QUÊ NGOẠI !

Tác giả bài viết trước bàn thờ Chi phái họ Đặng bên ngoại

      Trong dịp về dự Lễ Chạp tại quê ngoại vừa qua, khi bà con tập trung về dự lễ Chạp , trong lúc chờ đợi một vài người bà con có hỏi tôi về một số câu chuyện về lịch sử vùng này; qua trao đổi có một người anh bà con bên ngoại đã có lời trách cứ khá nhẹ nhàng, là: “Tôi viết về xứ Huế khá nhiều nhưng chưa thấy viết về quê ngoại, phải chăng là thiếu tình cảm với vùng quê nghèo này…”. Tôi đã xin lỗi người anh và hứa sẽ viết về quê mẹ. Tuy tư liệu về vùng quê này tôi cũng có kha khá, nhất là tư liệu lịch sử … nhưng chọn chủ đề nào để viết cũng là rất khó. Và bài viết nên đăng trên các báo chính thống hay các trang mạng xã hội với tôi tuy cũng không có gì khó khăn cả, nhưng đây là một vấn đề khá tế nhị. Nhưng căng nhất hiện nay là không có thời gian.
     Tuy nhiên bấy lâu nay tôi vốn được bà con bên ngoại khen là một đứa cháu ngoan; vì mâm nào cũng có tôi (tức là nhà ngoại có bất cứ việc gì đều có mặt tôi), nên không thể làm bà con phật lòng được. Nay tranh thủ giữa những giờ nghĩ viết nên bài tự sự ngắn này, nhằm giới thiệu với mọi người về một vùng đất anh hùng – làng Viễn Trình quê ngoại của tôi !

     Quê nội của tôi và quê ngoại – nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên cách nhau một con sông Rào, với chiều dài đôi bờ là khoảng 02km;  sách vở gọi là đầm Hà Trung thuộc hệ thống đầm phá Tam giang – Cầu Hai, nhưng với chúng tôi thuở ấu thơ khi hàng ngày lội xuống đây mò cua (ghẹ) bắt ốc thì chúng tôi chỉ gọi đơn giản là sông Rào. Đây là một vựa tôm cá nước lợ tự nhiên rất lớn mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân quê tôi, nhưng nó cũng vô tình ngăn cách tình cảm, ngăn cách hai thái cực của hai ngôi làng thân thương này của chúng tôi. Quê nội (xã vinh Xuân) là một vùng quê ven biển khá thanh bình, ít bị tác động của chiến tranh; nhưng trái lại quê ngoại (xã Phú Đa) lại là một khu căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên trong hai cuộc kháng chiến vừa qua.


Bản đồ hành chính huyện Phú Vang

    Quê ngoại của tôi là thôn Viễn Trình (thường gọi là làng Viễn Trình), thuộc xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trước năm 1975 đây là một vùng quê nghèo đầy cát trắng, đây là vùng tranh chấp của hai bên, hay thường gọi là vùng đất “ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản”, thường xuyên nổ ra những trận đánh của hai bên. Trong giai đoạn 1966 – 1975 làng quê vắng lặng, bị chiến tranh tàn phá đến tận cùng; đa số người dân phải từ bỏ quê hương vào các tỉnh phía Nam lập nghiệp. Làng xóm chỉ còn lại những người già sinh sống nhưng cũng đều bị lùa vào sống trong những ấp chiến lược. Vào những năm 1973 – 1975 khi về thăm quê ngoại, thì trước mắt tôi là một vùng cát trắng tới lóa mắt và vào buổi trưa nếu không mang giày dép thì ta có thể bị phỏng chân khi dẫm lên cát trắng.

Ảnh vệ tinh khu vực thị trấn Phú Đa

     Tuy nhiên làng Viễn Trình là một ngôi làng có truyền thống đấu tranh cách mạng khá nổi tiếng trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ của quân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế, hầu hết người dân trong làng đều tham gia hai cuộc kháng chiến này. Cùng với các làng khác trong xã Phú Đa đã được Nhà nước Việt Nam tuyên dương 02 lần danh hiệu  Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
     Sau năm 1975, vùng quê cát trắng này đã có nhiều thay đổi, người dân lưu lạc khắp nơi đã trở về quê sinh sống, làng xóm đã hồi sinh. Thôn Viễn Trình ngày nay, hợp với các thôn Hoà Đa Đông, Hoà Đa Tây, Trường Lưu, Đức Thái, Thanh Lam và Lương Viện hình thành nên xã Phú Đa. Ngay sau khi huyện Phú Vang được tái lập khi tách ra từ huyện Hương Phú, xã Phú đa được chọn làm trung tâm hành chánh của huyện Phú Vang mới. Ngày 30 tháng 5 năm 2011, thị trấn Phú Đa được thành lập trên cơ sở toàn bộ 2,966 ha diện tích tự nhiên và 11.988 người dân của xã Phú Đa.
      Thị trấn Phú Đa nằm ở Trung tâm huyện lỵ Phú Vang, giữa đầm Hà Trung và con sông Đại Giang (một chi lưu của sông Hương), cách thành phố Huế 20 km, cách quốc lộ 1A,  đường sắt Bắc Nam sân bay quốc tế Phú Bài chỉ hơn 5 km.
     So với các làng chung quanh, làng Viễn Trình được thành lập khá sớm, theo sách Địa Chí tỉnh TT- Huế cho biết làng được thành lập từ những năm đầu thế kỷ 16. Tuy nhiên theo những nghiên cứu của tôi thì đây là ngôi làng được thành lập từ cuộc nhập cư của những cư dân vùng Châu Hoan, châu Ái (tức Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay) vào Thuận Hóa từ thời Lê – Mạc (1428-1558). Chính xác là ngôi làng được lập nên vào thời nhà Mạc (1527-1592).
     Cũng xin được điểm lại một chút về lịch sử vùng Thuận Hóa trong giai đoạn hình thành nên ngôi làng này :  
     Từ năm 1306 trở về trước Xứ Thuận Hóa vốn là Châu Ô và Châu Rí của nước Champa (Chiêm thành), sau cuộc ra đi của Công Chúa Trần Huyền Trân về làm dâu Champa, vùng đất này được trở về Đại Việt như là một món quà cưới của Vua Chế Mân nước Champa – Đó là cội nguồn của xứ  Thuận Hóa, mà lúc mới trở về Đại Việt được đặt tên là Châu thuận và Châu Hóa, tới thời nội thuộc nhà Minh được gom lại thành xứ Thuận Hóa. Xứ Thuận Hóa là vùng đất trải dài từ tỉnh Quảng Bình cho tới huyện Điện bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay .
     Sau khi trở về Đại Việt năm 1306,  triều đình nhà Trần đã cử Quan binh vào trấn giữ đồng thời di dân Đại Việt vào khai hoang vùng đất mới, nhân cơ hội này cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng trấn Sơn Nam và vùng Thanh – Nghệ đã lũ lượt kéo nhau vào khai hoang xây dựng quê mới, thành lập nên những làng mới, hình thành nên những dòng họ mới. Sự kiện này đã đánh dấu điểm bắt đầu của công cuộc mở mang bờ cỏi về phương Nam kéo dài mấy trăm năm về sau của dân tộc ta . 
       Riêng vùng Thuận Hóa, có bốn cuộc nhập cư lớn. Từ năm 1306 cho tới cuộc chiến tranh cuối cùng giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn năm 1672, các cuộc di dân lúc này chủ yếu là các cuộc di dân từ bắc vào nam. Sau năm 1672, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai lấy sông Gianh làm giới tuyến, các cuộc di dân bị gián đoạn hơn 100 năm cho tới  khi Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh tan quân Trịnh thống nhất đất nước năm 1786, các cuộc di dân mới có thể được tiếp tục. Thời kỳ này chứng kiến một hiện tượng là có những cuộc nhập cư ngược từ phía Nam vào Thuận Hóa (Phú Xuân), họ là những người theo đoàn quân của Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh đến đóng quân ở Kinh Đô Phú Xuân , đã ở lại định cư lập nghiệp ở đây.
    Các cuộc nhập cư lớn vào Thuận Hóa qua các thời kỳ gồm :
        - Cuộc nhập cư thời Trần – Hồ (1307-1428)
        - Cuộc nhập cư thời Lê – Mạc (1428-1558)
        - Cuộc nhập cư thời Trịnh – Nguyễn (1558-1786)
        - Cuộc nhập cư thời Tây Sơn – Nguyễn (1786-1945)
      Vì chủ đề của bài viết là chỉ nhằm giới thiệu về một ngôi làng - làng Viễn Trình nên xin phép là không mở rộng chủ đề ra được, chỉ xin được bàn về công cuộc nhập cư của cư dân phía Bắc vào Thuận Hóa thời Lê – Mạc (1428-1558) và sự hình thành của ngôi làng này.
      Theo sử cũ cho biết, công cuộc Nam tiến của người Việt lúc đầu cũng không được thuận lợi cho lắm. Vì sau khi Công chúa Huyền Trân qua làm dâu nước Chiêm Thảnh chưa tròn 02 năm thì vua Chế Mân chết; theo tục lệ của nước Chiêm các bà vợ vua phải chết theo chồng. Vua Trần Anh Tông thương em đã sai quân đội vào tận kinh thành Đồ Bàn phục kích chờ sẵn nhằm cướp lại em gái. Khi công chúa Huyền Trân sắp bị đưa lên giàng thiêu trên bãi biển thì quân Đại Việt bất ngờ xông tới cướp công chúa khỏi tay người Chiêm Thành, cứu công chúa thoát khỏi cái chết và đưa ra thuyền vượt biển đem về lại Đại Việt. Sau sự kiện này, quân Chiêm Thành lấy cớ đòi lại Châu Thuận và Châu Hóa, đã liên tục tấn công Thuận Hóa chiến tranh xảy ra liên miên. Đỉnh điểm là năm 1377 Vua Trần Duệ Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chiêm Thành, trong một cuộc tiến quân đánh chiếm thành Đồ Bàn, Vua Trần Duệ Tông vì mắc mưu trá hàng của địch đã tử trận tại kinh đô Đồ Bàn, quân Đại Việt đại bại. Quân Chiêm Thành đã phản công tiến chiếm lại Châu Thuận, Châu Hóa chiếm luôn Châu Hoan, châu Ái (tức là toàn bộ vùng Thanh - Nghệ - Tỉnh và Bình - Trị - Thiên của Việt Nam hiện nay) suốt 12 năm đồng thời xua đuổi hầu hết người Việt khỏi khu vực này.
      Quân Chămpa thậm chí đã nhiều lần tấn công cướp phá thành Thăng Long, cho đến tháng Giêng năm Canh Ngọ ( 1390 ) - Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga bị quân Đại Việt bắn chết trong khi tấn công thành Thăng Long quân Chiêm Thành bại trận mới rút khỏi vùng đất này. Thành quả xây dựng gần 100 năm của cư dân vùng Thuận Hóa lại phải bắt đầu lại từ con số không.
      Cho mãi tới cuối thế kỷ 14 cư dân vùng Thuận Hóa mới bắt đầu đông dần lên, nhà Trần đã lập tại vùng đất Hóa Châu 7 huyện mới : Trà Kệ, Lợi Bồng, Sa lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinhvới khoảng 40 làng (ấp, thôn, trại, sách)
      Nhưng không lâu sau đó nhà Trần suy vong (năm 1400), nhà Hồ lên thay, nhưng nhà Hồ tồn tại quá ngắn ngủi (1400 – 1407). Vì mất lòng dân - cuộc kháng chiến chống quân Minh của Nhà Hồ bị thất bại, năm 1407 cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim lăng; nước ta bị giặc Minh chiếm đóng trong hơn 20 năm. Trong thời gian Đại Việt bị quân Minh đô hộ, lợi dụng việc này quân Chiêm Thành đã tiến chiếm lại vùng Thuận Hóa và 2 châu Chiêm Động, Cổ Luỹ (Quảng Nam, Quảng Ngãi).
     Cho đến năm Mậu Thân(1428), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước mới trở lại thời tự chủ.
      Sau chiến thắng giặc Minh (1428), Vua Lê Thái Tổ đã cử quan quân vào lấy lại Thuận Hóa và cử các trọng thần vào trấn thủ, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường di dân, khai hoang phục hóa, thành lập các làng xã mới. Nhưng tình hình Thuận Hóa không ổn định, quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công châu Hóa. Sau khi nhà Hậu Lê tiếp quản Thuận Hóa, quân Chiêm Thành đã liên tục quấy nhiễu khiến cho cư dân vùng này không thể an cư được. Nhất là sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (1434), quân Chiêm Thành lại nhiều lần vượt đèo Hải Vân tấn công châu Hóa. Năm 1446 vua Lê Nhân Tông cử đại quân chủ động tấn công quân Chiêm Thành, đẩy lui quân Chiêm ra khỏi xứ Thuận Hóa giữ yên bờ cõi.
     Năm 1469, quân Chiêm Thành lại khởi sự chiến dịch quấy phá Hóa Châu, tháng 9/1470, vua Chiêm Thành là Bàn Trà Toàn đã huy động 10 vạn quân và voi ngựa tiến đánh châu Hóa. Cuối năm đó vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Sau nhiều trận giao tranh, quân Chiêm tan vỡ, vua Lê Thánh Tông đã đưa quân đánh vào tận kinh đô Bồ Đàn, chiếm kinh đô của Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Bàn Trà Toàn đem theo về Đại Việt.
    Sau chiến thắng Đồ Bàn - năm 1471 của quân dân Đại Việt, chiến dịch bình định phương Nam dưới quyền Tiết chế của vua Lê Thánh Tông thắng lợi hoàn toàn. Đã chấm dứt mối đe dọa xâm lấn Hóa Châu của người Chăm pa, cương giới nước Đại Việt đã vào tận tận đèo Cù Mông phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay, vùng đất Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa .
     Chỉ sau chiến thắng lịch sử này(1471), nhân dân vùng Thuận Hóa - mới thực sự được hưởng thanh bình, ổn định liên tục trong nhiều năm sau. Nhân dân vùng này, có được một khoản thời gian hơn 50 năm thanh bình đã ra sức khôi phục và tái thiết quê hương, khôi phục lại các làng xóm bị tàn phá, nhân dân lưu tán do chiến tranh. Hưởng ứng chủ trương di dân, nhân dân các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trấn Sơn Nam và các Châu Hoan, Ái (tức là Thanh Hoá và Nghệ An ngày nay) cùng một số quan quân Nam chinh trở về đã đem gia đình và bà con vào khai khẩn đất hoang, hàng loạt các làng - xã đã được thành lập vào thời gian này trên vùng đất này.
      Đây là giai đoạn khởi thủy chính thức của các làng – xã cổ nhất, các tộc Họ lâu đời nhất tại Hóa Châu (Thừa Thiên – Huế ngày nay). Trước thời điểm này (cụ thể là trước năm 1446), tại Hóa Châu không thể có một làng – xã nào được định danh và có được địa bàn cư trú cụ thể cả.
       Nhân dân vùng Thuận Hóa thoát khỏi nạn chiến tranh đã dần đi đến ổn định và bắt đầu giai đoạn phát triển, quá trình di dân từ phía Bắc vào Thuận Hóa được tiếp tục. Hàng loạt các ngôi làng mới được thành lập trong dịp này, như : Duy sơn, Tân chu, Nghi giang, Diêm trường, Phụng chánh, Cự lại, Kế chủng (Kế sung), Thái dương, Hòa duân, Hà cùng (An dương), Triều sơn, Thanh cần, La Khê, Bao vinh, Đức bưu, Dương Xuân, Phổ Lại, Đại Lộc , Kế Môn, Phò Trạch, Hương Triền (Thanh Hương), Đàm bổng(Ưu Điềm) ….
     Năm Bính Tuất (1466) Vua Lê Thánh Tông tổ chức cải cách hành chánh tổ chức đặt 13 đạo Thừa Tuyên trong cả nước, xứ Thuận Hóa được gọi là Thừa Tuyên Thuận Hóa, gồm có hai phủ là Phủ Tân Bình và Phủ Triệu Phong. Ba huyện Kim trà, Đan Điền và Tư Vinh nằm trong phủ Triệu Phong là toàn bộ diện tích tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay.
      Cuối thời nhà Lê (1527), miền Bắc lại lâm vào giai đoạn bất ổn, triều đình bị phân chia bè phái, tranh chấp nhau, khiến cho xã hội loạn lạc, sản xuất đình đốn vì chiến tranh liên miên. Trái lại vùng Thuận Hóa lại bình yên, nên nhân dân ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ đã dắt díu nhau di cư vào Thuận Hóa mục đích là tìm nơi yên ổn để làm ăn sinh sống , xây dựng quê mới. Đây là đợt di cư tự phát nhưng rất đông đảo.
       Lại nói một chút về địa giới thành chánh và việc tách nhập của ngôi làng Viễn Trình và xã Phú Đa từ khi được thành lập cho tới nay. Theo đó từ tháng sáu năm Bính Tuất, Quang Thuận thứ 7(1466) nhà Hậu Lê (Lê Sơ) bắt đầu cải tổ hành chánh, vua Lê Thánh Tông đổi Lộ thành Phủ, đổi Trấn thành Châu. Lúc này xứ Thuận Hoá gồm 02 Phủ, 07 Huyện và 04 Châu, trong đó Phủ Triệu Phong gồm có 05 Huyện là: Hải Lăng, Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh.
       Ba huyện Kim Trà (Hương Trà), huyện Đan Điền (Quảng Điền) và huyện Phú Vinh (Phú Vang) thuộc Phủ Triệu Phong là toàn bộ vùng đất địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay.
     Vào những thập kỷ nữa đầu thế kỷ 16, dân cư vùng Hóa Châu (tức tỉnh Thừa Thiên) còn thưa thớt, cấp hành chánh cấp tổng chưa có, trong danh sách các làng thuộc huyện Kim Trà lúc ấy đã thấy có tên làng Viễn Trình và làng Lương Viện; huyện Phú Vinh có làng Hà Đá (tức Hòa Đa Đông và Hòa Đa Tây) là 03 ngôi làng duy nhất của thị trấn Phú Đa được thành lập trước năm 1555 và có tên trong sử sách trước mốc thời gian này.
      Để kiểm tra lại tư liệu này, tôi đã tìm đọc tác phẩm Châu ô cận lục (Hán tự: 烏州近, có nghĩa là "ghi chép về Ô Châu gần đây") do học giả Dương Văn An (楊文安) (1514 1591) viết từ năm 1553, sửa chữa và ấn hành vào năm 1555, dưới triều vua Mạc Tuyên Tông. Đây là một cuốn sách Địa lý (chí) viết về một dãi đất từ Quãng Bình đến Bắc Quãng Nam vào nửa đầu thế kỷ XVI dưới thời Lê – Mạc, rất chi tiết và cụ thể.
      Đây là cuốn địa phương chí quan trọng đầu tiên viết về vùng đất Thuận Hóa của nước Việt chúng ta ở thế kỷ XVI. Đây là một tác phẩm khoa học có giá trị văn học lớn. Tuy biết rằng trước đó trong cuốn sách Dư địa chí (Hán tự : 輿地誌) (1435)Nguyễn Trãi đã có viết về vùng đất Thuận Hóa khá chi tiết. Đây đồng thời cũng chính là tác phẩm "điạ lý học lịch sử" đầu tiên của Việt Nam; nhưng xét về mặt địa phương chí và lịch sử vùng Thuận Hóa thì tác phẩm "Ô Châu Cận Lục" mới chính là cuốn sách quý giá nhất. Nó có giá trị cực kỳ lớn lao với tất cả các nhà nghiên cứu sử cũng như mọi từng lớp cư dân xứ Thuận Hóa từ xưa đến nay.
      Theo tự sự của chính tác giả trong lời bạt của cuốn sách thì ông viết hoàn chỉnh cuốn sách Châu ô cận lục vào niên hiệu Cảnh Lịch thời nhà Mạc - ngày rằm tháng sáu năm Ất Mão (1555). Khi đang giữ chức Đô cấp sự Trung lại Khoa, tước Sùng Nham Bá, trong lúc đang về cư tang ở quê nhà.
      Theo tác giả thì nhân dịp về cư tang ở quê nhà lúc ông 40 tuổi (năm 1553), trong ba năm rảnh rỗi ấy đã được dùng vào việc "đọc khắp các loại sách", ông đã gặp được hai bản chép tay của hai nho sinh đồng hương viết về hình thế sông núi, sản vật, phong tục tập quán và các nhân vật nổi tiếng ở hai phủ Tân Bình và Triệu Phong. Ông liền khảo cứu thêm và bổ sung cũng như lược bớt những chỗ rườm rà và đặt tên mới là Ô Châu Cận Lục, thành một tác phẩm địa phương chí hoàn chỉnh. Công trình của ông hoàn tất vào năm 1555 và giá trị lịch sử của nó đã được khẳng định qua hàng trăm năm sau , đến cho cả ngày nay.
     Công trình địa phương chí nầy gồm sáu quyển :
       - Quyển một, giới thiệu mô tả núi sông xứ Thuận Hóa
       - Quyển hai, nói về sản vật xứ Thuận Hóa: thổ sản, lâm sản, hải sản, hoa trái chim muông, cầm thú.
       - Quyển ba, có tên là : Bản đồ, liệt kê danh mục các phủ huyện, châu, xã , làng  xứ Thuận hóa, và bàn về phong hóa xứ Thuận Hóa. Đây là quyển quan trọng nhất.
     - Quyển bốn, nói về thành thị xứ Thuận Hóa, liệt kê, mô tả thành, chợ, trạm, bến bờ.
       - Quyển năm, giới thiệu, mô tả các thắng cảnh, chùa tháp, đền miếu xứ Thuận Hóa.
      - Quyển sáu, bàn về chế độ quan chức xứ Thuận Hóa và ghi chép tiểu sử của 102 nhân vật quê ở Thuận hóa từ đầu thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI : những người đỗ đạt cao, quan văn, quan võ, những người trung nghĩa, tiết hạnh… tất cả được miêu tả rất chi tiết và có địa chỉ cụ thể.
     Qua nghiên cứu từ quyển 3 và quyển 4 của tác phẩm Ô châu Cận Lục cho thấy làng Viễn Trình đã được liệt kê trong cuốn sách này, cùng với làng Viễn Trình là làng Lương Viện và làng Hòa Đa là 03 ngôi làng duy nhất thuộc thị trấn Phú Đa ngày nay được liệt kê trong cuốn sách Địa chí này ngay từ năm 1555.
    Lúc này (năm 1555) làng có cái tên là làng Viễn Trình, thuộc huyện Kim Trà (Hương Trà), phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa. Vẫn thuộc quyền cai quản của triều đình nhà Mạc.
    Cũng xin lưu ý với quý độc giả là tuy trước năm 1540 Nguyễn Kim đã khôi phục lại nhà Hậu Lê (gọi là Lê Trung hưng) tại nước Ai Lao. Sau khi chiêu tập được một số các cựu thần trung thành với nhà Lê tại nước Ai Lao, năm Canh tý (1540) ông đã kéo quân từ Ai Lao về chiếm thành Nghệ An từ tay nhà Mạc, năm Nhân Dần (1542) chiếm lại thành Tây Đô (Thanh hóa). Biến vùng Thanh - Nghệ thành một căn cứ địa của các cựu thần nhà Lê trong công cuộc phục hồi lại nhà Hậu Lê sau này. Nhưng vùng đất từ Hà Tĩnh vào Nam vẫn do quan quân nhà Mạc cai quản, mà tác giả của Ô Châu Cận Lục - Dương Văn An vẫn là một trung thần của nhà Mạc.
     Mãi tới sau năm 1558, vùng châu Hóa mới bị Nguyễn Hoàng chiếm lại từ tay quan quân nhà Mạc. Kể từ khi vào Nam trấn thủ vùng đất này, Nguyễn Hoàng đã cùng con cháu các đời Chúa Nguyễn xây dựng Thuận Hóa và vùng đất phía Nam thành một vương quốc Nguyễn riêng ở xứ Đàng Trong; độc lập và tách biệt hoàn toàn với xứ Đàng Ngoài của vua Lê – Chúa Trịnh.
    Năm 1571 nhằm ổn định lại hành chánh ông đã đổi tên một số huyện, riêng huyện Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh được đổi thành Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vinh (sau đọc trại thành Phú Vang)
    Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã cắt huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII- XVIII) chỉ còn là vùng đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân.
     Theo ghi chép trong sách  Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, xứ Thuận Hóa giai đọan trước năm 1776, gồm: 2 phủ là Triệu Phong và Quảng Bình, được phân thành 8 huyện và 1 châu. 
      Phủ Triệu Phong, gồm có 5 huyện :
      1/ Huyện Hương Trà (nay thuộc Thừa thiên – Huế), gồm 9 tổng:
- An Ninh - Phú Xuân - Vĩnh Xương - Phù Trạch - An Hòa - Vĩ Dạ - Kim Long - An Vân
- Kế Thực (hay Kế Mỹ).
Trong đó tổng Kế Thực gồm có 12 xã (làng), 1 thôn , 9 phường: các xã Kế Thực, Bình Trị, Thái Dương Thượng, Thái Dương Hạ, Hòa Duân, Quảng Xuyên, Lương Viện, An Dương, Kế Đăng(Kế võ), Cự Lại, Ba Lăng, Viễn Trình ; thôn Hoa Lộc ; các phường : Hà Thanh, Mai Lộc, Đường Dã, Tân Xa, Hoa Dương, Hà Hồng, Hoa Diên, Khánh Mỹ, Diêm Tụ.
      Như vậy tên các làng thuộc xã Phú Đa hiện nay như Viễn Trình, Lương Viện vào giai đoạn trước năm 1776 là thuộc Tổng Kế Mỹ, huyện Hương Trà như Sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn đã ghi chép. 
     Huyện Hương Trà trước có tên là Kim Trà. Phủ chúa Nguyễn, thời Nguyễn Phúc Lan được dời từ Ái Tử về xã Kim Long tổng Kim Long huyện Hương Trà. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời đến xã Phú Xuân, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà.
     2/ Huyện Phú Vang (nay thuộc Thừa Thiên-Huế), gồm 6 tổng: Mậu Tài, Dương Nỗ, Đường Pha, Dã Lê, Sư lỗ, Diêm Trường.
      3/ Huyện Quảng Điền (nay thuộc Thừa Thiên-Huế), gồm 8 tổng: Hoa Lang, Phù Lê, Yên
Thành, Hạ Lang, Đông Lâm, Phúc An, Phú Ninh, Phú Ốc.
      4/ Huyện Hải Lăng (nay thuộc Quảng Trị), gồm 5 tổng: Hoa La, An Thư, An Dã, Câu Hoan, An Khang.
      5/ Huyện Đăng Xương (nay thuộc Quảng Trị), gồm 5 tổng: An Phúc, An Lưu, An Cư, An Đôn.
      Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, vào đầu thời nhà Nguyễn, Thuận Hóa vẫn gồm 2 phủ Triệu Phong và Quảng Bình, nhưng có mở rộng địa giới hành chánh về phía Tây hơn so với thời chúa Nguyễn .
      1/ Phủ Triệu Phong, gồm 5 huyện nhưng có thêm 2 châu: các huyện Quảng Điền (Đan Điền), Hương Trà (Kim Trà), Phú Vang (Phú Vinh), Hải Lăng, Đăng Xương (Vũ Xương); 2 châu Thuận Bình và Sa Bôi .
       2/  Phủ Quảng Bình gồm 2 huyện và 2 châu: huyện Khang Lộc, huyện Lệ Thủy, châu Minh Linh (Vĩnh Linh), châu Bố Chính (Nam Bố Chính – hay Bố chính Nội tức Bố Trạch ngày nay), Bắc Bố Chính (Bố Chính Ngoại tức Quảng Trạch ngày nay), mở rộng hơn ra bắc sông Gianh so với thời chúa Nguyễn.
      Ngày 03 tháng 5 năm Tân Dậu (15/06/1801) Nguyễn Ánh chiếm lại Phú Xuân, tới tháng 8 ông lấy 3 huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vinh đặt làm dinh Quảng Đức. Tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (đầu năm 1823), đổi dinh Quãng Đức làm phủ Thừa Thiên. Tháng chạp năm Giáp Ngọ (Minh Mệnh thứ 15 - đầu năm 1835), đặt thêm 3 huyện ở Thừa Thiên là : Phong Điền, Hương Thũy, Phú Lộc (chia tách ra từ 3 huyện cũ là Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vinh) ; phủ Thừa Thiên lúc này có 6 huyện.
     Trước thời nhà Nguyễn (1802), những ngôi làng nằm dọc theo hai bên bờ sông Hương và vùng đầm phá phía Nam tỉnh đều thuộc huyện Kim Trà (Hương Trà). Nhưng sau khi nhà Nguyễn thành lập thêm 03 huyện mới, các ngôi làng thuộc vùng đầm phá phía Nam thuộc tổng Diêm Trường được cắt giao cho huyện Phú Lộc mới. Phần các làng còn lại nằm dọc hai bên bờ đầm phá kéo dài từ làng Diêm Tụ - Hà Thanh trở lên làng Thái Dương (Thuận An) thuộc tổng Kế Mỹ (trong đó có làng Viễn Trình và Lương Viện) được cắt giao về cho huyện Phú Vinh (tức Phú Vang) từ sau năm 1802. Và làng Viễn Trình thuộc về huyện Phú Vang từ đó.
    Huyện Phú Vinh (Phú Vang) mới chỉ còn có 6 tổng: Quảng Xuyên, Sư Lỗ, Kế Mỹ, Mậu Tài, Dương Nổ và Ngọc Anh. Các làng Hoà Đa Đông, Hoà Đa Tây, Trường Lưu, Đức Thái, Thanh Lam – thuộc tổng Sư Lỗ; các làng Viễn Trình, Lương Viện thuộc tổng Quảng Xuyên dưới thời nhà Nguyễn.
    Dưới thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, ngày 17/05/1958, chính quyền VNCH ra Nghị định số 214 – HC/PC/NĐ ấn định các đơn vị Hành chánh mới của tỉnh Thừa Thiên gồm 9 Quận : Phong Điền, Quảng điền, Hương Trà, Hương Thũy, Phú Vang, Phú Lộc, Vinh Lộc, Hương Điền, Nam Hòa, và 3 tổng Nguồn Bửu, Nguồn Rả, Nguồn Bồ.
      Năm 1962, nhằm sắp xếp lại các cấp hành chánh; chính quyền Việt Nam Cộng Hòa loại bỏ cấp Tổng, gom nhiều thôn, xã, phường cũ có diện tích nhỏ và dân số ít lại thành một xã mới (các xã, phường lớn vẫn duy trì). Các xã, phường cũ này được gọi theo đơn vị hành chánh mới là thôn (hoặc ấp).
       Ngày 31-7-1962: Chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 805-NV, thành lập cơ sở phái viên hành chánh Phú Thứ, trụ sở đặt tại xã Vinh Thái, quận Phú Vang. Đến ngày 14-4-1965, lại ban hành Nghị định số 599-NV cải biến cơ sở phái viên hành chánh Phú Thứ thành quận Phú Thứ, gồm 7 xã: Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Đa, Phú Lương, Vinh Phú, Vinh Thái và Vinh Hà. Quận lỵ của quận Phú Thứ đặt tại làng Hòa Đa (xã Phú Đa), quận Phú Thứ tồn tại cho tới sau năm 1975 mới bị giải thể.
      Về phía chính quyền cách mạng, kể từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, các thôn (làng) của xã Phú Đa liên tục thay đổi tên gọi và tách ghép nhiều lần để phù hợp với yêu cầu lịch sử. Năm 1946, xã Phú Đa được tách làm 2 xã Phú Thứ (gồm  thôn Đức Thái, Lương Viện, Viễn Trình) và xã Phú Thuận (gồm thôn Vĩnh Lưu, Hoà Đông, Hoà Tây, Nam Châu). Sau đó, 2 xã Phú Thứ và Phú Thuận hợp thành xã Phú Thạnh với 7 thôn. Năm 1955, để phù hợp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Phú Thạnh đổi thành Phú Đa cho đến ngày nay.

      Thay lời kết:  
     Như trên tôi đã trình bày, tại khu vực xứ Thuận Hóa (tức là vùng đất từ phía Nam Sông Gianh, nay thuộc tỉnh Quảng Bình cho tới huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay); khi muốn tìm kiếm về nguồn gốc của các ngôi làng trong giai đoạn 1302 - 1802, thì ngoài nguồn sử liệu của chính những người dân trong các ngôi làng đấy đang lưu giữ được cung cấp. Các nhà nghiên cứu sử còn phải dựa vào rất nhiều nguồn tư liệu và thông tin khác nhau nhằm xác lập nên một sự kiện. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác của sử liệu và hệ thống hóa lại các sự kiện họ đều phải dựa vào 03 cuốn chính sử sau :
       - Dư địa chí, của Nguyễn Trãi, viết vào năm 1435, thời nhà Hậu Lê (Lê sơ).
       - Ô Châu Cận Lục, của Dương Văn An, viết năm 1555, thời nhà Mạc.
        - Phủ biên tạp lục, của Lê Quý Đôn, viết năm 1776, thời nhà Lê - Trịnh.
        Ba cuốn chính sử này là 03 cuốn Dư Địa Chí chính thống của các nhà nước phong kiến thời ấy phát hành như một tài liệu chính thức của nhà nước. Trong 03 cuốn sách này thì ngoài những ghi chép tổng quát và toàn cảnh về những sự kiện lịch sử, văn hóa và địa lý xảy ra trong vùng. Các tác giả cũng đã liệt kê danh sách tất cả các ngôi làng trong từng thời kỳ, có ghi chép khá đầy đủ về lai lịch các ngôi làng trong từng tổng, từng huyện của xứ Thuận hóa. Sách ghi chép chi tiết năm thành lập, số nhân khẩu, số diện tích ruộng đất, số suất đinh của từng làng. Thậm chí ghi chép các sự kiện văn hóa lịch sử lớn xảy ra trong làng, việc tranh chấp kiện tụng trong làng, một vài nhân vật nổi tiếng, đặc sản nổi bật của làng ... . Ngoài ra 03 cuốn sách này được viết và phát hành ra tương ứng với 03 giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển nổi bật nhất của vùng đất này. 
       Bất cứ nhà nghiên cứu sử nào khi muốn nghiên cứu về vùng đất này đều phải lấy tư liệu từ 03 cuốn sách này làm nòng cốt cho công trình nghiên cứu của mình. Tuy biết rằng sau khi nhà Nguyễn được thành lập (1802), sau đó Quốc sử quán triều Nguyễn ra đời (1825) đã hệ thống hóa lại lịch sử đất nước trong tất cả các thời kỳ một cách chi tiết, khoa học và đã viết thành hàng ngàn cuốn sách sử ký lưu lại cho tới nay. Nhưng khi viết về lịch sử xứ Thuận Hóa giai đoạn 1302 -1802, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng phải căn cứ vào 03 cuốn sách "Lịch sử - Địa chí" nói trên đây. Vì đây mới là những cuốn sách "Địa chí" ghi chép từ thực tế lịch sử trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể !
      Cho nên, trong những bài viết và những công trình nghiên cứu về lịch sử xứ Thuận Hóa (hay tỉnh TT- Huế) của mình, khi muốn bảo đảm tính chính xác tôi thường phải căn cứ vào 03 nguồn sử liệu trên đây. Kể cả bài viết ngắn về lai lịch ngôi làng ngôi làng Viễn Trình này !
     Theo đó, ngoài yếu tố văn hóa lịch sử là một ngôi làng cổ với gần 500 năm tuổi. Làng Viễn Trình nói riêng và xã Phú Đa nói chung là một xã vùng đồng bằng. Ngôi làng tuy được bao bọc bởi hệ thống đầm phá và con sông Đại Giang, nhưng lại có hệ thống đường bộ dọc ngang khá hoàn chỉnh; nó được xem như là trung tâm của vùng đồng bằng phía Nam của tỉnh TT- Huế.  Hơn nữa nó chỉ cách thành phố Huế khoảng 20 km về phía Đông Nam, cách quốc lộ 1A, cách đường sắt Bắc - Nam, cách cảng hàng không quốc tế Phú Bài chỉ khoảng 5km.  Cho nên từ xưa vùng đất này đã có một vị trí chiến lược khá quan trọng về quân sự và chính trị ở phía Nam của tỉnh qua các thời kỳ lịch sử. Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua xã Phú Đa đã là một căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh TT - Huế. 
     Với truyền thống yêu nước, ngay từ những ngày đầu khai thiên lập địa trên mảnh đất này, nhân dân làng Viễn Trình nói riêng và xã Phú Đa nói chung đã cùng với nhân dân Thuận Hoá đóng góp nhiều sức người sức người và sức của cho công cuộc bảo vệ đất nước.
    Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây thường xảy ra những trận đánh của hai bên và nhân dân xã Phú Đa đã giành được nhiều thắng lợi, nhất là chiến thắng trận Thanh Lam Bồ (vào năm 1951) đã thể hiện sự lớn mạnh của quân và dân địa phương. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Phú Đa được huyện tặng cờ luân lưu và được tỉnh Đội Thừa Thiên khen thưởng về thành tích xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.
      Có thể nói Phú Đa trước đây là vùng căn cứ cách mạng nổi tiếng của huyện, của tỉnh. Đây là nơi cơ quan Huyện uỷ Phú Vang làm việc, trụ sở chỉ đạo cách mạng phía Nam của tỉnh, của thành uỷ Huế trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là hậu phương kháng chiến, là một trong những cơ sở hậu cần của bộ đội, là địa bàn hành lang, là trạm liên lạc của 3 vùng chiến lược.
      Ngày nay, thị trấn Phú Đa là trung tâm của vùng đồng bằng phía Nam của tỉnh, một đầu mối giao thông quan trọng; được quy hoạch thành một khu thị tứ, một khu đô thị mới. Thị trấn có diện tích 2.966 ha và gần 13 ngàn nhân khẩu; là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Phú Vang. Nơi đây đã có một khu công nghiệp Phú Thứ, có trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nơi được đầu tư để phát triển dịch vụ, đào tạo nghề và các ngành kinh tế hỗ trợ phát triển biển và đầm phá của huyện Phú Vang.
     Hy vọng rằng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Phú Đa; mai này vùng đất đầy truyền thống cách mạng này sẽ vượt qua đói nghèo vươn lên ngang tầm với các trung tâm hành chánh khác trong tỉnh. Người dân Viễn Trình - Phú Đa sẽ làm giàu được trên chính quê hương mình ./. 

ĐKT
17.10.2017

Một số hình ảnh về Lễ Chạp tại Chi Phái họ Đặng ngày 9/10/2017 vừa qua .





















TRẬN CHIẾN HOÀNG SA NĂM 1974 – CHỈ LÀ VÁN CỜ CỦA CÁC NƯỚC LỚN!

Quần đảo Hoàng Sa của VN đã bị mất về Trung cộng từ sau cái bắt tay này.
Ảnh: Cái bắt tay lịch sử của Mao Trạch Đông và Richard Nixon - 29.2.1972. 

Mới đây có một anh bạn - là sếp của một tờ báo điện tử chính thống, anh đồng thời là một nhà báo nổi tiếng, một chuyên gia về biển Đông đã gửi cho tôi một số video clip và một số tệp về những bài phát biểu và phát ngôn của một người lính VNCH đã từng tham gia trận chiến Hoàng Sa năm 1974 trong vai trò một viên phi công lái máy bay phản lực chiến đấu. Anh đề nghị tôi tham gia viết bài để phản biện lại những phát ngôn của viên phi công này, mà theo anh là không đúng. Nhưng cái cắc cớ của “ông nhà báo” này là anh ta biết tôi với viên phi công kia là người cùng Họ, thậm chí là người cùng họ Đinh Khắc. Cho nên tôi đã khéo léo từ chối viết bài về chủ đề này cho tờ báo của anh ta, vì sợ làm mất lòng một người họ hàng. Nhưng cũng để khỏi làm phật lòng một “sếp lớn”, tôi đề nghị viết một bài ngắn trên blog riêng của mình, vì bài cũng sẽ được cộng đồng mạng đọc được trên google và anh đã đồng ý !

Thời thế
Cuộc tấn công xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xảy ra đã 43 năm, quần đảo tiền tiêu án ngữ đường vào vịnh Bắc bộ đã bị quân xâm lược Trung Cộng chiếm đoạt. Đã 43 năm mãnh đất của cha ông để lại, nhưng lớp hậu sinh đã không giữ được khiến nó lọt vào tay ngoại bang, cũng không ai dám nói là bao giờ mới đòi lại được. Nhưng đa số lớp hậu sinh đã gần như quên lãng sự kiện này, phải chăng họ đang bận bịu một cái gì đó trọng đại hơn, hay họ chỉ biết vinh thân phì gia mà quên đi dã tâm thôn tính nước ta từ ngàn đời nay của quân xâm lược phương Bắc !
Ngay từ thế kỷ 16, khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp hình thành nên một vương quốc Nguyễn ở xứ Đàng Trong hoàn toàn biệt lập với xứ Đàng Ngoài của vua Lê – Chúa Trịnh, thì đất nước ta liên tục xảy ra những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực của hai thế lực này. Sau đó là cuộc nội chiến giữa các Chúa Nguyễn với nhà Tây Sơn, giữa Tây Sơn và chúa Trịnh với những cuộc chiến dai dẳng kéo dài hàng trăm năm khiến cho dân tình khốn khổ, đất nước bị tàn phá, tiềm lực và sức mạnh quốc gia bị phân tán và ngày càng tụt hậu. Tới đầu thế kỷ 19 nhà Nguyễn đã đưa đất nước trở lại thời thịnh vượng, thời vua Minh Mệnh (1820) nước ta là cường quốc mạnh nhất khu vực. Nhưng do không bắt kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới với những cuộc cách mạng công nghiệp đang bùng nổ tại phương Tây nên một lần nữa đất nước ta lại tụt hậu. Và khi người Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược (1858), ta lại thua và bị họ xâm chiếm. Đây cũng là thực trạng của hầu hết các nước trong khu vực, nên họ cũng đều bị thực dân phương Tây xâm chiếm.

Từ những năm đầu của thế kỷ 20, khi thế giới đã bắt đầu hình thành nên nhiều thế lực nước lớn (thực chất là chủ nghĩa đế quốc) chia nhau thống trị và khống chế các khu vực địa chính trị quan trọng trên thế giới thì Việt Nam ta với vị trí địa lý quan trọng trong khu vực cũng đã lọt vào cặp mắt dòm ngó của các thế lực này. Mặc dù dã tâm của các nước lớn được núp bóng dưới nhiều học thuyết và chiêu bài chính trị khá hoa mỹ như đồng minh + đồng chí, nhưng tựu trung họ đều xem nước ta như một món hàng để họ mặc cả, trao đổi và kềm chế lẫn nhau trong ván bài chính trị thế giới. 
Với những gì đã và đang xảy ra chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những thủ đoạn và chiêu trò để họ tranh giành nhau ảnh hưởng tại một nước nào đó. Trước hết họ sẽ không tiếc tiền xây dựng tại đó những đảng phái, những thế lực cát cứ địa phương mà họ gọi là phe "đối lập", những phòng trào đòi bình đẳng; thậm chí là giải phóng dân tộc. Sau khi đã nhào nặn ra những "lãnh tụ", những “anh hùng dân tộc” biết nghe lời, chịu sự sai khiến và phụ thuộc hoàn toàn vào họ. Thậm chí chỉ trong một nước có tới 3 – 4 thế lực khác nhau, chúng sẽ kích động họ đánh nhau dưới sự tài trợ của nhiều nước lớn khác nhau. Mà những gì đang xảy ra tại Xiri, I Rắc là một minh chứng cho những gì đã xảy ra tại khu vực Đông Nam Á vào những thập kỹ đầu thế kỷ 20. 
Các thế lực cát cứ địa phương này ra sức huy động sức dân, bòn rút của cải và tài nguyên quốc gia đổ vào những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực. Họ cũng rêu rao những học thuyết yêu nước thương nòi do những ông Tây lập ra và cũng do chính những kẻ ngoại bang này truyền dạy cho họ. Với những chiêu trò đánh động lòng yêu nước để mua chuộc và tập hợp người dân trong vùng đất mình cai quản biến họ thành những người lính đánh thuê cho nước ngoài ngay chính trên quê hương mình. Đến đỗi khi cuộc chiến tàn cũng không phải ai cũng nhận ra được mình chỉ là những con rối trong tay của các nước lớn. Cái được của những kẻ này là được ăn trên ngồi trốc, vinh thân phì gia. Nhưng cái mất là rất lớn, chính họ đã khiến cho đất nước bị tàn phá, đẩy dân tộc vào những cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Cuối cùng đất nước bị phụ thuộc và biến thành một món hàng trao đổi trong tay của những nước lớn.

Ngay từ trước khi nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông được thành lập năm 1949 - Mao đã là một đồng minh thân cận với với nước Liên Xô của Xtalin. Với vai trò là những nước lớn đầy tham vọng và cũng thừa dã tâm, họ đã xác định những lợi ích và những vùng ảnh hưởng của họ. Họ đã bắt tay nhau phân chia vùng ảnh hưởng của họ trên thế giới, đồng thuận ủng hộ những việc làm của nhau trên các diễn đàn thế giới. Trong Hội Nghị của những nước thắng trận bàn việc phân chia lại thế giới sau thế chiến thứ hai (thực chất là chia chác) tại San Francisco (Mỹ) năm 1952 – hội nghị này nước Trung Hoa của Mao không được mời tham dự. Trong Hội nghị này các nước thắng trận đã bàn thảo việc chia chác những vùng đất ở viễn đông đã từng bị Nhật xâm chiếm trong thế chiến thứ II. Đại diện Liên Xô đã đề nghị giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta cho nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông quản lý; nhưng đã bị phía Mỹ phản đối. Sự việc phải đem ra biểu quyết nhưng trong 52 nước tham dự hội nghị chỉ có Liên Xô và Ba Lan đồng ý giao cho Mao, hội nghị đã quyết định theo số đông là đồng ý giao cho chính phủ Bảo Đại (có đại diện tham gia hội nghị này) tiếp quản hợp pháp. Qua sự kiện này chúng ta biết thêm một sự thật là chính những người anh em đồng chí Xô – Trung vĩ đại đã chia chác đất nước ta ngay từ năm 1952, vì quyền lợi của chính họ.

Thế thời
Cuộc chiến đã ngày càng lùi xa, đất nước đã thống nhất hơn 40 năm, mọi người dân nước Việt đã là anh em một nhà, đang cùng bắt tay xây dựng đất nước, để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Những người Việt đã từng tham chiến ngày nào, nay đều đã vào cái tuổi U70, đó là cái tuổi để an hưởng tuổi già nên các vị đã phải nhường công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước lại cho lớp hậu bối cũng là đương nhiên thôi.
Tuy nhiên có một vài vị lại không muốn hưởng cái thú an nhàn lúc tuổi già trong phú quý mà rất nhiều người cùng thế hệ mong muốn nhưng chưa được, vì còn phải bươn chải kiếm sống. Trái lại nhân lúc rãnh rỗi, lúc trà dư tửu hậu các vị đã nói những điều không nên nói … khiến cho những người có liên quan cảm thấy thẹn ! 

Với cái tựa trên đây chắc mọi người đã biết tôi muốn nói gì ? Nhưng tôi không muốn nói về trận chiến hay cái sự thắng thua hay tính chính danh của nó – vì đó là việc của lịch sử, không phải là việc của một kẻ hậu sinh như tôi. Tôi chỉ mượn cái tựa này để nói về những nhân vật lịch sử, về những người từng tham gia cuộc chiến – họ là những nhân chứng sống của lịch sử nhưng tiếc rằng những nhân chứng này không phải lúc nào cũng nói lên sự thật; nhất là khi họ nhận định và đánh giá sự kiện !

Anh bạn làm báo trên đây cho biết, anh đã từng trực tiếp nghe viên phi công này diễn thuyết về trận chiến Hoàng Sa năm 1974 trong một số cuộc lễ hoặc cuộc gặp mặt. Nhưng với những tư liệu anh có trong tay, thì những gì vị này nói về tình hình cuộc chiến lúc ấy là hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra lúc ấy !
Theo tư liệu của tôi và tư liệu mà anh bạn nhà báo này cung cấp thì viên phi công này thuộc một trong số hàng trăm người mà đầu năm 1974 họ được chính phủ VNCH điều từ Sài gòn, Biên Hòa ra Đà Nẵng nhằm chuẩn bị lái máy bay tiêm kích ra ném bom tái chiếm Hoàng Sa. Nhưng sau một thời gian ngắn chờ đợi tại phi trường Đà Nẵng, họ được lệnh trở về lại Sài gòn mà không phải tham gia trận tái chiếm.
   - Tuy biết các vị này lúc ấy chỉ là những chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi, chỉ là những viên sĩ quan cấp úy, chuyên lái máy bay phản lực chiến đấu. Họ tuy thuộc thành phần con cưng của chế độ, nhưng bị buộc sống khép kín chỉ chăm chú chuyên môn của mình; không được phép giao tiếp với bên ngoài. Nhưng nay thì họ phát biểu với báo giới về trận chiến Hoàng Sa – 1974 như những ông tướng tư lệnh, những chiến lược gia, hoặc những nhà chính trị có quyền hành thời ấy. Nào là “ ông Thiệu hèn – nhát gan – sợ mất chức, nếu phải tay họ là Hoàng Sa không bao giờ bị mất. Nào là không lực và hải quân của quân đội VNCH lúc ấy dư sức tái chiếm Hoàng Sa. Không lực của quân đội VNCH lúc ấy mạnh nhất Đông Nam Á - dư sức xóa sổ hải quân Trung Cộng”.
   - Vị này cho biết “ Chúng tôi đã lái máy bay đi trinh sát, đã chụp không ảnh toàn bộ quần đảo, đếm từng chiếc tàu của Trung Cộng, thuộc loại gì. Sau đó về in ảnh ra rồi chia nhỏ tấm ảnh ra từng ô, trong từng ô có bao nhiêu tàu thì phân công từng tốp máy bay chịu trách nhiệm dọn sạch số tàu thuyền trong từng ô đó … và chỉ cần 30 phút là chúng tôi sẽ cho tất cả biến mất dưới mặt biển…”. !
   - Và cuối cùng là một cái kết luận xanh rờnvì hèn nhát ông Thiệu đã để mất quần đảo Hoàng Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc vào tay quân Trung Cộng. Vì hành động này khiến cho việc đòi lại quần đào Hoàng Sa ngày nay ngày càng khó khăn và không biết bao giờ mới đòi lại được !”

Nhưng với chúng tôi, thì việc mất quần đảo Hoàng Sa không phải là do ai hèn cả, cũng không phải là do trong trận chiến tháng 1 năm 1974 quân đội VNCH thua trận nên bị Trung Cộng chiếm mất quần đảo này. Mà tất cả đã được sắp đặt và chia chác giữa những nước lớn từ năm 1972. Cũng xin lưu ý với các vị là phần cụm đảo phía Đông, tức là hơn một nữa quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung cộng chiếm từ năm 1956. Trận chiến năm 1974 họ chỉ chiếm nốt phần còn lại ở phía Tây quần đảo này.

Thật ra trận chiến Hoàng Sa - năm 1974, với quân lực VNCH thì tái chiếm lại quần đảo hay không là do những con người này quyết định . 
Ảnh: Bộ trưởng Henry Kissinger với Phó Tổng thống Nelson Rockerfeller và Tổng thống Gerald Ford năm 1974

Theo tư liệu của chính phủ Mỹ mới được giải mật và mới được công bố gần đây cho biết:
   - Sau cuộc chiến Mậu Thân năm 1968, người Mỹ xét thấy không thể thắng bằng quân sự trong cuộc chiến tại VN, với mục tiêu ban đầu là biến Nam Việt Nam thành một tiền đồn ngăn Chủ nghĩa Cộng Sản tràn xuống Đông Nam Á. Sau khi bị buộc phải công nhận sức mạnh của phe cộng sản, họ đã tìm cách thỏa hiệp với phe cộng sản hay nói đúng hơn là với Trung Quốc, nước viện trợ chính cho phía chính phủ VNDCCH. Thông qua nhiều kênh ngoại giao khác nhau họ đã nhận được tín hiệu hòa hoãn và thân thiện từ phía Mao Trạch Đông. Tháng 2 năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đi thăm chính thức nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Ông ta đã hội đàm với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai – họ đã ký kết nhiều thoả thuận với nhau, trong đó có những thoả thuận về cuộc chiến tại VN mà không cần tham khảo ý kiến của người VN. Giới lãnh đạo nước Trung Hoa cộng sản đã một lần nữa sẵn sàng bán đứng những người anh em đồng chí VN của mình vì quyền lợi của đất nước họ.
Và như báo chí thế giới đã khá khôi hài khi bình luận “cuộc kháng chiến chống Mỹ” của VN đã kết thúc ngay từ ngày 29.2.1972 sau cái bắt tay của Mao Trạch Đông và Richard Nixon tại Thượng Hải. Những gì xảy ra sau đó về cuộc chiến tại VN đã cho thấy nhận định này là chính xác và sự thật nó đã được quyết định ngay sau cái bắt tay này. Họ đã phân chia nhau khu vực ảnh hưởng tại Đông Nam Á, trong đó có biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của VN. Quyền định đoạt vận mệnh đất nước và biển đảo không còn thuộc về sự định đoạt của người VN chúng ta !


Sau năm 1968, tại chiến trường VN bên nào thắng bên nào thua, kể cả trận chiến Hoàng Sa - năm 1974, đều do 02 con người này sắp đặt. 
Ảnh: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (trái) mở tiệc chiêu đãi Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Bắc Kinh ngày 10/11/1973.

Trong những bí mật của hai bên ký kết năm 1972, mà theo nhiều nguồn thông tin khác nhau của nước ngoài kể cả thông tin công khai của phía Trung Quốc – theo đó người Mỹ đã đồng ý bán đứng hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của VN cho Trung Quốc. Cụ thể ở đây là nếu hải quân Trung Quốc tấn công hai quần đảo này của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thì hạm đội 7 của Mỹ sẽ không can thiệp. Trong khi tiềm lực quân đội và nhất là Hải quân của Việt Nam Cộng Hoà không phải là đối thủ của hải quân Trung Hoa. Tuy biết rằng sau khi người Mỹ rút đi đã để lại một khối lượng khí tài quân sự khổng lồ cho VNCH, nhưng nếu so sánh thì vẫn chưa là gì so với sức mạnh của hải quân Trung Cộng lúc ấy. Và quan trọng hơn là đồng tiền để nuôi bộ máy quân sự của VNCH là do người Mỹ viện trợ, nên họ đã quyết định tất cả. Ngoài ra tuy người Mỹ đã rút đi nhưng họ để lại một bộ phận rất lớn cố vấn quân sự để điều hành toàn bộ !
Cho nên với những gì xảy ra hai năm sau đó tại quần đảo Hoàng Sa là đương nhiên thôi, ngày 29.2.1974 khi trận hải chiến Hoàng Sa nổ ra, chính quyền VNCH đã cầu cứu người Mỹ giúp đỡ, nhưng hạm đội 7 của Mỹ đóng quân gần đó đã im lặng. Mặc cho quân đội đồng minh của mình bị quân Trung Hoa bắn phá là một câu trả lời cho tất cả những gì gọi là sự thật về trận chiến này và cái gọi là sức mạnh của không lực VNCH !

Trước đó, trong một buổi mật đàm vào ngày 22 tháng 6, 1972  với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ở Bắc Kinh, Cố vấn An Ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã cho ông Chu biết rằng:
"Nếu có một thời gian vừa đủ giữa lúc chúng tôi rút quân và những gì xẩy ra sau đó thì vấn đề gần như chắc chắn rằng có thể khoanh gọn, như chuyện nội bộ của Đông Dương" và "sau khi chúng tôi đã không còn can dự nữa thì … rất ít khả năng chúng tôi sẽ quay trở lại, rất ít khả năng."
   - Sau thỏa thuận này, cuối tháng 3/1973, toàn bộ quân lực Mỹ đã rút khỏi Miền Nam. Sau đó Quốc Hội Mỹ lấy cớ "Miền Nam đã có cả hòa bình lẫn danh dựđể cắt giảm viện trợ thật nhanh. Như vậy là ván bài Việt Nam đã được khoanh gọn, và tới đầu năm 1974 thì chính phủ Trung Cộng đã cho rằng: "khoảng thời gian vừa đủ" đã chấm dứt.
Nhưng phía Trung Quốc vẫn muốn tìm hiểu xem thực sự Mỹ có can thiệp trở lại hay không, Washington có thay đổi lập trường "ngăn chặn Trung Cộng" tràn xuống Đông Nam Á hay không. Nên Bắc Kinh muốn trắc nghiệm xem Mỹ có quay trở lại hay không. Đây mới là lý do dẫn đến biến cố Hoàng Sa ngay từ đầu năm 1974.
Ngay từ những ngày đầu năm 1974, Trung Quốc đã cho quân lấn chiếm Hoàng Sa. Với chiêu trò sử dụng ngư dân làm lá chắn như trước đây, ngày 19/1/1974 chính phủ Trung Cộng xua ngư dân tràn lên các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, nhưng khác với năm 1959, lần này ngư dân đi trước có chiến hạm Trung Cộng theo sau; hải quân của ông Thiệu được lệnh ra “mời” những ngư dân và những tàu này ra. Nhưng chiến hạm của họ vẫn cứ tiến vào, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã khai hỏa. Trận chiến kéo dài một ngày. Lập tức Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Kissinger liền khẩn cấp can ngăn Tổng thống Thiệu hãy ngừng lại, đừng đụng độ với Trung Quốc thêm nữa, nếu không nghe thì họ “không chịu trách nhiệm!”.

Về sự kiện này cần nhắc lại là đầu năm 1974, ngân sách của chính phủ VNCH đã gần như cạn kiệt. Vì ngân sách này hoạt động chủ yếu dựa trên viện trợ của Mỹ, nhưng sau khi quân Mỹ rút lui thì Quốc hội Mỹ cắt xén rất mạnh tay. Thậm chí khi Quốc Vương Arập Xêut tuyên bố sẽ cứu chính phủ VNCH bằng cách là viện trợ cho chính phủ VNCH một khoản ngân sách cũng bị chính phủ Mỹ ngăn cản.
Ngày 18 tháng 1, Tổng thống Thiệu bay ra tận Đà Nẵng, lấy giấy ra viết tay thẳng cho Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải. Trên đầu trang ông viết: “Chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải” :
"Thứ nhất là tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh thổ VNCH. Thứ hai, nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH.". Viết lệnh xong, ông Thiệu cất giọng: "Anh Thoại, đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng thì cho tôi biết ngay từ bây giờ."

Nhưng chính phủ Mỹ, mà đứng đầu là Cố vấn An Ninh quốc gia Henry Kissinger thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ; đã buộc ông Thiệu rút lui, không được phản công chiếm lại những hòn đảo bị mất “nếu không thì không chịu trách nhiệm”. Họ còn rỉ tai cho phía VNCH biết là Trung Cộng còn muốn chiếm cả Trường Sa, nhưng người Mỹ đã ngăn cản và hứa với ông Thiệu là hạm đội 7 sẽ bảo vệ Quần đảo Trường Sa. Trong hoàn cảnh thế yếu so với quân Trung Cộng, lại bị người Mỹ ngăn cản; nên không còn con đường nào khác ông Thiệu đã không cho tái chiếm Hoàng Sa.
Dù bị mất Hoàng Sa và chịu nhiều tổn thất và thương vong, nhưng Hải quân VNCH đã gây tổn thất lớn cho đối phương như nhiều nguồn tin lúc ấy đã đề cập.
  - Theo Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, khi trả lời báo chí sau này cho biết: “ Phía Trung Quốc thiệt hại cũng khá lớn, Hộ tống hạm lớp Kronshtadt 274 của Trung Quốc bị bắn chìm. Vì tàu này là soái hạm nên hầu hết bộ tham mưu chỉ huy trận chiến của phía Trung Quốc đều ở trên tàu này. Khi tàu bị bắn chìm họ đều tử trận gồm cả Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư lệnh Phó của Hạm đội Nam Hải, bốn đại tá, sáu trung tá, hai thiếu tá, bảy sĩ quan cấp úy và một số đoàn viên”. Ngoài ra, Trục lôi hạm số 389 và số 396 bị hư hại nặng.
Tuy nhiên theo những tiết lộ mới đây từ phía Trung Quốc và các nguồn tin mới giải mật của người Mỹ gần đây cho biết, Mao Trạch Đông đã đưa một lực lượng quân đội với máy bay, tàu chiến và khí tài quân sự rất lớn tham gia trận chiến. Không quân với hơn 300 máy bay chiến đấu, hải quân gồm hơn 40 chiến hạm đến gần vùng chiến sự tại Hoàng sa, đề phòng hạm đội 7 của Mỹ can thiệp. Nhưng khi người Mỹ không can thiệp thì lực lượng này lặng lẽ rút lui !

Thật ra trận chiến Hoàng Sa - năm 1974 là do những con người này quyết định . 
Ảnh: Từ trái qua Henry Kissinger, Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông


Lời bình
Thời gian gần đây nhất vào dịp tưởng niệm 43 năm những người lính VNCH đã “Vị quốc vong thân”, báo giới và cộng đồng mạng đã có dịp ôn lại sự kiện này. Nhưng có khá nhiều ý kiến với cái nhìn thiên kiến do không có kiến thức, không nắm bắt được sự việc đã khiến cho việc đánh giá một sự kiện một hiện tượng lịch sử hoàn toàn sai lệch. Một số ý kiến của các vị có tham gia cuộc chiến năm 1974 với tư cách người lính như lính hải quân, lính không quân (phi công) – cũng hoàn toàn sai lệch khi họ cho rằng sở dĩ ông Thiệu không dám không kích tái chiếm Hoàng Sa sau ngày 19.1.1974 là do các tướng lĩnh hèn nhát, ông Thiệu sợ mất chức tổng thống. Họ cho rằng tiềm lực không quân của VNCH lúc ấy là ăn đứt quân Trung Cộng, nào là hàng trăm chiếc F.5 và A. 37 hiện đại nhất khu vực lúc ấy đã tập trung chờ lệnh tấn công tại sân bay Đà Nẵng. Họ cũng cho rằng với ưu thế vượt trội về máy bay thì chỉ cần có lệnh là họ sẽ đánh đắm hạm đội của Trung Cộng và chiếm lại quần đảo này trong vài tiếng .v.v. và. v.v.

Với những phân tích về tầm vĩ mô, về mặt chiến lược như tôi vừa trình bày vắng tắt trên đây đã có thể trả lời cho những phản biện thiếu chính xác đó. Tuy nhiên mới đây đã có thêm một công bố sẽ giúp đính chính cho những nhận định sai lạc trên đây và giúp cho những nhà sử học giải đáp được sự kiện lịch sử này một cách chính xác nhất.
    - Nhân dịp kỷ niệm 43 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa, chiều 19.1. 2016 tại trụ sở UBND huyện Hoàng Sa (132 Yên Bái, Đà Nẵng), chính quyền huyện này đã tổ chức gặp mặt 12 nhân chứng đã từng công tác, sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19.1.1974. Tại đây, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Đà Nẵng (một người chuyên nghiên cứu, thu thập các tài liệu về Hoàng Sa và đóng góp các tư liệu, bằng chứng quý hiếm cho huyện đảo này) đã công bố nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974. 
Theo tiến sĩ Sơn, ông đã đi tới 3 thư viện lớn ở Mỹ và tiếp xúc với nhiều nhân chứng tại Mỹ, qua đó đã thu thập được nhiều thông tin quý giá. Đã tiếp cận được một số tài liệu mật của chính phủ Mỹ mới giải mật trong đó có nhiều bức mật điện tuyệt mật cho thấy nhiều dữ liệu về Trường Sa - Hoàng Sa mà sử sách đưa ra trước đây là chưa chính xác. 
Những sự kiện lần đầu mới được ông công bố đó là “Một bức điện đã được giải mã cho thấy Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã dừng việc ném bom tái chiếm Hoàng Sa sau hải chiến 19.1.1974 để ngăn Trung Quốc đánh xuống Trường Sa...”
Việc “các chiến hạm của VNCH đã bắn lẫn nhau do phối hợp tác chiến không chính xác. Nguyên nhân do khi Mỹ bàn giao tàu cho VNCH thì tháo hết đồ tác chiến điện tử và không tổ chức thực tập tác chiến hợp đồng cho các tàu tác chiến khi có sự cố mà chỉ dùng như tàu tuần duyên.”
Ông công bố 2 bức điện mật của Đại sứ Mỹ, một bức gửi về Mỹ sáng 20.1.1974 và một bức gửi về sáng 21.1.1974. Một bức gửi về tướng trợ lý cho ông Henry Kissinger. Bức thứ 2 gửi cho Nhà Trắng. Theo đó, thông tin cho biết sau khi Hoàng Sa bị chiếm thì VNCH đã chuẩn bị 5 phi đội máy bay tập hợp tại Đà Nẵng để chuẩn bị đánh lại Hoàng Sa.
Bức điện thứ nhất gửi cho trợ lý ông Kissinger từ Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cho hay lúc đó Ngoại trưởng Vương Văn Bắc xác nhận Tổng thống Thiệu hủy việc ném bom ở Hoàng Sa kèm đề nghị Mỹ ủng hộ VNCH vì khi Hoàng Sa bị chiếm, VNCH phát tín hiệu cầu cứu mà Mỹ không cứu.
Do đó, ông Thiệu đề nghị ông Vương Văn Bắc gửi điện cho phía Mỹ đưa ra một số giải pháp:
  - Thứ nhất là đồng ý cho VNCH đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an (nhưng phía Mỹ ngăn chặn không cho Hội đồng Bảo an ra một nghị quyết lên án Trung Quốc).
  - Thứ hai là đề nghị Mỹ ủng hộ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế (nhưng Mỹ không ủng hộ việc tổ chức một cuộc họp báo và ra nghị quyết để chống lại Trung Quốc).
  - Thứ ba là Mỹ không cứu VNCH bằng Hoàng Sa mà sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn không cho Trung Quốc đi xuống Trường Sa, tức là lúc đó họ đã biết Trung Quốc sẽ tấn công xuống Trường Sa nên họ dùng từ "cứu VNCH không cho Trung Quốc xuống Trường Sa".
  - Thứ tư là thỏa thuận VNCH và Mỹ dùng mọi cách bằng ngoại giao để ép Trung Quốc trao trả tù binh cho VNCH trước Tết.
Một vấn đề nữa là một người Mỹ bị bắt lúc ở Hoàng Sa là nhân viên tình báo của Mỹ nhưng thời điểm đó Đại sứ Mỹ không biết là ai.
Một việc quan trọng nữa là Mỹ yêu cầu Trung Quốc không được tấn công truy đuổi bắn giết những người lính VNCH trở về.

  - Tại buổi thuyết trình này, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhận định: “Qua những tài liệu chúng tôi tìm kiếm thì thấy rằng đó là cuộc chơi của những nước lớn và tất cả đều kiềm tỏa lẫn nhau vì lợi ích của các bên. Và họ biết rằng thế nào Trung Quốc cũng đánh xuống Trường Sa thời điểm đó, nhưng Trung Quốc chắc đã biết động thái của Mỹ nên đã dừng lại và tiến hành đánh Trường Sa năm 1988".
   -  Đây có lẽ là thông tin chính xác nhất và có cơ sở khoa học nhất, giải mã được lý do:
TẠI SAO CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HOÀ DỪNG VIỆC NÉM BOM TÁI CHIẾM HOÀNG SA SAU TRẬN HẢI CHIẾN NGÀY 19.1.1974.

Lời kết
     - Nói hay phát biểu là quyền tự do của mỗi cá nhân, nhưng nói như thế nào cho người khác nghe được lại là một vấn đề rất khó. Cái "nghe được" ở đây là khi chưa nắm chắc được vấn đề thì đừng nên nói; vì khi mình đang rao giảng một chủ đề nào đó trước đám đông nhưng phải đề phòng trường hợp là nếu có một số người nghe trong số đó nắm chắc được chủ đề đó hơn mình và người ta sẽ đặt những câu hỏi chất vấn thì làm sao mà trả lời được cho người ta. Hoặc vì tế nhị người ta sẽ không đứng lên phản đối mình là nói bậy, nhưng người ta sẽ nhìn mình bằng con mắt và nụ cười ý nhị.
     Trong trường hợp trên đây, nay thì những viên phi công này cứ vô tư phê phán người khác là "hèn"; vì không cho các vị chứng tỏ "sức mạnh" của mình. Nhưng các vị đâu có biết là hơn 300 máy bay tiêm kích và hàng ngàn quả tên lữa hạm đối không, hạm đối biển trên 40 chiến hạm của Trung Cộng đậu gần đó đang chờ các vị ?
     Họ sợ là sợ cái sức mạnh hủy diệt của cái hạm đội 7 của gã khổng lồ  "đế quốc Mỹ" đậu gần đó, chứ không phải là họ sợ vài cái phi đội tiêm kích cỏn con của các vị đâu !
     Cũng xin thưa lại một lần nữa với các vị là để bảo tồn lãnh thổ, để ngăn chặn quân Trung Quốc khỏi tràn xuống Biển Đông lúc ấy là hoàn toàn nằm ngoài sức mạnh của chính phủ VNCH . 
     - Thế giới ngày nay là một thế giới mở, mọi người được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, có những điều được cho là tuyệt mật trước đây thì nay thiên hạ đã biết cả. Vì có những điều thời ấy là tuyệt mật của hai bên, nay đã được giải mật, hoặc bị báo chí phanh phui. Về phía người Mỹ, rất nhiều tư liệu tuyệt mật của chính phủ Mỹ đã được giải mật và công bố cho báo giới biết theo “luật giải mật có thời hạn” của luật pháp Mỹ và các nước phương Tây. Cho nên có những điều mà những người lính tham gia cuộc chiến lúc ấy không thể biết, nhưng nay thiên hạ đều biết.
      Thời buổi này là thời buổi của công nghệ thông tin, nên mong rằng những người lính đã từng tham gia cuộc chiến này của các bên hãy nên chỉ kể những gì mình nghe mình thấy. Còn việc nhận định và đánh giá cuộc chiến thì nên dành cho các nhà chuyên môn./.

ĐKT
26.3.2017

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...