Dư địa chí Phong Điền


Bản đồ hành chính huyện Phong Điền

                 I. THỜI KỲ TỪ HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC ĐẾN NĂM 1306
Vào thời các vua Hùng bắt đầu dựng nước, vùng đất Phong Điền thuộc bộ Việt Thường Thị - 1 trong 15 bộ của nước Văn Lang. Năm 179 trước công nguyên, nước Âu Lạc (kế tục nước Văn Lang) bị sáp nhập vào nước Nam Việt (ở Trung Quốc) và chia thành hai quận, trong đó Phong Điền thuộc quận Cửu Chân. Đến năm 111 trước công nguyên, nhà Hán chiếm nước Nam Việt (gồm cả Âu Lạc cũ), đặt thành 9 quận, trong đó Âu Lạc cũ có 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Quận Nhật Nam ở xa nhất về phía Nam, gồm có 5 huyện là Tây Quyển, Tỷ Ảnh, Chu Ngô, Lô Dung và Tượng Lâm. Phong Điền bấy giờ thuộc huyện Lô Dung.
Năm 190, nhân dân Chăm Pa ở huyện Tượng Lâm nổi dậy giành quyền tự chủ và lập ra nước Lâm Ấp. Đến năm 248, Lâm Ấp tiến ra phía Bắc, lấy đất Thọ Lãnh (sông Gianh) lấy làm cương giới. Vùng đất này từ đó đến đầu thế kỷ XIV, lúc thì thuộc các triều đại phong kiến Trung Hoa, lúc lại thuộc nước Lâm Ấp (từ giữa thế kỷ IX gọi là Chiêm Thành).
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chế Củ. Chế Củ xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh để được về nước. Lãnh thổ Đại Việt về phía Nam đến huyện Bến Hải, Quảng Trị ngày nay.
Sau đó, vào thời vua “Trần Anh Tông năm Hưng Long thứ 14 (1306), chúa Chiêm Thành là Chế Mân sai sứ sang cầu hôn, vua gả cho Huyền Trân công chúa, Chế Mân dâng đất hai châu Ô, Lý làm lễ cưới; năm thứ 15, đổi hai châu Ô, Lý làm hai châu Thuận, Hoá”([1]). Như vậy, kể từ năm 1307, Phong Điền thuộc châu Hoá của nước Đại Việt.

II. THỜI KỲ 1307 - 1834
1. Giai đoạn 1307 - 1558
Nước ta vào cuối thời Trần đến thời Hồ có 24 lộ, phủ, trấn. Trấn Thuận Hoá gồm 2 châu: châu Thuận và châu Hoá. Châu Hoá gồm 7 huyện: Lợi Bồng, Thế Vinh, Sạ Lệnh, Bồ Đài, Bồ Lãng, Trà Kệ và Tư Dung. Phong Điền bấy giờ tương đương với huyện Bồ Đài và một phần của huyện Trà Kệ.
Năm 1407, nhà Minh chiếm nước ta, đổi tên nước là Giao Chỉ và chia thành 17 phủ, 5 châu. Phong Điền thuộc phủ Thuận Hoá. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông “định bản đồ trong nước” ([2]). Nước Đại Việt gồm 12 thừa tuyên, trong đó có thừa tuyên Thuận Hoá gồm 2 phủ: phủ Triệu Phong và phủ Tân Bình. Vùng đất Phong Điền bấy giờ thuộc huyện Đan Điền - 1 trong 6 huyện của phủ Triệu Phong (huyện Đan Điền gồm 60 xã, 14 thôn, 4 sách và 1 nguồn).
Cho đến giữa thế kỷ XVI, theo Ô châu cận lục của Dương Văn An, ở huyện Đan Điền có các làng nay thuộc Phong Điền là An Mục (An Lỗ, Phong Hiền), Đông Dã (Phong An), Hoa Lang (Hiền Lương, Phong Hiền), Thượng Lộ (Thượng An, Phong An), Bồ Điền (Phong An), Phù Đái (Phò Ninh, Phong An), Cổ Bi (Phong Sơn), Hiền Sĩ (Phong Sơn), Thế Chí (Thế Chí Đông, Điền Hải và Thế Chí Tây, Điền Hoà), Đông Lâm; và ở huyện Kim Trà có các làng nay thuộc Phong Điền là Cảm Quyết (Phước Tích, Phong Hoà), Dõng Cảm (Mỹ Xuyên, Phong Hoà), Vĩnh Cố (Vĩnh An, Phong Bình), An Triền (Hoà Viện, Phong Bình), Ưu Đàm (Ưu Điềm, Phong Hoà), Phò Trạch (Phong Bình), Lương Mai (Phong Chương), Đường Long (Chí Long, Phong Chương), Chánh Lộ (Chánh Lộc, Phong Chương), Kế Môn (Điền Môn), Trung Tuyền (Trung Đồng, Điền Hương), Vĩnh Áng (Vĩnh Xương, Điền Môn).
2. Giai đoạn 1558 - 1834
Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận Hoá và sau đó đất nước rơi vào sự phân liệt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, xứ Thuận Hoá thuộc Đàng Trong cuối thời chúa Nguyễn gồm 2 phủ, 8 huyện, 1 châu, 882 thôn, phường, giáp. Phủ Triệu Phong thuộc xứ Thuận Hoá gồm 5 huyện, trong đó có huyện Hương Trà và huyện Quảng Điền (thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi tên Kim Trà thành Hương Trà, Đan Điền thành Quảng Điền). Có thể tìm thấy nhiều làng xã nay thuộc Phong Điền vốn nằm trong địa bàn 2 huyện này:
Trong 9 tổng của huyện Hương Trà có 2 tổng: tổng Vĩnh Xương gồm 7 làng, 3 thôn (Vĩnh Xương, Hương Triền, Đường Long, Vân Lô, Siêu Loại, Hoà Viện, Kế Môn, Trung Tuyền, Đại Lộc và Chánh Lộc); tổng Phò Trạch 8 làng 2 thôn (Phò Trạch, Phú Nông, Vĩnh An, Trạch Phổ, Phước Giang, Lương Mai, Ưu Điềm, Đạm Xuyên, tứ chính An Thị và khách hộ Phú Xuân).
Trong 8 tổng của huyện Quảng Điền có 4 tổng: tổng Hoa Lang gồm 8 làng, 2 thôn, 2 phường (Hoa Lang, Cao Ban, Bồ Điền, Nam Dương, Cổ Tháp, Lãnh Tuyền, Cao Xá Thượng, Cao Xá Hạ, Ô Sa, Đông Lâm Thượng, Cương Gián Đông và Cương Gián Tây); tổng Đông Lâm gồm 9 làng, 1 thôn (Đông Lâm, Cổ Lão, Hương Cần, Nam Phù, Sài Lâm, Nghĩa Lộ, Dương Sơn, Cổ Bi, Long Đài và Trung Hoà); tổng Phò Ninh gồm 9 làng, 1 thôn, 1 phường (Phò Ninh, Chính Hoà, Hiền Sĩ, An Lỗ, Da Viên, Lai Xá, Lương Lộc, Phú Khang, Long Khê, Sơn Công Thượng, Vu Lai Thượng); tổng Phú Ốc gồm 4 làng, 2 phường (Phú Ốc, Bao La, Thủy Lập, Xuân Tử, Bác Vọng Đông Tây, Thế Chí Đông Tây).
Năm 1801, Nguyễn Ánh lấy ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang thuộc phủ Triệu Phong đặt làm dinh Quảng Đức. Tháng 12 năm Nhâm Ngọ (1822-đầu 1823), vua Minh Mạng đổi dinh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên.

III. THỜI KỲ 1835 - 1975
1. Giai đoạn 1835 - 1945
Tháng 12 Giáp Ngọ (đầu 1835), vua Minh Mạng đặt thêm ba huyện Phú Lộc, Hương Thủy và Phong Điền thuộc phủ Thừa Thiên. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về địa giới huyện Phong Điền như sau: “từ Cổ Bi xuống đến An Lỗ, ngang qua Hoa Lang, Sơn Tùng, lên đến Đường Long, Phú Nông, Chánh Lộc, rồi ngang qua sông đến Giáp Tây xã Thế Chí, trở ra ngoài, liền với đầu địa giới tỉnh Quảng Trị trở vào trong theo một dải ven biển đến Giáp Đông xã Thế Chí, tiếp giáp với ấp Cương Gián Tây. Sở thuộc gồm 40 xã, thôn, ấp, dân số hơn 7.330 người, điền thổ hơn 10.999 mẫu, chia làm 5 tổng. Huyện lỵ đóng ở địa phận xã Ưu Đàm” ([3]).
Đến thời Tự Đức, sách Đại Nam nhất thống chí chép về huyện Phong Điền: “Ở cách phủ 57 dặm về phía Bắc; Đông Tây cách nhau 94 dặm, Nam Bắc cách nhau 25 dặm, phía Đông đến biển, lại đến địa giới huyện Hải Lăng 20 dặm, phía Tây đến động núi 74 dặm, phía Nam đến địa giới hai huyện Hương Trà và Quảng Điền 24 dặm, phía Bắc đến địa giới huyện Hải Lăng 1 dặm. Nguyên là đất hai huyện Quảng Điền và Hương Trà, năm Minh Mệnh thứ 16 trích ra đặt huyện này; năm Tự Đức thứ 4 bỏ tri huyện do huyện Quảng Điền kiêm nhiếp. Lãnh 5 tổng, 40 xã thôn phường ấp giáp. Lỵ sở và trường học trước ở xã Ưu Điềm, nay bỏ” ([4]).
Theo Đồng Khánh dư địa chí (1885-1888), huyện Phong Điền gồm 5 tổng, 45 xã, thôn, ấp, phường, giáp. Cụ thể như sau:
Tổng Hiền Lương gồm 8 xã, thôn: 6 xã Hiền Lương, Da Viên, An Lỗ, Sơn Tùng Thượng, Cao Ban, Lương Mai và 2 thôn Cao Xá Thượng, Đông Lâm Thượng.
Tổng Vĩnh Xương gồm 6 xã, ấp, giáp: 3 xã Vĩnh Xương, Kế Môn, Đại Lộc, 1 ấp Mỹ Hoà, 2 giáp Giáp Đông xã Thế Chí, Giáp Tây xã Thế Chí.
Tổng Chánh Lộc gồm 7 xã, ấp: 6 xã Chánh Lộc, Phú Nông, Đường Long, Vân Trình, Thanh Hương, Trung Đồng, 1 ấp Hoà Xuân.
Tổng Phò Trạch gồm 11 xã, thôn, ấp: 8 xã Phò Trạch, Siêu Quần, Vĩnh An, Hoà Viện, Ưu Đàm, Trạch Phổ, Mỹ Xuyên, Phước Tích, 1 thôn Mỹ Cương, 2 ấp Phú Xuân, Thượng Nguyên.
Tổng Phò Ninh gồm 13 xã, ấp, phường: 7 xã Phò Ninh, Thượng An, Bồ Điền, Đông Dã Thượng, Hiền Sĩ, Cổ Bi, Xuân Lộc, 5 ấp Sơn Quả, Điền Xuân, Huỳnh Liên, Cổ Xuân, Lương Sĩ, 1 phường Thanh Tân.
Từ khi thành lập năm 1835 đến Cách mạng tháng Tám 1945, huyện Phong Điền vẫn gồm 5 tổng nói trên.
2. Giai đoạn 1945 - 1954
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tỉnh Thừa Thiên giải thể cấp tổng và thành lập cấp xã là cấp hành chính ở cơ sở cho thống nhất với toàn quốc. Huyện Phong Điền là 1 trong 6 huyện của tỉnh, từ 5 tổng tổ chức lại thành 9 xã là Phong Thái (tổng Phò Ninh cũ), Phong Dinh, Phong Thu và Phong Lâu (tổng Phò Trạch cũ), Phong Nhiêu (tổng Hiền Lương cũ), Phong Hải và Phong Khánh (tổng Chánh Lộc cũ), Phong Phú và Phong Thạnh (tổng Vĩnh Xương cũ).
Ngày 7-6-1949, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 47-SL thành lập xã Phong Chương thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên từ việc hợp nhất xã Phong Hải với xã Phong Khánh thuộc huyện Phong Điền và hai thôn Phú An, Phú Lễ thuộc huyện Quảng Điền.
Trong điều kiện của một vùng sau lưng địch, chính quyền tay sai Pháp ở tỉnh Thừa Thiên cũng có sự chia đặt và điều chỉnh các đơn vị hành chính nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của chúng.
Tháng 3-1947, thực dân Pháp phân chia các đơn vị hành chính ở tỉnh Thừa Thiên cơ bản trở lại như trước tháng 8-1945. Bấy giờ huyện Phong Điền gồm 5 tổng là Phò Trạch, Chánh Lộc, Hiền Lương, Vĩnh Xương và Phò Ninh.
Ngày 25-10-1947, Hội đồng Chấp chánh Lâm thời Trung kỳ ra Nghị định số 773, sáp nhập các làng Hưng Nhơn, An Thơ, Văn Quĩ, Câu Nhi, Mỹ Chánh, Hội Kỳ, Hà Lộ, Phù Kinh, Văn Trị và Hội Điền thuộc phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Ngày 23-4-1948, Hội đồng Chấp chánh Lâm thời Trung kỳ ra Nghị định số 508, sáp nhập 2 làng An Nhơn và Xuân Viên nguyên thuộc phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào huyện Phong Điền.
Ngày 21-5-1948, Hội đồng Chấp chánh Lâm thời Trung kỳ ra Nghị định số 629, tách làng Lương Mai thuộc tổng Hiền Lương, làng Ma Nê thuộc tổng Phò Trạch để sáp nhập vào tổng Chánh Lộc.
Như vậy địa giới của các tổng Hiền Lương, Phò Trạch, Chánh Lộc vào thời điểm này có sự thay đổi: tổng Hiền Lương bị thu hẹp lại (tách làng Lương Mai), tổng Phò Trạch cũng bị thu hẹp (tách làng Ma Nê), tổng Chánh Lộc được mở rộng thêm 2 làng Lương Mai và Ma Nê.
Ngày 9-7-1948, Chính phủ lâm thời Việt Nam ra Nghị định số 24/NĐ, sáp nhập làng Văn Phong (tổng An Thơ, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vào huyện Phong Điền.
Ngày 4-9-1948, Chính phủ lâm thời Việt Nam ra Nghị định số 227-NĐ, sáp nhập làng Xuân Lộc, Tân Lương và Tân Điền thuộc Tổng Cu Hoan, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào tổng An Thơ, huyện Phong Điền.
Ngày 4-11-1948, Chính phủ lâm thời Việt Nam ra Nghị định số 532-NĐ, thôi không sáp nhập hai làng An Nhơn và Xuân Viên vào huyện Phong Điền.
Ngày 30-4-1949, Chính phủ lâm thời Việt Nam ra Nghị định số 401 -NĐ, sáp nhập lại như cũ vào phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị 14 làng: Hưng Nhơn, An Thơ, Văn Quĩ, Câu Nhi, Mỹ Chánh, Hội Kỳ, Văn Trị, Hội Điền, Phú Kinh, Hà Lộ, Văn Phong, Xuân Lộc, Tân Lương, Tân Điền. Như vậy, lúc này địa giới của huyện Phong Điền lại trở về như cũ (trước ngày 25-10-1947).
Cho đến năm 1950, huyện Phong Điền gồm 5 tổng, 51 làng và 1 vạn, cụ thể như sau:
1. Tổng Phò Trạch gồm 16 làng, 1 vạn: 16 làng Phò Trạch, Vĩnh An, Ưu Thượng, Mỹ Xuyên, Phú Xuân, Phước Tích, Siêu Quần, Trạch Phổ, Hoà Viện, Ưu Đàm, Vĩnh Nguyên, Mỹ Cang, Khúc Lý, Hưng Thái, Lưu Phước, Hoà Mỹ, 1 vạn Ma Nê.
2. Tổng Phò Ninh gồm 12 làng: Phò Ninh, Cổ Bi, Xuân Lộc, Đông Dã Thượng, Bồ Điền, Sơn Quả, Thanh Tân, Cổ Xuân, Thượng An, Hiền Sĩ, Hiền An, Huỳnh Liên.
3. Tổng Hiền Lương gồm 8 làng: Hiền Lương, Cao Ban, Cao Xá Thượng, Sơn Tùng Thượng, Lương Mai, Đông Lâm Thượng, Da Viên, An Lỗ.
4. Tổng Vĩnh Xương gồm 8 làng: Vĩnh Xương, Kế Môn, Đại Lộc, Thế Chí Đông, Thế Chí Tây, Mỹ Hoà, Hải Nhuận, Tân Hội.
5. Tổng Chánh Lộc gồm 7 làng: Chánh Lộc, Thanh Hương, Phú Nông, Vân Trình, Chí Long, Hoà Xuân, Trung Đồng.
Ngày 23-7-1951, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 1079-NĐ/PC, sáp nhập các làng Mỹ Chánh, Hội Kỳ, Xuân Lộc và Lương Điền thuộc phủ Hải Lăng tỉnh Quảng Trị vào huyện Phong Điền.
Ngày 19-9-1951, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 1393-NĐ/PC thành lập tại tỉnh Thừa Thiên 15 khu vực hành chính, mỗi khu vực hành chính gồm một hay nhiều tổng từ các huyện trước đó. Khu vực hành chính Phong Điền, gồm 5 tổng (Phò Trạch, Hiền Lương, Phò Ninh, Chánh Lộc, Vĩnh Xương), lỵ sở đặt tại An Lỗ.
Như vậy, vào thời điểm này (theo chính quyền thực dân) huyện không còn tồn tại với tư cách như một đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh nữa.
Ngày 19-3-1952, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 382-NĐ/PC về việc các làng Mỹ Chánh, Hội Kỳ, Xuân Lộc và Lương Điền trở về phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị như cũ.
Ngày 2-10-1952, theo Nghị định số 1562-NĐ/PC của Thủ hiến Trung Việt, các làng Phước Tích, Mỹ Cang, Phú Xuân, Mỹ Xuyên và Ưu Điềm nguyên thuộc Khu vực hành chánh Phong Điền lại thuộc Khu vực hành chánh Mỹ Chánh, tỉnh Quảng Trị.
Ngày 23-12-1952, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 2300-NĐ/PC, sáp nhập làng Trạch Phổ vào Khu vực hành chánh Mỹ Chánh, tỉnh Quảng Trị.
Ngày 3-2-1953, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 170-NĐ/PC, sáp nhập làng Lai Xá, Cổ Tháp và Đông Lâm xóm nguyên thuộc Khu vực hành chánh Hạ Lang, huyện Quảng Điền vào Khu vực hành chánh Phong Điền.
Ngày 26-1-1954, Nghị định số 141 NĐ/PC của Thủ hiến Trung Việt, sáp nhập các làng An Lỗ, Bồ Điền, Thượng An, Phò Ninh, Đông Dã, Hiền Sĩ vào quận Quảng Điền.
3. Giai đoạn 1954 - 1975
Sau Hiệp định Genève (21-7-1954), nước ta tạm thời bị chia thành hai miền với hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau. Phong Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn.
Ngày 13-9-1954, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 2036-NĐ/PC, nêu rõ các làng Phước Tích, Mỹ Cang, Phú Xuân, Mỹ Xuyên, Ưu Điềm và Trạch Phổ trở lại thuộc Phong Điền.
Ngày 20-4-1956, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 711-NĐ/PC, thành lập 6 quận và 2 nha đại diện hành chính ở tỉnh Thừa Thiên. Quận Phong Điền bấy giờ gồm 9 xã như sau:
1. Xã Phong Sơn gồm các làng: Cổ Bi, Sơn Quả, Thanh Tân, Hiền An, Xuân Lộc, Cổ Xuân (6 làng này nguyên thuộc tổng Phò Ninh) và các làng: Tứ Chánh, phường Công Thành, phường Phổ Lại, Xuân Điền.
2. Xã Phong An gồm các làng: Hiền Sĩ, Thượng An, Phò Ninh, Bồ Điền, Đồng Dã (5 làng này nguyên thuộc tổng Phò Ninh), Đông Lâm (nguyên thuộc tổng Hiền Lương), Đông Lâm Hạ (được tách ra từ Đông Lâm, thuộc tổng Phước Yên).
Như vậy, tổng Phò Ninh, huyện Phong Điền được chia thành 2 xã mới là Phong Sơn và Phong An (trừ làng Huỳnh Liên được sáp nhập vào xã Phong Nguyên, quận Quảng Điền).
3. Xã Phong Hiền gồm các làng: An Lỗ, Da Viên, Cao Ban, Cao Xá, Sơn Tùng, Hiền Lương (6 làng này nguyên thuộc tổng Hiền Lương).
Như vậy, tổng Hiền Lương được đổi thành xã Phong Hiền (trừ làng Lương Mai được sáp nhập vào xã Phong Lộc).
4. Xã Phong Nguyên gồm các làng: Vĩnh Nguyên, Lưu Phước, Hưng Thái, Hòa Mỹ, Ưu Thượng, Khúc Lý (6 làng này nguyên thuộc tổng Phò Trạch), làng Huỳnh Liên (nguyên thuộc tổng Phò Ninh), và các phường Hòa Viện, phường Trạch Phổ, phường Khánh Mỹ, phường Trạch Tả, phường Trạch Thượng, phường Trạch Hữu, xóm Tân Trung (7 phường và xóm này nguyên thuộc tổng Phò Trạch).
5. Xã Phong Hòa gồm các làng: Phước Tích, Phú Xuân, Mỹ Xuyên, Mỹ Cang, Ưu Điềm, Trạch Phổ (6 làng này nguyên thuộc tổng Phò Trạch) và các vạn Chánh Tích, vạn Trạch Phổ (đây là 2 làng vạn đò đều ở mặt nước, không có địa phận).
6. Xã Phong Bình gồm các làng: Phò Trạch, Siêu Quần, Vĩnh An, Hòa Viện (4 làng này nguyên thuộc tổng Phò Trạch) và làng Vân Trình (nguyên thuộc tổng Chánh Lộc).
Như vậy, tổng Phò Trạch được chia thành 3 xã mới là Phong Nguyên, Phong Hòa và Phong Bình (trừ vạn Ma Nê được sáp nhập vào xã Phong Lộc).
7. Xã Phong Lộc gồm các làng: Hòa Xuân, Phú Nông, Chánh Lộc (3 xã này nguyên thuộc tổng Chánh Lộc), làng Lương Mai (nguyên thuộc tổng Hiền Lương), vạn Ma Nê (nguyên thuộc tổng Phò Trạch) và các thôn: Mỹ Phú, Chính An, Trung Thanh, Đại Phú. Như vậy, tổng Chánh Lộc được chia thành xã Phong Lộc (trừ làng Vân Trình được sáp nhập vào xã Phong Bình, các làng Trung Đồng, Thanh Hương được sáp nhập vào xã Phong Hương).
8. Xã Phong Hải gồm các làng: Thế Chí Đông, Hải Nhuận, Mỹ Hòa, Thế Chí Tây (4 làng này nguyên thuộc tổng Vĩnh Xương) và làng Thế Mỹ được tách ra từ làng Thế Chí (Đông và Tây).
9. Xã Phong Hương gồm các làng: Đại Lộc, Kế Môn, Vĩnh Xương, Tân Hội (4 làng này nguyên thuộc tổng Vĩnh Xương) và các làng Trung Đông, Thanh Hương (2 làng này nguyên thuộc tổng Chánh Lộc).
Như vậy, tổng Vĩnh Xương được chia thành hai xã mới là Phong Hải và Phong Hương. Riêng vạn Hòa Xuân (thuộc tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền nằm trong xã Quảng Lộc, quận Quảng Điền).
Sau đó, chính quyền Sài Gòn lại tiến hành chia nhỏ các quận và cải biến các Nha đại diện hành chính thành quận cho thống nhất với toàn tỉnh. Ngày 17-5-1958, Bộ trưởng Nội vụ chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 214 - HV/P6/NĐ, tổ chức lại hệ thống hành chính tỉnh Thừa Thiên, tỉnh lỵ đóng tại Huế, gồm có 9 quận, trong đó có quận Phong Điền và Hương Điền:
Quận Phong Điền, quận lỵ đóng ở Phong Nguyên, gồm 7 xã Phong An, Phong Bình, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Lộc, Phong Nguyên và Phong Sơn (còn lại 2 xã là Phong Hải và Phong Hương nguyên thuộc quận Phong Điền được tách ra để sáp nhập vào quận mới Hương Điền).
Quận Hương Điền, quận lỵ đóng ở Điền Hải, gồm 7 xã Điền An, Điền Hải, Điền Hòa, Điền Hương, Điền Lộc, Điền Môn và Điền Thái.
1. Xã Điền An được thành lập trên cơ sở dân cư và địa giới của xã Quảng An, nguyên thuộc quận Quảng Điền.
2. Xã Điền Hải được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 làng Thế Chí Đông và Hải Nhuận của xã Phong Hải, quận Phong Điền.
3. Xã Điền Hòa được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 làng Thế Chí Tây, Mỹ Hòa và Thế Mỹ của xã Phong Hải, quận Phong Điền.
4. Xã Điền Hương được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 làng Thanh Hương và Trung Đồng của xã Phong Hương, quận Phong Điền.
5. Xã Điền Lộc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 làng Đại Lộc và Tân Hội của xã Phong Hương, quận Phong Điền.
6. Xã Điền Môn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 làng Kế Môn và Vĩnh Xương của xã Phong Hương, quận Phong Điền.
7. Xã Điền Thái được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Hương Thái, quận Hương Trà với 2 làng Thai Dương Hạ và Thai Dương của xã Phú Thuận, quận Phú Vang).
Sau đó, chính quyền Sài Gòn tiếp tục điều chỉnh ranh giới một số xã. Ngày 13-6-1958, Bộ trưởng Nội vụ ra Nghị định số 315-BNV/HC/NĐ, chia xã Điền An làm 2 xã là Điền Mỹ và Điền Thành. Xã Điền Mỹ gồm có 4 thôn: Tân Mỹ, Minh Hương, Cương Gián Tây và Lãnh Thủy; xã Điền Thành gồm có 3 thôn: An Lộc, Thành Công và Cương Gián Đông. Như vậy, vào thời điểm 13-6-1958 quận Hương Điền gồm có 8 xã (trước đó quận Hương Điền có 7 xã).
Ngày 13-8-1964, Tổng trưởng Nội vụ ra Nghị định số 1017- BNV/NC, chia xã Điền Hải làm 2 xã là Thế Chí Đông và Hải Nhuận. Như vậy, quận Hương Điền gồm có 9 xã.
Theo tác giả Nguyễn Đình Đầu, quận Phong Điền và quận Hương Điền vào năm 1970 có diện tích và dân số ở các xã như sau:
Quận Phong Điền diện tích 306 kilômét vuông, dân số 36.221 người, gồm các xã Phong An (44,3 km vuông và 6.097 người), xã Phong Bình (18,9 km vuông và 7.608 người), xã Phong Hiền (58,6 km vuông và 3.420 người), xã Phong Hoà (37,8 km vuông và 7.719 người), xã Phong Lộc (33 km vuông và 5.099 người), xã Phong Nguyên (68,8 km vuông và 6.278 người), xã Phong Sơn (44,6 km vuông).
Quận Hương Điền (112,7 kilômét vuông và 36.062 người), gồm các xã Điền Hoà (11,9 kilômét vuông và 6.074 người), xã Điền Hương (19,7 kilômét vuông và 1.029 người), xã Điền Lộc (11,4 kilômét vuông và 2.332 người), xã Điền Môn (15,6 kilômét vuông và 2.211 người), xã Điền Mỹ (11,5 kilômét vuông và 5.474 người), xã Điền Thái (9,9 kilômét vuông và 6.317 người), xã Điền Thành (13,7 kilômét vuông và 5.098 người), xã Hải Nhuận (1,8 kilômét vuông và 2.515 người) và xã Thế Chí Đông (17,2 kilômét vuông và 5.012 người).
Về phía chính quyền cách mạng, Tỉnh ủy Thừa Thiên cũng có sự điều chỉnh các đơn vị hành chính.
Tháng 11-1957, Tỉnh ủy quyết định xây dựng miền núi Thừa Thiên thành căn cứ địa cách mạng. Từ giữa năm 1958 đến đầu năm 1959, phong trào cách mạng của nhân dân miền núi Thừa Thiên có những chuyển biến quan trọng, dẫn đến phong trào đồng khởi vào cuối năm 1960.
Đến năm 1963, tỉnh Thừa Thiên gồm có thành phố Huế, 6 huyện và 3 quận (miền núi), trong đó huyện Phong Điền gồm 8 xã: Phong Thái, Phong Thu, Phong Dinh, Phong Lâu, Phong Nhiêu, Phong Chương, Phong Phú và Phong Thạnh.
So sánh các đơn vị hành chính ở Phong Điền do chính quyền cách mạng và chính quyền Sài Gòn thiết lập:
Huyện Phong Điền        Quận Phong Điền
+ Phong Thái → Phong Sơn và Phong An        
+ Phong Thu → Phong Nguyên
+ Phong Dinh → Phong Bình
+ Phong Lâu → Phong Hòa
+ Phong Nhiêu → Phong Hiền
+ Phong Chương → Phong Lộc
+ Phong Phú → Phong Hải
+ Phong Thạnh → Phong Hương ([5])

IV. THỜI KỲ 1975 - 1995
Đại thắng Xuân 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: đất nước hòa bình, độc lập thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TƯ, quyết định hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Đến ngày 15-4-1976, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên ra chỉ thị số 293-CT/TU về việc hoàn thành hợp nhất tỉnh. Là 1 trong 20 huyện của tỉnh Bình Trị Thiên, huyện Phong Điền gồm có 14 xã: Phong Bình, Phong Hòa, Phong Hiền, Phong Sơn, Phong An (5 xã này nguyên thuộc quận Phong Điền), Phong Chương (nguyên là xã Phong Lộc, quận Phong Điền), Phong Thu, Phong Mỹ (2 xã này nguyên thuộc xã Phong Nguyên, quận Phong Điền), Điền Hương, Điền Hòa, Điền Môn, Điền Lộc (4 xã này nguyên thuộc quận Hương Điền), Phong Hải (nguyên là xã Hải Nhuận, quận Hương Điền) và Điền Hải (nguyên là xã Thế Chí Đông, quận Hương Điền). Ba xã còn lại của quận Hương Điền là Điền Mỹ, Điền Thành và Điền Thái được sáp nhập vào huyện Quảng Điền và huyện Hương Trà.
Cùng với việc hợp tỉnh, các huyện trong tỉnh Bình Trị Thiên cũng được hợp lại. Ngày 11-3-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 62-CP, hợp nhất huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền và huyện Hương Trà thành một huyện mới lấy tên là huyện Hương Điền. Huyện Hương Điền gồm 33 xã, trong đó có 14 xã nguyên thuộc huyện Phong Điền là Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương, Phong Hiền, Phong An, Phong Thu, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Hải, Điền Hương, Điền Hải, Điền Hòa, Điền Môn và Điền Lộc.
Ngày 13-3-1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 102-CP, về việc thay đổi một số đơn vị hành chính ở 2 huyện A Lưới, Hương Điền và thành phố Huế. Riêng tại huyện Hương Điền thành lập ở vùng kinh tế mới Bình Điền, Khe Điêng một xã mới, lấy tên là xã Hương Bình.
Ngày 18-5-1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 187-CP, thành lập ở khu kinh tế mới Ồ Ồ một xã mới, lấy tên là xã Phong Xuân. Địa giới xã Phong Xuân: phía Bắc giáp xã Phong Thu, phía Nam giáp huyện A Lưới, phía Tây giáp xã Phong Mỹ, phía Đông giáp xã Phong Sơn và xã Phong An.
Ngày 12-1-1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 7-HĐBT, điều chỉnh các thôn Trung Đồng, Trung Hải, Tân Hội, Mỹ Hoà, Thế Mỹ A, Thế Mỹ B của xã Phong Hải để nhập vào một số xã khác cùng huyện: tách thôn Trung Đồng để sáp nhập vào xã Điền Hương, tách thôn Trung Hải để nhập vào xã Điền Môn, tách thôn Tân Hội và thôn Mỹ Hoà để nhập vào xã Điền Lộc, tách thôn Thế Mỹ A và thôn Thế Mỹ B để nhập vào xã Điền Hoà. Sau khi cắt 6 thôn cho các xã nói trên, xã Phong Hải còn lại hai thôn Hải Nhuận và Hải Đông.
Ngày 14-4-1989, Bộ Chính trị có Quyết định số 87 QĐ/TW chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngày 30-6-1989, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính của tỉnh Bình Trị Thiên. Tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành 3 tỉnh mới lấy tên là tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có 5 đơn vị hành chính là thành phố Huế và 4 huyện, trong đó huyện Hương Điền gồm 1 thị trấn và 31 xã.
Đến ngày 29-9-1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 345-HĐBT, điều chỉnh lại địa giới các đơn vị hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế. Huyện Hương Điền được chia thành 3 huyện là Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền. Huyện Phong Điền với 107.132 ha diện tích tự nhiên và 82.844 nhân khẩu gồm có 15 xã: Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương, Phong Hiền, Phong An, Phong Thu, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Hải, Phong Xuân, Điền Hương, Điền Hải, Điền Hòa, Điền Môn và Điền Lộc.
Ngày 22-11-1995, Chính phủ ra Nghị định số 80-CP, thành lập thị trấn Phong Điền - thị trấn huyện lỵ của huyện Phong Điền trên cơ sở các thôn Vĩnh Nguyên, Trạch Thượng, Trạch Tả, Khánh Mỹ của xã Phong Thu và thôn Tân Lập của xã Phong An; với 1.821 ha diện tích tự nhiên và 4.502 nhân khẩu.

V. THỊ TRẤN VÀ CÁC XÃ, THÔN TRONG HUYỆN
Ngày 14-6-2000, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 1454/QĐ-UB “Về việc công nhận số thôn, bản của các xã và thị trấn thuộc huyện Phong Điền”. Theo quyết định này, huyện Phong Điền gồm 1 thị trấn, 15 xã, 146 thôn với số hộ cụ thể như sau:
1. Thị trấn Phong Điền (1.241 hộ) gồm 6 thôn: Trạch Tả (135 hộ), Tân Lập (117 hộ), Trạch Thượng trên (225 hộ), Trạch Thượng dưới (240 hộ), Vĩnh Nguyên (233 hộ), Khánh Mỹ (261 hộ).
2. Xã Phong Mỹ (912 hộ) gồm 8 thôn, 2 bản: 8 thôn Lưu Hiền Hoà (318 hộ), Tân Mỹ (204 hộ), Phước Thọ (79 hộ), Hoà Bắc (44 hộ), Huỳnh Trúc (46 hộ), Hưng Thái (60 hộ), Đông Thái (54 hộ), Phong Thu (36 hộ); 2 bản Hạ Long (53 hộ), Khe Trăn (18 hộ).
3. Xã Phong Xuân (962 hộ) gồm 15 thôn: Quảng Lợi (73 hộ), Quảng Lộc (50 hộ), Cổ Xuân (56 hộ), Bến Củi (34 hộ), Hiền An 1 (53 hộ), Hiền An 2 (53 hộ), Hiền An 3 (32 hộ), Phong Hoà (63 hộ), Xuân Lập (50 hộ), Bình An (89 hộ), Vinh Phú (94 hộ), Vinh Ngạn 1 (51 hộ), Vinh Ngạn 2 (50 hộ), Tân Lập (50 hộ), Điền Lộc (165 hộ).
4. Xã Phong Sơn (1.925 hộ) gồm 13 thôn: Đông Dạ (110 hộ), Hiền Sỹ (288 hộ), Cổ By 1 (157 hộ), Cổ By 2 (165 hộ), Cổ By 3 (159 hộ), Phe Tư (105 hộ), Sơn Bồ (86 hộ), Sơn Quả (245 hộ), Thanh Tân (138 hộ), Công Thành (118 hộ), Hiền An (82 hộ), Phổ Lại (74 hộ), Tứ Chánh (198 hộ).
5. Xã Phong An (2.221 hộ) gồm 7 thôn: Phò Ninh (625 hộ), Thượng An (654 hộ), Bồ Điền (360 hộ), Đồng Lâm (309 hộ), Vĩnh Hương (106 hộ), Phường Hóp (51 hộ), Đông An (116 hộ).
6. Xã Phong Hiền (1.425 hộ) gồm 13 thôn: Hiền Lương (219 hộ), Cao Xá (70 hộ), Sơn Tùng (250 hộ), Truông Cầu (42 hộ), An Lỗ (286 hộ), Cao Ban (212 hộ), Gia Viên (125 hộ), La Vần (22 hộ), Thượng Hoà (31 hộ), Hưng Long (54 hộ), Triều Dương (32 hộ), Bắc Thạnh (75 hộ), Vĩnh Nảy (34 hộ).
7. Xã Phong Thu (606 hộ) gồm 8 thôn: Huỳnh Liên (39 hộ), An Thôn (38 hộ), Vân Trạch Hoà (60 hộ), Trạch Hữu (140 hộ), Ưu Thượng (101 hộ), Đông Lái (123 hộ), Khúc Lý-Ba Lạp (48 hộ), Tây Lái (57 hộ).
8. Xã Phong Hoà (1.822 hộ) gồm 13 thôn: Phước Phú (144 hộ), Hoà Đức (70 hộ), Mè (45 hộ), Trung (230 hộ), Mỹ Cang (164 hộ), Đông Thượng (146 hộ), Trạch Phổ (333 hộ), Tư (117 hộ), Ba Bàu Chợ (152 hộ), Chùa-Thiềm Thượng (137 hộ), Niêm (142 hộ), Đức Phú (89 hộ), Thuận Hoà (53 hộ).
9. Xã Phong Bình (1.429 hộ) gồm 12 thôn: Đông Mỹ (72 hộ), Triều Quý (83 hộ), Tả Hữu Tự (62 hộ), Rú Hóp (87 hộ), Đông Trung Tây Hồ (109 hộ), Tây Phú Phò Trạch (60 hộ), Hoà Viện (72 hộ), Vĩnh An (291 hộ), Đông Phú (200 hộ), Trung Thạnh (128 hộ), Tây Phú Vân Trình (62 hộ), Siêu Quần (203 hộ).
10. Xã Phong Chương (1.557 hộ) gồm 9 thôn: Bàu (35 hộ), Nhất Phong (157 hộ), Mỹ Phú (305 hộ), Chính An (208 hộ), Trung Thạnh (146 hộ), Đại Phú (180 hộ), Lương Mai (238 hộ), Phú Lộc (246 hộ), Ma Nê (42 hộ).
11. Xã Điền Hương (538 hộ) gồm 5 thôn: Thanh Hương Tây (161 hộ), Thanh Hương Đông (160 hộ), Thanh Hương Lâm (157 hộ), Trung Đồng Tây (25 hộ), Trung Đồng Đông (35 hộ).
12. Xã Điền Môn (834 hộ) gồm 4 thôn: Vĩnh Xương 1 (159 hộ), Vĩnh Xương 2 (176 hộ), Kế Môn 1 (231 hộ), Kế Môn 2 (268 hộ).
13. Xã Điền Lộc (1.009 hộ) gồm 8 thôn: Nhất Đông (141 hộ), Nhì Đông (116 hộ), Nhất Tây (195 hộ), Nhì Tây (136 hộ), Giáp Nam (169 hộ), Hoà Xuân (49 hộ), Tân Hội (68 hộ), Mỹ Hoà (135 hộ).
14. Xã Điền Hoà (876 hộ) gồm 11 thôn: 1 (90 hộ), 2 (72 hộ), 3 (91 hộ), 4 (73 hộ), 5 (101 hộ), 6 (88 hộ), 7 (85 hộ), 8 (104 hộ), 9 (45 hộ), Thế Mỹ A (68 hộ), Thế Mỹ B (59 hộ).
15. Xã Điền Hải (1.211 hộ) gồm 8 thôn: Thế Chí Đông 1 (Xóm Chùa) (152 hộ), Thế Chí Đông 2 (Xóm Diêm) (151 hộ), Thế Chí Đông 3 (Xóm Nẩy) (151 hộ), Thế Chí Đông 4 (Xóm Lùm) (152 hộ), Thế Chí Đông 5 (Xóm Cày) (152 hộ), Thế Chí Đông 6 (Xóm Đò) (151 hộ), Minh Hương (152 hộ), Ngư Nghiệp (150 hộ).
16. Xã Phong Hải (902 hộ) gồm 4 thôn: Hải Thế (188 hộ), Hải Thành (248 hộ), Hải Đông (140 hộ), Hải Nhuận (326 hộ).


([1]) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập I. Bản dịch của Phạm Trọng Điềm. Nxb TH, H, 1992, tr 14.

([2]) Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập một. Bản dịch của Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm và Trần Văn Giáp. Nxb Giáo dục, HN, 1998, tr 1.073.

([3]) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập bốn. Bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử học. Nxb Giáo dục, HN, 2004, tr 448.

([4]) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập I. Sđd, tr 96.
(1) Phạm Xuân Thạch. Những thay đổi địa danh và địa giới hành chính ở Thừa Thiên Huế từ 1945 đến 2002. Luận văn Thạc sĩ lịch sử, trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, 2005, tr 79.

Theo Dư địa chí Phong Điền


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...