: Lợi Bồng, Sĩ Vinh, Sạ Lịnh, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng”nhưng quy mô chỉ còn 40 làng (trang, thôn, ấp, trại, sách). Đến năm Vĩnh Lạc 17 thuộc Minh (1419), quân đô hộ sắp xếp, sáp nhập các huyện lại ở Hóa Châu chỉ còn 3 huyện là Trà Kệ, Kim Trà và Sĩ Vinh.
      Với số cư dân thưa thớt, cư trú trên một vùng rộng lớn và như trình bày trên đây, với những cuộc chiến giành đi - giựt lại của hai bên liên tục trong nhiều năm (khoảng 130 năm). Nên có thể tạm kết luận : Thời gian này (1320 – 1446), những cư dân đầu tiên phần lớn là những quan binh và những người lính với phận sự vào tiếp quản vùng đất mới. Cư dân người Việt chưa thể hình thành nên những làng xóm, những cộng đồng dân cư có tổ chức hoặc những đơn vị hành chánh được. Có chăng là những cụm dân cư sống tạm bợ bên những đồn binh với thành phần chính là gia đình của những quan binh, hoặc ở những nơi gần cửa sông, cửa bể thuận tiện cho việc đi lại, mưu sinh… Nhưng với những cuộc chiến sinh tồn xảy ra liên tiếp thì những làng, xã này(nếu có) có thể bị tàn phá, bị biến mất và thay đổi liên tục.
       Tóm lại, chỉ sau cuộc chiến năm 1471 vùng này mới có thể hình thành nên những làng xóm, những khu thị tứ. Và như sử chép, thực tế sau đó với không gian tương đối thanh bình, kinh tế phát triển, văn hóa xã hội ổn định vùng này đã có những phát triển vượt bậc với những trung tâm đô hội lớn như Phú Xuân, Hội An…
       Tháng Mười năm Mậu Ngọ (1558): Nguyễn Hoàng - được phong tước Đoan Quận công, được Vua Lê Thế Tôn (1573 – 1599) cho vào trấn giữ Thuận Hóa, ông lập bản doanh tại dinh Ái Tử (Quảng Trị). Những người đồng hương ở Tống Sơn và nghĩa dũng xứ Thanh đều đi theo; "Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ xưng là chúa Tiên" (9).
        Đến tháng giêng năm Canh Ngọ (1570), chúa Tiên được giao trấn thủ cả hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Ông đã bắt đầu cho một thời kỳ mới trong lịch sử đất nước, thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh.
        Như trình bày trên đây, cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn bắt nguồn từ một nhân vật lịch sử là Nguyễn Hoàng. Ông là con thứ hai của Nguyễn Kim - người sáng lập ra Triều Lê Trung Hưng, nhưng sau khi Nguyễn Kim mất (năm 1545); quyền lực rơi vào tay người anh rễ là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm lại muốn thâu tóm quyền lực về một tay mình đã loại bỏ dần các con của Nguyễn Kim. Nhằm tránh một cái chết được dự báo trước như người anh ruột Nguyễn Uông; Nguyễn Hoàng đã tìm cách xin vua Lê vào trấn thủ phương Nam .
        Kể từ khi vào Nam trấn thủ vùng đất này (năm 1558), Nguyễn Hoàng đã cùng con cháu các đời Chúa Nguyễn xây dựng Thuận Hóa và vùng đất phía Nam thành một vương quốc Nguyễn riêng ở xứ Đàng Trong; độc lập và tách biệt hoàn toàn với xứ Đàng Ngoài của vua Lê – Chúa Trịnh.       
       Sự hình thành Đàng Trong là một sự thay đổi sâu sắc và căn bản trong lịch sử Việt Nam, mà tầm quan trọng có thể so sánh với việc Việt Nam giành lại độc lập từ Trung Hoa ở thế kỷ X.
       Đây không đơn thuần là một sự mở rộng về nam của xã hội và nền kinh tế cũ của người Việt, mà đúng hơn một xã hội mới đã hình thành và phát triển, với một nền tảng văn hoá khác và những hoàn cảnh kinh tế, chính trị khác. Sự thành công của các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn đã tạo nên một xã hội mới và một văn hoá mới.
       Từ thế kỷ XVII, đồng bằng sông Hồng không còn là trung tâm duy nhất của văn minh Việt: một trung tâm mới – Phú Xuân (Huế) và một khu kinh tế xã hội quan trọng thứ hai – Thuận Quảng – hình thành cách xa khỏi đồng bằng sông Hồng.
        Đàng Trong trở thành đầu tàu thay đổi mang tính lịch sử, và kéo trọng tâm quốc gia – dù là được nhìn theo nghĩa chính trị, kinh tế hay thậm chí văn hoá – về hướng nam từ thế kỷ XVII .
        Khi xưng vương năm Giáp Tý (1744), Nguyễn Phúc Khoát tự hào tuyên bố, “ Nhà nước ta, phát tích Ô châu”, Ô châu tức vùng đất Quảng Trị ngày nay - nơi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lập bản doanh đầu tiên tại dinh Ái Tử  năm Mậu Ngọ (1558); đây cũng là nơi mất của ông năm Quý Sửu (1613):  Các Chúa Nguyễn đã dùng cái tên có màu sắc địa phương của mình để chỉ nơi xuất thân của hoàng gia và nhiều quan lại cao cấp. Tuyên bố này cũng đồng thời nhấn mạnh một nhận thức về Đàng Trong như một đất nước riêng đã phát triển kể từ đầu thế kỷ XVII. Sự nhận diện này thực tế bao hàm hai ý nghĩa: một đất nước ngang hàng với Đàng Ngoài và một chế độ mang chất địa phương với người địa phương, chứ không mang tính xa lạ. Cái cảm thức thứ hai này liên quan đến tính chính danh và sự tự tin của nhà Nguyễn.
       Sự thành công của các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn phần lớn là do các yếu tố kinh tế đóng vai trò quyết định: trong vài thập niên ngắn, dù là một khu vực mới mở, ít dân hơn, và vào giai đoạn đầu còn nhỏ hơn đồng bằng sông Hồng, nhưng Đàng Trong trở nên giàu có và mạnh hơn hẳn vùng đất Đàng Ngoài. Cả điều kiện kinh tế của người dân và sự cởi mở của xã hội tại Đàng Trong là một hình ảnh tương phản so với cái gọi là “chính quyền trung ương” của vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Những lợi thế này lập thành nền tảng của quá trình nam tiến mà cuối cùng đưa Nhà Nguyễn đến đồng bằng sông Cửu Long.
        Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người Gia Miêu ngoại trang, Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa; sinh tháng 8 năm Ất Dậu (1525) – ông là ông tổ của các Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn. Hiện nay vẫn đang có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau giữa công và tội của nhân vật lịch sử này. Nhưng theo tôi, đó là việc của lịch sử và theo thời gian lịch sử sẽ trả lời; vì đánh giá một nhân vật lịch sử như Nguyễn Hoàng không thể theo quan điểm chủ quan và góc nhìn hạn hẹp của một vài cá nhân hoặc thậm chí một tổ chức nào đó được ?
       Nguyễn Hoàng vào Nam tới ba lần, lần đầu và lần cuối cách nhau 42 năm. Theo đó, lần đầu năm 1558 Chúa Tiên vào Nam là đi lánh nạn tránh sự truy sát của Trịnh Kiểm, lần thứ hai năm 1570 sau khi ra thăm quê và bái yết Vua Lê; lần thứ ba là năm 1600 – sau khi ra mừng Chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc khôi phục Thăng Long, bị Vua Lê giữ lại tới 7 năm để đi dẹp loạn cát cứ - là một cuộc chạy trốn thực sự của Chúa Tiên nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Trịnh Tùng, lúc này ông đã 76 tuổi. Nguyễn Hoàng ở Ngôi Chúa thêm 13 năm và mất năm 1613, thọ 89 tuổi.
       Sau khi Nguyễn Hoàng mất (năm 1613), chỉ 14 năm sau (năm 1627) là đã bắt đầu cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài hơn 50 năm, chiến trường chính là vùng Thuận Hóa (Quảng Bình – Quảng Trị ). Tới năm 1672, Trịnh – Nguyễn chấm dứt chiến tranh, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Vùng Thuận Hóa tạm yên ổn được hơn 100 năm, cho tới năm 1775 lợi dụng sự suy yếu của Chúa Nguyễn, quân Trịnh một lần nữa tấn công Thuận Hóa chiếm thành Phú Xuân, Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Gia Định. Quân Trịnh chiếm đóng Thuận Hóa 12 năm cho tới khi Nguyễn Huệ chiếm lại Thuận Hóa từ quân Trịnh (năm 1786) và cũng chỉ 16 năm sau, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại Thuận Hóa từ tay nhà Tây Sơn (năm 1802).
        Sau khi đánh bại anh em nhà Tây Sơn (1802), thống nhất đất nước - Nguyễn Vương Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế hiệu Gia Long (1802 – 1819), đất nước trở lại thời thịnh trị .
       
PHẦN KẾT
        Bắt đầu từ năm 1570 trở về sau, lịch sử địa chính trị của vùng này đã được chính sử ghi chép tương đối rõ ràng, với nhiều bộ sách sử ký, địa lý, chính sự, văn hóa - xã hội và kinh tế khá đầy đủ - rất dễ dàng cho quý bà con tìm đọc khi cần nghiên cứu về một vấn đề gì đó trong giai đoạn này ? Nhưng để bà con Họ Đinh và quý độc giả nắm bắt được nhanh nhất một chủ đề cần tìm, cần nghiên cứu; khi mà tư liệu có khá nhiều với nhiều luồng tư tưởng, quan điểm chính trị khác nhau; tôi có một vài gợi mở với bà con như sau:
       + Trong các bộ sách chính sử ghi chép về lịch sử - địa lý vùng đất mà các triều phong kiến Việt Nam gọi là vùng biên viễn này; sớm nhất có Toàn tập Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi. Trong 14 năm làm quan dưới triều nhà Hậu Lê cho đến khi bị “ Tru di tam tộc” năm 1442, với tư thế là bậc khai quốc công thần - Nguyễn Trãi đã để lại nhiều tác phẩm văn học, lịch sử - địa lý, khoa học có giá trị cao cho hậu thế, trong đó có tập Dư Địa Chí . Trong Dư Địa Chí , Nguyễn Trãi đã viết về vùng đất này khá chi tiết có cả bản đồ minh họa, ông đã thống kê gần như toàn bộ các làng xã, các địa danh lịch sử, sông núi, thổ nhưỡng, ruộng đất, sản vật và con người của vùng đất này. Đây là một tài liệu khá quan trọng khi muốn tìm hiểu và nghiên cứu về vùng đất này trước thế kỷ XV(mời bà con tìm đọc).
        Đồng thời, thời kỳ Nhà Hậu Lê (Lê Sơ) (1428-1527) là mốc thời gian ghi nhận chính thức sự hình thành các cấp hành chánh và địa giới hành chánh của người Việt tại vùng đất Thuận Hóa - Thăng Hoa - Tư Nghĩa, cách đây 540 năm.
      Cho đến khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) định bản đồ thiên hạ (đây là bản đồ bao quát toàn thể lãnh thổ của nước Việt đầu tiên, đồng thời đây cũng là bản đồ đầu tiên có ghi chép về vùng đất Thuận Hóa - Thăng Hoa - Tư Nghĩa). Cả một khoảng thời gian dài trước đó(1306 – 1460), hơn 150 năm - thật đáng tiếc là cho đến nay chúng ta không có được tư liệu nào nói về cội nguồn và văn hóa làng xã , văn hóa tộc Họ của vùng đất này.
       + Tư liệu thứ hai mà bà con cần lưu ý đó là tác phẩm Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An. Ông sinh năm 1513 người làng Tuy Lộc huyện Lệ Thủy, cư trú ở làng Phù Diễn huyện Từ Liêm, năm 34 tuổi (1547) đời vua Mạc Phúc Nguyên đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547), làm quan đến phó đô (ngự sử), hàm Thượng thư, tước Sùng nham hầu, được phong tặng tước Tuấn quận công.
        Ô Châu Cận Lục  là cuốn địa phương chí quan trọng đầu tiên viết về vùng đất Thuận Hóa của nước Việt chúng ta ở thế kỷ XVI. Đây là một tác phẩm khoa học có giá trị văn học lớn. Tuy biết rằng trước đó Nguyễn Trãi đã viết cuốn Dư địa chí (1435), đây chính là tác phẩm "điạ lý học lịch sử đầu tiên"của Việt Nam. Nhưng xét về mặt địa phương chí và lịch sử vùng Thuận Hóa thì Ô Châu Cận Lục mới chính là cuốn sách có giá trị cực kỳ lớn lao với mọi tầng lớp cư dân xứ Thuận Hóa từ xưa đến nay. Châu ô cận lục là một cuốn sách Địa chí viết về một dải đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam vào nửa đầu thế kỷ XVI dưới thời Lê – Mạc.
        Theo tự sự của chính tác giả trong lời bạt của cuốn sách thì ông viết hoàn chỉnh cuốn sách Châu ô cận lục vào niên hiệu Cảnh Lịch thời nhà Mạc - ngày rằm tháng sáu năm Ất Mão (1555). Khi đang giữ chức Đô cấp sự Trung lại Khoa, tước Sùng Nham Bá. Theo tác
giả thì nhân dịp về cư tang ở quê nhà lúc ông 40 tuổi (năm 1553), trong ba năm rảnh rỗi ấy đã được dùng vào việc "đọc khắp các loại sách", ông đã gặp được hai bản chép tay của hai nho sinh đồng hương viết về hình thế sông núi , sản vật , phong tục tập quán và các nhân vật nổi tiếng ở vùng này. Ông liền khảo cứu thêm và bổ sung cũng như lược bớt những chổ rườm rà và đặt tên mới là Ô Châu Cận Lục, cũng chỉ cốt là để dùng tham khảo cho mình. Công trình của ông hoàn tất vào năm 1555 nhưng chưa hề được khắc in. Tuy thế sách vẫn được lưu hành qua những bản chép tay và giá trị lịch sử của nó vẫn được khẳng định qua hàng trăm năm sau.  Nhiều học giả nổi tiếng sau này như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú khi soạn các bộ sách có giá trị lịch sử cao vẫn cũng lấy cuốn Ô Châu Cận Lục làm tài liệu quan trọng. Công trình địa phương chí này gồm sáu quyển :
       - Quyển một giới thiệu mô tả núi sông xứ Thuận Hóa.
       - Quyển hai nói về sản vật xứ Thuận Hóa: Thổ sản, lâm sản, hải sản, hoa trái chim muông cầm thú.
       - Quyển ba có tên là : Bản đồ , liệt kê danh mục các phủ huyện, châu, xã , làng xứ Thuận hóa, và bàn về phong hóa xứ Thuận Hóa. Đây là quyển quan trọng nhất.
       - Quyển IV nói về thành thị xứ Thuận Hóa, liệt kê, mô tả thành, chợ, trạm, bến bờ.
       - Quyển V giới thiệu, mô tả các thắng cảnh, chùa tháp, đền miếu xứ Thuận Hóa.
       - Quyển VI bàn về chế độ quan chức xứ Thuận Hóa và ghi chép tiểu sử của 102 nhân vật quê ở Thuận hóa từ đầu thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI : những người đỗ đạt cao, quan văn, quan võ, những người trung nghĩa, tiết hạnh.
      + Tư liệu thứ ba là tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, đây thực sự là một bộ Bách khoa toàn thư, một tác phẩn lớn của Việt Nam dưới thời phong khiến, công trình này được viết năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776), đời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) lúc Lê Quý Đôn đang giữ chức Hiệp trấn Tham tán Quân cơ - trong sáu tháng tại Thuận Hóa (Thuận hóa lúc này đang bị Chúa Trịnh chiếm trong 12 năm ,1775 – 1786).
       Lúc này Lê Quý Đôn đang là một viên quan của triều Lê Trung hưng, với quan điểm và văn phong là của một tôi thần nhà Lê; nhưng về khía cạnh khoa học thì Lê Quý Đôn thực sự là một nhà bác học lớn của dân tộc; ông đã để lại cho đời nhiều công trình khoa học lớn. Riêng tác phẩm Phủ biên tạp lục ngoài chức năng như là một bộ Bách khoa toàn thư, thì đây là một bộ sử ký, địa lý lớn nhất của Việt Nam vào cuối thế kỷ 18, một bộ chính sử do nhà nước quân chủ ban hành.
      Đây là ba bộ sử ký chính thống và có giá trị nhất cho những ai muốn nghiên cứu về lịch sử - địa chính trị của vùng đất này. Vùng đất có nhiều biến động nhất trong lịch sử trung đại và cận đại của Việt Nam ?
       Giai đoạn cuối thế kỷ 18 trở về sau là giai đoạn lịch sử  Việt Nam phát triển tương đối ổn định và bắt đầu phát triển. Việt Nam đã trở thành một nhà nước thống nhất, kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển; Việt Nam trở thành một thế lực mới, một nước lớn trong khu vực. Dưới triều Nguyễn, công  cuộc Nam tiến được tiếp tục và thành công mỹ mãn.
   ĐKT
06/08/2015

                                                                   ______________________

Chú thích :

1. Bài viết này dựa trên những tư liệu chính thức của chính sử, các công trình nghiên cứu có uy tín và những bài viết của các nhà sử học lớn của Việt Nam và thế giới.
2. "Khu" không phải là tên riêng mà là tước vị, phiên âm từ chữ "Kurung" (như các vua Hùng của người Việt cổ – hay chữ "Varman" của người Chăm từ tiếng Phạn, có nghĩa là tộc trưởng, thủ lĩnh hay vua).
3. Bộ lạc Dừa (Narikela vam'sa) cư trú ở vùng Quảng Nam, Bình Định và bộ lạc Cau (Kramuka vam'sa) ở vùng Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Sau khi giành được độc lập, hai bộ lạc đã thống nhất thành Vương quốc Cham-pa.
4. Huyện Tượng Lâm trong tiếng Hán gọi là Tượng Lâm Ấp, sau bỏ chữ Tượng và chỉ gọi là Lâm Ấp. Có giả thuyết cho rằng Lâm Ấp (đọc là Lin-yi) là phiên âm tiếng Hán của từ Li-u (nghĩa là "dừa") trong tiếng Chăm cổ, vì vậy tên gọi Lâm Ấp có thể lấy theo tên của bộ tộc Dừa đã lập nước.
5. Gọi theo tiếng Chăm cổ là Cha Ban, Chanar Pal, lấy theo tên hiệu của đức vua sáng lập (nghĩa là thắng lợi) thuộc Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định. Sử Trung Quốc gọi là Phật Thệ (Phật Thành) (hay Tân Châu, Đại Châu).
6. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết: “ Lại bắt những dân không có của và không có ruộng đem vợ con vào để khai khẩn đất những châu ấy, bởi vì khi vua Chiêm nhường đất Chiêm Động, Cổ
Lũy, người Chiêm đều bỏ đất mà đi cả”.
7. Hồ Nguyên Trừng từng nói: “ Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không mà thôi”. Các Triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư – Đổ Đức Hùng; sách đã dẫn – tr.159
8. - Theo các tư liệu điền dã của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu và khoa Sử trường Đại Học Sư phạm Huế thì bản Gia Phả được ghi chép cổ nhất hiện đang được lưu giữ tại Thừa Thiên – Huế là Lê tộc thế phả của Họ Lê ở làng La Khê , huyện Hương Trà , lập năm Cảnh Hưng thứ hai ( 1741 ) - có nội dung rất sơ sài đơn giản. Tại thôn 5 làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc có bản Phan thị gia phả lập năm Gia Long thứ 2 ( 1803 ). Đây là 02 bản Gia Phả cổ nhất còn lưu giữ được tìm thấy tại tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay .
- Riêng tại khu vực Quảng Nam, tư liệu cổ nhất mới được phát hiện là một số thư tịch cổ của một số dòng Họ tại khu vực xã Cẩm Thanh, TP. Hội An có niên đại khoảng năm 1487- 1496
9. Đại Nam thực lục tiền biên – sách đã dẫn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

1. “ Dư Địa Chí ” của Nguyễn Trãi
2. Sách “Châu Ô Cận Lục” của Dương Văn An soạn năm 1555 (đời nhà Mạc).
3. Phủ Biên Tạp Lục – của Lê Quý Đôn
4. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí – của Phan Huy Chú
5. Quốc sử quán Triều Nguyễn :
-  Khâm định Việt sử thông giám cương mục (nhiều quyển);
-  Đại Nam thực lục (nhiều quyển);
-  Đại Nam liệt truyện (nhiều quyển).
6. “Đại Nam Nhất Thống Chí” bộ dịch của Tụ Trai Nguyễn Tạo, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn ấn hành năm 1961.
7. Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn ấn hành năm 1962.
8. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, của Ngô Sỹ Liên, bản dịch của Viện Sử Học, xuất bản năm 1971- 1973 (nhiều quyển).
9. Việt sử thông giám cương mục.
10. Đại Việt địa dư toàn biên.
11. Đại Việt sử lược, khuyết danh, gồm 03 quyển
12. Đại cương Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục.
13. Việt Nam Sử Lược, của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1999.
14. Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1971.
15. Các Triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, 2010.
16. Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, của Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin , năm 2010.
17. Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quỳnh Thắng – Nguyễn Bá Thế.
18. Việt Sử Xứ Đàng Trong, của Phan Khoa do nhà xuất bản Khai Trí ấn hành năm 1970.
19. Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử (Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005).
20. Nguyễn Phúc Tộc thế phả, NXB Thuận Hóa – Huế.
21. “Chín đời Chúa, mười ba đời vua Nguyễn” của Nguyễn Đắc Xuân, do nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế xuất bản năm 1998.
22. Tỉnh Thừa Thiên Huế - Địa phương Chí, Huế, 1973.
23. Lịch sử 100 ngôi chùa nổi tiếng ở xứ Huế của Nguyễn Đắc Xuân – Xuất bản năm 1998.
24. Gia phả của các dòng Họ nổi tiếng của xứ Huế - nhà xuất bản Thuận Hóa – Nhà xuất bản trẻ năm 1999
25. Sử ký Tư mã thiên, Phan Ngọc dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 1999.
26. Lịch sử Phật Việt Nam , của GS. Lê Mạnh Thát, Tập I,II,III NXB Thuận Hóa, 1999-2001.
27. Tập 1 – Văn hóa Huế xưa - Đời sống văn hóa gia tộc – Lê Nguyễn Lưu – Nhà xuất bản Thuận Hóa 2006.
28. Việt Nam Văn hóa Sử cương của Đào Duy Anh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1992.
29. Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1+2+3 của Nguyễn Khắc Thuần, nhà xuất bản giáo dục, 1997.
                                                     ___________________________________









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...