MỘT CON NGƯỜI CỦA THỜI CUỘC !

Chân dung cựu Thượng tá tình báo quân đội - Đinh Xuân Long


       LỜI GIÓI THIỆU
    Trước năm 1858, các quốc gia trên bán đảo Đông Dương là những nước hoàn toàn riêng biệt, không có bất cứ một liên hệ nào về chủ quyền, chính trị và văn hóa – xã hội. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược và đặt ách đô hộ lên Việt Nam (1885), Campuchia (1863) và Lào (1893). Sau đó người Pháp tuyên bố thành lập một thực thể gọi là  “Đông Dương thuộc Pháp”; về khách quan, các nước trên bán đảo Đông Dương biến đổi thành một đơn vị hành chánh chung hoàn toàn mới, có những mối ràng buộc chặt chẽ về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa,…và vì thế, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đã có những tác động nhất định, ảnh hưởng mật thiết lẫn nhau.
    Sau đó gần một thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, do có cùng một kẻ thù và chung một cảnh ngộ bị xâm lược và áp bức, hai dân tộc Việt - Lào đã gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị sẵn có, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp với nhau trong một vận mệnh chung đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do.
    Từ phong trào Cần Vương dưới ngọn cờ yêu nước của Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết (tháng 7 năm 1885) đến những năm 20 thế kỷ XX, diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa và các hoạt động đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Nhiều phong trào trong số đó nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân Lào tại vùng sát biên giới Lào - Việt, chạy dài từ Hạ Lào, Trung Lào lên Thượng Lào. Đặc biệt, trong những năm đầu thế kỷ XX, cuộc khởi nghĩa Hạ Lào do Ông Kẹo và Ông Cômmađăm lãnh đạo (1901- 1937) phối hợp với nghĩa quân dân tộc Xơđăng ở Tây Nguyên (Việt Nam); phong trào chống Pháp của người Mông ở Tây Bắc Việt Nam do Chạu Phạpắtchây lãnh đạo (1918 - 1922) lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh biên giới hai nước thuộc Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.
    Tuy nhiên các phong trào trên đều bị chính quyền thực dân đàn áp, dập tắt. Cho nên việc xác định con đường cứu nước đúng đắn và xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc trên bán đảo Đông Dương là những nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các nhà lãnh đạo phong trào yêu nước và cách mạng tại xứ này.
    Tại Huế trong một thời gian dài phong trào đấu tranh tại đây khá trầm lắng; ngoài lý do nói trên cũng có một lý do khác mà lý do này hiện gây ra nhiều tranh cãi trong giới học giả tại Huế. Đó là tính chính danh của phong trào chống Pháp tại đây; bởi trên danh nghĩa người Pháp vẫn giao cố đô Huế cho nhà Nguyễn quản lý (Huế vẫn của An Nam) nên không có lý do gì để chống lại người Pháp cả. Tuy nhiên theo thời gian, lớp quan lại và sĩ phu yêu nước tại Phú Xuân – Huế đã sớm nhận ra dã tâm muốn chiếm đóng lâu dài nước ta của thực dân Pháp; nên họ đã bắt đầu tham gia các phong trào chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp ….. Sau khi Đảng CS Việt Nam ra đời, nhất là sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp dữ dội, giới trí thức tại Huế đã tham gia mạnh mẽ các phong trào đấu tranh do Đảng lãnh đạo; từ các phong trào này đã có rất nhiều Đảng viên Cộng sản ưu tú là người Huế đã trưởng thành và trở thành những lãnh đạo của Đảng và nhà nước sau này như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Đức Anh.
   Tháng 02-1930, Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam ra đời tạo tiền đề cho việc thành lập ĐCS Đông Dương, vào tháng 10-1930, nhận trách nhiệm lãnh đạo cách mạng Đông Dương, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh nơi đây.
    Từ giữa năm 1930, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam bùng lan trong cả nước, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Sau khi bị người Pháp đàn áp khốc liệt, đã có hành loạt những gia đình những đảng viên, những văn thân, những chí sĩ yêu nước ở các tỉnh vùng khu 4 cũ như Bình Trị Thiên, Thanh Nghệ Tĩnh phải di tản sang Lào. Sau sự kiện này các chi bộ Đảng và đoàn thể quần chúng của người Việt ở Lào đã hình thành. 
     Đây chính là những hạt giống đỏ lãnh đạo phong trào đấu tranh ủng hộ phong trào cách mạng Việt Nam, chống âm mưu địch gây thù hằn và kỳ thị giữa người Việt và người Lào….Cũng chính từ những hạt giống đỏ này đã hình thành nên tổ chức Đảng ở Lào, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ uỷ lâm thời Ai Lao) được thành lập vào tháng 9 năm 1934. Sự ra đời của Xứ uỷ Ai Lao là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Lào đối với cách mạng Lào cũng như đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa phong trào cách mạng hai nước Việt Nam – Lào (1).

Đội quân tình nguyện Việt - Lào tại Viêng chăn, tháng 4 năm 1946 

      Trong dòng người di tản sang vùng Trung Lào giai đoạn 1930 – 1940 có gia đình của một chí sĩ yêu nước, một Đảng viên Đảng CS Đông Dương người họ Đinh, quê ở làng Đồng Di, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông thuộc hàng thế hệ những người cộng sản đầu tiên tại khu vực Trị - Thiên – Huế, là một trong số những đảng viên cộng sản thuộc đảng Cộng sản Đông Dương được cử sang xây dựng phong trào cộng sản tại phần lãnh thổ nước Lào thuộc Pháp lúc ấy. Ông đã mang theo cả gia đình sang vùng Trung Lào sống hợp pháp.
      Ngày 12 tháng 10 năm 1945, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố Viêng Chăn, Chính phủ Lào Ítxalạ đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào. Vị chí sĩ người họ Đinh đã được phân công làm đại đội trưởng trong đội quân bảo vệ chính phủ lâm thời Lào.
     Gia đình này khá đông con (5 người) và sau này họ đều là những đảng viên của Đảng CS VN, họ là những công chức, có người đãm nhận những trọng trách cao trong xã hội và đều thành công trong cuộc sống. Trong giới hạn của bài viết này tôi chỉ xin được giới thiệu người con cả, đó là - ông Đinh Xuân Long (sinh năm 1930) người khi chỉ mới 15 tuổi rưởi (1946) đã là một chiến sĩ trong đội quan tình nguyện Việt – Lào tham gia bảo vệ chính phủ lâm thời của nước Lào vừa mới được thành lập.


Một buổi họp mặt của những cựu chiến binh quân tình nguyện Việt - Lào đang sống tại Huế

     PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TẠI LÀO GIAI ĐOẠN 1940 – 1953:
     Tuy nhiên tại Lào từ năm 1940, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, bị địch khủng bố, một số sĩ quan, cảnh sát, trí thức và công chức người Lào có tinh thần dân tộc phải lánh sang Thái Lan, tìm đường liên lạc với Đồng minh chống Nhật, Pháp. Họ đã liên lạc với tổ chức Việt kiều ở Thái Lan để hoạt động.
     Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào càng trở nên gắn bó, khi Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”; chỉ rõ lúc này vấn đề đấu tranh không phải là giải phóng riêng rẽ từng xứ, mà các dân tộc Đông Dương phải thành lập các đoàn thể phản đế để đi đến thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt minh); đồng thời, chủ trương hết sức giúp đỡ Lào tổ chức Ai Lao độc lập đồng minh(1).
     Bên cạnh sự hoạt động của lực lượng Lào yêu nước, bộ phận Việt kiều tại Lào cũng đẩy mạnh hoạt động phối hợp với nhân dân Lào đấu tranh nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc ở Việt Nam và Lào. Từ năm 1943, “Ban vận động Việt kiều Lào - Thái” được thành lập và nhanh chóng tiến hành gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào. Đến năm 1944, Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc. Để thống nhất việc chỉ đạo phong trào cách mạng, phát triển lực lượng cách mạng, những đồng chí trung kiên trong Hội Việt kiều cứu quốc thành lập Đội Tiên phong (2) để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lào. Đội Tiên phong làm nhiệm vụ và đóng vai trò của Xứ uỷ lâm thời Ai Lao.
   Đầu năm 1945, “Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào” - một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập của xứ sở.
    Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành cuộc đảo chính lật Pháp, độc chiếm Đông Dương. Tại Lào, sau ngày đảo chính lật Pháp, phát xít Nhật vẫn duy trì bộ máy thống trị cũ của thực dân Pháp, chỉ thay thế vị trí các quan chức người Pháp trước đây bằng các võ quan Nhật. Chúng kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi, tuyên truyền thuyết Đại Đông Á của Nhật để chia rẽ nhân dân Lào với nhân dân các nước Đông Dương.
    Thực hiện chủ trương của Đội Tiên phong, “Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào” nhanh chóng xây dựng và củng cố các chiến khu ở các tỉnh Sacon Nakhon, Nakhon Phanôm, Nỏng Khai, Mụcđahản (Thái Lan) để huấn luyện quân sự nam nữ thanh niên, cấp tốc xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào. Một chi bộ Đảng cùng các đoàn thể Việt kiều cứu quốc được thành lập tại Viêng Chăn.(1)
     Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện vào ngày 14- 8 -1945. Lực lượng quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương mất tinh thần, hoang mang, rệu rã, các chính quyền tay sai của Nhật ở Việt Nam và ở Lào hoàn toàn bị tê liệt tạo cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân Đông Dương vùng lên giành độc lập.
     Ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chỉ 02 ngày sau đó, ngày 4 tháng 9 năm 1945, chủ tịch Hồ chí Minh đã mời Hoàng thân Souphanouvong (một người của hoàng gia Lào) lúc này đang là một kỹ sư cầu đường làm việc cho người Pháp đang ở Vinh (VN) ra Hà Nội cộng tác với người, đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ Việt – Lào.
     Cùng thời gian đó, nhân dân Lào đã tiến hành giành chính quyền ở một số thành phố, thị xã, như: Viêng Chăn, Thà Khẹc, Xa-vẳn-na-khệt, Sầm Nưa, Luông Pha Băng. Tháng 9-1945, tổ chức Lào Ít-xa-la và Việt kiều yêu nước nhất trí thành lập Liên quân Lào - Việt đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ Tham mưu chung do Quản Xỉng và Vũ Hữu Bỉnh đứng đầu, các Ủy ban phòng thủ Lào - Việt cũng được tổ chức ở các địa phương. Đây là cơ sở quan trọng đầu tiên, thuận lợi cho việc Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp đỡ nhân dân Lào sau này trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập.

Ông Đinh Xuân Long chụp hình lưu niệm với một vị tướng trong một buổi họp mặt của các cựu chiến binh tỉnh TT - Huế.

     Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ uỷ lâm thời Ai Lao) được thành lập vào tháng 9 năm 1934; đã lãnh đạo một cách tích cực công cuộc đấu tranh chống cuộc xâm lược và chiếm đóng đất nước Lào của thực dân Pháp cho các bộ tộc Lào; tuy nhiên tình hình ở Lào diễn biến rất phức tạp. Các lực lượng cách mạng yêu nước chủ yếu mới được xây dựng và phát triển ở một số thành phố, thị trấn dọc sông Mê Kông. Mặt khác, trong chính giới Lào cũng còn nhiều khuynh hướng khác nhau về con đường giành độc lập cho đất nước Lào. Trong khi đó, thực dân Pháp núp dưới danh nghĩa Đồng minh, đã cho người liên lạc với Hoàng thân Phếtxarạt để thương lượng cho thực dân Pháp được tiến vào Viêng Chăn.    
      Sáng ngày 12 tháng 10 năm 1945, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố Viêng Chăn, Chính phủ Lào Ítxalạ vừa được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào. Thủ tướng Khăm Mạo tuyên bố với Việt kiều: “mong rằng ba nước Việt, Miên, Lào bắt tay nhau để kiến thiết quốc gia”(3).
     Trước tình hình đó, ngày 25-11-1945, ĐCS Đông Dương ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, chủ trương thống nhất Mặt trận Việt - Miên - Lào, thành lập Bộ Tư lệnh Lào - Miên. Ban Thường vụ Trung ương ĐCS Đông Dương chỉ thị cho Xứ ủy Lào đẩy mạnh võ trang, tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển chiến tranh du kích, “đặng bao vây lại quân Pháp ở những nơi sào huyệt của chúng và quét sạch chúng khỏi đất Lào”.     
     Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn. Tiếp đó, chúng mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ, Nam Trung Bộ của Việt Nam, sang Campuchia, Hạ Lào, rồi toàn cõi Đông Dương.
    Trước nguy cơ tồn vong nền độc lập dân tộc của ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia, ngày 25-11-1945, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương.
    Trước sức tiến công ồ ạt của quân Pháp, đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất chủ trương vừa chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, ngăn cản bước tiến của chúng, vừa chủ động tổ chức cho nhân dân Lào và Việt kiều di tản ra khỏi thành phố.    
    Trong những năm 1945-1946, do tương quan lực lượng vũ trang chênh lệch, cuộc chiến đấu bảo vệ chính quyền của nhân dân Lào cuối năm 1945 gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Để bảo toàn lực lượng, đầu tháng 4 -1946 một bộ phận các cơ quan của Chính phủ độc lập lâm thời Ítxalạ và Hoàng thân Xuphanuvông đã phải tạm thời sơ tán sang Thái Lan, một số bộ phận khác của Chính phủ lâm thời Lào Ítxalạ được chuyển lên Luổng Pha bang, đồng thời các lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Việt kiều chuyển hướng về vùng nông thôn, rừng núi hoạt động, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
    Đáp ứng yêu cầu của cách mạng Lào, Bộ Tư lệnh Chiến khu 4 (Việt Nam) đã cử một số cán bộ và đơn vị sang phối hợp, hỗ trợ các địa phương ở Đông Lào xây dựng cơ sở kháng chiến
    Thực hiện chủ trương trên, trong năm 1948, lãnh đạo hai nước Việt Nam, Lào đã thống nhất quyết tâm và tiến tới thành lập Mặt trận Tây Bắc Lào (4) nhằm xúc tiến việc xây dựng căn cứ địa Tây Bắc Lào, nối liền với khu Tây Bắc của Việt Nam; thành lập Ban xung phong Lào Bắc (5), thành lập Đoàn võ trang công tác miền Tây, làm nhiệm vụ giúp cách mạng Lào ở khu vực phía nam tỉnh Hủa Phăn và phía bắc tỉnh Xiêng Khoảng và thành lập Khu Đặc biệt ở Quảng Nam (Việt Nam) để làm chỗ dựa xây dựng căn cứ ở Hạ Lào.
    Vào đầu năm 1949, căn cứ vào sự phát triển của cách mạng ba nước Đông Dương, Hội nghị cán bộ lần thứ sáu Trung ương Đảng (1.1949), quyết định “mở rộng mặt trận Lào - Miên”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu mở rộng Mặt trận Kháng chiến Lào và Campuchia, củng cố các lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở hai nước này, tăng cường thêm cán bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ ở Lào...
    Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về Mặt trận Lào – Miên, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam xác định nhiệm vụ hỗ trợ hai nước Lào, Campuchia giải phóng khỏi ách thực dân Pháp theo phương châm: vận động nhân dân và để cán bộ Lào, Campuchia tự đảm trách công việc; cán bộ Việt Nam chỉ làm cố vấn; thành lập quân giải phóng Lào. Theo tinh thần đó, Việt Nam đã cử nhiều cán bộ phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào mở lớp huấn luyện quân sự và học tập chính trị. Ngày 20-1-1949, tại căn cứ Lao Hùng, huyện Xiêng Kho, tỉnh Hủa Phăn, nơi đơn vị Látxavông do đồng chí Cayxỏn Phômvihản chỉ huy đã chính thức tuyên bố thành lập Quân đội Lào Ítxala (hayPathet Lào).
     Tuy nhiên, vì "cơ sở đảng ở Lào, Miên gần như chưa có gì trong khi phong trào giải phóng Lào, Miên đang lên cao"(6), cho nên cần "phải tìm tòi thu hút những phần tử hăng hái trong hai dân tộc Miên, Lào... và đào tạo họ thành những cán bộ cốt cán cho công tác vận động Lào, Miên. Gây cho được cơ sở Đảng trong dân chúng Miên, Lào. Phải chú trọng nhất các đoàn thể cấp tiến, các phần tử thanh niên trí thức và bộ đội Lào độc lập" (7), để phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam lần lượt được cử sang hoạt động ở Lào.
    Trước tình hình mới, ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện. Quan hệ chiến đấu giữa Quân đội Việt Nam và Quân đội Lào Ítxalạ được quy định rõ theo nguyên tắc: Chỉ huy và tác chiến thì Việt Nam làm chỉ huy trưởng. Vũ trang tuyên truyền thì làm chung, phối hợp chỉ huy.
     Thực hiện nhiệm vụ quốc tế, cán bộ và quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Lào xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang quần chúng, phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chi viện quân sự cho các chiến trường Lào, riêng năm 1951, lực lượng cán bộ và bộ đội Việt Nam chi viện cho chiến trường Lào tăng lên đến 12.000 người.
    Về phía người Pháp, tình hình tại Đông Dương biến chuyển nhanh chóng, quân đội Pháp liên tục thất bại. Để tập trung binh lực bình định Việt Nam thực dân Pháp quyết định trao trả độc lập cho Lào. Năm 1950, Pháp trao cho Lào quyền bán tự trị với vị thế một "nhà nước liên kết" trong Liên hiệp Pháp  . Tuy nhiên người Pháp vẫn duy trì quyền kiểm soát thực tế cho đến ngày 22 tháng 10 năm 1953, mới trao quyền độc lập hoàn toàn cho người Lào với chính thể quân chủ lập hiến – Vương quốc Lào thống nhất chính thức ra đời. 
     Ngày 25/12/1949, Chính phủ Lào lưu vong ở Thái Lan tự giải tán... Đại hội Quốc dân Lào (Mặt trận Lào kháng chiến) họp 13 - 15/8/1950 (tại Tuyên Quang – Việt Nam), quyết định thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, lập Mặt trận dân tộc thống nhất Lào, tức Neo Lào Ítxalạ. Đại hội đã bầu Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào. Đại hội đã đề ra Cương lĩnh của Mặt trận gồm 12 điều; trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đoàn kết quốc tế, trước hết là với Việt Nam và Campuchia, cùng nhau đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, góp phần bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới.(1)
     Chấp hành Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, các đồng chí Lào là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức thành “Nhóm Nhân dân Lào” làm nòng cốt lãnh đạo phong trào và chuẩn bị cho việc thành lập đảng chính trị của Lào.
     Ngày 8-5-1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ. Hội nghị có chín bên tham dự, gồm Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Các đại diện lực lượng kháng chiến Pathết Lào và Khơme Ítxarắc có mặt tại Giơnevơ nhưng không được mời tham gia hội nghị, vì đại biểu Pháp, Mỹ phản đối. Do đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đại diện cho lập trường, tiếng nói của Chính phủ Kháng chiến Lào và Campuchia.
     Hội nghị Giơ ne vơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Lào. Lực lượng Pathết Lào được công nhận là lực lượng chính trị độc lập, hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ; các nhà chức trách hai phái (Pathết Lào và Chính phủ Vương quốc Lào) sẽ cùng nhau thương lượng để giải quyết vấn đề chính trị trên cơ sở bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân, thành lập chính quyền liên hiệp, hòa hợp dân tộc thông qua tổng tuyển cử tự do.


Người cựu chiến binh với 05 cô con gái ruột của mình

    NGƯỜI LÍNH TÌNH NGUYỆN – CHIẾN SĨ TÌNH BÁO TRONG ĐỘI QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT – LÀO :
      Thượng tá tình báo quân đội Đinh Xuân Long vốn xuất thân trong một gia đình nhà Nho thuộc tộc họ “Đinh Như”  tại làng Đồng Di, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên – Huế. Người cha của ông thuộc hàng thế hệ những người cộng sản đầu tiên tại khu vực Trị - Thiên – Huế. Trước năm 1945 cụ là một trong số ít những đảng viên cộng sản thuộc Đông Dương cộng sản đảng người Việt được cử sang xây dựng phong trào cộng sản tại phần lãnh thổ nước Lào thuộc Pháp lúc ấy. Cụ đã đem theo gia đình mình sang nước Lào sinh sống.
     Sau khi chính phủ lâm thời Lào (Lào Ítxalạ) được thành lập vào ngày 12 tháng 10 năm 1945, đồng chí này đã được phân công làm đại đội trưởng trong đội quân bảo vệ chính phủ lâm thời Lào.
     Năm 1946 sau khi người Pháp đem quân vào tái chiếm nước Lào; khi chỉ mới 15 tuổi rưỡi ông Đinh Xuân Long đã tham gia đội quân tình nguyện Việt – Lào bảo vệ chính phủ lâm thời Lào. Trước sức tấn công ồ ạt của quân Pháp, do có sự chênh lệch quá lớn về khí tài quân sự và lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu nên mặt trận Lào bị vỡ. Thực dân Pháp đã ra sức khủng bố, tìm diệt các tổ chức và thành phần người Việt đã tham gia trong chính phủ và quân đội lâm thời (Lào Ítxalạ). Đã khiến cho hơn 10 vạn người Việt đang sống ở Lào phải di tản sang Thái Lan; để tránh sự trả thù của người Pháp và quân đội Hoàng gia Lào. Đại bộ phận quân tình nguyện Việt – Lào cũng phải di tản sang đất Thái (thuộc bờ Tây sông Mê Kông), nhằm tránh bị máy bay Pháp ném bom và sự càn quét của quân đội hoàng gia Lào.
     Gia đình ông Đinh Xuân Long đã phải di tản sang đất Thái trong thời gian này. Sau khi sang đất Thái, để tránh sự kiểm soát và bắt bớ của chính quyền vương quốc Xiêm La (Thái Lan ngày nay), ngày 25/12/1949, Chính phủ Lào lưu vong ở Thái Lan đã tự giải tán... . Đội quân tình nguyện Việt – Lào tại Thái đã được lệnh rút vào hoạt động bí mật.
      Sau khi buộc phải di tản sang đất Thái (1946) hoạt động, ông Đinh Xuân Long (năm 1947) được cấp trên điều sang bộ phận tình báo chính trị, hoạt động trong bộ phận người Việt đang sinh sống hợp pháp trên khu vực Đông Bắc của nước Thái và vùng Trung Lào.
      Từ sau năm 1946, sau những thất bại liên tiếp của chính phủ và quân đội lâm thời Lào (Lào Ítxalạ), trước sự tấn công của quân đội Pháp. Trước nguy cơ chính phủ lâm thời Lào sẽ tan rã, Bộ chính trị hai nước Việt – Lào quyết định thành lập đội quân tình nguyện Việt – Lào nhằm trợ giúp cho chính phủ này hoạt động trở lại (Chính phủ Kháng chiến Lào mới do Hoàng thân Xuphanuvông Thủ tướng – tuyên bố thành lập ngày 13 - 15/8/1950 tại tỉnh Tuyên Quang – Việt Nam).
       Năm 1950 ông Đinh Xuân Long được điều sang công tác trong đội quân tình nguyện Việt – Lào, giữ cương vị là trung đội phó trinh sát tại một trung đội trinh sát thuộc trung đoàn 120. Lúc này ông đồng thời kiêm nhiệm thêm những phân công của cấp trên trong lĩnh vực tình báo quân sự, hoạt động chủ yếu cũng tại khu vực Trung Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
     Ngày 8-5-1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ. Các đại diện của lực lượng kháng chiến Pathết Lào và Khơme Ítxarắc đã không được mời tham gia hội nghị, vì đại biểu Pháp, Mỹ phản đối. Đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Giơnevơ phải đứng ra làm đại diện cho lập trường, tiếng nói của Chính phủ Kháng chiến Lào và Campuchia.
     Hội nghị Giơ ne vơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Lào. Chính phủ Kháng chiến Lào (tức lực lượng Pathết Lào) không được công nhận là chính phủ hợp pháp mà chỉ được công nhận là một phái chính trị đối lập trong vương quốc Lào độc lập đã thành lập trước đó (ngày 22 tháng 10 năm 1953). Lực lượng đối lập này (tức Pathết Lào) có quân đội riêng, có vùng tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ. Hội nghị yêu cầu các nhà chức trách hai phái (Pathết Lào và Chính phủ Vương quốc Lào) sẽ cùng nhau thương lượng để giải quyết vấn đề chính trị trên cơ sở bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân, thành lập chính quyền liên hiệp, hòa hợp dân tộc thông qua tổng tuyển cử tự do.
     Sau hiệp định Giơnenơ (8-5-1954), ông Đinh Xuân Long được giao nhiệm vụ quay trở lại hoạt động tại Thái Lan và được điều sang bộ phận tình báo chính trị, hoạt động trong bộ phận người Việt đang sinh sống hợp pháp trên khu vực Đông Bắc của nước Thái và vùng Trung Lào. Ông được một cán bộ cao cấp của trung ương đang phụ trách những hoạt động của Đảng và quân đội tại khu vực Trung Lào tên là Võ Chương Hiến trực tiếp giao cho nhiệm vụ này. Những hoạt động của ông lúc này là thực hiện những chỉ thị của cấp trên  nhằm phục vụ cho những tính toán chiến lược của Đảng trên chiến trường Lào.
     Sau khi được giao nhiệm vụ quay trở lại hoạt động trong cộng đồng người Việt tại Thái Lan trong vai trò là một giáo viên dạy văn hóa trong cộng đồng người Việt. Ngoài trách nhiệm của một cán bộ tình bào chiến lược của quân đội và nhà nước đang hoạt động tại nước ngoài. Ông còn tham gia các hoạt động trong phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt, kêu gọi sự ủng hộ trong cộng đồng người Việt (và cả người Thái) về cuộc kháng chiến chống Mỹ đang hồi cao trào ở trong nước.
     Hoạt động thứ hai là thông qua những hoạt động kinh doanh hợp pháp của các cá nhân và tổ chức trong cộng đồng người Việt đang sinh sống trên lãnh thổ nước Thái Lan nhằm tìm kiếm nguồn tài chính để cung cấp cho những hoạt động của Đảng trên chiến trường Lào và một phần nào đó để chuyển về trong nước phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ.
     Tuy nhiên tới cuối năm 1959, một số bộ phận trong hệ thống tình báo nơi ông đang hoạt động tại Thái Lan bị địch phát hiện; khiến cho ông bị lộ. Nhằm tránh sự truy bắt của nhà cầm quyền Thái Lan ông đã được lệnh trở về nước. Vào một buổi chiều tháng 01 năm 1960, khi con tàu cập cảng Hải Phòng ông đã được đích thân Hồ Chủ tịch ra đón tại bến cảng và đưa về Hà Nội.
     Sau một thời gian ngắn nghĩ ngơi, vì lý do sức khỏe ông xin ra khỏi quân đội với quân hàm Thượng tá. Sau khi được cấp trên đồng ý ông đã xin vào công tác tại ngành Nội thương. Ông được Bộ Nội Thương phân công về công tác tại Ty Thương Mại tỉnh Hải Dương. Tới năm 1966 trước nhu cầu cần có cán bộ ngành Nội Thương có kinh nghiệm tăng cường cho miền núi; ông được bộ Nội Thương điều lên công tác tại Ty Nội Thương tỉnh Hà giang.
      Tuy nhiên lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta đang vào giai đoạn khó khăn nhất; các nước XHCN anh em ở Đông Âu và Trung Quốc bắt đầu viện trợ cho ta một khối lượng khá lớn hàng hóa và khí tài quân sự. Chính phủ cần có những cán bộ có kinh nghiệm trong ngành Nội Thương để tiếp nhận và phân phối khối lượng hàng hóa khổng lồ này phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam. Và ông đã được Bộ Nội Thương điều sang công tác trong lĩnh vực này, trong thời gian từ năm 1967-1970; vẫn thuộc biên chế của bộ Nội Thương !
     Qua phỏng vấn trực tiếp, ông cho biết sau khi về nước, tuy không còn công tác trong quân đội và đã được điều sang công tác tại ngành Nội thương nhưng ông vẫn hoạt động trong ngành tình báo chính trị.
     Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, vào đầu năm 1976 ông được bộ Nội Thương điều vào phía Nam làm Phó Ban Cải Tạo Công thương nghiệp tư bản tư doanh thành phố Sài gòn – Gia Định. Khi nhận được quyết định điều động vào Nam ông đã đề đạt nguyện vọng với cấp trên xin về công tác tại quê hương xứ Huế của ông với ý muốn được đóng góp một phần công sức của mình xây dựng quê hương.
     Vì ông theo chân người cha suốt một đời chinh chiến sang sống tại đất Lào và Thái khi chỉ mới là một chú bé; xa quê hương đã quá lâu nay đất nước đã hòa bình thống nhất thì nguyện vọng này của ông cấp trên đã nhận thấy. Lãnh đạo bộ Nội Thương đã đồng ý đáp ứng nguyện vọng của ông nhưng yêu cầu ông chờ 04 tháng mới trả lời vì họ đang tìm người thay. Nhưng chỉ mới hơn 01 tháng sau (tháng 2 năm 1976) họ đã trả lời và đồng ý phân công ông về công tác tại Ty Thương Nghiệp tỉnh Thừa Thiên (sau đó là Bình Trị Thiên). Ông về công tác và sinh sống tại Huế từ tháng 2 năm 1976 cho tới nay.

Một vị giám đốc thành công trong sự nghiệp

     Sau khi về Huế công tác ông được phân công đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong ngành Nội thương của tỉnh Thừa Thiên, sau đó là tỉnh Bình Trị Thiên; mọi sự phân công của cấp trên ông đều hoàn thành tốt đẹp và được ghi nhận bằng nhiều huân, huy chương và bằng khen của ngành nội thương và của chính quyền địa phương tặng cho ông. Vị trí công tác cuối cùng ông đảm nhận trước khi nghĩ hưu là Giám đốc Công ty thương mại Việt - Lào.
     Sau khi nghĩ hưu, ông cũng đã tích cực tham gia công tác xã hội, ông nguyên là phó chi hội Hữu Nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh TT – Huế, phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh TT – Huế, phó Chủ tịch thường trực Hội doanh nhân – chủ trang trại cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên – Huế.


Đại gia đình của ông hiện nay

     CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI CHA
     Hiện nay tại Huế, khi đến thăm viếng bất cứ một ngôi Từ đường của một tộc họ nào đấy; nếu có một chút kiến thức về văn hóa Hán – Nôm chúng ta sẽ gặp những lời răn dạy của các bậc tiền nhân về nền nếp gia phong, về những tấm gương thành đạt của dòng họ, của gia đình bằng những câu đối trên những bức hoành phi được treo một cách trang trọng trong những ngôi Từ đường tại xứ Huế.
     Trong những lời hay ý đẹp đó chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp một cặp thành ngữ Hán – Nôm khá thông dụng :

                燕翼贻谋
                                                                 鳳毛濟美
                      
             Phiên âm:
                              Yến dực di mưu
                              Phụng mao tế mỹ

    Với hai thành ngữ trên đây, thành ngữ thứ nhất chỉ đơn giản là miêu tả con chim én (yến) sè cánh che chở cho con; thành ngữ thứ hai là miêu tả cái đẹp của con chim phụng. 
    Nhưng người xưa đã mượn hai hình tượng này để đề cao việc ông cha đã che chở, biết mưu tính công việc lâu dài cho con cháu (chim én). Và ca ngợi những bậc cha ông giỏi giang nên có được con cháu thành công (chim phụng).
    Với hai câu thành ngữ này, tuy chỉ tám chữ nhưng khá thâm thúy và không phải ai cũng hiểu được dụng ý sâu xa của tiền nhân khi đặt ra hai thành ngữ này. Theo đó:
  -      (Yến dực di mưu) – được hiểu đầy đủ là “người ta mưu tính cho đời sau”.
    Người xưa sử dụng hình tượng con chim én (yến) nó sè cánh ra ấp con, hình ảnh tượng trưng cho việc ông cha che chở, mưu tính công này việc nọ cho con cháu.
   Thành ngữ này dựa theo một điển tích có thật ngày xưa ở bên nước Trung Hoa, đó là việc Chu Vũ Vương bàn mưu tính việc cho cháu để an lòng con của mình. Về sau thành ngữ này chỉ chung việc các bậc cha ông vì con cháu đời sau mà an bài kế sách hay.
  -     (Phụng mao tế mỹ) là một thành ngữ khá thông dụng vào thời nhà Nguyễn. Ám chỉ việc người đời sau có khả năng tạo nên nghiệp tích tốt đẹp sánh người đời trước rồi từ đó phát dương ngày càng xán lạn.
    Thời trước trong giới Nho học tại Thuận Hóa - Huế, cụm từ này được dùng nhiều để khen tặng các bậc phụ huynh giỏi giang lương thiện có được con cháu ưu tú.
     Đây mới chính là chủ đề của bài viết này - đó là nhân cách của một người cha !



Người vợ tần tảo của ông, cũng là một cựu chiến binh quê ở TP. Đà Nẵng

     Khi trao đổi với nhân vật chính và xin phép được viết về ông, lúc đầu ông không đồng ý và cho rằng những đóng góp của mình cho tổ quốc cũng bình thường như hàng triệu đảng viên khác trên đất nước này; không có gì phải viết hay ngợi ca cả. Ông mĩm cười phúc hậu, cho rằng “làm trai thời loạn thì ai cũng phải như thế” !
     Nhưng khi tôi nhắc tới những thành công của gia đình ông và của các con ông hiện nay. Lý do tại sao họ có được thành công – vì ngoài phúc ấm của tổ tông; không thể không có sự sắp đặt của người cha, người chủ gia đình tài giỏi, cộng với sự lao động cực lực, họ đã nỗ lực phấn đấu học tập để có được thành công như ngày hôm nay. Đây là một điển hình trong cuộc sống, trong lao động và trong học tập để dẫn tới thành công, là một tấm gương sáng cần được nêu ra để mọi người học tập và noi theo, thì ông đã đồng ý.
     Tôi đã mượn cặp thành ngữ nổi tiếng này của tiền nhân để nói về một người cha, về cái gia đình khá đông đảo và khá đặt biệt của ông.
     Như câu thành ngữ trên có nói “ yến dực di mưu”, người cha này đã biết sắp đặt cho con mình, đã khiến cho con cái của mình đều thành đạt. Tuy ông khá đông con, nhưng họ đều thành công trong cuộc sống. Họ là những nhà khoa học, là các giáo sư - tiến sĩ (Phó Viện trưởng), là những công chức, những doanh nhân thành đạt (gia đình ông có tới 07 cái khách sạn lớn, nhiều nhà hàng cao cấp, nhiều cơ sở kinh doanh và cửa hàng buôn bán lớn …tại thành phố Huế) tại xứ Huế.
     Và câu thành ngữ     (Phụng mao tế mỹ) mà các bậc tiền nhân đã đặt ra nhằm ca ngợi những bậc cha ông giỏi giang nên có được con cháu thành công (như những con chim phụng) – trong trường hợp này thật là xứng đáng.


Người con gái lớn của ông, PGS. TS Đinh Thị Bích Lân - nguyên  Phó viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Huế, chị hiện vẫn đang làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.


     MỘT CON NGƯỜI HẾT LÒNG VÌ TỘC HỌ
     Sau khi về nghỉ hưu, ông đã có những hoạt động khá tích cực vì tộc họ Đinh Như của mình. Là một trong sốt ít vị trưởng lão của tộc họ còn lại có những hiểu biết cụ thể về tộc họ, về thuần phong mỹ tục và quan hệ trong làng xã tại địa phương mình. Tuy sống tại thành phố nhưng ông vẫn thường về làng tham gia tất cả các cuộc lễ, hay hội họp của tộc họ Đinh Như tại làng Đồng Di đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang.



Ông Đinh Xuân Long trong buổi lễ ra mắt BLL họ Đinh miền Trung và Tây Nguyên năm 2012

     Vào những năm 2010, khi phong trào kết nối tộc họ được phát triển và nở rộ trong cả nước. Những người họ Đinh VN cũng không thể đứng ngoài cuộc, sau khi Ban Liên Lạc họ Đinh VN được thành lập (2012), chỉ mấy tháng sau ông đã cùng với người em ruột – Đinh Như Lai đã khởi xướng phong trào kết nối các tộc họ Đinh tại tỉnh TT – Huế, chuẩn bị thành lập BLL họ Đinh tỉnh TT – Huế. Hai ông đã tích cực tìm kiếm kết nối những người mang họ Đinh đang sinh sống tại tỉnh TT – Huế và những người họ Đinh gốc là người Huế đang sống trên cả nước, mời bà con tham gia thành lập BLL họ Đinh tỉnh TT – Huế (tác giả bài viết này cũng chỉ là người được mời !).
      Sau một thời gian tích cực chuẩn bị khá chu đáo – chủ yếu là do công sức của hai anh em ông Đinh Xuân Long – Đinh Như Lai. Ban Liên Lạc họ Đinh tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được thành lập trong một buổi lễ rất trang trọng vào ngày 24/6/2012 ngay chính tại nhà thờ họ Đinh Như – làng Đồng Di đông, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang.


Thường trực BLL họ Đinh tỉnh TT - Huế.

      Ngay sau đó BLL họ Đinh tỉnh TT – Huế đã có cuộc họp toàn thể lần thứ nhất nhằm phân công nhiệm vụ cho các thành viên của BLL họ Đinh, thành lập các ban chuyên môn trực thuộc và triển khai các công việc trong thời gian tới. Tất cả các thành viên tham dự cuộc họp đã nhất trí bầu ông Đinh Xuân Long, thành viên tộc họ Đinh Như làm trưởng BLL họ Đinh tỉnh TT – Huế với nhiệm kỳ 5 năm (2012-2017); ông Đinh Như Lai làm phó Ban thường trực.
    Sau gần 05 năm hoạt động BLL họ Đinh tỉnh  TT – Huế đã có những hoạt động khá tốt và đã tham gia hầu hết các hoạt động văn hóa xã hội và cuộc lễ của BLL họ Đinh VN, BLL họ Đinh các tỉnh và các tộc họ khác trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.


Ông Đinh Xuân Long tham dự một cuộc lễ của họ Đinh miền Trung tại Đà Nẵng năm 2015

    Xin chân thành cám ơn những đóng góp của tộc họ Đinh Như, cá nhân ông Đinh Xuân Long và gia đình trong phong trào kết nối và phát triển của họ Đinh tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây cũng là một tấm gương sáng cho những tộc họ Đinh, những bậc phụ huynh khác học tập và noi theo!
    Đây là những lời chân thành của một người viết báo, viết về một chiến sĩ cách mạng lão thành, một người cha - một bậc trưởng thượng trong dòng Họ và là một người bà con họ Đinh của mình./.


Ông Đinh Xuân Long với tác giả bài viết tại nhà riêng (tháng 9 năm 2017)

ĐKT 
27.11.2017

*CHÚ THÍCH:
(1) Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam giai đoạn 1930 -2007, phần 1
(2). Một số tài liệu viết là Đội tiền vệ (Conlảvăngnạ).
(
3). Báo Cứu quốc - Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam), số 68, ngày 16-10-1945.
(4) Tây Bắc Lào - vùng phía tây của Bắc Lào - gồm tỉnh Huội Xài và phần phía Tây tỉnh Luổng Pha băng (sau tách thành tỉnh Xaynha Buly) Đây là vùng rừng núi điệp trùng, nằm sâu trong vùng địch kiểm soát, có biên giới giáp với Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Dân cư trong vùng phần lớn là các bộ tộc thiểu số như Lự, Cọ, Mu xơ, Lan Ten, Cùi, Nghiệu…sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, chăn nuôi, tự cấp, tự túc.
(5) Về ngày thành lập Ban xung phong Lào Bắc, các tài liệu viết về sự kiện này hiện không thống nhất. Theo đồng chí Huỳnh Đắc Hương viết trong bài Sau thắng lợi giải phóng dân tộc nhìn lại Sầm Nưa, Kỷ yếu hội thảo quốc tế : Căn cứ địa Sầm Nưa- biểu tượng đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Nxb Thế giới 2008, tr. 67, thì Ban xung phong Lào Bắc được thành lập ngày 24 tháng 8 năm 1948.
(6) ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.10, tr.277.
(7) ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.9, tr.287.
------------------------------------------------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...