Làng - xã - hương - thôn !

Phong cảnh một ngôi làng cổ Bắc bộ


Làng là gì ?
Làng (theo tiếng Hán – Việt gọi là xã, còn hương là một từ cổ của người Việt dùng để chỉ làng) một tổ chức hành chính, một đơn vị cư trú và  một hình thức tổ chức xã hội quan trọng của vùng nông thôn Việt Nam từ bao đời nay.
Suốt nhiều thế kỷ, làng là đơn vị tụ cư cổ truyền lâu đời nhất ở nông thôn người Việt,  là nhân tố chính (làng – nước) tạo ra hệ thống nhà nước quân chủ tại Việt Nam. Làng của những người làm một nghề nào đó trên cạn xưa gọi là phường, làm nghề sông nước, chài lưới được gọi là vạn hay vạn chài. Thời Hùng Vương, làng được gọi là chạ.
Làng tương đương với sóc của người Khơme, bảnmường (của các dân tộc thiểu số phía Bắc), buôn, bon (của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên-Trường Sơn). Làng truyền thống điển hình thời trung và cận đại là một tập hợp những người có thể có cùng huyết thống, cùng phương kế sinh nhai trên một vùng đất nhất định. Cư dân trong làng thường có hai mối quan hệ: quan hệ láng giềng và quan hệ họ hàng. Mọi hoạt động của làng xưa kia có tính tự trị, khép kín, độc lập như là một vương quốc nhỏ trong vương quốc lớn nên mới có câu "Hương đảng, tiểu triều đình".

Tục ngữ có câu “ Phép vua thua lệ làng” - vậy lệ làng là gì ?
Đây là một câu tục ngữ nói về luật tục của một cái làng nào đó thời xưa. Có quyền pháp lý và bắt buộc mọi người trong làng phải tuân theo. Nhưng nằm ngoài vùng kiểm soát của nhà nước và nhà nước chỉ có quyền nắm giữ chứ không có quyền xâm phạm các luật lệ của làng đó.
Câu tục ngữ này còn mang một ý nghĩa khá sâu rộng. Nhằm ám chỉ đó không chỉ là những phong tục tập quán, mà đó còn là những luật tục sẽ được người dân trong làng bảo vệ dù có vua đến cũng coi như là không.
Theo các nhà ngôn ngữ học, câu tục ngữ này cần được hiểu theo hai ý: Phép vua tức là quyền hạng cao nhất, biểu hiện cho tinh thần pháp luật quốc gia. Mang một tầm bao quát lớn. Lệ làng tức là những luật tục ở một cái làng nào đó. Luật lệ này không phải do một cá nhân hay một tập thể nào đó đặt ra mà được hình thành theo thời gian. Do nhiều thế hệ cư dân trong làng qua quá trình sinh sống đã chọn lựa ra những quy tắc sống tốt nhất nhằm bảo đảm cho sự tồn vong, phát triển và duy trì trật tự của làng. Lệ làng do hội đồng làng gồm đại diện các tộc họ, những chức sắc và người lớn tuổi có uy vọng nhất đứng ra chủ trì và đặt ra những quyền hạn mà người trong làng phải nghe theo.
Các luật lệ được sắp xếp theo mọt trật tự trên dưới, công bằng và đầy tính nhân văn. Do đó đơn vị làng cũng là đơn vị sống tình cảm, ở đó phản ánh trình độ sống nhiều khi nặng về cảm tính của con người.
Câu tục ngữ này cũng muốn nói lên một điều đó là dù có pháp luật có cao tới đâu cũng không thể nào đi qua một ngôi làng nào đó mà không tuân thủ theo thuần phong mỹ tục và tục lệ ở làng đó. Và còn khẳng định một điều nữa là dù luật pháp có khoa học đến thế nào thì cũng không thể không xem xét đến những quy tắc ứng xử và cách sống mà ông cha ta từ xưa để lại. Vì có những sự tuân thủ đó nên bây giờ xã hội mới còn lại hằng năm những lễ hội, những lễ cúng viếng, những phong tục tập quán được duy trì. Đó cũng là một nét truyền thống về văn hóa của ông cha ta.
Hiện nay câu tục ngữ "phép vua thua lệ làng" cũng đã nằm trọng sự kiểm soát của nhà nước. Đó cũng là một việc tốt, để tránh những việc lạm dụng luật lệ khi có ai đó tự đặt ra một thứ lệ nhằm mục đích tư lợi nhưng lại viện dẫn đến lệ làng (hay luật tục) từ xa xưa.
Qua câu tục ngữ này, ông cha ta muốn truyền lại cho con cháu những truyền thống, những phong tục tập quán, những bản sắc của văn hóa vùng miền và muốn nhắc nhở chúng ta phải thực hiện, phát huy cho được những truyền thống quý báu mà người xưa đã truyền lại.

Tuy nhiên trước thời kỳ nội thuộc nhà Minh (1408) điểm tụ cư (làng) khá quan trọng này không được coi trọng, không có quy định rõ ràng về địa lý hành chánh và địa danh cụ thề. Bất cứ điểm tụ cư nào có dân cư sinh sống cũng đều được gọi là làng (xã), không có quy định về diện tích hay quy mô dân số và hình thức quản lý nhà nước. Mãi tới thời nhà Hậu Lê (Lê sơ), khi các đơn vị hành chánh tại Đại Việt được thành lập, được tổ chức, phân cấp rõ ràng, thì làng (xã) mới được công nhận là một đơn vị hành chánh chính thức trong bộ máy hành chánh nhà nước. Đây là thời kỳ mà bộ máy hành chánh được tổ chất tốt nhất so với các triều đại trước đó, việc tổ chức bộ máy quản lý hành chánh khá là quy củ và chặt chẽ; sự việc này được sử sách lưu lại cụ thể.
Theo đó, năm 1428 vua Lê Thái Tổ phân chia lãnh thổ thành các đơn vị gọi là tiểu xã, trung xã và đại xã. Vào thời gian đầu của thời nhà Hậu Lê (1428) do dân số vẫn còn khá ít nên đơn vị làng vẫn còn khá quan trọng, viên quan trấn nhiệm làng vẫn do triều đình bổ nhiệm. Nhằm đánh dấu việc nhà nước tăng cường kiểm soát làng (xã), triều đình đã phong viên quan cai trị làng (xã) lúc đó gọi là "xã quan". Nhưng tới năm 1467 sau gần 50 năm đất nước thanh bình thịnh trị, khi dân số đông dần lên triều Lê thành lập thêm cấp tổng (tương đương cấp xã hiện nay) thì bỏ "xã quan", thay bằng "xã trưởng"(tức trưởng làng). Viên chức này không còn do triều đình bổ nhiệm nữa mà là do dân làng tuyển cử. Từ đó trở đi triều đình chỉ kiểm soát từ cấp Tổng trở lên, còn làng (xã) được coi như tự trị. Chức xã trưởng đến triều Minh Mệnh (1820-1840) nhà Nguyễn thì đổi là "lý trưởng".
Như vậy bắt đầu từ thời Triều Lê Sơ (1428-1527) - các đơn vị hành chánh tại nước ta gồm có: trên làng () là tổng, huyệnchâuphủlộđạo; dưới làng là thôn, xóm, ấp... tùy theo từng thời kỳ. Nhưng hiện nay, tổ chức đơn vị hành chính làng không còn; nó chỉ còn được gọi kèm như là một danh xưng, một địa danh trong văn học, trong một tập tục truyền thống nào đó từ xa xưa của làng – xã. Ngày nay, các đơn vị hành chính ở nông thôn chỉ gồm: xóm, thôn (ấp), huyệntỉnh , quốc gia.
   
Tổ chức làng
Làng chủ yếu có ba cơ quan: cơ quan quyết nghị, cơ quan chấp hành, và cơ quan trị an.
Thời nhà Lê thì hội đồng kỳ dịch là cơ quan quyết định mọi đường hướng của làng, có hương trưởng (sau gọi là tiên chỉ) đứng đầu. Hương mục lãnh trách nhiệm trông coi tài sản công tư của làng. Trị an, tự vệ thì giao cho trùm trưởng (sau gọi là tuần đinh). Hương mục và trùm trưởng cũng là thành viên của hội đồng kỳ dịch.
Hội đồng kỳ dịch thường là các hương hào danh tiếng có phẩm hàm, học thức, hoặc là hưu quan trong xã. Điều kiện vào hội đồng không nhất định mà tùy theo hương ước của làng. Có làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo "thiên tước" tức là ai cao tuổi nhất thì là tiên chỉ. Có làng xét theo "nhân tước" và ai đỗ cao nhất hay có phẩm hàm cao nhất thì ngồi chiếu tiên chỉ.
Hội đồng kỳ dịch thường nhóm họp một tháng hai lần vào ngày mồng một (sóc) và ngày rằm (vọng) sau khi lễ thành hoàng ở đình. Công việc cấp xã gồm quyết định chi thu các ngạch thuế đinh, tiền cheo, tiền vạ cùng những việc tế tự. Hội đồng kỳ dịch còn có quyền xét xử những vụ hình luật nhỏ.
Chấp hành là xã trưởng, tức lý trưởng do dân bầu ra để thi hành những nghị quyết của hội đồng kỳ dịch cùng là đại biểu của xã khi liên lạc với triều đình như các quan từ cấp huyện trở lên khi nhà nước thu thuế, mộ lính, hay bắt dân làm tạp dịch. Giúp xã trưởng là phó xã trưởng.

 Làng thời Pháp thuộc
Sau khi thôn tính Nam Kỳ người Pháp đã cho tổ chức lại nhân sự trong làng với Ban hội tề gồm các nhân viên với các chức vụ, và thứ vị như sau:
1. Hương cả: Hương chức đứng đầu, chủ tọa, giữ văn khố
2. Hương chủ: Phó chủ tọa, thanh tra các cơ quan, tường trình lên hương cả.
3. Hương sư: Cố vấn trong việc giải thích luật lệ.
4. Hương trưởng: Giữ ngân sách, nhân viên ban chấp hành.
5. Hương chánh: Hòa giải tranh chấp nhỏ của người trong làng.
6. Hương giáo: Chỉ dẫn các hương chức trẻ, thư ký hội đồng.
7. Hương quản: Trưởng ban cảnh sát, kiểm soát hệ thống giao thông, chuyển vận.
8. Hương bộ: Giữ các bộ thuế và sổ chi thu, trông nom tài sản chung của làng.
9. Hương thân: Hương chức trung gian giữa tư pháp và ban hội tề.
10. Xã trưởng: Hương chức chấp hành, trung gian giữa làng và chính quyền. Giữ ấn (dấu) của làng, đảm nhiệm việc thu thuế.
11. Hương hào: Hương chức chấp hành.
12. Chánh lục bộ: Hộ tịch, báo cho dân làng biết khi có dịch tễ.
Ngoài ra tùy theo địa phương, có thể có thêm:
1. Hương lễ: Có nhiệm vụ trong các buổỉ tế lễ.
2. Hương nhạc: Âm nhạc.
3. Hương ẩm: Hội hè, cỗ bàn.
4. Hương văn: Soạn văn tế.
5. Thủ khoản: Trách nhiệm ruộng nương, công điền.
6. Cai đình: Trách nhiệm trông coi cơ sở, đình miếu.
7. Hương thị: quản lý việc trong chợ
     
Cuộc cải tổ 1921
Trong khi đó làng xã Việt Nam ở Trung và Bắc Kỳ vẫn hoạt động không mấy thay đổi đến năm 1921 thì người Pháp ra lệnh bãi bỏ Hội đồng kỳ dịch và thay thế vào đó là Hội đồng tộc biểu, còn gọi là Hội đồng hương chính. Với sự cải tổ này chính quyền muốn áp dụng một khía cạnh dân chủ bằng cách cho dân đinh 18 tuổi trở lên đi bầu bỏ phiếu cho những đại biểu thành viên trong Hội đồng. Ứng cử viên tối thiểu phải 25 tuổi và sở hữu tài sản trong làng. Mỗi làng được có tối đa 20 đại biểu đại diện cho những gia tộc trong làng.
Đại biểu trong Hội đồng hương chính sẽ chọn một người làm chánh hương hội và một người làm phó hương hội, thay thế cho tiên chỉ và thứ chỉ trước kia. Ngoài ra còn có những hương chức khác như phó lý, thư ký và thủ quỹ. Hội đồng hương chính áp dụng được 6 năm, đến năm 1927 thì phải bỏ vì sự phản đối của dân quê vốn ủng hộ lệ làng cổ truyền. Người Pháp phải thích ứng bằng cách cho lập lại Hội đồng kỳ mục để cùng điều hành việc làng với hội đồng hương chính. Theo đó thì số kỳ mục không hạn chế và nhiệm kỳ cũng không hạn định.

Cải tổ 1941
Năm 1941 cả hai hội đồng kỳ mục và hội đồng hương chính bị bãi bỏ và một hội đồng duy nhất được lập ra: Hội đồng kỳ hào. Cơ quan này giống như hội đồng kỳ dịch cũ nhưng việc quản lý thì giao cho Ủy ban quản trị chỉ có bảy thành viên. Cơ quan chấp hành vẫn là lý trưởng, phó lý, trưởng bạ (trông coi sổ sách điền bộ), hộ lại (trông coi giấy tờ sinh, tử, giá thú), thủ quỹ, và trương tuần. Tuy nhiên thay vì theo truyền thống thì lý trưởng do dân làng bầu ra, lý trưởng và những hương chức chấp hành kể từ năm 1941 là do hội đồng kỳ hào quyết đoán cả nên tính cách dân chủ cổ truyền đã mất đi.

Làng xã thời Quốc gia Việt Nam và VNCH
Hội đồng kỳ hào sau năm 1945 – thời Quốc gia Việt Nam và ở phía nam vĩ tuyến 17 thuộc Việt Nam Cộng Hòa có những cải tổ sau đây.
Thứ nhất là tên gọi được đổi lại thành Hội đồng hương chánh. Đứng đầu hội đồng hương chánh là chủ tịch và phó chủ tịch thêm tổng thơ ký giúp việc. Thành viên hội đồng là ủy viên. Mỗi ủy viên kiêm thêm một đặc vụ.
Làng nhỏ thì chỉ có hai ủy viên y tế và ủy viên giáo dục. Làng lớn thì có thể có đến chín ủy viên cả thảy tức hai ủy viên vừa kể trên và thêm hộ tịch, cảnh sát, tài chánh, thuế vụ, công chánh, kinh tế, và canh nông.

Thôn là gì ?
Thôn (hay ấp) là tổ chức dân cư cấp cơ sở cuối cùng tại các vùng nông thôn VN. Theo các quy định trong các Hiến pháp thì nó không phải là một đơn vị hành chính nhà nước.
Thôn là một hình thức tổ chức xã hội quan trọng nhất của nông thôn người Việt (Kinh). Miền Nam Việt Nam gọi là ấp. Thôn bao gồm một số xóm.
Từ nữa cuối thế kỉ 15 trở về sau, xã hội VN bắt đầu giai đoạn ổn định kinh tế phát triển dân cư đông đúc, hàng loạt các ngôi làng mới được thành lập. Khi mà sự phân công lao động và sự phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc hơn thì tính biệt lập của các ngôi làng không còn thích hợp; nên nhiều ngôi làng nhỏ có nhiều ngành nghề khác nhau đã tự hợp lại thành một ngôi làng lớn. Tại khu vực phía Nam sau năm 1963 khi cấp tổng bị xóa bỏ để thành lập cấp Xã, một số ngôi làng lớn có dân cư đông đúc và sống tập trung thì có thể lập thành một xã (sau đó chia thành nhiều thôn). Những ngôi làng nhỏ dân số ít sống biệt lập, thì nhiều làng hợp lại thành một xã, sau đó các ngôi làng này đều chỉ được gọi là thôn (hoặc ấp).
Hiện nay trong hệ thống hành chính mới của Việt Nam, đơn vị cấp cuối cùng là .  Tuy nhiên thôn (ấp) mới chính là điểm tụ cư cuối cùng của các cấp hành chính VN, nhưng theo quy định thì mọi hoạt động của thôn đều theo tính chất tự quản. Cư dân trong thôn bầu ra trưởng thôn và một bộ phận giúp việc để điều hành công việc của thôn.
Trên đây là vài định nghĩa thông dụng về làng, xã, hương, thôn mà tôi lượm lặt được từ sách vở, đã biên soạn lại để có lúc dùng tới, nhưng cũng xin giới thiệu để mọi người cùng xem./. 

ĐKT
01.12.2011




                                                                   







TỤC THỜ THẦN THÀNH HOÀNG TRONG CÁC LÀNG QUÊ XỨ HUẾ

Miếu thờ Thành Hoàng của làng Phước Tích - Huế


Thần Thành Hoàng được người Việt xem như một vị thần hộ mệnh, có công che chở bảo vệ cho con dân trong làng. Vì vậy, tất cả các làng xã người Việt xưa đều có một vị Thành Hoàng riêng cho làng mình, có thể cùng một vị Thành Hoàng nhưng qua mỗi vùng, miền lại có những câu chuyện, những sự tích khác nhau làm tô thêm sự trang nghiêm, linh ứng cho thần. Chính vì vậy, khi cư dân Việt di cư vào Nam đã mang theo những nét đặc trưng đó và đã có một số thay đổi cho thích hợp với một vùng đất và một nền văn hóa mới.
Vùng đất Thuận Hóa xưa và TT - Huế hiện nay; trong tiến trình lịch sử, tuy có một vài sự khác biệt giữa các nguồn sử liệu, song tất cả đều đồng tình với khẳng định vùng đất này trong những thế kỷ đầu Công Nguyên thuộc huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam thời thuộc Hán. Từ năm 192 sau Công Nguyên vùng đất này thuộc địa bàn nước Lâm Ấp và sau đó là vương quốc Champa kéo dài gần 12 thế kỷ. Sau khi nhà Đinh thành lập năm Mậu Thìn (968 – SCN) nước Đại Cồ Việt, nhà nước tập quyền đầu tiên của Việt Nam ra đời; biên giới Đại Việt mở rộng dần về phía Nam. 
Năm 1306, vua Trần Anh Tông gả Huyền Trân Công chúa cho Vua Chế Mân của nước Champa để đổi lấy hai châu Ô – Rí (Lý). Năm sau vua Trần cho đổi thành châu Thuận và châu Hóa, đưa quan quân vào cai trị. Nhà Trần đã đắp thành Hóa Châu làm trị sở của châu Hóa. Phải sau hơn hai thế kỷ mở mang khai khẩn, đến giữa thế kỷ thứ XVI, vùng đất Thuận Hóa mới trở thành một trung tâm chính trị và kinh tế mới của phương Nam.

Tới thời Nhà Nguyễn, chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp từ tháng 1 năm 1570, nhưng ông lập dinh và sinh sống chủ yếu là ở Quảng Trị chứ không phải ở Huế. Tới khi mất năm 1613, mộ của ông cũng táng ở vùng núi Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong, Quảng Trị. Năm 1626, để chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại quân Trịnh, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh từ Quảng Trị vào làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên ngày nay và đổi dinh làm Phủ. Mãi cho tới năm 1636, một người cháu nội của Nguyễn Hoàng là Chúa Nguyễn Phúc Lan đã dời Phủ vào Huế và đặt Phủ ở làng Kim Long (ngoại ô Huế), năm 1687 Chúa Nguyễn Phúc Thái dời Phủ từ Kim Long về làng Phú Xuân(thành phố Huế ngày nay), thì Huế mới trở thành đất kinh đô. Tuy có một thời gian ngắn (1712-1738) phủ chúa dời ra Bác Vọng, song khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) lên ngôi lại cho dời phủ chính vào lại Phú Xuân. Tức là Kinh thành Huế chỉ mới chính thức thành lập là năm 1687, bắt đầu cho một quá trình xây dựng, phát triển Phú Xuân thành một trung tâm đô thị phát đạt của xứ Đàng Trong và của tỉnh TT - Huế sau này.
Đó là một đô thị phát triển thịnh vượng trải dài hai bờ châu thổ sông Hương, từ Kim Long - Dương Xuân đến Bao Vinh - Thanh Hà. Tiếp đó, Phú Xuân là kinh đô của nước Đại Việt thống nhất dưới triều Tây Sơn (1788-1801) và là kinh đô của nước Việt Nam suốt 1,5 thế kỷ dưới triều đại nhà Nguyễn (1802-1945). Trong tiến trình lịch sử này Huế đã chính thức trở thành trung tâm văn hóa lớn nhất và chính thức của người Việt từ hơn hai thế kỷ và cho tới nay. 
Tuy nhiên về văn hóa làng xã và văn hóa tộc họ, vùng Thuận Hóa được hình thành muộn hơn so với các làng xã ở miền Bắc. Vùng đất này tuy được sát nhập vào nước Đại Việt từ năm 1306, nhưng đây là vùng tranh chấp giữa người Việt và người Chăm; suốt hơn 1,5 thế kỷ chiến tranh xảy ra liên miên, khiến cho dân tình khốn khó. Cho mãi đến năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông cử đại binh đánh chiếm thành Đồ Bàn, cương giới nước Đại Việt đã đến vùng phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay, vùng đất Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa thì cư dân ở đây mới an cư lạc nghiệp được. Nhân dân đã dồn sức lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, đến giữa thế kỷ XVI làng xóm đã no đủ, yên vui. Đến lúc chúa Nguyễn lập phủ chính ở bên bờ sông Hương, địa bàn nước ta mới bắt đầu mở rộng về phía nam. Các làng xã vùng Thuận Hóa đã dần ổn định và bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Có thể nói văn hóa ở vùng Thuận Hóa tuy hình thành muộn hơn so với các tỉnh ở Bắc bộ. Nhưng nét văn hóa ấy không mang đậm dấu ấn của miền Bắc. Những nét ấy được thể hiện rõ khi cư dân người Việt đầu tiên vào lập nghiệp ở vùng Thuận Hóa. Lý do là vì khi di cư vào vùng Thuận Hóa, cư dân Việt đã có sự tiếp xúc với văn hóa Chăm. Sự giao lưu giữa hai nền văn hóa ấy đã tạo nên một nét văn hóa riêng. Lại thêm những điều kiện mà thiên nhiên ban phát cho vùng đất này đã tạo nên tiếng nói, điệu hò, cách ăn mặc, đi đứng… rất Huế, ở vùng TT - Huế ngày nay mà cư dân ở miền Bắc không thể có được.
Trong các sự khác biệt đó, dễ thấy nhất là trong văn hóa tín ngưỡng, mà tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng làng là một ví dụ.
Theo tác giả Nguyễn Từ Chi – khái niệm Thành hoàng giải thích theo gốc Trung Hoa thì hai chữ Thành Hoàng là chỉ vị thần trấn ở thành (thành:) và hào (hoàng: ), là những kiến trúc phòng ngự bao quanh một trung tâm chính trị, quân sự thời cổ. 
Nhưng với người Việt, thì hoàn toàn khác và tín ngưỡng Thành Hoàng có nhiều nguồn gốc phức tạp, trong đó phải kể đến các nguồn gốc bản địa: một vị thần đất, một nhân vật còn sót lại từ những thần thoại xưa, cũng có thể là linh hồn của những người đầu tiên đến khai thác một vùng đất đai, hay tổ tiên của một dòng họ lớn ở địa phương, kể cả một số nhân vật lịch sử của các triều đại, để chung đúc nên diện mạo thống nhất của một vị thần bảo vệ từng làng xã

Tuy vậy khái niệm và chân dung của Thành Hoàng làng xã ở Bắc bộ trong diễn trình lịch sử phát triển làng xã hàng nghìn năm, với dấu ấn của các bậc tiền nhân mở đất lập làng gắn liền với các bậc khai canh khai khẩn đã trở nên quá xa và mờ dần trong tâm thức của cư dân Bắc bộ, không còn là một thứ tín ngưỡng Thành Hoàng nữa. Mà đã được thay thế bằng những nhân vật và khái niệm hoàn toàn mới; đó có thể là những Thiên thần (Tản Viên, Phù Đổng), những nhân vật lịch sử có công lớn với đất nước (Lý Ông Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo…) và có khi, lại là một người đang sống, một ông quan to, hay một nhân vật có thế lực, đã có công với làng và được dân làng dễ dàng thay thế cho vị thần Thành Hoàng cũ nay đã không còn che chở gì được cho họ nữa. Chuyện thay đổi vị thần Thành Hoàng vì những nguyên do khác nhau là chuyện thường gặp trong các làng xã Bắc bộ.
Nhưng ở khu vực phía Nam mà điển hình là khu vực TT – Huế hiện nay, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng vẫn không thay đổi từ ý nghĩa nguyên sơ ban đầu của nó và thần Thành Hoàng làng là vị thần luôn ngự trị trong lòng người dân xứ Thuận Hóa từ nhiều thế kỷ nay và hầu hết các làng đều có nơi để thờ thần Thành Hoàng (có thể là miếu hoặc đình). 
Có nhiều lý do khác nhau đã khiến cho tín ngưỡng này vẫn được duy trì nơi đây mặc cho những biến cố lịch sử gần đây; nhưng lý do hiển hiện nhất là từ chính cuộc sống của cư dân nơi đây. Từ cuộc sống của con người đầy gian lao vất vả bởi muôn vàn khó khăn, nhiều khi không thể giải quyết được, điều đó khiến người dân chỉ còn biết trông cậy vào sự âm phù của siêu nhiên và nhất là vị thần mệnh danh là Thành Hoàng làng (bảo vệ cho làng). Vì vậy việc thờ Thành Hoàng làng đã không còn là một thứ tín ngưỡng mà đã trở thành một tập tục (tục lệ) của mọi cư dân vùng Thuận Hóa xưa và TT – Huế nay. Việc tế lễ “Xuân Thu nhị kỳ” các vị thần đã được cộng đồng dân cư tâm niệm thờ cúng, việc mở các hội làng đã thể hiện sự thành tâm của cộng đồng cư dân đối với thần, thánh, đồng thời là cơ hội gặp mặt của bà con họ hàng. Do vậy giữa mái đình và người dân đã có sự gắn bó mật thiết và gần gũi. Tóm lại thần Thành hoàng là một vị thần làm chủ trong một vùng đất nhất định và có nhiệm vụ bảo vệ, che chở cho con dân trong vùng đó.

Tuy nhiên Thần Thành Hoàng của mỗi làng xã thường có những nguồn gốc và truyền thuyết cũng khác nhau, điều này phụ thuộc vào diễn biến lịch sử của mỗi địa phương. Nhưng nói chung được phân làm ba hình thức, bao gồm: Thành Hoàng là Thiên thần, Thành Hoàng là Nhiên thần và Thành Hoàng là Nhân thần. 
- Tập hợp thần Thành Hoàng có nguồn gốc từ Thiên thần: Như các vị thần Thiên Y A Na, Thần Tản Viên hay Phù Đổng (chủ yếu được thờ ở khu vực phía Bắc).
- Tập hợp thần Thành Hoàng có nguồn gốc từ Nhiên thần: Đây là loại nhiều nhất như thần Sông, thần Núi, thần Cây, thần Sấm Sét, thần Đá… 
- Tập hợp Thành Hoàng có nguồn gốc từ Nhân thần(đây là hình thức đa số hiện nay tại TT – Huế): Thành Hoàng là Nhân thần đều có gốc tích, lai lịch rõ ràng, việc làm của thần là những hành động nghĩa cử của một con người bằng xương bằng thịt và các cống hiến của thần đều có liên quan ít nhiều với làng, với nước và là những nhân vật có thật trong lịch sử. Có thể đó là những danh tướng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (của triều Trần), có thể là các vị khai canh, khai khẩn được dân làng tôn lên làm thần Thành Hoàng. Hình thức này là thường thấy ở TT – Huế nhất, ví dụ: ở làng Dương Xuân (phường Hương Sơ) có một vị họ Ngô được tôn lên làm Thành hoàng làng, hay làng Thế Lại thượng có ngài họ Hồ mà theo tập truyền thì đây là vị khai canh của làng, cũng được tôn làm thần Thành Hoàng, vị người Họ Đinh Khắc ở làng Kế Võ (Phú Vang) được sắc phong của triều Nguyễn tôn làm Thần Thành Hoàng làng Kế Võ.

Dưới triều Nguyễn, các tỉnh đều có miếu thờ Thành Hoàng của một tỉnh được lập ở lỵ sở của tỉnh thành đó. Ở kinh đô Huế, có miếu Đô Thành Hoàng ở phía tây trong kinh thành Huế (nay thuộc phường Thuận Hòa).Việc tế thần Thành hoàng này do nhà nước chủ trì; cứ đến tháng hai, có lệ cử quan võ ra tế. 
Nói chung người dân ở các làng xưa kia ngoài thờ vị Bổn cảnh/ thổ/ xã/ xứ Thành Hoàng, dân ta cũng còn thờ vị Thổ thần, còn gọi là Thổ công: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, là vậy. Và mọi tư gia đều thờ Thổ công, còn Thành hoàng thì chỉ làng xã trở lên mới thờ .
Cũng xuất phát từ chính đặc trưng lịch sử - văn hóa của một vùng đất non trẻ trên con đường mở cõi đi về phương Nam của người Việt. Trong các đối tượng được làng xã thờ tự, thường phổ biến hiện tượng vinh danh một cách trọng thể các vị thần linh có hành trạng rõ ràng, gần gũi với đời sống nhân dân. Trái lại do phần lớn làng xã của người Việt ở Bắc bộ do định cư quá lâu dài, thời gian đã làm phai mờ hình ảnh các vị khai canh lập làng; hình ảnh của họ chỉ còn tồn tại khá mơ hồ trong tiềm thức của cư dân vùng này, có chăng ở đâu đó chỉ còn lại hình ảnh một vị thần Thành Hoàng. Nhưng cũng đồng thời thần Thành Hoàng ở đàng ngoài không ít chân dung là đại diện cho thế lực triều đình ở làng xã, thường là nhân vật lịch sử có thực hoặc được huyền thoại hóa; cũng có thể là những người có công với dân làng; hoặc thậm chí là những đối tượng có quyền lực ảnh hưởng đến sự an nguy cộng đồng.

Do đó vai trò của các bậc tiền nhân Khai canh Khai khẩn được đặc biệt ghi nhận một cách thật trang trọng trong mối quan hệ giao lưu tiếp biến văn hóa trên một vùng đất mới, có lẽ đó là nguyên nhân sâu xa cho sự ra đời của tín ngưỡng Thành Hoàng đúng nghĩa nhất của danh xưng này tại khu vực TT – Huế hiện nay. Sau đó với danh xưng đầy tính phiếm xưng, tồn tại phổ biến trong đời sống làng xã, là sự ra đời của các ngôi miếu Thành Hoàng nhưng quy mô, tính chất vừa phải, như một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này.
Quan nghiên cứu chúng tôi thấy một số đặc điểm trong việc thờ thần Thành Hoàng và thần Khai canh ở các làng xã trong khu vực TT- Huế, như sau: Nếu làng gốc có miếu Khai canh thì ở làng ngọn không có, nhưng miếu Thành Hoàng thì có thể có ở cả hai nơi. Như nói trên đây, miếu Thành Hoàng trong vùng này có quy mô khá khiêm tốn, thường tọa lạc trên một vùng rậm rạp heo hút, hay ở một khu đất ở cuối làng, đầu làng, nhưng cũng có khi miếu Thành Hoàng tọa lạc ở một bên đình làng. Nhưng miếu Thành Hoàng làng thường tọa lạc ở nơi có rất nhiều cây cổ thụ, tạo nên một nét linh thiêng, cổ kính và luôn được người dân trong làng trân trọng. 
Khi di cư vào Nam, ảnh hưởng của văn hóa đất Bắc ở vùng đất mới đã không còn phù hợp, không còn tính phiếm xưng nữa nên bắt buộc người Việt khi vào Nam phải tìm ra một vị Thành Hoàng mới, cùng với những sự tích rõ ràng, những nhân vật có thật. Chính những vị này đã bù đắp cho những khoảng trống tâm linh trong nét văn hóa tinh thần của người Việt khi di cư vào Nam. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn một số nơi tại chính TT – Huế vẫn tôn những vị Thành Hoàng là thần Chăm, hay những vị Thổ Thần làm Thành Hoàng .

Qua trình bày trên đây, chúng ta thấy mối quan hệ khá đặc biệt và thật gần gũi giữa Tín ngưỡng Thành hoàng và Tín ngưỡng Khai canh của cư dân Thuận hóa mà những nơi khác không có. Các vị Thần hoàng ở đây đa số là những người thật việc thật, hoặc các vị Khai canh, Khai khẩn được tôn lên làm Thành Hoàng khi những người dân của làng đều biết đều thấy; họ không phải là một cái gì đó xa vời hay trừu tương; hoặc bị áp đặt bởi cường quyền của nhà nước đương thời. Nên người dân đã gìn giữ nét văn hóa tín ngưỡng này một cách tự nguyện; mặc cho các biến động của thế cuộc.

THAY LỜI KẾT :
Trong các vị thần mà người dân thờ tự tại các làng quê xứ Huế, thì thờ cúng Thành Hoàng được coi là quan trọng nhất. Dù các vị Thành Hoàng là nhân vật siêu nhiên, huyền thoại hay những con người có thật việc thật; nhưng khi đã được người dân tôn sùng thì đó là sự phản ánh những quan niệm về tư tưởng, nguyện vọng, ước muốn và tình cảm của con người trong cuộc đấu tranh chống thiên tai địch họa bảo vệ cuộc sống yên bình của mình.
Khi nghiên cứu về tín ngưỡng Thành Hoàng ở vùng TT - Huế chúng tôi cũng đã gặp một số quan điểm khá sai lạc, khi một số nhà nghiên cứu mác- xít đã phê phán tục thờ cúng Thành Hoàng tại TT – Huế, họ cho rằng “ … thông qua một sức mạnh vô hình của Thành Hoàn Làng. Chế độ quân chủ tập quyền đã “lợi dụng” nó để biến thành một sợi đây vô hình rành buột người dân, phải tuân theo lề thói của chính quyền, nhằm phục vụ lợi ích cho chế độ”; mà theo họ việc ban sắc phong cho các vị thần, trong đó có thần Thành Hoàng là một ví dụ.
Theo tôi việc này cũng đương nhiên thôi, xã hội nào và chế độ chính trị nào cũng đều triệt để lợi dụng các tín ngưỡng của người dân để phục vụ cho lợi ích của thể chế cầm quyền cả. Nhưng vấn đề là các tín ngưỡng đó có được người dân trân trọng, đưa lên thành một thứ tập tục và duy trì từ đời này qua đời khác hay không lại là một vấn đề khác ?

ĐKT
12.01.2005

LỊCH SỬ NƯỚC TA KHÔNG CÓ CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN

Ngọ Môn Huế - biểu tượng một thời của chế độ quân chủ


Xin được nói ngay - đây là tựa của một bài viết của cụ Phan Khôi (1) cách đây trên nửa thế kỷ, vừa được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính và giới thiệu. Tôi không dám mạn bàn về bài viết của cụ Phan Khôi và tính thời sự của nó khi ra đời, hoặc chủ đích của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khi công bố bài viết này trong thời điểm hiện nay ? Tôi chỉ mượn duyên cớ này để nói về mặt thuật ngữ của chế độ phong kiến .
Vậy phong kiến là gì ? Về mặt thuật ngữ - PHONG KIẾN : 封建, là một từ cổ gốc Hán-Việt; xuất phát từ hệ tư tưởng chính trị thời Tây Chu, bên Tầu. Đây là từ ghép viết tắt của phong tước và kiến địa . Vào thời này, vua Chu thường phong tước và ban đất cho một số bà con và trung thần để họ lập lãnh địa riêng lập ra các nước chư hầu gọi là "phong kiến thân thích". Mỗi lãnh địa như thế cũng có khi được gọi là một nước. Tính ra vào các thời như Hạ, Thương, Chu có lúc đất Trung Hoa gồm hàng trăm nước. Chế độ phong tước – kiến địa này còn tiếp tục kéo dài sau thời nhà Chu khá lâu. Như vậy ở Trung Hoa, nạn cát cứ được chính thức thừa nhận và trong thực tế đã tồn tại rất lâu dài.
Mô thức nhà nước phong kiến hiểu theo nghĩa phong tước kiến địa cũng từng tồn tại khá phổ biến tại Châu Âu thời trung cổ. Trước đây một số học giả đã dùng chữ "phong kiến" để dịch chữ féodalité từ tiếng Pháp. Nếu nghiên cứu kỹ lại ta sẽ thấy cách dịch này là không đúng ? Vì chữ féodalité bắt nguồn từ chữ feod trong tiếng Latinh nghĩa là "lãnh địa cha truyền con nối ".Tuy vậy cả hai chữ này chỉ mới phản ánh hình thức phân phong đất đai chứ chưa phản ánh bản chất của chế độ đó.
Phong kiến phản ánh hình thức truyền nối và chiếm hữu đất đai của chế độ quân chủ chuyên chế, còn gọi là đế chế. Chế độ quân chủ tuyệt đối, là chính thể mà quân chủ nắm thực quyền. Hiến pháp không tồn tại trong chế độ này. Chế độ quân chủ chuyên chế thường có mặt tại các quốc gia chủ nô và các quốc gia phong kiến. Chế độ này thịnh hành ở các nước châu Âu vào các thế kỷ 17, 18 và Trung Hoa cổ đại .
Nhưng những thời kỳ quân chủ trước kia ở nước ta cũng được gọi là thời kỳ phong kiến thì có cái gì đó không ổn , nếu cho rằng “phong kiến chỉ phản ánh một giai đoạn, một thời kỳ hay là một hình thái của chế độ quân chủ ” thì càng không đúng nghĩa của thuật ngữ Phong tước – kiến địa.
Vào năm 1934, khi viết bài báo này (2), cụ Phan Khôi đã chỉ rõ " nước ta xưa nay không có chế độ phong kiến, cái chế độ ấy chưa hề xuất hiện trên lịch sử xứ ta ”.
Ở nước ta khi những guồng máy chính quyền đầu tiên của kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất như chính quyền của họ Khúc, họ Dương, họ Ngô đều là những chính quyền được tổ chức theo nguyên tắc tập trung và thống nhất. Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), sau một thời gian ngắn có loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất lại đất nước. Từ thời Đinh trở đi, độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia luôn gắn bó chặt chẻ với nhau, xuyên suốt của lịch sử nước nhà. Thời cực thịnh của đất nước là thời Lý (1010 – 1225) với chế độ thực phong - thực ấp và thời Trần (1226 – 1400) với chế độ điền trang – thái ấp, là chế độ dùng ruộng đất công để ban cấp cho quý tộc họ Lý hoặc họ Trần và cho một số người có công lao đặc biệt để họ lập phủ đệ riêng. Nhưng các hình thái xã hội này chỉ tạo ra những dáng dấp nhất thời và mờ nhạt của phong tước kiến địa và không hề dẫn tới tình trạng cát cứ địa phương, ngược lại, nhà nước thời Lý - Trần là nhà nước tập trung và thống nhất hùng mạnh.
Nhưng ở Trung Hoa thì hoàn toàn khác, Vua Chu (1122 - 249 trước CN, là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Trung hoa – 873 năm ) chỉ nắm quyền lực ở trung ương . Nhà Chu đóng đô ở Cảo Kinh (gần Tây An ngày nay), và chỉ quản lý một vùng đất rất nhỏ quanh kinh đô còn thì chia hết cho các chư hầu. Vua phong tước cho một bầy tôi (hoặc là một người trong họ nhà vua, hoặc là một công thần...) và cho người đó một khu đất để người đó lập nước riêng. Người đó thành một chư hầu của vua, bổn phận của chư hầu là 1-2 năm một lần phải triều cống thiên tử - cống phẩm là sản vật trong nước - trình bày về tình hình cai trị trong nước. Có sự xích mích gì với lân bang thì không được tự giải quyết lấy bằng vũ lực mà phải để thiên tử xử; khi chư hầu chết, truyền ngôi lại cho con thì phải được thiên tử chấp nhận. Ngược lại bổn phận của thiên tử là phải che chở, giúp đỡ các chư hầu: nước nào bị ngoại tộc xâm lăng thì đem quân lại cứu; nước nào mất mùa thiên tử cũng phải cứu trợ. Và 5 năm một lần, thiên tử đi thăm hết các chư hầu một lượt và nghe các nguyện vọng của họ.
Định chế này giúp nhà Chu cai trị được một lãnh thổ rộng gấp mười đất của tộc Chu mà không phải dùng nhiều quân đội, không tốn sức. Nó lập được một tổ chức có trật tự, trên dưới đều có quyền lợi và bổn phận. Nhưng định chế này sẽ bị vô hiệu hóa khi quyền lực của Thiên tử bị suy yếu. Thực tế đã chứng minh vào cuối thời Đông Chu khi Đông Chu bị nhà Tần tiêu diệt (năm 249 trước công nguyên) .
Tại châu Âu vào thời Trung cổ, chế độ quân chủ ở đây có hệ thống đẳng cấp dựa trên quan hệ Vua (đại diện cho giới quý tộc) - lãnh chúa (chư hầu), tình trạng cát cứ tồn tại và kéo dài. Những người được phong đất được trở thành chủ đất, những vùng đất được phong sẽ trở thành lãnh địa riêng của người đó (lãnh chúa). Do đó chế độ phong kiến ở đây có đặc điểm là có kinh tế lãnh địa, có hai giai cấp chính trong xã hội là lãnh chúa và nông nô. Đồng thời việc phân phong đất đai gắn liền với phương thức sản xuất chủ đất – tá điền. Người nông dân trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất đó phải đóng thuế đất (địa tô) cho lãnh chúa.
Qua so sánh trên đây chúng ta thấy cả hai hình thái xã hội này hoàn toàn không có trong lịch sử việt Nam. Trải qua các triều đại, các vua đương triều vẫn có phong công hầu khanh tướng cho các bề tôi, lại có phong đến tước vương nữa. Nhưng những người chịu phong tước ấy có danh mà không có thực, vì thực tế chẳng có ai được đất phong lớn, được hưởng cả huê lợi, được cai trị dân như các vua chư hầu đời xưa dưới chế độ phong kiến thực sự như nói trên đây cả. Đại để mỗi người được phong tước thì vua tuỳ từng đẳng cấp mà ban cho ruộng đất ít nhiều, gọi là “thái địa”.
Thái địa ấy tự người được phong muốn chọn nơi nào thì chọn, và được truyền lại cho con cháu như đất tư của mình. Thái địa ít thì chừng mấy mẫu, nhiều thì chừng mấy chục mẫu, nhiều lắm cũng đến choán lấy mấy làng là cùng, chớ không khi nào được đến một tỉnh hay một trấn mà có thể làm thành một nước nhỏ được. Vả lại người được phong chỉ có quyền về thổ địa mà không có quyền về nhân dân ở trên thổ địa ấy; bao nhiêu người dân từ trước lập nghiệp trên thái địa cũng vẫn trực tiếp chịu quyền cai trị của nhà vua. Điều này là một sự khác biệt với các chế độ quân chủ khác ở các nơi trên thế giới, nhất là ở Trung Hoa.
Cũng bởi nhiều lý do, đã dẫn đến sự nhầm lẩn kéo dài của các nhà sử học trước đây, nhưng theo tôi có một lý do xuyên suốt để chế độ phong kiến không thể tồn tại ở nước ta theo đúng nghĩa của hai từ này, đó là vì đất nước ta quá nhỏ. Một trong những lý do mà chế độ phong kiến tồn tại dai dẳng trên đất nước Trung Hoa vì Trung Hoa vào thời ấy đã quá lớn, quá rộng mà phương tiện giao thông lại thô sơ, đi lại khó khăn, nên vua phải ban đất cho công thần, con cháu, để làm phên dậu mà cai trị giúp. Đất đai đó được xem như là của riêng của các chư hầu, các chư hầu có quyền bán, tặng, đổi đất đai vì quyền lợi công hay tư, mà không cần phải có lệnh nhà vua.
Đến đời Nhà Tần (221-206) thì đường sá đã khá mở mang, giao thông thuận tiện hơn nên Tần Thủy Hoàng nhận thấy chế độ Phong Kiến chỉ đem lại hiềm khích, chiến tranh làm khổ nhân dân, nên đã chia lãnh thổ ra làm quận, huyện và phái công chức (quan lại) đi trấn nhiệm để cai quản. Từ thực tế này, so sánh với nước ta, nếu thời nhà Lý và nhà Trần được gọi là cực thịnh trong lịch sử đất nước (đánh thắng quân Tống, Nguyên), thì lãnh thổ đất nước cũng chỉ loanh quanh ở vùng đồng bằng Bắc bộ và vùng duyên hải hai tỉnh Thanh hóa và Nghệ An hiện nay, dân số thì chưa đến một triệu người. Tới thời Hậu Lê có mở rộng về phía Nam chút ít, nhưng sau đó thì thời Trịnh – Nguyễn (năm 1626) đất nước bị chia hai thành hai nước riêng biệt khá nhỏ bé. 
Khi mọi người hiểu rõ được như thế nào là phong tước – kiến địa như một phần phân tích trên đây, chúng ta sẽ biết chế độ phong kiến thật sự có tồn tại trong lịch sử dân tộc hay không ?
Cũng chính cụ Phan Khôi khi viết bài báo nói trên - năm 1934 (2), là lúc cụ đang sống dưới chế độ thực dân - phong kiến như cách gọi thông thường lúc ấy và như hiện nay, nhưng cụ đã cho rằng : " các nhà xã hội học An Nam (?) làm sao lại nhắm mắt nói liều rằng “người mình chịu áp bách dưới chế độ phong kiến” hay là “chúng ta ngày nay bắt đầu thoát ly chế độ phong kiến” được ? Chế độ phong kiến ở bên Tàu có, ở bên Nhựt Bổn có, ở bên Tây có ; song có thể nào lấy cớ mấy xứ ấy có chế độ phong kiến mà buộc cho xứ ta từ xưa cũng phải có chế độ phong kiến ? ".
Hiện nay có một số học giả có ý kiến là “có nên dùng hai chữ QUÂN CHỦ thay cho hai chữ PHONG KIẾN để nói đến lịch sử Việt Nam trước thời thành lập nền cộng hòa chăng ?”. Vì thật tế - nước ta không có cái chế độ phong kiến ấy.
Nhưng vẫn như thường thấy, với một điều khá rõ ràng như vậy nhưng giới nghiên cứu văn hóa xứ ta vẫn vui vẻ đón nhận như một sự an bài. Chẳng mấy ai cố công tìm hiểu xem cái thành ngữ này từ đâu mà ra, rằng nó được đưa ra là nhằm phục vụ cho ai; tại sao ý tứ của nó khá là lổn ngổn như vậy nhưng nó vẫn tồn tại một cách lâu dài và khá vững chắc ! Phải chăng như dư luận vẫn lan truyền câu chuyện, giới nghiên cứu văn hóa tại nước ta xưa nay vốn là giới thấp cổ bé họng nhất trong xã hội. Bởi tuy là người luôn phải đón nhận đầu tiên mọi cái "mới - lạ", nhưng luôn "an phận thủ thường" chấp nhận mọi sự áp đặt, dù nhiều lúc nó khá là ngược ngạo !
Cũng biết văn hóa thời nào cũng vậy, phải phục vụ cho nhu cầu chính trị của giới cầm quyền; nhưng đây không chỉ đơn thuần là một vấn đề về chuyên môn mà còn là một phạm trù thuộc về bản sắc văn hóa của người Việt - đó là tiếng nói. Bởi tiếng Việt của chúng ta vốn phong phú, nhưng phải biết sử dụng cho đúng nơi đúng chỗ mới thấy hết được sự thâm thúy của nó. Nếu không biết cách dùng có thể đánh mất bản sắc của chính mình và chính dân tộc mình .
Có một dẫn chứng rất cụ thể mà ai cũng thấy, và rất nhiều người đã vô tình phạm phải nhưng không phải ai cũng biết là mình đã sai khi không biết sử dụng tiếng Việt cho đúng: Hiện nay, hàng ngày ra đường chúng ta thấy hàng hóa xuất xứ từ một nước láng giềng phương Bắc đang tràn ngập mọi hang cùng ngõ hẻm ở nước ta, chúng ta gọi đó là hàng Trung Quốc. Nhưng tên gọi đầy đủ của nước láng giềng này là Cộng Hòa nhân Dân Trung Hoa, gọi tắt là nước Trung Hoa chứ không phải là Trung Quốc. 
Danh xưng Trung Quốc không được sử dụng trong bất cứ văn bản nhà nước chính thức nào của nước Trung Hoa ngày nay, nó chỉ tồn tại một cách không chính thức để chỉ một hệ tư tưởng Đại Hán của Trung Hoa thời cổ đại. Thời kỳ này người Hán tự cho mình là mạnh nhất, là thông minh nhất ; các nước chung quanh bị họ gọi một cách miệt thị như : Nam man, Tây di, Bắc địch. Họ cho rằng nước của họ là trung tâm của thế giới và tự xưng là nước ở giữa (trung quốc hay trung nguyên). 
Nay nếu chúng ta không biết cách dùng từ ngữ để gọi cho đúng, mà cứ gọi là Trung Quốc thì vô tình quảng cáo không công cho anh ba tàu ? 
Qua so sánh trên đây, nếu những ai có chút kiến thức về lịch sử nước nhà sẽ dễ dàng đồng ý với cụ Phan Khôi. Nhưng cụ viết, cụ nói là việc của cụ, vì liệu có mấy người đồng ý với cụ khi họ được dạy một cách hiểu hoàn toàn khác về cái thành ngữ này ./.
ĐKT
12.02.2006

Chú thích:
(1) Phan Khôi (1887 - 1959) : Là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, về sau đứng trong trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm . Ông sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trân (tri phủ Diên Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu). Ông có quan hệ họ hàng với nhà cách mạng Phan Thanh và Phan Bôi tức Huỳnh Hữu Nam. Ông học giỏi Nho văn và đỗ tú tài năm 19 tuổi.
- Xin lưu ý quý độc giả : Nhà cách mạng Phan Thanh là thân sinh của ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẳng, nguyên thường trực Ban Bí thư.
(2) Nguồn: Phụ nữ Tân văn, Sài Gòn, số 268 / 29 Novembre 1934 .

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...