CÂU CHUYỆN PHỐ CỔ HÀ NỘI VỚI VĂN HOÁ TRÀNG AN !


Hà Nội năm 1945

Mới đây, tôi có đọc một bài viết trả lời phỏng vấn của một học giả người Việt hiện đang sống ở nước ngoài, một câu chuyện về tính cách của người Việt được tay viết báo này dẫn dắt khá hay. Ví dụ trước câu hỏi là “ phải chăng Việt Nam nghèo vì sai lầm về thể chế về chế độ chính trị”; thì anh đã có câu trả lời “ sự thật hoàn toàn không phải như vậy, mà một trong những lý do khiến cho người VN không thể hơn các dân tộc khác đó là người Việt luôn tìm cách áp đặt suy nghỉ của mình cho người khác; họ không chấp nhận người không cùng chính kiến với mình !”
Nếu đưa ra nhận định này với những người đang ở trong nước thì sẽ có rất nhiều phản biện là “tại, vì, bởi” nào là tế nhị là nhạy cảm. Nhưng không, thật quái lạ là cả những người Việt thậm chí khi sống tại nước ngoài và tuy là đang cùng chống cộng, nhưng những người chủ trương bạo động và những người chủ trương bất bạo động cũng coi nhau như kẻ thù. Nếu chỉ là sai lầm về thể chế, chế độ chính trị thì chúng ta dễ sửa, còn áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến của mình; theo học giả này là bản tính của dân tộc Việt – phải chăng như cổ nhân thường dạy rằng “ dời sông dời bể dễ dời - bản tính khó dời” thì lại là cả một câu chuyện khác !
Sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn ấy tôi cũng có suy nghĩ và thấy ý kiến của ông nhà báo này là có cơ sở. Hoá ra áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến của mình là "bản tính xấu của người Việt." !
Do đa số những người đọc đến những dòng bình luận này đều có thể là một anh công chức hay tư chức (hoặc đã từng) của một cơ quan hay xí nghiệp nào đó. Nên chúng ta thử minh chứng cái nhận định trên đây của ông nhà báo này bằng cách quan sát những hành động nhỏ nhất trong một cơ quan công quyền. Theo đó khi một ông sếp mới nhận nhiệm sở, ý niệm đầu tiên của ông ta là phải có sự thay đổi; không muốn giống người tiền nhiệm, muốn ghi dấu ấn của mình, trước hết là từ cái cổng của công sở sau đó sẽ là cái chỗ ngồi, lần lượt phải bị thay đổi … thành ra các công sở thường hay bị đập đi làm lại khi có sếp mới thậm chí cho dù đó là các công trình cổ. 
Trong khoa học, công nghệ người VN chúng ta không có thói quen làm tiếp, hay tiếp quản thành quả của người khác mà thích làm lại từ đầu. Tất cả dẫn đến lãng phí của cải chung của cả xã hội khiến giá thành sản phẩm cao và chậm nhịp độ phát triển. Một hậu quả xấu nữa là tổ chức, đơn vị sẽ thiếu tính sáng tạo vì không có người phản biện hoặc là tổ chức sẽ thiếu sự đoàn kết và không phát huy hết các tài năng cá nhân vì những người khác quan điểm hoặc sẽ phải dời đi hoặc ở lại thì thụ động, không dám thể hiện hết mình.
Ngay cả thói quen ăn uống, người Việt cũng đã thường áp đặt nhau: Người Việt ăn món gì thấy ngon thì luôn nghĩ người khác phải ăn thế mới ngon. Mình ăn hành, ăn tỏi, ăn mắm tôm, ăn thịt chó thì người khác cũng phải ăn, “không ăn phí nửa đời người”, “ăn tốt cho sức khỏe”, “ăn ngon lắm”… họ đâu có biết người không ăn được thì hoặc cơ thể họ không tiếp nhận được hoặc với họ ăn như một cực hình.

Hệ quả của việc áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến của mình sẽ vô cùng nguy hiểm cho xã hội nếu người đó có chức có quyền trong tay. Đất nước đã thống nhất 42 năm thế nhưng những định kiến vùng miền, định kiến quan điểm chính trị, kẻ thắng người thua … vẫn đang là một rào cản chưa thể vượt qua được để cùng nhau nhìn về một hướng. Đây chính là một trong những lý do khiến cho VN hiện nay đang lùi dần về nhóm cuối của các nước Đông Nam Á trên tất cả các tiêu chí !
Trở lại câu chuyện văn hoá, mấy năm gần đây đất nước ta có rất nhiều di sản văn hoá cả di sản văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể được thế giới công nhận là di sản thế giới. Nhưng qua câu chuyện này cá nhân tôi nghiệm ra một điều – phải chăng người Việt ta là một dân tộc vĩ đại với những công trình văn hoá có quy mô khổng lồ và cổ kính nên hiện nay lớp hậu duệ tha hồ say sưa hưởng thụ. Nhưng qua một số nghiên cứu với chỉ của mình, tôi cũng có thể khẳng định là không phải như vậy và những gì gọi là vĩ đại của ta chỉ là những cái rất nhỏ bé của thiên hạ - chẳng qua là người Việt ta chỉ khéo tâng bốc nhau mà thôi !
Nước Việt ta cũng như đa số các dân tộc tại khu vực Đông Nam Á thật sự chỉ mới thoát ra khỏi thời kỳ cổ đại và bắt đầu thành lập những nhà nước đấu tiên là khoảng từ trước hoặc sau thế kỷ thứ 10 sau Công Nguyên. Sớm nhất tại khu vực có nhà nước của người Khơmer từ thế kỷ thứ 7(SCN); sau một tí là nhà nước Chămpa của người Chiêm Thành; tới thế kỷ thứ 10 là nhà nước Đại Cồ Việt của triều Đinh. Thậm chí nước Thái Lan hùng mạnh ngày nay tới tận thế kỷ 13 mới hình thành nên nhà nước đầu tiên của người Thái. Còn tuyệt đại đa số các dân tộc trong khu vực cho tới tận thế kỷ 19 chỉ tồn tại dưới hình thức là những tiểu quốc nhỏ, với quy mô vài ngàn dặm vuông, dân số vài trăm ngàn người có cùng chủng tộc do một dòng họ nào đó cai quản, sống tự cung tự cấp và biệt lập với thế giới bên ngoài. 
Cũng có nhiều lý do lý giải cho câu hỏi tại sao tại khu vực này không có những quốc gia cổ đại lớn, với những công trình văn hoá lớn, phải chăng các dân tộc khu vực này tiến hoá chậm hơn các khu vực khác như khu vực Lưỡng Hà ở Trung Đông, lưu vực sông Nine, lưu vực sông Ấn – Hằng (Ấn Độ), khu vực sông Dương Tử (Trung Hoa)…nhưng đó là một chủ đề khác. Chủ đề của bài viết chỉ là trả lời câu hỏi tại sao VN ta không có các công trình văn hoá cổ - có quy mô lớn cở như Ăngko (Cambodia) hay chùa Vàng (Thái Lan)… Công trình thật sự có quy mô lớn có tầm cở khu vực và quốc tế duy nhất của VN là kinh thành Huế - nhưng công trình này cũng chỉ mới bắt đầu khởi công xây dựng năm 1803 dưới thời vua Gia Long (1802-1819) và hoàn thành vào những năm cuối thời vua Minh Mệnh (1820 -1840). Tức là cũng chỉ mới gần 200 năm.
Ở một khía cạnh khác là hầu hết các công trình văn hoá vật thể của VN được thế giới vinh danh có tuổi đời khá thấp và chỉ có giá trị về mặt lịch sử là chính chứ về mặt quy mô công trình thì khá nhỏ bé (trừ Hoàng thành Huế) và hầu như không để lại dấu ấn gì đặt biệt về mặt nghệ thuật kiến trúc. Nếu những nhà “Hà Nội học” nào đó vô tình đọc được những dòng này thì các vị sẽ lập tức sẽ nhảy dựng lên phản biện ngay ?
Với nào là thành Hà Nội ( Đại La, Thăng Long…) có từ thời Bắc Thuộc, trở thành trung tâm đất nước từ khi Lý Công Uẩn đời đô từ Hoa Lư về (năm 1010) và có quy mô hoành tráng có từ thời Lý – Trần – Lê, thời nào cũng để lại dấu tích và được công nhận là di sản thế giới .v.v…

Nhưng xin thưa rằng dấu tích thành Thăng Long xưa chỉ còn là một số dấu vết về nền móng, một số viên gạch lót nền, gạch trang trí vỡ nằm hoàn toàn dưới mặt đất, nó chỉ có giá trị khảo cổ và lịch sử là chính. Những gì còn lại trên mặt đất kể cả văn hoá phi vật thể là khá mờ nhạt; nếu không muốn nói là không có ?
Thành Hà Nội ngày nay chỉ mới được xây dựng lại dưới thời Vua Minh Mệnh (1823), với quy mô chỉ là thủ phủ của một trấn. Những gì gọi là văn hoá Tràng An, văn hoá Hà Thành một thời rực rỡ kéo dài gần 08 thế kỷ qua các triều đại Lý – Trần – Lê ; đã bị ông Vua cuối cùng của nhà Hậu Lê - Lê Chiêu Thống, trước khi bôn tẩu sang đầu hàng nhà Thanh (Trung Hoa) đã ra lệnh đốt phá kinh thành Thăng Long năm 1787 - đã huỷ hoại hoàn toàn những tàn tích văn hoá cuối cùng của nền văn hoá Thăng Long - Hà Nội !
Nhưng thực ra ngay từ năm 1527 - khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê (Lê Sơ) lập ra triều Mạc thì xã hội Bắc Hà luôn luôn lâm vào cảnh loạn lạc. Năm 1527 cũng là năm mở đầu giai đoạn chiến tranh Nam – Bắc triều suốt thế kỷ 16. Bắc triều (của nhà Mạc) lấy Dương Kinh (Hải Dương) làm kinh đô thứ hai, dựa vào quân bốn trấn Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam và Kinh Bắc để chống lại quân Nam triều (của các cựu thần nhà Hậu Lê - do Nguyễn Kim đứng đầu) cát cứ vùng Thanh Nghệ. Chiến trường khi thì ở trong Thanh Hóa, Nghệ An khi thì tại kinh đô Thăng Long hoặc Sơn Nam, Hải Dương tùy tình hình tương quan lực lượng hai bên. Hai lực lương này đánh nhau liên tục trong hơn 100 năm để tranh giành quyền lực, cuối cùng cũng đã có người thắng kẻ thua - nhưng người phải chịu hậu quả nặng nề nhất chính là người dân. Nhân dân đã gánh chịu tất cả thiệt hại, lâm vào cảnh đói kém bần hàn; kinh tế văn hoá và xã hội xứ Bắc Hà đã bị tàn phá nghiêm trọng. Những gì là đỉnh cao của một nền văn hóa - nghệ thuật đã không có đất để tồn tại. Nhất là “ văn hóa cung đình - bác học” và những tinh túy trong nghệ thuật kiến trúc thì càng không thể.
Năm 1592, Trịnh Tùng thắng trận quyết định lấy lại kinh đô Thăng Long và giết chết Mạc Mậu Hợp. Tàn dư nhà Mạc sau đó kéo lên Cao Bằng xây dựng thành luỹ nối dài công cuộc tranh giành quyền lực với nhà Trịnh thêm được một số năm nữa. Cho tới năm 1623 khi Mạc Kính Khoan thất bại trong cuộc chiến chiếm lại Thăng Long lần cuối cùng thì nhà Mạc kể như cáo chung. Có tài liệu cho rằng nhà Mạc kéo dài đến cuối thế kỷ thứ 17, nhưng họ không còn là một thế lực tại xứ Bắc Hà nữa, chỉ còn được coi như là một tù trưởng tại vùng núi non Cao Bằng ( tính ra họ Mạc làm chủ miền Bắc được 65 năm) .
Cuộc chiến Lê - Mạc đã làm suy yếu nội lực của Đại Việt, một quốc gia phong kiến tập quyền và khá cường thịnh lúc bấy giờ trong vùng Đông Nam Á. Những thành tựu kinh tế – xã hội đạt được thời Lê sơ dưới triều đại các vị anh quân Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông đều bị chiến tranh tàn phá. Đã làm cho chất lượng cuộc sống bị kéo lùi, nạn đói xảy ra khắp nơi ngay cả tại vùng lưu vực sông Hồng vốn là vựa lúa lớn nhất Đại Việt thời bấy giờ.
Sau năm 1788, khi nhà Tây Sơn lật đổ nhà Hậu Lê, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Quang Trung - định đô tại thành Phú xuân của trấn Thuận Hoá (Huế ngày nay). Thì trọng tâm của đất nước đã chuyển về phía Nam, kinh đô của thể chế Quân chủ đang điều hành đất nước – không còn ở đất Tràng An nữa mà đã là Phú Xuân. Mọi tinh hoa của một nền văn hóa - văn hiến của cả quốc gia từ đó đều được quy tụ về Phú Xuân.
Cho nên những ai nghiên cứu về lịch sử văn hoá Thăng Long - Hà Nội xin hãy nhớ cho: - Thành Thăng Long với vai trò vị trí là kinh đô của nước Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, niềm tự hào của sĩ phu và dân chúng Bắc Hà, sự thực đã chấm dứt vai trò lịch sử ngay từ năm 1788 dưới triều Tây Sơn chứ không phải là đợi tới năm 1802 dưới thời Gia Long, vị vua mở đầu triều Nguyễn như nhiều người lầm tưởng.
Đánh dấu cho sự chấm hết cuối cùng của một nền văn hoá Tràng An một thời rực rỡ là sự kiện năm 1786, khi họ Trịnh thất bại trong việc khôi phục lại địa vị, Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành, Lê Chiêu Thống ngầm cho người đốt phủ chúa đi. Đám cháy lan khắp kinh thành và cháy trong mười ngày liền, thiêu rụi phủ chúa và phần lớn thành Thăng Long, làm mất đi một quần thể kiến trúc đẹp của Thăng Long – Hà Nội. Điều này được sách Hoàng Lê nhất thống chí chép như sau: ” …Sớm hôm sau, hoàng thượng mới biết là Án Đô vương đã trốn đi lúc ban đêm tức thì ngầm sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt….” 
" Thế là hai trăm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc đã thành bãi đất cháy đen. Xa gần nghe thấy tin đó, ai cũng thương chúa và trách vua làm quá đáng. Hôm ấy nhằm ngày mồng 8 tháng chạp năm Bính Ngọ (1786)...” ( Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, trang 187).

Qua sự kiện này chúng ta cũng biết thêm được một tội ác nữa của ông vua cuối cùng của nhà Hậu Lê - vua Lê Chiêu Thống chính là kẻ đã ra lệnh hủy hoại các công trình kiến trúc có giá trị cuối cùng của Thăng Long (chứ không phải Nguyễn Hữu Chỉnh làm chuyện này như nhiều sách đã viết) .
Năm sau 1787, Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Chiêu Thống bỏ kinh đô bôn tẩu và cùng Thái hậu chạy sang Quảng Tây cầu viện nhà Thanh. Xứ Bắc Hà trở thành một phần lãnh thổ của Tây Sơn và kể từ đây Thăng Long không còn là kinh đô nữa. 

Năm 1788, Nguyễn Huệ sau khi lên ngôi hoàng đế Quang Trung tại kinh đô Phú Xuân trước khi Bắc tiến tiêu diệt 29 vạn quân Thanh. Mười ba năm sau (1802), Nguyễn Vương lên ngôi hoàng đế cũng tại kinh đô Phú Xuân. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, kinh đô Phú Xuân hai lần chứng kiến hai cuộc lên ngôi chính danh của hai vị hoàng đế - trong cả hai lần, Thăng Long đều đóng vai trò chứng nhân lịch sử một cách thụ động.

Có thể nói Thăng Long trở thành phế đô là một tất yếu của lịch sử, do sự tác động chính từ bên trong (sự mục ruỗng thối nát của chế độ Lê-Trịnh) chứ không phải do một thế lực bên ngoài nào, Tây Sơn chỉ đóng vai trò là người kết thúc mà thôi. Nếu không phải là Tây Sơn thì cũng là một lực lượng khác từ phía Nam hoặc từ phía Bắc tiến vào xóa sổ nhà Lê mạt như lời của Vũ Văn Nhậm. Nếu xâu chuổi các sự kiện lại và đánh giá một cách nghiêm túc thì Thăng Long sụp đổ là một biến cố rất logic, bởi vượng khí đã lụi tàn.
Nếu có ai đó có thể vì nuối tiếc mà sinh lòng oán ghét cái mới nhưng nếu bình tâm xem xét thì Thăng Long lúc ấy (những năm cuối thế kỷ 18) đã thua xa Phú Xuân và Gia Định về mọi mặt : kinh tế suy thoái, trật tự suy đốn, đạo lý lụi tàn, dép mũ đảo lộn. Điển hình là việc viên trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Cảnh Thước trấn lột cả vua Lê Chiêu Thống thế cô đang trên đường bôn tẩu . “Thước lại cho người đuổi theo lột chiếc áo ngự bào vua đang mặc. Vua ứa nước mắt cởi áo ngự bào trao cho chúng, rồi chạy về núi Như Thiết”. Thật khác với vua Gia Long, dù bao phen bị Tây Sơn truy đuổi gay gắt thập tử nhứt sinh nhưng đều vượt qua được nhờ sự chở che của người dân miền Nam. 
Về mặt quân sự, hãy nghe những lời giễu cợt của tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở, “trưởng ban quân quản” Bắc thành nói với viên quan cựu Lê lưu dụng là Ngô Thời Nhậm ” …nếu giặc Thanh có sang thì phiền ông làm một bài thơ để lui quân giặc, nếu không thì túi đao bao kiếm là phận sự của kẻ võ thần, can gì phải quá lo …” hoặc những lời khích tướng của Nguyễn Hữu Chỉnh khi khuyên Nguyễn Huệ thừa thắng tiến ra đánh lấy Bắc Hà “xứ ấy không còn nhân tài” mặc dù hơi miệt thị nhưng cũng có phần sự thật như sau này lịch sử đã chứng minh. Qua đó, chúng ta thấy Thăng Long không tự bảo vệ được mình, các đạo quân chiếm đóng lần lượt đến rồi đi như quân Tây Sơn của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ (1786), quân Nghệ An của Nguyễn Hữu Chỉnh (1787), quân Tây Sơn của Vũ Văn Nhậm (1787), quân Thanh xâm lược của Tôn Sĩ Nghị (1788), quân Tây Sơn của vua Quang Trung (1789) rồi sau này là quân Nguyễn của vua Gia Long (1802) thay nhau vào ra Thăng Long như chốn không người, một phần bởi địa hình công dễ thủ khó nhưng phần lớn do tướng bất tài, quân bê trễ, triều đình không còn kỷ cương.

Nêu xâu chuỗi các biến cố lịch sử có ảnh hưởng đến đại cục đất nước qua ba thế kỷ thứ 16, 17 và 18, ta thấy luôn luôn xảy ra ở phương Nam, là xuất phát điểm cho những mầm mống mới : Lê trung hưng (1533), Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa(1558), Tây Sơn khởi nghĩa (1771), chúa Nguyễn xưng vương (1780), Quang Trung xưng đế (1788) và cuối cùng là vua Gia Long lên ngôi (1802).
Sau ngày thống nhất đất nước, vua Gia Long cũng không chọn Thăng Long làm kinh đô vì nơi ấy không còn là trung tâm Đại Việt nữa. Các chúa Nguyễn đã mỡ cõi rất xa về phía Nam suốt hai thế kỷ (1611-1760), đến tận Phú Quốc và Côn Đảo. Định đô ở Phú Xuân là một quyết định sáng suốt, phù hợp với tình hình Việt Nam lúc bấy giờ. Nhà Thanh sau đó đã phong cho Gia Long làm vua nước Việt Nam, Thăng Long trở thành Bắc thành, ngang với Gia Định thành. Huế tiếp tục là kinh đô cho đến khi thực dân Pháp chia ba đất nước bằng hòa ước Giáp Thân 1884 (Hòa ước Patenôtre). 
Thật tế này đã minh chứng, Đàng Trong đã trở thành đầu tàu thay đổi mang tính lịch sử và kéo trọng tâm quốc gia – dù là được nhìn theo nghĩa chính trị, kinh tế hay thậm chí văn hoá – về hướng nam từ thế kỷ 17 .

Tóm lại, “hào khí Thăng Long” trải qua các đời Lý, Trần, Lê đến cuối thế kỷ XVIII đã lụi tàn, cùng với việc ra đời của vương triều Nguyễn, kinh thành Huế (Phú Xuân) trở thành trung tâm đất nước về mọi mặt hành chính, kinh tế, văn hóa, quân sự là một sự thay đổi hợp quy luật biến đổi thịnh suy của vạn vật. Không có gì lạ ! Hoàn toàn không phải vì “… khiếp nhược trước phong trào nhân dân mà nhà Nguyễn không dám đóng đô ở Thăng Long, phải dời vào Huế…”, như lời nhận xét hàm hồ của một số người.

THAY LỜI KẾT:

Sau năm 1975, khi Hà Nội được chọn làm thủ đô của nước Việt Nam thống nhất ; có thể vì mặc cảm thất thế của người Tràng an trong bối cảnh lịch sử những năm cuối của thế kỷ 18, một số nhà nghiên cứu về Hà Nội mà người ta gán cho họ cái danh xưng nhà “Hà Nội học” và một số vị chức sắc ; họ đã vẽ ra những điều vô căn cứ, xa rời sự thực vì nhiều mục đích khác nhau về văn hoá Tràng An và Hà Nội ngàn năm văn hiến. Vì như thật tế lịch sử trình bày trên đây, thì thành Hà Nội ngày nay chỉ mới được xây dựng lại dưới thời Vua Minh Mệnh (1823) từ một đống gạch vụn với quy mô rất nhỏ chỉ là thủ phủ của một trấn gọi là Bắc Thành như ngày nay ta đã thấy.

Sở dĩ có bài viết này là vì gần đây tôi có đọc một số công trình nghiên cứu và một số bài viết về văn hoá Hà thành và nếp sống của người Tràng An của một số nhà nghiên cứu này. Vui cũng nhiều nhưng buồn cũng không ít khi thấy một cái gì đó khá khiên cưỡng trong những bài viết này; hay xin nói thẳng ra là nó có một cái gì đó không thật. Hoặc nói đúng hơn là các tác giả này hình như là đang “ tìm cách áp đặt suy nghỉ của mình cho người khác !”. 
Vì vui sao được khi họ gọi những khu phố Tây thời thuộc địa là những khu phố cổ - là biểu trưng của văn hoá Hà Thành cần phải bào tồn bào tàng ?

Cũng không thể không buồn khi họ tìm kiếm thật nhiều các di tích di sản nhằm đua tranh số lượng với thiên hạ bằng cách xếp cây cầu sắt xe lửa (cầu Long Biên) do người Pháp mới xây vào những năm đầu thế kỷ 20 chủ yếu là phục vụ cho việc khai thác thuộc địa thành di sản quốc gia. Thậm chí họ huy động cả một bộ máy chính quyền và nhân dân địa phương để bào vệ cây cầu này khi có chủ trương dẹp bỏ đống sắt vụn này để xây một cây cầu hiện đại mới tạo nên một cảnh quan thông thoáng cho mặt nước sông Hồng.
Ô hay không lẽ văn hoá Tràng An chỉ có thế thôi sao ?
Cũng với mục đích là “ tìm cách áp đặt suy nghỉ của mình chọ người khác " và để chứng minh ý tưởng của mình là chân lý; họ tìm cách xem nhẹ và hạ thấp ý nghĩa lịch sử của một số sự kiện lịch sử quan trọng khác, thậm chí là xem nhẹ giá trị văn hoá của các di tích văn hoá lớn trong các vùng miền khác.
Ngoài ra với vị thế của mình, họ tìm cách phản biện và không chấp nhận người không cùng chính kiến với mình . Một ví dụ rất cụ thể ở đây là khi có một số ý kiến của những nhà nghiên cứu tâm huyết với lịch sử dựng nước và mở nước của cha ông, đã có những nhận xét đánh giá công tâm về Vương triều Nguyễn : công tội phân minh. Thì họ chỉ chăm chắm nhìn vào những hạn chế của nhà Nguyễn như cấm đạo hay chính sách bế quan tỏa cảng hoặc thái độ bảo thủ cố chấp của vua Tự Đức khiến Việt Nam mất đi cơ hội duy tân, nhất là trách nhiệm của các vua triều Nguyễn trong việc để mất nước vào tay thực dân Pháp, mà không nhìn thấy công lao của các chúa và vua nhà Nguyễn trong sự nghiệp mở nước và thống nhất đất nước là một thiếu sót rất lớn nếu không muốn nói là bất công.
Điều này hoàn toàn đi ngược lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Đạo đức của người làm sử xưa nay đều không cho phép các quan thái sử có một cái nhìn thiên kiến như vậy, nhất là các nhà mô phạm với thiên chức truyền thụ kiến thức cho đời sau. Miền Nam được cho là cái nôi cho nhà Nguyễn trung hưng phục quốc, càng về phía Nam thì lòng dân ủng hộ nhà Nguyễn càng nhiều, nhưng họ vẫn đề cao, ghi công chống ngoại xâm cho vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Đã đến lúc cần phải có một thái độ công bằng đối với lịch sử. Một sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân.
Cách đây đã nhiều năm, tôi có một người bạn vốn là một nhà nghiên cứu Huế lão thành sống tại nước ngoài, trong một dịp gặp nhau – khi chúng tôi trao đổi về một giai thoại “ Huế là món quà cưới của một người con gái họ Trần !”, anh có nói với tôi rằng “tôi mơ ước có một ngày được nhìn thấy tại cố đô Huế Đài kỷ niệm Công chúa Huyền Trân…” 
Thưa anh, giấc mơ của anh đã thành sự thật, tại Huế những hậu duệ của những người đi mở cõi đã xây hẳn một ngôi đền rất to thờ nàng Công chúa Huyền Trân ./.


Đinh Khắc Thiện
ngày 24.02.2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...