NGUỒN GỐC HỌ ĐINH

Di tích Vua Đinh tại Ninh bình


      Tộc Họ Đinh  (Hán tự:); là một trong số ít các dòng Họ tại Việt Nam mà Tộc Họ được mang tên một triều đại quân chủ của Việt Nam, đó là Nhà Đinh (Hán tự: 丁朝, Đinh Triều) - là triều đại Quân chủ tập quyền đầu tiên trong lịch sử. Nhà Đinh bắt đầu năm 968, sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước lên ngôi Hoàng Đế và kết thúc năm 980 khi con của Đinh Tiên Hoàng là Vua Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn. 
   Trong danh sách Bách Gia tính của Việt Nam, tính theo tỉ lệ người Việt mang họ Đinh, thì Họ Đinh đứng thứ 17, với tỷ lệ khoảng từ 0,8% - 1% dân số Việt Nam hiện nay, tức là khoảng dưới 01 triệu người (1), nhưng trong công bố của Ban Liên Lạc họ Đinh Việt Nam là khoảng 04 triệu người .
    Ở Việt Nam, người mang họ Đinh sống rải rác trên khắp cả nước, nhưng tập trung khá nhiều ở Ninh Bình, đây là nơi cho đến nay được xem là khởi thủy của tộc Họ Đinh Việt Nam, hy vọng rằng đây sẽ là Trung tâm liên lạc của Họ Đinh Việt Nam. 
    
      1. Nguồn gốc Họ Đinh tại Trung Hoa:
     Tộc Họ Đinh có nguồn gốc từ nước Trung Hoa ngày nay. Theo sử Trung Hoa, khoảng năm 2337 trước Công nguyên – dưới thời trị vì của Đế Nghiêu, có một người họ Lã con của Tứ Nhạc (bề tôi của Vua Nghiêu) phò tá vua Võ (nhà Hạ). Ông nối nghiệp cha tiến hành trị thủy thành công chín dòng sông ở Trung Hoa, được tập phong làm hầu quốc đời nhà Hạ. Khi nhà Hạ mất, họ này bị giáng xuống làm thứ dân, trải suốt đời nhà Thương (1558 – 1050), cho đến khi Khương Tử Nha xuất hiện. Khương Tử Nha họ Lã, tên Vọng, thường câu cá ở bờ sông Vị, sau được vua Văn Vương nhà Chu vời về triều làm thày dạy cho Vũ Vương.
   Theo “Thiên thị tộc lược sách thông chí” chép: Vào thời Tây Chu (thế kỷ thứ XI trước Công nguyên) có lệ cắt đất phong vương cho chư hầu. Do Khương Tử Nha có công phò giúp Chu Vũ Vương đánh thắng nhà Ân, được phong nước Tề. Khương Thái công (tức Khương Tử Nha) được cho cai quản đất Tề gọi là Tề Thái Công.
    Một người con thứ của Tề Thái Công là Lã Cấp giữ chức hổ bí (còn đọc là hổ bôn, chức quan nhà Chu, chuyên cai quản các nghi thức bảo vệ vua chúa khi đi ra ngoài kinh thành), đổi hiệu là Đinh Công. Lã Cấp nối nghiệp cha, sau khi mất có tên thụy là Đinh Công, hậu duệ về sau lấy tên thụy của ông làm họ Đinh. Đây là trường hợp lấy tên thụy của tổ tiên làm Họ.
    Theo sách “Tính thị khảo lược”chép: Họ Đinh xuất phát từ Lã Vọng (hay Khương Tử Nha), họ này chia ra ngành trưởng lấy họ Lã, ngành thứ lấy họ Đinh.
    Họ Đinh phân bố chủ yếu ở quận Tề Dương thuộc Tề Âm - Tề Âm là tên nước được lập ra năm Trung Nguyên thứ 6 (năm 144) đời vua Hán Cảnh Đế, nay thuộc vùng huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (2). Tề Dương là tên quận đặt ra thời Tấn Huệ Đế (ở ngôi năm 290-306) do cắt đất quận Trần Lưu, nay thuộc vùng đất huyện Lan Khảo, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Họ Đinh bắt đầu xuất phát từ đây ?
     Thời Tây Chu họ Đinh phát triển thịnh vượng, các thế hệ dòng họ sau này kế tiếp nhau giữ chức hổ bí. Khi nhà Chu chuyển dời về phía đông, họ tộc này cũng dời đi theo. Thời Xuân thu - Chiến quốc, người họ Đinh chạy loạn về đất Giang Nam, Trung Quốc. Trải suốt từ thời nhà Hán cho đến nhà Đường, dòng họ này sống yên ổn bằng nghề nông.   
    Đến khi có loạn Hoàng Sào (người Tào Châu, Sơn Đông) đời Đường, năm Càn Phù thứ 2 (874), có một người họ Đinh tham gia cuộc khởi nghĩa của Vương Tiên Chi. Sau khi Vương Tiên Chi chết, lên thay làm thủ lĩnh, hiệu là Xung Thiên Quân Bình Đại Tướng quân. Người này đã phát triển binh lực lên rất mạnh, đem quân đánh phá Quảng Châu, rồi tiến lên phía bắc đánh Lạc Dương, vào Trường An, lập ra chính quyền Thiên Tề, đặt niên hiệu Kim Thống. Sau bị Lý Khắc Dụng đánh bại, cuối cùng phải tự vẫn năm Trung Hòa thứ 4 (884), gia đình - dòng Họ phải phiêu bạt tứ tán khắp nơi để tránh sự truy sát của triều đình.

      2. Nguồn gốc Họ Đinh tại Việt Nam :
     Trong các người con của thủ lĩnh Xung Thiên Quân Bình Đại Tướng quân, có một người đã rời đất liền chạy thoát ra biển và xuôi về phương Nam tìm chốn dung thân. Sau khi thoát được ra biển, người họ Đinh này ngồi thuyền lênh đênh trôi nổi theo con nước, gặp được gió thuận nên phiêu bạt xuống phương Nam, một mình đơn độc gửi thân ở chốn châu Đại Hoàng (thuộc Gia Viễn, Ninh Bình ngày nay)(3).
    Người họ Đinh này lấy vợ người địa phương và sinh cơ lập nghiệp ở Châu Đại Hoàng. Con cháu của người họ Đinh này phân tán đến lập nghiệp nhiều nơi, trong đó có vùng động Hoa Lư, cũng thuộc châu Đại Hoàng (huyện Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay). Tới thời ông Đinh Công Trứ và một người em ruột, thì dòng họ Đinh bắt đầu hiển vinh.(khoảng những năm đầu của thế kỷ thứ X sau Công nguyên).
    Đinh Công Trứ, nguyên là một nha tướng của Dương Đình Nghệ. Khi Dương Đình Nghệ tiếp nối làm Thống lĩnh Giao Châu của họ Khúc, đã cử ông Đinh Công Trứ làm Thứ sử Châu Hoan (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Đinh Công Trứ sinh ra Đinh Bộ Lĩnh, nhưng ông mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh lúc này còn nhỏ (năm 12 tuổi), phải theo mẹ về quê Hoa Lư sinh sống. Đinh Bộ Lĩnh có tài bơi lặn dưới nước, chuyên nghề lặn sông bắt cá nuôi mẹ, họ cùng sống nương tựa vào ông chú .
   Sống ở quê nhà Đinh Bộ Lĩnh thường chơi với trẻ chăn trâu, bắt chúng khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước và lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Lớn lên, nhờ thông minh, có khí phách lại có tài thao lược nên khi Bộ Lĩnh dựng cờ dấy nghĩa, dân trong vùng theo ông rất đông. Ông trở thành thủ lĩnh của động Hoa Lư.
    Nhưng vì bất hòa với người chú, ông cùng với con là Đinh Liễn sang ở với sứ quân Trần Lãm (tục gọi là Trần Minh Công) ở Bố Hải Khẩu (Vũ Thư, Thái bình). Thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô có chí khí, Minh Công đã trao cho Bộ Lĩnh giữ binh quyền. Khi Trần Lãm qua đời, Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa Lư, chiêu mộ hào kiệt hùng cứ một phương.
    Sau khi Ngô Vương Quyền mất, đất nước bị chia cắt thành 12 Sứ quân. Năm Tân hợi (951) Đinh Bộ Lĩnh khởi binh đánh dẹp các sứ quân, đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng vương. Chỉ trong một năm đã bình được các sứ quân, thống nhất sơn hà thành một mối, lập thành nghiệp đế.
   Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.
    Nhà Đinh thành lập - Đây là nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Dòng Họ Đinh cũng bắt đầu vẻ vang từ đó !
    Một người con trai con của ông chú của Vua Đinh Tiên Hoàng là Ngoại Giáp Đinh Điền sau cũng trở thành một tướng lĩnh, một bậc khai quốc công thần của triều Đinh, vị này nhỏ hơn Vua Tiên Hoàng 8 tuổi, con cháu của vị này về sau cũng phát triển thành một nhánh Họ Đinh đông đảo ở đất Ninh Bình ngày nay.

    3. Lời kết :
    Trên đây là tóm tắt những sử liệu mà các vị trong Ban Sử liệu của Ban Liên Lạc họ Đinh Việt Nam khóa 1 đã công bố trong một số bài viết của mình gần đây.
     Tuy nhiên theo nghiên cứu của cá nhân tôi thì đa số các tư liệu này là lấy từ bách khoa toàn thư mở tiếng Việt (https://vi.wikipedia.org/wiki/Bách_khoa_toàn_thư) và các trang web thông dụng trên mạng. Nhưng đây chỉ là những kiến thức khá phổ thông, không phải là những công trình nghiên cứu khoa học có chủ đích. Phần còn lại với các tư liệu (3)(4) chỉ là những trang viết từ gia phả của một số tộc họ Đinh tại các tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ; nhưng các bản Gia phả này cũng chỉ mới có từ thế kỹ 17 nên tính chính xác của tư liệu là cả một vấn đề. Ngoài ra khi giới thiệu các bài viết của mình một số thành viên của Ban sử liệu đã đưa ra nhiều truyền thuyết về cội nguồn người Họ Đinh trong một số cộng đồng người thiểu số, trong các tộc họ ở vùng Việt Bắc, những vùng mà người Việt ta mới định cư gần đây. Nhưng đây cũng chỉ là những truyền thuyết không có căn cứ, không có nguồn chính xác của tư liệu và không có một cơ sở khoa học nào cả.
    Cho nên xin lưu ý, những tư liệu về nguồn gốc Họ Đinh trên đây chưa phải là công bố chính thức của BLL họ Đinh VN hoặc Họ Đinh VN. Vì cho tới nay Họ Đinh VN do vấn đề tổ chức chưa ổn định và chưa hình thành được một tổ chức chặt chẽ đúng yêu cầu. Nên chưa tổ chức được một cuộc nghiên cứu và khảo sát tìm kiếm về nguồn gốc Họ Đinh như quy định. Đồng thời cũng chưa tổ chức được một cuộc hội thảo về nguồn gốc Họ Đinh với quy mô toàn quốc. Cho nên vấn đề xác định cội nguồn của Họ Đinh là chưa có kết luận cuối cùng.
     Do đó trong cuộc họp mới nhất tại Hà Nội vào ngày 28/05/2017, của ban thường trực BLL họ Đinh khóa 2, khi một vị Phó BLL họ Đinh VN nêu ý kiến cho rằng nên xây dựng một số công trình về họ Đinh hoặc đền Vua Đinh và tổ chức các nghi lễ chính thức về nhà Đinh dựa theo những thông tin từ các bài viết của ông Đinh Văn Đạt. Giáo sư Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học VN đã phản đối đề xuất này và cho rằng nên cẩn thận khi kết luận một sự kiện trọng đại như thế này. Vì thật tế tất cả các sử liệu của VN trước thời nhà Trần đều chỉ là dã sử hoặc là truyền thuyết. Cho tới nay chưa có căn cứ thật tế nào để kết luận chính thức; nên tất cả vẫn chỉ là những truyền thuyết. Theo giáo sư Hải, chính Viện Sử học cũng đã có ý kiến phản biện về việc kết luận “có hay không nhà nước thời Hùng Vương” ?
    Cho nên Ban Liên Lạc Họ Đinh Việt Nam rất hoan nghênh quý bà con Họ Đinh, các nhà nghiên cứu lịch sử hãy tham gia đóng góp ý kiến và công bố các công trình nghiên cứu của mình về chủ đề này. Nhằm giúp cho BLL họ Đinh VN có thêm nhiều nguồn tư liệu khác nhau về cội nguồn của Tộc họ Đinh VN (kể cả phản biện). Để các vị hoàn thiện hơn nữa trong hành trình tìm về cội nguồn của tổ tiên Họ Đinh VN./.

ĐKT
7.6.2017

Chú thích :
1. Theo tác phẩm “ Họ và Tên người Việt Nam” của Tiến sĩ  Lê Trung Hoa được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản (2005)
2. Theo tác giả Hàn Mai
3. Theo "Đinh tộc gia phả" ở Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương - Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2003 - của Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội .
4. Theo “Đinh tộc thế phả” ở tổng Y Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, Trấn Sơn Nam hạ (nay là xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, Thái Bình) và “Ngọc phả họ Đinh” ở Đông Cao, xã Trung Chính, huyện Nông Cống,  tỉnh Thanh Hoá.
5. Từ chính sử của Việt Nam và Trung Hoa.

NGUỒN GỐC CÁC TỘC HỌ XỨ HUẾ

Đôi bờ dòng Hương Giang


    Có một số nhạc sĩ, nhà thơ thường ví von – Huế là một món quà cưới của một người con gái họ Trần. Đó là dưới góc nhìn của thi ca, nhưng dưới góc nhìn của những nhà nghiên cứu lịch sử Xứ Thuận Hóa thì đó cũng là một thực tế . Từ năm 1306 trở về trước Xứ Thuận Hóa vốn là Châu Ô và Châu Rí của nước Champa ( Chiêm thành) , sau cuộc ra đi của Công Chúa Trần Huyền Trân về làm dâu Champa, vùng đất này được trở về  Đại Việt như là một món quà cưới của Vua Chế Mân nước Champa – Đó là cội nguồn của xứ  Thuận Hóa, mà lúc mới trở về Đại Việt được đặt tên là Châu thuận và Châu Hóa, tới thời nội thuộc nhà Minh được gom lại thành xứ Thuận Hóa. Xứ Thuận Hóa là vùng đất trải dài từ tỉnh Quảng Bình cho tới huyện Điện bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay .
     Sau khi trở về Đại Việt năm 1306,  triều đình nhà Trần đã cử Quan binh vào trấn giữ đồng thời di dân Đại Việt vào khai hoang vùng đất mới, nhân cơ hội này cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng trấn Sơn Nam và vùng Thanh – Nghệ đã lũ lượt kéo nhau vào khai hoang  xây dựng quê mới, thành lập nên những làng mới, hình thành nên những dòng họ mới. Sự kiện này đã đánh dấu điểm bắt đầu của công cuộc mở mang bờ cỏi về phương Nam kéo dài mấy trăm năm về sau của dân tộc ta .
    Riêng vùng Thuận Hóa, chúng ta thấy có bốn cuộc nhập cư lớn. Từ năm 1306 cho tới cuộc chiến tranh cuối cùng giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn năm 1672, các cuộc di dân lúc này chủ yếu là các cuộc di dân từ bắc vào nam. Sau năm 1672, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai lấy sông Gianh làm giới tuyến, các cuộc di dân bị gián đoạn hơn 100 năm cho tới  khi Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh tan quân Trịnh thống nhất đất nước năm 1786, các cuộc di dân mới có thể được tiếp tục. Thời kỳ này chứng kiến một hiện tượng là có những cuộc nhập cư ngược từ phía Nam vào Thuận Hóa (Phú Xuân), họ là những người theo đoàn quân của Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh đến đóng quân ở Kinh Đô Phú Xuân , đã ở lại định cư lập nghiệp ở đây.
     Các cuộc nhập cư lớn vào Thuận Hóa qua các thời kỳ gồm :
        - Cuộc nhập cư thời Trần – Hồ (1307-1428)
        - Cuộc nhập cư thời Lê – Mạc (1428-1558)
        - Cuộc nhập cư thời Trịnh – Nguyễn (1558-1786)
        - Cuộc nhập cư thời Tây Sơn – Nguyễn (1786-1945)
  
       1.  Cuộc nhập cư đầu tiên thời Trần – Hồ ( 1307- 1428 ) :
    Là của những người lính vào tiếp quản vùng đất vừa được nhà Trần tiếp nhận và những người đi theo đoàn quân làm công tác an dân, chủ yếu là quan lại, cùng một số rất ít cư dân vùng đồng bằng sông Hồng, trấn Sơn Nam và Thanh – Nghệ dám mạo hiểm vào lập nghiệp ở vùng đất mới . Vì như chính sử ghi lại : nhiều năm sau – “ vì cư dân bản địa người Chăm của thôn La Thủy, thôn Tác Hồng và thôn Đa Bồng tại Hóa Châu nổi loạn chống lại chính quyền mới của người Việt. Vua sai Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài vào làm Hành khiển tuyên bố đức ý, đổi tên làm châu Thuận, châu Hóa, kén chọn người Chiêm cho làm quan, lại cấp ruộng đất và tha 3 năm tô thuế ”. Thì cư dân  người Việt lúc này mới chỉ là thiểu số như sử chép.
     Cuối thế kỷ 14 cư dân mới bắt đầu đông dần lên, nhà Trần đã lập tại vùng đất Hóa Châu 7 huyện mới : Trà Kệ, Lợi Bồng, Sa lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinhvới khoảng 40 làng (ấp, thôn, trại, sách) . Một số dấu tích còn lưu lại trong Gia phả của các dòng Họ cùng nhập cư đợt này hiện nay vẫn còn ở Thừa Thiên – Huế như : Họ Hồ làng Thế Lại Thượng ở đường Bạch Đằng, thành phố Huế, họ Phan ở làng La Vân Thượng (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền )…Nhưng nói chung nguồn gốc của các dòng Họ nhập cư đợt này rất mờ nhạt, vì đa phần các Gia phả đều mới lập khoảng 200 năm trở lại. Phần lớn được ghi lại theo trí nhớ của nhiều đời sau, theo khẩu truyền, các sự kiện trình bày theo cảm quan, mơ hồ, lộn xộn về thời gian.
Cả một thời gian dài gần 200 năm sau đó không có một văn bản hoặc tư liệu nào của các dòng Họ được ghi chép vào thời gian này. Vì qua nhiều cuộc điền dã của các nhà khoa học lịch sử, của các nhà nghiên cứu lịch sử Huế, của Khoa Lịch sử trường Đại Học Sư Phạm Huế …chúng ta đã không tìm thấy được bất cứ một tư liệu nào được ghi chép vào thời gian này đang còn lưu giữ ở các dòng Họ trên toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế cả ! (1)
     Hơn nữa, sau khi Công Chúa Huyền Trân trở về Đại Việt, quân Chiêm Thành lấy cớ này đã liên tục tấn công Châu Thuận và Châu Hóa, chiến tranh xảy ra liên miên. Đỉnh điểm là năm 1377 Vua Trần Duệ Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chiêm Thành, trong một cuộc tiến quân đánh chiếm thành Đồ Bàn, Vua Trần Duệ Tông vì mắc mưu trá hàng của địch đã tử trận tại kinh đô Đồ Bàn, quân Đại Việt đại bại. Quân Chiêm Thành đã phản công tiến chiếm lại Châu Thuận, Châu Hóa chiếm luôn Châu Hoan, châu Ái (tức là toàn bộ vùng Thanh - Nghệ - Tỉnh và Bình - Trị - Thiên của Việt Nam hiện nay) suốt 12 năm đồng thời xua đuổi hầu hết người Việt khỏi khu vực này.
      Quân Chămpa nhiều lần tấn công cướp phá thành Thăng Long, cho đến tháng Giêng năm Canh Ngọ ( 1390 ) - Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga bị quân Đại Việt bắn chết trong khi tấn công thành Thăng Long quân Chiêm Thành bại trận mới rút khỏi vùng đất này. Thành quả xây dựng gần 100 năm của cư dân vùng Thuận Hóa lại phải bắt đầu lại từ con số không.
    Nhưng không lâu sau đó nhà Trần suy vong (năm 1400), nhà Hồ lên thay, nhưng nhà Hồ tồn tại quá ngắn ngủi (1400 – 1407). Vì mất lòng dân - cuộc kháng chiến chống quân Minh của Nhà Hồ bị thất bại, năm 1407 cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim lăng; nước ta bị giặc Minh chiếm đóng trong hơn 20 năm. Trong thời gian Đại Việt bị quân Minh đô hộ, lợi dụng việc này quân Chiêm Thành đã tiến chiếm lại vùng Thuận Hóa và 2 châu Chiêm Động, Cổ Luỹ (Quảng Nam, Quảng Ngãi).
     Cho đến năm Mậu Thân(1428), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước mới trở lại thời tự chủ.
     Tư liệu lịch sử này đã lý giải được phần nào tại sao không thể có các tư liệu còn được lưu giữ ở các dòng Họ. Hơn nữa, việc học hành thời Lý, Trần, Hồ đang còn rất sơ sài chỉ tập trung chung quanh vùng trung tâm Thăng Long, các vùng khác hầu như chưa có gì ! Và cũng chỉ tập trung ở một số ít gia đình quan lại hoặc địa chủ giàu có, nhưng những tầng lớp này thì không thể là những người di dân được .   
 
    2.  Cuộc nhập cư thứ hai , thời Lê –Mạc (1428 – 1558 ) :
     Sau chiến thắng giặc Minh (1428), Vua Lê Thái Tổ đã cử quan quân vào lấy lại Thuận Hóa và cử các trọng thần vào trấn thủ, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường di dân, khai hoang phục hóa, thành lập các làng xã mới. Nhưng tình hình Thuận Hóa không ổn định, quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công châu Hóa. Sau khi nhà Hậu Lê tiếp quản Thuận Hóa, quân Chiêm Thành đã liên tục quấy nhiễu khiến cho cư dân vùng này không thể an cư được. Nhất là sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (1434), quân Chiêm Thành lại nhiều lần vượt đèo Hải Vân tấn công châu Hóa. Năm 1446 vua Lê Nhân Tông cử đại quân chủ động tấn công quân Chiêm Thành, đẩy lui quân Chiêm ra khỏi xứ Thuận Hóa giữ yên bờ cõi.
    Năm 1469, quân Chiêm Thành lại khởi sự chiến dịch quấy phá Hóa Châu, tháng 9/1470, vua Chiêm Thành là Bàn Trà Toàn đã huy động 10 vạn quân và voi ngựa tiến đánh châu Hóa. Cuối năm đó vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Sau nhiều trận giao tranh, quân Chiêm tan vỡ, vua Lê Thánh Tông đã đưa quân đánh vào tận kinh đô Bồ Đàn, chiếm kinh đô của Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn đem theo về Đại Việt.
     Sau chiến thắng Đồ Bàn - năm 1471 của quân dân Đại Việt, chiến dịch bình định phương Nam dưới quyền Tiết chế của vua Lê Thánh Tông thắng lợi hoàn toàn. Đã chấm dứt mối đe dọa xâm lấn Hóa Châu của người Chăm pa, cương giới nước Đại Việt đã vào tận tận đèo Cù Mông phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay, vùng đất Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa .
    Chỉ sau chiến thắng lịch sử này(1471), nhân dân vùng Thuận Hóa - mới thực sự được hưởng thanh bình, ổn định liên tục trong nhiều năm sau. Nhân dân vùng này, có được một khoản thời gian hơn 50 năm thanh bình đã ra sức khôi phục và tái thiết quê hương, khôi phục lại các làng xóm bị tàn phá, nhân dân lưu tán do chiến tranh. Hưởng ứng chủ trương di dân, nhân dân các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trấn Sơn Nam và các Châu Hoan, Ái (tức là Thanh Hoá và Nghệ An ngày nay) cùng một số quan quân Nam chinh trở về đã đem gia đình và bà con vào khai khẩn đất hoang, hàng loạt các làng - xã đã được thành lập vào thời gian này trên vùng đất này.
     Đây là giai đoạn khởi thủy chính thức của các làng – xã cổ nhất, các tộc Họ lâu đời nhất tại Hóa Châu (Thừa Thiên – Huế ngày nay). Trước thời điểm này (cụ thể là trước năm 1446), tại Hóa Châu không thể có một làng – xã nào được định danh và có được địa bàn cư trú cụ thể cả.
     Trước sự thật lịch sử này, có thể đã lý giải được một số thắc mắc của giới nghiên cứu sử của Huế hiện nay, là tại sao có một khoảng trống trong lịch sử văn hóa - xã hội vùng Thuận Hóa ở giai đoạn này (1306 – 1470) ? Vì hầu như cho tới nay giới sử học đã không thể tìm thấy được bất cứ một thư tịch, một văn bản hoặc một chứng tích nào của người Việt ở giai đoạn này, còn lưu lại được đến ngày nay tại khu vực này ? Ở cấp độ vùng miền, tại các tỉnh (thành), trong các làng - xã, trong các dòng Họ ở khu vực này cũng không thể tìm thấy được một thư tịch, một văn bản nào của người Việt được lập trong giai đoạn này hiện đang còn được lưu giữ ? (8).
    Vì thời gian này (1308 – 1470) vùng đất Thuận Hóa thời gian yên ổn không được bao nhiêu, lúc tổ tiên của các dòng Họ mới vào khai cơ lập nghiệp thì gặp thời loạn lạc, tới lúc thanh bình thì các vị đã thành người thiên cổ. Nên chúng ta có thể hiểu tại sao đa số Gia phả của các dòng Họ nhập cư vào Thuận Hóa trong giai đoạn này, ghi chép nguồn gốc của dòng Họ mình không rỏ ràng, các đời đầu đều rất sơ sài, mơ hồ. Vì như nói trên đây - các vị Khai canh, Khai khẩn lúc mới vào Thuận Hóa lập nghiệp, phải lo cái ăn, cái ở , cái mặc, lo chiến tranh liên miên đã khó rồi, nên chưa thể quan tâm đến việc chữ nghĩa. Cho tới khi xóm làng đã yên ổn, lớp hậu thế mới có thể tính chuyện học hành và ghi chép lại việc quá khứ; nhưng đời xa, người khuất việc ghi chép chỉ nhờ vào hồi ức và khẩu truyền của các đời trước, không thể tránh được sai sót.
     Nhân dân vùng Thuận Hóa thoát khỏi nạn chiến tranh đã dần đi đến ổn định và bắt đầu giai đoạn phát triển, quá trình di dân từ phía Bắc vào Thuận Hóa được tiếp tục. Hàng loạt các ngôi làng mới được thành lập trong dịp này, như : Duy sơn, Tân chu, Nghi giang, Diêm trường, Phụng chánh, Cự lại, Kế chủng (Kế sung), Thái dương, Hòa duân, Hà cùng (An dương), Triều sơn, Thanh cần, La Khê, Bao vinh, Đức bưu, Dương Xuân, Phổ Lại, Đại Lộc , Kế Môn, Phò Trạch, Hương Triền (Thanh Hương), Đàm bổng(Ưu Điềm) …(2).
    Năm Bính Tuất (1466) Vua Lê Thánh Tông tổ chức cải cách hành chánh tổ chức đặt 13 đạo Thừa Tuyên trong cả nước, xứ Thuận Hóa được gọi là Thừa Tuyên Thuận Hóa, gồm có hai phủ là Phủ Tân Bình và Phủ Triệu Phong. Ba huyện Kim trà , Đan Điền và Tư Vinh nằm trong phủ Triệu Phong là toàn bộ diện tích tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay.
    Theo các thư tịch cổ còn lưu lại được đến ngày nay trong các làng, xã và các dòng Họ tại Thừa Thiên, theo đó : - Các vị khai canh làng xã, các vị khai canh – khai khẩn của các Họ Tộc nhập cư vào Thuận Hóa trong giai đoạn này được ghi nhận rất đầy đủ. Phần lớn họ là quân lính hoặc tướng lĩnh trong các đội quân, khi yên việc quân đã tự nguyện xin ở lại khai thác vùng này, hoặc có một số là chức sắc phụng chỉ triều đình ở lại trấn giữ vùng biên cương. Đa phần họ đều xuất thân từ vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng duyên hải Bắc bộ và vùng trấn Sơn Nam. Một số dòng Họ tiêu biều cho thời gian này - có gia phả và các tư liệu còn lưu lại khá đầy đủ cho đến nay, như : Họ Lê ở làng Xuân Hòa, xã Hương Long, thành phố Huế ; họ Phan ở làng Thanh Phước, xã hương Phong, thị xã Hương Trà .
   Cuối thời nhà Lê -1527, miền Bắc lại lâm vào giai đoạn bất ổn, triều đình bị phân chia bè phái, tranh chấp nhau, khiến cho xã hội loạn lạc, sản xuất đình đốn vì chiến tranh liên miên. Trái lại vùng Thuận Hóa lại bình yên, nên nhân dân ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ đã dắt díu nhau di cư vào Thuận Hóa mục đích là tìm nơi yên ổn để làm ăn sinh sống , xây dựng quê mới. Đây là đợt di cư tự phát nhưng rất đông đảo, tiêu biểu cho đợt di cư này là các dòng Họ Nguyễn Đăng ở làng An Hòa, xã Hương Sơ, thị xã Hương Trà ; Họ Võ làng Thái Dương, xã Hải dương , thị xã Hương Trà ; họ Huỳnh ở làng Long Hồ, xã Hương Hồ, thị xã Hương trà (3)…
  
      3. Cuộc nhập cư thứ ba, thời Trịnh – Nguyễn (1558 – 1786):
     Thời kỳ này, xứ Thuận Hóa tương đối thanh bình hơn so với miền Bắc, các cuộc di cư phần lớn được Chúa Nguyễn khuyến khích và bảo trợ, nguồn gốc các dòng họ tương đối rỏ ràng, năm tháng lập làng phần lớn được lưu lại. Nhưng chính xác tuyệt đối thì cần phải xem lại, vì theo tư liệu điền dã, phần lớn các Gia phả của các dòng Họ di cư vào Thuận Hóa đợt này thường có câu mở đầu “ Ngài khai canh họ ta theo Chúa Tiên vào Nam”. Chúa Tiên – tức Nguyễn Hoàng.
     Nhưng Nguyễn Hoàng vào Nam tới ba lần, lần đầu và lần cuối cách nhau 42 năm. Lần đầu năm 1558, Chúa Tiên vào Nam là đi lánh nạn tránh sự truy sát của Trịnh Kiểm, lần thứ hai năm 1570 sau khi ra thăm quê và bái yết Vua Lê; lần thứ ba là năm 1600 – sau khi ra mừng Chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc khôi phục Thăng Long, bị Vua Lê giữ lại tới 7 năm để đi dẹp loạn cát cứ - là một cuộc chạy trốn thực sự của Chúa Tiên nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Trịnh Tùng, lúc này ông đã 76 tuổi. Nguyễn Hoàng ở Ngôi Chúa thêm 13 năm và mất năm 1613, thọ 89 tuổi .
      Phần lớn các dòng Họ nhập cư xứ Thuận Hóa đầu tiên của đợt này, đều có nguồn gốc từ Thanh Hóa , đặc biệt là huyện Tống Sơn, quê hương của các Chúa Nguyễn. Họ đa phần là con cháu của nhà Nguyễn hoặc là trọng thần trong các đội quân nghĩa dũng theo Chúa vào Nam. Đó là trường hợp của các dòng Họ Khai Canh ở làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ , huyện Phú Lộc), họ Trương ở làng Nham Biều (xã Hương hồ , huyện Hương Trà); họ Đặng ở làng Thanh lương (xã hương Xuân, huyện Hương Trà) đặc biệt là họ Nguyễn Phúc của nhà Nguyễn …
      Ngoài ra còn có một số dòng Họ cũng nhập cư Thuận Hóa đợt này có nguồn gốc ở Nghệ an, Hà Tĩnh cũng là những người có công với Chúa Nguyễn, như trường hợp các dòng Họ Khai Canh ở làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế , lập làng năm 1571) . Các Họ Khai canh ở đây được Chúa Nguyễn giao cho cai quản vùng ven biển từ cửa Eo (cửa Thuận an cũ) đến biển Cảnh Dương (mũi Chân Mây ngày nay ). Họ Nguyễn Khoa là một dòng Họ lớn có nguồn gốc từ Hải Dương cũng vào định cư đợt này; họ Nguyễn Kinh Nhơn ở phường Đúc, thành phố Huế có gốc từ Bắc Ninh, nguyên là những tay thợ đúc của xứ Kinh Bắc xưa. Họ Nguyễn Cữu ở làng Vân Dương, xã Thủy Vân , Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cũng là một dòng họ lớn có gốc  huyện Tống sơn, Thanh hóa; là dòng Họ có nhiều đời con cháu là các trọng thần của nhà Nguyễn .
     Trên đây là một số dòng họ tiêu biểu nhập cư Thuận Hóa đợt này, đa số đều có nguồn gốc rõ ràng, các lần di dân của các vị Khai canh của các dòng họ này đều tương ứng với một vài sự kiện của lịch sử nên đã được chính sử ghi chép lại. Tuy nhiên cũng có rất nhiều vị Khai Canh của nhiều dòng Họ cũng nhập cư Thuận Hóa đợt này, nhưng sau thời gian Nguyễn Hoàng vào Nam lần cuối (1600), hoặc ở các đời Chúa Nguyễn tiếp theo với nhiều lý do khác nhau đã không được chính sử ghi chép lại. Có thể họ chỉ là dân thường và việc của họ chỉ là việc của bách tính, khiến cho việc tìm cội nguồn của nhiều dòng Họ hiện nay ở Thừa Thiên - Huế lâm vào bế tắc.
     Hơn nữa sau khi Nguyễn Hoàng mất (năm 1613), chỉ 14 năm sau (năm 1627) là đã bắt đầu cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, vùng Thuận Hóa là trung tâm của cuộc chiến, nơi giành giật của hai bên.
    Từ đầu thế kỷ 17 cho đến đầu thế kỷ 19 vùng đất Thuận Hóa tuy không còn là vùng đất biên cương, nhưng đây là địa đầu giới tuyến tranh chấp ác liệt của hai thế lực đang tranh giành quyền lực ở trong nước đó là Trịnh – Nguyễn. Hai bên đã huy động sức người sức của và tiềm lực của đất nước vào một cuộc chiến kéo dài hơn 50 năm. Đã diễn ra 7 cuộc chiến lớn ác liệt vào các năm 1627-1630-1635-1648-1655-1661-1672, cuộc chiến đã khiến cho đất nước kiệt quệ, nhân dân đói khổ; sau khi hai bên thỏa thuận chấm dứt chiến tranh (1672), lấy sông Gianh làm giới tuyến; hơn 200 năm đất nước bị chia cắt.
    Trong các cuộc chiến vào các năm như trên, chiến trường chủ yếu là vùng Quảng Bình – Quảng Trị - vùng sông Gianh với các chiến lũy nổi tiếng như Lũy Thầy – Lũy Trường Dục. Trong các cuộc chiến này, lúc đầu Chúa Trịnh với binh lực mạnh hơn hẳn đã lấy danh nghĩa vua Lê tấn công quân Nguyễn, do binh lực yếu quân Nguyễn chỉ lo chống đỡ. Nhưng ba lần cuối vào các năm 1655-1661-1672 dưới thời Chúa Hiền Vương – Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) quân Nguyễn bắt đầu phản công, đặc biệt là trong ba lần tấn công cuối cùng này quân Nguyễn lần đầu tiên vượt sông Gianh tấn công ra Bắc, đuổi quân Trịnh tới gần thành Thăng Long.
     Trong các cuộc tấn công cuối cùng này, theo chính sử ghi chép lại thì quân Nguyễn đã ở lại chiếm đóng vùng Châu Hoan, Châu Ái (nay là Ninh bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh) gần 5 năm. Sau khi rút quân về Nam đã bắt vô số tù binh đưa vào Nam để tăng cường nhân lực. Đồng thời kêu gọi và cưỡng bức hàng vạn dân đinh và gia đình họ đưa vào Nam, tạo nên cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử thời ấy. Cuộc di dân này cư dân phải di chuyển rất dài, cụ thể là từ Ninh Bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh vào tận Thuận Hóa, Quảng Nam – Quảng Ngãi. Trước đó do phương tiện di chuyển khó khăn nên các cuộc di cư chủ yếu xảy ra trong nội tỉnh hoặc các tỉnh giáp nhau, theo phương thức vết dầu loang và kéo dài có thể vài thế hệ mới đến được nơi định cư. Nhưng cuộc di dân này có sự trợ giúp của Nhà nước Quân chủ về phương tiện và lương thực nên đã được tiến hành với quy mô lớn và di chuyển xa hơn, đi thẳng từ nơi đi cho đến nơi cần đến.

    4 . Cuộc nhập cư thời Tây Sơn – Nguyễn ( 1786 – 1945 ) :
     Như đã nói ở phần đầu, thời kỳ này xã hội xứ Thuận Hóa chứng kiến một thời kỳ đặc biệt, đó là trào lưu di cư từ các tỉnh phía Nam ra lại Thuận Hóa. Hay còn gọi là hiện tượng nhập cư ngược từ phía Nam ra Phú Xuân – Huế, gồm những người theo các đoàn quân của Quang Trung – Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh vào giải phóng hay khôi phục Phú Xuân ( theo nhiều cách gọi khác nhau ). Họ là những tướng lĩnh, những quân lính, những quan chức dưới trướng của hai vị Vua nói trên, sau khi đến Kinh Đô Phú Xuân làm nhiệm vụ đã đem theo gia đình đến định cư hẳn ở đây, lập nên những dòng Họ mới, thậm chí là những làng mới. Thời Tây sơn thì đa số các dòng Họ này đều xuất phát từ Quảng Nam đến Bình Định, như Họ Lê Nhữ làng Mỹ Á ( xã Vinh Giang ,Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), họ Phan làng Mỹ Lợi ( xã Vinh Mỹ, Phú Lộc, tỉnh Thừa thiên – Huế ), một số dòng Họ ở làng An bằng (xã Vinh an , Phú Lộc )….Điều này đã lý giải tại sao dân làng Mỹ Lợi có giọng nói hoàn toàn khác với đa số cư dân vùng này, ( do pha trộn giữa cư dân xứ Huế và Quảng Nam, Bình Định ).
    Năm 1802, khi Vua Gia Long khôi phục thành Phú Xuân, ngoài một số người gốc Thuận Hóa là trọng thần của triều đình cùng vua trở về, còn có rất nhiều người gốc Nam bộ đi theo làm nhiệm vụ rồi định cư luôn, trường hợp như : họ Phạm Đăng ( ở phường Kim Long, thành phố Huế), họ Đoàn cũng ở Kim Long. Trong các dòng Họ này, có một nhân vật rất nổi tiếng đó là Phạm Đăng Hưng – nguyên là Thượng thư Bộ lễ triều Minh Mạng (ông là thân sinh của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ , bố vợ vua Thiệu Trị , ông ngoại của vua Tự Đức), ông là người thành lập hội Nam châu hội quán làm nơi sinh hoạt, gặp gỡ của những người gốc Nam Bộ ra lập nghiệp ở Thừa Thiên. Sau khi Hội nam châu tương tế trở nên quá nhỏ so với lượng người Nam Bộ định cư tại Kinh Đô, năm 1904 Vua Thành Thái đã cấp đất để thành lập làng Nam Trung, ở Phú Đa, huyện Phú Vang - ngôi làng Nam bộ duy nhất tại Thừa Thiên – Huế, làm nơi thờ cúng, tế tự cho các dòng Họ gốc Nam Bộ. Ngôi làng có đầy đủ các tiêu chuẩn của một ngôi làng như quy định của luật pháp thời ấy, được cấp 9 mẫu đất để làm tế điền và 7 sào đất để làm Từ Đường Cửu Tộc tại huyện lỵ Phú Vang. Nhưng có một giai thoại có thật về ngôi làng này, đó là ngôi làng có “quan nhiều hơn dân”, vì thực tế “dân làng” đều là quan lại khá giả ở Kinh thành chỉ về làng khi có việc Làng, số cư dân ở lại làng rất ít .
     Vấn đề nguồn gốc của các dòng Họ - ngoài một số dòng Họ có tầm ảnh hưởng tới lịch sử của dân tộc hoặc vùng miền được chính sử ghi lại, còn đa số các dòng Họ là tự ghi chép lại, theo khả năng và truyền thống của dòng Họ mình. Việc ghi lại nguồn gốc có thể bằng Hương Phả, Tộc Phả hay Chi Phả, để truyền lại cho các thế hệ sau. Thật là hạnh phúc cho con cháu mỗi Tộc Họ khi dòng Họ mình có được một bộ Gia phả có đầy đủ nguồn gốc và rỏ ràng về thế thứ ?
     Nhưng như trình bày trên đây, đa số Gia Phả của các dòng Họ ở Thừa Thiên – Huế hiện nay đều mới được lập khoảng 200 năm trở lại, chi tiết sự kiện niên điểm không được chính xác, văn phong dân gian đơn giản, các sự kiện trình bày theo cảm quan, được ghi lại theo khẩu truyền của nhiều đời sau. Nên cần phải nghiên cứu chuyên sâu một cách khoa học mới tìm ra được sự thật.
     Theo các tư liệu điền dã (1) thì bản Gia Phả được ghi chép cổ nhất hiện đang được lưu giữ tại Thừa Thiên –Huế là Lê tộc thế phả của Họ Lê ở làng La Khê, huyện Hương Trà , lập năm Cảnh Hưng thứ hai (1741) - có nội dung rất sơ sài, đơn giản. Tại thôn 5 làng Mỹ Lợi có bản Phan thị gia phả  lập năm Gia Long thứ 2 (1803). Là hai bản tiêu biểu có thể nói là cổ nhất được các nhà nghiên cứu tìm thấy cho tới nay, còn lại đa số các bản Gia Phả đều mới được lập từ thời Tự Đức (1846-1886) trở về sau. Chúng tôi cũng đã tính tới khả năng là có thể các bản Gia phả mới được chép lại và bản cũ không còn, nhưng căn cứ vào nội dung và các điển tích được ghi chép chúng tôi cũng có thể xác định được phần nào bản gốc của các gia phả này lập vào thời gian nào !
    Trên đây là sơ lược chung về nguồn gốc của các Họ Tộc xứ Thuận Hóa – Phú Xuân –Thừa Thiên Huế. Đây có thể là những điều mà nhiều người đã biết, nhưng cũng có thể có một số người chưa biết, xin được viết ra để mọi người cùng biết .
ĐKT
24.06.2009
_________________________________________

1. Tư liệu điền dã của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu và khoa Sử trường Đại Học Sư phạm  Huế .
2. Hồng Đức bản đồ , lập năm Hồng Đức thứ 2 (1490 ) đã có tên các làng xã này.       
3. Tư liệu điền dã vùng Huế về thời kỳ Tây Sơn ( Nhà Xuất bản Thuận Hóa , Huế , 1999 ).



NHƯ THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI CÓ VĂN HÓA ?

Văn hóa là gì ?

Trả lời câu hỏi này trong thời buổi hiện nay thật không dễ. Bởi như cụ Đào Duy Anh viết trong sách Văn Hóa Sử Cương, rằng : “ hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung cho tất cả các phương tiện sinh hoạt của loài người… ”.
Như vậy với một người sống bình thường có công ăn việc làm, không rượu chè cờ bạc bê tha, không nợ nần ai; luôn làm tròn trách nhiệm với gia đình với xã hội,  ngoan ngoãn “sống theo Hiến pháp và pháp luật ”, không vi phạm pháp luật, không xúc phạm luân thường đạo lý…  đương nhiên sẽ là một người có văn hóa ?

Nhưng hình như thực tế xã hội hiện nay là không phải như vậy ?  Vì nếu như vậy thì có thể chỉ là một anh công nhân lao động lam lũ trong những nhà máy, công trường; hay anh nông dân cày sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng, một anh xe ôm ngày ngày ngồi đợi khách bên một góc đường hay một chị ở xóm trọ đang ngày ngày buôn thúng bán mẹt trên vỉa hè, hoặc một em sinh viên ở trọ đang hàng ngày cắp sách tới giảng đường đại học, .v.v…đã là một người có văn hóa. Nhưng không phải như vậy, vì không thấy ai gọi họ là người có văn hóa hay cấp giấy chứng nhận gia đình văn hóa cho họ cả ?
Điều này cũng không có nghĩa là một người có văn hóa – phải là một người có nhiều bằng cấp chuyên môn, học hàm học vị đầy mình hoặc là một thứ “nhà” nào đó, hoặc phải là một kẻ quyền cao chức trọng hay một doanh nhân có nhiều tiền. Điều này thì càng không phải ?

Bởi kẻ quyền cao chức trọng kia có thực sự là đầy tớ của nhân dân không, hay chỉ là một người lo tư túi và bằng nhiều cách không lấy gì đẹp đẽ cho lắm đã vươn tới đỉnh cao của quyền lực. Họ đang thụ hưởng cho riêng mình những thành quả mà biết bao thế hệ đã tốn bao xương máu mới có được.
 Bởi mỗi buổi sáng những kẻ công bộc này thường đi làm việc trên những chiếc xe riêng trị giá hàng tỷ đồng, mỗi buổi chiều ta sẽ thấy họ trong những quán nhậu cao cấp ?
Trong khi những người chủ thực sự của đất nước – giai cấp vô sản thật sự, là những người công nhân đang bữa đói bữa no trong những khu nhà trọ tồi tàn. Những người nông dân thì đang trong cái vòng lẫn quẩn “ được mùa mất giá, được giá mất mùa” ; đến nỗi trên báo Tuổi trẻ các nhà báo đã đặt nguyên một cái tựa trong bài viết của mình là : “ Bao giờ người nông dân hết khổ ”. Nhưng người ta vẫn coi như đó là chuyện của thiên hạ, không liên can đến mình. Vậy những vị chức sắc vô trách nhiệm kia họ có phải là người có văn hóa không ?
 Cũng bởi doanh nhân thành đạt, đi xe tiền tỷ có thể chỉ là những kẻ “tay không bắt giặc” hoặc là đang ngồi trên đống nợ. Con cái của các vị chức sắc và doanh nhân kia có thế là những “phá gia chi tử” hoặc đang tạm trú trong những trại cai nghiện. Và những tấm bảng công nhận Gia đình Văn hóa treo đầy trong nhà của họ không thể là những gia đình văn hóa thực sự được ?

Nhưng anh nông dân kia suốt một ngày cặm cụi trên đồng ruộng tối về đặt lưng một chút trên tấm phảng xù xì, chưa ngon giấc ngủ đã phải ra đồng sớm tưới nước và chăm bón cho luống hành luống rau sắp thu hoạch để kiếm chút tiền gởi cho hai thằng con trai đang học đại học trên thành phố. Dĩ nhiên con của anh nông dân này không thể học dốt được vì đồng tiền được gởi lên cho nó ăn học là mồ hôi nước mắt của cha mẹ nó. Phải chăng đây mới chính là một gia đình có văn hóa ?
Anh xe ôm nọ cũng có thể là một người có bằng đại học, nhưng vì không lo nổi vài chục triệu đồng cho một chỗ làm nên đành xếp bằng cấp ra đường kiếm bát cơm sống qua ngày. Ai dám nói anh là người không có văn hóa ?
Và đồng tiền anh kiếm được sau mỗi cuốc xe nó có giá trị biết bao, những đồng tiền này không thể được tiêu xài trong những quán nhậu cao cấp, hay những phòng karaoke vip được ?
Vậy như thế nào là một người có văn hóa ? Câu hỏi này thật là khó định nghĩa trong thời buổi kinh tế thị trường, vàng thau lẫn lộn này ?        

Hiện nay trên báo Tuổi Trẻ, có một chủ đề mà nhiều người quan tâm đó là mục : Gặp gỡ đầu tuần, các cây bút khắp nơi đang bình luận về “văn hóa tham nhũng”, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nói chung đều lên án và lo lắng cho tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay Từ chuyện mà người ta gọi là tham nhũng vặt cho đến những vụ án đại tham nhũng .
 Cái gọi là tham nhũng vặt ở đây được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, quy mô của hoạt động tham nhũng tuy nhỏ nhưng rải rát khắp nơi, ví dụ như xin cho con học phải “lót tay”, để được chăn sóc tốt hơn ở bệnh viện cũng phải “bồi dưỡng”. Nghĩa thứ hai đáng bàn hơn, theo đó người dân cảm thấy tham nhũng trở thành chuyện vặt đến mức như thói quen, khiến người ta không cảm thấy bức xúc, không thấy lạ. Khi tham nhũng đã phổ biến tới mức người ta không lên án mà dễ dàng chấp nhận. Lúc mà tham nhũng là một hiện tượng mang tính xã hội lan rộng, trở thành một hiện tượng bình thường thì sẽ mang lại những hệ quả tai hại .
Quan chức ở khu vực hành chánh công sẽ hành xử ngày càng tùy tiện và kết quả công việc là tùy thuộc vào mức độ chấp nhận phải đưa hối lộ của người dân. Nhiều quy định của pháp luật sẽ bị vô hiệu hóa, và phong bì hay quà biếu sẽ được đưa ra làm chuẩn mực; các mối quan hệ quen biết, sự chia chác lợi ích sẽ thay thế cho công lý, luật pháp. Những hành vi này dẫn đến những giá trị của xã hội dần dần sẽ bị lung lay.
 -  “Một xã hội không có những giá trị bền vững thì không thể ổn định lâu dài được, các nhóm lợi ích nào chiếm được quyền lực sẽ tạo ra luật chơi mới và họ sẽ khai thác quyền lực cho lợi ích của họ. Một xã hội như vậy mẫn cảm với những biến đổi về chính trị và báo trước những nguy cơ bất ổn ”.( PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Trưởng khoa luật Trường ĐH kinh tế TP. HCM)

Trong vụ trọng án Dương Chí Dũng vừa được xét xử mấy ngày qua, khi các báo đài tham gia tường thuật lại vụ việc, trong một bản tin do đài truyền hình trung ương phát (VTV1), biên tập viên bản tin khi nói về nhân thân và quá trình phạm tội của Dương Chí Dũng có nói rằng “… gia đình của ông ta là một gia đình danh giá nhất đất Hải Phòng, có bố nguyên là Giám đốc CA thành phố…”. Theo tôi, tác giả bản tin đã không hiểu đầy đủ được ý nghĩa của hai từ danh giá, hay bản chất của danh giá đã bị thay đổi ?
Một ông Giám đốc của một cơ quan nhà nước cấp tỉnh (thành), đại diện cho giai cấp vô sản làm việc vì dân, ăn lương của dân; mà một thời người ta thường gọi một cách khiêm tốn là đầy tớ của nhân dân. Một thời gian dài cho đến khi sự việc vỡ lỡ những gì là văn hóa, là chuẩn mực của đạo đức cách mạng, là lương tâm và trách nhiệm với Đảng với dân đã bị cái gia đình này bỏ qua. Nhưng người ta vẫn cho là bình thường và gia đình này vẫn được gọi là một gia đình danh giá, gia đình của một ông quan to thời kinh tế thị trường!

Cũng qua vụ trọng án này chúng ta đã có thể biết được, người bố của hai kẻ tội phạm kia đã dạy con điều gì ? Vì cổ nhân có dạy rằng :
                                       Dục tri tiền thế nhân
                                       Kim sinh thọ giả thị
                                       Dục tri lai thế quả
                                       Kim sinh tác giả thị
                    Tạm dịch :
                                       Muốn biết tiền nhân gieo gì,
                                       Thì chỉ cần nhìn con cháu gặt hái được gì .
                                       Muốn biết sau này con cháu mình gặt hái được gì ,
                                       Thì chỉ cần biết ta đã gieo gì ?
Những gì con cái ông ta gặt hái được ngày hôm nay, chắc chắn là thành quả mà ông ta đã gieo trước đây. Luật nhân quả không từ một ai!

Nếu không bắt đầu từ văn hóa và giáo dục từ trong mỗi gia đình, thì dù có tử hình kẻ tham nhũng này, xã hội sẽ lại xuất hiện kẻ tham nhũng khác. Để chống tham nhũng và tham ô, phải chăng nên bắt đầu từ văn hóa ?
Đã một thời chúng ta dạy thanh niên : “ hạnh phúc là đấu tranh”, nhưng “ chúng ta quên dạy thanh niên lòng nhân ái ” (tựa của một bài báo trên báo Tuổi trẻ). Cho nên chỉ cần ra đường đi xe va quệt nhau chút xíu là lao vào sừng cồ với nhau thậm chí là đâm chém nhau, đến đổi một số du khách nước ngoài khi chứng kiến họ cho rằng “ người Việt ta hung dữ quá ” (tựa của một bài báo trên báo Tuổi trẻ). Ở phạm vi và môi trường rộng hơn như nơi làm việc, nơi công cộng … người ta sẽ sẵng sàng đè đầu cởi cổ người khác nhằm đem cái lợi về cho mình và tự cho đó là hạnh phúc ?

Thời bao cấp bưng bát cơm độn bo bo, nhưng chúng ta vẫn vui vẻ ru ngủ tâng bốc nhau trong cái ao làng, đã quen nói đến cái tốt mà ít khi động đến cái xấu của mình. Nên việc nằm ngủ quá lâu trên giấc mơ đẹp khiến chúng ta phải trả giá chăng ?
Theo giáo sư Ngô Văn Thịnh (nhà nghiên cứu văn hóa) : “… ăn cắp không phải đến bây giờ mới có mà nó có từ rất lâu rồi. Nhưng trong một xã hội thiếu lành mạnh thì cái xấu càng bộc lộ ra nhiều hơn , …môi trường xã hội bây giờ dễ dẫn người ta đến hành vi như vậy.” .
Theo tôi, nhận xét trên của vị giáo sư là chính xác, bởi bây giờ người ta đua chen, lừa bịp nhau, tham lam, vô kỷ luật, phớt lờ các quy tắc đạo đức và mặc kệ tác hại có thể gây ra cho người khác, chỉ cần thu lợi về cho bản thân. Tôi không cho rằng nông nổi này do lỗi của văn hóa. Bởi tính cách dân tộc nào cũng có tốt có xấu, nhưng như nói trên đây - do cách quản lý xã hội lỏng lẻo, bất hợp lý đã vô tình tạo điều kiện cho tính xấu ngày càng bành trướng, tính tốt càng bị chèn ép mất hút. Nếu không có sự nghiêm minh, công bằng trong xã hội thì người ta sẽ tìm cách đạt lợi ích bằng hành vi xấu. Lâu dần thành thói quen của cả cộng đồng ?
- “ Chúng ta đang ở trong trạng thái xã hội không bình thường, xã hội bị lạc đường bởi tình trạng tham nhũng vặt. Một người học đại học ra trường có bằng giỏi và có thực lực, nếu ở xã hội bình thường thì họ sẽ được chào đón, được nhận vào làm việc ngay, nhưng ở ta có thể phải lo lót, chạy chọt, quà cáp để được nhận vào làm. Như vậy nhiều giá trị trong xã hội đã bị lệch chuẩn, sai lạc. Tài năng, đạo đức và thậm chí pháp luật không có giá trị nhiều lắm, mà giá trị lại là “ con ông cháu cha ”, sự thân quen, có tiền bạc. Sự lệch chuẩn, lạc điệu như vậy còn đáng sợ hơn lạc hậu ? ”(PGS.TS Đặng Ngọc Đinh – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng)

- Cũng qua vụ án của gia đình “danh giá” bậc nhất thành phố Cảng, chúng ta cũng nghiệm ra được một điều nữa trong văn hóa của người Việt đó là thuật ngữ “ con vua rồi lại làm vua ”- cụm từ mà một thời chúng ta đả phá và lên án ; thì trong thời buổi hiện nay hóa ra lại đúng ?
Bởi con Vua (thời nay) nó ngồi trên đống vàng do cha nó kiếm được (bằng nhiều cách có thể là không được sạch sẽ cho lắm) và mặc sức tiêu xài thỏa thích. Nó không cần phải thức khuya dậy sớm để học hành thi cử làm gì cho mệt cái thân. Vì sự học đối với nhiều người tựu trung cũng chỉ là để có đồng lương cao, to lớn hơn một chút là để phấn đấu và tìm kiếm một chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Nhưng những chỗ ngồi tốt (mục đích phấn đấu để mong đạt được của bao người) đã được để dành sẵn cho những ông con quan (vua) từ lâu rồi (đó là những cái mà dưới xã hội ta được gọi là tạo nguồn, là cơ cấu…). Cho nên con sãi vẫn phải quét lá đa lâu dài !

Vì thật tế là không cần học hành thi cử gì thì con cái của cái gia đình “danh giá” nhất đất Hải Phòng trên đây vẫn làm Vua. Vâng thật sự là những ông vua không cần Ngai.
 Bởi khi ông cha về hưu thì thằng con lên làm cấp phó - nghe đâu khi bị bắt nó đã leo lên cấp cục, (và cũng không lạ là khi bị hỏi cung nó đã hăm dọa khi ra tù sẽ “xử đẹp” cán bộ hỏi cung nó – vì bản chất vẫn là bản chất). Còn thằng anh nó là Dương Chí Dũng sau thời gian đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô (cũ), do biến động chính trị ở Đông Âu, Dũng phải về nước và một thời gian dài sau đó là một anh thất nghiệp. Nhưng không biết bằng cách nào mà chỉ 10 năm sau, từ một anh thất nghiệp leo lên thành một vị chủ tịch Tập Đoàn của một Tập đoàn Kinh tế nhà nước lớn nhất nhì Việt Nam, với bằng cấp và học vị đầy mình (không biết anh con quan này học lúc nào và ở đâu mà tài thế nhỉ ?).
Và một ông con vua như thế mà lãnh đạo một Tập đoàn tàu thủy - đầy tính cạnh tranh trong khu vực năng động nhất thế giới về thương thuyền như khu vực Đông Nam Á, thì chuyện gì phải đến sẽ đến là không có gì bất ngờ cả. Những cái tập đoàn mà những ông con vua này lãnh đạo không sụp đổ mới là chuyện lạ ? Và những đồng tiền thuế của nhân dân tan thành mây khói. Trong đó có những đồng tiền mồ hôi nước mắt của anh nông dân, của chị buôn thúng bán mẹt và anh xe ôm như nói trên đây.
Những gì là chuẩn mực của đạo đức, là lương tâm, là tinh thần trách nhiệm của những Đảng viên đang gánh trách nhiệm lãnh đạo đất nước mà người ta nói ra rã hàng ngày trên báo đài đã hoàn toàn không có. 
Điều này lý giải trình trạng tham nhũng vặt xảy ra khắp nơi và người ta coi đó là chuyện bình thường. Có nhiều người còn lý giải rằng đó là quy luật tất yếu, là mặt trái của kinh tế thị trường. 

Nhưng xin hãy đặt câu hỏi ngược lại là tại sao nhiều nước có kinh tế thị trường trước ta mà họ lại không có tình trạng đó ? Câu trả lời của nhiều chuyên gia kinh tế là “ muốn có một nền kinh tế thị trường lành mạnh, tốt đẹp thì phải có một nền quản trị hiện đại ”. Chúng ta chưa có một nền quản trị tốt nên trong xã hội mới nãy sinh nạn tham nhũng vặt, chứ không phải là người dân VN thích hối lộ. Nhưng muốn có một nền quản trị tốt thì phải tiến hành cải cách hành chánh cho thật tốt, chế độ lương bổng phải đổi mới, pháp luật phải công khai, minh bạch và bình đẳng giữa mọi người .

Một xã hội mà quan hệ giữa người dân và cơ quan nhà nước là quan hệ “xin – cho”, thì việc đi tới đâu; làm việc gì cũng phải “lót tay”, “bồi dưỡng” cho nhân viên của cơ quan công quyền là điều đương nhiên. Lâu ngày thành lệ và từ lệ thành “luật” lúc nào không biết !
Cho nên chúng ta cũng không nên cảm thấy ngạc nhiên với một hiện tượng rất lạ là - làm công chức nhà nước lương thấp mà người ta vẫn sẳn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “chạy” vào. Khi người ta đã “lọt” được vào thì người ta phải thu hồi vốn mình đã đầu tư, là đương nhiên thôi !     

Lời kết
Trên thế giới, mọi chính quyền thường không muốn minh bạch thông tin. Đó là một thực tế, kể cả ở nhiều quốc gia phát triển. Chỉ dưới sức ép liên tục của dân chúng thì chính quyền mới chấp nhận buộc phải minh bạch, càng minh bạch thì chính quyền càng vững mạnh, tựa như ánh sáng sẽ giết chết vi trùng. Nói cách khác, trong bưng bít và bóng tối thì thừa cơ hội nảy sinh lạm quyền, ngược lại dưới ánh sáng chói chang của sự giám sát rộng khắp thì chỉ có người thực tài mới có thể tìm được sự ủy trị của nhân dân ”.(PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Trưởng khoa luật Trường ĐH kinh tế TP. HCM.
Theo như cụ Đào Duy Anh nói trên đây, thì : “ hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung cho tất cả các phương tiện sinh hoạt của loài người… ”. Nhưng tôi tìm hoài cũng không thể định nghĩa nỗi như thế nào là “một người có văn hóa” đúng nghĩa trong thời buổi hiện nay.
  - Theo bạn một người có văn hóa là một người như thế nào ?

ĐKT
15.12.2013

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...