HỘI ĐỒNG TỘC BIỂU LÀ GÌ ?

Tộc Họ Nguyễn - là dòng Họ lớn nhất VN hiện nay (chiếm gần 40% dân số)


LÀNG (Hán – Việt gọi là xã) là một đơn vị cư trú và một hình thức tổ chức xã hội quan trọng của nông thôn Việt Nam xưa kia và hiện nay.
Suốt nhiều thế kỷ, làng là đơn vị tụ cư cổ truyền lâu đời ở nông thôn người Việt và là nhân tố cơ sở cho hệ thống nhà nước quân chủ tại Việt Nam.
Làng truyền thống điển hình thời trung và cận đại là một tập hợp những người có thể có cùng huyết thống, cùng phương kế sinh nhai trên một vùng nhất định. Làng ̣được xem có tính tự trị, khép kín, độc lập, là một vương quốc nhỏ trong vương quốc lớn nên mới có câu "Hương đảng, tiểu triều đình".
Trước đây, trên làng(xã) là tổng, huyện, châu, phủ, lộ, đạo; dưới làng là thôn, ấp, xóm... tùy theo từng thời kỳ. Ngày nay, tổ chức trên làng (thôn, ấp) là xã, huyện, tỉnh, quốc gia; tổ chức dưới làng có xóm.
Thời nhà Hậu Lê, trong mỗi làng quê Việt Nam chủ yếu có ba cơ quan chính: cơ quan nghị quyết, cơ quan chấp hành, và cơ quan trị an.
Theo đó : Hội đồng kỳ dịch là cơ quan nghị quyết, có Hương trưởng (sau gọi là tiên chỉ) đứng đầu. Hương mục lãnh trách nhiệm trông coi tài sản công tư của xã. Trị an, tự vệ thì giao cho Trùm trưởng (sau gọi là tuần đinh). Hương mục và Trùm trưởng cũng là thành viên của hội đồng Kỳ dịch.
Hội đồng Kỳ dịch thường là các hương hào danh tiếng có phẩm hàm, học thức, hoặc là hưu quan trong xã. Điều kiện vào hội đồng không nhất định mà tùy theo Hương ước của làng. Có làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo "thiên tước" tức là ai cao tuổi nhất thì là tiên chỉ. Có làng xét theo "nhân tước" và ai đỗ cao nhất hay có phẩm hàm cao nhất thì ngồi chiếu tiên chỉ.
Hội đồng kỳ dịch thường nhóm họp một tháng hai lần vào ngày mồng một(sóc) và ngày rằm (vọng) sau khi tổ chức lễ Thành hoàng ở đình làng.
Theo đó làng (xã) Việt Nam ở Trung và Bắc Bộ vẫn hoạt động không mấy thay đổi từ xưa cho đến năm 1921 thì người Pháp ra lệnh bãi bỏ Hội đồng kỳ dịch và thay thế vào đó là HỘI ĐỒNG TỘC BIỄU, còn gọi là Hội đồng hương chính. Với sự cải tổ này chính quyền Pháp muốn áp dụng một khía cạnh dân chủ bằng cách cho dân đinh 18 tuổi trở lên đi bầu bỏ phiếu cho những đại biểu thành viên trong Hội đồng. Ứng cử viên tối thiểu phải 25 tuổi và sở hữu tài sản trong làng. Mỗi làng được có tối đa 20 đại biểu đại diện cho những tộc Họ trong làng.
Đại biểu trong Hội đồng hương chính sẽ chọn một người làm Chánh Hương hội và một người làm phó hương hội, thay thế cho tiên chỉ và thứ chỉ trước kia. Ngoài ra còn có những hương chức khác như phó lý, thư ký và thủ quỹ. Hội đồng hương chính áp dụng được 6 năm, đến năm 1927 thì phải bỏ vì sự phản đối của nhân dân trong các làng quê vốn ủng hộ lệ làng cổ truyền. Người Pháp phải thích ứng bằng cách cho lập lại Hội đồng kỳ mục để cùng điều hành việc làng với hội đồng hương chính. Theo đó thì số kỳ mục không hạn chế và nhiệm kỳ cũng không hạn định.
Năm 1941 cả hai hội đồng kỳ mục và hội đồng hương chính bị bãi bỏ và một hội đồng duy nhất được lập ra: Hội đồng kỳ hào. Tuy nhiên thay vì theo truyền thống thì lý trưởng do dân làng bầu ra, lý trưởng và những hương chức chấp hành kể từ năm 1941 là do hội đồng kỳ hào quyết đoán cả nên tính cách dân chủ cổ truyền đã mất đi.
THAY LỜI KẾT:
Bài viết ngắn này như là một lời góp ý với bà con của các dòng Tộc họ Đinh tại các tỉnh khu vực miền Trung. Hiện nay tại một số tỉnh thành trong khu vực đã và đang hình thành các tổ chức của dòng Họ mình. Một số thì mới trong giai đoạn thành lập Ban Liên Lạc để kết nối dòng họ về một mối, nhưng cũng có một số tỉnh thì đã tiến tới giai đoạn thành lập Hội đồng Bổn tộc. Nhưng tiếc rằng bà con ta đã không nghiên cứu thật kỹ lại các danh xưng trong trường hợp này, mà đã đặt tên cho tổ chức của dòng họ mình là Hội đồng Tộc biểu – như thế nào là Hội đồng tộc biểu thì như trên đây tôi đã diễn giải.
Thật ra đây là danh xưng để chỉ một tổ chức gồm đại diện của các dòng họ trong một làng (xã) ngày xưa (trước năm 1927) trong các làng quê VN. Hiện nay danh xưng này vẫn đang được dùng trong rất nhiều ngôi làng tại Huế (như làng Mỹ Lợi, làng Phước tích, làng Phụng chánh…), để chỉ một hội đồng gồm có đại diện của tất cả các tộc họ để điều hành việc làng của các ngôi làng.
Trước đây việc lập một tổ chức để điều hành việc Họ là hoàn toàn không có và hoàn toàn bị lệ làng ngăn cấm và pháp luật nhà nước phong kiến cũng không thừa nhận ; vì xưa kia theo quan niệm “họ trọng hàng” tức là ông cha nói gì con cháu phải nghe theo. Và việc họ là do Trưởng họ và các bậc trưởng lão trong tộc Họ quyết định miễn bàn cãi.
Nhưng từ năm Nhâm Thân (1932), sau khi Hoàng đế Bảo Đại hồi loan chấp chính. Ông đã cho ban hành một số cải cách trong bộ máy làng (xã); từ bộ máy hành chính cho tới một số phong tục tập quán, trong đó ông đã cho phép và khuyến khích trong các tộc Họ thành lập một Ban để lo việc họ - gọi là HỘI ĐỒNG BỔN TỘC, gồm những người có tư cách đạo đức tốt, có học hành, những người có kiến thức Tây học, những người có địa vị xã hội, những người khá giả có tài sản lớn trong làng… và một số bậc cha chú nhưng phải có học hành. Ông cũng ban hành một ước lệ (quy chế) cho việc tổ chức và hoạt động của cái Hội Đồng Bổn tộc này. Mục đích là nhằm mở mang và phát triển các dòng Họ vượt ra khỏi lũy tre làng; thoát khỏi những hủ tục xưa cũ kìm hãm sự phát triển của xã hội VN.
Ở trong cái danh xưng HỘI ĐỒNG BỔN TỘC này bà con nên chú ý từ BỔN – tức là BẢN (bản ngã, người chủ, chúng tôi, của ta, tôi, mình…) đây là một từ Hán – Nôm cổ chỉ cái riêng tư . Tức là Hội đồng Bổn tộc là một cái Hội Đồng riêng của một dòng Họ ./.
ĐKT
01.6.2013

NGŨ QUẢNG LÀ GÌ ?

Chùa cầu - Hội An

Quảng , chữ Hán, nghĩa là rộng, lớn. Qua nghiên cứu các tư liệu Hán – Nôm cổ chúng tôi thấy: Quảng trong tiếng Hán (Quảng Đông, Quảng Tây...) và tiếng Việt (Quảng Nam, Quảng Ngãi...) là một từ gốc Tày – Thái - có nghĩa là hạt, tiểu khu, vùng.
Ngũ Quảng là danh xưng để chỉ một dải miền Trung từ phía nam đèo Ngang (Hoàng Sơn) đến phía bắc đèo Bình Đê (Quảng Ngãi), hiện nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam (bao gồm thành phố Đà Nẵng) và Quảng Ngãi. Chúng ta có thể hiểu Ngũ Quảng chính là 5 vùng (tiểu khu, dinh, hạt) thuộc khu vực trung Trung bộ hiện nay.
Nhưng tại sao gọi là Ngũ Quảng (5 vùng đất Quảng) thì đây là điều mà không phải ai cũng biết ? Khi mà hiện nay chỉ có 4 tên tỉnh bắt đầu bằng Quảng là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi ?
Lịch sử hình thành vùng đất đầy biến động này bắt đầu từ cuộc đối đầu Trịnh – Nguyễn. Nhưng đối với các Chúa Nguyễn - Ngũ Quảng là chốn dung thân và là địa bàn chiến lược của chúa Nguyễn trong cuộc tranh giành thế lực với chúa Trịnh ở Đàng ngoài. Chính ở địa bàn chiến lược này, họ Nguyễn đã khuyếch trương thanh thế để ngăn chặn những cuộc hành binh của họ Trịnh, đồng thời mở rộng ảnh hưởng về phía Nam.
Xa hơn về trước, vào đầu đời vua Trần Anh Tông, niên hiệu Thiệu Long thứ 14 (1306), sau khi vua Chiêm là Chế Mân dâng cho vua Trần 2 châu Ô, Lý để làm sính lễ cưới Huyền Trân Công chúa, vùng đất Thuận Hoá của quốc gia Đại Việt đã được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 châu này và 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính mà vua Chiêm Chế Cũ đã dâng cho vua Lý để giảng hoà trước đó.
Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông tiến hành cải tổ bộ máy hành chính – cai trị, chia nước làm 12 đạo (sau đổi là Thừa tuyên) trực thuộc Nhà nước phong kiến Trung ương. Thừa tuyên Thuận Hoá là vùng đất xa nhất về phía Nam, coi sóc 2 phủ Tân Bình và Triệu Châu với 7 huyện (Phong Lộc, Lê Thuỷ, Phú Vinh, Hương Trà, Quảng Điền, Hải Lăng, Đăng Xương) và 4 châu (Minh Linh, Bố Chính, Thuận Bình, Sa Bôi).
+ Phủ Tân Bình, sau cải làm Tiên Bình (đầu niên hiệu Hoằng Định), rồi Quảng Bình. Năm Gia Long thứ 5, dinh Quảng Bình trực lệ vào kinh sư; năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đổi thành trấn Quảng Bình, không còn “trực lệ”. Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13) Quảng Bình trở thành một trong 31 tỉnh của cả nước.
+ Phủ Triệu Châu, nhà Nguyễn cải tên là Triệu Phong, đặt hai dinh cai quản là dinh Quảng Trị và dinh Quảng Đức.
- Dinh Quảng Trị (gồm hai huyện: Hải Lăng, Đăng Xương và hai châu là Thuận Bình, Sa Bôi). Thời Nguyễn Hoàng, bản doanh của chúa Nguyễn đặt tại xã Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương. Đầu đời Gia Long, triều đình đặt dinh Quảng Trị trực lệ vào kinh sư. Năm 1900 Quảng Trị trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Dinh Quảng Đức (gồm ba huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền). Năm 1821 đổi thành phủ Thừa Thiên, phủ “Phụ kỳ” của kinh đô. Sau năm 1945, phủ Thừa Thiên đổi thành tỉnh Thừa Thiên, nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Về phía Nam, năm 1402, nhà Hồ lấy đất Chiêm động và Cổ Luỹ động của Chiêm Thành đặt thành 4 châu Thăng, Hoa (nay là đất Quảng Nam), Tư, Nghĩa (nay là đất Quảng Ngãi). Vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi thuộc vào cương vực Đại Việt từ đó. Trải qua nhiều biến động, đến sau năm 1471, tức là sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, vùng đất Nam – Ngãi cùng với thành Đồ Bàn trở thành thừa tuyên Quảng Nam của quốc gia phong kiến Đại Việt. Thừa tuyên Quảng Nam cai quản ba phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhân.
Năm 1602 (Hoằng Định thứ 3), Nguyễn Hoàng đổi phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa, đồng thời thành lập dinh Quảng Nam cai quản ba phủ: Thăng Hoa, Quảng Nghĩa và Hoài Nhân; 3 năm sau thêm phủ Điện Bàn (vốn là huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong).
Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13), triều đình bãi bỏ các trấn, thành, dinh, chia cả nước thành 31 đơn vị hành chính. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ra đời. Riêng 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đặt dưới quyền coi sóc của tuần phủ Nam – Ngãi (đến năm Thiệu Trị thứ 7, thay bằng tổng đốc Nam – Ngãi). Tuần phủ Nam – Ngãi kiêm quản cả 2 ty Bố chánh và Án sát của tỉnh Quảng Ngãi. Hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi còn có lúc mang tên là Nam Trực (áp sát kinh đô về mạn Nam), đối ứng với Bắc Trực là vùng Quảng Bình, Quảng Trị.
Như vậy Ngũ Quảng chính là một địa danh hình thành trong lịch sử, chỉ một dải đất miền Trung, chạy từ đèo Ngang (ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) đến đèo Bình Đê (ranh giới 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) với các dinh, phủ có danh xưng bắt đầu bằng từ Quảng, đó là:
- Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi. 
Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi hiện nay là tên gọi những đơn vị hành chính cấp tỉnh trong vùng. Riêng danh xưng Quảng Đức hiện không còn tồn tại vì từ năm 1821 đã đổi thành Thừa Thiên, và đến nay là tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Cũng cần nói thêm rằng, trên dãi đất Ngũ Quảng trước đây, hiện nay ngoài 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi còn có thành phố Đà Nẵng, trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, trên báo chí, sách vở rất hiếm khi ta bắt gặp danh xưng Ngũ Quảng, nhưng trong dân gian khái niệm nầy vẫn còn tồn tại. Hiện nay ở trong các ngôi đình cổ; trong nhiều bút tích xưa, các sắc phong tại nhiều vùng đất Nam Bộ chúng ta vẫn thường gặp cái danh xưng này. Nhiều bậc cao niên, các bậc nho gia ở Nam Bộ vẫn thường tự hào nhận là hậu bối của các vị tiền hiền có gốc gác ở vùng Ngũ Quảng. Anh hùng dân tộc Trương Định lãnh tụ nghĩa binh kháng Pháp, sinh tại Quảng Ngãi năm 1820, theo cha vào Nam năm 1844, lấy vợ người Gò Công, là một trong những người khai mở vùng đất Long An, Tiền Giang ngày nay, là một bậc tiền hiền của Nam Bộ đến từ Ngũ Quảng như vậy.
Tư liệu này nhằm cung cấp thêm một số kiến thức về vùng đất Ngũ Quảng cho những người đang sống tại khu vực 05 tỉnh thành này hoặc những người có quê hương bản quán tại đây; để biết thêm một điển tích về nơi chôn nhau cắt rốn của mình./.
ĐKT
12.1.2009

Tục lệ cúng đất ở xứ Huế !

Bàn cúng đất

Vùng đất Thừa Thiên ngày nay xưa vốn là châu Ô, châu Lý(Rí) của Vương quốc Champa . Năm 1306, hai nước Đại Việt và Champa bắt đầu kết thân với nhau. Câu chuyện bắt đầu khi Vua Trần Nhân Tông hứa gã công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành. Vua nước Chiêm là Chế Mân đã đồng ý với mối giao hảo này, ông đã lấy hai châu Ô – Lý làm món quà sính lễ khi rước công chúa Huyền Trân về làm dâu đất Chiêm Thành. Sau khi tiếp nhận hai châu Ô – Lý về với Đại Việt nhà Trần đã đổi tên châu Ô thành châu Thuận và châu Rí thành châu Hóa bắt đầu công cuộc di dân vùng trấn Sơn Nam và hai châu Hoan – Ái (tức vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh ngày nay) vào đây sinh sống. Những khu dân cư mới được hình thành, những xóm làng mới được  lập nên và xứ Thuận Hóa - Huế quê tôi, đã hình thành từ đó.
Trong những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, cư dân Đại Việt được Thổ thần đất đai (Thổ địa) và những cư dân bản địa, đặc biệt linh hồn những cư dân Chămpa giúp đỡ, phù hộ. Để bày tỏ lòng tri ân, cư dân xưa bèn cúng chư vị thần linh nên tục cúng đất xuất hiện từ đó. Cúng đất hay còn gọi là lễ “Kỳ an Thổ thần” với quan niệm của người Việt xưa “Đất có thổ công, sông có hà bá”.
Đến nay, trải qua bảy trăm năm, tục lệ cúng đất vẫn còn được duy trì trên vùng đất văn hóa này. Về hình thức, một mâm cúng đất ở Huế được bố trí ở 3 bàn thượng, trung, hạ (bàn hội đồng). Ở bàn thượng chỉ có một con gà trống luộc, gồm huyết và lòng rắc muối hạt một con dao bằng tre, cùng một dĩa xôi trắng, phụ năm sáu chén chè; bàn trung gồm một con gà mái luộc đầy đủ lòng và huyết cũng rắc muối hạt đặt dao tre, một dĩa xôi trắng và một số chén chè. Tại bàn cúng này còn có 3 con cua bể, 3 quả trứng và 3 miếng thịt heo luộc đều có rắc muối sống. Ở bàn hạ, còn gọi là bàn hội đồng, bố trí một mâm cơm đầy đủ các thức ăn song phải có một dĩa rau tập tàng luộc (có thể thay bằng rau khoai) với nước mắm nêm, một gắp cá nướng, loại cá nhỏ và một khay khoai sắn luộc, một khay gạo sống muối sống, hột nổ ngũ sắc, đường đen, một nồi cháo trắng.
Tất cả 3 bàn này đều có hoa quả, bát hương, cây đèn, ly nước, ly rượu, dĩa cau trầu. Ngoài ra còn có các loại vàng mã (đồ giấy), ở bàn thượng là một chiếc ngai có tàng, trên đặt mũ phương phát, một đôi hia, và một chiếc áo vẽ rồng có đai đeo. Ở bàn trung gồm trang phục của bà thổ, bà hỏa là 2 chiếc nón quai thao, 2 chiếc quần, 2 chiếc áo vẽ hình chim phụng, hai chiếc đãy cau trầu và hai chiếc quạt, năm bộ chủ Ngung Man Nương, gồm 5 chiếc nón chóp nhọn và 5 bộ áo quần, năm bộ Ngũ phương gồm 5 chiếc mũ, 5 đôi giày, 5 chiếc áo nhỏ, thập nhị Long Trạch gồm 12 chiếc áo đen. Ở bàn hạ, hội đồng, chỉ bày áo binh.
Thời gian tiến hành lễ cúng đất là tháng hai và tháng tám âm lịch. Người tiến hành lễ cúng là gia chủ (hộ gia đình). Người được cúng là các vị thần thành hoàng, ngũ phương, ngũ hành, thần đất, thần nhà, thần tiên sư các nghề, thần vườn, thần quản lục súc, thần che chở của cải, thần phúc đức, chủ đất, kho đất, thần cây gỗ, thần đường sá, thần cai quản các loại ma, núi đồi đầm phá, thần bảo vệ đất, cha đất, con đất, cháu đất, cửa ngõ, chúa quỷ miệng lửa và lực sĩ mặt cháy.
Đặc biệt trong lễ cúng này, chủ nhà thành tâm kính mời linh hồn cô đơn các ma Chàm, ma Chợ, ma Mọi, ma Rợ, vì ốm đau đói khát mà chết; ma Lồi ma Lạc có tước vị mà không có tên, có tên mà không có tước vị cùng đến dự. Ngoài ra, bao giờ chủ nhà cũng lấy bẹ chuối làm thành một chiếc túi đựng thức ăn, áo binh, giấy vàng bạc, treo ở cổng nhà gọi là Xà Lẹc, dành cho những “người” qua đường.
Đối chiếu với tục lệ cúng đất ở phương Nam, chúng ta thấy có những điểm tương đồng rất đáng được quan tâm, trước hết là thức cúng trong lễ cúng đất Nam Bộ (cũng kèm với lễ cúng việc lề của từng dòng họ): “Mâm thứ nhất đặt trên một cái bàn thấp gồm cá nướng trui, cháo ám; đó là mâm cúng việc lề. Mâm thứ nhì đặt trên miếng ván lót trệt trên mặt đất, liền sát với mâm thứ nhất, gồm có con gà quay, bánh tráng nhúng nước, bánh tráng nướng và rau sống là mâm cúng thổ chủ, vợ chồng chủ Ngu ”
Trên mâm cúng vợ chồng chủ đất (chủ Ngung) ở vùng Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận…) có cá khô nướng, dĩa rau luộc, cháo, mắm nêm, gà luộc nguyên con, bộ tam sên (ba con cua hoặc tôm, một cái trứng và một miếng thịt ba rọi đều luộc chín), xôi chè, gạo muối, đặc biệt có chiếc ghe bằng bẹ chuối, một cây cung và 5 mũi tên… Một điểm đáng lưu ý nữa là tục cúng chủ Ngu (Ngung) ở Nam Trung Bộ giới hạn quyền năng trong phạm vi đất vườn (thổ cư, thổ trạch), dù trong văn tự dùng chữ tá thổ, mãi thổ hay khao thổ cũng chỉ nói đến đất vườn, không đề cập đến ruộng. Trong khi ở Nam Bộ nội dung tín ngưỡng cúng đất lại bao gồm luôn cả ruộng và vườn .
Điều đáng lưu ý ở đây là mặc dù có nhiều nét dị bản nhưng từ Thuận Hóa trở về Nam nơi đâu cũng có con gà cúng thần, đây chính là dấu ấn câu chuyện “sự tích gà gáy sáng” trong truyện cổ
Tục lệ cúng đất không có yếu tố mê tín dị đoan, mà thể hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, tri ân, biết ơn tổ tiên vì vậy cần bảo tồn nếp sinh hoạt văn hóa dân gian này của Huế. 
Xứ Huế quê tôi có câu ca dao “Mẹ già lút cút lui cui; mua gà cúng đất, đất xui mẹ giàu”.
Nghe sao mà thân thương quá ./.
                                                                                     
 ĐKT

 10.2.2009

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...