SỰ HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN CỦA CÁC GIA TỘC VIỆT NAM

Gia đình - ảnh chỉ mang tính chất minh họa



1. SỰ HÌNH THÀNH
    Thành quả nghiên cứu nhân loại học hiện nay đã chứng minh: trước khi con người tiến vào xã hội văn minh, quan hệ huyết thống – quan hệ đầu tiên của con người, là sợi dây gắn bó quan trọng nhất. Quần thể xuất hiện đầu tiên của con người là xã hội nguyên thủy sống quần cư theo bầy đàn; nhưng con người lúc này chỉ biết mẹ mà không biết cha. Theo nghiên cứu, trong lịch sử hơn ba triệu năm tồn tại của con người thì có tới khoảng 2,9 triệu năm là thuộc xã hội nguyên thủy; chỉ cách đây hơn 10.000 năm mới bắt đầu hình thành chế độ thị tộc.
    Xã hội nguyên thủy ban đầu chia thành nhiều quần thể nhỏ, phát triển càng sâu, phân tích càng chặc chẻ, phân biệt thân sơ cùng hình thành, khi biết người mẹ sinh ra ta, thì càng muốn biết được người thân của mẹ ta, vì vậy có thể biết được mẹ của mẹ ta – quan hệ họ hàng hình thành từ đó.
    Xã hội phong kiến coi gia tộc là trung tâm, sự phân biệt đẳng cấp trong gia tộc là dựa vào sự xa gần của quan hệ huyết thống của chi trưởng và các chi thứ. Quan niệm này bắt đầu nảy sinh từ thời Ân Thương, định hình thời Nhà Chu bên Trung Hoa. Thời Tây Chu, Chu Vương tự xưng là Thiên tử, vương vị do con trưởng kế thừa, xưng là “ đại tông” của thiên hạ, là gia trưởng cao nhất của lớp quý tộc cùng Họ, về chính trị là người đứng đầu trong cả nước. Những người con thứ còn lại được phong làm chư hầu, đối với Thiên tử họ được xem là “tiểu tông”, nhưng trong nước (chư hầu) họ vẫn là đại tông, chức vị của họ cũng do con trưởng kế thừa; nhưng có một điều đặc biệt là hậu duệ của những người này thường phải lấy tên (hoặc hiệu, thụy hiệu) của họ làm Họ.
     Chư tử (hay chi tử - là tên gọi của con trai thứ và con trai của vợ bé, hay người thiếp) của chư hầu và con thứ được phong làm khanh thần, đối với chư hầu thì lấy chức vị, tên ấp, vai vế … làm họ. Như vậy đã có một cơ cấu nhà nước bắt đầu từ quan hệ huyết thống; trở thành một công cụ đắc lực để hình thành và củng cố sự thống trị cha truyền con nối của tầng lớp quý tộc. Đến cuối thời Tây Chu chế độ tông pháp này dần bị mai một, nhưng với một chừng mực nào đó vẫn còn ảnh hưởng đến xã hội và các triều đại quân chủ về sau của cả Trung Hoa và Việt Nam.

2. VĂN HÓA, NGÔN NGỮ TRONG GIA ĐÌNH (GIA TỘC - DÒNG HỌ)
   Gia đình tức là nhà (gia), nhà gắn liền với nước. Nhà tiếp thu di sản văn hóa của nước, bảo vệ nước. Văn hóa gia đình người Việt không phải là cái gì trừu tượng, chung chung mà được thể hiện cụ thể sinh động trong nếp sống, sinh hoạt, suy nghĩ, tình cảm của mỗi người và mọi thành viên trong gia đình. Đó là nền nếp của gia đình, gia tộc.        
     Gia đình nào, gia tộc nào có nền nếp tốt thường được dân gian gọi là có gia phong.
Gia phong theo định nghĩa trong Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh là: "Thói nhà: tức là những tập quán, giáo dục trong gia tộc"; theo Từ Hải (Trung Quốc) là "gia thế được truyền lại thành phong tục thông thường trong xã hội" (gia thế tương truyền chỉ phong thượng). Như vậy, gia phong là thói nhà, là sự khẳng định của những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của một cộng đồng gia đình, gia tộc về văn hóa gia đình, đã kéo dài qua nhiều thế hệ, được mọi người trong gia đình công nhận, tuân theo, thực hiện một cách tự giác gần như tập quán để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của cộng đồng gia đình (gia tộc) ấy.
      Rõ ràng, gia phong là sắc thái văn hóa của mỗi gia đình (gia tộc) có nền nếp, có văn hóa. Muốn một gia đình, gia tộc có được gia phong như đã nói, trước hết và quan trọng hơn cả là ông bà, cha mẹ trong gia đình, gia tộc đó phải sống gương mẫu, phải làm gương cho con cháu, luôn nhắc nhở, khuyên răn con cháu sống theo gia phong. Muốn có gia phong và giữ vững gia phong, mỗi gia đình, gia tộc còn phải thực hiện gia giáo (nền giáo dục theo truyền thống của gia đình), gia lễ (nghi lễ truyền thống hay tập tục riêng trong cung cách ăn nói, ứng xử đã được gia tộc ấn định mà các thế hệ sau phải tôn trọng và gìn giữ), gia huấn (truyền dạy cho con cháu những điều hay lẽ phải phù hợp với gia đình và đạo lý của xã hội), có gia phả (để biết công đức của tổ tiên, quá trình tạo dựng dòng họ để giáo dục các thành viên trong gia đình, gia tộc)…
      Đó chính là gia đạo (đạo lý của gia đình, gia tộc), gia pháp (phép tắc của gia đình, gia tộc), gia phạm (quy phạm chuẩn mực của gia đình), gia tắc (nguyên tắc, quy tắc trong gia đình, gia tộc) mà mỗi gia đình phải tuân theo để thực hiện gia phong nhằm mang đến cho gia thanh (tiếng thơm của gia đình, gia tộc) và gia thế (cái thế đời, thế lực của mỗi gia đình, gia tộc trong xã hội) của mỗi gia đình, dòng họ.
    Vấn đề gia phong đối với ông cha ta thuở trước, như vậy, đâu chỉ còn gói gọn trong phạm vi gia đình nhỏ nữa, mà còn là gia đình lớn (gia tộc), có ảnh hưởng lớn đến đất nước, dân tộc. Văn hóa đạo đức dân tộc thể hiện trong phạm vi gia đình, gia tộc chính là ở chỗ gia phong này.
    Gia phong truyền thống của người Việt Nam xưa chịu nhiều ảnh hưởng và là sản phẩm của văn hóa phương Đông, mà trực tiếp là từ các học thuyết, tôn giáo: Nho, Phật, Đạo giáo, nhưng rõ nét vẫn là Nho giáo. Ảnh hưởng đó được thể hiện cụ thể thành luận thuyết: thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tề gia thuộc phạm vi gia phong. Nhưng muốn tề gia để có gia phong thì phải tu thân (tu dưỡng bản thân của từng mỗi người), tu thân lại phải chính tâm (giữ cho cái tâm được chính đại). Chính tâm lại phải dựa trên sự thành ý (suy nghĩ một cách chân thành, tự giác). Những điều ấy, có được, phải thông qua sự giáo dục của gia đình, gia tộc của nhà trường, xã hội.
     Muốn có gia phong bề thế, bền vững thì phải biết kết hợp đạo đức với học vấn vì "nhân bất học bất tri lý", không học thì không biết đâu lẽ phải để thực hành gia phong, gia đạo cho lâu dài. Cái học ở đây không chỉ bó gọn ở trường, lớp, ở thầy trò, ở sách vở mà còn là ở trường đời, trường học trong thực tế cuộc sống.
     Gia phong của một gia đình, gia tộc còn chịu chế ước của các lực lượng xã hội. Làng xã ngày xưa có tác động rất lớn đến gia phong. Điều đó thể hiện qua việc hương ước, như là một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức, quy định chặt chẽ quan hệ, bổn phận của các thành viên trong gia đình, gia tộc với con cái - cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, cả đến những quan hệ láng giềng, làng xã, tập tục cưới hỏi, tang ma… Tóm lại, là những điều có liên quan đến gia phong. Gia phong đã đúc kết kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ, chịu ảnh hưởng của nhiều giai đoạn ý thức hệ, đón nhận sự tác động về phong tục tập quán của nhiều vùng miền. Do vậy mà gia phong là một phạm trù rộng lớn có tính chất xã hội sâu xa và có một nội dung vô cùng phong phú.
     Văn hóa gia đình, mà trước hết là gia phong, sẽ tạo bản lĩnh cho mọi thành viên của gia đình hòa nhập với mọi biến thiên của cuộc sống, là tấm lá chắn hữu hiệu ngăn chặn mọi sự thâm nhập tiêu cực của xã hội vào trong gia đình, gia tộc để bảo tồn, phát huy, và tôn vinh những giá trị của một gia đình văn hóa truyền thống.
    Tuy nhiên không phải ai cũng biết gia đình là gồm những ai, những người thân nào của ta được gọi là những người trong một gia đình. Trước hết là để phân biệt với gia tộc (dòng Họ), hai là để gìn giữ gia phong, vậy họ gồm những ai ?
    Theo định lệ của người xưa, tổ tiên người Việt ta đã chọn lọc và lập ra một cái bảng gọi là Bảng "hệ thống cửu tộc”- chỉ chín đời thân tộc huyết nhục của một con người. Mục đích trước tiên là nhằm phân thứ bậc các đời, tiếp đó là nhằm giúp cho người đời biết mà cúng kính thờ tự với người chết và phải có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc người sống vì họ đã được tục lệ và pháp luật quy định là người trong một gia đình.           
- Định lệ thứ bậc của hệ thống cửu tộc gồm có như sau:
1. Cao tổ : ông cao ( kỵ nội )
2. Tằng tổ : ông cố ( cụ nội )
3. Tổ : ông nội
4. Hiển : Cha
5. Kỷ thân : Chính mình
6. Tử : Con
7. Tôn : Cháu
8. Tằng tôn : Chắt
9. Huyền tôn : Chút
   Theo định lệ xưa, có căn cứ theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế và thu nhập của các hộ gia đình trong các làng quê xưa đa số là người dân nghèo làm ruộng. Sau một quá trình dài sàng lọc, tổ tiên người Việt mới lập ra được cái bảng "cửu tộc" này. Theo đó tục lệ quy định rằng, trong các gia đình người Việt thì chỉ thờ tự hoặc cúng kính từ ông Cao (cao tổ, kỵ nội) của mình trở xuống. Trên đời ông Cao thì không phải thờ cúng nữa mà tập trung vào thờ chung và cúng kính chung tại nhà thờ của Nhánh (Phái, Chi) nếu dòng họ lớn hoặc tại nhà thờ Họ nếu họ nhỏ. Những người có trong cái bảng cửu tục này được tục lệ và luật tục quy định là người trong một gia đình; nếu còn sống thì ta (Kỷ Thân) phải chăm sóc nuôi dưỡng, chết thì phải thờ tự. Tục lệ này lâu dần đã thành luật tục vì trong hệ thống Luật pháp dưới triều Nguyễn đã có quy định điều này khá rõ ràng (ai vi phạm sẽ bị trừng phạt). 
    Trong giới hạn của mục này tôi cũng xin giới thiệu thêm một chủ đề nữa, đó là cách hành văn và cách hiểu cho đúng khi viết, khi đọc - những văn tự, văn bia, văn tế và cách xưng hô trong các dịp lễ lạt của Gia đình (gia tộc, dòng Họ). Đồng thời cũng hiệu đính và lý giải một số sai sót thường xảy ra trong các tộc Họ khi viết (khi đọc) văn tự xưa.
    Theo đó, căn cứ theo bản cửu tộc trên đây; khi viết văn tự người xưa còn thêm sau các danh xưng trong cái bảng cửu tộc trên chữ “Khảo”dành cho đàn ông và chữ “Tỷ” dành cho đàn bà, ví dụ : Tổ khảo là ông nội - Tổ tỷ là bà nội ; Hiển khảo là cha – Hiển tỷ là mẹ…
- “ hiển tổ khảo – hiển tổ tỷ ” là ông nội , bà nội ,
Phân biệt chữ “ tổ ” chỉ được dùng chung từ đời ông cố trở lên; qua đời ông bà nội chỉ được gọi “ tổ khảo – tổ tỷ ”.
- “ Tử - tôn ” - tức là con và cháu 
- "hiển tổ khảo - hiển tổ tỷ" – tức là ông bà, cha mẹ.
     Hãy lưu ý khi viết văn bia để dựng cho mộ của ông nội (hoặc bà nội), nếu viết là Tổ khảo (hoặc Tổ tỷ) tức là ông nội (hoặc bà nội) của mình thì người đứng dựng phải xưng cháu (Tôn). Hoặc dựng bia mộ cho cha (hiển khảo) thì phần đứng dựng phải xưng là con (Tử), không thể xưng con với ông bà, hoặc ngược lại xưng cháu với cha mẹ mình .
    Xin lưu ý một cụm tính từ thường gặp trong các văn tự xưa, đó là cụm tính từ  - “cao cao tổ khảo – cao cao tổ tỷ”, hoặc “tiên tiên tổ khảo – tiên tiên tổ tỷ ” - đây chỉ là một cụm tính từ nhân xưng mà trong một bài văn tế người ta dùng để ca ngợi công đức của các vị khai canh, khai khẩn, hoặc các vị Tiên Tổ cao đời của một Dòng họ có nhiều công đức với dòng Họ với làng nước - chứ không phải là một danh xưng hay một thứ bậc, như nhiều tộc họ đã hiểu sai !
     Riêng cụm từ “ tiền hiền hậu hiền” mà nhiều người hiểu như là một danh xưng thì thật ra chỉ là động từ chung (chỉ trạng thái) có ý nghĩa chỉ chung các bậc tiền bối có công lập làng, xây dựng làng hoặc hiểu nôm na là “ kẻ trước người sau”.
    Trong các Sắc Phong chỉ có hai danh xưng được nhà nước Quân chủ phong tặng cho hai hạng người trong các dòng Họ, đó là các Vị Khai Canh (những người lập làng đầu tiên, có thể là những người khác Họ hoặc cùng Họ), và các Vị Khai Khẩn (những người đến sinh sống đầu tiên của một tộc Họ sau khi đã có làng). Trong các Văn Tế người ta đọc rất cẩn thận là “ Tiền Khai Canh, Hậu Khai Khẩn ”. Trong những vị Khai Canh cũng tùy theo công trạng, vai vế và sự hiểu biết của mỗi vị - có vị được Phong là Bổn thổ Khai Canh (bổn thổ có nghĩa là chủ đất), có vị chỉ được Phong là Bổn Khai Canh (người lập làng).
     Trong các Bài Vị thờ ở Từ Đường, trong Văn bia dựng ở Lăng mộ, hoặc trong các Văn bản chính thức của dòng Họ như Gia Phả, Tộc quy, tộc ước ... ở một số nơi do không biết ngôn ngữ Hán – Việt nên cứ viết vị Tổ đầu tiên lập ra dòng Họ mình là Vị tiền hiền của dòng Họ, họ không biết tiền hiền chỉ là một động từ chỉ trạng thái ?
    Theo quy định của người xưa (thời nhà Nguyễn đã thành luật tục), thì trong các bản Tộc phả, trong Văn tế hay trong Văn bia; người đầu tiên lập ra một dòng Họ mới ở một địa phương phải được gọi là Ngài Thủy Tổ (hay Hoàng Thủy tổ) - và cũng không phân biệt là dòng Họ đó có Sắc Phong hay không; nhiều đời hay ít đời, họ lớn hay họ nhỏ .
     Ngoài ra ở một số tộc Họ do chưa xác định được các đời đầu tiên và không biết được tên của Vị tổ lập ra Dòng Họ mình là gì nên trong Gia Phả, trong Văn tế khi cúng giỗ con cháu đành phải viết là Viễn Tổ khảo (Viễn tổ tỷ) hay Sơ Tổ (có nghĩa là Tổ xa nhất)
    Ở đây cũng xin lưu ý quý vị là chúng ta nên phân biệt rỏ hai danh xưng Khai Canh và khai cơ. Khai canh thì như tôi kiến giải trên đây; riêng khai cơ thì đây là hai từ viết tắt của cụm động từ Hán - Việt : khai nghiệp - cơ đồ, mà người xưa dùng để ca ngợi công trạng của một cá nhân hoặc một tập thể người nào đó có công khai hoang lập ấp xây dựng nên một địa danh lịch sử, một vùng miền trù phú hay một làng xóm nào đó !

3. MỘT THẾ HỆ HAY MỘT ĐỜI LÀ NHƯ THẾ NÀO ?
     Có nhiều cách định nghĩa thế hệ, thế hệ theo biến cố lịch sử, qua các chuyển biến xã hội, qua các lớp tuổi hay theo thứ tự dòng họ.
    Trong sinh học, thế hệ là thời gian từ khi người mẹ sanh con đầu lòng cho đến khi con gái của bà ta sanh con lần thứ nhất. Khoảng thời gian này ở mỗi quốc gia rất khác nhau, riêng ở Mỹ theo thống kê năm 2007 thì thời gian này là 25,2 năm; ở Anh quốc là 27,4 năm (thống kê năm 2004).
    Tại Việt Nam chúng ta chưa có quy định thống nhất về khỏang thời gian này. Nhưng theo đa số các nhà nghiên cứu, thì thời gian này thường là khoảng từ 20 – 25 năm. Ngày xưa khoảng thời gian này là dưới 20 năm; nhưng hiện tại là dưới 25 năm. Chúng ta cũng thường gặp một gia đình bốn (hoặc năm) thế hệ cùng đang sống chung trong một mái nhà. Tại các gia đình này sẽ chỉ cho chúng ta một cách tính khoảng thời gian giữa các thế hệ một cách thực tế nhất (khỏi bàn cãi).
    Ví dụ đây là một gia đình mới, khi một người đàn ông lấy vợ, sinh con, thì  ông ta là đời thứ nhất; con ông ta là đời thứ 2, rồi đứa con cũng lấy vợ, sinh con, thì đứa bé gọi ông ta bằng ông nội đấy là đời thứ 3; khi đứa bé này lớn lên rồi lấy vợ, sinh con, thì con của nó gọi người đàn ông kia là ông cố và đứa bé này là đời thứ 4. Các gia đình 4 thế hệ này không hiếm trên đất nước ta và cũng qua các gia đình “tứ đại đồng đường này”, chúng ta cũng dễ dàng tính được từ khi người đàn ông chủ của đại gia đình này sinh ra cho tới khi đứa cháu cố của ông ta ra đời – đời thứ 4, chỉ nằm trong khoảng thời gian từ  70 – 80 năm. Tức là một thế hệ chỉ từ 18 – 22 năm. Nếu tính theo trực hệ (theo mẹ) thì khỏang thời gian này có thể còn ngắn hơn (khoảng 60 – 70 năm); tác giả bài viết này có một cô em chú bác, hiện đang sống tại tỉnh Kon Tum – cô ấy sinh năm 1956 (Bính Thân) tức là chỉ mới 59 tuổi Dương lịch; nhưng cháu cố ngoại của cô ta (đời thứ 4) đã 2 tuổi.
   Vẫn biết người nghiên cứu văn hóa, khi nghiên cứu về thế hệ tức là tìm các đặc tính riêng của một lớp tuổi tùy theo hoàn cảnh lịch sử văn minh, xã hội, văn hóa, kinh tế, địa dư, tuy nhiên không phải vì thế mà cá nhân trong thế hệ hoàn toàn đồng nhất. Cũng không có một giới hạn nhất định về thời điểm hay thời gian, mà thường có sự tròng tréo giữa các thế hệ. Hai tác giả William Strauss và Neil Hove (trong quyển Generations - ISBN 0-688 - 11912-3, 1991) nghiên cứu về dân tộc Anglo-American trong vòng 500 năm, đã căn cứ vào các biến chuyển xã hội, cho rằng các thế hệ vận theo từng chu kỳ mà ông gọi là saeculum. Mỗi saeculum dài 90 năm gồm có bốn thế hệ, mỗi thế hệ chừng 22 năm. Các thế hệ này chuyển mình tùy theo các khúc quanh văn hóa xã hội. Đây là câu trả lời cho các danh xưng, thế hệ cách mạng thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư v.v.và.v.v, mà các phương tiện thông tin đại chúng thường đang dùng hiện nay.

4. CÁCH XƯNG HÔ
     Vấn đề xưng hô và chào hỏi trong gia đình, trong dòng họ là cả một nghệ thuật mà con người đã sáng tạo ra. Việc xưng hô và chào hỏi như thế nào cho đúng còn tùy thuộc vào học vấn, sự hiểu biết ở từng con người và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đó là cả một sự khéo léo, tính kiên nhẫn, là sự thân tình, đầy tính nghệ thuật nhưng hoàn toàn không miễn cưỡng được. Cho nên người xưa có dạy "học ăn, học nói, học gói, học đùm" là vậy !
    Khi có giao tiếp, có trò chuyện với nhau, thì có chuyện xưng hô. Xưng hô là gọi nhau để biết câu nói, câu chuyện đó liên hệ tới người nào. Trong mọi cuộc giao tiếp, trò chuyện, đều có 3 đối tượng để xưng hô: tự gọi mình là xưng, được quy ước là ngôi thứ nhất; gọi hai đối tượng khác là hô. Người trực tiếp đối thoại qua lại với ngôi thứ nhất, được quy ước là ngôi thứ nhì. Hai đối tượng, ngôi thứ nhứt và ngôi thứ nhì, đang trực diện giao tiếp mà nhắc đến, nói đến người khác, thì người khác đó được quy ước là ngôi thứ ba.
    Ngôi thứ nhất là “tôi”; ngôi thứ nhì là “ông”; ngôi thứ ba là “nó”. Nói thông thường theo kiểu người Việt thì tiếng xưng hô dùng cho 3 ngôi đó là: tao, mầy, nó. Số nhiều thì có chúng tôi, chúng bây, chúng nó. Đó là nói tổng quát về xưng hô trong xã hội.
    Trong tiếng Việt, lời xưng hô thật phong phú, có lẽ phong phú nhất thế giới:
  - Ngôi thứ nhứt có: tôi, ta, tao, tớ, tui, mỗ, anh, em,… chúng tôi, bọn tôi, bọn tao, chúng ông, bọn nầy,…
  - Ngôi thứ nhì có: mầy, mi, bây, em, cô, nàng, anh, chàng, ông,…chúng mầy, chúng bây, bọn mi, các em, các anh, quân bây,…
  - Ngôi thứ ba có: nó, hắn, hắn ta, chàng, chàng ta, chàng ấy, nàng, nàng ấy,… chúng nó, bọn hắn, đám kia, đám đó, quân ấy,…
     Xưng hô trong gia đình người Việt lại còn phong phú hơn nữa và rất tinh vi, rất phức tạp. Ngoài những tiếng nêu trên còn có các tiếng vốn là danh từ, mà biến thành đại từ xưng hô: anh, chị, em, chàng, thiếp (xưa), con, cháu,… biến đổi khi thì ở ngôi thứ nhứt, khi thì ở ngôi thứ nhì, tuỳ theo từng câu đối thoại. Đặc biệt còn có tiếng mình, ông xã, bà xã… ở ngôi thứ nhì; và đặc biệt tiếng nhà (nhà tôi, nhà em, nhà anh, nhà cháu…) ở ngôi thứ ba.
     Tuy nhiên xưng hô trong gia đình người Việt hiện chỉ thu gọn trong 3 thế hệ: ông bà nội ngoại, cha mẹ, con cháu. Do tuổi thọ càng lúc càng cao, tuổi sinh đẻ càng ngày càng lớn nên rất hiếm các gia đình còn sống đủ 4 thế hệ: ông bà cố, ông bà nội ngoại, cha mẹ, con, cháu, cháu chắt. Thông thường phần đông chỉ còn có 3 thế hệ hiện còn sống chung đụng, gần gũi nhau, nên có những giao tiếp chuyện trò cùng nhau.
       
      Sau đây là những cách xưng hô căn bản theo ngôn ngữ Hán - Việt :
Ông sơ, bà sơ: Cao tổ phụ, cao tổ mẫu.
Chít: Huyền tôn.
Ông cố, bà cố: Tằng tỉ phụ, tằng tỉ mẫu.
Chắt: Tằng tôn.
Ông nội, bà nội: Nội tổ phụ, nội tổ mẫu.
Cháu nội: Nội tôn. 
Ông nội, bà nội chết rồi thì xưng: Nội tổ khảo, nội tổ tỷ.
Cháu xưng là: Nội tôn.
Cháu nối dòng xưng là: Đích tôn (cháu nội).
Ông ngoại, bà ngoại: Ngoại tổ phụ, ngoại tổ mẫu (cũng gọi là ngoại công, ngoại bà).
Ông ngoại, bà ngoại chết rồi thì xưng: Ngoại tồ khảo, ngoại tổ tỷ.
Cháu ngoại: Ngoại tôn.
Ông nội vợ, bà nội vợ: Nhạc tổ phụ, nhạc tổ mẫu.
Ông nội vợ, bà nội vợ chết rồi thì xưng: Nhạc tổ khảo, nhạc tổ tỷ. 
Cháu nội rể: Tôn nữ tế.
Cha mẹ chết rồi thì xưng: Hiển khảo, hiền tỷ.
Cha chết rồi thì con tự xưng là: Cô tử, cô nữ (cô tử: con trai, cô nữ: con gái).
Mẹ chết rồi thì con tự xưng là: Ai tử, ai nữ.
Cha mẹ đều chết hết thì con tự xưng là: Cô ai tử, cô ai nữ.
Cha ruột: Thân phụ.
Cha ghẻ: Kế phụ.
Cha nuôi: Dưỡng phụ.
Cha đỡ đầu: Nghĩa phụ.
Con trai lớn (con cả, con thứ hai): Trưởng tử, trưởng nam.
Con gái lớn: Trưởng nữ.
Con kế. Thứ nam, thứ nữ.
Con út (trai): Quý nam, vãn nam. Gái: quý nữ, vãn nữ. 
Mẹ ruột: Sanh mẫu, từ mẫu.
Mẹ ghẻ: Kế mẫu: Con của bà vợ nhỏ kêu vợ lớn của cha là má hai: Đích mẫu.
Mẹ nuôi: Dưỡng mẫu.
Mẹ có chồng khác: Giá mẫu.
Má nhỏ, tức vợ bé của cha: Thứ mẫu.
Mẹ bị cha từ bỏ: Xuất mẫu.
Bà vú: Nhũ mẫu.
Chú, bác vợ: Thúc nhạc, bá nhạc.
Cháu rể: Điệt nữ tế.
Chú, bác ruột: Thúc phụ, bá phụ.
Vợ của chú: Thiếm, Thẩm.
Cháu của chú và bác, tự xưng là nội điệt.
Cha chồng: Chương phụ.
Dâu lớn: Trưởng tức.
Dâu thứ: Thứ tức.
Dâu út: Quý tức.
Cha vợ (sống): Nhạc phụ, (chết): Ngoại khảo. 
Mẹ vợ (sống): Nhạc mẫu, (chết): Ngoại tỷ.
Rể: Tế.
Chị, em gái của cha, ta kêu bằng cô: Thân cô.
Ta tự xưng là: Nội điệt. 
Chồng của cô: Dượng (Cô trượng, tôn trượng).
Chồng của dì: Dượng (Di trượng, biểu trượng).
Cậu, mợ: Cựu phụ, cựu mẫu. Mợ còn gọi là: Câm.
Còn ta tự xưng là: Sanh tôn.
Cậu vợ: Cựu nhạc.
Cháu rể: Sanh tế.
Vợ: Chuyết kinh, vợ chết rồi: Tẩn.
Ta tự xưng: Lương phu, Kiểu châm.
Vợ bé: Thứ thê, trắc thất.
Vợ lớn: Chánh thất.
Vợ sau (vợ chết rồi cưới vợ khác): Kế thất. 
Anh ruột: Bào huynh.
Em trai: Bào đệ (cũng gọi: Xá đệ).
Em gái: Bào muội (cũng gọi: Xá muội).
Chị ruột: Bào tỷ.
Anh rể: Tỷ trượng.
Em rể: Muội trượng.
Anh rể: Tỷ phu.
Em rể: Muội trượng, còn gọi: Khâm đệ. 
Chị dâu: Tợ phụ, Tẩu, hoặc tẩu tử.
Em dâu: Đệ phụ, Đệ tức.
Chị chồng: Đại cô.
Em chồng: Tiểu cô.
Anh chồng: Phu huynh: Đại bá.
Em chồng: Phu đệ, Tiểu thúc. 
Chị vợ: Đại di.
Em vợ (gái): Tiểu di tử, Thê muội.
Anh vợ: Thê huynh: Đại cựu: Ngoại huynh. 
Em vợ (trai): Thê đệ, Tiểu cựu tử.
Con gái đã có chồng: Giá nữ.
Con gái chưa có chồng: Sương nữ. 
Cha ghẻ, con tự xưng: Chấp tử.
Tớ trai: Nghĩa bộc.
Tớ gái: Nghĩa nô.
Cha chết trước, sau ông nội chết, tôn con của trưởng tử đứng để tang, gọi là: Đích tôn thừa trọng.
Cha, mẹ chết chưa chôn: Cố phụ, cố mẫu.
Cha, mẹ chết đã chôn: Hiền khảo, hiển tỷ.
Mới chết: Tử.
Đã chôn: Vong.
Anh em chú bác ruột với cha mình: Đường bá, đường thúc, đường cô, mình tự xưng là: Đường tôn.
Anh em bạn với cha mình: Niên bá, quý thúc, lịnh cô. Mình là cháu, tự xưng là: Thiểm điệt, lịnh điệt.
Chú, bác của cha mình, mình kêu: Tổ bá, tổ túc, tổ cô. 
Mình là cháu thì tự xưng là: Vân tôn.

5. LỜI KẾT
     Ngày nay trong gia đình, dù văn hóa ứng xử có thay đổi rất nhiều so với thời xưa, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được. Tuy nhiên trong cơ chế kinh tế thị trường, với lối sống thực dụng theo kiểu phương Tây (tức là đồng tiền trên hết) phần nào đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có gia đình. Các giá trị truyền thống của gia đình - dòng Họ bị thay đổi. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng phai nhạt do lối sống thực dụng và do quan điểm ý thức hệ khiến con người ngày càng rời xa mái ấm gia đình. 
      Sự suy thoái văn hoá gia đình kéo theo nhiều nét đẹp mang tính văn hoá trong quan hệ ứng xử bị mai một dần. Nghĩa vụ đạo đức, sự hy sinh, lòng chung thuỷ, niềm tin lẫn nhau đang bị xói mòn. Do nhận thức chưa đầy đủ, nhiều người lầm tưởng rằng tất cả những cái mới được du nhập từ bên ngoài đều là giá trị, hiện đại, tiến bộ, văn minh trong khi những gì thuộc về quá khứ của dân tộc đều là cũ kỹ, bảo thủ, lạc hậu. Điều này dẫn đến việc tiếp nhận ồ ạt, thiếu chọn lọc những văn hoá ngoại lai, làm xáo trộn nếp sống gia đình, khiến mỗi người không tự xác định được những chuẩn mực trong ứng xử gia đình. Đã gây nên những hệ lụy không nhỏ trong cuộc sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc VN, trong văn hóa làng (xã), văn hóa tộc họ và văn hóa gia đình của người Việt.
      Tuy nhiên khi viết bài này, tôi không nhằm mục đích là rao giảng một nhân sinh quan hay triết lý sống của mình; mà chỉ là giới thiệu một vài kiến thức căn bản về sự hình thành của các gia đình - gia tộc VN. Cũng như sự phát triển của văn hóa gia đình (GIA TỘC) trong cộng đồng người Việt xưa và nay - đến quý bạn đọc lưu tâm tới chủ đề này./.
ĐKT
28.10.2016 


                                                           
                                                                  

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...