Những điều cần biết về thái giám trong cung triều Nguyễn

Một nhóm thái giám triều Nguyễn - năm 1918.
(Ảnh tư liệu của Nhà nghiên cứu Phan Thuận An.).


Thuở còn rất nhỏ, khi đang còn sinh sống trong một làng quê thanh bình của xứ Huế. Tôi thường nghe các bậc phụ huynh nói với nhau về một câu nói đẻ ông bộ cho làng nhờ, câu nói này khiến tôi khá thắc mắc. Vì ông Bộ là một nhân vật khá tiếng tăm trong làng tôi, đây là một chức sắc do làng đặt ra để lo việc làng. Đây không phải là một chức danh hay một ngạch bậc trong bộ máy nhà nước, nhưng do bộ máy làng là tự quàn nên các vị hương chức làng cũng có một số quyền hạn nhất định. Đó là một con người lớn tuổi thường bệ vệ trang nghiêm, có cốt cách đĩnh đạc ăn trên ngồi trước và thường là một nhà Nho. Với làng tôi thì thứ bậc trong bộ máy làng có 4 bậc hương chức từ cao xuống thấp như sau: bộ, hương, lý, kiểm. Nhưng tại sao bà con lại nói “đẻ” ra ông bộ ?

Và tôi lại vô tình lao vào một cuộc tìm kiếm khá dài lâu tìm lời giải cho câu hỏi này.

Như nói trên đây, ông bộ (hay ông hương, ông lý…) họ thường là những người lớn tuổi, không phải là những viên chức nhà nước hay trong bộ máy quản lý hành chánh làng. Đây chỉ là những hương chức được đặt ra theo luật tục nhằm duy trì trật tự và bảo vệ thuần phong mỹ tục của làng. Trong một làng có thể có nhiều ông bộ, ông hương, ông lý và nhiều ông kiểm. Từ thời vua Tự Đức trở về trước, nhất là trước khi người Pháp hoàn thành công cuộc xâm lược nước ta vào năm 1885; thì các hương chức này thường do dân làng bầu. Họ hoặc là những vị quan chức về hưu, những người có uy tín trong làng, những người có công với làng, những nhà Nho… . Nhưng từ sau khi người Pháp chiếm đóng nước ta do kinh phí nhà nước bị người Pháp nắm nhằm phục vụ cho công cuộc xâm lược của họ; khiến cho kinh phí phục vụ xây dựng nông thôn VN bị hạn chế. Thì một số các chức danh này thường được đem ra bán, để làng lấy tiền phục vụ cho việc tu sửa đường sá đình chùa và phục vụ việc cúng tế trong làng.

Ai có tiền thì có thể bỏ tiền ra mua các chức danh này, nên thường dẫn đến những câu chuyện cười ra nước mắt là có một số ông bộ, hay ông hương trong làng không biết chữ. Trong khi quy định trước đó là cấp ông bộ, sau đó là xuống cấp ông hương là phải biết chữ (chữ Nho) - xin lưu ý là việc học hành thời xưa (học chữ Nho) không phải dễ dàng như việc học chữ quốc ngữ ngày nay đâu.

Nhưng tất cả rõ ràng muốn trở thành một ông “bộ”, đó phải là một người lớn tuổi – không ai mới đẻ ra đã thành ông bộ được. Vậy cái thành ngữ đẻ ông bộ ra cho làng nhờ là gì ? Và phải hiểu như thế nào cho đúng cái thành ngữ này ?

Tôi đã bắt đầu cái sự tò mò của mình bằng cách hỏi những người lớn tuổi trong làng, nhưng đa số họ đều không thể trả lời được theo ý tôi. Thậm chí một vài ông chú trong họ là người hay sử dụng cái thành ngữ này nhất, nhưng khi tôi hỏi thì các ông chú cũng không trả lời được, sau một hồi vòng vo cuối cùng các vị cũng ờ à cho qua chuyện ?
Vậy là tôi phải lao vào tìm tòi từ sách vở thôi.

Nhưng phải sau một quá trình rất dài tìm tòi tôi mới tìm ra được một lời giải rất đơn giản thậm chí là khá dễ dàng vì nó nằm ngay trước mắt tôi. Đó là câu chuyện về những viên thái giám, hay còn gọi là hoạn quan trong các cung cấm của các triều đại phong kiến VN xưa .

 Chùa Từ Hiếu tại Huế - nơi thờ tự các hoạn quan triều Nguyễn

Cũng giống như các triều đại phong kiến trước đây trong lịch sử của dân tộc, triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1945) vẫn duy trì việc sử dụng thái giám làm việc trong cung cấm.
Thái giám là những con người có số phận rất đặc biệt kể từ lúc mới chào đời (đối với giám sinh), hay kể từ khi bị thiến (đối với giám lặt) cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay rời xa cõi thế.

Với bài viết này, tôi hy vọng rằng sẽ cung cấp thêm một số kiến thức cho bạn đọc một câu chuyện còn ít người biết đến về cuộc đời của các thái giám trong triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam.
Vốn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa phương Đông, nên các triều đại phong kiến Việt Nam trong đó có triều đại nhà Nguyễn vẫn duy trì việc tuyển chọn thái giám để hầu hạ trong chốn hậu cung của nhà vua.

Nghĩa trang chùa Từ Hiếu, nơi chôn cất các hoạn quan sau khi họ chết.

Vậy thái giám là ai ? Theo các tư liệu lịch sử còn lưu lại cho đến ngày nay, thì thái giám có hai hệ, đó là "giám sinh" và "giám lặt".
Giám sinh : Họ là những người con trai khi sinh ra vốn dĩ đã bị khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục mà dân gian ngày nay thường gọi là "lại cái" hay "ái nam, ái nữ", đến tuổi trưởng thành không thể có khả năng quan hệ tình dục với người khác giới. Theo quy định dưới thời phong kiến, gia đình nào sinh ra một người con như thế phải lập tức báo với quan chức ở trong làng, rồi từ làng báo lên tổng, lên huyện, rồi báo với Bộ Lễ trong triều đình đương thời. Đứa trẻ ấy sẽ được ghi tên vào sổ theo dõi cho đến lúc cai sữa (có tài liệu cho rằng khoảng 10 hay 11 tuổi) thì sẽ được đón vào cung nuôi nấng theo nghi lễ trong cung. Đến tuổi trưởng thành, Bộ Lễ sẽ đưa vào nội cung để làm thái giám, phục vụ những công việc thường ngày trong chốn hậu cung của nhà vua.
Theo quy định, làng nào có gia đình sinh được "giám sinh" thì cả làng ấy được miễn thuế 3 năm và khi đứa con đó đã trở thành thái giám thì cha, mẹ, anh em ruột thịt sẽ nhận được rất nhiều đặc ân của triều đình. Những đứa trẻ đặc biệt ấy còn được người dân ( nhất là vùng Thuận Hóa – Phú xuân – Huế ) gọi là ông Bộ. Vì thế, mới sinh ra câu chuyện « ông bộ » rắc rối như nói trên đây .
Cho đến ngày nay thỉnh thoảng đâu đó chúng ta vẫn nghe các bà, các mẹ, các o ở các vùng quê xứ Huế khi đi chợ gặp lúc thời giá đắt đỏ, lại bị chủ hàng quán kèo nài mua hàng… thường là các bà, các mẹ buông một câu "ăn thứ đó (mặt hàng đắt đỏ) để đẻ ông Bộ cho làng nhờ à…", hoặc là trong những ngày hội hè ở các làng, xã, sau các hội thi mang tính tập thể, các đội thắng cuộc thường rất vui vẻ một cách tột bậc thì người ta thường ví niềm vui đó theo kiểu nói "vui như làng đẻ được ông Bộ".
- Giám lặt : Ngoài những thái giám có nguồn gốc là "giám sinh" thì trong hàng ngũ thái giám phục vụ trong Tử cấm thành còn có những ông "giám lặt". Mà câu chuyện những thiếu niên bình thường được chọn sẽ bị thiến từ khi còn nhỏ một cách khá đau đớn và dã man, sau đó bị đưa vào cung nuôi, đã khiến cho một số nhà nhiên cứu văn hóa thế giới cho rằng đây là một trong những tội ác của các chế độ phong kiến phương Đông. Sau khi bị thiến, đứa trẻ nam trưởng thành sẽ bị rụng râu, rụng lông, ăn nói yểu điệu, giọng the thé giống như con gái. Tất cả những bộ phận bị cắt bỏ sẽ được sao tẩm để cất giữ lâu dài, khi được thăng chức sẽ đưa thứ ấy ra để trình làm vật chứng và đến khi thái giám ấy chết thì "bảo vật" ấy sẽ được chôn theo thi thể.

Hoa mưng (cây lộc vừng) rụng đỏ mặt hồ chùa Từ Hiếu

Tôi cũng đã tham khảo một số tư liệu về chủ đề này của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông cho biết: Người làm thái giám trong cung gọi là hoạn quan. Hoạn có nghĩa là làm tôi tớ. Nhưng từ hoạn quan làm người đời hiểu từ hoạn là thiến (ví dụ như hoạn heo). Trong Tử cấm thành chỉ có một người đàn ông là đương kim hoàng đế, còn lại toàn là các bà phi tần, nữ quan, thị nữ. Từ việc sai vặt, hầu hạ vua và các bà hoàng thái hậu, các bà phi cho đến những việc nặng nhọc khác của đời sống trong cung cần sức lực của người dàn ông đều giao cho các thái giám..

Thái giám là những người thân cận nhất của vua và biết rất rõ về đời tư của vua; thậm chí là những bí mật cung đình, những bí mật của triều đại. Nên ở một số triều Vua, họ đã tận dụng những điều này nhằm đem quyền lợi về cho mình, thậm chí có lúc họ còn can thiệp vào việc triều chính là một thế lực khá mạnh trong việc tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong triều đình. Vì vậy, để tránh sự lộng quyền của các thái giám, nhà Nguyễn đã từng bước hạn chế những ưu đãi và quyền lực của giới thái giám trong hoàng cung triều Nguyễn; chỉ sử dụng thái giám trong cung vào những việc sai vặt chứ  không cho can dự vào việc triều chính như các triều đại trước. Bởi lẽ trước đó, nhà Nguyễn đã rút ra được một bài học về sự lạm quyền của cận thần thái giám Lê Văn Duyệt thời Nguyễn sơ (thời vua Gia Long).
Từ các sự kiện trên, ngày mồng 1 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 17 (tức ngày 17/3/1836) Vua Minh Mạng đã ra một chỉ dụ - Trong tờ dụ này, Vua Minh Mạng nói rõ là thái giám từ nay không được có một danh tước gì mà trong bất kỳ trường hợp nào họ cũng không thể được tiến cử vào hệ thống quan lại. Vua Minh Mạng cũng đã nhắc lại trong tờ dụ là  “ các thái giám chỉ để sai khiến và truyền các mệnh lệnh trong chốn nội đình và họ không được dính dáng đến việc triều chính, ai phạm phải quyết không dung tha ”. Đồng thời cho khắc vào bia dựng trước Quốc Tử Giám (Văn Thánh)  nêu rõ chủ trương này và truyền về sau cho hậu thế. Chỉ dụ này đã chấm dứt những sự lạm dụng thái quá của các thái giám dưới các triều Vua đầu thời Nguyễn .

Việc Vua Minh Mạng ra chỉ dụ là nhằm hạn chế các ưu đãi đối với thái giám vốn dĩ trước đó họ được hưởng, bên cạnh đó chỉ dụ còn hạ bệ các thái giám xuống địa vị của những kẻ hầu hạ. Tờ dụ của Vua Minh Mạng bắt buộc các thái giám không được đưa vào ngạch quan trường, nên đã tạo ra cho họ một hệ thống giai cấp đặc biệt để sắp xếp các ngạch, bậc và quy định lương bổng bằng lúa và quan tiền.
Đến thời Vua Đồng Khánh - năm thứ 2 (1887) có một vài thay đổi về lương tính bằng quan tiền được tăng lên. Đến thời Vua Thành Thái - năm thứ 2 (1890) lương của thái giám hàng tháng nhận bằng lúa và quan tiền bị bỏ hẳn và thay bằng đồng bạc.
Trong đời sống và đặc biệt là sau khi Vua Minh Mạng cho ra tờ dụ vào năm 1836, bản thân các thái giám không còn được hưởng bất cứ một vinh dự nào giống như các quan chức khác ở trong cung. Tuy nhiên, các thái giám lại mang về cho cho người thân một vài vinh dự. Theo quy định thì các thái giám nằm trong 3 hạng trên là Thủ đẳng, Thứ đẳng và Trung đẳng có thể đứng ra xin cho cha họ chức Nhiêu phụ, là chức được vĩnh viễn miễn thuế cũng như xin phong chức Miễn nhiêu (khỏi thuế cả đời) cho anh em hay cho cháu. Các thái giám hạng tư (Á đẳng) hay hạng năm (Hạ đẳng) thì không được xin gì cho cha mà chỉ có thể xin một chức Miễn nhiêu cho anh em hay cháu mà thôi…

Đây chỉ là một bài viết ngắn, trước là lời giải cho câu hỏi của chính tôi về một tập tục trong một làng quê tại xứ Huế. Nhưng sau cũng là một tư liệu, một câu trả lời - một lời khuyên cho những ai hiện đã và đang sử dụng câu nói “đẻ ông bộ cho làng nhờ” một cách vô thức. Nói mà không biết mình nói gì lại còn đi dạy bảo người khác là một điều hoàn toàn không nên./.

ĐKT
 24.7.2012                                                                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...