TẠI SAO TÔI KHÔNG ĐI CHÙA !


Chùa Tịnh Bình tại thành nội Huế


Ai cũng biết xứ Huế vốn được xem như là kinh đô của Phật giáo VN, hầu hết người dân xứ Huế là tín đồ của đạo Phật, trong đó có gia đình tôi. Gia đình tôi vốn là một gia đình Phật giáo thuần thành của nhà Phật tại Huế, ba tôi cũng là một Phật tử - chính ông đã được thầy Thích Đôn Hậu quy y và đặt pháp danh cho ông. Cho nên bản thân tôi vào những năm trước 1975 là một trong những Phật tử hăng say nhất của phong trào sinh hoạt Phật giáo tại Huế.

Thời gian đầu 1967- 1973 khi đang còn là một chú bé học sinh tiểu học trường làng, tôi cũng đã là một Phật tử của chùa làng đã tham gia đầy đủ các sinh hoạt của chùa Làng và một phần của cấp quận. Năm 1974 sau khi thi đậu vào trường trung học tôi phải khăn gói quả mướp lên thành phố trọ học, tôi ở trọ tại nhà một người dì trong thành nội Huế. Gần nhà dì tôi có một ngôi chùa khá lớn là chùa Tịnh Bình và tôi lại xin gia nhập Gia đình Phật tử, hoà vào sinh hoạt chung với các anh chị em trong chùa cũng như tham gia các cuộc lễ và các phong trào đấu tranh của Phật Giáo Huế. Tôi cũng tham gia các hội đoàn Hướng Đạo, hội Cầm thảo… và tham gia tập luyện võ thuật tại các võ đường nổi tiếng tại Huế.

Với đầu óc non nớt trẻ thơ của một chú bé nhà quê lần đầu ra thành phố học, trông tôi khá bỡ ngỡ. Nhưng theo thời gian tôi cũng “lớn lên” về mọi mặt vì lúc này tôi đã là một chú thiếu niên tròn 15 tuổi, do giống tốt nên cơ thể cao lớn như một anh thanh niên ngoài 20 tuổi, tôi đã bắt đầu quan sát thế giới bên ngoài và có những nhận xét của riêng mình. Bắt đầu từ những hành động và những việc làm rất nhỏ nhưng khó hiểu của quý thầy trong chùa, ví dụ như tại sao khi có lễ thì các thầy trang nghiêm và ăn lạt, nhưng khi hết lễ thì các thầy ăn mặn, đùa giởn với nhau như quỷ và sống khá phóng túng. Dần dần tôi thấy các thầy toàn là bàn chuyện đánh đấm, biểu tình và chuyện chính trị. Sau đó các thầy sai khiến chúng tôi thế này thế nọ toàn là chuyện động trời không cả, đến độ sợ quá tôi không dám tới chùa nữa. Nhưng các thầy lại sai một số bạn trong xóm gọi tôi đến và đe doạ tôi… nếu nói ra, sẽ thế này, thế nọ. Từ đó tôi hoàn toàn không dám tới chùa nữa, thậm chí khi có dịp về quê tôi cũng không tới chùa như là một sự dị ứng. Cũng từ đó tôi đã nhìn giới tu hành Phật giáo với cái nhìn hoàn toàn khác hẳn.

Sau này khi đến lập nghiệp tại tỉnh Đăk Lăk, tôi cũng có rất nhiều dịp tiếp xúc với giới tu hành Phật giáo thậm chí là làm việc trong một ban phụ trách tôn giáo nhưng tôi vẫn giữ một khoảng cách khá xa với họ. Trong những cuộc tang lễ của gia đình, của bà con cần phải tiếp xúc và nhờ cậy họ tuy tôi vẫn gọi họ là quý thầy nhưng không bao giờ xưng con với họ. Nói ra những điều này chắc sẽ có ai đó cho rằng tôi vơ đũa cả nắm và tôi là kẻ hữu khuynh; nhưng với tôi chùa chiền là cõi tâm linh nơi cần coi trọng niềm tin nhưng khi niềm tin không còn thì không nên tới – chỉ đơn giản vậy thôi.

Nếu nhìn rộng hơn một tí, thì các ngôi chùa ngày nay không còn mang yếu tố tâm linh tín ngưỡng như xưa. Mà đó là nơi người ta mua bán, tất cả đều là một sự mua bán công khai. Quy mô các ngôi chùa ngày càng to lớn, to lớn tới mức độ “doạ nạt”, nhưng thử hỏi để làm gì khi mà hàng triệu người dân vẫn đang còn thiếu ăn thiếu mặc, tại sao các vị không bớt chút đỉnh của cúng dường đó làm của bố thí cho những mãnh đời bất hạnh đang đầy dẫy ngoài cổng chùa kia chứ đâu xa. 
Một hiện tượng cũng khá lạ trong xã hội VN ta ngày nay là đã có một số khu du lịch tâm linh với quy mô xây dựng hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ mọc lên – tức là người ta vay tiền ngân hàng để xây những ngôi chùa to nhất, lớn nhất (rất nhiều cái nhất tự xưng về vật chất) để thu hút khách du lịch đến để người ta thu tiền. Tức là có tiền mới mua được vé, có vé mới vào được đất Phật (vào rồi phải mua những gì Phật bán kể cả thức ăn, nước uống). Thậm chí vào được đất Phật rồi, muốn vào đảnh lễ Phật vẫn bị cái thùng Phước Sương rất to nó chắn lối ta đến với Phật, tức nhiên là phải thò tay vào túi và làm thủ tục “đầu tiên” với nó !
Đây là những điều mắt thấy tai nghe mà kẻ ngoại đạo này từng được thưởng lãm tại khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính ở Ninh Bình và khu du lịch tâm linh Đại Nam ở Bình Dương.

Khi viết nên những dòng tự sự này tôi không nhằm mực đích là nói xấu ai cả và cũng không kêu gọi ai phải theo mình nhằm lên án ai đó. Trái lại vì công việc tôi phải tiếp tục tiếp xúc với giới Phật giáo và đã có một số nghiên cứu về lịch sử Phật giáo VN thậm chí là có hẳn một công trình nghiên cứu về phong trào đấu tranh Phật giáo tại Huế trong giai đoạn 1960 - 1973. Thời gian qua tôi đã giúp đỡ về mặt học thuật cho một số tu sĩ Phật giáo, hướng dẫn một số công trình nghiên cứu về Phật giáo cho họ !
Thậm chí tôi đang làm đề cương hướng dẫn bảo vệ một công trình về lịch sử Phật giáo cho tỉnh Hội Phật giáo Đăk Lăk. Các vị đã nhờ tôi giúp đỡ và tôi xem cá nhân các vị như là những người bạn văn, bạn viết.
Vì lý do trên nên hiện nay tôi có khá nhiều bạn viết là người trong giới tu sĩ Phật giáo, tất nhiên khi tiếp xúc với tôi họ cũng muốn tranh thủ thu phục thêm một tín đồ, nhưng sau khi tìm hiểu họ biết được tâm sự của tôi, họ mong tôi đến chùa là vì Phật – chứ đừng vì ai cả. Nhưng theo tôi khi niềm tin không còn thì tốt nhất là đừng làm phiền ai cả . 
Bài viết ngắn này nhằm trả lời chung cho một số thân hữu, vì một số vị quan tâm và thắc mắc sao tôi không đi chùa ./.

ĐKT
12.9.2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...