Sông Bạch Đằng nơi tắm máu quân xâm lược Trung Hoa
Việt Nam nằm về phía nam Trung Hoa, một nước lớn so với Việt
Nam. Vị trí địa lý nầy là một đại nạn thường trực cho Việt Nam, vì các nhà lãnh
đạo Trung Hoa qua mọi thời đại, luôn luôn ỷ thế nước lớn, kiếm cách xâm lăng
các nước nhỏ láng giềng, trong đó có Việt Nam. Bài nầy trình bày đại nạn Trung
Hoa từ thời cổ sử đến cận đại
Đại nạn Trung Hoa thời trung sử
Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán
(Trung Hoa) tại Bạch Đằng Giang năm 938 (mậu tuất) và xưng vương năm 939 (kỷ
hợi), đóng đô ở Cổ Loa (thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Từ đây, nước
Việt vĩnh viễn thoát ra khỏi cảnh đô hộ của Trung Hoa, nhưng các triều đình
Trung Hoa vẫn tiếp tục nhiều lần đem quân sang xâm lấn nước Việt.
Lần
thứ nhất (981)
Sau cuộc đảo chánh không đổ máu lật đổ
nhà Đinh (968-980), Lê Hoàn lên làm vua năm 980 (canh thìn), tiếp tục đóng đô ở
Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay). Về sau, ông thường được sử sách gọi là Lê Đại
Hành.
Biết tình hình Đại Cồ Việt (quốc hiệu từ
thời vua Đinh Tiên Hoàng) đang xáo trộn vì chuyện đổi ngôi, vua Trung Hoa là
Tống Thái Tông (trị vì 976-997) sai sứ đem thư qua khuyến dụ và đe dọa. Lê Hoàn
(trị vì 980-1005) lấy danh nghĩa con của vua Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh
Toàn, xin nhà Tống (Sung, 960-1279) cho nối ngôi vua cha. Tuy nhiên triều đình
nhà Tống nắm rõ tình thế nước Nam, biết Lê Hoàn đã giành ngôi của Đinh Toàn,
con của Đinh Tiên Hoàng, nên sai người đem một thư khác qua nói rằng “…Họ Đinh
truyền nối được ba đời [ý chỉ Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Đinh Toàn], trẫm muốn cho
Đinh Toàn làm thống súy, khanh [chỉ Lê Hoàn] thì làm phó. Nếu Đinh Toàn không
đáng tướng tài, hãy còn tính khí trẻ con thì nên cho ngay mẹ con và thân thuộc
y sang đây…”
Lê Hoàn biết không thể tiếp tục thương
lượng, nên chỉ còn con đường duy nhất là chuẩn bị lực lượng để kháng Tống.
Trong khi đó, quân Tống chia làm hai đường thủy bộ tiến vào nước ta năm 981
(tân tỵ). Đường bộ do Hầu Nhân Bảo cùng Tôn Toàn Hưng tiến theo ngả Lạng Sơn,
còn đường thủy do Trần Khâm Tộ và Lưu Trừng từ mặt biển tiến vào bằng đường
sông Bạch Đằng.
Trên đường bộ, Hầu Nhân Bảo tiến đến Chi
Lăng (Lạng Sơn), trúng phải kế trá hàng, lọt vào vùng phục kích của quân Việt,
và bị bắt giết. Quân Việt phản công mạnh mẽ, quân Tống thiệt hại nặng, hai bộ
tướng của Hầu Nhân Bảo là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt. Sau trận
Chi Lăng, các lực lượng thủy bộ của nhà Tống đều rút lui.
Tuy chiến thắng, Lê Hoàn vẫn phải sai
sứ, dưới danh nghĩa của vua Đinh Toàn, sang nhà Tống năm 982 (nhâm ngọ) xin trả
lại hai tướng đã bắt được, và xin triều cống. Nhà Tống chỉ phong cho Lê Hoàn
làm tiết độ sứ. Mãi đấn hơn 10 năm sau vào năm 993 (quý tỵ), Lê Hoàn mới sai sứ
giả trình bày với vua Tống rằng Đinh Toàn quyết định nhường ngôi cho mình. Tống
Thái Tông (trị vì 976-997) biết việc Lê Hoàn nắm quyền đã lâu, nhưng không có
cách gì khác hơn, nên sai sứ sang phong Lê Hoàn làm Tĩnh Hải Quân tiết độ sứ
Giao Chỉ Quận Vương.
Lần
thứ hai (1076-1077)
Trong thời gian nầy nhà Tống tiếp tục
cai trị Trung Hoa. Vua Tống Thần Công (trị vì 1068-1085) phong cho Vương An Thạch
(Wang An Shi) làm tể tướng năm 1069. Vương An Thạch (1021-1086) muốn mưu tìm
một chiến công ở ngoài biên cương để hỗ trợ chính sách cải cách ở trong nước
của ông ta, chuẩn bị tấn công Đại Việt.
Tại Đại Việt, nhà Lý (1010-1225) đã khá
vững vàng. Triều đình vua Lý Nhân Tông (trị vì 1072-1127) biết được tin nầy,
liền quyết định ra tay trước. Tháng 11 năm ất mão (1075), triều đình cử Lý
Thường Kiệt đánh Khâm Châu và Liêm Châu (thuộc Quảng Đông ngày nay); và cử Tôn
Đản đánh Ung Châu (tức Nam Ninh thuộc Quảng Tây ngày nay) tháng giêng năm bính
thìn (1076). Sau khi hạ thành, cả hai ông cho bắt người, lấy của rồi rút lui về
Đại Việt.
Tháng chạp năm bính thìn (đầu năm 1077),
Tống Thần Tông sai Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ và Triệu Tiết làm Phó chiêu thảo
sứ, đem quân sang trả thù. Lý Thường Kiệt chận quân Tống ở sông Như Nguyệt
(sông Cầu chảy qua xã Như Nguyệt, Bắc Ninh).
Quách Quỳ chuyển quân đến sông Phú Lương
(khúc sông Hồng ở Thăng Long). Lý Thường Kiệt tiếp đánh, nhưng thế giặc rất
mạnh. Máy bắn đá của địch phá chiến thuyền Việt, và làm cho nhiều binh sĩ nước
ta tử trận. Sợ binh sĩ nãn lòng, Lý Thường Kiệt phao tin có thần nhân báo mộng
và cho bốn câu thơ (bằng chữ Nho):
“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư ”
Có người dịch là:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.“
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư ”
Có người dịch là:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.“
Quân lính nghe được những câu thơ nầy,
đều hăng hái đánh giặc. Lực lượng nhà Tống bị chận đứng. Hai bên cầm cự với
nhau bất phân thắng bại. Triều đình nhà Lý đề nghị bãi binh. Nhà Tống thấy khó
thắng, đồng thời binh sĩ ở lại lâu, không hạp thủy thổ, đành chấp thuận. Như
thế, cuộc xâm lăng của nhà Tống đầu năm 1077 bắt nguồn từ việc Lý Thường Kiệt
cầm quân gây hấn nhà Tống một năm trước đó.
Lần
thứ ba (1258)
Phía tây bắc Trung Hoa, tại Mông Cổ, đại
hãn Mông Kha (Mangu, trị vì 1251-1259) cử em là Hốt Tất Liệt (Qubilai) cầm quân
tấn công Trung Hoa năm 1251. Hốt Tất Liệt sai đại tướng Ngột Lương Hợp Thai
(Uriyangqadai), cầm một cánh quân đánh chiếm nước Đại Lý ở Vân Nam năm 1257.
Ngột Lương Hợp Thai sai sứ sang yêu cầu Đại Việt thần phục Mông Cổ, nhưng vua
Đại Việt lúc đó là Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258) không chịu.
Ngột Lương Hợp Thai liền theo đường sông
Thao, tiến quân đánh nước Việt tháng 12 năm đinh tỵ (qua năm 1258). [Sông Thao
là tên gọi đoạn sông Hồng từ biên giới Hoa Việt đến ngã ba sông Hồng và sông
Đà.] Không chịu nổi sức tấn công vũ bão của quân Mông Cổ, Trần Thái Tông bỏ
kinh đô Thăng Long rút về Hưng Yên, cách Thăng Long khoảng 60 km về phía nam.
Quân Mông Cổ chiếm Thăng Long, cướp phá giết hại người Việt không kể già trẻ
lớn nhỏ.
Trước thế nguy, Trần Thái Tông hỏi ý
kiến của Trần Thủ Độ nên hòa hay chiến. Ông cương quyết trả lời: “Đầu thần chưa
rơi, xin bệ hạ đừng lo.” Chẳng bao lâu, quân Mông Cổ không quen thời tiết nước
ta, bị bệnh tật mỏi mệt. Trần Thái Tông ra lệnh phản công, đánh đuổi quân Mông
Cổ về lại Trung Hoa.
Lần
thứ tư (1285)
Năm 1259, Mông Kha từ trần. Hốt Tất Liệt
được hội đồng quý tộc Mông Cổ bầu lên làm đại hãn năm 1260. Hốt Tất Liệt tức
Nguyên Thế Tổ (trị vì 1260-1294), đổi quốc hiệu là Nguyên (Yuan), đem quân xâm
chiếm hoàn toàn nước Trung Hoa vào năm 1279.(1)
Trong khi đó, tại nước ta, Trần Thái
Tông nhường ngôi cho con là Trần Hoảng, lên làm thái thượng hoàng năm 1258 (mậu
ngọ). Trần Hoảng lên ngôi tức Trần Thánh Tông (trị vì 1258-1278). Thượng hoàng
Thái Tông từ trần năm 1277 (đinh sửu). Thánh Tông lên làm thái thượng hoàng, và
nhường ngôi cho thái tử Trần Khâm năm 1278 (mậu dần) tức Trần Nhân Tông (trị vì
1278-1293).
Nguyên Thế Tổ sai sứ là Sài Thung (Chai
Chong) sang Đại Việt cuối năm 1278, hỏi vua Trần Nhân Tông tại sao không xin
phép nhà Nguyên mà tự tiện lên ngôi? Sài Thung còn buộc nhà vua phải sang chầu
hoàng đế nhà Nguyên mới được yên việc. Trần Nhân Tông tiếp sứ tử tế, nhưng
cương quyết không chịu sang chầu nhà Nguyên.
Năm 1282 (nhâm ngọ), nhà Nguyên cử sứ
sang nói rằng nếu vua nhà Trần không sang Trung Hoa, thì cho người đại diện
sang chầu. Trần Nhân Tông cử chú họ là Trần Di Ái cầm đầu phái đoàn sang triều
đình nhà Nguyên. Nguyên Thế Tổ lập tòa tuyên phủ ty, đặt quan để sang giám trị
các châu huyện nước ta. Nhân Tông không nhận, trả họ về Trung Hoa. Nguyên Thế
Tổ liền phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, và sai Sài Thung đem 1,000
quân, hộ tống Trần Di Ái về nước. Sài Thung đi vào bằng đường Lạng Sơn. Quân
nhà Trần chận đánh; Sài Thung bị bắn mù một mắt, phải quay về nước, còn Trần Di
Ái bị bắt.
Lúc đó, Nguyên Thế Tổ muốn bành trướng
xuống Đông Nam Á, nhân cơ hội nầy, phong cho con là Thoát Hoan (Toyan) làm Trấn
Nam Vương, lấy cớ mượn đường xuống Chiêm Thành, đem quân tấn công nước Việt
tháng 12 năm giáp thân (qua năm 1285). Lần nầy quân Nguyên tấn công bằng hai
đường: Thoát Hoan từ phía bắc đánh xuống, Toa Đô (Sogatu) đã qua đánh Chiêm
Thành bằng đường biển từ năm 1282, nay quay ngược trở lên đánh Đại Việt.
Thoát Hoan dẫn quân qua ải Chi Lăng
(Lạng Sơn), nhắm Thăng Long trực chỉ. Tướng Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương) lui
về Vạn Kiếp (Hải Dương, nơi sông Lục Nam và sông Thương gặp nhau). Trần Nhân
Tông cho người mời Trần Quốc Tuấn đến bảo: “Thế giặc mạnh như vậy, ta hãy chịu
hàng để cứu muôn dân.” Trần Quốc Tuấn trả lời: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy
chém đầu thần trước hãy hàng.”
Quân Mông Cổ đánh hạ Vạn Kiếp, tiến
chiếm Thăng Long. Trần Quốc Tuấn rước vua về phía nam, xuống Thanh Hoa (sau nầy
là Thanh Hóa). Toa Đô từ Chiêm Thành đem quân tiến lên, bị Chiêu Văn Vương Trần
Nhật Duật (em vua Thánh Tông) chận đánh ở cửa Hàm Tử (Đông An, Hưng Yên). Trần
Quốc Tuấn liền đề nghị nhân đà thắng lợi nầy, tung quân khôi phục kinh thành.
Trần Nhân Tông sai thượng tướng Trần Quang Khải (em vua Thánh Tông, anh của
Nhật Duật) cùng với Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, đem quân từ Thanh Hoa đi vòng
theo đường biển, ngược sông Hồng tiến đánh quân Mông Cổ tại bến Chương Dương
(khu vực Thăng Long), rồi lên bộ bao vây thành Thăng Long. Thoát Hoan thua chạy
lên Kinh Bắc. Trong khi đó, Trần Quốc Tuấn đánh Toa Đô tại Tây Kết (vùng Hưng
Yên ngày nay). Toa Đô bị giết, Ô Mã Nhi (Omar) bỏ trốn. Trần Quốc Tuấn tiếp tục
phản công, sai hai tướng Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão phục binh đánh tan quân
Thoát Hoan ở Vạn Kiếp, trước khi Thoát Hoan trốn về nước.
Lần
thứ năm (1288)
Tức giận về sự thất bại vừa qua, Nguyên
Thế Tổ cử Thoát Hoan một lần nữa cầm quân qua đánh phục thù vào tháng 11 năm
đinh hợi (1287). Quân nhà Nguyên tiến vào nước ta bằng ba hướng: ở giữa, Thoát
Hoan tiến xuống Lạng Sơn; phía tây, một cánh quân từ Vân Nam theo đường sông
Hồng tràn vào, do Ái Lỗ (Aruc) chỉ huy; và phía đông do Ô Mã Nhi đi trước, vượt
biển Đông tiến vào sông Bạch Đằng. Theo sau có Trương Văn Hổ tải 17 vạn thạch
lương cung cấp cho quân sĩ.
Lực lượng nhà Trần vẫn do Trần Quốc Tuấn
tổng chỉ huy. Thoát Hoan chiếm Vạn Kiếp, sai Ô Mã Nhi theo sông Lục Đầu đánh
xuống Thăng Long. Thượng hoàng cùng vua Trần Nhân Tông phải vào Thanh Hoa lánh
nạn. Quân Mông Cổ đốt phá Thăng Long rồi rút lui về Vạn Kiếp.
Ô Mã Nhi đem chiến thuyền trở ra biển
đón thuyền lương của Trương Văn Hổ. Ngang qua Vân Đồn (Quảng Yên, nay là Vân
Hải, Quảng Ninh), Trần Khánh Dư chận đánh, nhưng quân Việt bị thua. Gặp được
thuyền lương, Ô Mã Nhi cùng Trương Văn Hổ quay trở vào đất liền. Rút kinh
nghiệm vừa qua, Trần Khánh Dư để cho Ô Mã Nhi mở đường đi trước, đợi đến khi
Trương Văn Hổ tải lương theo sau, Trần Khánh Dư mới đổ phục binh, cướp hết
lương thực và khí giới. Trương Văn Hổ bỏ trốn về Trung Hoa.
Quân Nguyên càng ngày càng cạn lương
thực. Thoát Hoan kiếm cách cầu viện triều đình nhà Nguyên, nhưng Trần Quốc Tuấn
đã cho chận các đường giao thông ở Lạng Sơn. Thoát Hoan liền quyết định rút
quân. Tháng 3 năm mậu tý (1288) Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi xuôi sông Bạch Đằng, ra
biển về trước. Trần Quốc Tuấn theo kế Ngô Quyền trước kia, sai Nguyễn Khoái
dùng cọc gỗ đẽo nhọn rồi bịt sắt và cắm giữa dòng sông. Nguyễn Khoái lừa Ô Mã
Nhi đến chỗ phục binh có đóng cọc, đổ quân tấn công khi thủy triều xuống. Trần
Quốc Tuấn lại tăng viện, đánh tan chiến thuyền Mông Cổ, và bắt sống Ô Mã Nhi.
Được tin nầy, Thoát Hoan liền theo đường
bộ rút quân về Trung Hoa. Dọc đường quân Mông Cổ bị chận đánh một vài nơi,
nhưng cuối cùng Thoát Hoan cũng thoát được. Trần Quốc Tuấn hội các tướng, dẫn
quân rước vua Trần Nhân Tông và thượng hoàng Thánh Tông trở về Thăng Long.
Lần
thứ sáu (1407)
Năm 1400 (canh thìn), đại thần Lê Quý Ly
tức Hồ Quý Ly lật đổ vua Trần Thiếu Đế (trị vì 1398-1400), chấm dứt nhà Trần.
Nhà Trần bắt đầu từ vua Thái Tông (trị vì 1225-1258) đến vua Thiếu Đế, truyền
được mười hai đời, trong 175 năm.
Lê Quý Ly lên làm vua, đặt niên hiệu là
Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu từ Đại Việt thành Đại Ngu, lấy lại họ Hồ là họ của
tổ tiên ông, tức Hồ Quý Ly. Làm vua được một năm, Hồ Quý Ly lên làm thái thượng
hoàng, nhường ngôi lại cho con là Hồ Hán Thương (trị vì 1401-1407).
Trong khi đó, bên Trung Hoa, Minh Thái
Tổ (trị vì 1368-1398) qua đời năm 1398, cháu nội lên kế vị là Minh Huệ Đế (trị
vì 1399-1403). Huệ Đế làm vua chẳng được bao lâu thì bị người chú, con của Minh
Thái Tổ, lật đổ và thay thế, tức Minh Thành Tổ (trị vì 1403-1424). Minh Thành
Tổ là một người đầy tham vọng, còn tham vọng hơn cả Minh Thái Tổ.
Bang giao Việt Hoa càng ngày càng căng
thẳng vì nhà Minh đòi hỏi nhiều điều quá đáng. Năm 1404 (giáp thân), một hoàng
thân nhà Trần là Trần Khang, dùng đường bộ trốn sang kinh đô Trung Hoa, đổi tên
là Trần Thiêm Bình, tự xưng là con của Trần Nghệ Tông, tố cáo Hồ Quý Ly cướp
ngôi nhà Trần và tố cáo những lời trần tình của Hồ Hán Thương là dối trá.
Minh Thành Tổ sai Lý Kỳ sang nước Việt
thăm dò. Lý Kỳ sang nắm tình hình, rồi về nước phúc trình cuộc đảo chánh của
nhà Hồ. Hồ Hán Thương gởi biểu qua nhà Minh tạ tội, và xin đón Thiêm Bình về
làm vua. Năm 1406 (bính tuất) Minh Thành Tổ sai tướng Hàn Quan, đem năm ngàn
quân hộ tống Trần Thiêm Bình về nước. Trần Thiêm Bình vừa về đến biên giới, liền
bị Hồ Hán Thương ra lệnh bắt giết. Hồ Hán Thương cử Trần Cung Túc cầm đầu phái
bộ sang Trung Hoa biện bạch về sự giả trá của Trần Thiêm Bình. Phái bộ bị nhà
Minh giữ lại không cho về.
Tháng 9 năm đó (bính tuất), Minh Thành
Tổ cử Chu Năng làm đại tướng, cùng hai phó tướng là Trương Phụ và Mộc Thạnh đem
quân sang xâm lăng nước ta. Trước khi qua biên giới, Chu Năng bị bệnh từ trần,
Trương Phụ được cử lên thay. Quân Minh tiến xuống thành Đa Bang (Sơn Tây), một
đồn lũy được Hồ Hán Thương cho xây năm 1405 (ất dậu), làm tiền đồn bảo vệ Thăng
Long. Trương Phụ và Mộc Thạnh chia nhau hai mặt tấn công Đa Bang. Khi quân Việt
dùng voi phản công, quân Minh dùng hỏa pháo bắn lại. Voi sợ lửa bỏ chạy. Thành
Đa Bang thất thủ, đưa đến việc thất thủ Thăng Long.
Hồ Nguyên Trừng, con trai đầu của Hồ Quý
Ly, anh của Hồ Hán Thương, đem quân chận người Minh ở sông Mộc Phàm (Mộc Hoàn,
Hà Nam ngày nay), nhưng bị thua phải lui về cửa biển Muộn Hải, Nam Định. Hồ Quý
Ly và Hồ Hán Thương cùng các quan bỏ chạy vào Thanh Hóa. Quân Minh đuổi theo.
Hai bên gặp nhau ở Lỗi Giang, một phân lưu của sông Mã (Thanh Hóa). Quân nhà Hồ
thua nữa. Hồ Quý Ly cùng hai con chạy vào Nghệ An. Tháng 5 năm đinh hợi (1407),
quân Minh bắt được Hồ Quý Ly ở cửa biển Kỳ La (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), và bắt
Hồ Hán Thương ở núi Cao Vọng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cùng toàn bộ gia đình họ
Hồ. Quân Minh không giết cha con Hồ Quý Ly mà chỉ giải về Trung Hoa.
Cần chú ý là khi xâm lăng nước Việt lần
nầy, Minh Thành Tổ đã đưa ra cho các tướng viễn chinh ba chỉ dụ đề ngày 21-8-1406,
16-6-1407 và 24-6-1407 căn dặn và nhắc nhở các tướng Minh thi hành chính sách
đồng hóa của nhà Minh và tiêu diệt toàn bộ văn hóa nước Việt. Chẳng những quân
Minh vơ vét của cải, vàng ngọc, mà còn tịch thu gần như toàn bộ sách vở văn
chương, học thuật, tư tưởng và cả giới trí thức cũng như nghệ nhân người Việt
đem về Trung Hoa. Đây là chính sách đồng hóa của nhà Minh trên toàn cõi đế quốc
của họ.(Sẽ viết trong bài tiếp.)
Lần
thứ bẩy (1788)
Nguyên vào năm 1786 (bính ngọ), Nguyễn
Huệ dẫn quân Tây Sơn ra bắc lần thứ nhất, đánh tan quân Trịnh, tỏ ý phù Lê.
Trong khi quân Tây Sơn còn ở Bắc hà, vua Lê Hiển Tông (trị vì 1740-1786) từ
trần, cháu đích tôn lên thay là Lê Chiêu Thống (trị vì 1787-1788). Khi quân Tây
Sơn rút về, họ Trịnh nổi lên trở lại. Lê Chiêu Thống viết thư nhờ Nguyễn Hữu
Chỉnh, một cựu tướng nhà Lê, nay đã đầu quân theo Tây Sơn, đang đóng ở Nghệ An,
ra Thăng Long, giúp diệt trừ họ Trịnh.
Chụp lấy thời cơ, Nguyễn Hữu Chỉnh đánh
đuổi nhanh chóng quân chúa Trịnh, và trở nên chuyên quyền không khác gì họ
Trịnh. Được tin nầy, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai tướng Võ Văn Nhậm cùng với
Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh vào cuối năm 1787 (đinh mùi).
Hữu Chỉnh bị bắt giết, vua Lê Chiêu Thống bỏ trốn. Võ Văn Nhậm đặt Sùng Nhượng
Công Lê Duy Cận, chú của Chiêu Thống và là anh của bà Ngọc Hân (vợ Nguyễn Huệ),
lên làm giám quốc, đứng đầu triều đình nhà Lê.
Vua Chiêu Thống trốn lẩn quẩn ở vùng
Lạng Giang. Mẹ của vua Chiêu Thống (hoàng thái hậu) bồng con của nhà vua chạy
sang Long Châu (Trung Hoa) cầu cứu nhà Thanh (1644-1911). Tổng đốc Lưỡng Quảng
là Tôn Sĩ Nghị trình lên vua Thanh Cao Tông tức Càn Long (Ch’ien-lung /
Qianlong, trị vì 1736-1795) rằng đây là cơ hội thuận tiện, mượn cớ giúp Lê
Chiêu Thống để xâm chiếm “An Nam”. Vua Càn Long, liền ra lệnh cho Sĩ Nghị động
binh bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam tiến đánh Đại Việt
tháng 10 năm mậu thân (1788). Tôn Sĩ Nghị chia quân làm ba đạo, vào nước ta
bằng các đường Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn.
Trước sức tiến quân ồ ạt của Tôn Sĩ
Nghị, Ngô Văn Sở theo kế hoạch của Ngô Thời Nhậm, một mặt cho người đưa thư đến
Tôn Sĩ Nghị xin hoãn binh, vừa để kéo dài thời gian, vừa để nhử địch, một mặt
khác bỏ ngỏ Thăng Long, rút quân về Tam Điệp ở Ninh Bình, bảo toàn lực lượng,
chờ viện binh của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
Tôn Sĩ Nghị tiến quân đến Kinh Bắc (Bắc
Ninh). Vua Chiêu Thống ra đón tiếp và cùng Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long ngày
20-11-mậu thân (17-12-1788). Hai ngày sau, 22-11 (19-12), Tôn Sĩ Nghị làm lễ
tấn phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc vương.
Được tin nầy, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng
đế tại Phú Xuân ngày 25-11-mậu thân (22-12-1788), lấy hiệu là Quang Trung (trị
vì 1788-1792), rồi tự mình đem quân tiến ra Bắc, nhanh chóng đánh đuổi tan tác
quân viễn chinh nhà Thanh, tạo nên chiến thắng Đống Đa lịch sử (mồng 5 tháng
giêng năm kỷ dậu, 1789), giải phóng Thăng Long và giữ vững bờ cõi nước ta.
Kết luận
Như thế, từ năm 939 (Ngô Quyền xưng
vương) cho đến năm 1788 (Quang Trung xưng vương), trong vòng 850 năm, các triều
đình Trung Hoa đã gởi quân xâm lăng nước Việt chúng ta tất cả bảy lần. Chúng ta
có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
1) Khi nào nước Việt có sự thay đổi
triều đại, hay tranh chấp quyền lực nội bộ, hay nước Việt suy yếu, các vua
Trung Hoa liền lợi dụng thời cơ để xâm lăng, nhất là khi con cháu của các triều
đại bị truất phế chạy qua Trung Hoa cầu cứu.
2) Dù lúc tấn công nước Việt, lực lượng
Trung Hoa rất mạnh, như dưới thời nhà Nguyên (Mông Cổ), nhà Minh, hay nhà
Thanh, dù người Việt lúc đầu thất bại và phải rút lui, nhưng tổ tiên chúng ta
luôn luôn cương quyết đánh đuổi xâm lăng Trung Hoa, dù phải kháng chiến gian
khổ để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ tổ quốc.
3) Trong sáu lần Trung Hoa tấn công nước
ta, lần đầu tiên do triều đình Trung Hoa muốn trả đũa việc Lý Thường Kiệt đem
quân tấn công Trung Hoa trước. Từ kinh nghiệm nầy, sau đời nhà Lý, các triều
đại từ nhà Trần trở đi, tuy cương quyết duy trì chủ quyền quốc gia và độc lập
dân tộc, nhưng không khiêu khích, để tránh bị bắc phương trả đũa. Chỉ khi nào
bắc phương xâm lăng, thì Đại Việt chống trả. Đặc biệt là sau khi đánh đuổi quân
Trung Hoa về nước, Đại Việt vẫn gởi sứ thần sang Trung Hoa ngoại giao, mà ngày
xưa gọi là triều cống, để tránh tái diễn chiến tranh.
4) Những kinh nghiệm chống quân xâm lược
Trung Quốc đã được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trước khi từ trần năm
1300, tóm lược với vua Trần Anh Tông: “Đại khái quân giặc cậy vào trường trận,
quân ta cậy vào đoản binh, đem đoản binh đánh lại trường trận, là việc thường
trong binh pháp. Nhưng cần phải xét: nếu thấy quân giặc tràn sang như gió, như
lửa, thì thế giặc có thể dễ chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần, như
tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay, thì mình phải dùng
tướng giỏi, phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời
cơ mà chế biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha với con một
nhà, mới có thể dùng để chiến thắng được. Vả lại bớt dùng sức dân để làm cái kế
thâm căn cố đế, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn.” (2)
Theo Trần Hưng Đạo, Trung Hoa xâm lăng
nước ta bằng hai cách: Thứ nhất, quân Trung Hoa “tràn sang như gió, như lửa”.
Thứ hai, quân Trung Hoa “chiếm cứ dần, như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân,
không mong đánh được ngay”.
Trong hai cách nầy, cũng theo Trần Hưng
Đạo, cách thứ nhất, tức quân Trung Hoa sang đánh nước ta như vũ bão, thì “có
thể dễ chống cự được”. Ngược lại, nếu Trung Hoa tiến quân từ từ vào nước ta,
theo kiểu tằm ăn dâu, chúng ta sẽ khó chống đỡ hơn. Trong trường hợp đó, theo
Trần Hưng Đạo, muốn chiến thắng địch thủ thì chúng ta phải tạo nội lực quốc gia
bằng cách xây dựng tình đoàn kết dân tộc (như cha với con một nhà), và nuôi
dưỡng sức dân (bớt dùng sức dân) để làm kế lâu dài mà giữ nước. Tuy nhiên, muốn
tạo sự đoàn kết toàn dân và muốn nuôi dưỡng sức dân, thì người dân phải được
hưởng tự do, được công bình trước pháp luật, mới cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ
đất nước, hăng hái bảo vệ độc lập dân tộc.
Tập đoàn lãnh đạo cộng sản Trung Hoa
(CSTH) chủ trương bành trướng, còn hơn cả các triều đình quân chủ Trung Hoa
ngày xưa: thôn tính Tây Tạng, xâm lăng Tân Cương, đánh chiếm hải đảo… Năm 1979,
CSTH mở cuộc tấn công đại quy mô, dạy cho VN một bài học, nhưng gặp phản ứng
không thuận lợi. Rút kinh nghiệm từ đó, hiện nay CSTH quay qua thực hiện kế
hoạch “tằm ăn dâu”. Dần dần CSTH chiếm đất phía bắc Việt Nam (ải Nam Quan),
chiếm biển phía đông Việt Nam (Vịnh Bắc Việt), lấn núi phía tây Việt Nam
(Trường Sơn), nghĩa là bao vây Việt Nam ba mặt bắc và đông, tây.
Tình trạng nầy thật nguy hiểm cho tương
lai Việt Nam. Hy vọng những kinh nghiệm lịch sử của người xưa, nhất là những
lời Đức Trần Hưng Đạo đã dặn dò vua Trần Anh Tông năm 1300, có thể còn hữu ích
cho người Việt, nhằm tìm cách phòng bị và chống lại mối đe dọa thường trực từ
Bắc phương.
Tác
giả: Trần Gia Phụng
Chú thích
1. Khi Hốt Tất Liệt xâm lăng
Trung Hoa, đặt Trung Hoa dưới ách thống trị của Mông Cổ năm 1279 nghĩa là mặc
nhiên sáp nhập Mông Cổ vào Trung Hoa. Năm 1368, Chu Nguyên Chương lật đổ nhà
Nguyên (Mông Cổ), lên làm vua, tức Minh Thái Tổ (trị vì 1368-1398), lập ra nhà
Minh. Nhà Minh cai trị luôn Mông Cổ. Trường hợp nầy cũng xảy ra với nhà Thanh ở
Mãn Châu. Cuối đời Minh, Lý Tự Thành nổi lên ở Thiểm Tây, tự xưng vương năm
1643. Năm sau (1644), Lý Tự Thành kéo quân chiếm Bắc Kinh, vua Minh Hoài Tông
(trị vì 1628-1644) tự tử. Tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế thông đồng với người
Mãn Thanh (nhà Thanh) ở phía bắc, để dẹp Lý Tự Thành. Lý Tự Thành thua chạy,
vua Thanh vào Bắc Kinh làm lễ đăng quang tức Thanh Thế Tổ, niên hiệu Thuận Trị
(trị vì 1644-1661). Từ đó, nhà Thanh làm chủ Trung Hoa, Mãn Châu tự động sáp
nhập vào Trung Hoa. Khi nhà Thanh sụp đổ sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911,
đất Mãn Châu cũng bị xem là thuộc Trung Hoa.
2. Quốc sử quán triều
Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, (Chữ Nho), Hà Nội: bản dịch của
Nxb. Giáo Dục, 1998, tập 1, tt. 558-559.
3. Nxb. Sự Thật, Sự thật về
quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua [tài liệu của đảng Cộng Sản Việt
Nam, không đề tên tác giả], Hà Nội: 1979, tr. 16.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét